Bạn đang đọc Phượng Hồng Vô Tâm – Tiếng Chuông Gió – Chương 39
Con An vẫn ngồi ngó mấy cặp đang nhảy với nhau, không hay biết tôi nhìn nó nãy giờ. Chợt nó quay ngoắt sang, gọi:
– Hưng!…
Hình như nó nhận thấy ánh mắt tôi nhìn nó có gì đó khác mọi ngày nên im bặt. Tôi vội nhìn ra hướng khác làm ngơ, lúc sau mới đáp:
– Hỏi gì thế ?
– À không!…
Hai đứa im lặng, tần ngần không nói được câu nào, liếc sang nhìn trộm con An, thấy hai má nó đỏ hồng lên, môi mím lại, hai tay đan vào nhau nghịch. Hồi lâu sau, tôi mới lên tiếng:
– Này An!
– G…gì…thế?
– ….Hôm nay…hôm nay người đến trường mình đông nhỉ?
– Ừ!
-……
-…….
Tôi đứng dậy, nhìn nó bảo:
– Ra kia chơi đi, ngồi mãi một chỗ!
Nó líu ríu đứng dậy, đi theo sau tôi. Tôi dẫn nó đi vòng vòng quanh sân, trông thấy có chỗ bán ốc luộc, liền kéo nó ngồi lại ăn. Vừa ăn lại vừa đùa nhau chí chóe, cái ngượng ngập khi nãy bay đâu mất tiêu. Ăn xong, hai con lợn no nê kéo nhau đi tìm chỗ ngồi xem lớp khác biểu diễn văn nghệ. Đang đi thì mấy thằng lớp tôi kéo ùa ra, chúng nó lè nhè:
– Đi mảnh không rủ anh em. Đi mảnh không rủ anh em!
– Anh Hưng ơi! Em lạnh vãi, ôm em phát!
– Dám ra đây bắt cóc An hấu à?
Giọng thằng Quang ngơ đột ngột chen vào giữa. Cả đám im bặt, sợ xanh mặt. Con An lừ mắt nhìn thằng Quang, còn Quang ngơ thì rúm lại, lỉnh dần, lỉnh dần. Trông thấy con An xù lông nhím, bọn con trai tản mát dần đi, tránh voi chẳng xấu mặt nào mà lại. Bọn kia vừa đi là nó vùng vằng bỏ đi, tôi vội vàng đuổi theo kéo lại. Nào ngờ kéo mạnh quá, con An bất ngờ ngã đập vào ngực tôi. Nó đấm thùm thụp vào tôi, lại chạy tiếp. Tôi vòng ra trước, dang tay chặn lại, nó theo đà chạy tới thì ôm luôn, giữ chặt lại không cho đi đâu nữa. Con An bị ôm lại, đỏ bừng mặt, có giãy ra mà không được. Tôi cười hì hì, hỏi:
– Có thế mà cũng giận, thôi mà! Búp Bông ở lại chơi đi, tý nữa tao mua kẹo cho nhá!
Nhưng tôi mải trêu nó mà quên mất nó có võ. Đang cười thì tự nhiên thấy nó thụp người xuống, thoát khỏi tay tôi, rồi một cú đấm thoi vào bụng, giọng hờn dỗi:
– Ứ ăn! Mày toàn bắt nạt tao thôi!
May mà tôi thấy nó thụp người xuống thì vội thót bụng lại, nín thở chịu đòn rồi nên không sao. Đã thế trêu thì trêu cho trót. Tôi kêu rống lên, nằm vật ra đất, co người lại, nhắm mắt giả vờ ngất xem nó có đứng lại không. Thế mà nó chạy lại thật. Con An ngồi xuống sát bên cạnh tôi, lay lay:
– Hưng ơi! Mày sao thế. Tao nhỡ tay mà!
Tôi vẫn nằm im thin thít, mắt lim dim hé ra đủ để nhìn nó. Con An bắt đầu hoảng hốt:
– Đừng có đùa mà.Tao sợ lắm Hưng ơi, dậy đi Hưng ơi!
Mãi không thấy tôi thưa, cử động không có gì. Nó mới xốc tôi lên, kéo lê vào ngồi tựa lưng chỗ gốc xà cừ. Trông người be bé thế mà khỏe nhỉ, chẳng hiểu sao nhà nó lại gọi nó là Búp Bông nữa. Con An lay mãi, dáo dác ngó ngang ngó dọc xem có ai đi qua để nhờ giúp. Không thấy ai cả, nó bắt đầu mếu máo chực khóc, giật giật tay áo tôi:
– Hức! Hức….tao…tao xin lỗi mà! Mày tỉnh lại đi Hưng ơi! Tao chừa rồi, tao không đánh mày nữa đâu.
Lúc này tôi mới mở mắt ra, nhăn nhở nhìn nó. Con An ngơ ngác nhìn tôi, mặt lại càng mếu, nó giơ tay lên định đánh tôi nữa. Tôi liền chụp lấy cổ tay nó giữ lại, kêu:
– Ấy ấy! Mày nói là chừa rồi nhớ! Không được làm sai đâu đấy!
Nó tức quá không làm gì được tôi, liền giở võ khóc nhè ra. Rốt cục tôi lại là người dỗ dành, xin lỗi nó. Kể cũng ngộ thật, lúc nãy thì nó xin lỗi tôi rối rít, giờ lại đến lượt tôi xin lỗi nó. Nó vừa mếu, vừa phủi quần áo cho tôi, giọng trách móc:
– Lại làm bẩn quần áo rồi! Bộ ple đẹp thế mà mày lăn lê ra đất, lớn đùng rồi còn như trẻ con.
Chẳng biết ai trẻ con hơn ai nữa, suốt ngày chạy lăng xăng nghịch ngợm, lúc ngã lại làm nũng mình. Tôi bẹo má nó, cười. Nó mặc kệ, phủi hết bụi đất đi rồi kéo tôi đứng dậy. Nhìn cái dáng nhỏ bé mà bặm môi cố kéo mình lên, trông cứ ngồ ngộ. Đang đứng lên, bỗng nhiên tôi có cảm giác sau lưng có ai nhìn lén. Theo phản xạ, tôi từ từ ngó ngang ngó dọc, mắt lướt qua khu vực sau lưng một cách kín đáo. Chỉ thấy một bóng người, mặc sơ- mi, vest trắng toát, lấp ló lùi vào sau gốc bàng xa xa. Nhìn cũng biết đấy là thằng Long, chắc nó bám theo bọn tôi từ đầu buổi đến giờ. Thảo nào suốt tối gặp bao nhiêu đứa cùng lớp mà lại không thấy nó đâu, ra là ở ngay sau lưng mình. Nhưng mặc kệ, đi theo thì làm gì được, cứ cho nó nhảy vào đánh tôi vì ghen đi thì tôi cũng thừa sức đánh bật lại, trông vóc dáng, cách đi đứng của nó không có vẻ gì là con nhà võ cả. Tôi thản nhiên, dắt tay con An đi chơi, coi như không biết đến sự tồn tại của thằng kia. Con An thấy tôi nắm tay nó thì ngượng chín cả mặt, chỉ biết lẽo đẽo đi sau.
Tôi với nó chẳng biết làm gì, đi lang thang trong sân trường. Đột nhiên có đứa vỗ vai tôi, giọng ẻo lả:
– Anh Hưng ơiiiiiiiiiiiiii!
Tôi giật thót tim, quay lại chửi:
– Dì Minh làm gì thế? Hay lúc nãy con nào nó bón cho con cá ngựa! Nói trước là bố không có tình cảm gì với mày nhé!
Nó nổi quạu, quát:
– Bố nhẹ nhàng thế mà mày chửi lại đôm đốp hả?
– Thế bọn mày muốn gì hả?
– Đi chơi không?
– Đây không phải là chơi à?
Thằng Sơn chen vào:
– Thằng Minh diễn đạt ngu vãi cả…!
Nó lại im bặt khi thấy con Thy lừ mắt vì tội nói bậy. Thằng Hoàng gạt hết ra, nói:
– Một lũ đần độn, ý bọn tao là giờ ra ngoài chơi, trong trường nhạt lắm rồi!
Con An hỏi:
– Thế đi đâu?
Thằng Hoàng đáp:
– Ra bãi tha ma! Ngồi đấy kể truyện ma xem đứa nào trụ lâu nhất.
Con An rụt lại, núp sau tôi. Chị Thy hạt mít chống nạnh, ỏng eo:
– Eo ôi! Có Hưng cool đi cùng còn sợ! Thế con hấu có đi không để bọn tao còn liệu?
Bị khích, nó gật đầu luôn, mắt nhìn tôi hi vọng. Tôi cười méo xệch:
– Tao đã đồng ý đâu mà mày…
Nhưng đâm lao thì phải theo lao, hai đứa đành đi theo bọn quỷ sứ, rồng rắn kéo nhau ra bãi tha ma gần đó. Đến nơi, ngay từ cái cổng vào đã thấy mất cảm tình rồi. Nhìn nhếch nhác, chữ đắp thì mất mấy nét vỡ, cổng sắt lâu ngày rỉ sét, mở ken két chói tai, lại còn đứa chết dẫm nào vứt cái vòng hoa lên nóc nữa chứ. Tiến vào trong, một hội hơn 14 đứa tụ tập ở miếu Thổ thần, lần lượt rọi đèn pin lên mặt, kể truyện ma. Bọn con gái kể toàn truyện nhạt phèo, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có Nguyễn Ngọc Ngạn, mãi đến khi thằng Sơn, thằng Hoàng kể mới bắt đầu rùng rợn. Con An sợ co ro lại, úp mặt vào vai tôi, bịt tai lại, chốc chốc hỏi:
– Hưng ơi! Nó hết kể chưa?
Tôi cười, vỗ vỗ vai nó ý bảo thôi rôi. Con An bỏ tay khỏi tai, nghe phải thằng giọng âm u của thằng Minh, nó thét lên, đấm tôi đồm độp, lại tót ra sau lưng tôi, úp mặt vào lưng không thèm nghe nữa. Nhìn nó mặc bộ váy công chúa mà chẳng đoan trang, nhẹ nhàng gì cả, chạy lon ton theo tôi, giờ thì sợ sệt nấp sau lưng mình. Giá như nó cứ sợ thế này thì hay nhỉ, cảm giác có người cần mình che chở, thấy tự hào, thấy thật ấm áp vì có người cần đến mình.
Nghe bọn nó kể càng ngày càng ghê, mà giờ đã muộn lắm rồi, sớm cũng phải gần 10h30. Dẫu biết là ở cái nơi này, giờ này thì không dành cho người sống, nhưng chẳng lẽ giờ lại bỏ về. Thôi cứ cắm luôn tại đây, những 14 đứa, sợ quái gì ma cỏ. Được lúc nữa thì đám con gái sợ quá, rúm ró kéo nhau về, thiếu bọn nó thì mất vui nên đám con trai cũng lục tục dắt xe về. Ra đến nơi để xe, chợt con An hoảng hốt:
– Ơ! Kẹp tóc của tao, rơi đâu mất rồi!
Nói rồi nó cuống quýt nhìn quanh, tìm mãi không thấy cái kẹp tóc đâu. Mặt nó xụ ra, buồn xo:
– Lão anh tặng tao sinh nhật. Thế mà tao làm mất rồi.
Nhìn nó tội tội, không dám đi quanh tìm nữa vì sợ ma, tôi lại vòng ngược vào trong miếu Thổ thần, rọi đèn pin tìm cái kẹp tóc. Con An thấy tôi đi vào, nó hớt hải:
– Ê Hưng! Mày đi đâu đấy?
– Thì đi tìm lại kẹp tóc ày chứ còn làm gì nữa!
Nó vội vàng chạy ra, kéo tôi lại, nói:
– Thôi! Mất rồi thì thôi! Sáng mai tìm cũng được, giờ muộn rồi, mày lại còn vào đấy một mình nữa. Có….có….có ma đấy!
Tôi đáp:
– Thì mày cứ về trước đi, đi cùng con Yến về, tao ở lại tìm loáng cái là xong!
Nó dùng dằng không đi. Tôi gàn:
– Đã bảo về đi mà lại! Ma cỏ gì, tao là bố của ma chứ ở đó mà ma với cỏ.
Nói rồi, tôi đi thằng vào trong miếu, tự nhiên lại dũng cảm đến thế, chẳng còn biết sợ là gì, cứ phăm phăm bước vào. Con An thấy tôi đi, nó chạy nhanh theo, túm cánh tay tôi, ngó nghiêng nhìn quanh sợ hãi, ấp úng:
– Tao…tao…vào…cùng mày!
Tôi thở dài, đành để nó đi theo chứ biết làm sao. Dọc đường đi, mấy cây bạch đàn đung đưa xào xạc, lấp lóa ánh đèn pin rọi đường, hai bên đường lát xi măng là đầy rẫy những mộ san sát nhau, thỉnh thoảng, ánh đèn lướt qua vài tấm bia mộ hình những khuôn mặt trẻ măng, cảm tường như từng khuôn mặt, từng bóng đen trong khu nghĩa trang này đang âm thầm dõi theo hai đứa chúng tôi. Con An nép sát vào người tôi, nhắm tịt mắt, chỉ biết bước theo tôi mà đi. Khổ thân, bảo về không về, giờ vào đây mới sợ co người lại. Đi mãi cũng tới chỗ miếu Thổ thần, giờ nhìn ngôi miếu tối om om, không một ánh đèn nến, sợ hơn hẳn lúc nãy bọn tôi ngồi. Rọi đèn pin tìm khắp nơi, mãi tôi mới thấy cái kẹp tóc màu hồng của nó ở bên rìa gốc bàng. Tôi reo lên:
– An ơi! Tìm thấy rồi này!
Cùng lúc đó, con An cũng reo lên:
– A! Thấy rồi!
Nào ngờ, hai đứa đưa ra hai cái kẹp tóc giống nhau y hệt. Con An sợ tái trắng mặt, lập bập hỏi tôi:
– Hưng ơi! Thế….t…thế…này…là…làm…làm..sao?
Tôi cầm lấy cái kẹp tóc con An nhặt được, đưa cả hai cái lại gần sợi dây chuyền nanh hổ thằng Việt tặng tôi, gõ thử vào chiếc nanh. Một cái thì kêu cạch cạch, cạch cạch như nhựa va vào nhau. Nhưng một cái lại kêu nghe như móng tay gõ vào thủy tinh. Tôi hoảng hồn, vứt cái kẹp đó ra xa. Bất ngờ, gió ở đâu nổi lên, rít ào ào xong ngừng luôn. Con An sợ quá kêu thét lên, tôi nghi có biến nên dắt nó chạy nhanh ra chỗ để xe. Chợt tôi dừng lại, tháo sợi dây chuyền ra, đeo lên cổ con An, dặn:
– Giá nào mày cũng phải đeo cái này trên cổ! Tuyệt đối đừng có bỏ ra đấy?
Nó hỏi:
– Cái này là vật hộ mệnh của mày à? Tao thấy mày hay đeo nó lắm!
Tôi gật đầu. Con An vội cầm lấy sợi dây, định tháo ra giả tôi, nói:
– Thế thì mày đeo đi! Không có nó mày tính sao?
Tôi giằng tay nó ra, gàn lại:
– Mặc kệ. Mày cần hơn tao! Đi nhanh lên, không là không kịp đâu. Muộn lắm rồi đấy!
Nói đoạn, tôi cởi áo ngoài ra, choàng lên người nó, rồi ôm chặt lấy nó, rảo bước tiến nhanh ra chỗ để xe. Suốt con đường từ miếu thổ thần ra, tôi cứ thấy lành lạnh sống lưng, quay ra sau thì chẳng có gì cả. Ra đến nơi, vội vàng lấy xe xong tôi chở nó về luôn, phóng đi như bay, không kịp ngoái đầu nhìn lại.