Bạn đang đọc Rừng Chưa Thay Lá: Chương 4
Thiên Di còn đang đờ ngời ra vì sợ thì gã đầu trọc đã tiến tới, đưa tay chộp lấy cô. Di vùng ra, la lớn:
– Á! Cứu tôi! Cứu tôi với!
Vừa la, Di vừa chạy ngược về phía Cần, trong khi gã đàn ông hùng hục đuổi theo sau.
Đang cắm đầu thục mạng chạy, Di vấp rễ cây, té nhào xuống, đúng lúc gã đầu trọc ập đến. Thiên Di sợ đến mức lết trên đất. Hàm cứng ngắt, cô không la được khi tay gã đầu trọc đưa ra bấu vào vai cô.
Ngay lúc ấy, Di nghe tiếng Cần quát:
– Buông ra!
Gã đàn ông giật mình rút tay lại. Cả thân hình dềnh dàng của hắn chợt co ro, rúm ró trông thật thảm. Dường như hắn sợ Cần thì phải.
Chỉ về phía đường lớn, Cần gằn từng tiếng:
– Về ngay! Nếu không, chú sẽ bị trói đó.
Gã đàn ông nhăn nhở cười rồi len lén nhìn Di trước khi bỏ đi.
Cần đỡ Thiên Di đứng lên. Anh tự nhiên phủi đất cát dính trên áo cô, giọng ân cần:
– Có sao không?
Di ôm ngực, lắc đầu. Ngồi rũ xuống gốc cây, cô để mặc nước mắt đầm đìa trên mặt. Và những giọt nước mắt ấy tác động ngay tới Cần.
Anh bứt rứt:
– Bạn nói gì đi chớ. Rõ ràng lúc nãy bạn la rất to mà.
Nghe Cần nói thế, tự nhiên Di bật khóc thành tiếng. Vừa khóc, cô vừa lẩm bẩm:
– Tôi ghét chỗ này. Tôi ghét chỗ này lắm.
Cần sốt sắng:
– Vậy tôi sẽ đưa bạn rời khỏi đây. Người bệnh lúc nãy đi rồi, bạn không phải sợ.
Thiên Di thút thít:
– Bữa nay là ngày đáng nguyền rủa nhất trong đời tôi. Muốn tìm sự bình yên, tôi đã rời khỏi ngôi nhà ấy. Để tịnh tâm, tôi đã cấm khẩu không hé môi lấy nửa lời. Vậy mà cũng không được. Sao tôi chán thế này? Híc. Híc.
Cần kiên nhẫn vỗ về:
– Giọng của bạn nghe hay lắm. Bạn cứ nói nữa đi, rồi buồn bực gì cũng vơi mà.
Di cười méo xẹo:
– Anh chọc quê tôi đó hả? Tôi không nói nữa đâu.
Cần tủm tỉm:
– Không muốn nói thì cứ…. la làng như vừa rồi. Ấn tượng lắm đó. Tôi có cảm giác mình là người hùng vừa cứu mỹ nhân thoát khỏi kẻ xấu.
Thiên Di ngập ngừng:
– Cái…. Ông đầu trọc lúc nãy bị tâm thần hả?
Cần thở dài, khổ sở:
– Ổng là chú tôi. Chắc chú ấy đi theo tôi tới đây.
Thiên Di tò mò:
– Sao ổng bị như vậy?
Cần đáp gọn lỏn:
– Thất tình.
Di buột miệng thật ngớ ngẩn:
– Thật hả?
Cần ngần ngừ:
– Chú ấy bị vợ bỏ ngay đêm tân hôn. Thế là điên, điên tới bây giờ.
Di rùng mình nhớ tới ánh mắt của ông ta, cô lẩm bẩm:
– Đã biết ổng có bệnh mà còn để đi lung tung. Lúc nãy lỡ ổng giết tôi thì sao?
Cần vội vàng bênh vực:
– Chú ấy điên…. hiền. Chưa đánh ai bao giờ.
Thiên Di bĩu môi:
– Làm sao tin anh cho nổi, khi vừa rồi ổng xô tôi té xuống đất.
Cần thở dài:
– Tôi sẽ nói gia đình để ý tới chú ý hơn. Chắc chắn không có chuyện như vừa rồi xảy ra nữa đâu.
Thiên Di ngồi co người lại:
– Dù anh bảo đảm, tôi cũng hết dám lang thang một mình rồi.
Cần bỗng hỏi:
– Chắc bạn là khách của trại Thùy Dương?
Di bật cười chua chát:
– Sao anh lại nghĩ vậy?
Cần nói ngay:
– Vì trông bạn có phong cách lắm.
Thiên Di tròn mắt:
– Phong cách gì?
– Phong cách của người từ thành phố đến.
– Tôi không hề cảm thấy cái phong cách ấy. Tôi không phải là khách mà chỉ là người công cho chủ trại.
Cần có vẻ không tin:
– Công nhân sao lại rảnh rỗi thế nhỉ?
– Thứ hai này, tôi sẽ bắt đầu công việc của mình. Nhưng bây giờ tôi đã thấy hối hận khi nhận lời tới đây.
– Tại sao bạn lại hối hận? Sợ lao động không quen à?
Thiên Di rầu rỉ lắc đầu. Cần ái ngại:
– Tôi có thể giúp gì cho bạn không?
Di xua tay:
– Cảm ơn. Tôi đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người khi tới đây, và đó chính là điều làm tôi hối hận.
Cần tò mò:
– Công việc cụ thể của bạn là gì?
– Dạy học.
Hay đấy. Nơi này đang rất cần giáo viên. Nhưng trông bạn còn…. nhí lắm để có thể làm cô giáo.
Thiên Di ậm ừ:
– Biết sao đây, khi người ta không tìm ra cô giáo lớn hơn tôi.
Cần xoa cằm:
– Không dám gọi cô giáo là bạn nữa rồi.
Di có vẻ tự nhiên:
– Vậy gọi tôi là Di. Thiên Di.
Cần gật gù:
– Một loài chim di trú. Đã bay tới nơi này, hy vọng Thiên Di không bay đi nữa.
Thiên Di không trả lời. Cô lảng đi:
– Tôi về đây.
Cần luyến tiếc:
– Chúng ta sẽ gặp lại chứ?
Di ngần ngừ:
– Nếu có cơ hội.
Cần đứng dậy theo cô:
– Tôi sẽ đưa Di tới nhà. Như vậy vẫn an toàn hơn.
Di lo lắng nhìn quanh:
– Chẳng lẽ chú anh vẫn còn lẩn quất đâu đây?
Cần gãi đầu:
– Tôi không biết.
Thiên Di bước thật nhanh. Từ giờ trở đi, cô sẽ không tới những nơi vắng vẻ một mình. Nếu dì Thuỷ biết chuyện vừa rồi, cô sẽ bị mắng vì tội lang thang như một kẻ mộng du.
Tự dưng Di không còn hứng thú trò chuyện nữa, cô lặng thinh nghe Cần kể đủ thứ. Thì ra anh ta đang học đại học Đà Lạt, cuối tuần về thăm nhà. Cần là sinh viên năm thứ tư, nghĩa là học trên cô hai lớp. Giá như đừng gặp khó khăn, cuối năm nay cô cũng tốt nghiệp trung học sư phạm, chớ đâu phải bỏ học ngang xương để làm cô giáo không bằng cấp thế này.
Gần tới cổng nhà, Di đứng lại:
– Cảm ơn anh. Tôi tự về được rồi.
Cần mỉm cười:
– Hy vọng lần sau gặp lại sẽ nghe Di nói nhiều hơn.
Di đứng tần ngần nhìn Cần quay đi, lòng thầm nghĩ: sẽ không có lần sau, vì sớm muộn gì ông Trác cũng cho cô nghỉ việc. Tới lúc đó, chẳng biết cô sẽ ra sao? Nghĩ lại, cô thấy mình thật nông nổi. Bướng bỉnh với chủ đúng là bất lợi. Có lẽ Di phải sớm tìm cách xin lỗi ông Trác, may ra….
Khổ sở với suy nghĩ, Thiên Di co chân đá mạnh. Trái thông lăn ngược lên dốc, rồi lăn xuống trước mặt cô. Di không thể như trái thông đang rơi kia. Cô không thể tuột dốc được.
Sửa xong bài chính tả cuối cùng của học sinh trong lớp, Thiên Di xếp chồng vở trên bàn ngay ngắn lại và vươn vai đứng dậy. Chiều lắm rồi, Di nhìn bầu trời màu tím nằm gọn trong khung cửa sổ. Cô có cảm giác đang đứng trước một bức tranh hoàng hôn ảm đạm, buồn bã. Bức tranh ấy khiến Di thấy ngột ngạt, tù túng hơn.
Mở cửa, cô ra ngoài vườn, đi vòng vòng nhìn cây cỏ um tùm chen lẫn vào nhau. Di bước về phía cổng lớn. Giờ này ra khỏi là không nên, nhưng cô sẽ phát khóc mất nếu không được lang thang một chút. Di sẽ đi dọc đường, không rẽ vào suối hoặc những lối mòn chân rết hai bên, như vậy sẽ không gặp nguy hiểm như dì Thuỷ vẫn doạ mỗi khi biết cô lén đi dạo một mình vào buổi chiều.
Đường dẫn vào biệt thự của trại Thùy Dương là một con dốc khá cao. Chiều nào được thả bộ tuột dốc, rồi leo dốc trở về Di cũng ăn được nhiều cơm hơn. Nghĩ thật buồn cười. Mỗi buổi sáng đến lớp, Di cũng phải vượt qua con dốc này đi về hai bận. Vậy mà cô vẫn không ngán khi chiều chiều lại vượt qua thêm lần nữa. Có phải vì cô quá rảnh rỗi không?
Đang chúi nhủi đổ dốc, Di bỗng giật mình khi thấy một đống gì nằm lù lù ngay ngã rẽ vào con suối. Thiên Di chống tay vào gốc cây, định thần lại nhìn cho rõ. Dường như là người ta. Di đứng sững mất mấy giây rồi cất tiếng gọi. Người nằm dưới đất vẫn không nhúc nhích. Thiên Di hốt hoảng nhận ra chiếc xe Citi nằm chỏng chơ kế bên là xe của ông Trác. Chẳng lẽ cái đống lù lù đó là ông ta?
Quên cả sợ, Di chạy đến. Đúng là…. Ông chủ Trác rồi. Di lật đật xoay người Trác lên. Mặt anh đầy máu trông thật đáng sợ. Tháo chiếc khăn choàng cổ, Di bịt vào vết thương trên đầu Trác. Máu vẫn rịn ra ướt cả tay Di, cô vội vả liên tục vào mặt Trác và không ngừng gọi anh. Mãi đến khi nghe có tiếng rên, Di mới dừng tay hào hển thở.
Choàng ngồi dậy, Trác ôm lấy vết thương, giọng khá bình tĩnh:
– Tôi bị choáng vì té chớ không sao cả.
Thiên Di lo lắng:
– Nhưng máu chảy nhiều lắm!
Trác mím môi:
– Về nhà băng lại là xong. Giờ phải rời khỏi đây ngay.
Nói dứt lời, anh chống tay đứng dậy. Đi xiêu vẹo được vài ba bước, Trác loạng choạng quỵ xuống.
Thiên Di vội chạy tới đỡ anh lên:
– Tôi sẽ chở ông về bằng chiếc xe kia. Ngồi đây chờ tôi.
Rồi không cần biết Trác có đồng ý hay không, Di vội vàng đến bên chiếc xe, ráng sức bình sinh dựng nó lên. Chiếc Citi cứ như một khối sắt vô tri vô giác nằm ì ra ăn vạ. Đèn si- nhan bể nát, xăng chảy lênh láng. Thiên Di tuyệt vọng nhìn đống phế liệu trước mặt mình rồi nhìn Trác.
Trong lúc cô chưa nghĩ ra cách vực chiếc xe lên thì anh đã nói:
– Nào! Mỗi người một tay, chúng ta kéo nó dậy. Nhanh lên! Ở đây nguy hiểm đấy.
Di trợn tròn mắt:
– Ông…. được không đó?
Trác nhăn mặt, giọng khàn đi:
– Không được thì chết.
Thiên Di hốt hoảng khi nhìn thấy ánh mắt của Trác. Ánh mắt đờ đẫn nhưng đầy cương quyết của anh khiến Di vừa lo sợ vừa an tâm.
Hai người mím môi cố hết sức kéo chiếc xe lên. Khi chiếc Citi đã đứng dậy được thì Trác lại té ngồi xuống đất. Thiên Di không thể đỡ anh, cô cong lưng đạp máy, chiếc xe bị nghẹt xăng không chịu nổ.
Trời càng lúc càng tối, giờ này không ai qua lại nơi đây. Nếu chậm trễ, ông chủ Trác có thể chết vì mất nhiều máu.
Nghĩ tới đó, Thiên Di thấy nóng cả người. Cô quệt mặt vào vai áo rồi nghiến răng đạp thật mạnh. Cái bàn đạp bật lại đập vào chân cô đau điếng, nhưng may thay, xe chịu nổ.
Không dám buông tay ga, chân chống xuống đường. Di chờ Trác chệnh choạng lên ngồi phía sau. Cũng may, ba cô đã từng cho cô chạy xe này, nếu không, chưa chắc bữa nay cô dám liều mạng chở một nạn nhân gần…. hấp hối trên con dốc dài đầy lùm bụi không một ánh đèn thế này.
Di thấy càng lúc Trác càng ngã người về phía mình, người anh nặng trịch, nghiêng một bên làm tay lái Di đã yếu càng loạng choạng hơn. Mắt căng ra, hai tay kềm cứng, lưng gồng lên chịu nguyên tấm thân bồ sứt cạp của Trác, Thiên Di gần như đuối sức. Chưa bao giờ cô phải chịu đựng một áp lực nặng nề như vậy.
Rồi cũng tới cổng nhà. Thiên Di bóp còi xe inh ỏi, miệng gọi dì Thuỷ liên hồi. Từ trong, nhiều người ùa ra. Họ ngạc nhiên, hoảng sợ, xôn xao, hốt hoảng. Những câu hỏi dồn dập, những âm thanh chói tai làm Di muốn xỉu, cô ngồi phịch xuống thềm, mặc Thi tài xế đỡ Trác vào nhà. Nhìn lại mình, quần áo cũng nhơm nhớp máu đầy trên vai, Di bụm miệng muốn ói.
Chạy vội vào phòng tắm, cô gội đầu, tắm thật sạch và mặc một lúc hai ba cái áo ấm vì lạnh.
Đang cố lau khô tóc, Di nghe giọng bà Hai ngoài hành lang vọng vào:
– Cô Thuỷ gọi kìa Di.
Thiên Di lắc đầu. Cứu được ông chủ, nhưng chẳng hiểu phúc hay hoạ, lành hay dữ sắp ập tới nữa đây?
Ra tới phòng khách, Di thấy bà Thuỷ chắp tay sau lưng, đi tới đi lui, nét mặt hết sức nôn nóng.
Vừa thấy Di, bà hất hàm:
– Con gặp cậu Trác ở đâu?
Thiên Di ngắn gọn:
– Dạ, ở ngay dốc, gần đường mòn dẫn ra suối.
Bà Thuỷ lừ mắt:
– Đã dặn rồi mà mày vẫn lang thang tận đó. Đúng là vừa lì vừa bướng.
Rồi như nhớ tới mục đích chính của mình, bà hỏi tiếp:
– Lúc ấy, cậu Trác ra sao?
Thiên Di liếm môi:
– Đã xỉu, người một bên, xe một bên. Cứ y như chết rồi. Trông ghê lắm.
Bà Thuỷ gắt:
– Con gái mà độc mồm. Ngoài cậu Trác ra, còn ai nữa không?
Di uể oải lắc đầu. Lòng thắc mắc không hiểu dì Thuỷ hỏi thế là nghĩa gì. Ai là ai nhỉ? Chẳng lẽ ông Trác còn chở người nào khác? Nếu có, người đó đâu rồi? Tại sao ông ta lại té chớ?
Dường như dì Thuỷ cũng đang thắc mắc như Di. Bà tiếp tục chắp tay đi tới đi lui, miệng lẩm bẩm:
– Lái xe chuyên nghiệp, không say rượu mà lại té. Đúng là khó hiểu.
Từ trong phòng Trác đi ra, Thi nói:
– Mạng cậu Trác cũng lớn lắm, nếu không có cô Di, chắc cậu ấy tiêu đời vì mất máu.
Bà Thuỷ kêu lên:
– Có nghiêm trọng dữ vậy không?
Thi bảo:
– Chị Tâm y tá nói, chớ không phải tôi. Vết thương trên đầu chảy máu hết biết. Đã chích hai mũi K, nếu chưa cầm được phải chở xuống bệnh viện đó.
Bà Thuỷ nhảy nhỏm:
– Trời ơi! Vậy thì chở cậu ấy đi cho rồi. Lỡ có chuyện gì thì sao?
Thi nhún vai:
– Dễ gì cậu ấy chịu đi bệnh viện.
Rồi Thi hạ giọng:
– Công nhận cậu chủ lỳ thiệt. Đầu tét một khúc dài thòng. Chị Tâm đang may chỗ tét ấy lại đó. Ít nhất cũng tám mũi. Có thẹo để đời rồi.
Bà Thủy cau mày:
– Cậu Trác có nói tại sao té không?
– Có.
– Tại sao vậy?
Thi không trả lời, ánh mắt hướng về phía Di. Cô lờ đi, vờ như không hiểu, không hay gì hết. Tội gì phải tự ý rút lui, khi cô đang tò mò muốn biết vì sao cậu chủ té hơn ai hết.
Bà Thuỷ tằng hắng:
– Về phòng ủ ấm đi Di, nếu không bị cảm lạnh bây giờ.
Thiên Di miễn cưỡng đứng lên. Cô chậm chạp kéo lê từng bước để câu giờ. Tới bếp, Di nép nào ngạch cửa, lắng nghe.
Giọng Thi xù xì như muỗi kêu, Di chẳng nghe được gì ngoài những tiếng “Trời ơi!” đầy sợ hãi của dì Thuỷ liên tục vang lên.
Chuyện quái gì vậy kìa? Chẳng lẽ cậu chủ bị cọp hay heo từng tấn công? Vô lý. Nếu thế, bọn ác thú ấy đã xơi cậu ta rồi, chớ đâu bỏ đi khi miếng mồi nằm một đống ở đó.
Giọng bà Hai vang lên làm Di giật mình:
– Ủa! Cháu làm gì vậy Di?
Di gượng gạo:
– Dạ, có gì đâu ạ. Cháu đói lắm rồi.
– Để dì dọn cơm cho.
– Dì Thuỷ và cậu Trác chưa ăn, làm sao cháu dám.
Bà Hai gạt ngang:
– Nhằm nhò gì. Xơi tạm chén xúp trước đi. Để dì lên trển xem cậu Trác ra sao rồi.
Thiên Di nói với theo:
– Nhớ kể lại cho con nghe với nhé.
Nhưng sau đó, không ai kể cho Di nghe lý do cậu chủ bị té hết. Chỉ biết rằng hầu như suốt đêm, Trác không ngủ. Di nghe có tiếng lịch kịch cả đêm trong phòng sách. Vết thương không làm cậu chủ nằm một chỗ, trái lại, nó khiến Trác dằn vặt thâu đêm. Đi ngang phòng sách, Di ngửi được mùi thuốc lá và mùi rượu nồng nặc. Không ai, kể cả y sĩ của trang trại dám khuyên chủ mình một câu. Di cũng thế, cô đã khôn ra để biết…. chõ mũi vào chuyện của người khác, nhất là một người khó chịu như ông chủ Trác là ngu ngốc.