Phượng Hồng Vô Tâm - Tiếng Chuông Gió

Chương 46


Bạn đang đọc Phượng Hồng Vô Tâm – Tiếng Chuông Gió – Chương 46


Buổi đêm đầu ngủ lại nhà cũ, tôi cứ trằn trọc mãi không ngủ được. Thao thức hồi lâu, tôi lại bắt đầu miên man suy nghĩ, ban đầu là nghĩ lại cái buổi đầu năm đến trường, xong lan man nghĩ đến chuyện tôi và Trang. Bất giác, tôi lắc đầu thở dài, ngẫm cho cùng chỉ vì cái chuyện cỏn con mà chuyện bé xé ra to, làm mình mất bao thời gian lo lắng, mưu tính toàn chuyện đâu đâu. Nhắm mắt lại, tôi cố ngủ để quên đi những chuyện không vui đó, nhưng mà vẫn không tài nào ngủ nổi, chắc tại lạ chỗ. Đang lim dim mắt, bỗng nhiên tôi tưởng tượng hình ảnh một cái bóng nhỏ nhỏ, chạy tung tăng khắp nơi, bóng dáng chạy vòng quanh tôi, lấy đủ thứ ra để chọc phá tôi rồi lại chạy tuốt ra đằng xa, tôi cố đuổi theo mà không tài nào đuổi kịp, chỉ thấy thấp thoáng trước mặt cái chỏm tóc rung rinh.
Sáng hôm sau ngủ dậy, tôi vào núi chơi cùng thằng Việt với thằng Dũng, chiều về thì quanh quẩn chút rồi chiều tối qua nhà thằng Dũng học võ, bố nó là thầy dạy của cả nó lẫn tôi, thằng Việt cũng theo học ở đấy. Kể sơ qua về cái chuyện võ vẽ chút, số là dòng họ nhà thằng Dũng vốn có truyền thống võ học nhiều đời, từ thời Lý, cụ tổ nhà nó đã theo vua Lý Thái Tông đi dẹp giặc Nùng Trí Cao, lại theo nam chinh bắc chiến rồi tử trận sa trường. Sau đến thời nhà Trần, vì sợ Trần Thủ Độ tàn sát những người theo nhà Lý nên tổ tiên nó đổi sang họ khác, nhưng gia phả vẫn chép họ xưa, mãi đến khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, người nhà nó lại theo vua đi đánh giặc Minh, một nhà hơn 30 đàn ông thì cũng có hơn 30 góa phụ, côi nhi. Hầu như đời nào, dòng họ nhà nó cũng có người hi sinh trong chiến tranh, âu cũng vì gia chỉ của họ nó là: “Học võ để tu thân cần Vương. Đã học võ thì phải biết dụng võ tung hoành nơi trận mạc để báo ơn vua, đền nợ nước”. Đến đời bố thằng Dũng thì truyền thống võ nhà nó đã truyền được hàng trăm đời. Nghề chính của nhà nó là làm mộc, đồ thủ công mỹ nghệ mây tre đan, còn dạy võ là do ông nội nó quyết định mở sân võ để rèn luyện thể lực cho con em trong làng. Tuy nhiên, bố thằng Dũng kén đệ tử khắt khe vô cùng, thầy sẵn sàng nhận cả đứa ốm xanh vào học nhưng chỉ cần học trò xin học có biểu hiện gì sai trái đạo đức hay trước đó có làm chuyện gì không hay, phẩm chất đồi bại thì dù cho có thiên bẩm võ học hay là con ông giời thì thầy cũng từ chối thẳng. Tôi may mắn lắm mới chen chân vào sân võ này được.

Phải nói là chế độ tập luyện của thầy rất khác lạ so với chỗ khác. Đối với thằng Dũng thì vì nó là sinh ra để học võ, lại là cháu đích tôn nên ông và bố nó rất kỳ vọng, từ năm 5 tuổi đã bắt nó tập võ, tập khí công. Nào là đứng bê hai xô nước nặng trịch dưới trời nắng, cởi trần đứng tấn vào mùa đông mưa phùn, rồi thì chạy không để in vết trên cát,…. Tất cả như là hành xác, nếu không thì đâu có thằng cốt đột sức khỏe hơn người, voi vật không ngã kia. Nhưng với thằng Việt thì lại khác, vì nó bẩm sinh đã yếu ớt, nên thầy cho luyện nội gia quyền, lại dạy thêm cả phép dưỡng sinh, phép đánh nhuyễn tiên. Thầy xây dựng cho nó một lối đánh theo kiểu chớp nhoáng, chỉ tung một chiêu sát thủ rồi lùi khỏi vòng chiến, giữ sức hạ gục từng đối thủ một. Còn với tôi, quả thật dạy cho tôi rất khó, lắm lúc thầy ôm đầu, kêu trời:
– Ối giời ôi! Sao lại có đứa nó khác người đến vầy. Mày tập lại cho thầy xem nào!
Mỗi lần như vậy, tôi lại lui cui diễn lại bài quyền. Đúng là phản xạ, đòn đánh đều đủ lực, nhưng không hiểu sao lúc tập thì tôi vung quyền, quét cước vô tư, ấy thế mà khi đối kháng lại toàn nương tay, không dám tung hết sức ra, lắm lúc gượng tay nên để lộ vô số sơ hở. Rốt cục, thầy đành phải tập trung cho tôi về vũ khí, nhất là côn, hi vọng có thể lấy ưu thế vũ khí của tôi để bù đắp cho sở đoản về quyền cước, dù cho là biện pháp tạm thời nhưng cũng chỉ biết làm như thế như biết làm sao. May mà có thầy, không thì với cái tính cục cằn của tôi thì từ cấp 2 tới giờ tôi phải đi thay răng chục lần là ít.
Còn nữa, đó là nội quy học của thầy rất nghiêm, hễ ai làm trái thì cứ chuẩn bị ăn đòn, nhẹ thì vài gậy, nặng thì phải tét da, rách thịt. Nhớ có lần, hồi lớp 8 thì phải, thằng Dũng trèo cây trộm ổi nhà ông Cắc, bị lão ý bắt quả tang nhưng thằng Dũng giãy khỏe quá, đạp đổ cả cổng nhà lão chạy về. Lão sang tận nhà mắng vốn, kết quả là cốt đột lại nghe câu nói quen thuộc:
– Thằng kia đâu!!!!!!!!!!!!!!
– D….d….dạ!

– Vào đây! Nằm úp xuống! Này thì hư này…này thì hư này….mày láo này….!
Mỗi câu hư này là lại một phát roi mây vụt xuống, thằng Dũng nằm kêu rầm rĩ, váng cả nhà. Ăn một trận đòn, khỏe như nó mà ốm mất hai ngày, nếu là tôi chắc chết luôn chứ đừng nói là còn sức để rên.
Năm nay, học lại mà tôi thấy khó khăn vô cùng, chắc tại ở thành phố nên mình lười tập hơn thì phải. Chỗ sân võ toàn kiểu tập tầm 5-6h chiều, lúc vừa tắt nắng, cái sân gạch nó nóng như rang mà bọn tôi phải chạy chân đất vòng quanh sân 10 vòng, đã thế cái sân nó còn to nữa chứ, mấy đứa quen rồi, chạy chai chân nên vô tư, còn tôi với thằng Việt thì toàn hạng thư sinh ốm yếu, chân đi giày tất quen rồi nên nóng bỏng cả chân, lúc về nhà chân rộp lên sưng vù, ngâm nước muối sát trùng cứ gọi là….thôi rồi. Nhưng cũng hay là nhà thằng Việt làm thuốc nên nó cứ vốc một đống, toàn đem đi ngâm chân, công nhận ngâm bằng thuốc sướng thật, vừa không xót, vừa mau lành. Cơ mà kiểu gì cũng phải qua khâu sát trùng bằng nước muối, hai thằng ngồi cạnh nhau ngâm chân mà kêu gào dễ phải cả làng nghe thấy. Chỉ tội con bé Ngọc Anh, chạy ra chạy vào hết lấy thuốc lại lấy khăn. Nhưng thường thì chỉ bị buổi đầu, mấy buổi sau vì chân đau nên hai thằng được miễn đứng tấn, tập bộ pháp, nhưng vẫn phải ngồi xếp bằng tập khí công, hình như do tôi không có năng khiếu nên cái môn thở ra hít vào này tôi thấy chán òm, còn thằng Việt thì say sưa tập, tay chuyển nhịp nhàng, mắt nhắm nghiền như suy nghĩ về chốn Bồng Lai tiên cảnh nào. Hình như thằng bò vàng này định tu tiên thì phải, lim dim với chẳng lìm dìm, hết hít lại thở. Nhưng mà tôi cũng cố tập, hi vọng sau này dùng kình đầy uy mãnh, như thằng Dũng chỉ một chiêu là hạ gục đối thủ.

Tập tành thêm hai ba hôm thì chân cũng lành, lại tiếp tục đứng tấn, tập côn tập giáo, thằng Việt thì vung tít sợi nhuyễn tiên, quất vun vút, nghe rợn cả người. Còn thằng Dũng thì tập với mộc nhân xoay, nhìn nó đánh mà hoa cả mắt, cứ uỳnh uỳnh liên tục, dường như tay nó làm bằng thép chứ không phải là da thịt nữa, cảm tưởng chỉ vài đòn nữa thôi là cây mộc nhân kia vỡ tung ra luôn.
Chuyện võ vẽ cũng quanh quẩn chỉ có thế, nếu như không có chuyện thằng Dũng bị phạt đòn vì Ngọc Anh.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.