Đọc truyện Phượng Hoàng – Chương 134: Phiên ngoại: Phong Nghị (5)
Phiên ngoại: Phong Nghị (5)
Hôn lễ tổ chức rất đơn giản. Hoàng thượng đây là cho mọi người biết dù nàng không phế truất Nguyệt Lương nhưng cũng không coi trọng. Hoạ Lương còn có cơ hội? Người muốn hai công chúa đối đầu, cân bằng thế lực của đế vương và triều đình?
Ngày hôn lễ, mẫu thân đến phòng ta dặn dò:
– Nghị nhi, con phải nhớ kỹ: khi Nguyệt Lương còn là thái tử, tuyệt đối không được giúp nàng chuyện triều chính. Nếu con nhúng tay vào, hoàng thượng có thể ép Nguyệt Lương hưu con hoặc phế truất cả nàng ấy. Hiểu không?
Ta gật đầu.
Hoàng thượng thật sự chỉ muốn Nguyệt Lương làm bù nhìn, không thật sự đào tạo nàng.
Chỉ là, ta không ngờ, Nguyệt Lương ngay trong đêm tân hôn của ta và nàng đã nghỉ lại Thiên Viên các của Nhật Lương. Tệ hơn nữa là trong đó chỉ một nam nhân là phu thị trên danh nghĩa của Nhật Lương.
Nàng ấy muốn làm gì? Làm bẽ mặt ta hay bất mãn với cuộc hôn nhân này?
****
– Công tử…
Ta nhìn Lữ Ngư không trả lời. Bây giờ còn gọi là công tử?
Hắn bối rối đáp lại:
– Đại nhân.
– Chuyện gì?
– Người ở Thiên Viên các…
Ta nhìn hắn. Lữ Ngư e dè:
– Thái tử hôm qua lại tới đó. Không sao chứ ạ?
Ta lắc đầu. Tên này lại bị những lời đồn đoán trong cung làm cho rối loạn.
– Lữ Ngư, Thiên Viên các là đâu?
Lữ Ngư ngạc nhiên nhìn ta:
– Là cung điện của Định Quốc tướng quân.
Ta gật đầu:
– Người trong Thiên viên các là ai?
– Phu thị của Định Quốc tướng quân ạ.
Ta gật đầu:
– Nương tử ta là ai?
– Thái tử điện hạ…
– Hiểu chưa?
Hắn lắc đầu. Ta thở dài. Còn phải dạy dỗ nhiều.
– Nàng ấy là thái tử, hắn là phu thị của Định Quốc tướng quân. Có thể xảy ra chuyện gì chứ?
– Nhưng…
Ta ngăn hắn lại:
– Thái tử có thích hắn, thích đến Thiên Viên các cũng không có ích gì. Người đó là phu thị của Nhật Lương, tỷ tỷ nàng. Nàng có thể làm gì? Nam nhân đó, cả đời này chỉ có thể là tỷ phu của thái tử, không bao giờ có thể là phu thị của nàng. Ngươi nói ta nên lo lắng về kẻ như thế sao?
Người ta nên lo lắng là Hứa Vĩnh và Phượng Ngưng, những kẻ uy hiếp trực tiếp đến vị trí thái tử của nàng. Không phải sao?
Phượng Ngưng vô năng, thế lực hiện nay của nàng đa phần nhờ Hứa Vĩnh và Lãnh gia xây dựng. Đến hiện tại ta vẫn không hiểu tại sao Hứa Vĩnh đồng ý lấy Phượng Ngưng. Lãnh gia khi đó ủng hộ Nhật Lương, không ngờ nàng lại thành Định Quốc tướng quân, bị mang đi Hoả Hương. Lãnh gia khi đó thất thế nhưng không đến mức để Hứa Vĩnh thành phu thị. Vậy tại sao?
Hứa Vĩnh có thể làm phu quân nhưng lại lựa chọn địa vị phu thị? Hắn không muốn lấy Phượng Ngưng tại sao lại hết sức giúp đỡ nàng thành thái tử?
Phượng Ngưng bây giờ hoàn toàn nghe lời Hứa Vĩnh. Muốn loại bỏ nàng thì phải ly gián cho được quan hệ phu thê của hai người. Làm thế nào để ly gián? Phu thị? Phượng Ngưng đã nạp thêm ba phu thị nhưng càng nghe lời Hứa Vĩnh hơn.
– Lữ Ngư?
– Có tiểu nhân!
– Chú ý động tĩnh của Hứa Vĩnh và Phượng Ngưng, bất kể chuyện gì đều phải báo lại cho ta.
– Vâng.
Bây giờ chỉ có thể quan sát. Mẫu thân trên triều đình ra sức giúp đỡ thái tử, phần nào đã lấy cân bằng thế cục. Có Phong gia chống lưng, nàng khi lên triều đường không còn phải chịu uất ức nữa.
****
Trở thành phu quân của thái tử, ta mới hiểu cảm giác của Hứa Vĩnh khi gả vào hoàng gia. Có nhiều việc, bản thân không thể tự chủ. Phong gia dù lớn mạnh nhưng so với hoàng quyền cũng chỉ như con cá nhỏ đang giãy dụa trong cát. Mẫu thân dù có lòng nhưng cũng không dám chống đối hoàng thượng, chống đối hoàng quyền.
Thánh chỉ ban xuống, phủ thái tử phải nạp thêm ba phu thị. Ta với địa vị phu quân đương nhiên phải đích thân chọn lựa.
Siết chặt thánh chỉ trong tay, ta bất lực. Hoàng thượng là đang cảnh cáo ta nên biết giới hạn sao? Vài năm nay, Phong gia giúp cho nương tử không ít chuyện, trên triều đường đã có tiếng nói riêng. Đặc biệt là khi hoàng thượng lui vào hậu cung, giao chuyện triều đình cho thái tử. Cuộc chiến với Phượng Ngưng đang đi vào hồi kết.
Khi ta nghĩ chúng ta sắp thắng thì hoàng thượng lại ra thánh chỉ, giao quyền lực cho Phượng Ngưng. Không hiểu sao thời gian này Hứa Vĩnh rất kỳ lạ, hắn vẫn giúp Phượng Ngưng thu gom quyền lực, chèn ép Âm nhi nhưng lại nhất quyết không hạ sát chiêu, phế truất Âm nhi, tận lực duy trì thế căng thẳng hiện tại.
Tại sao?
Hứa Vĩnh thu sức, Âm nhi đương nhiên đang thắng thế nhưng hoàng thượng lại giúp Hứa Vĩnh duy trì thế cục. Hai người đang có âm mưu gì?
– Đại nhân…
Ta nhìn lên Lữ Ngư, gương mặt hắn cau có nhìn vào thánh chỉ. Ta thở dài:
– Phu thị thôi. Ta là phu quân, còn phải sợ bọn họ sao?
Nạp phu thị thôi. Thánh chỉ nói là phải nạp vào, không nói phải nhận được ân sủng. Ta còn ở đây, bọn họ có thể làm gì?
Nếu đã nạp, nên nạp người có thể giúp ích cho Âm nhi.
Trong triều hiện tại ngoài Phong gia chỉ còn Lãnh gia và Hạ gia có ảnh hưởng nhất định trong triều. Chọn phu thị thì nên chọn trong hai gia tộc này.
– Lữ Ngư? Lãnh gia bây giờ có công tử nào đã trưởng thành mà chưa gả đi không?
– Hồi công tử, chỉ có một người. Từ nhỏ sống với phụ thân ở bên ngoài, vài tháng gần đây mới về Lãnh gia nhận tổ quy tông.
Ta cười thầm. Lãnh tướng quân này quả thật phong lưu. Số trận nàng đánh thắng hẳn nhiều bằng số con rơi của nàng. Cách vài năm lại xuất hiện thêm một đứa con ngoài giá thú sống cùng với phụ thân, trưởng thành rồi mới quay về Lãnh gia nhận tổ quy tông.
– Đại nhân, nhưng người này từ nhỏ sống trong dân gian, không hiểu quy củ kinh thành. E rằng…
Ta cười:
– Không hiểu thì học. Quan trọng hắn là con của Lãnh tướng quân. Ta tò mò muốn biết Lãnh tướng quân thương đứa con nào hơn?
Mu bàn tay là thịt, lòng bàn tay cũng là thịt. Hai đứa con gả cho hai công chúa. Lãnh tướng quân sẽ giúp bên nào? Ta không hy vọng nàng có thể quay lưng với Hứa Vĩnh nhưng ít nhất trên triều cũng nhẹ nhàng với Âm nhi hơn…
– Hạ gia thì sao?
Lữ Ngư lắc đầu:
– Không có ạ.
Hạ gia là nhà cha đẻ của Âm nhi, phượng quân Hạ Nghinh. Hạ gia hiện tại sa sút, phải dựa vào Âm nhi để duy trì, bọn họ sẽ không dám chống đối Âm nhi. Phu thị xuất thân từ gia tộc này không cần thiết nhưng sẽ yên tâm hơn.
– Không cần phải là trực hệ…
– Vậy thì có một người. Cháu gọi phò mã quốc sư là cậu…
– Con của em ruột phò mã sao?
– Không phải. Gia mẫu của phò mã nhận mẫu thân vị công tử này làm con nối dõi, không có quan hệ máu mủ.
Ta gật đầu. Là con của người nối dõi sao? Vậy cũng không tệ.
– Vậy chọn hắn đi.
Kéo gần quan hệ với quốc sư, Âm nhi có thêm một thế lực hoàng thất ủng hộ.
Còn một người. Lấy trong gia tộc nào đây?
Các gia tộc khác hoặc đã ủng hộ Âm nhi hoặc ủng hộ Phượng Ngưng, một số ít giữ thái độ trung lập. Lấy người ủng hộ Âm nhi chẳng có tác dụng gì, người trong gia tộc ủng hộ Phượng Ngưng có khác gì khiêu khích nàng ta lại ôm gián điệp vào nhà, khiến hậu viện không yên tĩnh. Trung lập… những gia tộc này đa số ủng hộ hoàng thượng, không thể đụng vào.
– Trong kinh thành còn gia tộc nào có con trai trưởng thành chưa có hôn ước không?
Lữ Ngư lắc đầu:
– Không có ạ. Các công tử cách lễ trưởng thành một năm đều đã đính ước rồi.
Ta trầm tư:
– Ta nhớ Kim gia còn một nam hài nhỏ hơn ta vài tuổi. Đã làm lễ trưởng thành chưa?
– Còn ba năm nữa ạ.
Ta gật đầu:
– Vậy hắn đi.
Dù sao cũng thiếu một người, cứ chọn đại một hài tử cũng không sao.
Thánh chỉ ban ra, người của Hạ gia vào cung ngay trong tháng. Kim gia và Lãnh gia chỉ ra thánh chỉ, chưa vội vào cung. Ta lấy lý do bọn họ còn nhỏ chưa hiểu quy củ cung đình trì hoãn thời gian vào cung. Hy vọng qua vài năm, hoàng thượng quên đi chuyện này. Vậy Âm nhi không cần lập phu thị nữa. Một mình Phong gia cũng có thể bảo vệ nàng.