Đọc truyện Quo Vadis – Chương 55
Ligia vĩnh biệt Vinixius trong một bức thư dài viết vội. Nàng được biết rằng không ai được vào nhà ngục nữa và nàng chỉ còn có thể được trông thấy Vinixius khi lên đấu trường. Do vậy, nàng xin chàng hãy có mặt ở đấu trường, vì trước khi chết nàng còn muốn được trông thấy chàng một lần nữa. Trong thư của nàng không hề thấy sợ hãi. Nàng viết rằng nàng cũng như những người khác mong ngóng được ra đấu trường, bởi lẽ tại đó họ sẽ được giải phóng khỏi kiếp ngục tù. Đoán rằng ông bà Aulux và Pomponia sẽ về, nàng cầu xin cả ông bà cũng đến dự. Trong từng lời lẽ của nàng đều thấy có niềm hứng khởi và sự tách ly khỏi đời sống mà tất cả các tù nhân đang sống, đồng thời thấy cả lòng tin không lay chuyển, rằng những lời được hứa sẽ thành hiện thực bên kia nấm mồ. “Hoặc Chúa Crixtux (nàng viết) giải phóng cho em bây giờ, hoặc sẽ giải thoát cho em sau khi chết, nhưng qua miệng đức Sứ Đồ, Người đã hứa ban em cho chàng, vậy thì em là của chàng”. Và nàng khẩn cầu chàng đừng tiếc nàng và đừng để cho nỗi đau khổ chế ngự. Cái chết đối với nàng không phải là sự gián đoạn những lời thề nguyền. Với lòng tin của trẻ thơ, nàng cam đoan với Vinixius rằng, ngay sau khổ hình và đấu trường, àng sẽ thưa cùng Chúa Crixtux rằng ở Roma đang còn vị hôn phu của nàng, Chàng Marek, người nhớ thương nàng bằng cả tấm lòng. Và nàng nghĩ rằng có thể Chúa Crixtux sẽ cho phép linh hồn nàng quay về với chàng một lúc để báo chàng hay rằng nàng vẫn đang sống, nàng không còn nhớ gì đến những cực hình và nàng vô cùng sung sướng. Cả bức thư của nàng tràn đầy một niềm hạnh phúc và một hy vọng to lớn. Trong đó duy nhất chỉ có một điều liên quan với những chuyện trần thế: Nàng yêu cầu Vinixius đưa xác nàng từ sporliatam(1) về và chôn nàng như vợ của chàng trong nhà mộ, nơi mà một khi nào đó chàng cũng sẽ yên nghỉ.
Chàng đọc bức thư ấy, lòng tan nát, song chàng vẫn thấy không thể nào Ligia lại chịu chết trong nanh thú dữ mà không được Đức Chúa đoái thương. Chính trong đó tiềm ẩn niềm hy vọng và lòng tin. Quay trở về nhà, chàng viết trả lời rằng hàng ngày chàng sẽ đến đứng chờ bên tường nhà ngục Tulianum cho tới khi nào Đức Chúa Crixtux phá tan những bức tường để trả nàng về với chàng. Chàng khuyên nàng hãy tin vào Chúa, rằng ngay trong hý trường. Người cũng vẫn có thể trả nàng về, rằng chính Đại Sứ Đồ đã cầu xin Chúa điều ấy và giờ phút giải phóng đã gần kề. Viên Xenturion đã được cải hóa sẽ mang cho nàng bức thư này vào sáng mai.
Nhưng ngày hôm sau, khi Vinixius đến nhà ngục, viên gác trưởng rời hàng ngũ tiến lại gần chàng và nói:
– Xin ngài hãy lắng nghe tôi. Đức Chúa Crixtux mà ngài hẵng tin đã ban ân huệ mà Người dành cho ngài. Đêm qua các nô lệ giải phóng của hoàng đế và ngài tổng quản tới đây để chọn các tỉnh nữ Thiên Chúa giáo cho họ làm nhục, chúng hỏi đến người ngào yêu mến, nhưng Đức Chúa đã gửi đến cho nàng một cơn sốt nóng, bệnh sốt đã khiến cho các tù nhân bị chết tại ngục Tulianum và thế là chúng không muốn bắt nàng đi nữa. Chiều hôm qua nàng đã bất tỉnh, cầu cho được sáng danh Đấng Cứu Thế, vì cơn bệnh đã cứu nàng thoát điều nhục nhã cungx có thể sẽ cứu nàng thoát chết.
Vinixius tỳ tay len vai người lính để khỏi bị ngã, anh ta nói tiếp:
– Ngài hãy tạ ơn Chúa. Bọn chúng đã lôi ông Linux đi chịu tội nhưng thấy ông ấy sắp chết, chúng lại trả ông về. Cũng có thể bây giờ chúng sẽ trả nàng cho ngài và Chúa Crixtux sẽ lại cho nàng sức khỏe.
Chàng hộ dân quan trẻ tuổi đứng hồi lâu, cúi đầu, rồi sau chàng ngẩng lên và bảo:
– Phải rồi, hỡi gác trưởng! Chúa Crixtux, Người đã cứu nàng thoát điều nhục nhã sẽ giải thoát nàng cả cái chết.
Rồi chàng ngồi bên tường nhà ngục cho đến tận chiều, sau đó chàng trở về nhà, phái người đi đón ông Linux và ra lệnh mang ông về một trong các biệt thự của chàng ở ngoại thành.
Biết những chuyện ấy, ông Petronius quyết định hành động tiếp tục. Lần trước ông đã đến gặp hoàng hậu, lần này ông lại tới tìm ả một lần nữa. Ông gặp ả đang ở bên giường cậu bé Rufiux. Cậu bé bị vỡ đầu đang mê sảng trong cơn sốt, còn người mẹ thì cứu chữa cho con với nỗi tuyệt vọng và lo sợ trong lòng khi nghĩ rằng, nếu như cứu được nó đi chăng nữa thì, có thể chỉ là để chẳng bao lâu nữa nó sẽ bị chết thảm thương hơn mà thôi.
Bận bịu với nỗi đau của riêng mình, thậm chí ả không thèm nghe nói tới Vinixius và Ligia, nhưng ông Petronius đe ả: “Thế là người đã xúc phạm đến một vị thần mới rồi đấy” – Ông bảo ả – Thưa hoàng hậu, người hình như thờ Đức Jehova của người Do Thái, mà các tín đồ Thiên Chúa giáo thì bảo rằng Crixtux là con đẻ của ông ta. Vậy xin ngươi hãy nghĩ xem cơn giận của người cha kia có trút lên người hay chăng? Biết đâu điều vừa xảy ra lại chẳng phải là sự trả thù của họ va mạng sống của Rufiux lại chẳng lệ thuộc vào hành động của người.
– Thế ông muốn ta phải làm gì? – Poppea hoảng sợ hỏi.
– Tạ lỗi vị thần chưa biết ấy.
– Bằng cách nào?
– Ligia đang ốm. Hãy tác động đến hoàng đế hoặc Tygelinux để trả cô ta cho Vinixius.
Ả hỏi một cách tuyệt vọng:
– Ông nghĩ là ta có thể làm việc ấy ư?
– Vậy người có thể làm việc khác. Nếu như Ligia khỏe lại, cô ta sẽ phải chết. Người hãy đến đền thờ Vexta và đòi Virgo Magna(2) phải làm như tình cờ có mặt gần ngục Tulianum vào lúc người ta bắt đầu đưa tù nhân ra chịu chết và phải ra lệnh giải phóng cô gái ấy. Đại ni cô đồng trinh sẽ không từ chối người việc ấy đâu.
– Còn nếu Ligia chết vì sốt nóng thì sao?
– Tín đồ Thiên Chúa nói rằng Đức Chúa Crixtux hay báo thù nhưng lại rất công mình. Người có thể cầu xin ông ta tha thứ bằng chính sự thành tâm của mình.
– Chỉ cần ông ta cho ta thấy một dấu hiệu gì chứng tỏ nhất định ông ta cứu được Rufiux.
Ông Petronius nhún vai:
– Tôi đến đâu phải là sứ giả của ông ta, hỡi thiên hậu, tôi chỉ khuyên người rằng: Tốt hơn cả là nên sống hòa thuận với tất cả các vị thần La Mã cũng như ngoại đạo.
– Ta sẽ đi! – Poppea nói với giọng bị khuất phục.
Ông Petronius thở một hơi thật dài.
“Rốt cuộc mình cũng đạt được chút gì!” – Ông nghĩ thầm. Rồi quay về với Vinixius, ông bảo chàng:
– Anh hãy cầu xin Đức Chúa của anh đừng để cho Ligia bị chết vì cơn sốt, vì nếu nàng không chết thì đại ni cô đồng trinh sẽ ra lệnh phóng thích nàng. Chính hoàng hậu sẽ yêu cầu cô ta làm việc ấy.
Vinixius nhìn ông với cặp mắt long lanh và trả lời:
– Nàng sẽ được Chúa Crixtux giải thoát.
Còn Poppea, kẻ sẵn dàng thiêu lễ vật tế hiến tất cả các vị thần linh trên thế giới để cứu sống Rufiux, ngay chiều hôm đó lên Forum, đến gặp các ni cô đồng trinh, giao đứa trẻ ốm lại cho bà nhũ mẫu trung thành là Xynvia, người trước kia đã từng bú mớm chỉnh ả.
Nhưng bản án dành cho đứa bé đã được ban ra tại Palatyn. Kiệu của hoàng hậy vừa khuất sau Đại môn, thì liền có hai nô lệ giải phóng của hoàng đế tiến vào buồng cậu bé Rufiux đang nằm, một người lao tới bị miệng bà Xynvia, người kia tóm ngay pho tượng Xfinkx bằng đồng giáng cho bà một cái.
Rồi chúng tiến lại gần Rufiux. Đứa bé đang mê và bị cơn sốt dày vò không hề biết chuyện gì đang xẩy ra bên mình, nó nhoẻn cười cới chúng và hấp háy đôi mắt tuyệt đẹp dường như cố nhận ra chúng. Song chúng đã lột chiếc thắt lưng được gọi là cinggulum của người nhũ mẫu, choàng quay quanh cổ thằng bé và xiết lại. Đứa bé chỉ kịp gọi mẹ mỗi một lần rồi chết ngay. Sau đó, chúng quấn thằng bé vào khăn trải giường, nhảy lên lưng con ngựa đang chực sẵn, phóng vội đến tận Oxtia, nơi chúng quăng cái thây xuống biển.
Khong gặp được đại ni cô đồng trinh bởi nàng cũng các ni cô đồng trinh khác đang ở chỗ Vatinius. Poppea vội quay trở về Palatyn. Trông thấy cái giường trống không và cái xác đã lạnh giá của Xynvia, ả ngất xỉu, sau khi được người ta cứu hồi lại, ả bắt đầu kêu thét, những tiếng kêu la hoang dại của ả vang lên suốt đếm ấy và cả ngày hôm sau.
Song đến ngày thứ ba, hoàng đế ra lệnh cho ả phải tới dự tiệc, ả bèn mặc chiếc áo tunica màu ngọc tím tới dự, ngồi với bộ mắt đá, tóc vàng hoe, câm lặng, tuyệt đẹp và dữ dội như thần chết.
Chú thích:
(1) Latinh: Nhà chứa xác chết trong đấu trường.
(2) Latinh: Đại ni cô đồng trinh