Bạn đang đọc Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ – Chương 31: Chuyến tàu tốc hành xuyên Siberia (P.1)
1. Tàu M.V Khabarovsk
Tại ranh giới phía Đông, tàu tốc hành Xuyên Siberia là một con tàu biển Nga đầy mùi mốc, cứ mỗi tháng lại hai đến ba lần rời khỏi vùng Yokohama đầy sương khói, đi qua các eo biển Tsugaru đầy gió và biển Nhật Bản – nơi có nhiều hải lưu gặp nhau và không còn bão tuyết – để tới Nakhodka thuộc vùng Primorsk băng giá, như một hòn đá ném đi từ Vladivostok. Đó là con đường phía Tây duy nhất tới Nakhodka, tuyến đường mà bệnh viêm phổi theo bão gió bay tới mạn tàu. Cũng giống như tàu hỏa, con tàu biển Khabarovsk mang phong cách của người Xô Viết: bí ẩn với sự khác nhau tinh vi giữa các hạng, nó đưa một người Mác xít được đào tạo đi theo để đề cao những điểm khác nhau đó. Tôi được ở trong một cabin bốn giường ngủ ở mé mặt nước, một trong những cách phân chia thứ cấp của hạng thường (cách mô tả này đúng hơn so với quảng cáo du lịch là hạng sang). Bruce và Jeff, hai người Úc ở giường trên đang lo lắng cho chuyến đi tới Siberia. Anders ở phía giường đối diện, một thanh niên Thụy Sĩ có khuôn mặt đầy mụn nhọt, một trong những kiểu mặt Scandinavia điển hình thường tự mãn về sinh lý với một trí tưởng tượng nghèo nàn. Anh chàng lắng nghe hai người Úc nói chuyện và rồi khi anh chàng cất tiếng: “Này, tôi nghe nói thời tiết ở Siberia rất lạnh,” tôi biết chuyến đi sẽ gặp nhiều sóng gió.
Vào chiều muộn của ngày đầu tiên, lúc chúng tôi đang rẽ vào các eo biển thì bờ biển Honshu có tuyết rơi. Mũi tàu Khabarovsk và boong trước đã bị bao bọc trong băng xanh. Ngoài những ngọn hải đăng lâu lâu lại xuất hiện và một vài tàu đánh cá han gỉ đang tự do thả neo giữa dòng biển mạnh thì chẳng có dấu hiệu nào của sự sống. Bờ biển và những dãy núi phía sau con tàu trông hoang vắng. “Kia là Osorayama,” một trong các sinh viên Nhật Bản nói, chỉ về phía một ngọn núi. “Trên đỉnh núi có ma quỷ sinh sống. Vì thế người ta chẳng bao giờ lại gần đó.” Đám người Nhật Bản đứng bên lan can, chụp vài kiểu ảnh về cái nơi quỷ quái này. Họ lần lượt chụp cho nhau, cầm một phiến đá nhỏ, ghi ngày, giờ, địa điểm lên đó: các kiểu chụp ảnh luôn giống hệt nhau nhưng thông tin trên phiến đá lại thay đổi rất mau chóng. Họ hầu hết đều là sinh viên, một số người là khách du lịch. Họ gồm khoảng hai mươi người và đang đi khắp nơi, nhưng chỉ có một người nói tiếng Anh. Một nhà xã hội học đang trên đường tới Sorbonne không nói được tiếng Pháp, cũng như người đàn ông đang trên đường tới Viện Max Planck không nói được tiếng Đức. Họ mang những cuốn sách thành ngữ và lật từng trang liên tục. Nhưng những cuốn sách thành ngữ này không giúp được gì nhiều trong giao tiếp. Chúng được những người Nhật Bản khó tính biên dịch ra và có những câu rất Nhật Bản trong đó, như: “Căn phòng này không hợp với tôi” bằng tiếng Đức, Anh, Ý, Pháp và Nga.
Tôi mang theo cuốn New Grub Street tới quầy bar, nhưng liên tục bị chặn đường: những người Nhật Bản xếp ghế, ngồi thành vòng tròn, cầm những cuốn sách thành ngữ giống như những người điều khiển đội hợp xướng đang cầm sách thánh ca, họ đang tìm hiểu về giá thuê phòng ở London. Một đôi vợ chồng Mỹ muốn biết tôi đang đọc cái gì; và còn có cả Jeff, ông người Úc lớn tuổi hơn đang trên đường tới Đức. Jeff có ba ngày để nuôi râu và ông có thói quen đội mũ bê rê để che đi cái đầu hói của mình. Ông thấy ghét con tàu này nhưng vẫn đang hy vọng:
“Anh đã ở trên cái tàu nào như thế này chưa?” ông ta hỏi.
Tôi đáp chưa.
“Nghe này, tôi có một người bạn đã từng ở trên một con tàu như thế này. Anh ta đi từ Sydney tới Hồng Kông, tôi nghĩ vậy. Anh ta bảo rằng mọi người đều rất vui vẻ khi tất cả vừa lên tàu, nhưng ngay khi ra biển, họ bắt đầu trở nên điên loạn. Anh hiểu ý tôi nói không? Họ hành động theo lối trước đây chưa bao giờ làm.” Ông ta liếc mắt và nói: “Như kiểu họ vừa đánh mất những đồ cẩm thạch quý giá của mình vậy.”
Đêm hôm đó người ta chiếu một bộ phim về Minsk trong phòng khách. Jeff đi xem và kể lại cho tôi nghe. Bộ phim mô tả Minsk là một thành phố đầy nắng, với những cuộc trình diễn thời trang, những trận bóng đá, và gần gụi với hình ảnh chi tiết về một nhà máy thép. Sau đó, các chiêu đãi viên người Nga chơi nhạc, tổ chức nhảy, nhưng có rất ít người tham gia. Hai người Nam Tư nhân viên của con tàu nhảy với hai thủ thư đến từ Adelaide; ông người Mỹ nhảy với vợ, những người Nhật chỉ xem và giữ chặt lấy mấy cuốn thành ngữ.
“Có ai bị mất bộ cẩm thạch không vậy?” tôi hỏi.
“Đây không phải là chuyến đi dài,” Jeff nói. “Đây chỉ giống như một buổi dã ngoại vào Chủ nhật ở trường học. Nếu anh hỏi tôi thì tôi cho rằng đó là vì người Nga đã tổ chức chuyến đi này.”
Người pha chế ở quầy rượu, một cô gái tóc vàng vẻ khỏe khoắn, đi đôi tất hồng ngắn đến mắt cá chân, lắng nghe Jeff than phiền. Cô hỏi: “Anh không hài lòng à?”
“Tôi hài lòng.” Jeff nói. “Chỉ là tôi chưa quen thôi.”
Nikola, một người Nam Tư nhập bọn cùng chúng tôi. Anh ta nói anh thấy rất vui vẻ khi nhảy và anh muốn biết tên của người thủ thư thấp hơn. Anh ta nói: “Tôi đã ly dị, ha ha!”
“Galina Petr a,” tôi nói với người phục vụ, “ ột cốc bia nữa.”
Cô gái tóc vàng thôi không đan nữa, thì thầm với Nikola bằng tiếng Nga và rót đầy cốc bia của tôi.
Nikola bảo: “Cô ấy muốn anh gọi cô ấy là Galya. Như thế nghe dễ gần hơn.”
“Tôi nghĩ tôi chả được gì khi gọi cô ấy là Galya.”
“Anh nói đúng,” Nikola nháy mắt, “chả được gì cả.”
Chúng tôi nói chuyện về nước Nam Tư. Nikola nói: “Ở Nam Tư, chúng tôi có ba thứ: tự do, đàn bà và rượu!”
“Nhưng chắc chắn không phải cùng lúc có cả ba thứ đúng không?” tôi hỏi. Việc đề cập đến tự do đã khiến cuộc trò chuyện xoay quanh Djilas, một nhà văn Nam Tư bị ngược đãi.
“Về ông Djilas,” Nikola nói, “để tôi kể anh nghe. Khi tôi còn đi học, họ bắt tôi ngốn mọi sách của Djilas. Tôi phải học tất cả những gì ông ta đã đọc. Về Stalin. Anh ta nói, hừm, Stalin giống như Zayoosh, vị thần Hy Lạp. Không phải ông ta nghĩ giống như Zayoosh, nhưng trông giống Zayoosh – tai to mặt lớn. Tôi gọi Djilas là kẻ phản bội chủ nghĩa cộng sản. Đây là lý do. Ông ta đọc sách – một quyển sách lớn – có tên, hừm, Conversation with Staleen (Đối thoại với Stalin). Nhưng, hừm! Giờ thì ông ta nói Stalin là quái vật. Quái vật cơ đấy! Đầu tiên là Zayoosh, sau đó là quái vật. Tôi hỏi anh vì sao. Vì sao? Bởi Djilas là kẻ phản bội…”
Nikola đã từng là thuyền trưởng một con tàu Nam Tư. Giờ anh là nhân viên của một công ty tàu biển, anh đang trên đường tới Nakhodka để kiểm tra một tàu chở hàng bị hư hỏng. Anh ước mình vẫn là thuyền trưởng và đang nhớ lại thời điểm con tàu của anh gần như chìm trong bão ở eo Tsugaru. “Chúng tôi lúc đó đang vượt qua những dòng biển nguy hiểm.” Anh ta kể, “Đôi khi bạn phải cầu nguyện, nhưng không được để ai nhìn thấy.”
Đến đêm khuya hôm đó, quán bar của con tàu Khabarovsk chỉ còn lại đôi vợ chồng người Mỹ, Nikola, một vị khách người Ba Lan trông buồn rầu có cái tên tôi chưa nghe thấy bao giờ, và tôi. Đôi vợ chồng Mỹ nói rằng họ đã từng gặp ma. Tôi hỏi họ bằng chứng. Thế là họ kể cho tôi nghe những câu chuyện ma. Câu chuyện đầu tiên là về một con búp bê Nhật Bản mà họ từng mang theo. Nó có một chiếc mũi sứt. “Hãy vứt nó đi! Nó còn sống đấy!” Một người Nhật nói với họ như vậy. Nó có linh hồn. Họ đi tới một ngôi đền, rắc muối thành vòng tròn và làm lễ rửa tội. “Nếu không sẽ có điều xấu xảy ra với khuôn mặt chúng ta.” Tôi cho rằng chuyện đấy chỉ hoàn toàn là suy đoán đơn thuần. Họ lại kể tôi nghe một câu chuyện khác. Chuyện xảy ra ở New Orleans. Họ được tặng một cuốn sách kỳ lạ. Những vị khách được mời ăn tối thấy vô cùng thất vọng về ngôi nhà của họ, cuốn sách bỗng toả khói. Họ đốt cuốn sách trong một cái thùng đựng rác và một tuần sau đó ngôi nhà của họ cũng cháy rụi – không ai biết tại sao.
“Tôi có biết một nhà buôn qua các tài liệu cổ,” tôi nói và bắt đầu kể họ nghe câu chuyện rùng rợn nhất mà tôi biết, có tên “The Mezzotint” (Bản khắc) của M.R.James.
“Khiếp!” Người phụ nữ thốt lên khi tôi kết thúc câu chuyện. Chồng bà ta nói: “Này, thế là anh cũng gặp ma rồi à?”
Sáng hôm sau, chúng tôi rời khỏi các eo biển; tôi cứ ngỡ biển Nhật Bản sẽ yên bình hơn, nhưng thực ra lại tồi tệ hơn. Nikola giải thích rằng có hai dòng biển trong biển Nhật Bản, dòng hải lưu nóng Kyushu từ phía Nam chảy xuống và dòng hải lưu lạnh từ biển Okhotsk chảy đến: chúng gặp nhau và gây ra áp lực lớn. Suốt cả ngày con tàu bị cuốn đi trong bão tuyết và những con sóng lớn đập mạnh vào các cửa sổ. Tàu cứ dập dềnh đưa chúng tôi vào trạng thái không trọng lượng, khiến những chiếc chân vịt cũng như lung lay và ít phút sau thì mọi người bắt đầu nôn mửa. Say sóng thật đáng sợ – sợ con tàu sẽ bị đắm xuống vùng biển băng giá, sợ phải đối mặt với tuyết và những con sóng đập vào đám thuyền cứu hộ mỏng manh.
Vị khách người Ba Lan nói trông tôi rất mệt.
“Tôi phát ốm mất!”
“Làm một ngụm đi!”
Tôi thử một ngụm rượu Georgia, nhưng sau đó còn cảm thấy tồi tệ hơn, cứ như thể tôi vừa uống nhựa thông vậy. Con tàu rung chuyển dữ dội, nó trở nên náo động vì những tiếng gầm thét của sóng biển trên thân tàu, tiếng cánh cửa va đập, những cái tủ cốc chén đang long dần ra khỏi tường và rít lên với những chấn động dường như khiến chúng sắp nổ tung ra thành từng mảnh. Tôi trở về cabin của mình. Anders đang nằm trên giường, mặt tái mét. Jeff và Bruce đang rên rỉ. Bây giờ thì con tàu dường như không còn ở trên biển, nó đột ngột bay lên không trung trong khoảng năm giây và sau đó rơi xuống kèm theo từng mảng gỗ bung ra. Tôi không cởi bỏ quần áo. Thuyền cứu hộ số 7 là của tôi. Trong khi ngủ, Anders còn cố hét lên với tiếng khản đặc: “Không!”
Trước khi bình minh lên, sóng biển trở nên dữ dội nhất. Tôi cứ thế bị ném tung lên không từ trên giường mình nằm hết lần này đến lần khác, và một lần tôi cụng đầu vào khung giường. Bình minh lên, ánh sáng chiếu xuyên qua lớp băng trên các ô cửa sổ – mặt biển đã yên bình hơn. Tôi ngủ được khoảng một tiếng, trước khi bị đánh thức vì tiếng nói chuyện:
“Này, Bruce.”
“Hả!!!”
“Ned Kelly nhỏ bé của anh thế nào rồi?”
“Ổn.”
“Anh bị mất giọng rồi à?”
“Không.”
“Đi nào! Sóng dữ thật! Mấy cái giường này như địa ngục vậy.”
Jeff yên lặng trong giây lát. Anders lẩm bẩm gì đó. Tôi cố gắng bật chiếc radio đã mua ở Yokohama lên.
“Không hiểu bữa sáng có gì đây?” Cuối cùng Jeff nói.
Bữa sáng (xúc xích, ô liu, trứng vỡ, bánh mì ỉu) sẵn sàng phục vụ cho tám vị hành khách. Số người còn lại, bao gồm tất cả những người Nhật Bản đều bị say sóng. Tôi ngồi với vị khách người Ba Lan và Nikola. Ông Ba Lan và tôi trò chuyện về Joseph Conrad. Ông ta gọi Conrad bằng tên họ nguyên gốc: Korzeniowski. Nikola ngạc nhiên về mối quan tâm của tôi và nói: “Ông ta cũng viết về Stalin, ông nhà văn Korzeniowski ấy, đúng không?”
Đó là ngày cuối cùng của chúng tôi đi trên con tàu Khabarovsk. Trời nắng, nhưng nhiệt độ vẫn dưới không độ – trời quá lạnh nên không thể ở trên boong quá vài phút. Tôi vẫn ngồi trong quầy bar đọc Gissing. Đến tầm buổi trưa, Nikola dẫn theo sau một người Nga luống tuổi với mái tóc hoa râm. Họ uống vodka và cứ mỗi khi nhấp môi, người Nga đó lại bắt đầu kể những câu chuyện về chiến tranh.
Ông ta (theo như Nikola dịch lại) đã từng là người bạn đồng hành của anh trên một con tàu chở hàng cũ kỹ mang tên Vanzetti – tàu chị em của Sacco – do một tay nghiện rượu khét tiếng làm thuyền trưởng. Thuộc đoàn năm mươi con tàu hộ tống băng qua Đại Tây Dương, Vanzetti chạy quá chậm đến nỗi bị bỏ lại xa phía sau và một hôm, khi cả đoàn tàu hộ tống gần như mất hút thì một tàu ngầm của Đức tiến lại gần. Vị thuyền trưởng đã liên lạc bằng máy radio kêu gọi giúp đỡ nhưng đoàn tàu hộ tống không quay lại, bỏ mặc tàu Vanzetti tự lo liệu. Và không hiểu sao con tàu Vanzetti vẫn né được hai quả ngư lôi của tàu ngầm Đức. Quan sát một lúc, viên thuyền trưởng nghiện rượu lôi khẩu đại bác hoen gỉ của ông ta ra; ông bắn một phát, làm thủng chiếc tàu ngầm và làm đắm nó. Những người Đức cho rằng cái tàu cũ nát kia, được điều khiển bởi những kẻ bất tài, là một thứ vũ khí bí mật nên không làm phiền đoàn tàu hộ tống nữa. Khi con tàu Vanzetti ì ạch cập cảng Reykjavik, nước Anh đã tổ chức một bữa tiệc đặc biệt cho những người Nga đến muộn hai tiếng và đang hét lên những bài hát tục tĩu, còn viên thuyền trưởng say mềm vì rượu đã được thưởng huy chương.
Chiều đến, tôi nhìn thấy những con mòng biển, nhưng đã là năm giờ chiều trước khi nhìn thấy bờ biển Xô viết. Thật không ngờ, nơi đó toàn là tuyết. Khung cảnh màu nâu, bằng phẳng, không cây cối, một nơi u ám nhất mà tôi từng thấy; nó giống như một bãi biển mênh mông đầy thứ bẩn thỉu đông cứng vì bị một biển dầu đen đánh vào. Những hành khách người Nga, sau đó đã đi loanh quanh trên tàu trong bộ quần áo cũ kỹ, xỏ dép lê bọc nỉ, khoác vào những bộ vest nhàu nhĩ, đội chiếc mũ lông để chuẩn bị xuống tàu, còn dọc theo mạn tàu bên phải tôi thấy họ đang gài những tấm huy chương (“Công nhân gương mẫu”, “Hợp tác xã Yakutsk”, “Đoàn thanh niên Blagoveshchensk”) lên túi áo ngực. Con tàu cập cảng khá lâu ở Nakhodka. Tôi tìm được một nơi trú ngụ trên thân tàu, chỉnh sóng radio và nghe được bản nhạc Digan – tiếng violon chơi rời rạc như một điệp khúc cưa xẻ. Một thủy thủ mặc áo khoác rách rưới và đội chiếc mũ bẩn thỉu đang núp sau chiếc cần trục neo. Anh ta bảo tôi vặn nhạc to lên, bằng tiếng Anh (anh ta đã tới Seattle!). Anh ta cười rầu rĩ, cho tôi thấy hàm răng giả bằng kim loại. Anh từ Moldavia tới và đang ở rất xa nhà.
2. Tàu Vostok
Thành phố cảng Nakhodka của Siberia vào tháng Mười hai mang lại cho người ta cảm giác như đang ở bên rìa của thế giới, trong một không gian thiếu thốn sự sống. Cây cối trụi lá, mặt đất dày cứng không có cỏ mọc bên trên, đường phố không xe cộ, vỉa hè không người qua lại. Có những ngọn đèn sáng, nhưng chúng giống như đèn cảnh báo cho những ai bị lạc gần Nakhodka rằng đây là một nơi rất nguy hiểm và chỉ có sự trống rỗng bên trong. Thời tiết dưới không độ làm cho ta thấy xung quanh thật vô vị và chẳng có âm thanh nào phá vỡ được sự yên ắng nơi đây. Nakhodka khiến người ta thấy có cơ sở cho ý niệm trái đất này là một mặt phẳng.
Tại nhà ga (tên đầy đủ là Ga Tikhookeanskaya – như trong sách quảng cáo du lịch), một tòa nhà xây bằng vữa theo lối cân xứng của nhà thương điên Kabul, tôi bỏ ra sáu rúp để được chuyển từ vé hạng thường sang hạng sang. Nhân viên ở đó nói điều này là không thể được nhưng tôi vẫn nài nỉ. Có hai giường ngủ trong một khoang hạng sang, bốn giường đối với hạng thường và tôi đã nhận được một bài học bổ ích về việc quá tải trong một khoang ở tàu Khabarovsk. Việc đi lại ở Nga đã khiến tôi có ý thức về các thứ hạng. Và bây giờ tôi có nhu cầu xa xỉ, một nhu cầu không hề có ở Nhật Bản, nơi thủ tướng có toa riêng (thậm chí còn dành mười một toa riêng cho Nhật hoàng). Thế là tôi chọn một giường ngủ sang trọng ở toa số 5 của tàu Vostok.
“Vâng, anh thắc mắc điều gì ạ?” Một phụ nữ đội mũ lông hỏi. Sân ga đang đóng băng và nhằng nhịt những vết chân giống nhau trên mặt băng. Người phụ nữ thở ra cả hơi nước.
“Tôi đang tìm toa số 5.”
“Toa số 5 bây giờ là toa số 4. Anh vui lòng tới toa số 4 và đưa ra biên lai. Xin cám ơn!” Người phụ nữ sải chân bước đi.
Một đám người đang đứng trước cửa toa mà người phụ nữ kia vừa chỉ cho tôi. Tôi hỏi người ta đây có phải toa số 4 không.
“Nó đấy!” Một người Mỹ trông có vẻ bí hiểm cho biết.
“Nhưng họ không cho chúng ta vào,” vợ của ông ta nói, “ông kia bảo chúng ta phải đợi.”
Một nam công nhân ăn mặc trông như một con gấu xám tiến đến. Anh ta dựng một cái thang với vẻ quan tâm đến mấy thứ máy móc vô nghĩa như kiểu một diễn viên trong một vở kịch thử nghiệm với mục đích tránh nhàm chán cho khán giả. Bàn chân tôi đang dần đóng băng, đôi găng tay Nhật Bản bị gió lùa vào dễ dàng, mũi tôi cũng đỏ lên như một miếng băng, thậm chí đầu gối tôi cũng đã lạnh cóng. Anh công nhân dùng móng tay lần mò từng bảng kim loại một.
“Jeepers, em lạnh quá!” Vợ người đàn ông Mỹ cất tiếng. Và cô ta bật khóc.
“Đừng khóc, em yêu!” Người chồng nói rồi ngoảnh ra hỏi tôi: “Anh đã thấy cảnh này bao giờ chưa?”
Người công nhân trên chiếc thang gỡ số 4 ra khỏi thành toa, đẩy số 5 vào khe, cố định bằng nắm đấm, gỡ chiếc thang xuống, ấn cho thẳng lại rồi ra hiệu cho chúng tôi vào bên trong.
Tôi đã tìm được khoang của mình và nghĩ chuyện này thật kỳ lạ. Nhưng rồi tôi cũng thở phào và tận hưởng niềm vui sướng tột bậc mà một hành khách có thể cảm nhận được: không gian sang trọng nhất, gian phòng tiện nghi nhất mà tôi được biết trong suốt ba mươi chuyến tàu từ trước tới nay. Ở đây, trên con tàu Vostok, đỗ ở một sân ga có vẻ như hoang vắng nhất trong vùng Viễn Đông Xô viết, lại có một gian phòng có thể nói là tựa như của nữ hoàng Victoria, tất nhiên đó là thời trước cách mạng. Bản thân toa này trông như một chiếc đi văng hẹp trong một quán rượu sang trọng ở London. Sàn hành lang được trải thảm, gương treo mọi nơi, những vật bày biện bằng đồng sáng bóng hợp với đồ gỗ được đánh véc ni cẩn thận; rồi có cả hình những cây anh túc được khắc trên quả cầu thủy tinh của một đôi đèn đỏ bên cạnh những chiếc gương, làm cho những rèm cửa bằng nhung đỏ và những con số La Mã trên cửa ra vào của gian phòng cũng sáng lên theo. Số La Mã trên cánh cửa khoang của tôi là VII. Tôi có một chiếc ghế rất dễ chịu vì những tấm vải bọc được đan móc khéo léo và ghim chặt vào ghế; một tấm thảm dày trải trên sàn nhà và một tấm khác trong nhà vệ sinh, ở đó có chiếc vòi hoa sen trắng bóng nằm cuộn lại cạnh bồn rửa. Tôi đấm đấm vào cái gối: hóa ra bên trong đầy lông ngỗng ấm áp. Và tôi ở đây có một mình. Tôi đi đi lại lại trong phòng, xoa xoa tay rồi châm một tẩu thuốc, xỏ dép lê, khoác chiếc áo choàng mới của Nhật và tự rót một cốc vodka lớn. Tôi ngả lưng xuống giường, tận hưởng chuyến đi chín mươi sáu nghìn ki lô mét từ Nakhodka đến Moscow, chuyến tàu dài nhất trên thế giới.
Phương Đông lướt ngoài cửa sổ – Chương 30: Chuyến tàu tốc hành xuyên Siberia (P.2)
Để tới được toa ăn, hôm đó tôi phải đi qua bốn toa khác, giữa các toa, trong cái bốt cao su trên chỗ nối là một khoảng đất Bắc Cực. Một cơn gió buốt lạnh thổi qua những vết rách trên bốt cao su, sàn đầy tuyết, trên thành toa là một lớp băng rất dày và nắm đấm cửa cũng bị đóng băng luôn. Ngón tay tôi mất cả cảm giác vì những nắm đấm cửa đó; vì thế sau đó mỗi khi di chuyển giữa các toa trên tàu cao tốc xuyên Siberia, tôi lại đi găng tay vào. Hai bà già người Nga già nua chào tôi. Họ mặc áo khoác trắng, đội khăn xếp và cánh tay họ đỏ lựng lên vì nhúng vào chậu nước. Có những bà già khác nữa đang quét hành lang bằng chiếc chổi kết từ cành cây – đất nước này có những cụ già luôn khom mình, lam lũ. Bữa tối gồm cá mòi và món hầm, hai chén rượu vodka khiến đồ ăn ngon hơn hẳn. Tôi đang ăn thì hai nhà huyền bí người Mỹ bước vào. Họ gọi rượu. Người vợ nói: “Chúng ta nâng cốc chúc mừng thôi. Bernie vừa hoàn thành khóa học bác sĩ nội trú.”
“Tôi không biết là các nhà huyền bí lại phải học khóa bác sĩ nội trú.”
Bernie nhăn trán: “Tôi là bác sĩ.”
“A, một vị bác sĩ thực thụ!”
“Chúng tôi đang ăn mừng bằng chuyến đi vòng quanh thế giới,” người vợ nói, “Chúng tôi đang trên đường tới Ba Lan, ý tôi là sau khi tới Irkusk.”
“Thế thì các bạn hơi phung phí quá!”
“Có lẽ vậy.”
“Bernie,” tôi nói, “Anh sẽ không quay lại và trở thành một thầy lang đòi tiền chữa chứng hôi miệng chứ?”
“Học y tốn rất nhiều tiền.” anh ta càu nhàu và bảo rằng đã bỏ ra hai mươi nghìn đô la cùng hàng năm trời để học nghề bác sĩ. Sách giáo khoa rất đắt và vợ anh ta phải đi làm kiếm tiền. Tôi bảo rằng mấy thứ đó nghe có vẻ không có gì là thử thách. Tôi đã phải bỏ ra nhiều tiền hơn thế. Anh ta nói: “Thậm chí tôi đã phải bán máu mình.”
“Tại sao thế?” tôi hỏi, “Tại sao bác sĩ lúc nào cũng phải kể lể chuyện họ đã phải bán máu như thế nào khi còn là sinh viên? Anh không thấy rằng bán máu chỉ là một ví dụ khác của sự hám lợi sao?”
Bernie nói: “Tôi không việc gì phải đôi co với anh.” Anh ta túm lấy tay vợ và lôi ra khỏi toa ăn.
“Một nhà huyền bí vĩ đại!” Tôi thốt lên và nhận ra rằng mình đang say. Tôi trở lại căn phòng số VII và trước khi tắt đèn bàn, tôi ngoảnh nhìn ra ngoài cửa sổ. Tuyết đã phủ kín mặt đất và xa xa, dưới ánh trăng mờ lạnh giá là những cành cây khẳng khiu, trơ trụi lá.
Khi tôi tỉnh dậy, trời vẫn tối đen như mực mặc dù đồng hồ đã chỉ tám giờ hơn. Bình mình bắt đầu lên, một vầng sáng nhỏ hình bán nguyệt giống như hình lớp thịt hồng hào bên dưới móng tay xóa tan đi vẻ ảm đạm nơi chân trời. Một tiếng sau, vầng sáng ấy bắt đầu ửng đỏ, hào quang mùa đông hiện lên trên mặt băng bằng phẳng của vùng Primorsk, chiếu sáng căn nhà gỗ nhỏ chỉ như một cái chuồng gà có ống khói và mảnh sân có những đống rơm và tuyết xung quanh. Một vài người đã tỉnh dậy, họ mặc đồ mùa đông, những áo khoác đen dày dặn và đôi ủng to nặng khiến họ trông như thể có bàn chân dị tật. Họ rảo bước như những con búp bê thâm thấp, béo tròn, những ống tay áo có đệm lót dày bên trong khiến cánh tay của họ cứ thò ra. Trên tấm màn bình minh chậm rãi của mùa đông, tôi trông thấy một người đàn ông rất nhanh nhẹn đang trượt xuống dốc, lái đôi chân như thể trượt tuyết; anh ta mang một chiếc đòn gánh với hai cái xô. Sau bữa sáng, tôi còn nhìn thấy cảnh đó nhiều hơn, cảnh người ta đi gánh nước. Một người đàn ông đi xe trượt tuyết ngựa kéo, trông ông ta lạnh đến nỗi khó mà quất nổi roi ngựa, còn một người đàn ông khác thì đang kéo lũ con trên chiếc xe trượt tuyết. Nhưng chẳng mấy ai ra ngoài vào giờ đó cả, chẳng có mấy nhà cửa ở nơi đây và đường sá cũng không nốt. Chỉ thấp thoáng mấy túp lều đang tỏa khói được dựng lên chẳng theo một lề lối nào trên một bề mặt bằng phẳng.
Mặt trời đã xua tan lớp sương mù và chiếu sáng cả một bầu trời quang mây, sưởi ấm rèm cửa và những tấm thảm của toa ngủ. Thỉnh thoảng lại có những nhà ga với khung bằng gỗ và mái hình những chiếc bánh gừng. Nhưng chúng tôi chỉ dừng trong chốc lát, chỉ đủ để xem những tấm áp phích, ảnh chân dung của Lenin và các công nhân, cả những bức vẽ nhiều màu trên tường về những người dũng cảm đang khoác tay nhau. Tôi để ý xem những người Nhật trên tàu Vostok có phản ứng gì không, nhưng trông họ vẫn rất bình thản. Có lẽ những bức tranh trên tường mô tả người Trung Quốc và người Nga chăng? Chắc vậy. Đây là vùng tranh chấp. Suốt quãng đường tới Khabarovsk, chúng tôi đi dọc theo biên giới Trung Quốc, được đánh dấu bằng con sông Ussuri. Nhưng bản đồ đã chỉ nhầm: góc Trung Quốc này không khác gì với Liên Xô: một cánh rừng bạch dương ánh bạc uốn mình dưới một lớp băng tuyết dày và dưới ánh mặt trời chói sáng.
Thành phố Khabarovsk xuất hiện trên nền tuyết trắng giữa ban trưa và phải mất hơn một tuần tôi mới quen được với thứ ánh sáng chết người này của thành phố, nó nằm gần đường ray xuyên Siberia, bị chôn vùi dưới đáy bầu trời nặng trịch. Đầu tiên là hàng nghìn mét vuông nhà gỗ ở vùng ngoại ô, sau đó đến chỗ đường ray chia làm các ngã rẽ, ở đó những nữ công nhân đang cạo nước đá khỏi các công tắc, những đầu máy xe lửa hơi nước nhả khói và tuyết dần chuyển sang màu đen vì bồ hóng, các tòa nhà bắt đầu xuất hiện, cho đến khi toàn bộ thành phố hiện ra bao quanh con tàu với những dãy nhà ở, những túp lều gỗ và tòa nhà nhỏ. Tuy nhiên, trong lịch sử tuyến đường sắt xuyên Siberia thì Khabarovsk là một nơi quan trọng. Đây là một tuyến đường sắt lớn, được gia đình Perry McDonough Collin đề xuất từ năm 1857, bắt đầu được xây dựng vào năm 1891 dưới sự giám sát của Tsarevich Nicholas và hoàn thành vào năm 1916. Xây dựng gần đây nhất là cây cầu Khabarovsk bắc qua sông Amur và vì thế tuyến đường sắt được mở rộng từ Calais tới Vladivostok (giờ đây khách nước ngoài bị cấm vì lý do quân sự).
Mọi người xuống khỏi tàu Vostok. Hầu hết họ đều bắt chuyến máy bay đi Moscow khởi hành lúc chín giờ, một số người còn lại, trong đó có tôi, thì nghỉ lại một đêm ở Khabarovsk trước khi bắt chuyến tàu tốc hành Rossiya. Tôi chạy vội ra sân ga. Trời lạnh và khô khiến tôi phải chạy nhanh trở lại Vostok để mặc một chiếc áo len khác.
“Không!” cô nhân viên lữ hành nói, “Anh làm ơn ở yên trên sân ga này.”
Tôi nói ngoài trời có vẻ hơi lạnh.
“Trời đang ba mươi lăm độ dưới không!” cô nói, “Ha ha, nhưng không phải là độ C!”
Trên xe buýt, cô ta có hỏi xem liệu có điều gì đặc biệt tôi muốn làm ở Khabarovsk không. Tôi thoáng bối rối, rồi nói: “Thế cô nghĩ sao về một buổi hòa nhạc hay opera?”
Cô ta mỉm cười, điệu cười giống như bao người Bangor, Maine khi được hỏi một câu hỏi như vậy. Cô nói: “Có một vở nhạc kịch hài. Anh có thích nhạc kịch hài không?”
Tôi đáp không.
“Tốt, tôi cũng không giới thiệu nữa.”
Sau bữa trưa, tôi đi kiếm một tẩu thuốc lá. Tôi cạn dần thuốc lá và đang phải đối mặt với sáu ngày không thuốc hút ở Moscow nếu như không tìm được một điếu nào. Tôi băng qua quảng trường Lenin, nơi có tượng đài một người đàn ông vĩ đại (một người chưa bao giờ tới thăm thành phố này) đang đưa tay ra giống như đang vẫy taxi. Trên phố Karl Marx, những người bán báo ở các sạp nói rằng họ không có tabak (thuốc lá) nhưng họ mời tôi mua tờ Pravda (Sự thật), trên đó có hàng tít “Công nhân công nghiệp nặng Khabarovsk chúc mừng công nhân sản xuất củ cải đường Smolensk thu hoạch vụ mùa kỷ lục.” Kính mắt của tôi bị mờ đi vì hơi nước. Tôi nhìn thấy lờ mờ hình ảnh nhiều người mặc áo khoác đang đứng dựa vào tường và ăn bánh bao. Không có tabak. Ở bên ngoài, hơi nước đã biến thành sương và làm mở hẳn mắt tôi. Lần này tôi vào được chính xác một cửa hàng rau quả có rất nhiều bơ, pho mát, hàng loạt kệ dưa chua và bánh mì. Tôi tình cờ rẽ vào một số nơi như: Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa Liên bang Xô viết, nơi có bức chân dung to đùng của Marx đang nhìn chằm chằm vào những người gửi tiền; trụ sở của Đoàn Thanh niên; một cửa hàng trang sức đầy những đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường xấu xí và những con người luôn giữ một khoảng cách xa như thể đang trong một bảo tàng. Ở cuối con phố, tôi tìm thấy một bao thuốc lá Bulgaria nhỏ. Bước ra khỏi cửa hàng, tôi bắt gặp một khuôn mặt quen thuộc.
Đó là Jeff. “Có nghe tin gì về Bruce không?” Mũi Jeff đã đỏ ửng lên, mũ bê rê của ông ta được kéo sụp xuống che tai như là mũ trùm đầu khi tắm, khăn quàng thì quấn quanh miệng và ông ta đang nhún nhảy giữa trời giá rét. Ông ta giật mạnh cái khăn quàng và nói: “Bruce butcher’s hook!”
“Nghĩa là sao?”
“Anh không biết biệt ngữ đó sao? Chúa ơi, trời lạnh quá! Đó chỉ là một kiểu nói lóng.”
Theo lối nói lóng ở khu Đông London thì câu đó nghĩa là có vẻ. Anh ta có vẻ ư? Chả có nghĩa gì cả. Tôi hỏi: “Từ lóng đó nghĩa là gì?”
“Nghĩa là sắp chết rồi. Có phải người ta dùng từ ‘crook’ cho những ai bị ốm quá nặng đúng không?” Jeff đáp.
“Tôi không nghĩ vậy.”
“Sáng nay, trông anh ta có vẻ mệt mỏi. Môi nứt nẻ, mắt đờ đẫn, thân nhiệt mỗi lúc một cao. Một hành khách đã đưa anh ta đi bệnh viện rồi. Tôi nghĩ anh ta bị viêm phổi từ khi ở trên con tàu kinh hoàng kia.”
Chúng tôi rảo bước trở về khách sạn. Jeff nói: “Nơi đây cũng không đến nỗi tệ. Có vẻ như nó đang ngày càng khá hơn.”
“Tôi thì chẳng thấy vậy chút nào.”
Chúng tôi đi qua một cửa hàng, ở đó có khoảng một trăm rưỡi người đang đứng xếp hàng. Người đứng cuối hàng nhìn chúng tôi chằm chằm, nhưng ở phía đầu hàng, nơi cánh cửa chỉ được hé một nửa, họ đang cãi nhau và nếu đứng gần ở đó, bạn sẽ thấy họ đang tranh nhau lao qua một lối vào nhỏ hẹp, vừa lao vừa dùng khuỷu tay xô đẩy nhau. Tôi rất muốn biết họ đang xếp hàng để làm gì – rõ ràng họ đang được phát cho thứ gì đó – nhưng Jeff nói: “Nhìn sang bên phải kìa!” Tôi ngoảnh nhìn và thấy một viên cảnh sát cao to ra hiệu cho tôi đi ra phía sau.
Một vài người có vẻ là người phương Đông trong đám đông đó; Khabarovsk dường như chỉ toàn là người phương Đông sinh sống, những người Trung Quốc to béo với khuôn mặt chữ điền sẫm màu. Họ là dân bản xứ của vùng này, anh em họ xa của người Eskimo Mỹ và có tên gọi là dân da vàng. “Một bộ tộc có đồ may mặc đặc biệt dành cho nam giới,” Harmon Tupper viết như vậy trong lịch sử của tàu xuyên Siberia và nhận thấy họ chuyển từ mặc đồ da cá vào mùa hè sang da chó vào mùa đông. Nhưng ở Khabarovsk vào tháng Mười hai, họ vẫn ăn mặc giống như mọi người bình thường: đi ủng da và đeo găng tay hở ngón, mặc áo khoác và đội mũ lông. Jeff phân vân không hiểu họ là ai. Và tôi đã kể cho ông ta nghe như vậy.
Ông ta nói: “Hay thật! Họ trông cũng có giống với thổ dân Úc đâu nhỉ?”
Trong nhà hàng của khách sạn, Jeff đi thẳng tới bàn có hai cô gái Nga đang ngồi ăn. Họ là chị em với nhau. Zhenyia đang học tiếng Anh, còn chuyên môn của Nastasya là văn học Nga (“tôi nói là văn học Nga chứ không phải văn học Xô viết – thứ mà tôi chả ưa thích gì”). Chúng tôi cùng nói chuyện với nhau về sách: tác giả yêu thích của Nastasya là Chekhov, của Zhenyia là J.D.Salinger – “Kholden Khaulfield là nhân vật tuyệt vời nhất trong mọi nền văn học.” Tôi nói mình vô cùng ngưỡng mộ Zamyatin, nhưng họ chưa bao giờ nghe tới tên tác giả của cuốn Chúng ta (một tiểu thuyết đã gợi hứng cho Orwell viết tác phẩm tương tự là 1984). Tác giả này đã mất ở Paris vào những năm hai mươi khi đang cố viết tiểu sử Attila the Hun – vua của người Phổ. Tôi hỏi ở Khabarovsk có những tiểu thuyết gia nào thì Nastasya đáp:
“Chekhov đã ở đây.”
Năm 1980, Anton Chekhov đã tới thăm Sakhalin, một hòn đảo dành cho các tù nhân, cách Khabarovsk hơn nghìn cây số. Nhưng ở Siberia, mọi khoảng cách đều giống nhau cả: Sakhalin ở sát cạnh.
“Cô còn thích ai nữa?” tôi hỏi.
Nastasya đáp: “Bây giờ anh lại muốn hỏi tôi về Solzhenitsyn ư?”
“Tôi cũng không định thế,” tôi nói, “nhưng cô đã nhắc đến tên đó thì cô nghĩ gì về ông ta?”
“Tôi không thích ông ấy.”
“Cô đã đọc tác phẩm nào của ông ta chưa?”
“Chưa!”
“Cô nghĩ trong tuyên bố rằng phong trào hiện thực xã hội chủ nghĩa là chống lại chủ nghĩa Marx có chút sự thật nào không?” tôi hỏi.
“Hỏi chị gái tôi ấy,” Nastasya trả lời.
Nhưng Jeff lại đang nói chuyện với Zhenyia và khiến cô lườm lại. Sau đó Jeff nói chuyện với cả hai cô gái. “Nghe này, giả dụ các cô được đi tới bất cứ đâu trên thế giới, các cô muốn tới đâu?”
Zhenyia nghĩ trong giây lát. Cuối cùng, cô gái trả lời: “Tây Ban Nha.”
“Đúng thế, tôi cũng nghĩ vậy,” Nastasya nói. “Tôi cũng thích Tây Ban Nha.”
“Tây Ban Nha!” Jeff hét lên.
“Bởi vì ở đó luôn ấm áp, tôi nghĩ vậy,” Zhenyia nói. Hai chị em đứng dậy thanh toán hóa đơn. Họ mặc áo khoác vào, choàng khăn, đi găng và kéo mũ len xuống mắt, họ bắt đầu bước đi trong gió mạnh và tuyết.
Sau đó cô nhân viên lữ hành đưa tôi đi một vòng quanh thành phố. Tôi nói tôi muốn tới ngắm con sông. Cô nói, “Đâu tiên, nhà máy!” Có năm nhà máy ở đây. Cô nói những nhà máy này sản xuất ra “kebles, weenches, poolies, bults.” Đằng trước mỗi nhà máy là bức chân dung dài hai mét hình một người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, “Công nhân của tháng,” nhưng có thể đó cũng là ảnh của một đội chơi bowling ở Chicago. Tôi nói họ có vẻ cằn cỗi. Nữ hướng dẫn viên nói, “Họ có một đội hát opera.” Câu này có nghĩa khiển trách khách tới thăm: những con khỉ này có một đội hát opera! Nhưng opera trung lập về mặt chính trị và nhà hát opera Khabarovsk hầu như thường xuyên vắng vẻ. Nếu có một lựa chọn khác, họ sẽ lập một đội chơi bowling. Cũng chẳng có nhiều việc để làm ở Khabarovsk – thậm chí là nữ hướng dẫn viên cũng xác nhận điều đó. Sau khi đi thăm nhiều đài kỷ niệm, tượng đài và một vòng quanh bảo tàng, nơi có đầy những con hổ, hải cẩu phủ bụi, tất cả chúng đều có thể sắp tuyệt chủng, chúng tôi đi đến bờ Đông của sông Amur. Nữ hướng dẫn viên nói cô sẽ đợi trong xe. Cô không thích cái lạnh (cô muốn đến Ý và làm việc cho hãng Aeroflot).
Khúc sông chỗ này rộng chừng bảy tám trăm mét. Từ đây tôi có thể thấy hàng chục đàn ông đứng trên băng, mỗi người lại đứng bên mấy cái hố. Họ là những người câu cá trên băng, hầu hết đều có tuổi, họ trải qua mùa đông theo cách này, chờ đợi để giật mạnh sợi dây câu. Tôi đi xuống bờ sông trong luồng gió thổi mạnh, qua mặt băng đến chỗ một ông già đang đứng nhìn tôi lại gần. Tôi nói xin chào và đếm sản phẩm của ông; ông đã đục mười bốn lỗ trên băng dày hai bộ với một chiếc rìu cùn. Ông đã bắt được sáu con cá, con lớn nhất dài khoảng hai mươi xăng ti mét, con nhỏ nhất khoảng mười xăng ti mét và tất cả đều đã bị đông cứng lại. Ông làm tôi hiểu rằng ông đã đứng câu cá ở đây từ lúc tám giờ sáng; bây giờ đang là bốn giờ rưỡi chiều. Tôi hỏi ông liệu tôi có thể chụp ảnh ông không. “Nyet!”[1] Ông nói và cho tôi xem cái áo khoác tả tơi, cái mũ thủng, cái ủng rách. Ông thuyết phục tôi chụp ảnh một trong những con cá của ông, nhưng khi sắp chụp, có cái gì đó đã bắt mắt tôi. Một con cá chỉ còn trơ xương sống, lốm đốm máu, đầu và đuôi vẫn gắn vào đó.
[1] Tiếng Nga, “Không!”
“Con này bị làm sao đây?” Tôi nhặt cái xương cá lên.
Người đàn ông già cười và làm động tác ăn bằng găng tay và nhai bằng hàm răng sâu của mình. Thì ra ông bắt được bảy con cá: con thứ bảy là bữa trưa của ông.
Sau mười phút ở đây, tôi ngấm lạnh và muốn đi. Tôi đút tay vào túi lấy ra một hộp diêm Nhật. Ông có cần hộp diêm không? Có, rất muốn! Ông cầm lấy, cảm ơn tôi và khi tôi quay đi, ông chạy vội ra chỗ một người đàn ông khác đang câu cá ở cách đó năm mươi mét để khoe.
Người đàn ông câu cá trên băng, những bà già quét máng nước bằng chổi, hàng người xô đẩy trước cửa hàng trên đường Karl Marx, nhưng còn có mặt khác của Khabarovsk. Tối hôm đó, nhà hàng của khách sạn có nhiều sĩ quan quân đội và những phụ nữ trông mặt có vẻ hung tợn. Các bàn có đầy những chai vodka rỗng và nhiều người ăn bánh bao hấp Siberia (pelmenye) với champagne. Tôi nán lại một chút, nói chuyện với một đại úy dữ tợn về tình trạng suy giảm tỉ lệ sinh của Liên Xô.
“Thế còn kế hoạch hóa gia đình thì sao?” tôi hỏi.
“Chúng tôi đang cố ngăn chặn nó!”
“Các anh đã thành công chưa?”
“Chưa. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thể tăng gia sản xuất.”
Ban nhạc bắt đầu chơi, một cây saxophone, một đàn piano, một trống dây: bản Blue Moon (Trăng xanh). Và các sĩ quan quân đội bắt đầu nhảy. Những phụ nữ mặc áo nịt bên trong bộ váy cắt ngắn, kéo váy lên và nhảy cùng bạn nhảy. Một vài người đàn ông đang hát. Có những tiếng hò hét. Một đôi nhảy valse húc vào tay người đàn ông đang nhét bánh bao vào mồm. Một chai rượu rơi vỡ trên sàn; ẩu đả xảy ra. Anh đại úy nói với tôi, “Giờ thì anh phải đi rồi.”
Phương Đông lướt ngoài cửa sổ – Chương 30: Chuyến tàu tốc hành xuyên Siberia (P.3)
3. Chuyến tàu Rossiya
Sau này, bất kỳ khi nào nghĩ về chuyến tàu tốc hành xuyên Siberia, tôi lại thấy những cái bát bằng thép không gỉ đầy củ cải bị đổ ở trong toa ăn của tàu Rossiya khi nó đi vào một khúc cua trên đường tới Moscow, và tại khúc cua đó, một quang cảnh rõ nét hiện ra trên cửa sổ của đoàn tàu hơi nước màu đen và xanh của chúng tôi – từ Skovorodino thẳng tiến, luồng khói đầy hơi nước của con tàu khuếch tán ánh nắng và dạt vào cánh rừng khiến những cây bạch dương trông như đang âm ỉ cháy và làm những con chim ác là lao lên bầu trời. Tôi thấy những cây thông chóp nhuộm vàng trong hoàng hôn và tuyết nằm nhẹ nhàng xung quanh những bụi cỏ nâu giống như kem được trút trên mặt đất; những luống tuyết trông giống những du thuyền ở Zima; ánh lửa như son từ ống khói của những nhà máy sáng choang tại Irkusk; quang cảnh của Marinsk trong buổi sáng sớm, những con sếu đen, những tòa nhà màu đen cùng cảnh vật trôi qua trên cái bóng dài của các toa tàu khi chúng chạy tới nhà ga sáng ngời – có cái gì đó khủng khiếp trong việc kết hợp giữa cái lạnh, bóng tối và những con người bé nhỏ đang đi trên những chuyến tàu Siberia; chiếc hòm băng lạnh buốt giữa các toa xe; cái trán trắng của Lenin hiện ra ở mọi điểm dừng; và các hành khách bị cầm tù ở toa hạng thường: mũ lông, quần lông, quần áo thể thao màu xanh, trẻ con khóc, mùi cá mòi nồng nặc, mùi cơ thể, mùi cải bắp và mùi thuốc lá để lâu, khiến lúc tàu dừng thậm chí có năm phút ở các ga, người Nga bất chấp nguy cơ viêm phổi nhảy xuống sân ga đầy tuyết vì muốn hít thở khí trời; thức ăn chán ngắt; nền kinh tế ngu ngốc; đàn ông và đàn bà (“không có sự phân biệt giới tính trong việc phân toa – sách hướng dẫn du lịch cho biết), họ đều là những người lạ lẫm với nhau trong cùng một toa tàu, ngồi trên các giường đối diện, những người đàn ông râu ria chiếu tướng những người đàn bà cũng có râu, từ những cái mũ mềm đội đầu bẩn thỉu, đến cái chăn họ choàng lên người như khăn, xuống đến những cái mắt cá chân to khỏe gắn chặt vào đôi dép lê sứt sẹo. Hầu hết những chuyện này, tôi nghĩ đến chúng như một trải nghiệm mà thời gian đã chơi trò bóp méo một giấc mơ: con tàu Rossiya chạy vào múi giờ Moscow, sau bữa trưa với khoai tây vàng lạnh ngắt, một bát xúp như cục mỡ có tên solyanka, một bình rượu poóc tô có vị giống như xi rô ho, tôi hỏi giờ và được trả lời là bốn giờ sáng.
Tàu Rossiya không giống tàu Vostok; nó vẫn còn mới. Các toa giường nằm của Đông Đức là những xi lanh bằng thép, được bọc nhựa xám, sưởi bằng lò than đun những nồi nước nóng và ấm samovar, khiến phần cuối mỗi toa trông giống như một cái máy bắn phá nguyên tử trong phim hoạt hình. Provodnik (người phụ trách toa) thường quên cho thêm than vào lò sưởi, và sau đó toa tàu trở nên lạnh lẽo đến độ mang lại cho tôi những cơn ác mộng, đồng thời khiến tôi không ngủ được. Những hành khách khác trong toa hạng sang thì hoặc nghi ngờ, say khướt hoặc không biết gì: một người phương Đông cùng cô vợ Nga trắng trẻo và đứa con nằm trên một đống ủng và chăn, hai người Canada buồn rầu đang ba hoa với hai thủ thư người Úc về sự xấc láo của provodnik, một phụ nữ Nga luống tuổi mặc chiếc áo ngủ có diềm trên suốt chuyến đi, một người Grudia trông như thể đang có rắc rối trong một góc khác của toa và một vài gã say mặc đồ ngủ đang chơi bài domino ầm ĩ. Đối thoại thì vô vọng, ngủ thì sợ và những cái đồng hồ mất nết làm tiêu tan hứng thú ăn uống của tôi. Đó là ngày đầu tiên tôi viết trong nhật ký của mình, Sự thất vọng khiến tôi đói.
Toa ăn chật cứng. Mọi người được ăn xúp rau, sau đó là một quả trứng ốp lết, cốt lết kiểu Wiener – sườn bê rán bơ phủ bánh mì vụn. Có hai người phục vụ, một bà béo ú luôn mồm chỉ huy những người đang ăn, và một cô gái tóc đen xinh xắn kiêm luôn vai trò phụ bếp, trông như thể cô sẽ nhảy ra khỏi đoàn tàu ngay khi có cơ hội rõ ràng tiếp theo. Tôi ăn bữa trưa và ba người Nga ngồi cùng bàn cố xin thuốc lá của tôi. Vì tôi không có, chúng tôi cố gắng bắt chuyện: họ đi đến Omsk; tôi là người Mỹ. Sau đó họ bỏ đi. Tôi tự nguyền rủa mình vì không mua một quyển sách dạy tiếng Nga ở Tokyo.
Một người đàn ông ngồi xuống với tôi. Tay anh ta đang run. Anh ta gọi món. Hai mươi phút sau bà béo đưa cho anh ta một bình rượu vang. Anh ta dốc vào cốc và uống làm hai ngụm. Anh ta bị thương ở ngón cái, anh ta gặm vết thương trong lúc nhìn quanh toa tàu một cách lo lắng. Bà béo vỗ vai anh ta và anh ta đi, chếnh choáng về phía toa thường. Nhưng bà béo để cho tôi yên. Tôi vẫn ngồi trong toa ăn, nhấm nháp rượu nếp, ngắm nhìn cảnh vật thay đổi từ cánh đồng tuyết phẳng sang các ngọn đồi – quang cảnh đầu tiên của Nakhodka. Mặt trời đang lặn nhuộm vàng chúng một cách đẹp đẽ và tôi hy vọng sẽ nhìn thấy người trong khu rừng thưa. Tôi căng mắt suốt một tiếng đồng hồ, nhưng không thấy ai cả.
Không những tôi không thể xác định chúng tôi đang ở đâu mà cái bản đồ của Nhật về Liên Xô cũng chả có giá trị gì, chỉ đến buổi tối tôi mới biết tàu đã đi qua Poshkovo, trên biên giới Trung Quốc. Điều này lại làm tăng thêm sự mất phương hướng của tôi: tôi ít khi biết mình đang ở đâu, tôi không bao giờ biết được thời gian chính xác và tôi bắt đầu ghét ba cái máy làm lạnh mà tôi phải đi qua để tới toa ăn.
Tên của bà béo là Anna Fiodor a và, mặc dù bà hét vào mặt những người đồng hương của mình, bà vẫn vui vẻ với tôi, thuyết phục tôi gọi bà là Annushka. Tôi đã làm thế và bà thưởng cho tôi một đĩa đặc biệt, khoai tây lạnh với gà – thứ thịt đen dai nhách như vải dệt dày. Annushka ngắm nghía khi tôi ăn. Bà chớp lấy cái cốc trà (nhúng bánh mì vào trà và mút) và sau đó nguyền rủa ông què ngồi vào bàn tôi. Thậm chí bà còn lẳng cái đĩa sắt đầy khoai tây và thịt béo lên trước mặt ông ta.
Người đàn ông què ăn rất chậm rãi, kéo dài bữa ăn kinh khủng bằng cách cắt cẩn thận món thịt của mình. Một người phục vụ đi ngang qua và va phải. Người phục vụ làm rớt cái bình đựng nước trống rỗng lên bàn tôi, làm vỡ cái cốc của người què. Người đàn ông què tiếp tục ăn với sự bình tĩnh tột đỉnh, không đáp lời người phục vụ lí nhí nói câu xin lỗi khi nhặt các mảnh cốc vỡ trên bàn. Sau đó người phục vụ nhặt một miếng thủy tinh vỡ lớn màu bạc trong đám khoai tây nghiền của người đàn ông què. Ông ta ngừng ăn và đẩy cái đĩa đi. Người phục vụ mang ra cho ông ta một suất ăn mới.
“Sprenchen Sie Deutsh?”[2] Người đàn ông què hỏi.
[2] Tiếng Đức, “Anh biết tiếng Đức chứ?”
“Vâng, nhưng kém lắm.”
“Tôi biết nói tí chút,” ông ta nói bằng tiếng Đức. “Tôi học ở Berlin. Anh người nước nào vậy?”
Tôi cho ông ta biết. Ông ta hỏi, “Anh nghĩ sao về thức ăn ở đây?”
“Không tồi, nhưng không quá ngon.”
“Tôi nghĩ nó quá chán,” ông ta nói. “Thức ăn ở Mỹ ra sao?”
“Tuyệt,” tôi đáp.
Ông ta nói, “Bọn tư bản! Anh là một kẻ tư bản!”
“Có thể.”
“Chủ nghĩa tư bản xấu xa, chủ nghĩa xã hội tốt.”
“Vớ vẩn,” tôi nói bằng tiếng Anh, sau đó bằng tiếng Đức, “Ông nghĩ vậy sao?”
“Ở Mỹ người ta thích giết người bằng súng ngắn. Pằng! Pằng! Pằng! Đại loại thế.”
“Tôi không có súng.”
“Thế những người Negro thì sao? Những người da đen ấy?”
“Họ thì sao?”
“Các anh giết họ.”
“Ai nói cho ông những chuyện này?”
“Báo chí. Chính tôi đã đọc. Và lúc nào cũng có trên đài phát thanh nữa.”
“Đài phát thanh Liên Xô,” tôi nói.
“Đài phát thanh Liên Xô là đài phát thanh tốt,” ông ta khẳng định.
Cái đài trên toa ăn đang phát một bản nhạc vui nhộn. Nó mở suốt cả ngày và thậm chí cả trong các toa giường ngủ – mỗi toa có một loa – nó tiếp tục thì thào bởi không ai có thể tắt hẳn đi được. Tôi chỉ ngón tay về phía cái loa và nói, “Đài Liên Xô tiếng quá to.”
Ông ta cười hô hố. Sau đó nói, “Tôi là người tàn tật. Nhìn đây, không có bàn chân, chỉ có cẳng chân thôi. Không có bàn chân, không có bàn chân!”
Ông ta cởi ủng nỉ ra và nện cái gậy bịt sắt vào ngón chân. Ông ta nói, “Tôi ở Kiev trong thời gian chiến tranh, đánh nhau với bọn Đức. Chúng bắn tôi – Pằng! Pằng! – vậy đó. Tôi nhảy xuống nước và bơi. Lúc đó là mùa đông – nước lạnh – rất lạnh. Chúng bắn nát chân tôi, nhưng tôi vẫn không ngừng bơi. Sau đó đại úy của tôi nói với tôi, ‘Nhìn kìa, lại thêm bọn Đức kìa…’ và trong tuyết, tuyết rất dày…”
Đêm đó, tôi ngủ trong cái giường kích cỡ chỉ bằng cái ghế băng, mơ về những người Đức bước đi như những con ngỗng với cái chĩa, đội mũ bảo hiểm giống như cái bát trên tàu Rossiya; họ bắt tôi nhảy xuống con sông đầy băng. Tôi tỉnh giấc. Chân tôi trần trụi trong cái giá lạnh từ cửa sổ ùa vào; chăn bị tuột ra và ánh sáng xanh của màn đêm trong toa khiến tôi nghĩ tới phòng mổ. Tôi lấy thuốc aspirin ra uống và ngủ cho tới khi hành lang sáng mờ đủ để tìm thấy nhà vệ sinh. Ngày hôm đó, khoảng buổi trưa, chúng tôi đến Skovorodino. Provodnik, tên cai ngục của tôi, đưa một gã râu xồm xoàm vào khoang giường nằm của tôi. Đó là Vladimir. Anh ta đến Irkusk, mà hai ngày nữa mới tới. Anh ta đọc sách bìa mềm của Nga có những bức tranh ái quốc ở ngoài bìa, còn tôi nhìn ra cửa sổ. Tôi từng nghĩ về một cửa sổ toa tàu khi cho phép mình tự do khám phá thế giới; bây giờ nó giống như thứ đang cầm tù tôi và nhiều lúc là bức tường nhà đá tăm tối.
Tại chỗ rẽ ngoài Skovorodino, tôi đã nhìn thấy tàu được đẩy đi bởi một động cơ hơi nước khổng lồ. Tôi tiêu khiển bằng cách chụp ảnh khi đoàn tàu uốn mình, nhả ra những cuộn khói bay (mặc cho Vladimir mím môi không đồng tình). Những làn khói chạy dọc thân tàu và tan vào những khu rừng bạch dương và cây tuyết tùng xứ Siberia, nơi có vết chân người và dấu hiệu của những đống lửa đã tắt, nhưng không mảy may xuất hiện bóng dáng con người. Cảnh vật thay đổi quá nhanh khiến tôi không thể chụp ảnh qua cửa sổ tàu và tôi chìm vào giấc ngủ. Tôi đã mơ về một hầm rượu đặc biệt ở trường Trung học Medford, sau đó tỉnh dậy, và khi thấy Siberia tôi gần như đã hét lên. Vladimir đã dừng đọc sách. Anh ta ngồi dựa lưng vào tường, vẽ trên một tập giấy với những chiếc bút chì màu, bức họa về một bốt điện thoại. Tôi đi rón rén ra hành lang. Một trong những người Canada đang nhìn tuyết. Anh ta nói: “Ơn Chúa, chúng tôi sẽ xuống ga trưa nay. Anh định đi đâu?”
“Moscow, sau đó đi tàu đến London.”
“Thời tiết xấu quá.”
“Người ta bảo thế.”
Anh ta nói: “Tôi thậm chí không biết hôm nay là ngày nào. Chuẩn bị đến Giáng sinh rồi. Này, lúc nãy anh có nhìn thấy căn nhà cháy ở đằng kia không?”
“Không.”
Ngày hôm trước, anh ta đã nói: “Anh có nhìn thấy chiếc xe tuần lộc băng qua dòng sông và đâm vào băng không? Ôi, những chiếc bánh sau của nó bắn ra.” Tôi tự hỏi liệu có phải anh ta tưởng tượng ra không nhỉ. Anh ta thường nhìn thấy những thảm họa. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy khuôn mặt của mình đang lo lắng.
Tôi quay trở lại khoang và tiếp tục đọc cuốn New Grub Street nhưng hỗn hợp giữa thứ ánh sáng mù mịt, cái lạnh lẽo, tuyết đổ và cả sự sa sút của Ediwn Reardon đáng thương khiến tôi cảm thấy mệt mỏi và lại thiếp đi. Trong lúc ngủ, tôi mơ thấy mình ở một túp lều trên núi với vợ và các con. Trên ô cửa sổ có tuyết và một tấm gương đen. Tôi thấy u sầu: vài người tôi quen đang ở rất xa và tôi sẽ phải thông báo với họ một tin bi thảm. Bàn chân tôi đóng băng nhưng tôi quyết chí đi để nói với họ tin này. Tôi xỏ chân vào đôi ủng và nói: “Anne, em thế nào? Em không đi à?”
Anne đáp: “Ngoài trời lạnh quá, hơn nữa em đang đọc sách, em nghĩ mình sẽ ở lại đây.”
Tôi đành nói chuyện với Annuska, con quỷ của toa ăn trên xe lửa Rossiya: “Bà thấy chưa? Thấy chưa? Cô ấy luôn nói rằng muốn đi với tôi nhưng khi cần phải đi thì cô ấy luôn từ chối.”
Anne, vợ tôi, nói: “Anh đang làm mất thời giờ đấy, nếu anh đi thì nhớ đóng cửa và đừng có nói về chuyện đó nữa.”
Tôi mở cửa lều. Ở ngoài là khoảng không mênh mang. Gió lạnh ùa vào trong phòng thổi bay vạt khăn trải bàn và khua lanh canh vào cái chụp đèn. Tuyết bay vào đầy sàn nhà.
Tôi nói: “Anh sẽ đi vậy, nếu không ai đi.”
“Bố ơi, con đi cùng được không?” Tôi nhìn vào khuôn mặt trắng trẻo của cậu con trai. Nó như đang van vỉ, vai nó run lên.
“Không, bố sẽ đi một mình.” tôi nói với nó.
“Đóng cửa vào đi!”
Tôi tỉnh dậy, bàn chân lạnh ngắt. Cửa sổ tối om và toa tàu rung lên (chỉ có tàu xuyên Siberia là nẩy lên, bởi đường ray chắc chắn hơn những mối nối dao động). Giấc mơ vừa rồi khiến tôi cảm thấy lo sợ, một chuyến đi sai lầm và nỗi cô đơn càng khiến tôi cảm thấy đơn độc khi viết ra và chiêm nghiệm nó.
Vladimir dừng vẽ. Anh ta nhìn lên và nói: “Chai.”
Tôi hiểu anh ta nói gì. Trong tiếng Swahili, thì chai chính là trà. Anh ta gọi provodnik. Ngoài bánh và trà, tôi đã học được bài học tiếng Nga đầu tiên, tôi ghi chép lại các từ phát âm đúng vào sổ: một công việc chán ngắt nhưng nó giúp tôi giết thời gian hơn là lơ mơ ngủ và gặp ác mộng.
Toa ăn tối hôm đó trống trơn và lạnh lẽo. Băng đóng trên cửa sổ và có thể nhìn hơi thở của những nhân viên phục vụ trên đó như những đám mây khói, Vassily Prokofyevich, người quản lý, đang tính toán và gõ máy tính. Tôi đã ở trong khoang ăn này đủ lâu để biết rằng chiều nay, Vassily, người đàn ông mà khuôn mặt có vết sẹo ngắn – đã uống rượu. Ông ta nhảy lên và phả vào tôi hơi thở toàn mùi rượu vodka, sau đó lôi ra một chai bia và chỉ cho tôi xem làm thế nào mà bia đóng băng trong chai. Ông ta cọ xát một chai vào tay mình, làm tan băng cho tôi rồi quát Nina, cô gái tóc đen. Nina mang cho tôi một đĩa cá hồi hun khói cùng vài lát bánh mì. Vassily chỉ vào cá hồi và nói: “Kita.”[3]
[3] Cá voi. Đoạn này trong nguyên bản, tác giả ghi âm tiếng Nga.
Tôi nói: “Eto karasho kita.”[4]
[4] Cá voi này ngon.
Vassily tỏ ra hài lòng và ông ta bảo Nina mang thêm cho tôi.
Tôi vỗ tay vào cửa kính đóng băng và nói: “Eto oknor.”[5]
[5] Đây là cửa sổ.
“Da, da.”[6] Vassily rót ình thêm vodka. Gã uống ừng ực và rót cho tôi một chút vào cốc vại. Tôi uống và thấy Annuska vẫn ở chỗ bà ta thường ngồi, nhúng bánh mì vào trà đen và mút miếng bánh.
[6] Đúng, đúng.
Tôi chỉ vào cốc trà của bà ta và nói; “Eto zhudki chai.”[7]
[7] Trà này rất tệ.
“Da, da.” Vassily cười và rót thêm rượu vào cốc của tôi.
Tôi chỉ cho ông ta cuốn sách của Gissing và nói: “Eto ganyiga.”[8]
[8] Đây là cuốn sách.
“Da, da?” Vassily nói. Nina tiến lại gần với đĩa cá hồi.
“Eto Nina.”[9] Vassily nói, chộp lấy cô gái xinh đẹp, “và đây,” tôi dịch hành động của ông ta, ‘đây là ngực của Nina.”
[9] Đây là Nina.
Buổi sáng bây giờ trời xầm xì hơn, một mánh lới khác của thời gian khi đi tàu có vẻ khiến tôi mau chóng sa vào hoang tưởng. Sau tám tiếng ngủ, tôi tỉnh dậy trong bóng tối. Dưới ánh sáng yếu ớt của trăng tháng Mười hai, như một chiếc liềm bạc, khung cảnh trở nên trống vắng, không cây cối, không tuyết. Và không có cả gió nữa. Thật là kỳ lạ, khi bình minh sắp lên (theo đồng hồ của tôi lúc đó là chín rưỡi), được thấy những ngôi làng nằm hai bên bờ các con sông Shilka và Ingoda, tập hợp nhỏ nhoi những chiếc lều gỗ cùng những làn khói màu nâu sẫm vươn thẳng qua ống khói khiến tôi nghĩ đến một chiếc xe gỗ đang cháy và bị mắc kẹt trên thảo nguyên hoang sơ. Sau vài giờ trôi qua khung cảnh hiu quạnh này, chúng tôi đến Chita, một thành phố xấu như ma với những ống khói phun cuồn cuộn cùng vô vàn đụn khói cạnh đường ray. Bên ngoài Chita có một hồ nước đóng băng, trên đó những người câu cá thu lu nhìn như những con quạ đen béo xù lông