Quo Vadis

Chương 56


Đọc truyện Quo Vadis – Chương 56

Trước khi Flavius dựng lên Koloseum, các nhà hát ở Roma được xây dựng phần lớn bằng gỗ, vì vậy gần như tất cả đều bị cháy trụi trong thời gian hoả hoạn. Để tổ chức những hội thi như đã hứa, Nerô lại ra lệnh dựng lên vài nhà hát mới, trong đó có một nhà hát khổng lồ mà ngay sau khi lửa tắt, người ta bắt đầu chở theo đường biển và đường sông Tyber những cây gỗ to tướng chặt trên những sườn núi Atlax để xây dựng. Vì các hội thi này phải vượt xa tất cả các hội thi trước kia về sự tuyệt vời cũng như số lượng vật hi sinh, người ta làm thêm nhiều phòng rộng để chứa người và thú. Hàng nghìn thợ làm ngày làm đêm trên công trường xây dựng. Người ta xây dựng và trang trí không một phút ngơi tay. Dân chúng kể cho nhau nghe những chuyện phi thường về những chỗ tựa được khảm đồng, hổ phách, ngà voi, ngọc trai và vẩy đồi mồi. Dọc theo những ghế ngồi là các mương dẫn nước lạnh giá từ trên núi về để duy trì cái mới mẻ, dễ chịu bên trong nhà, ngay cả khi thời tiết nóng nực nhất. Một tấm velarium màu tía khổng lồ che những tia nắng mặt trời. Giữa các hàng ghế ngồi, người ta bố trí các lò xông hương để đốt các loại hương liệu Ả Rập. Trên trần, người ta đặt các dụng cụ để vẩy nước hoa mã tiên thảo và kỵ phù lam cho người xem. Xeverux và Xeder, những nhà xây dựng lừng danh, đã mang tất cả tài nghệ của mình dựng lên một nhà hát không gì sánh nổi, có thể chứa được một số người hâm mộ mà chưa một nhà hát nổi danh nào từ xưa tới nay từng chứa nổi.

Cũng vì vậy, trong ngày khai mạc ludus matutinus, đám tiện dân chờ từ rạng sáng đợi người ta mở cổng, khoái chí lắng nghe tiếng rống của lũ sư tử, tiếng gầm của hùm beo và tiếng hú của chó. Đã hai ngày nay, người ta không cho bọn thú dữ ăn, mà chỉ kéo qua trước mặt chúng những miếng thịt đẫm máu để càng khiến cho chúng thêm điên cuồng và đói khát. Chốc chốc, một cơn bão những tiếng gầm rú man dã ấy lại khiến cho những người đứng trước hý trường không sao nói chuyện nổi với nhau, còn những kẻ nhát gan thì tái người vì sợ. Nhưng đúng lúc mặt trời lên, trong các gian phụ của hý trường bắt đầu vang lên tiếng hát lảnh lót, nhưng bình thản: người ta lắng nghe tiếng hát ấy với vẻ kinh ngạc, nhắc đi nhắc lại với nhau: “Bọn Thiên chúa! Bọn Thiên chúa đấy!”. Quả thực nhiều toán tín đồ đông đảo đã bị đưa tới nhà hát ngay từ lúc còn đêm, không phải chỉ từ một nhà ngục như ý định ban đầu mà từ tất cả các nhà ngục, mỗi nơi một ít. Đám đông biết rằng hội thi sẽ kéo dài hàng tuần hàng tháng, nhưng họ cãi nhau xem với phần tín đồ Thiên chúa dự liệu cho ngày hôm nay, liệu có thể kết thúc trong vòng một ngày hay chăng. Những giọng đàn ông, đàn bà, trẻ con đang hát bài thánh ca buổi sáng nghe đông đến nỗi những kẻ hiểu biết cấm đoán rằng dù mỗi lần có mang ra một hay hai trăm người đi chăng nữa lũ thú dữ cũng sẽ mệt, no nê tới chiều và không thể nào cắn xé tất cả. Những người khác lại khẳng định rằng, nếu số người đã bị đưa ra đấu trường quá nhiều một lúc thì sẽ khiến cho sự chú ý bị phân tán và không cho phép thưởng thức đầy đủ các cảnh tượng. Càng dần tới giờ phút mở các hành lang dẫn vào bên trong – được gọi là vomitor – dân chúng càng sôi động, vui vẻ, càng cãi nhau hăng về hàng nghìn thứ liên quan tới cảnh tượng sẽ được trông thấy. Người ta bắt đầu chia thành các phe phái, cho rằng sư tử hoặc hổ thành thạo hơn trong việc cắn xé con người. Đôi chỗ người ta đánh cuộc với nhau. Những người khác thì lại bàn cãi về các đấu sĩ sẽ biểu diễn trên đấu trường trước người Thiên chúa, và lại hình thành các phe phái ủng hộ bọn Xamnit, bọn Gan, bọn Mirmilon, bọn Trak hoặc bọn lưới thủ. Sáng sớm nay, những toán đấu thủ các loại, nhiều hay ít, dưới sự chỉ huy của các võ sư được gọi là lanista, đã kéo tới nhà hát. Không muốn mệt nhọc trước giờ vào cuộc, bọn họ đi không vũ khí, thường khi hoàn toàn trần truồng, cầm trong tay những cành lá xanh hoặc những vòng hoa, trẻ trung, xinh đẹp trong ánh bình minh, và tràn dâng sức sống. Thân thể họ bóng nhoáng dầu ô liu, to lớn, dường như được làm bằng đá cẩm thạch, khiến đám dân chúng quen thưởng thức những đường nét của con người trầm trồ thán phục. Nhiều kẻ trong bọn họ được người ta biết tên, và chốc chốc lại vang lên những tiếng gọi: “Xin chào Furniux! Chào Leo! Chào Makxymux! Xin chào Điomeđex” Các thiếu nữ trẻ ngước những đôi mắt chan chứa tình yêu nhìn họ, còn họ cố tìm xem nàng nào xinh đẹp nhất và đùa cợt đáp lại, dường như không hề vướng bận nỗi lo lắng nào, họ gửi những chiếc hôn gió hoặc gọi to: “Hãy ôm nhau đi nào, trước khi cái chết ôm lấy ta!”. Rồi họ biến mất vào sau cổng, cánh cổng mà bao kẻ vĩnh viễn không bao giờ còn được bước ra. Mỗi lúc càng nhiều những đám diễu hành, khiến đám đông phải chú ý. Theo sau các đấu sĩ là đám đốc chiến, được gọi là mastygofor, đó là những người được vũ trang bằng roi dài, có nhiệm vụ đốc thúc vầ cổ vũ những người đang đấu nhau. Sau đó, lũ la kéo về phía spolarium hàng dẫy xe, trên chở hàng chồng quan tài bằng gỗ. Nhìn thấy cảnh ấy dân chúng sung sướng lắm, họ căn cứ vào đó để tính tầm cỡ của hội vui. Phía sau kéo đi một dẫy những kẻ có trách nhiệm giết chết hẳn những người bị thương, họ ăn vận giống như lão già Kharon hoặc thần Merkury, tiếp đến là những người giữ trật tự trong hý trường, xếp chỗ ngồi; theo sau là các nô lệ mang thức ăn cùng nước giải khát, và cuối cùng là đám cấm vệ mà mỗi Hoàng đế bao giờ cũng phải có sẵn để trù bị trong các hý trường.

Sau cùng, người ta cũng mở cổng và đám đông lao vào trong nhà. Nhưng dân chúng tụ tập đông đến nỗi dòng người cứ chẩy mãi, chẩy mãi vào trong mất hàng tiếng đồng hồ chưa hết, đến nỗi người ta ngạc nhiên sao nhà hát lại có thể chứa được nhiều người đến thế. Ngửi thấy hơi người tiếng gầm rống của dã thú lại càng vang động. Trong khi chiếm chỗ ngồi, dân chúng ồn ào như những làn sóng trong cơn bão tố.

Sau rốt, ngài đô trưởng thành phố đến, trong đám virgin vây quanh, kéo theo sau là một dẫy dài vô tận những chiếc kiệu của các vị nguyên lão nghị viện, chấp chính quan, pháp quan, quan thị chính, các chức dịch nhà nước và chức dịch cung đình, các võ quan chỉ huy lính cấm vệ, đám quý tộc và những phụ nữ quyền quý. Một số kiệu có những tên liktor cầm rìu bó trong những bó chổi đi trước, những kiệu khác lại có một đám nô lệ dẫn đầu. Lấp lánh trong ánh mặt trời những chỗ dát vàng của các kiệu, những tà áo trắng và áo dài loè loẹt, những chùm lông, những vòng tai, đồ trang sức, lưỡi thép của những chiếc rìu chiến. Từ trong hý trường vang ra tiếng reo hò mà chúng dân dùng để chào đón các vị quan chức cao cấp. Thỉnh thoảng lại có những toán quân cấm vệ kéo tới thêm

Các tăng lữ của đủ mọi thứ thần miếu đến chậm hơn một ít, sau họ, người ta kiệu theo các trinh nữ thiêng liêng của nữ thần Vexta có đám liktor đi trước. Để khai mạc hội thi, người ta chỉ còn chờ mỗi mình Hoàng đế, Người không muốn dân chúng phải chờ đợi quá lâu, đồng thời lại muốn dùng sự vội vã của mình để thu phục thêm lòng dân, nên Người tới ngay, có Hoàng hậu và các cận thần tuỳ tùng.

Ông Petronius ở giữa đám cận thần, trong kiệu của ông là chàng Vinixius. Chàng biết rằng Ligia đang ốm và đang mê man, nhưng những ngày gần đây việc ra vào nhà ngục được canh phòng vô cùng nghiêm mật, bởi lẽ đám gác ngục cũ đã bị thay thế bằng một bọn mới, bọn này không được trò chuyện với lính canh cũng như không được trao đổi tin tức gì với những người đến thăm hỏi tù nhân, do vậy chàng không biết chắc liệu nàng có mặt trong đám nạn nhân được phân bổ cho ngày đầu tiên hay không. Đối với lũ sư tử, người ta có thể ném cả người ốm, thậm chí người đang bất tỉnh kia mà. Nhưng vì lẽ các nạn nhân bị khâu vào trong các tấm da thú và được đẩy hàng loạt ra đấu trường nên không một khán giả nào có thể kiểm tra xem có thêm hay bớt đi một kẻ nào trong đám nạn nhân ấy, và không ai có thể nhận ra ai. Đám gác và toàn bộ những người phục dịch trong nhà hát đều đã bị mua chuộc, chàng cũng đã ngoặc được với bọn canh thú dữ: chúng sẽ giấu Ligia vào một góc tối tăm nào đó của nhà hát và đến đêm sẽ giao cho một người làm thuê của Vinixius, người này sẽ đưa ngay nàng vào dãy núi Anban. Được cho biết điều bí mật ấy, ông Petronius khuyên Vinixius đi cùng ông tới nhà hát một cách công khai, sau khi lọt qua cửa, chàng sẽ len lẫn vào đám đông và tìm đến gian hầm ngầm, nơi chàng sẽ đích thân chỉ Ligia cho bọn gác, để tránh trường hợp nhầm lẫn.

Bọn gác để chàng lọt qua những cánh cửa nhỏ chỉ có chúng được qua lại. Một tên trong bọn, tên là Xyrux, dẫn ngay chàng tới gặp những người Thiên chúa giáo. Dọc đường, y nói:

– Thưa ngài, không rõ ngài có tìm thấy người cần tìm không. Chúng tôi đã hỏi dò về cô gái mang tên Ligia nhưng chẳng một ai trả lời chúng tôi, có thể bọn họ không tin chúng tôi chăng?

– Họ có đông không? – Vinixius hỏi.

– Thưa ngài, nhiều người sẽ phải chờ đến mai.

– Trong bọn họ có người nào ốm không?

– Không có kẻ nào tự động đi được.

Nói đoạn, Xyrux mở một cánh cửa và họ cùng bước vào một gian phòng rộng lớn, nhưng thấp lè tè và tối tăm, bởi lẽ ánh sáng chỉ lọt vào đây qua những cái lỗ có chấn song ngăn cách với đấu trường. Thoạt tiên, Vinixius không thể nhận ra vật gì, chàng chỉ nghe trong phòng ồn ào giọng nói và tiếng kêu la của dân chúng vang từ nhà hát vào. Nhưng chỉ lát sau, khi mắt đã quen với bóng tối, chàng trông thấy một đám đông hình hài kỳ lạ, giống chó sói và gấu. Đó chính là các tín đồ Thiên chúa bị khâu vào da thú. Một số người trong bọn họ đang đứng, số khác đang quỳ và cầu nguyện. Đây đó, những làn tóc chẩy dài trên bộ lông thú, có thể đoán được rằng nạn nhân này là phụ nữ. Những bà mẹ, trông giống những con sói cái, bế trên tay những đứa trẻ cũng bị khâu vào da thú. Nhưng từ dưới bộ da lộ ra những khuôn mặt trong sáng, trong bóng tối mắt chúng ánh lên niềm vui và cơn sốt. Rõ ràng phần đông đám người này đều có chung một ý nghĩ, biệt lập và thiên giới, khiến họ ngay khi còn sống đã không còn cảm thấy những gì đang xẩy ra chung quanh, những gì có thể sẽ đến với họ. Một vài người được Vinixius hỏi về Ligia nhìn chàng với đôi mắt dường như vừa tỉnh cơn mơ, không hề đáp lại câu hỏi; những người khác mỉm cười với chàng, đặt tay lên môi hoặc trỏ vào những gióng cửa sắt, qua đó những chùm ánh sáng lọt vào. Chỉ lũ trẻ cất tiếng khóc đây đó, chúng sợ tiếng gầm rống của dã thú, tiếng hú gào của lũ chó, tiếng huyên náo của dân chúng và những hình hài giống như thú dữ của chính cha mẹ chúng. Đi bên người gác Xyrux, Vinixius nhìn vào từng khuôn mặt, tìm kiếm, hỏi thăm, chốc chốc chàng lại vấp phải thân mình những người bị ngất đi trong đám đông chật chội, trong hơi người và cái nóng, chàng len vào góc tối của căn phòng rộng như cả một nhà hát.

Đột nhiên chàng đứng sững lại vì chàng nghe như cạnh chấn song có tiếng ai quen quen đang gọi chàng. Nghe ngóng hồi lâu, chàng len qua đám đông, nhích về phía tiếng gọi. Luồng ánh sáng rọi và đầu người đang nói, và trong ánh sáng ấy Vinixius nhận ra khuôn mặt gầy gò, không khoan nhượng của ông Kryxpux dưới một tấm da gấu.

– Các người hãy than khóc cho tội lỗi của mình, – ông Kryxpux nói, – vì giờ phút đã đến đây rồi. Nhưng những kẻ nào nghĩ rằng bằng cái chết có thể chuộc lại lỗi lầm, kẻ đó lại phạm thêm lỗi mới, và sẽ bị đẩy vào ngọn lửa vĩnh hằng. Mỗi một tội lỗi của các ngươi phạm phải khi sống đều khiến Chúa phải chịu cực hình một lần nữa, vậy sao các ngươi lại dám nghĩ rằng khổ hình đang chờ các ngươi có thể chuộc được? Ngày hôm nay, người chân chính và kẻ có tội cùng chết một cái chết giống nhau, nhưng Đức Chúa sẽ chọn ra những người của Chúa. Đáng thương thay cho các ngươi, vì mặc dù răng nanh lũ sư tử sẽ xé nát thân xác các ngươi, nhưng không xé nổi những lỗi lầm của các ngươi, cùng sự thanh toán với Chúa. Chúa đã tỏ ra quá đỗi nhân từ khi để cho mình bị đóng đinh lên thánh giá, nhưng từ đây Người sẽ chỉ là quan toà, không bỏ qua một lỗi lầm nào không có hình phạt. Vậy, những kẻ nào nghĩ rằng bằng khổ hình các người có thể xoá mờ đi những tội lỗi của mình, thì chính các ngươi đã dám khinh nhờn chống lại công lý của Chúa Trời, và vì thế các ngươi lại càng đắm mình hơn nữa. Lòng nhân từ đã chấm dứt, đã tới hồi thịnh nộ của Chúa. Chỉ lát nữa đây thôi, các ngươi sẽ đứng trước toà phán khủng khiếp mà chỉ có những người vô cùng đức hạnh may ra mới có thể trụ nổi. Các ngươi hãy than khóc đi cho những tội lỗi của các ngươi, vì vực thẳm của địa ngục đang há hoác ra kia; thảm thương thay cho các ngươi, những chồng và vợ, thảm thương thay cho các ngươi, những cha mẹ và con cái!

Và cái bàn tay xương xẩu của ông giơ cao, rung rung trên những mái đầu đang cúi gục của họ, không run sợ nhưng cũng không hề khoan nhượng ngay cả trước cái chết mà chỉ lát nữa đây thôi tất cả các tội nhân đều phải đón nhận. Sau những lời ông nói dậy lên nhiều tiếng kêu: “Chúng con tiếc cho những tội lỗi của chúng con” rồi im lặng bao trùm, chỉ còn nghe tiếng khóc trẻ thơ và tiếng đấm tay vào ngực. Vinixius cảm thấy như máu thôi chảy trong huyết quản. Là người đặt cả lòng tin vào sự nhân từ của Chúa Crixtux, giờ đây chàng lại nghe nói rằng ngày giận dữ đã đến rồi và ngay cả cái chết trên đấu trường cũng không thể cầu xin nổi lòng nhân từ. Trong đầu óc chàng thoáng qua ý nghĩ cũng nhanh và sáng rực như ánh chớp, rằng đức Sứ đồ Piotr chắc sẽ nói cách khác với những người phải chết kia. Tuy nhiên những lời đe doạ cuồng tín của ông Kryxpux, cái gian phòng tối tăm sau song sắt kia, trong lúc bên ngoài là mảnh đất khổ hình, sự tiếp xúc gần gũi với những khổ hình cùng đám đông đầy nghẹt những nạn nhân mà cái chết đã lựa chọn khiến lòng chàng tràn đầy hãi hùng và kinh sợ. Tất cả những thứ ấy gộp lại đối với chàng thật kinh khủng, trăm lần kinh khủng hơn những trận chiến đấu đẫm máu nhất mà chàng đã từng tham dự. Hơi người và cái nồng nực bắt đầu khiến chàng ngộp thở. Mồ hôi lạnh vã đầy trán chàng. Chàng sợ sẽ bị ngất đi như những thây người mà chàng vấp phải khi tìm vào sâu trong phòng, nên vừa chợt nghĩ rằng cửa song sắt có thể mở ra vào bất cứ lúc nào, chàng lên tiếng gọi to Ligia và bác Urxux, với hy vọng nếu không họ thì cũng có ai đó biết họ trả lời chàng.

Quả thực, ngay tức khắc có một người khoác da gấu kéo áo toga của chàng và nói:

– Thưa ngài, họ vẫn còn trong ngục. Tôi là người cuối cùng bị dẫn ra, tôi vẫn nhìn thấy nàng đang ốm nằm trên giường.

– Ông là ai? – Vinixius hỏi.

– Thợ đá, tại nhà tôi đức Sứ đồ đã rửa tội cho ngài đó, thưa ngài. Chúng đã bắt tôi ba ngày nay, và hôm nay tôi sẽ chết.

Vinixius thở dài. Bước chân vào đây, chàng cầu mong tìm thấy Ligia, nhưng lúc này chàng sẵn sàng cảm ơn Chúa Crixtux là nàng không có ở đây, và chỉ nguyên điều đó cũng đủ cho chàng thấy lòng nhân từ của Người.

Người thợ đá kéo áo toga của chàng một lần nữa và nói:

– Thưa ngài, ngài có nhớ rằng chính tôi đã đưa ngài tới trại nho của ông Kornelius, nơi đức Sứ đồ rao giảng trong căn lều gỗ hay chăng?

– Ta nhớ. – Vinixius đáp

– Sau đó tôi còn được gặp Người một lần vào hôm trước ngày chúng bắt tôi. Người ban phước cho tôi và bảo rằng Người sẽ đến nhà hát để từ biệt những người chịu chết. Tôi muốn lúc chết được trông thấy Người và dấu thánh giá, khi ấy tôi sẽ dễ dàng hơn. Vậy nêu ngài biết Người đang ở đâu, xin ngài hãy nói lại với Người điều ấy.

Vinixius hạ giọng đáp:

– Người đang ở trong đám người nhà của ngài Petronius, đóng giả làm nô lệ. Ta không rõ Người chọn chỗ nào, nhưng ta sẽ quay lại hý trường và sẽ tìm. Ngươi hãy nhìn ta khi bước ra đấu trường, ta sẽ nhổm dậy và nhìn vào chỗ họ. Khi ấy ngươi sẽ thấy được Người.

– Xin cảm ơn ngài và bằng an được cùng ngài!

– Cầu Đấng Cứu thế nhân từ đối với ngươi!

– Amen!


Vinixius bước ra khỏi phòng và lần ra nhà hát, nơi chàng đã có chỗ ngồi cạnh ông Petronius, trong đám cận thần.

– Có chứ? – ông Petronius hỏi chàng.

– Không có. Nàng ở lại trong nhà ngục.

– Này, cậu vừa nẩy ra một ý nữa. Nhưng vừa nghe cậu nói vừa nhìn Nigiđia để chúng tưởng ta đang trò chuyện về cách chải tóc của ả nhé… Tygelinux và Khilon đang nhìn chúng ta kia kìa… Anh nghe nhé: ban đêm bảo họ cho Ligia vào quan tài, khiêng ra khỏi ngục như người chết, phần còn lại anh nghĩ nốt xem.

– Vâng. – Vinixius đáp.

Câu chuyện bị gián đoạn bởi Tulius Xenexio, y nghiêng người sang phía họ, hỏi:

– Các vị có biết liệu người ta có cấp vũ khí cho bọn Thiên chúa không nhỉ?

– Không rõ. – ông Petronius đáp.

– Tôi muốn cứ cấp cho bọn chúng – Tulius nói, – nếu không đấu trường sẽ nhanh chóng biến thành nơi giống như phản hàng thịt. Song cái nhà hát mới tuyệt vời làm sao chứ!

Quả thực, cảnh trí thật tuyệt vời. Những hàng ghế phía dưới, đầy những áo toga, trắng như tuyết. Hoàng đế ngồi trên một chiếc bục dát vàng, mang chuỗi hạt kim cương quanh cổ, với vòng hoa bằng vàng trên đầu, bên cạnh ngài là Auguxta, tuyệt đẹp và u sầu; hai bên là các ni cô đồng trinh, các quan chức lớn, các nguyên lão mặc những chiếc áo khoác có viền, các võ quan trong những bộ giáp phục, nói tóm lại, tất thẩy những gì là hùng mạnh, tuyệt vời và giàu có của La Mã đều tập trung ở đây. Các vị hiệp sĩ ngồi ở những hàng ghế xa hơn, còn trên nữa, đen kịt một biển những đầu người, nhô lên những chiếc cột treo những tràng hoa bện bằng hoa hồng, huệ, xaxauka, dây thường xuân và dây nho.

Dân chúng trò chuyện ầm ĩ, gọi nhau, ca hát, chốc chốc lại nổ ra một tràng cười đáp lại một lời hài hước nào đó mà người ta gửi cho nhau từ dãy này sang dãy khác, họ dậm chân vì nóng ruột mong mau mau biểu diễn.

Rốt cuộc tiếng chân dẫm trở thành mạnh như tiếng sấm rền và không dứt. Khi ấy, viên đô trưởng, trước đó đã cùng một đoàn tuỳ tùng sang trọng diễu một vòng quanh đấu trường, giơ khăn tay ra hiệu, cả nhà hát đáp lại bằng một tiếng: “Aaa…” đồng thanh bật ra từ hàng nghìn lồng ngực.

Thông thường cuộc diễn mở đầu bằng cảnh săn bắt một loài dã thú nào đó do các cư dân dã man phía bắc và phía nam đảm nhiệm; nhưng lần này thú vật quá nhiều, nên người ta bắt đầu bằng các andabat, tức là những người đội những chiếc mũ sắt không có lỗ khoét cho mắt, và do vậy họ giết nhau như một lũ mù. Mươi tên ra đấu trường cùng lúc, bắt đầu vung kiếm trong không khí. Đám đốc chiến dùng những chiếc đòn chĩa dài đẩy họ lại gần nhau để có thể gặp nhau. Những khán giả sang trọng nhìn cảnh tượng này một cách khinh bỉ và không chút hứng thú, nhưng dân chúng khoái chí trước những động tác vụng về của các kiếm sĩ; những khi tình cờ họ va lưng vào nhau, dân chúng lại cười ồ lên kêu thét: “Sang phải!”, “Sang trái!”, “Tiến thẳng!”, và thường cố ý đánh lừa các đấu thủ. Tuy nhiên, vài đôi vẫn bám được nhau và cuộc đấu bắt đầu đẫm máu. Các đấu thủ hăng máu hơn ném khiên đi, đưa tay trái cho nhau nắm để không bị lạc mất nhau, còn tay phải đánh nhau sống chết. Kẻ nào ngã xuống lại giơ những ngón tay lên trời xin tha mạng, nhưng vào đầu hội đấu khán giả thường đòi giết chết những kẻ bị thương, nhất là đối với các andabat, vì bọn này bị bịt kín mặt nên họ không rõ là ai. Dần dần, số người đấu giảm đi trông thấy, rốt cuộc chỉ còn lại có hai, họ lao thẳng vào nhau mạnh đến nỗi khi gặp nhau cả hai cùng lăn ra cát và cùng đâm chết nhau. Khi ấy, giữa những tiếng kêu “Gục rồi!”(1), đám phục dịch dọn đi các xác chết, còn bọn tiểu đồng hót những vũng máu trên đấu trường, rồi dùng những túm lá kỵ phù xoá chúng đi.

Bây giờ sẽ đến lượt một trận đấu quan trọng hơn, làm thích thú không chỉ đám tiện dân mà ngay cả những người sang trọng. Trong cuộc đấu ấy các cậu công tử quý tộc nhiều khi đánh cuộc rất to, nạo nhau sạch túi mới thôi. Người ta truyền nhau những chiếc bảng nhỏ ghi tên các đấu sĩ mà họ ưa chuộng, đồng thời với số xexterxi và mỗi người đặt cuộc cho người mình chọn. Các spectali – tức các đấu sĩ – thường xuất hiện trên đấu trường và đã từng giành chiến thắng có nhiều người hâm mộ hơn cả, song trong đám đặt cược cũng có những kẻ đặt những số tiền khổng lồ cho các đấu sĩ mới và hoàn toàn chưa có chút danh tiếng gì, với hi vọng rằng, một khi họ thắng cuộc, những người này sẽ thu được một món lợi khổng lồ. Ngay cả Hoàng đế, các tăng lữ, các ni cô đồng trinh, các nguyên lão nghị viện và các hiệp sĩ cũng đánh cuộc như dân chúng. Đám tiện dân khi bị thiếu tiền, thường dùng ngay sự tự do của bản thân để đặt cược. Do vậy, người ta hồi hộp, thậm chí lo sợ chờ đợi sự xuất hiện của các kiếm sĩ và nhiều người lớn tiếng cầu các vị thần, xin họ phù hộ cho những người mình ưa chuộng.

Khi tiếng kèn đồng inh tai vang lên, cả nhà hát lặng im chờ đợi. Hàng nghìn cặp mắt đổ dồn vào cái chốt cửa khổng lồ, có một người mặc giả làm Kharon(2) đang tiến lại gần và trong sự yên lặng toàn thể, y dùng búa gõ ba lần vào đó, dường như gọi những người đang náu phía sau cánh cửa ra chịu chết. Hai cánh cửa từ từ mở, để lộ một vực thẳm đen ngòm, từ trong đó các đấu sĩ lần lượt tản ra khắp đấu trường sáng sủa. Họ đi thành từng toán hai mươi lăm người, người Trak riêng, người Mirmilon riêng, người Xamnit riêng, người Gan riêng, tất cả đều võ trang nặng trịch, và cuối cùng là đám retiarii một tay cầm lưới, một tay cầm đinh ba. Nhìn thấy họ, những tiếng vỗ tay vang lên đây đó trong các hàng ghế ngồi, chúng nhanh chóng biến thành một cơn bão rầm rập và kéo dài. Từ trên xuống dưới chỉ thấy những bộ mặt đỏ ửng, những bàn tay vỗ, những cái miệng há hốc bật ra những tiếng kêu. Các đấu sĩ đi vòng quanh đấu trường với nhịp bước đều đặn và rắn chắc, trang bị và các thứ vũ khí đắt tiền lấp lánh, rồi họ đứng dừng lại trước bục ngồi của Hoàng đế, đầy tự hào, bình thản và tuyệt vời. Một tiếng tù và vang động át cả tiếng vỗ tay, các đấu sĩ giơ cánh tay phải lên trời, mắt hướng về Hoàng đế, kêu to lên, hay nói đúng hơn là hát bằng một giọng kéo dài:

Ave, caesar imperator!

Morituri te salutant!(3)

Rồi họ nhanh chóng tản ra chiếm lấy những vị trí khác nhau ở rìa đấu trường. Họ sẽ đánh nhau từng toán, nhưng trước tiên, người ta cho phép những kiếm sĩ lừng danh đấu với nhau một số trận tay đôi, trong đó họ có thể chứng tỏ rõ rệt nhất sức mạnh, sự khéo léo và lòng can đảm trước các đối thủ. Cho nên trong số những người Gan tách ra một đấu thủ rất nổi tiếng đối với những người hâm mộ nhà hát dưới biệt danh “Đồ tể” (Lanio), người đã thắng trong nhiều hội đấu. Trong chiếc mũ trụ khổng lồ đội trên đầu, trong bộ giáp phục che đằng trước và đằng sau bộ ngực đồ sộ của chàng, dưới ánh sáng trên nền cát vàng của đấu trường, nom chàng y hệt như một con bọ sừng khổng lồ bóng nhoáng. Viên retiarius tên là Kalenđio, kẻ cũng không kém phần nổi tiếng, tiến ra đứng đối diện với chàng.

Trong đám khán giả người ta bắt đầu đặt cược.

– Năm trăm xexterxi cho tên Gan!

– Năm trăm cho Kalenđio!

– Thề có Herkulex! Một nghìn!

– Hai nghìn đấy!

Trong khi ấy chàng Gan bước vào giữa đấu trường rồi bắt đầu lùi lại chĩa gươm và hạ thấp đầu, qua khe hở trong vành mũ sắt, chàng chăm chú nhìn vào đối thủ, còn chàng retiarius, hoàn toàn trần truồng trừ một dải bịt ngang bộ hạ, người nhẹ nhõm, với những đường nét đẹp như tượng, cứ vòng vòng quanh địch thủ, hoa hoa chiếc lưới một cách duyên dáng, chĩa ngọn đinh ba xuống hoặc nâng nó lên trời, và hát vang bài ca thông dụng của những tay “lưới thủ”:

Tao không muốn bắt mày, tao đi tìm cá

Sao mày lại chạy trốn, hở thằng Gan!(4)

Nhưng chàng xứ Gan không chạy trốn, vì lát sau chàng đứng lại tại chỗ, chỉ quay người chút ít để lúc nào địch thủ cũng ở trước mặt. Trong dáng dấp chàng và trong cái đầu to một cách kỳ dị giờ đây có cái gì đó thật đáng sợ. Khán giả hiểu rõ rằng cái thân hình nặng nề bọc đồng kia đang chuẩn bị bất ngờ lao tới để có thể phân thắng bại của trận đấu. Trong khi đó, chàng cầm lưới lúc thì sáp vào, lúc thì nhẩy lùi ra, sử dụng chiếc đinh ba linh hoạt đến nỗi mắt người khó lòng theo dõi kịp. Tiếng răng đinh ba đập vào khiên vang lên đã mấy lần, chàng xứ Gan vẫn không hề chao đảo, chứng tỏ chàng có sức lực thật gớm ghê. Toàn bộ sự chú ý của chàng hình như không tập trung vào chiếc lưới đang quay tròn trên đầu chàng như một con chim hung tợn. Khán giả nín thở theo dõi trò chơi bậc thầy của các đấu sĩ. Rốt cuộc, chọn được thời cơ thích hợp, Lanio lao vào địch thủ, nhưng nhanh như cắt, chàng kia đã tránh được lưỡi gươm và cánh tay đang vung lên, đứng thẳng người dậy và bủa lưới.

Chàng xứ Gan quay người tại chỗ, đưa khiên đỡ lưới, rồi cả hai cùng nhẩy lùi. Nhà hát vang ầm lên tiếng hò reo: “Macte!”(5) và ở những hàng ghế thấp người ta bắt đầu đánh cuộc lại. Ngay cả Hoàng đế, đầu tiên mải trò chuyện với ni cô đồng trinh Rubria và cho tới lúc này không thật để mắt đến đấu trường, giờ đây cũng quay mặt lại nhìn trường đấu.

Còn hai đấu sĩ vẫn tiếp tục chiến đấu thành thạo và chính xác trong từng động tác, đến nỗi nhiều khi dường như họ không quan tâm đến sự sống và cái chết, chỉ cố gắng biểu diễn sự khéo léo của mình mà thôi. Lanio, đã hai lần thoát khỏi lưới, lại bắt đầu lùi ra mép võ đài một lần nữa. Khi ấy, những kẻ đặt cược chống lại chàng không muốn chàng được nghỉ ngơi, liền kêu lên: “Đâm đi!”. Chàng xứ Gan nghe lời và đâm một nhát. Vai của chàng lưới thủ bỗng toé máu, chiếc lưới rũ xuống. Lanio co người nhẩy tới định đâm cho địch thủ đòn cuối cùng. Nhưng đúng vào lúc ấy, Kalenđio, người chỉ vờ như không làm chủ được chiếc lưới nữa, đột ngột ngả người sang bên tránh cú đâm và xỉa đinh ba vào giữa đầu gối địch thủ, quật ngã địch thủ xuống đất.

Chàng Gan định đứng dậy, nhưng chỉ trong nháy mắt chàng đã bị bọc trong những sợi dây tai ác mà mỗi cử động lại khiến chân tay chàng bị quấn chặt hơn. Trong khi đó chiếc đinh ba liên tiếp ghìm chàng xuống đất. Cố hết sức lần cuối, chàng chống tay nhổm lên định đứng dậy, nhưng quá muộn rồi! Chàng đưa cánh tay đã đuối sức không còn cầm nổi thanh gươm lên đầu rồi ngã ngửa ra. Kalenđio dùng đinh ba chẹn cổ chàng xuống đất, rồi ghì cả hai tay ghìm cán, chàng quay nhìn về phía Hoàng đế ngồi.


Cả hý trường rung động bởi những tràng vỗ tay và tiếng hò reo. Đối với những người đã đặt cược cho Kalenđio, lúc này chàng còn vĩ đại hơn cả Hoàng đế, song cũng chính vì thế mà họ hết cay cú chống lại Lanio, người bằng máu của mình đã khiến họ được đầy túi. Do vậy, nguyện vọng của dân chúng chia thành hai phe. Trên các hàng ghế ngồi, một nửa ra hiệu đòi giết chết, còn một nửa xin tha thứ, song người lưới thủ chỉ nhìn vào lô của Hoàng đế và các ni cô đồng trinh, chờ điều họ phán xét.

Không may, Nerô không thích Lanio, vì trong mấy hội đấu gần đây, được tổ chức trước hoả tai, ngài đã đặt cược chống lại chàng, song ngài bị thua Lixynus một số tiền đáng kể, ngài bèn chìa tay ra và quay chúc ngón cái xuống đất.

Các ni cô đồng trinh cũng làm theo ngài ngay tức khắc. Kalenđio bèn quỳ xuống ngực chàng Gan, rút chiếc dao ngắn đeo ở thắt lưng, hé bộ giáp phục gần cổ địch thủ, đâm lưỡi dao hình tam giác vào họng chàng Gan, ngập đến tận cán.

– -Peractum est(6)! – tiếng người vang động trong nhà hát.

Lanio còn rùng mình một lát nữa như con trâu bị đâm, chân đạp tung cát, rồi chàng ưỡn thẳng người và bất động.

Người mặc giả thần Merkury không cần dùng sắt nung đỏ để thử xem chàng còn sống hay không. Chàng được dọn đi ngay và tiếp đến những đôi mới, sau cùng mới sôi động trận chiến đấu của cả toán. Dân chúng tham gia vào trận đấu bằng cả tâm hồn, trái tim và đôi mắt: họ rú, họ gào, họ huýt sáo, họ vỗ tay, họ cười sằng sặc, họ cổ vũ những người tham chiến, họ điên lên. Trên đấu trường, hai toán đấu sĩ được phân chia đánh nhau với sự điên cuồng của dã thú: ngực đập vào ngực, những thân mình bện chặt vào nhau trong một cơn ghì gớm ghê, chân tay kêu răng rắc, những lưỡi kiếm ngập sâu trong ngực và trong bụng người, những cái mình xám ngoét ốc máu ra mặt cát. Mươi chàng đấu sĩ non nớt, cuối hiệp đấu sợ hãi quá đến nỗi, đến nỗi vùng ra khỏi đám hỗn chiến tìm cách chạy trốn, nhưng bọn đốc chiến dùng những chiếc roi dài bịt chì đuổi họ trở lại cuộc chiến. Trên mặt cát hình thành những đám màu thẫm to tướng; mỗi lúc thêm nhiều những thân hình trần truồng hoặc có giáp phục nằm ngổn ngang thành đống. Những kẻ còn sống chiến đấu trên thây những người đã chết. Họ đánh nhau bằng vũ khí, nện nhau bằng khiên, làm đổ máu những đôi chân giáp phục tả tơi, rồi ngã gục. Dân chúng không thể ngồi yên chỗ vì vui sướng, say mê thưởng thức cái chết, hít thở nó, nhìn nó đến no mắt và khoái chí hít vào buồng phổi hơi thở của nó.

Rốt cuộc hầu như tất cả những kẻ bị chinh phục đều gục ngã. Chỉ còn vài người bị thương quỳ ở giữa đấu trường, chìa tay hướng về khán giả xin tha chết. Người ta phát phần thưởng cho những người chiến thắng, những vòng lá, những vòng cành ô liu, và tiếp đến là giờ giải lao mà theo lệnh của vị Hoàng đế bá chủ được biến thành một bữa tiệc. Người ta đốt hương liệu trong các bình. Đám vẩy nước thơm hiến cho dân chúng những cơn mưa nước kỵ phù lam và đồng thảo. Người ta mang ra phân phát nước mát, thịt nướng, bánh ngọt, rượu nho, quả ô liu và các loại quả khác. Dân chúng nhai ngấu nghiến, trò chuyện và gào lên ca tụng Hoàng đế, để bằng cách ấy vòi Người phải hào phóng hơn nữa. Và khi người ta đã thoả mãn cơn đói khát, hàng trăm nô lệ khiêng ra những sọt đầy quà tặng, còn các tiểu đồng mặc giả thần ái tình lấy từ đó đủ thứ vật dụng khác nhau và dùng cả hai tay ném tung vào giữa các dẫy ghế. Vào lúc người ta phát vé xổ số diễn ra một trận ẩu đả thực sự: dân chúng chen lấn, ngã lên nhau, kẻ nọ dẫm lên người kia, kêu la cầu cứu, nhảy vọt qua những hàng ghế ngồi và đè nhau ngạt thở trong đám đông hỗn loạn kinh khủng, bởi vì ai vớ được con số may mắn có thể trúng cả một ngôi nhà có vườn, một nô lệ, bộ quần áo sang trọng hoặc những con thú hiếm mà sau đó họ lại bán cho các nhà hát. Vì lẽ nảy sinh một cảnh hỗn loạn đến nỗi nhiều lần bọn cấm vệ phải lập lại trật tự, và sau mỗi lần ban phát, người ta lại mang ngay ra khỏi phòng khán giả những người bị gẫy tay, gẫy chân hoặc bị dẫm chết trong đám đông.

Những kẻ giàu hơn không tham gia cuộc tranh cướp vé. Trong khi đó, đám cận thần đang thích thú với lão Khilon và chế giễu những nỗ lực vô vọng của lão cố chứng tỏ cho mọi người thấy lão cũng có thể nhìn cuộc chiến đấu và cảnh đổ máu như những người khác. Lão già Hi Lạp bất hạnh hoài công nhíu mày, cắn môi và nắm chặt tay đến nỗi những chiếc móng đâm sâu vào lòng bàn tay. Cả bản chất Hi Lạp lẫn sự hèn nhát của lão không chịu đựng nổi những cảnh tượng thế kia. Mặt lão tái nhợt, trán tháo mồ hôi hột, môi tím ngắt, mắt hõm vào, răng bắt đầu đánh lập cập, thân mình run cả lên. Sau khi cuộc đấu kết thúc, lão định thần phần nào, nhưng một khi người ta dùng lưỡi chế giễu lão, lão bỗng nổi cơn giận dữ bất ngờ và đáp trả một cách tuyệt vọng:

– -Này, lão Hi Lạp. Lão không chịu nổi cảnh người ta bị sầy da! – Vatynius vừa nói vừa kéo bộ râu cằm của lão.

Lão Khilon nhe hai chiếc răng vàng khè cuối cùng của lão đáp lại:

– -Cha ta không phải thằng thợ giầy, nên ta không biết cách vá da.

– -Macte! Habet – vài giọng kêu lên.

Nhưng những người khác tiếp tục giễu:

– -Đâu phải lỗi của lão, một khi thay vì trái tim, trong ngực lão lại là một mẩu phomat! – Xenexio kêu lên.

– -Ngươi cũng không có lỗi khi thay vì cái đầu ngươi lại là một cái bong bóng rỗng tuếch. – Khilon trả miếng.

– -Lão có thể trở thành một đấu sĩ được đấy! Nhìn lão cầm lưới vung trên võ đài thì tuyệt!

– -Giá ta dùng lưới tóm được ngươi, ta sẽ chỉ được một cái đít thối hoẵng.

– -Thế còn với bọn Thiên chúa giáo thì sao? – Fertux xứ Liguria hỏi. – Lão có muốn thành chó để cắn xé bọn chúng không?

– -Ta không muốn thành anh ngươi đâu.

– -Mày là thằng hủi mắt cừu!

– -Mày là đồ lừa Liguria!

– -Chắc là da mày đang ngứa, nhưng chớ có dại xin tao gãi hộ cho nhé!

– -Mày gãi cho mày ấy, nếu mày gãi phải mụn ghẻ, mày sẽ diệt mất cái tốt đẹp nhất của mày đấy!

Cứ thế, người ta tấn công lão, còn lão đánh trả một cách quyết liệt giữa tiếng cười của mọi người. Hoàng đế vỗ tay, lặp đi lặp lại “Macte” và ngài cổ vũ thêm. Song lát sau ông Petronius tiến lại gần, dùng chiếc gậy nhỏ khảm ngà voi chạm vào vai lão già Hi Lạp và lạnh lùng bảo:

– Hay lắm, hỡi nhà triết học, nhưng ngươi chỉ lầm mỗi một điều thôi: các thần linh tạo ra ngươi là một thằng ăn cắp, thế mà ngươi lại thành quỷ ác, và vì thế ngươi sẽ không chịu đựng nổi đâu!

Lão già dương đôi mắt đỏ quạch nhìn ông, lần này lão không tìm được một lời thoá mạ nào cả. Lão im lặng giây lâu, rồi đáp lại như với một sự cố sức nào đó:

– -Ta sẽ chịu được!…

Nhưng lúc này kèn báo hiệu giờ giải lao đã chấm dứt. Người ta bắt đầu rời khỏi các ngăn đã tụ tập đến để trò chuyện và cho đỡ chồn chân. Lại bắt đầu cảnh nhộn nhạo chung và những cuộc cãi cọ thường tình nhằm chiếm lại cái ghế mà mình đã ngồi từ trước. Các vị nguyên lão và quý tộc đi về chỗ của mình. Tiếng ồn ào lắng dần, nhà hát trật tự trở lại. Trên đấu trường xuất hiện một đám người để hót đi những chỗ cát còn đọng máu đây đó.


Đã đến lượt những người Thiên chúa giáo. Nhưng đối với dân chúng, đấy là một cảnh tượng mới, và không một ai biết sẽ phải cư xử ra sao, mọi người đều chờ đợi họ với một nỗi tò mò. Không khí chung của đám đông là tập trung chú ý, vì người ta chờ những cảnh tượng phi thường, nhưng thù địch. Chính những người sắp xuất hiện giờ đây là những kẻ đã đốt cháy Roma cùng những kho của vĩnh hằng của thành đô. Bọn chúng chính là những kẻ sống bằng máu hài nhi, những kẻ đánh thuốc độc nước uống, những kẻ rủa nguyền toàn thể loài người và sẵn sàng phạm những tội ác gớm ghê nhất. Không có hình phạt nào dù hà khắc đến đâu thoả mãn nổi lòng căm thù bị kích động và nếu như có nỗi lo ngại nào bóp chặt trái tim, thì chỉ là cho rằng những cực hình không xứng với những kẻ tội nhân dữ tợn này.

Lúc ấy, mặt trời đã lên cao, ánh sáng của nó chiếu qua tấm che trần mầu đỏ tía, khiến cho nhà hát ngập tràn màu máu. Cát nhuốm màu lửa đỏ, và trong thứ ánh sáng ấy, trên những khuôn mặt người cũng như trong cái trống trải của bãi đấu trường mà chỉ lát nữa đây sẽ tràn ngập nỗi đau đớn của con người và sự điên cuồng của dã thú, chợt có cái gì thật kinh khủng. Ngỡ như trong không khí có sự đe doạ và cái chết đang lơ lửng. Đám đông dân chúng thường khi vẫn vui nhộn, giờ đây, dưới tác động của chí căm thù, lại im lặng. Những bộ mặt lộ vẻ quyết liệt.

Viên đô trưởng ra hiệu: khi ấy liền xuất hiện lão già mặc giả Kharon đã gọi các đấu sĩ đi chịu chết, lão khoan thai bước ngang qua đấu trường, và giữa không khí im phắc như tờ, lão lại dùng búa gõ ba lần vào cánh cửa.

Toàn nhà hát vang lên tiếng rì rầm:

– -Bọn Thiên chúa! Bọn Thiên chúa!

Những song sắt rít lên trong những cái hốc tối tăm, vang lên những tiếng kêu thường nhật của bọn đốc chiến: “Đi ra mặt cát!” và chỉ trong một thoáng, võ đài đã đầy một đám người trông như những hình nộm khoác da thú. Tất cả đều chạy nhanh, hơi nóng nẩy, và đến giữa vòng tròn họ quỳ xuống bên nhau, tay vươn cả lên. Dân chúng cho rằng đó là lời cầu khẩn lòng thương hại, họ bực mình với sự hèn nhát ấy và bắt đầu dẫm mạnh chân, huýt sáo, ném những bình rượu nho đã rỗng, những khúc xương đã gặm sạch và rống lên: “Thú dữ! Thả thú dữ ra đi!”… Nhưng đột nhiên xảy ra một điều hoàn toàn không ngờ. Đó là giữa đám người ma quái kia chợt cất lên những giọng hát, và ngay phút ấy vang rền bài ca mà lần đầu tiên người ta được nghe trong các hý trường La Mã:

Christus regnat!(7)

Nỗi kinh ngạc bao trùm xuống dân chúng. Những tội nhân ca hát với đôi mắt ngước nhìn lên tấm che trần, người ta nhìn thấy những bộ mặt nhợt nhạt nhưng dường như tràn đầy cảm xúc. Mọi người đều hiểu ra rằng những con người này không khẩn cầu tình thương hại, dường như họ không trông thấy cả hý trường, cả dân chúng, cả nguyên lão viện lẫn Hoàng đế. “Christus regnat” vang lên mỗi lúc một to hơn, và trong những hàng ghế mãi tít phía trên gần tới nóc kia, những hàng người xem không phải chỉ một người tự đặt cho mình câu hỏi: cái gì vậy nhỉ, là ai thế cái ông Crixtux, người trị vì trên môi những người sẽ phải chết kia? Nhưng lúc ấy người ta đã lại mở ra những gióng cửa sắt mới nữa và cả một đàn chó tràn ra đấu trường với một đà phóng điên dại và tiếng sủa man dã: những con chó khổng lồ màu hoe vàng xứ Peloponeđơ, những con chó vện xứ Perene và những con chó kunđen giống sói xứ Hibernia, bị cố tình bỏ đói, với hai bên sườn hóp vào và những đôi mắt ngầu máu. Tiếng hú và tiếng sủa tràn ngập cả nhà hát. Sau khi kết thúc bài thánh ca, những người Thiên chúa giáo quỳ bất động, dường như đã hoá đá, chỉ lắp đi lắp lại như một dàn đồng ca rên xiết: “Pro Christo! Pro Christo!”. Lũ chó tuy cảm thấy có người trong những bộ da thú, nhưng ngạc nhiên vì sự bất động của họ, không dám lao vào họ ngay lập tức. Một số con trèo lên tường lô như muốn tới chỗ khán giả, một số con khác chạy vòng quanh, sủa inh ỏi như đang đuổi theo một con thú vô hình nào đó. Dân chúng bực mình. Hàng nghìn giọng người kêu lên, một số khán giả giả tiếng rống của súc vật, kẻ khác sủa ông ổng như chó, bọn khác nữa xuỵt chó bằng đủ mọi thứ ngôn ngữ. Nhà hát ồn ào đủ mọi loại tiếng huyên náo. Lũ chó bị kích động bắt đầu lao vào những người đang quỳ gối, rồi lại lùi lại, nhe nanh; mãi đến khi một con chó khổng lồ bập răng vào cổ một người đàn bà đang quỳ ở hàng đầu và lôi đi.

Khi ấy hàng chục con lao ngay vào giữa như vượt qua lỗ thủng hàng rào. Đám đông ngừng kêu la để chăm chú nhìn. Trong tiếng chó rú và tiếng nhai rau ráu, còn nghe thấy những tiếng kêu thê thảm của đàn ông và đàn bà: “Pro Christo! Pro Christo!”, nhưng trên võ đài chỉ còn thấy một đống hỗn độn run rẩy những thân chó lẫn với thân người. Bây giờ máu phun ra như suối từ những thây người bị xé rách. Lũ chó giằng giật nhau từng cái chân tay người đẫm máu. Mùi máu và mùi ruột gan bị rách nát át hẳn những hương thơm Ả Rập, tràn ngập cả hý trường. Cuối cùng đây đó chỉ còn lại những hình người cô độc đang quỳ gối, rồi ngay tức khắc họ cũng bị một đám đông vừa hú hộc vừa di động trùm lên.

Vinixius, người đã đứng dậy vào lúc những tín đồ Thiên chúa chạy ra, và đúng như lời chàng hứa với người thợ đá, chàng quay người về phía ông Piotr đang ẩn trong đám người nhà ông Petronius, lúc này lại ngồi thụp xuống và ngồi lặng với nét mặt của một người đã chết đang giương cặp mắt thuỷ tinh không hồn nhìn cái cảnh tượng đẫm máu kia. Thoạt tiên, nỗi sợ hãi rằng người thợ đá có thể nhầm lẫn và Ligia đang ở trong đám nạn nhân kia khiến chàng mất hồn, nhưng khi chàng nghe những tiếng kêu: “Pro Christo!”, khi chàng nhìn thấy cực hình của ngần ấy nạn nhân đang chịu chết mà vẫn tuyên cáo chân lý và Đức Chúa của mình, lòng chàng tràn ngập một cảm giác khác hẳn, cũng nhói như một nỗi đau kinh khủng nhất, nhưng là một cảm giác không gạt bỏ nổi, rằng một khi Chúa Crixtux đã phải chết trong cực hình, một khi hàng nghìn con người đang chết theo Người đây kia, một khi hằng biển máu đã đổ ra, thì thêm một giọt nữa cũng chẳng nghĩa lý gì hết, và thật tội lỗi nếu cầu xin lòng từ thiện. Ý nghĩ ấy từ bãi đấu trường đến với chàng, xuyên thấu qua hồn chàng cùng với tiếng rên rỉ của những người đang hấp hối, cùng với mùi máu tươi của họ. Vậy mà chàng vẫn cầu nguyện và lắp bắp với đôi môi đã khô cong: “Hỡi Đức Chúa Crixtux, hỡi Chúa Crixtux, ngay cả vị Sứ đồ của Người cũng đang cầu nguyện cho nàng! ”. Rồi chàng mất tri giác, không còn nhớ gì nữa, chỉ cảm thấy rằng máu trên võ đài cứ nhiều lên, nhiều lên mãi, cao vồng lên, rồi chảy tràn từ hý trường ra toàn thành Roma. Chàng không nghe thấy gì hết, không nghe tiếng chó hú, không nghe tiếng người ồn ào, không nghe cả giọng của đám cận thần đột nhiên kêu to lên:

– -Lão Khilon xỉu rồi!

– -Khilon ngất rồi! – ông Petronius lặp lại và quay về phía lão già Hi Lạp.

Quả thực, lão đã ngất đi, lão ngồi đó, trắng nhợt như màu vải, đầu ngật về phía sau, mồm há hoác, trông giống hệt một thây ma.

Chính lúc ấy, người ta lại bắt đầu xô đẩy một đám nạn nhân mới, cũng bị khâu trong da thú, ra đấu trường.

Những người này cũng quỳ xuống ngay lập tức như những người trước, nhưng lũ chó mệt nhoài không còn muốn cắn xé họ nữa. Chỉ có vài con lao tới những người quỳ gần chúng nhất, những con khác nằm tại chỗ, ngước những cái mõm đẫm máu tươi lên trời, dũi dũi hai bên sườn và ngáp dài nặng nhọc.

Khi ấy, bồn chồn trong dạ, nhưng đã say máu người và điên cuồng lên, dân chúng bắt đầu gào lên bằng giọng kinh khủng:

– -Sư tử! Sư tử! Thả sư tử ra!…

Sư tử nhẽ ra được giữ lại cho những ngày sau, nhưng trong nhà hát dân chúng thường bắt tất cả mọi người, ngay cả Hoàng đế, phải tuân theo ý chí của họ. Chỉ mỗi mình Hoàng đế Kaligula táo tợn và hay thay đổi trong những cơn ham thích của y, là dám cưỡng lại, thậm chí có lần y ra lệnh dùng gậy nện vào dân chúng, nhưng thường khi y cũng vẫn chiều theo lòng dân. Nerô, kẻ mà tiếng vỗ tay hoan hô quý hơn tất cả mọi thứ trên đời, không khi nào cưỡng lại, nhất là lúc này đây, ngài càng không muốn chống đối, vì ngài đang mong vỗ về xoa dịu những đám dân chúng đang điên tiết sau vụ hoả hoạn và đang muốn trút tội gây ra thảm hoạ ấy cho những người Thiên chúa.

Ngài bèn ra hiệu cho người ta mở các gian hầm cuniculum. Thấy thế, dân chúng yên ngay tức khắc. Tiếng cửa sắt rít lên ken két, sau những song sắt đó là lũ sư tử. Nhìn thấy chúng, lũ chó dồn lại thành một đám phía bên kia vòng tròn, sủa khe khẽ, còn bọn sư tử nối nhau đi ra võ đài, to lớn, lông hoe vàng, với những cái đầu khổng lồ, lông lá xồm xoàm. Ngay cả Hoàng đế cũng quay bộ mặt chán chường của mình nhìn về phía chúng và ngài đưa viên bích ngọc lên mắt để nhìn rõ hơn. Các vị cận thần đón chào chúng bằng tiềng vỗ tay; đám đông dân chúng bấm đốt ngón tay tính số sư tử và thèm thuồng theo dõi những ấn tượng mà chúng gây ra đối với những người Thiên chúa giáo đang quỳ ở giữa vòng tròn, họ bắt đầu lặp lại những lời mà nhiều kẻ không hiểu nhưng khiến tất thẩy đều cáu bẳn: “Pro Christo! Pro Christo!”

Lũ sư tử tuy bị bỏ đói nhưng cũng không vội lao vào nạn nhân. Ánh đỏ chiếu trên đấu trường khiến chúng khó chịu, chúng nheo nheo mắt như bị chói, nhiều con lười nhác duỗi thân hình vàng hoe, những con khác ngoác mồm ngáp, dường như chúng muốn cho người xem thấy những chiếc răng nanh khủng khiếp của mình. Nhưng sau đó, mùi máu và những mảnh thây người rách tướp đang nằm ngổn ngang trên đấu trường bắt đầu tác động đến chúng. Những động tác của chúng liền trở nên nóng nảy, bờm chúng xù ra, mũi thèm thuồng hít hít không khí. Một con lao tới thây người đàn bà có cái mặt bị cào nát, quỳ hai chân trước đè lên xác chết, đưa chiếc lưỡi đầy gai lởm chởm liếm những giọt máu đông, con thứ hai tiến lại gần người đàn ông Thiên chúa giáo đang bế một đứa trẻ khâu trong da hươu non trên tay.

Đứa bé kêu khóc giãy dụa, cuống quít ôm chặt lấy cổ cha, người cha cố muốn kéo dài thêm dù chỉ giây lát thôi sự sống của con, cố giằng tay con ra khỏi cổ để đưa nó cho những người đang quỳ ở phía xa hơn. Nhưng tiếng kêu khóc và sự cử động đã kích thích con sư tử. Nó đột ngột gầm lên một tiếng cụt lủn, đứt đoạn, rồi vả một cái làm đứa bé dập nát và ngoạm đầu người cha vào cái hàm khủng khiếp của nó, cắn vỡ vụn trong một chớp mắt.

Nhìn thấy thế, tất cả những con khác liền lao vào đám người Thiên chúa giáo. Vài người phụ nữ không kìm nổi một tiếng kêu kinh hoàng, nhưng lại bị dân chúng át đi trong những tiếng vỗ tay hoan hô, rồi những tiếng vỗ tay cũng lặng đi, vì người ta muốn được nhìn ngắm cho thoả mắt. Người ta trông thấy những cảnh tượng thật kinh khủng: những cái đầu người biến mất hoàn toàn trong vực thẳm của hàm thú, những bộ ngực bị rạch dọc toang hoác bằng những nhát cào của những vuốt sắc, những trái tim buồng phổi bị dứt đứt; người ta nghe tiếng xương gẫy răng rắc trong những hàm răng. Có những con sư tử ngoạm vào sườn hoặc vào lưng nạn nhân nhảy những bước chồm chồm điên loạn lôi đi khắp đấu trường, như tìm một chỗ kín để có thể ăn thịt người. Những con khác, trong cuộc tranh giành mồi, chồm lên nhau, dùng chân ôm nhau như các đô vật và gầm vang nhà hát. Người ta đứng bật dậy. Nhiều người bỏ chỗ ngồi lần xuống những hàng ghế dưới thấp để nhìn cho rõ hơn, họ chen nhau đến chết bẹp. Tưởng như rốt cuộc cả cái đám đông đang háo hức kia sẽ lao ra đấu trường và bắt đầu cùng với lũ sư tử xé xác người. Chốc chốc lại vang lên những tiếng kêu la không còn giống tiếng người, chốc chốc lại có tiếng vỗ tay, chốc chốc lại tiếng gầm, tiếng rống, tiếng răng đập vào nhau côm cốp, tiếng hú của lũ chó, đôi khi chỉ nghe thấy những tiếng rên rỉ.

Giữ viên bích ngọc kề bên mắt, lúc này Hoàng đế đang chăm chú xem. Vẻ mặt ông Petronius toát lên sự tởm ghét và khinh bỉ. Lão Khilon đã được người ta khiêng ra khỏi hý trường từ trước.

Nhưng từ các hầm chứa người ta lại đẩy ra mỗi lúc thêm nhiều nạn nhân mới.

Sứ đồ Piotr nhìn xuống bọn họ từ hàng ghế cao nhất trong nhà hát. Không một ai nhìn ông, bởi lẽ tất cả những mái đầu đều đang nhìn xuống đấu trường, ông cứ đứng vậy, và giống như hồi nào trong trại nho của Kornelius ông ban phước trước cái chết và sự vĩnh hằng cho những người mà ông biết tên, giờ đây ông làm dấu thánh giá từ biệt những người đang hy sinh dưới nanh vuốt dã thú, máu của họ, những cực hình của họ, cùng linh hồn họ đang bay lên từ mặt cát sũng máu. Một số nạn nhân ngước mắt lên, nhìn ông, và khi ấy mặt họ rạng ngời, họ mỉm cười khi nhìn thấy trên đầu họ, tít mãi trên cao, dấu thánh giá. Còn ông đứng đó, với trái tim đau xé, thốt lên: “Hỡi Chúa! Xin ý Chúa được thực hiện, bởi đàn chiên con của tôi đang chết cho sự sáng danh của Người, để làm chứng cho chân lý! Chúa đã bảo tôi phải chăn dắt họ, vậy xin hiến Chúa, xin Người hãy đếm lấy, hãy đón lấy họ, hãy làm lành cho họ những vết thương, hãy làm dịu cho họ cơn đau, và hãy ban cho họ nhiều phước phận hơn những cực hình mà họ phải chịu nơi đây!”

Và cứ thế, ông từ biệt họ, người khác tiếp theo người khác, đám này tiếp đám khác, với tình yêu thương bao la như thể họ chính là con cái của ông mà ông trao thẳng vào tay Chúa Crixtux. Đúng lúc ấy, không hiểu vì nhớ lại hay vì muốn cho hội đấu này phải vượt xa tất thẩy những hội thi mà người ta được trông thấy ở Roma từ trước đến nay, Hoàng đế chợt thì thầm vài lời vào tai viên đô trưởng, y rời bục đi tức khắc vào hầm chứa. Và dân chúng chợt ngạc nhiên khi lại trông thấy những cánh cửa sắt mở ra lần nữa. bây giờ người ta thả ra đủ mọi loại thú dữ: hổ xứ Eufrat, báo xứ Numiđi, gấu, chó sói, linh cẩu lông vằn và lang núi. Cả đấu trường như bị bao trùm bởi một làn sóng sống động những bộ da vằn vện, vàng khè, hoe hoe bạc, đen sẫm, nâu nâu và lốm đốm. Hỗn loạn cả lên, khiến mắt người không thể phân biệt nổi cái gì, trừ một cuộc nhào lộn và chồng đống lên nhau những cái bờm dã thú. Cảnh tượng mất đi cái bề ngoài thực tại, để biến thành gần như một cuộc cuồng hoan của máu, một giấc mơ khủng khiếp, một cảnh tượng ma quái của đầu óc người điên. Quá mức rồi! Giữa những tiếng rống, tiếng gầm, tiếng sủa, từ trên các hàng ghế khán giả vang lên đây đó những tiếng cười sằng sặc điên loạn rợn người của phụ nữ, những kẻ không còn sức chịu đựng nữa. Người ta bắt đầu thấy sợ. Những bộ mặt nhăn nhúm. Nhiều giọng gào lên: “Đủ rồi! Quá đủ rồi”

Nhưng thú dữ thả thì dễ mà lùa vào thì khó. Tuy nhiên Hoàng đế cũng tìm ngay ra được cách khử chúng khỏi đấu trường, đồng thời cũng là một trò giải trí mới cho dân chúng. Giữa những hàng ghế ngồi trong tất cả các ông chợt xuất hiện những toán người Numiđi da đen, cài lông chim và đeo vòng tai, tay cầm cung. Dân chúng đoán được chuyện gì sẽ xẩy ra nên đón chào họ bằng một tràng hò la tán thưởng. Còn họ bắt đầu tiến lại gần bờ ngăn, đặt tên vào dây cung và bắn vào đám thú dữ. Quả thực, đó lại là một cảnh tượng mới. Những thân hình đen thui thon thả ngả người về phía sau, căng dây cung và bắn đi hết phát tên này đến phát tên khác. Tiếng dây bật và tiếng veo véo của những mũi tên lông vũ, hoà với tiếng rống của thú dữ và tiếng kêu thán phục của khán giả. Chó sói, gấu, hổ, báo và những người còn sống sót nằm sõng sượt cạnh nhau. Đây đó, một con sư tử cảm thấy tên cắm vào sườn, đột ngột quay phắt cái hàm nhăn nhúm lại vì điên giận để ngoạm lấy và cắn nát mũi tên. Những con thú khác rên rỉ vì đau đớn. Những loài thú nhỏ hoảng hốt chạy như mù quanh đấu trường đập đầu vào gióng sắt, trong lúc những mũi tên cứ réo lên vun vút, vun vút cho đến khi tất cả những gì còn sống đều phải nằm thẳng cẳng trong những cơn co giật dãy chết.

Khi ấy, hàng trăm nô lệ phục dịch nhà hát bèn túa ra đấu trường, mang theo mai, xẻng, chổi, cáng, sọt để đựng lòng ruột và những túm cát. Họ đua nhau tràn ra khắp vòng tròn đấu trường, ra sức làm việc. Chẳng mấy chốc người ta đã dọn sạch hết xác chết, máu và phân, đã sàng lọc, san bằng và xới lộn một lớp cát mới. Sau đó các thiên đồng rải những cánh hoa hồng, hoa huệ cùng đủ loại hoa khác. Người ta đốt những lò sông hương mới và cất bỏ tấm che trần vì mặt trời đã xuống thấp lắm rồi.

Đám đông nhìn nhau ngạc nhiên và hỏi nhau xem còn cảnh nào chờ đợi họ trong ngày hôm nay nữa hay chăng?

Và họ đã chờ đợi để xem một cảnh mà không một ai ngờ trước. Đó là Hoàng đế, ngài rời bục ngồi một thời gian, đột nhiên xuất hiện trên đấu trường rắc hoa, mặc một chiếc áo choàng màu đỏ thắm và đội vòng hoa vàng. Mười hai ca công với thi cầm trong tay xuất hiện sau lưng ngài, còn ngài, ôm chiếc đàn luýt bằng bạc, trang trọng bước từng bước ra chính giữa, cúi chào khán giả mấy lần, ngước mắt nhìn trời và cứ đứng lặng như thế một lúc như đợi chờ thi hứng.

Rồi người gẩy dây đàn và cất tiếng hát:

Hỡi người con rực rỡ của Leto

Chủ nhân xứ Kila, Khơryza,Teneđ

Chính Người vẫn là vị thần bảo trợ

Cho toà thành thiêng liêng của Ilion


Nỡ lòng nào Người ném nó cho cơn cuồng điên của người Akhip

Nỡ nào người đành lòng nhìn máu dân Tơroa

Bắn toé lên cả chiếc bàn thờ thiêng liêng

Nơi ngọn lửa thờ phụng Người hằng sáng

Đang chìa tay xin Người kia, những cánh tay run rẩy của cụ già

Hỡi vị thần có cây cung bạc

Gọi tên Người những giọng đầy nước mắt

Của mẹ hiền, từ sâu thẳm nỗi đớn đau

Van xin Người xót thương con trẻ

Lời than khóc kia khiến cả đá cũng mềm lòng

Mà Người vẫn trơ trơ hơn cả đá, hỡi Xmintei

Trước nỗi đau của con người!…

Bài ca chuyển dần thành một khúc bi thương tang tóc, chan chứa nỗi đau. Hý trường im lặng. Lát sau, chính Hoàng đế cũng xúc động, ngài cất tiếng hát tiếp:

Người có thể dùng tiếng nhạc của chiếc đàn forminga thần kỳ

Át đi lời than khóc của trái tim và tiếng kêu xé ruột

Khi đến hôm nay mắt kia còn ứa lệ,

Như giọt sương trên những đài hoa

Nghe thanh âm của bài hát thảm sầu này

Vẳng lên từ tro than và cát bụi

Của hoả hoạn, của tai ương, của ngày tuyệt diệt

– Hỡi Xmintei, người khi ấy ở nơi đâu?

Hát đến đây, giọng ngài run lên và mắt ngài nhoà lệ. Hàng mi của các ni cô đồng trinh long lanh nước mắt, dân chúng im lặng lắng nghe hồi lâu trước khi bùng lên cơn bão kéo dài không ngớt của những tiếng vỗ tay.

Trong khi đó, từ phía ngoài, qua những lối thông để ngỏ, gió đưa vào tiếng kẽo kẹt của những cỗ xe, trên đó người ta xếp lên những mảnh thây đẫm máu của các tín đồ Thiên chúa, đàn ông, đàn bà và trẻ con để chở tới những chiếc hố khủng khiếp được gọi là puticuli.

Còn ông Piotr đưa hai tay ôm ghì mái đầu bạc phơ run rẩy của mình và kêu thầm trong dạ:

“Chúa ơi! Chúa ơi! Người giao cho ai quyền sinh sát thế gian này? Phải chăng chính Người muốn dựng thủ đô của Người ở chính cái thành phố đây chăng?”

Chú thích:

(1) Peractum est! (Chú thích của tác giả)

(2) Kharon: người lái đò chở hồn qua sông Xtykx hoặc Akhêrôn ở cõi âm đến xứ sở Hadex.

(3) Kính chào, Hoàng đế quân vương.

(4) No te peto, piscem peto.

Quid me fug is, Galle (La tinh, chú thích của tác giả)

(5) La Tinh: Cao thủ.

(6) La Tinh: Gục rồi

(7) La Tinh: Đấng Crixtux ngự trị


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.