Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

Chương 30: Chuyến tàu Kodama (Tiếng vọng) đến Osaka  


Bạn đang đọc Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ – Chương 30: Chuyến tàu Kodama (Tiếng vọng) đến Osaka  


Nói ngắn gọn về chuyến tàu Kodama: một hồi còi mười bốn phút, một tiếng thở dài, và bạn đã đến nơi. Tôi đã thấy ghế của mình, lấy sổ ghi chép ra và đặt nó lên đùi, nhưng tôi vừa đề xong ngày tháng lên trang sổ thì đoàn tàu Echo có mặt tại Osaka và hành khách ùa ra. Một cảm tưởng đến với tôi từ sân nhà ga Osaka, ấy là một ý nghĩ bị đoàn tàu chạy vượt qua: Vùng ngoại ô của Kyoto cũng giống vùng ngoại ô của Osaka. Hầu như chẳng có gì đáng ghi lại cả ngoại trừ một điều là ngoại ô Osaka đong đầy trong tôi cảm giác hoang tàn mà khi đến nơi, tôi đi ngủ luôn. Tôi đã lên kế hoạch mua vé xem múa rối, Bunraku – dường như đây là điều phù hợp đối với một nhà văn lang thang trong một thành phố xa lạ. Nếu anh không thấy gì, anh sẽ không viết được gì: anh phải tự buộc mình đi xem. Nhưng tôi thấy quá buồn để đặt mình vào nỗi buồn lớn hơn trên phố. Đó không chỉ là các tòa nhà màu xám, cảnh đám người đeo khẩu trang y tế đợi trên các vỉa hè chờ đèn đổi màu (hình ảnh mang nỗi lo lắng bên trong: một xã hội không có kẻ đi ẩu cũng có thể là một xã hội không có nghệ sĩ); đó còn là bầu không khí Osaka ô nhiễm, nghe nói có tới hai phần năm là khí độc.
Và rồi kẻ chứng kiến, với cơn thèm muốn một quyển sách du lịch, với cái gối trên đầu trong một khách sạn của Osaka, không có kỷ niệm nào về chuyến đi đến đây ngoại trừ các trang ghi chép trắng trơn chỉ đề mỗi ngày tháng, và hồi ức đáng sợ về thành phố giống như một cái bẫy thép mà ai đó đã quên không cài. Tôi bắt đầu uống, cho rằng vào lúc mặt trời lặn, uống rượu hoặc ve vãn vợ người khác là không có tội; nhưng cái ánh sáng lờ mờ đã quật ngã tôi. Đó là lúc giữa chiều. Tôi uống tiếp, chơi hết nửa chai gin và bắt đầu uống tới các chai bia mà chủ khách sạn đã chu đáo đặt vào tủ lạnh trong phòng. Tôi cảm thấy mình giống như một lái buôn tha hương trốn ở Baltimore với một va li đầy các mẫu hàng: ra khỏi giường để làm gì? Như một lái buôn hoang tưởng, tôi bắt đầu bịa ra những lý do để không rời khỏi khách sạn, tôi sẽ đưa ra những lời chối từ thay vì các câu mệnh lệnh. Hai mươi chín chuyến đi tàu hỏa biến một nhà văn dũng cảm nhất thành Willy Loman[1]. Nhưng: tất cả các chuyến đi đều là chuyến trở về. Một người càng đi xa bao nhiêu thì người đó càng trống rỗng, cho đến khi tới tận cùng, không còn bị một cảnh vật nào thu hút, người đó sẽ là chính mình, một người đàn ông nằm trên giường với nhiều chai rỗng. Người đàn ông ấy nói, “Tôi có vợ con” khi anh ta đang xa nhà; còn khi ở nhà anh ta nói về Nhật Bản. Nhưng anh ta không biết – anh ta có thể ra sao? – rằng những cảnh vật thay đổi qua cửa sổ tàu hỏa từ ga Victoria tới trung tâm Tokyo chẳng thể sánh được với sự thay đổi bên trong anh ta; và cuộc du ký, cái không thể nhưng lại là trò hề ngay từ ban đầu, đã chuyển từ thể báo chí sang hư cấu, nó xảy ra nhanh như chuyến tàu Echo Kodama trong quyển tự truyện. Từ đây bất kỳ chuyến đi nào xa hơn cũng trở thành đường bay thẳng tới sự thú tội, đoạn độc thoại đầy rối rắm trong một khu chợ hoang vắng. Tôi nghĩ rằng căn phòng khách sạn vô danh trong thành phố lạ – cái gối vẫn đang trên đầu tôi – đã đẩy tôi vào trạng thái thú tội. Nhưng giây phút tôi bắt đầu đếm tội của mình thì chuông điện thoại reo vang.
[1] Nhân vật trong vở “Death of salesman” (Cái chết của người lái buôn) của nhà viết kịch Mỹ Athur Miller.
“Tôi đang ở sảnh tầng dưới. Sắp đến bài giảng của anh…”
Đó là một sự cứu rỗi. Tại Trung tâm Văn hóa, tôi phả hơi thở đầy cồn vào micro và nói về Nathanael West, nói ra vẻ bề trên, “Một tác giả mà các bạn có thể không biết…”
“Giáo sư Sato…” Một cô gái Nhật lên tiếng.
Một người đàn ông, đứng lên và chạy ra khỏi phòng.
“… đã dịch tất cả các sách của ông ta.”

Người chạy ra là giáo sư Sato. Nghe thấy tên mình, ông ta rất sợ hãi và sau đó, khi tôi hỏi về ông ta, những người khác xin lỗi và nói ông ta đã đi về nhà. Họ muốn biết tôi đã đọc tiểu thuyết Nhật Bản chưa? Tôi đáp rồi, nhưng tôi có một câu hỏi. “Hãy hỏi ông Gotoh!” một người nói và vỗ vào vai ông Gotoh trông như sắp khóc. Tôi nói rằng những tiểu thuyết gia Nhật mà tôi từng đọc đã giải quyết câu hỏi về tuổi già, cũng như một vài tác giả khác đã làm, so sánh và thấu tỏ, nhưng ở trong ít nhất bốn ví dụ, đỉnh điểm của tiểu thuyết xuất hiện khi một người già cả lại hóa thành kẻ tò mò. Nghĩ về Nhà hát Nichigeki, buổi diễn đồng tính nữ giáo sư Toyama kể, quyển truyện tranh của cô gái trên chuyến tàu Chim buổi sớm, tôi nói tính tò mò này luôn luôn được người thủ vai chính sử dụng một cách khôn ngoan: vậy vì cớ gì mà những trò tình dục tai quái lại hấp dẫn người Nhật đến thế?
“Có thể,” ông Gotoh đáp, “có thể bởi vì chúng tôi là những người theo đạo Phật.”
“Tôi nghĩ đạo Phật dạy cách chế ngự ham muốn,” tôi nói.
“Có thể quan sát cũng là chế ngự,” ông Gotoh trả lời.
“Tôi nghi ngờ đấy.”
Câu hỏi không được giải đáp, nhưng tôi tiếp tục nghĩ rằng người Nhật, những công nhân không biết mệt mỏi trong nhà máy, đã đạt đến một điểm kiệt quệ về tình dục khiến họ hứng thú xem cái hành động đó qua tinh chế hơn là tự mình thể hiện. Và điều đó, như trong rất nhiều thứ khác, là sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với sự suy đồi văn hóa của Nhật Bản.
Trên đường một mình về khách sạn, tôi vào hiệu sách để tìm một quyển sách hướng dẫn du lịch Liên Xô, nhưng không tìm thấy một bản New Grub Street (Con đường dòi bọ mới) nào của Gissing. Tôi đi tiếp cho đến khi tìm được một quán bar. Nhìn qua cửa sổ trang trí bằng các chai bia Asahi và Kirin, quán bar trông rất vui nhộn, nhưng nó chẳng vui nhộn gì khi tôi đi vào trong và nhìn thấy năm người Nhật say khướt, sàn nhà loáng nước, những chiếc ghế gãy. Mặt những người đàn ông đỏ lên, múi thịt quanh mắt họ mọng cồn và họ đánh mất tính lịch sự truyền thống của người Nhật. Họ loạng choạng bước và ghì lấy tôi. Một người nói, “Eng đâu đến!” Một người khác đấm vào lưng tôi và nói, “Eng là cậu bé ngon!” Một người đàn ông nữa hất hàm về phía tôi: “Cái mũi eng xấu tệ!” Họ yêu cầu tôi nói tiếng Nhật. Tôi bảo mình không biết nói. Người đàn ông vừa mới gọi tôi là cậu bé rất ngoan ném về phía tôi một lời chế nhạo và nói, “Mày là thằng bé hư!”
Tôi gọi một cốc bia. Cô gái Nhật đứng sau quầy thu tiền rót bia và cầm tiền của tôi. Một người mặt béo nói, “Nhật ghi bàn! Ô la Nhật ghi bàn! Vào!” Anh ta véo mũi tôi và cười tục tĩu. Anh ta nói tôi nên đưa cô gái về nhà. Tôi cười với cô gái. Cô cau mày.
Người đàn ông hát.

Mitsubishi, mitsui, Sanyo Honda yamasaki, ishikawa!
Hoặc những từ ngữ na ná thế. Anh ta ngừng lại, đấm vào tay tôi và nói, “Eng tháy một thằng cu!”
“Tôi không biết ai cả.”
“Thằng hư!”
“Anh biết gì về tôi?” gã mặt béo hỏi. Anh ta là một người lùn, chắc. Anh ta bắt đầu la hét với vẻ tố cáo bằng tiếng Nhật và khi một trong những người bạn của anh ta cố kéo anh ta đi thì anh ta vươn tay ra sau đầu tôi, kéo mặt tôi và hôn tôi. Có những tiếng sủa và hét vui mừng thỏa mãn; tôi cố nặn một nụ cười, sau đó lách người qua cửa và chạy.
Một người Mỹ khẳng định với tôi, đó là một sự cố không điển hình: “Điều tôi muốn giải thích là – không người đàn ông Nhật nào từng cố hôn tôi” Có điều gì đó không điển hình một cách công bằng xảy ra trên chuyến tàu Hikari trở lại Tokyo, chậm hai mươi phút. Bên ngoài Nagoya, đoàn tàu Hikari dừng lại; những hành khách Nhật bắt đầu bồn chồn và sau mười lăm phút thì vài người càu nhàu. Đó là một khoảnh khắc hỏng hóc hiếm có và khi tàu đến Tokyo, tôi quyết định đến các văn phòng của Công ty Đường sắt Quốc gia Nhật Bản để tìm hiểu xem tại sao chuyến tàu lại bị dừng. Tôi tới Tòa nhà Kotetsue và đưa câu hỏi của mình ột người đàn ông ở phòng Công chúng. Anh ta cúi chào, dẫn tôi tới bàn của anh ta và gọi điện thoại.
“Một đám cháy trên đường ray được báo,” anh ta nói. “Máy tính nhận thông tin. Máy tính đã sửa lỗi. Chúng tôi hy vọng chuyện này sẽ không xảy ra nữa.” Anh ta đem tới cho tôi một quyển sách lý giải cách máy tính điều hành các chuyến tàu cao tốc. “Nó ở đây hết.”
“Tôi hỏi anh một câu được chứ?”
“Gì thế.” Anh ta nhắm mắt và cười.

“Thỉnh thoảng các chuyến tàu của Nhật dừng lại ba mươi giây tại một ga. Khoảng thời gian đó không lâu. Các anh đã gặp tai nạn nào chưa?”
“Chúng tôi không có ghi nhận nào về những tai nạn đó,” anh ta nói. “Tôi có thể nói là không nhiều. Cà phê chứ?”
“Cảm ơn.” Một người phụ nữ đẩy xe đựng cà phê đặt ngay khuỷu tay tôi một tách cà phê. Cô ta khẽ cúi đầu và đẩy xe tới bàn kế tiếp. Chúng tôi đang ở trong một văn phòng lớn, có khoảng năm mươi cái bàn, các nhân viên nam nữ đang xử lý hàng chồng giấy tờ. “Nhưng còn hành khách thì sao,” tôi hỏi. “Họ có thấy phiền toái khi nhảy lên nhảy xuống? Họ phải cực nhanh!”
“Người Nhật rất nhanh, tôi cho là vậy,” anh ta nói.
“Vâng, nhưng họ cũng hợp tác. ”
“Khách hàng hợp tác khiến cho tàu vận hành bình thường. Bản tính của Nhật Bản là hợp tác.”
“Ở các nước khác, hành khách có thể cần hơn bốn mươi lăm giây tại một ga chính.”
“À, rồi thì các đoàn tàu đều bị chậm.”
“Đúng, đúng, nhưng tại sao…”
Khi tôi nói, nhạc thính phòng lấp đầy căn phòng lớn. Theo kinh nghiệm của tôi về đường sắt Nhật Bản, tôi biết sẽ có một lời tuyên bố. Nhưng không có một lời tuyên bố ngay lập tức nào cả; bản nhạc được bật lên, to và một chút lạc điệu.

“Anh nói gì cơ?”
“Tôi quên mất câu hỏi của mình rồi,” tôi nói. Bản nhạc vẫn tiếp tục được chơi. Tôi tự hỏi làm sao mà người ta làm việc trong một nơi âm thanh ầm ĩ thế này. Tôi nhìn quanh. Không ai làm việc cả. Từng nhân viên đã bỏ bút xuống và đứng lên. Bây giờ âm thanh đã được chuyển qua loa, đầu tiên có vẻ như để giải thích, sau đó đến bài ca quen thuộc của một người hướng dẫn tập thể dục. Những nhân viên văn phòng bắt đầu vung tay, nhìn qua cẳng tay, truyền tín hiệu; sau đó họ lắc lư, gập người; rồi họ hơi nhảy lên giống như là múa ba lê. Tiếng phụ nữ trong loa đang gọi tên một môn thể dục mềm dẻo, liến thoáng, “bây giờ là động tác làm áu lưu thông qua cái cổ đau mỏi đó.
Xoay tròn… hai…ba…bốn. Và lại nào, hai…ba…bốn…”
Lúc đó là ba giờ hơn vài phút. Tức là việc này diễn ra hằng ngày! Không ai trốn tránh: những nhân viên bàn giấy thực sự đi xuống phố, gập sát gối và vung vẩy tay một cách khoái chí. Hiệu quả là trong một khung cảnh có nhạc kèm theo, toàn bộ văn phòng không một chút lung tung đứng lên và bắt đầu bước cao chân giữa các tủ hồ sơ.
“Anh đang bỏ lỡ giờ tập thể dục của mình đấỵ.”
“Không sao.”
Điện thoại ở bàn kế bên reo. Tôi tự hỏi làm sao họ có thể xử lý được. Một phụ nữ đang lắc đầu trả lời điện thoại, cô ta ngừng lắc, thì thào cái gì đó, sau đó gác máy. Cô ta lại tiếp tục lắc đầu.
“Còn câu hỏi gì nữa không ạ?”
Tôi nói không, cảm ơn anh ta và đi ra. Bây giờ anh ta tham gia cùng với những người khác trong văn phòng. Anh ta duỗi thẳng hai tay, vươn sang bên phải, hai-ba-bốn; sau đó vươn trái, hai-ba-bốn. Trên khắp cả nước, các nhạc cụ đang chỉ huy người Nhật hành động. Người Nhật đã sản xuất ra các nhạc cụ này, cho chúng âm thanh, rồi đưa vào sử dụng. Giờ thì người Nhật nghe theo các ngọn đèn và âm thanh, mong chờ chúng, di chuyển các bó cơ bé nhỏ của họ, đá cái chân bé nhỏ của họ, lắc cái đầu bé nhỏ của họ, giống như những đồ chơi máy móc có khiếm khuyết đang trình diễn ột cỗ máy đầy uy lực và không khoan nhượng mà một ngày nào đó sẽ vắt kiệt sức họ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.