Phượng Hồng Vô Tâm - Tiếng Chuông Gió

Chương 32


Bạn đang đọc Phượng Hồng Vô Tâm – Tiếng Chuông Gió – Chương 32


Từ tối hôm thứ sáu tôi đã sang nhà con An, xin với bố mẹ nó trước để cho đi dã ngoại cùng tôi. Cũng hay là hai bác vốn quý tôi như con trong nhà, lại được thêm ông anh trai nó nói giúp nữa nên hai bác tin tưởng để tôi dẫn nó đi chơi. Bác trai nói:
– Hưng ạ! Con An nhà bác nhìn thế thôi chứ nó tồ lắm, ngần này tuổi rồi mà ngây ngô như trẻ con vậy. Nhưng trong đám bạn ít ỏi của nó thì bác thấy cháu là đứa suy nghĩ trước tuổi, làm gì cũng cẩn thận nên bác tin tưởng, giao nó cho cháu bảo vệ. Bác nghĩ bác nói gì cháu cũng hiểu quá rõ, không cần dài dòng nữa! Vậy nhé! Hai đứa đi chơi thì đi đường cẩn thận, chỗ ao hồ thì đừng nghịch ngợm, thấy ở đâu có xô xát thì tránh đi,…
Tôi gật đầu, đáp:
– Dạ vâng ạ!
Chuyện xin phép xong xuôi, lựa ngày chủ nhật là ổn nhất, đi chơi một buổi, chiều thì về. Lần này thử đi xa chút xem sao, tránh khỏi những ồn ào, thị phi nơi phố thị này. Trước khi xin phép, tôi đã chọn địa điểm là một am nhỏ nằm khiêm tốn ở ngoại thành Hà Nội, đôi lúc, người ta tìm đến những nơi tâm linh, hi vọng đặt niềm tin vào một điều huyền bí nào đó hơn là đặt niềm tin ở cái chốn vàng thau lẫn lộn. Con An là đứa duy tâm, nó thích đi đền chùa một cách kì lạ, chọn chỗ này chắc nó sẽ thích.
Về nhà, năn nỉ gãy lưỡi, bố tôi mới chịu cho tôi đi xe máy, lựa chọn trong 3 cái, tôi đi Dream Thái cho lành, vừa khỏe, vừa đỡ gây sự chú ý, đến nơi thanh tịnh như thế không nên làm gì màu mè, hào nhoáng quá. Tối hôm trước khi đi, tôi làm sẵn đồ ăn, làm coi như tàm tạm để sau khi lễ am xong thì ra chỗ cánh đồng lần trước con An chỉ cho tôi. Lên phòng sắp xếp ba lô, tôi đắn đo suy nghĩ mãi rồi cũng bỏ cây côn gấp vào trong, từ sau đợt đi tham quan về, tôi lén đặt làm một cây Tề mi côn chia làm 3 đoạn rời có thể ghép lại với nhau, ngày mai đem theo phòng thân cũng tốt, chỗ đồng không mông quạnh vốn lắm chuyện, có vũ khí sở trường trong tay, chí ít tôi có thể bảo vệ nó an toàn. Từ 10h tối tôi đã leo lên giường đắp chăn ngủ kĩ, cố ngủ chút không mai đi chơi về mệt mỏi lại ốm ra đấy.
Sáng hôm sau, tôi dắt xe ra khỏi nhà từ 6h, sáng bên nhà con An đón nó đí. Tự nhiên hôm nay lại ăn mặc giản dị thế, đúng là đi chùa có khác, không giống con vẹt sặc sỡ hay ngồi sau xe mình mọi khi. Đi chừng nửa tiếng thì đến cái am nhỏ, tôi gửi xe ở một nhà dân cách đó 1km rồi hai đứa mua vàng hương, thanh bông hoa quả, đi bộ vào am. Nhìn kiến trúc thì thấy hình như am này được xây lâu lắm rồi, hàng tường đá rêu phong nhằng nhịt vết vẽ than, mái ngói đỏ ẩm, nham nham vết rêu xanh. Trong am có một cái sân nho nhỏ, một khu vườn cũng nhỏ, trồng vài luống rau với mấy cây chanh còi cọc, trước cửa điện thờ là một đỉnh hương lớn kiểu nhà Nguyễn. Tôi và con An thắp hương, cúi đầu thành kính, khấn lâm râm. Tôi chỉ ước sao cuộc sống cứ yên bình mãi, sáng tôi đi học, chiều chơi lông bông đâu đó, tối ngồi quây quần bên mâm cơm gia đình, bố mẹ hỏi chuyện học hành, thỉnh thoảng đi chơi xa với An thế này, được nhìn nó cười rạng rỡ, nghe giọng hát trong vắt, thuần khiết của nó, vậy là quá tốt rồi. Khấn xong, tôi hé mắt nhìn sang con An, thấy nó vẫn chắp tay, mắt lim dim nhắm lại hi vọng lời ước thành hiện thực. Bất giác, tôi lại liên tưởng tới hình ảnh con thỏ ngồi giã thuốc trên cung trăng trong cổ tích Nhật Bản. Hai đứa thắp hương xong, tự nhiên tiếng gõ mõ đều đều ngưng lại, một giọng nói hiền từ cất lên:
– Thí chủ đã tới tận chốn này tìm Phật. Cớ làm sao lại đi ngay, có gì xin hãy vào đây, lâu rồi am cũng chưa có ai đến viếng thăm.
Tôi và con An rụt rè bước vào, lấp ló ở bậc tam cấp. Một chú tiểu chừng 6- 7 tuổi, cười hì hì, khoe hai cái răng cửa đang thay, đưa tay vào trong, lễ phép:
– Thầy mời hai thí chủ vào ạ!
Khép nép bước vào trong, hiện lên trước mắt tôi là một ông cụ da mồi, râu tóc bạc phơ, mỉm cười độ lượng nhìn hai đứa. Cụ đưa tay mới bọn tôi ngồi, chú tiểu vào châm trà. Tôi e dè chào cụ:
– Con chào thầy ạ!
Con An cũng lí nhí chào theo. Ông cụ bật cười, rót trà cho hai đứa, miệng hỏi:
– Hai vị thí chủ đến am này tức là giữa ta và hai người đã có duyên từ trước. Vậy chẳng hay duyên gì dẫn hai con đến?

Tôi đáp:
– Hôm nọ con đi qua, thấy am thanh tịnh nên dẫn bạn con tới thắp hương, lễ Phật.
– Nhưng trên đường tới đây, có vô số chùa lớn, khách ra vào nườm nượp. Sao con không chọn những nơi đó?
Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu, đáp:
– Theo con thì Phật ở đâu cũng là Phật, có lòng thành thì tượng đất cũng là thánh. Còn những nơi đó, những người ra vào nơi đó….
Ông cụ hỏi:
– Những người đó làm sao?
Tôi rụt rè đáp:
– Con nghĩ… đa phần người đến đó là để mua Phật chứ không để lễ Phật!
Ông cụ trầm ngâm, nhắm nghiền mắt suy nghĩ, nói:
– Năm nay con bao nhiêu tuổi?
– Dạ con 16!
Cụ cười hiền, nói:
– Nghe con nói, ta không nghĩ con mới 16 tuổi! Còn cô bé này là gì với con?

Tôi đáp chắc nịch:
– Là bạn thân của con…hệt như tri kỷ vậy!
Con An đỏ bừng mặt, bối rối nhìn tôi xong lại cúi đầu xuống, tay xoay xoay chén trà ngượng ngùng. Ông cụ hỏi lại:
– Vạn lạng hoàng kim còn dễ kiếm
Thế gian tri kỷ thực khó tìm.
Là tri kỷ hay là gì đó hơn cả tri kỷ? Là rõ như năm ngón tay trước mắt, hay là phân vân như ngựa ngừng ngã rẽ?
Tôi giật mình thon thót, nãy giờ ông cụ nói trúng tim đen tôi liên tiếp. Tôi im lặng, không biết đáp thế nào. Cụ cười:
– Là trắng hay đen, tự ngẫm con sẽ rõ! Nhưng đừng bao giờ giả điếc, giả mù con nhé!
Nghe cụ nói, tôi chẳng hiểu gì cả. Ngồi nói chuyện thêm lúc nữa rồi hai đứa từ biệt ông cụ kì lạ để về. Trên đường ra cánh đồng cũ, tôi cứ băn khoăn suy nghĩ mãi về lời nói khó hiều của ông cụ. Một câu nói đó thôi mà gần 5 năm sau tôi mới thấm thía, thấm thía trong đau xót và nỗi hận bản thân.
Ra đến chỗ cái điếm cũ, tôi và con An không ngồi lại ở đó mà đi sâu vào nữa xem có gì mới không. Hóa ra đi sâu vào trong độ gần 1km thì có một cái chòi canh kiểu cổ, chắc có từ thời chiến tranh để dân quân gác đường qua bãi ruộng. Có cả thang leo lên trên nữa. Cái chòi canh cao cỡ tầng rưỡi, ở trên là một khoảng rộng độ 4m vuông, bao quanh là bờ tường cao độ 1m. Vừa đủ chỗ để trải bạt ra ngồi, con An lại lấy trong cái “túi thần kì” của nó ra tấm bạt chi chít hình thỏ với cả rốt. Hai đứa giở đồ ăn ra ăn, xong lại chơi oẳn tù tì, đứa nào thua thì bị sai khiến, con An thua trước, tôi mỉm cười, bảo:
– Hát đi! Bài gì cũng được!
Rồi chỉ chực lúc nó hát là tôi kêu bô lo ba la ầm lên chen vào giữa, chặn họng lại. Cuối cùng nó không thèm hát nữa, bắt chơi lại. Lần này tôi thua, con An cười hì hì, lúi húi lấy ra một cái chăn be bé, trông như chăn trẻ con. Nó túm tay tôi, vòng rộng ra, rúc người vào lòng tôi, chùm cái chăn lên ngang người, bảo:
– Tao ăn no rồi, buồn ngủ lắm. Sai khiến mày làm cái gối cho tao ngủ.

Xong nó xoay ngang xoay dọc, vặn vẹo người mãi, rồi cuộn tròn lại, nhắm mắt ngủ. Đột nhiên nó mở mắt nhìn tôi, chìa bàn tay trắng nõn, kễnh ngón út bé xíu lên, bĩu môi:
– Tao ngủ cấm mày làm gì đấy. Ngồi yên làm gối cho tao! Cơ mà mày phải ngoắc tay thề cơ.
Tôi bật cười, ngoắc tay thề với nó. Con An yên tâm nằm ngủ, điềm nhiên quơ cánh tay phải của tôi bỏ vào chăn, ôm chặt lấy, mắt nhắm tịt, nói:
– Tao mượn nốt cái tay làm gấu bông, sáng này đi tao quên mang Poh của tao rồi.
Tôi lặng yên không nói gì, đợi nó lim dim ngủ, tôi mới ngồi ngắm nó ngủ. Vẫn cái điệu bộ ngủ như con cún con, cái mũi be bé phập phồng hít thở. Định chạm vào xem mũi nó có chun lại không, nhưng thôi, nhỡ nó tỉnh dậy, nổi cơn tam bành thì chết. Đang yên đang lành, nó lại tỉnh dậy, quắc mắt nhìn tôi, kêu:
– Mày quay đi chỗ khác đi. Cấm có nhìn tao chằm chặp như thế, đồ biến thái. Mày nhìn làm tao không ngủ được!
Tôi ngớ người ra, làu bàu:
– Không nhìn thì thôi! Tao thèm vào!
Nói thế thôi chứ thực ra lúc nó ngủ, tôi vẫn liếc trộm nó, nhưng hễ thấy đầu nó hơi ngọ nguậy là tôi vội quay mặt đi hướng khác, mặt tỉnh bơ như không. Ngủ chừng hơn tiếng thì con An tỉnh dậy, nó kiểm tra khắp người, sờ tay lên mặt xem có gì không. Rồi nó bắt tôi dẫn đi chơi. Xung quanh chỗ này chẳng có gì mới cả, chủ yếu toàn là hoa cỏ với đất hoang mọc đầy cỏ lau. Nhìn nó háo hức chạy ra hướng bãi cỏ lau, tôi lại thất xót thương cho số phận một con người tăng động thừa năng lượng. Chắc lúc có mang nó, bác gái nghiện của ngọt nên giờ sinh ra nó hiếu động thế này. Ai đời, người gì mà cứ lon ta lon ton như đứa trẻ, đường đất đã không quen rồi còn thích chạy nhanh, mấy lần suýt tý nữa thì ngã. Tôi đứng xỏ tay túi quần, khệnh khạng rảo bước ngay sau nó, ngoài thì tỏ vẻ bất cần nhưng mà tôi sợ nó ngã lắm, không lúc nào dám rời mắt khỏi con ngẫn này, chỉ sợ vừa quay đi là lại oạch cho cái, nằm lăn ra đấy. Nhưng hình như con An không biết sợ là gì, chạy lăng xăng, rón rén lại gần nhánh cỏ có con chuồn chuồn , cố bắt cho bằng được. Con chuồn chuồn bay từ chỗ này sang chỗ khác, nó vẫn cố đuổi theo. Mãi không bắt được, nó quay sang mè nheo tôi:
– Hưng ơi! Bắt cho tao!
– Ơ hay con này! Để yên cho nó bay! Thế bây giờ có đứa túm cổ mày nhốt lại, mày có chịu không?
– Lè! Toàn bắt nạt tao!
Chán chê, nó lại nghĩ ra trò đi thăng bằng trên đoạn ống nước của máy bơm. Vừa đi vừa cười hí há, thích thú khi đi trọn hai vòng mà chưa hụt bước nào. Nhưng đi đêm lắm có ngày gặp ma, bỗng dưng nó bước hụt, ngã lăn ra, gọi ầm lên:
– Hưng ơi! Tao ngã rồi!!
Tôi hốt hoảng chạy ra xem sao. Nó mếu máo, làm nũng. Tôi gõ cho cái vào chân, cười:
– Có làm sao đâu mà! Dậy đi! Tao chụp ảnh ày!

Nó không thèm đứng dậy, ngồi lì ở đấy. Tôi dỗ mãi mới chịu đứng lên. Nó phụng phịu bỏ ra chỗ gốc cây táo dại ngồi, xoay lưng về phía tôi, nghênh nghênh đầu nhìn đi chỗ khác. Đúng lúc đó, tự nhiên có con bướm trắng đậu lên chỏm tóc nó, trông ngộ lắm. Chớp cảnh đó, tôi lấy máy ảnh ra bấm lia lịa, chộp ngay được cảnh hồn nhiên đó. Nghe tiếng tôi cười, nó ngơ ngác quay ra sau, tôi nhân cơ hội đó chụp thêm mấy tấm nữa. Nó chạy ra, giật lấy mảy ảnh xem. Nhìn thấy cái ảnh có con bướm đậu trên chỏm tóc, nó ngô nghê:
– Có con bướm đậu thật hả? Thôi, điềm báo, là điềm báo về người đẹp như tao rồi. Hàm Hương có bướm đậu, tao cũng có con bướm đậu. Là ý trời đây mà. Mày thấy vinh dự khi có bạn là The chosen one không?
Nhưng đến khi nhìn thấy mấy cái ảnh mặt ngơ thì nó dãy đành đạch bắt tôi xóa đi. Tôi ỉ ôi:
– Thôi, giữ lại làm kĩ niệm đi mà!
Nó vẫn không chịu. Tôi năn nỉ mãi, bắt trước nó làm mặt cún con. Nó kinh dị nhìn tôi, đập cho cái vào mặt, kêu:
– Khiếp! Khiếp! Nhìn cái mặt tởm quá, buồn nôn quá! Mày là sự xúc phạm thị giác Hưng ạ!
Tôi gân cổ lên cãi lại, hai đứa chí chóe, đuổi nhau chạy loăng quăng. Mãi rồi con An mỏi chân quá không đi nữa, túm cổ tôi, nhảy tót lên lưng, cười toe:
– Cõng tao đi về đi! Tao không đi bộ nữa đâu, mệt lắm!
Đang mệt bở hơi tai mà nó còn bắt cõng, tôi ngán ngẩm, lặc lè cõng con ỉn ra chỗ gửi xe. Thế quái nào mà trên đường đi, nó ngắt được bông lau, khua khoắng loạn xạ, hò hét:
– Ta là Đinh Bộ Lĩnh! Đang cưỡi trâu tập trận!
Hóa ra nó ám chỉ mình là con trâu à! Tôi cay cú, cứ nhè chỗ lồi lõm mà đi, bước thấp bước cao, xóc nẩy người. Con An kéo má tôi, kêu:
– Đi cẩn thận vào không tao xé nát mặt!
Không còn cách nào chống lại, tôi ngậm ngùi vác nó đi hết gần 2 cây số. Giây phút nhìn thấy bãi để xe, giây phút giải thoát của tôi.
Trên đường về nhà, con An còn mè nheo, hết nghịch mũ tôi lại quay ra hát hò linh tinh. Bỗng nhiên, hình như tôi phóng nhanh quá nên nó sợ ngợ hay sao mà khẽ vịn thật nhẹ vào cạnh hông tôi, im lặng không hát í a nữa.
Kết thúc buổi dã ngoại mini, tôi đưa nó về nhà an toàn rồi chầm chậm đi về. Giờ nghỉ giải lao đã hết, bắt đầu sẽ là những ngày căng thẳng vừa học vừa cân não.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.