Bạn đang đọc Rừng Chưa Thay Lá: Chương 5
Sáng nay chủ nhật, Di không phải đến lớp, cô cho phép mình nằm nướng một chút. Đêm qua, giấc ngủ chập chờn đầy mộng dữ làm cô mệt đừ. Trong mơ, Di thấy minh chở Trác trên chiếc Citi không thắng, chiếc xe lao xuống dốc, phía sau là ông chú điên của Cần. Ông ta mặc áo choàng đen, răng nanh mọc dài như Dracula, vỗ cánh bay đuổi theo cô và Trác. Ông ta đuổi, cô lái xe chạy vòng vèo đổ những con dốc thắng đứng. Di cố hét thật to để thoát khỏi cơn rượt đuổi kinh khủng đó. Nhưng khi vừa thiu thiu ngủ, Di lại bị rượt nữa.
Ôm cái gối vào lòng. Di thắc mắc. Không hiểu sao ông chú bị điên của Cần lại xuất hiện trong giấc mơ của Di, trong khi lâu lắm rồi, cô chẳng hề nghĩ tới ông ta? Ngay cả lần bị ông ta làm hết hồn, Di cũng không hề mơ thấy. Có bao giờ ông ta làm cậu chủ Trác té xe không?
Bỗng dưng, Thiên Di thắc thỏm với thắc mắc của mình. Thử tưởng tượng một chút xem. Này nhé, giữa bóng chiều chạng vạng, một người quen chạy xe với tốc độ cao đang thả hết tốc độ thì phải thắng gấp vì một vật cản nào đó trước mặt.
Chà! Nếu vật cản ấy là ông chú bị điên của Cần, thì người lái xe buông tay vì khiếp đảm cũng chẳng có gì lạ. Nhưng cậu chủ Trác đâu phải hạng yếu bóng vía như Di, với lại cậu ta là người vùng này, chắc thế nào cũng biết chú của Cần. Nếu vậy làm sao có chuyện cậu Trác sợ đến mức lạc tay lái, đâm đầu xuống vực?
Mọi suy đoán của Di coi bộ trật hết chín mươi phần trăm rồi. Vậy thì đoán làm chi chuyện thiên hạ ệt.
Lười biếng, Di rúc vào chăn, lơ mơ ngủ tiếp. Nhưng có muốn cách mấy, cô cũng không ngon giấc được. Cuối cùng, Di tung mền ngồi dậy.
Trong nhà, mọi người đi đâu vắng cả rồi. Di làm vệ sinh cá nhân, ăn điểm tâm, uống hết ly sữa, tiêu chuẩn dì Thuỷ bắt buộc mỗi ngày rồi lót tót ra vườn.
Vừa tới chiếc ghế đá quen thuộc nằm dưới bụi tầm xuân um tùm, Di đã thấy cậu chủ Trác. Cậu ta đang trầm tư suy nghĩ chuyện hôm qua chắc?
Quay người, Di định trở vào thì nghe Trác cao giọng:
– Tới đây, Thiên Di.
Ngần ngừ một thoáng, Di bước đến, đứng trước mặt Trác:
– Thưa ông, có chuyện gì không ạ?
– Đương nhiên là có. Nhưng hãy ngồi xuống trước đã.
Nheo đôi mắt rất sắc, nhưng hơi mệt mỏi và thâm quầng, Trác nhếch môi:
– Cô là người thức dậy trễ nhất trang trại này đó.
Bất ngờ vì lời phê bình thiếu tế nhị này. Di ngơ ngác mất mấy giây, nhưng ngay sau đó, cô phản ứng liền:
– Vâng. Thưa ông, tôi có quyền sử dụng ngày nghỉ của mình mà.
Gương mặt vẫn bình thản trước phản ứng của Di, Trác nhỏ nhẹ:
– Thế đêm qua Di ngủ ngon không?
Di rùn vai:
– Toàn là mơ thấy ác mộng. Gần sáng, tôi mới ngủ được.
Trác lộ vẻ ray rứt:
– Tôi đoán thế nào Di cũng khó ngủ. Xin lỗi, cũng tại tôi làm ảnh hưởng.
Thiên Di khẽ cười:
– Sao ông lại nói vậy? Ông gặp tai nạn, và chuyện ấy đâu ai muốn xảy ra.
Trác trầm giọng:
– Tôi cảm ơn những gì Di đã làm cho tôi chiều hôm qua, cảm ơn cả giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị nữa.
Di chớp mắt. Thì ra ông ta cũng mồm mép gớm.
Trác chợt hỏi:
– Cô đã thấy gì trong cơn mộng dữ ấy?
Thiên Di nhíu mày:
– Ông muốn biết à?
Trác gật đầu:
– Có gì bất tiện không?
Thiên Di chống cằm:
– Đâu có gì. Nhưng giấc mơ rất kỳ cục và ghê sợ. Trong mơ, tôi thấy đang chở ông trên chiếc Citi, nhưng khổ nỗi chiếc xe ấy không có thắng. Xe đang đổ dốc, phía sau có một người điên đuổi theo. Tôi la muốn vỡ ngực, nhưng chẳng ai nghe để cứu chúng ta.
Trán Trác cau lại, anh ngắt ngang lời Di:
– Cô bảo sao? Có một người điên đuổi theo chúng ta à?
Thiên Di cắn môi:
– Vâng.
– Sao cô biết người đó điên?
– Tôi không biết nữa. Trong giấc mơ, tôi luôn nghĩ đó là một người điên.
Trác ngập ngừng:
– Chắc hôm qua cô nghe những người trong nhà xì xầm gì đó nên mới mơ như thế chớ gì?
Thiên Di ấm ức:
– Có ai nói với tôi đâu. Ngay cả lý do vì sao ông té, tôi còn không biết. Đã vậy còn bị dì Thuỷ mắng.
Trác ngạc nhiên:
– Chị ấy mắng chuyện gì?
Di tuôn một hơi:
– Dì Thuỷ mắng tôi tội hay lang thang. Nhưng ở đây, ngoài cái thú lang thang, tôi biết làm gì cho hết thời gian?
Trác nói:
– Tại chị Thuỷ lo cho sự an toàn của cô.
– Ở đây đâu có gì bất an. Từ ngoài đường dẫn vào nhà là đất của ông, trộm cướp nào dám phá phách chớ.
Thấy Trác im lặng, Di cũng làm thinh. Lát sau, Di dè dặt hỏi:
– Vết thương hành ông dữ lắm hả?
Trác lơ đãng:
– Ờ.
– Sáng nay đã đỡ chưa?
– Rồi. Thiên Di nè! Cô vào phòng sách lấy hộ tôi cái hộp quẹt và gói thuốc nhé.
– Vâng.
Di lẹ làng trở vô nhà. Tới phòng sách, cô đảo mắt một vòng và thấy trên bàn, bình hoa trước kia của cô nằm ở giữa với những nụ hoa khô quắt queo, dúm dó, đen đúa trông xấu làm sao. Kế bên bình hoa là một gạt tàn đầy ắp các đầu thuốc. Có lẽ đêm qua ông chủ đã hút rất nhiều thuốc, và sáng nay tiếp tục hút nữa. Một vết thương trên đầu lại có ảnh hưởng đến tận tim sao kìa?
Thiên Di nhún vai, cầm gói thuốc và cái hộp quẹt, trở ra.
Trác đỡ lấy và lịch sự hỏi:
– Khói thuốc không làm Di khó chịu chớ?
Thiên Di lơ lửng:
– Tôi nói có hay không thì cũng vậy thôi mà.
Trác gắt gỏng:
– Cô thích làm người khác bực mình lắm phải không?
Di liếm môi:
– Tôi thích nói thật. Và sự thật nhiều khi làm người khác bực mình, chớ không phải tôi làm họ bực mình.
Trác hừ trong mũi:
– Có cá tính lắm. Dường như các cô gái xuất hiện quanh tôi, cô nào cũng cố tìm cách gây ấn tượng bằng nhiều kiểu để tạo sự chú ý. Thật là chán ngấy! Tôi tưởng cô phải thông minh hơn người chớ.
Mặt Di đỏ ửng lên, cô gằn giọng:
– Nếu tôi nghe được câu này sớm hơn, chiều hôm qua tôi đã mặc kệ ông rồi.
Dứt lời, Thiên Di giận dỗi bỏ vào phòng. Cô chưa gặp người đàn ông nào cao ngạo, lố bịch như Trác. Ông ta nghĩ mình là ông chủ lớn, là trung tâm của đàn bà con gái, nên muốn nói gì thì nói sao chớ. Hừ! Vái trời cho lão ta thân bại danh liệt, tán gia bại sản để biết thế nào là…. là…. thế thái nhân tình. Hừ! Lúc ấy thì có ma nào thèm vây quanh lão ta. Nhưng tới lúc đó cũng vái trời ình đã tìm được một công việc ngon lành hơn, nếu không lại chết chùm với lão thì khổ.
Vái xong, Di khoan khoái nằm dài trên giường. Cô tưởng như lão chủ Trác đã sạt nghiệp, và cô đang làm giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn oai phong lẫm liệt. Nhắm mắt lại, Di tưởng tượng ra cảnh lão chủ Trác thất sở thân sơ, đang gõ cửa phòng giám đốc của cô để xin một chân bảo vệ mà tủm tỉm cười. Cuộc đời khốn khổ quá, ai cấm cô tưởng tượng cho vui chớ?
Đang thả hồn lên chín tầng mơ mộng, Di nghe có tiếng gõ cửa thật mạnh. Lòng vẫn còn lâng lâng, Di tằng hắng:
– Vào đi.
Thi thò đầu vào khiến cô hết hồn:
– Anh làm gì vậy?
Thi cười nhe hàm răng vẩu:
– Biểu vào thì tui vào chớ có làm gì đâu. Cậu Trác gọi kìa.
Thiên Di kêu lên:
– Hôm nay chủ nhật, tôi được nghỉ mà. Chắc cậu chủ quên rồi đó.
Thi nhún vai:
– Vậy cô lên nhắc cho cậu ấy nhớ. Xì! Đi làm công mà câu nệ từng chút. Cô tưởng mình là ai vậy? Tiên mắc đọa chắc.
Rồi không đợi Di kịp phản ứng, Thi đóng mạnh cửa lại. Cô ngao ngán chống tay dưới cằm. Chết rồi! Lão chủ nhỏ mọn đang muốn hành xác cô đây. Đúng là lấy ơn trả oán. Đàn ông gì mà nhỏ mọn dữ vậy nhỉ?
Vuốt lại quần áo, chải sơ mái tóc, Di bước ra với trăm mưu ngàn kế trong đầu. Hừm! Ở đâu có áp bức, ở đó có vùng lên. Di phải thực hiện triệt để điều này mới được. Đừng hòng bắt Di làm thêm việc vào ngày chủ nhật.
Thấy cô, Thi nói trỏng:
– Trong phòng sách ấy.
Thiên Di gõ nhẹ vào cửa. Trong lúc chờ nghe tiếng: “Vào đi!” quyền hành, Di chợt nhớ tới điều mình tưởng tượng lúc nãy và ê chề nhận ra người đứng trước cánh cửa chờ chủ gọi vào là cô, chớ không phải ông chủ Trác….
Đợi mãi chả nghe mời, Di đành đẩy đại cửa. Trên chiếc ghế mây to tướng, Trác đang ngồi, đầu tựa ra lưng ghế, mắt nhắm nghiền. Dường như ông ta ngủ rồi thì phải. Vậy mà gọi mình vào. Đúng là…. là….
Vừa quay đi, Di bỗng ngửi có mùi khét. Cô căng mắt tìm và thấy khói bốc ra từ cái áo len Trác đang mặc. Di rón rén lại gần và nhặt mẩu thuốc lá rơi trên áo anh. Nhưng cô vừa cầm mẫu thuốc lá còn cháy đỏ thì Trác đã nhỏm dậy, nắm lấy tay cô và bóp mạnh.
Thiên Di kêu lên đau đớn. Cô đau vì tay bị bóp và vì mẩu thuốc lá làm phỏng.
Nghe Di la, Trác giật mình buông ra, Anh vỗ vào đầu, mặt nhăn nhó:
– Cô làm gì vậy?
Xoa chỗ tay đang ửng đỏ lên, Thiên Di nói một hơi:
– Áo ông bị cháy vì tàn thuốc. Tôi vừa nhặt mẩu thuốc lên thì ông…..
Trác phân bua:
– Tôi xin lỗi. Lúc nãy nhờ Thi mời cô tới, nhưng mệt mỏi quá, tôi lỡ ngủ thiếp đi. Cũng may nhờ có cô. Tôi phản xạ hơi mạnh. Chậc! Bị trặc tay rồi à?
Thiên Di không trả lời.
Trác ân cần:
– Để tôi xem.
Vừa nói, anh vừa cầm tay Di. Cô rút lại thật nhanh:
– Cảm ơn. Tôi không sao. Ông gọi tôi có chuyện gì?
Chỉ cái ghế gần bàn, Trác la lệnh:
– Chuyện gì cũng ngồi xuống trước đã.
Thiên Di miễn cưỡng tuân lời. Cô cố đoán vẫn chưa nghĩ ra lý do cậu chủ cho gọi mình.
Đốt điếu thuốc mới, Trác rít một hơi dài rồi trầm giọng:
– Tôi đang mơ thấy một gã điên, bất ngờ Di lại đến gần. Thế là…. Thật đáng tiếc….
Môi Di nhếch lên:
– Tiếc cho gã điên đầu trọc, hay tiếc cho tôi?
Trác cười xoà:
– Còn ấm ức sao?
– Không. Nhưng rõ ràng làm ơn mắc oán.
Trác phát một cử chỉ chịu thua:
– Tôi xin lỗi thêm một lần nữa và cảm ơn thêm lần nữa vậy.
Thiên Di máy móc nhắc lại câu hỏi:
– Ông gọi tôi có chuyện gì không?
Trác xoa cằm:
– À! Tôi nghe nói ngoài cái thú lang thang ra, ở đây cô không biết làm gì cho hết thời gian?
– Thì đúng là như vậy.
– Cô không thích xem tivi sao?
Thiên Di ậm ừ:
– Đâu phải chương trình nào trên tivi cũng thích hợp với mọi người.
– Nhưng ít ra nó cũng làm cho hết thời gian của một kẻ nhàn rỗi. Di có thích đọc sách không? Trong phòng này nhiều sách lắm.
– Nhưng đó là những kỷ vật của ông. Tôi không dám đâu.
Trác nhỏ nhẹ:
– Kỷ vật gì chớ. Nếu Di thật sự thích sách, từ giờ trở đi tôi giao phòng sách này cho cô. Hãy sắp xếp và chăm sóc chúng theo ý mình. Nếu có thể biến nó thành một thư viện cho trang trại càng tốt.
Thiên Di chăm chú nhìn ông chủ. Rồi không dằn được tò mò, cô buột miệng:
– Sao tự nhiên ông lại…. lại thay đổi…. tư duy vậy?
Chỉ vào đầu mình, Trác hóm hỉnh:
– Có lẽ tại hôm qua nó bị va chạm mạnh.
Rồi anh trầm ngâm:
– Vả lại, tôi thật sự muốn quên đi những gì không vui. Hãy mở hết cửa sổ giùm tôi!
Thiên Di gật đầu. Ánh sáng từ những khung cửa lâu nay vẫn đóng kính ùa vào phòng. Nắng trôi trên sàn, nhảy nhót trên những kệ sách khiến căn phòng ấm áp hẳn lên.
Di nghe Trác cất cao giọng:
– Bắt đầu từ bây giờ, mọi thứ sẽ khác đi. Nhất định là như vậy.
Vừa bước ra khỏi bưu điện. Thiên Di đã nghe có người gọi mình. Quay lại, cô thấy Cần.
Anh chàng cười rất tươi:
– Khoẻ không Di? Lâu quá mới gặp lại.
Di cũng mỉm cười:
– Đúng là lâu, lâu đến mức tôi quên hẳn đã từ quen một người tên Cần.
Cần xịu mặt:
– Vậy thì buồn năm phút rồi.
– Chỉ năm phút thôi sao?
– Đúng vậy. Thời gian còn lại để dành vui tái ngộ chớ. Tôi mời Di uống cà phê. Đừng từ chối nghe.
Thiên Di gật đầu sau vài giây suy nghĩ:
– Cũng được. Từ khi rời Sài Gòn tới giờ, tôi chưa được vào quán. Không biết cà phê ở đây khác cà phê Sài Gòn thế nào.
Cần phấn khởi hẳn lên:
– Cứ vào quán sẽ biết ngay mà.
Thấy Di bước đến bên chiếc Citi, Cân có vẻ ngạc nhiên:
– Di đi xe này à?
– Không lẽ đi bộ từ trại Thùy Dương ra tới thị trấn?
Cần lịch sự:
– Quán gần đây. Để tôi dẫn xe cho.
Thiên Di xốc cái túi xách, lững thững đi kế Cần.
Anh hỏi:
– Di đi gởi thư cho gia đình à?
Di ậm ừ gật đầu. Đúng ra, cô tới bưu điện để gởi tiền về nhà, nhưng chẳng lẽ nói thế với Cần. Cô không muốn thổ lộ với ai về gia cảnh của mình hết.
Vào quán, Cần gọi hai tách cà phê, trong lúc Di mông lung nhìn ra cửa. Thị trấn nhỏ như một khu phố ở phường cô nơi thành phố, nhưng được cái đông vui, sầm uất. Từ ngày cậu Trác thay đổi đến nay, Thiên Di đã được sử dụng chiếc Citi ra thị trấn nhiều lần để mua tập vở, bút, phấn cho học trò. Nhiều người ở đây đã biết cô là cô giáo của trang trại Thùy Dương và đối xử với cô khá trân trọng.
Giọng Cần chợt vang lên:
– Tôi vẫn hay ra suối mỗi khi về nhà, nhưng không gặp Di. Bạn đã bỏ thú lang thang rồi à?
Thiên Di nhún vai:
– Không phải bỏ, mà không dám lang thang nữa. Có lệnh cấm đấy.
Mắt Cần nheo nheo:
– Ông Trác cấm hả? Lần ấy số ổng vẫn còn lớn. Nếu không, đâu còn sống để cấm đoán người khác.
– Anh cũng biết chuyện ông Trác bị té xe sao?
– Chuyện đó, ở Đà Lạt người ta cũng còn biết nữa kìa. Nhà giàu đứt tay mà. Nhưng lần sau nếu có, ổng sẽ không may mắn vậy đâu.
Thiên Di ngạc nhiên:
– Anh nói vậy là ngụ ý gì?
Bưng tách cà phê bốc khói lên, Cần ung dung trả lời:
– Tôi muốn nói “ai gieo gió, người đó sẽ gặt bão”.
Thiên Di ngập ngừng đoán:
– Anh muốn ám chỉ cậu Trác phá rừng làm rẫy trồng cà phê nhiều quá khiến heo rừng không có chỗ ở….
Cần bật cười:
– Cái gì mà có cả heo gà ở đây nữa?
Thiên Di liếm môi:
– Thì hôm đó, ông Trác tránh con heo rừng chạy bậy nên mới té.
– Thì ra người ta cũng nói với Di như vậy.
– Bộ không đúng sao?
Cần gật gù:
– Ở Đà Lạt, tôi cũng nghe bạn bè đồn thế.
Thiên Di thắc mắc:
– Sao bạn bè anh lại biết ông Trác?
– Vì chị của bạn tôi là vợ sắp cưới của ông ta mà.
– Cậu Trác có nhiều vợ sắp cưới lắm. Chẳng hiểu chị của bạn anh tên gì?
Cần nói:
– Chị ấy tên Phi Phụng. Hoa khôi của tỉnh Lâm Đồng đấy.
Thiên Di chép miệng:
– Vậy mà tôi không được biết. Tiếc thật! Chắc bạn anh cũng là trang sắc nước hương?
Cần xoa cằm:
– Có lẽ vậy, nhưng tôi không chú ý. Với tôi, sự sâu sắc của tâm hồn có ý nghĩa hơn.
Thiên Di hóm hỉnh:
– Đây cũng là cách tự đề ình. Còn sự thật thế nào? Khó nói quá.
Cần gãi đầu:
– Di khéo châm biếm lắm.
Bưng tách cà phê lên uống một ngụm, Di lãng đi:
– Cà phê ngon thật.
Cần nói:
– Nhưng uống trong khung cảnh này không hay lắm. Ở Đà Lạt, bọn sinh viên chúng tôi thích ngồi dạng quán có nhạc tự chọn, không khí những nơi đó lãng mạn, ấm cúng hơn nơi đây. Nếu có dịp tới đó, tôi nghĩ Di sẽ rất thích.
Thiên Di nhìn cà phê sóng sánh trong tách:
– Cũng chưa hẳn, vì tôi đâu phải sinh viên.
Mắt Cần ranh mãnh:
– Tôi quên. Yêu cầu của cô giáo chắc hẳn cao hơn dân sinh viên rồi.
Thiên Di cắn môi:
– Anh cũng khéo châm biếm lắm.
Cần mỉm cười:
– Đùa cho vui tí mà. Nào! Bây giờ Di nói về mình đi chớ.
– Tôi có gì đâu để nói.
Cần chống tay dưới cầm:
– Sao lại không có? Tôi đang thắc mắc một cô gái Sài Gòn như Di sao lại lên non ở ẩn? Đừng nói rằng tại cha mẹ ép duyên nên mới trốn, cũng đừng kể là tại thất tình nên chán đời tìm tới nơi vắng để tịnh tâm nha.
Thiên Di liếc Cần bằng ánh mắt sắc lẻm:
– Bộ tôi giống những người như anh vừa nói lắm à? Giỏi tưởng tượng như vậy, sao không làm nhà văn nhỉ?
Cần chép miệng: