Bạn đang đọc Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ – Chương 25: Tàu khách Sài Gòn – Biên Hòa (P.1)
Tôi đến Việt Nam để bắt tàu; ở đất nước này người ta làm những việc rất kỳ lạ. Đường sắt xuyên Việt mà người Pháp gọi là Xuyên Đông Dương, phải mất hơn ba mươi ba năm để xây dựng, nhưng vào năm 1942, tức khoảng sáu năm sau khi hoàn thành, nó đã bị phá vỡ thành nhiều đoạn và chẳng bao giờ được sửa. Một loại mứt tổng hợp, giống một trong những món ăn Pháp, mất nhiều thời gian để làm ra nhưng ăn vèo là hết: vị ngon ngắn ngủi nhưng tốn công và đáng nhớ. Từ Sài Gòn ra Hà Nội, đoàn tàu đi qua một bờ biển đẹp mà một vài vệ binh bất đắc dĩ của chúng ta tán dương; nhưng giờ đây nó đã bị chia thành nhiều phần, giống như con sâu bị cắt ra làm mồi, mảnh ở đây, mảnh ở kia, vẫn giãy giụa những dấu hiệu của sự sống. Tuyến đường bị những người cộng sản Việt Nam đặt mìn – thậm chí còn nhiều hơn từ khi ngừng bắn (dù muốn hay không thì đấy cũng chỉ là một uyển ngữ chua xót); nó cũng bị đám lái xe tải địa phương đặt mìn, những kẻ khủng bố vì tiền, tin rằng những đoạn đường sắt này tiếp tục hoạt động (đến Đà Nẵng, đến Huế, đến Tuy Hòa) thì họ sẽ chẳng còn kế sinh nhai như những người Mỹ đã bảo họ mong đợi. Cũng giống như nhiều nơi khác ở Việt Nam đường sắt bị phá hủy – ở phía Bắc tỉnh Bình Định, đường sắt biến thành đồng lúa – nhưng điều đáng kinh ngạc là một phần của tuyến này vẫn hoạt động. Phó Giám đốc đường sắt Việt Nam[1] Trần Mộng Châu[2] một người đàn ông thấp đeo cắp kính dày cộp, nói với tôi rằng: “Chúng tôi không thể dừng hoạt động đường sắt. Chúng tôi vẫn để nó hoạt động dù mất tiền. Có lẽ chúng tôi sẽ sửa chữa đôi chỗ. Nếu dừng lại, tất cả sẽ biết rằng chúng tôi thua trong cuộc chiến này.”
[1] Trước năm 1975, đường sắt miền Nam Việt Nam do cục Hòa xa, Bộ thông tin và Bưu điện thuộc Chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý.
[2] Nguyên bản ghi: Tran Mong Chau.
Ông cảnh báo tôi đừng đi từ Nha Trang đến Tuy Hòa, nhưng lại nói tôi nên đi từ Sài Gòn đến Biên Hòa – có đến mười bốn chuyến một ngày. Ông cảnh báo trước với tôi là đi tàu ở đây không giống tàu của Mỹ đâu. Lời cảnh báo đặc biệt ấy (mà làm sao ông ấy biết được việc này nhỉ?) giống như một đề nghị.
Ở bên ngoài văn phòng, tôi hỏi Dial, phiên dịch người Mỹ của tôi, một lính thủy đánh bộ chuyển sang làm tháp tùng viên văn hóa (anh ta cười vì cái ý nghĩa phóng đãng của cụm từ đó – còn nói cách khác thì anh ta đã “sang ngang”): “Cậu có nghĩ là sẽ an toàn nếu đi tàu đến Biên Hòa không?”
“Khoảng một tháng trước cộng sản Việt Nam đã tấn công tuyến đường này,” Dial đáp. “Họ hạ sáu hay bảy hành khách trong cuộc phục kích. Họ chặn đoàn tàu bằng một cột muối – và sau đó bắt đầu bắn.”
“Có lẽ ta nên quên nó đi.”
“Không, hiện giờ thì an toàn rồi. Dù sao tôi cũng có súng.”
Bữa sáng ngày hôm sau, Hổ Mang Một – biệt hiệu chủ nhà người Mỹ của tôi ở Sài Gòn – bảo tôi rằng Ty Du lịch Việt Nam muốn gặp tôi trước khi tôi đi tàu tới Biên Hòa. Tôi nói tôi vui lòng được tới thăm họ. Chúng tôi dùng bữa trên tầng thượng ngôi nhà lớn của Hổ Mang Một, tận hưởng không khí mát mẻ và hương thơm của những cây hoa. Thi thoảng những chiếc trực thăng bay thấp lượn qua, dệt khói giữa những nóc nhà. Hổ Mang Một nói sẽ có một chiến dịch lớn để thu hút khách du lịch tới Việt Nam. Tôi cho rằng ý tưởng này có vẻ khá nóng vội – rốt cuộc thì chiến tranh vẫn còn tiếp diễn.
“Anh sẽ chẳng bao giờ biết đến chiến tranh ở đây, Hổ Mang Hai, vợ Hổ Mang Một nói. Chị ta rời mắt khỏi tờ báo của mình nhìn lên. Phía dưới chúng tôi, ở trung tâm khu là một bể bơi, nằm giữa những thảm hoa và mấy hàng cọ. Bức tường phía xa có một cuộn dây thép gai, nhưng điều này chỉ làm nó trở nên giống Singapore. Một hàng râm bụt đỏ chói dọc theo lối xe vào, cả những bụi dương xỉ lớn, một người đàn ông mặc áo vàng đang cào con đường rải sỏi dưới những cây kim tước. Hổ Mang Hai, nổi bật trong chiếc áo choàng lụa, đá chiếc dép lông thú lên xuống và liến láu bài quốc ca Hoa Kỳ “Stripes and Stars”, nói, “Có vài thứ tốt nhất ở – này, đây là bán cầu nào anh nhỉ?”
“Đông,” Hổ Mang Một đáp.
“Đúng rồi. Có vài thứ tốt nhất ở bán cầu Đông hiện đang nằm trong chính khu nhà này.”
Văn Phòng Giám đốc Kế hoạch của Ủy ban Du lịch Việt Nam được tô điểm nhung đỏ từ sàn tới trần nhà và có cả những dải ruy băng ở rìa các bức tường. Chúng tôi dường như đang ngồi trong một hộp sô cô la đắt tiền trống rỗng. Tôi nói mình không có nhiều thời gian, vì tôi phải bắt chuyến tàu đi Biên Hòa. Vị Giám đốc Kế hoạch và Phó ủy viên thoáng nhìn nhau vẻ khó chịu. Ông Giám đốc Võ Doãn Châu[3] nói rằng hình dáng con tàu rất xấu – điều mà tôi nên làm là bắt một chiếc xe con đi Vũng tàu tắm biển. “Việt Nam nổi tiếng vì những bãi biển,” ông nói.
[3] Nguyên bản ghi: Vo Doan Chau.
Nổi tiếng vì những bãi biển! “Còn nổi tiếng vì nhiều điều khác nữa chứ,” tôi đã định nói, nhưng vị Phó ủy viên được đào tạo theo kiểu Mỹ Trần Lương Ngọc[4] đã bắt đầu giải thích về chiến dịch. Họ sẽ dốc toàn lực để thu hút du khách, ông ta nói rằng họ đã nghĩ ra một chiêu quảng cáo không thể thất bại, kế hoạch Hãy theo em! Những tấm áp phích in hình những cô gái Việt Nam xinh đẹp ở những nơi như Đà Nẵng, Huế, đảo Phú Quốc và khẩu hiệu trên đó là HÃY THEO EM! Những tấm áp phích này (PLEIKU – HÃY THEO EM!, ĐÀ LẠT – HÃY THEO EM!) sẽ được gửi đi toàn thế giới, nhưng phần lớn ngân sách của chiến dịch lại được dùng để khuyến khích du khách ở Mỹ và Nhật. Ông Ngọc đưa cho tôi một chồng tờ rơi với tựa đề kiểu Huế xinh đẹp và Tham quan Việt Nam, ông ta hỏi tôi còn câu hỏi nào không.
[4] Nguyên bản ghi: Tran Luong Ngoc.
“Về những bãi biển này,” tôi nói.
“Những bãi biển tuyệt đẹp,” ông Ngọc trả lời, “Cả rừng và cây cỏ cũng vậy.”
“Việt Nam có mọi thứ,” ông Châu nói.
“Nhưng du khách có thể sẽ lo lắng đôi chút, về việc bị bắn, tôi nói.
“Đây là những khu vực phi chiến sự mà!” ông Ngọc nói. “Có gì phải lo lắng đâu? Ông cũng đang tự mình đi du lịch xuyên đất nước này đấy thôi?”
“Lời khuyên của tôi dành cho ông,” ông Ngọc nói, “là đừng lo lắng. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều du khách. Chúng tôi nghĩ du khách sẽ là người Mỹ và có thể là một vài người Nhật. Người Nhật rất thích đi du lịch.”
“Họ có thể thích đi Thái Lan hoặc Malaysia hơn, tôi nói. “Bên đó cũng có những bãi biển đẹp.”
“Chúng đã bị thương mại hóa quá rồi, ông Châu nói. Họ có nhiều khách sạn, đường sá và rất đông người, chẳng có gì thú vị lắm – tôi đã thấy rồi. Ở Việt Nam, du khách có thể trở về với thiên nhiên!”
“Chúng tôi còn có khách sạn,” ông Ngọc thêm vào. “Không phải khách sạn năm sao, nhưng đôi khi có điều hòa hoặc quạt điện. Ông có thể nói đó là những tiện nghi tối thiểu. Và chúng tôi có bungalow, được xây cho tổng thống Johnson khi ngài tới thăm. Có thể chuyến đổi nó vào mục đích khác. Hiên tại chúng tôi không có gì nhiều nhưng chúng tôi có nhiều dự định.”
“Nhiều dự định,” Ông Châu nhấn mạnh, “Chúng tôi sẽ thu hút sự tò mò của họ – những người Mỹ. Nhiều người có bạn hè hoặc người thân ở Việt Nam. Họ đã được nghe nhiều về đất nước này.” Giọng ông ta nói tỏ rõ vẻ lo ngại, “Giờ họ có thể tìm hiểu thực sự nó là như thế nào.”
Ông Ngọc nói, “Những nơi như Băng Cốc và Singapore chỉ thuận lợi cho thương mại. Chẳng có gì thú vị. Chúng tôi sẽ thể hiện lòng hiếu khách, sự hồn nhiên, và vì khách sạn không được tốt lắm nên chúng tôi cũng có thể thu hút những người thích phiêu lưu. Có rất nhiều người thích khám phá những điều chưa biết. Sau đó những người này sẽ trở lại đất nước của họ và kể cho bạn bè những gì họ nghe thấy ở nơi chiến tranh đã đi qua…”
“Họ có thể nói, ‘Tôi đã ngủ trong một boong-ke ở Pleiku!’” ông Châu bổ sung.
Quả thực thì cũng có hai điểm đáng chú ý là những bãi biển và cuộc chiến tranh. Nhưng chiến tranh thì vẫn còn, dù cho không có chỗ nào trong cuốn sách dày bốn mươi trang tựa đề Thăm Việt Nam đề cập đến cuộc chiến, ngoài câu văn mập mờ rằng “Tiếng Anh đã tạo nên sự tiến bộ nhanh chóng dưới áp lực của những sự kiện hiện nay” khiến người ta liên tưởng một cách tinh tế đến sự chiếm đóng của người Mỹ hoặc có thể là chiến tranh. Vào thời điểm đó, tháng Mười hai năm 1973, bảy mươi nghìn người đã bị giết từ khi ngừng bắn, nhưng Ủy ban Du lịch Việt Nam vẫn quảng cáo Huế (một thành phố bị tàn phá với những con phố lầy lội, đôi khi bị pháo kích) là một nơi có “những di tích đẹp… nơi những tượng đài lịch sử, những khoảnh sân và cổng mái ghi dấu ấn thời hoàng kim đã qua,” và thúc giục du khách đến Đà Nẵng, đi chín cây số rưỡi về phía Nam thành phố để tận mắt chứng kiến “những nhũ đá và măng đá đẹp tuyệt vời,” không hề đề cập tí nào đến sự thật là cuộc chiến khốc liệt vẫn còn đang tiếp diễn chính nơi này, nơi những tay súng trú ẩn trong các hang động gần Ngũ Hành Sơn.
Trước khi tôi rời văn phòng, ông Châu kéo tôi sang một bên dặn: “Đừng đến Biên Hòa bằng tàu hỏa.”
Tôi hỏi tại sao.
Ông đáp: “Đó là chuyến tàu tệ nhất thế giới.” Ông phát ngượng khi biết tôi muốn đi chuyến đó.
Nhưng tôi vẫn khăng khăng đi và chúc ông ấy những điều tốt lành với chiến dịch thu hút khách du lịch tới những vùng đất chiến tranh, rồi tôi đi thẳng ra ga. Không có biển hiệu nào là Ga Sài Gòn, mặc dầu có vẻ tôi chỉ cách cái ga đó khoảng mười lăm mét, và không một ai quanh đây biết nó ở đâu. Và tôi tìm thấy nó một cách hoàn toàn tình cờ, nó cắt ngang qua phòng vé của Air Vietnam, nhưng thậm chí kể cả khi ở trên sân ga, tôi vẫn không chắc chắn rằng đây là một ga tàu hỏa: không có hành khách và cũng chẳng có con tàu nào đứng ở đường chờ. Đoàn tàu, hóa ra là đang ở đường ray phía trên một quãng, nhưng trong vòng hai mươi phút nữa nó vẫn chưa đi. Những toa tàu là những chiếc hộp xanh méo mó, một vài toa bằng gỗ (với những mảnh vỡ thò ra) và vài toa kim loại (với nhiều vết lồi lõm). Chỗ ngồi là những chiếc ghế hẹp chạy dọc theo thành tàu, chẳng thoải mái tiện lợi gì hết và phần lớn hành khách đều đứng. Họ mỉm cười, ôm những con vịt con gà cực kỳ sợ sệt và cả những đứa con lai Mỹ cháy nắng thảm hại của họ.
Một đoàn tàu khác thậm chí còn cũ hơn đỗ ở phía xa trong sân. Bị thu hút bởi rào hoa sắt uốn trên những mái hiên – một nét Pháp của toa tàu này – nên tôi đã tản bước tới. Tôi leo lên đoàn tàu gần như vô chủ và nghe thấy một tiếng rít than vãn chói tai. Một cô gái nhảy lên cách chỗ tôi hai toa (tôi thấy hình dáng của cô ta trong những cánh cửa vỡ), kéo chiếc quần jeans lên. Sau đó tôi nhìn thấy một cậu con trai đang luống cuống với mớ quần áo của mình. Tôi bắt đầu chạy hướng ngược lại và đâm vào hai con nghiện ma túy đang ngủ, cả hai đều là những cô gái non nớt có những hình xăm và sẹo kim tiêm trên cánh tay. Một cô tỉnh dậy và quát vào mặt tôi. Tôi vội vàng tránh xa: lại có những đôi tình nhân khác trên tàu, những đứa trẻ và những thanh niên trông đầy dọa dẫm đang chui qua những con tàu không có động cơ: nó sẽ không đi đâu cả.
Ông trưởng ga, đội một chiếc mũ có lưỡi trai băng qua đường ray và vẫy tôi. Tôi nhảy khỏi đoàn tàu hoang đi đến bắt tay ông ta. Ông ta cười bẽn lẽn, giải thích rằng tàu đi Biên Hòa không phải tàu này mà là tàu kia rồi chỉ về phía dãy toa tàu hình hộp như đang phình ra. Tôi tiến về phía một trong những toa ấy và gần như giật nẩy người khi trưởng ga gọi to: “Không! Không!”
Ông ta ra hiệu bảo tôi đi theo và, vẫn cứ cười, ông ta đưa tôi đến đuôi của đoàn tàu, nơi có một loại toa hoàn toàn khác. Toa tàu này bằng gỗ, có bếp và ba phòng ngủ cùng một phòng khách lớn, đây rõ ràng là một tàn tích của tàu Xuyên Đông Dương, có vẻ rộng rãi và thoải mái, mặc dầu không sang trọng dù so với tiêu chuẩn của Ấn Độ. Theo lời của ông trưởng ga thì đây là toa của giám đốc vì giám đốc đã đề nghị tôi đi trên toa này. Chúng tôi lên tàu; ông trưởng ga gật đầu với nhân viên tín hiệu và đoàn tàu khởi hành.
Một chuyến đi miễn phí trên toa riêng của ngài giám đốc, để lẫn lộn cảm giác hão huyền về một nơi còn xa phía trước: đây không phải điều mà tôi mong đợi – không phải ở Việt Nam. Nhưng ưu đãi đặc biệt này là một phiên bản của sự phung phí kiểu Mỹ. Đây là một chức năng của chiến tranh: sản sinh ra một hệ thống phục vụ nhằm khơi gợi sự cảm thông từ những người khách, tất cả những ai (với những rủi ro mà họ tin là mình đang phải chịu) muốn được đối xử như VIP. Mỗi người khách là một nhà quảng bá tiềm năng, nực cười ở chỗ thậm chí cả những người ghét chiến tranh nóng tính nhất cũng được người ta phục vụ với niềm tin và tiện nghi không giới hạn, dù cho với chính thứ ấy, anh ta, người được phục vụ, có thể nâng tầm những cảm xúc của mình lên thành sự oán hận. Sự hiếu khách này, được nâng lên bởi bản tính hào phóng của người Việt Nam, vẫn cứ tiếp diễn. Thật là đáng xấu hổ khi tiếp nhận sự hiếu khách đó, vì nó cũng giống như kế hoạch mà một công ty vẽ ra nhằm thúc đẩy chiến dịch quảng bá một sản phẩm không thành công một cách bất nhẫn. Lòng hiếu khách đã bóp méo sự thật. Nhưng tôi đã kìm lại sự khinh thị của mình: người Việt Nam đã kế thừa những thói quen vướng víu, đắt đỏ và lãng phí ấy.
Phương Đông lướt ngoài cửa sổ – Chương 24: Tàu khách Sài Gòn – Biên Hòa (P.2)
Chúng tôi ngồi quanh một cái bàn trong phòng khách chiếm đến một phần ba toa giám đốc. Ông trưởng ga bỏ mũ ra và xoa tay. Ông ta nói rằng sau Thế chiến II ông ta đã được đề nghị một số công việc lương cao, nhưng thay vào đó ông đã lựa chọn quay lại công việc cũ của mình trong ngành đường sắt. Ông yêu những đoàn tàu và tin rằng Đường sắt Việt Nam sẽ có tương lai rạng rỡ. Ông ta nói, “Sau khi chúng tôi mở lại tuyến đi Lộc Ninh, chúng tôi sẽ đi tới Thổ Nhĩ Kỳ.”
Tôi hỏi ông ta làm thế nào mà được thế.
“Chúng tôi đi lên Lộc Ninh nhé, rồi chúng tôi sẽ xây một tuyến đi Phnom Penh. Tuyến đó sẽ đi tới Băng Cốc, đúng không? Rồi đi qua chỗ này chỗ kia – Ấn Độ chăng? – rồi đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có đường tàu hỏa mà.”
Ông ta chắc như đinh đóng cột rằng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đâu đó bên kia những ngọn đồi và khó khăn duy nhất ông trù liệu – thực ra, dường như đây là tính cách chung của những người miền Nam Việt Nam khi tìm hiểu về địa lý chính trị – đó là chiếm Lộc Ninh từ tay cộng sản Việt Nam và đặt đường ray xuyên lục địa của ông ta, đi qua tám quốc gia rộng lớn, chỉ có một trở ngại duy nhất: đuổi địch quân ra khỏi cái thị trấn biên giới nhỏ bé này. Với những công dân Việt Nam, phần còn lại của thế giới thật đơn giản và thanh bình; ông ta có nét vị kỷ của một bệnh nhân, người tin rằng mình là người xui xẻo bị bệnh duy nhất trong cả một thế giới khỏe mạnh. Ông trưởng ga kể, “Thỉnh thoảng chúng tôi bị phục kích ở đây. Vài tuần trước, khoảng bốn người đã trúng đạn súng trường.” Tôi nói, “Vậy có lẽ chúng ta nên đóng cửa sổ lại nhỉ.”
“À! Hay đấy!” ông ta cười và dịch lại câu chuyện đùa đó cho người phó của mình đang bày ra những cốc Coca Cola.
Đây là đường một tuyến, nhưng những người dân nhảy dù chiếm đất đã chuyển những túp lều của họ đến thật gần đường tàu, tôi có thể nhìn vào trong cửa sổ nhà họ, nhìn qua những căn phòng nơi trẻ con đang ngồi chơi trên sàn; tôi có thể ngửi thấy mùi nấu ăn – cá và thứ thịt cháy rộp – và nhìn thấy mọi người đi lại, mặc quần áo; ở một cửa sổ có một người đàn ông đang đưa võng chỉ cách mũi tôi có vài phân. Trên bậu cửa sổ có hoa quả, bậu cửa lay động – một quả cam bắt đầu lăn – khi đoàn tàu lao qua. Tôi chưa bao giờ rõ cảm giác thật đến như thế, như thể tôi đang ở trong căn phòng mà tàu đi ngang qua, tôi liên tục có cảm giác khuôn mặt mình xía vào những công việc gia đình nhà người ta. Nhưng đấy là tôi tưởng tượng về cuộc xâm phạm của mình thôi: người sống trong những căn nhà nghèo khổ đó dường như không để ý đến những người lạ bên ngoài cửa sổ nhà họ.
Từ phía cuối con tàu tôi có thể thấy những phụ nữ họp chợ, trẻ con tái chiếm đường tàu và một lần – tôi thấy thoáng qua nhanh hình bóng một người đàn ông đang nhảy – tôi nghĩ đấy là một người Mỹ, anh ta để râu, mặc bộ pyjama bay phần phật, cao, da trắng, lưng còng, đôi chân to lộ liễu và sải chân dài. Anh ta biến mất giữa hai khu nhà gỗ đang lung lay và được che kín bởi những dây đồ giặt đã phai màu. Chính tại khu ổ chuột đông đúc nhất ở ngoại ô Sài Gòn, và chính hình ảnh lờ mờ của người đàn ông này, người có thân hình chẳng phù hợp với khu vực đó – sự lóng ngóng càng tôn thêm chiều cao của anh ta giữa những người xung quanh – khiến sau này tôi phải tìm hiểu về anh ta. Dial nói với tôi có thể anh ta là một lính đào ngũ, nằm trong số hai trăm tên vẫn còn ở lại đất nước này, chủ yếu là ở vùng Sài Gòn. Có gã nghiện heroin, có gã kiếm được việc làm hợp pháp và lấy vợ Việt, có gã thì là những tên tội phạm – rất nhiều vụ phá phách và đột nhập ở Sài Gòn có thể quy cho những lính đào ngũ đồng thời là những tội phạp tháo vát này: họ biết cần lấy gì ở PX[5], họ có thể ăn cắp ô tô mà ít bị để ý hơn nhiều so với những tên trộm Việt Nam. Không có ai trong số bọn họ có giấy tờ tùy thân nên rất khó để rời khỏi Việt Nam. Hy vọng duy nhất của họ là đi một chuyến tàu ngược Mê Kông vào Thái Lan; hoặc họ có thể ra hàng. Đó là một cộng đồng kỳ dị của những kẻ đào tẩu trên thực tế là không có tên, và ý nghĩ về họ – về người đàn ông râu rậm mặc pyjama băng qua đường ray trong một ngày sáng sủa, lộ diện thoáng qua – đã dâng lên trong tôi nỗi tò mò và thương cảm như nhau. Tôi thấy trong họ khả năng hư cấu để viết truyện, một tình huống bao gồm cả sự bí ẩn lẫn những gợi ý để giải quyết bí ẩn đó. Nếu có ai đó định viết về Việt Nam theo bất cứ một cách chặt chẽ nào, người ta hẳn phải bắt đầu với những người “ngoài” này.
[5] Trạm bán hàng quân đội.
Tôi rời toa riêng và di chuyển dọc đoàn tàu. Trên tàu chật ních người chen chúc, những người cụt chân cụt tay mà đốt cụt đã lên da, những binh sĩ mặc quân phục nhàu nhĩ và một ông già có bộ râu xơ xác, đứng chống gậy. Một người đàn ông mù đội mũ cao bồi bằng rơm đang chơi ghi ta và hát những điệu chói tai ột nhóm lính nghe. Nhưng đoàn tàu không hoàn toàn chỉ có những người hom hem và bị bỏ rơi. Ấn tượng tôi có trên chuyến tàu đến Biên Hòa, ấn tượng đã in trong tôi suốt thời gian tôi ở đây, là khả năng xoay xở của người Việt Nam. Dường như là không thể tin nổi, nhưng ở đây có những em học sinh gái đeo cặp sách, phụ nữ mang những bọc rau to bự, đàn ông xách gia cầm bị trói và những người khác nữa, đứng ở cửa của một thứ về cơ bản là toa vận tải, đi tới làm việc tại Biên Hòa. Sau rất nhiều năm, người ta tưởng như họ sẽ gục ngã; đáng ngạc nhiên là họ còn hơn cả những người sống sót. Dù có những gián đoạn của cuộc chiến thảm khốc, họ vẫn kiên cường cứu vãn được cuộc sống hằng ngày: trường học, chợ búa, nhà máy. Đoàn tàu bị phục kích ít nhất mỗi tháng một lần, những vụ tấn công được người ta nói đến với giọng điệu rằng không thể tránh được, như thể đấy là gió mùa vậy. Nhưng những hành khách này vẫn thường nhật đi trên hành trình của mình. Đó là một hành trình nguy hiểm. Họ đã quá quen với nguy hiểm. Với họ cuộc sống chẳng bao giờ thay đổi và mối đe dọa từ quân địch cũng như thời tiết, đều có thể dự báo và không biến đổi.
Một bà dắt một đứa trẻ lai Mỹ đi theo tôi suốt con tàu, khi tôi dừng lại một chỗ nối giữa hai toa để chuẩn bị nhảy một cách cẩn thận thì bà lôi tay tôi và cố gắng trao đứa bé cho tôi. Đó là một đứa trẻ khoảng hai tuổi, nước da đẹp, bụ bẫm mắt tròn. Tôi mỉm cười nhún vai. Bà cho tôi xem mặt thằng bé, véo má nó và giơ nó ra. Thằng bé bắt đầu khóc, bà bắt đầu nói lớn tiếng và một nhóm người nhỏ tụ tập lại nghe. Bà chỉ vào tôi, làm bộ với đứa bé để buộc tội.
Dial nói: “Ta nên đi tiếp thôi.”
Anh ta giải thích rằng đứa bé đã bị bỏ rơi. Người phụ nữ ấy đã tìm thấy nó và chăm sóc nó. Nhưng nó không phải con bà – đó là một đứa trẻ Mỹ. Bà muốn trao đứa trẻ cho tôi và bà không hiểu tại sao tôi không muốn nó. Bà vẫn la hét – tôi vẫn có thể nghe thấy bà rõ mồn một khi chúng tôi tiến qua toa tàu đông nghẹt tiếp theo.
Chúng tôi đã đi tới tận đầu máy, một đầu máy diesel mới, rồi vào trong chính toa dầu máy, dọc theo ban công ra tới hiên trước, đối mặt với gió và nheo mắt mỗi khi còi rúc. Nhưng quang cảnh chẳng hay ho lắm, Dial chỉ vào một ngọn đồi phía bên phải và nói, “Đó là nơi cộng sản Việt Nam tấn công bằng rốc két vài tuần trước. Nhưng đừng lo – họ không ở đó bây giờ đâu. Họ chạy vào, bắn vài quả rốc két, rồi lại đi.”
Treo mình trên dải ban công ở phía trước đoàn tàu, tôi có thể nhìn thấy tuyến đường trải ra phía trước chúng tôi và phía xa trên cái khung cảnh vàng vọt đổ nát, không có cây cối, ở phía chân trời nơi Biên Hòa tọa lạc, có một mớ bòng bong những mái nhà và ống khói xám xịt. Gió thổi lại mùi xú uế và dọc theo đường ray là một cơn lũ tởm lợm toàn phân, còn kinh hơn bất cứ thứ gì tôi từng thấy ở Ẩn Độ, tràn thẳng đến tuyến đường và vẫn còn cháy ra từ những cống mở dẫn xuống đằng sau những khối nhà tạm bợ. Đó không phải những lều lán của dân nhảy dù chiếm đất được xây thô lậu, mà là những căn nhà nhỏ, do những nhà thầu xây dựng và đã được cấp phép xây dựng đàng hoàng. Những căn nhà này chẳng có cống xả nước thải. Chúng phù hợp với một đất nước nơi mà những con đường lớn chẳng dẫn đến đâu, nơi mà máy bay bay chẳng có mục đích gì và chính phủ vẫn là một chế độ chuyên chế chỉ phục vụ lợi ích của mình. Trong suy nghĩ thông thường của người dân thì người Mỹ là những tên đế quốc, nhưng đó là một quan niệm không hoàn toàn đúng. Phái bộ của Mỹ ở đây chỉ mang tính quân sự và ra vẻ lên mặt dạy đời; không có bằng chứng thường thấy của một nước muốn đô hộ nhảy vào giữ chỗ, bằng cách sửa đường, làm cống thoát, hoặc xây những tòa nhà cao tầng vĩnh cửu. Ở Sài Gòn, một kiến trúc sư được cử tới, vắt kiệt sức suốt chín năm để xây lên tòa Đại sứ quán và thư viện Abraham Lincoln. Hai tòa nhà này sẽ chống chịu được một cuộc tấn công vì ông kiến trúc sư đã biết cách kết hợp tấm chắn rốc két với một hình thức trang trí bên ngoài tường – nhưng đó không thể coi là thành tựu khi so sánh với những công trình do người Pháp xây như bưu điện, nhà thờ, trường học, các câu lạc bộ vững chãi như Cercle Sportif Saigonnais và các khu nhà ở hoành tráng, mà nhà của Hổ Mang Một là một ví dụ còn tương đối khiêm tốn. Ở ngoài này, ngoại ô của Biên Hòa, nơi được dựng lên do áp lực chiếm đóng của người Mỹ, những con đường bị xé ra thành từng mảnh và bệnh tả chảy vào tận sân trong các ngôi nhà. Một đế chế dù hung bạo nhất và tồn tại ngắn ngủi nhất cũng đều thực hiện công tác quy hoạch và bảo trì; nhưng ngoài một thể chế dựa trên hệ thống luật pháp, ở đây chẳng có thêm ưu điểm nào của một đế quốc. Thậm chí người Mỹ còn chẳng quan tâm đến việc bảo trì. Nhà ga Biên Hòa được xây năm mươi năm trước. Nó sắp sập, nhưng đó không phải điều đáng lưu ý. Chẳng có dấu hiện nào cho thấy nó từng được người Mỹ sửa chữa, và dù nhà ga đang võng xuống với những cuộn dây thép gai, trông nó vẫn còn kiên cố hơn những nhà chứa máy bay ở căn cứ không quân Biên Hòa.
Tới ga Biên Hòa. Dial nhảy xuống khỏi toa đầu máy, nói rằng: “Nếu cộng sản Việt Nam tấn công đoàn tàu này, chúng ta sẽ là những kẻ đầu tiên bị hạ gục.”
Chiều hôm đó tôi giảng bài – lại là bài khoác lác như mọi khi về cuốn tiểu thuyết – tại Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn. Bài giảng này khiến thính giả đặt ra nhiều câu hỏi đối lập về vị trí của người da đen ở Mỹ, mà tôi cố gắng trả lời trung thực nhất có thể. Sau đó, ngài hiệu trưởng, Đại đức Thích Huyền Vi, một nhà sư Phật giáo, gửi tôi một bản luận án tiến sĩ do ngài đề tặng, đề tài là A critical study of the life and woks of Sariputta Thera (Nghiên cứu sâu về cuộc đời và thành tựu của Tôn giá Xá Lợi Phất), rồi tôi đi đến câu lạc bộ Cercle Sportif.
Hổ Mang Một nói: “Chúng ta đang ở trong một Sài Gòn bị bao vây.” Anh ta đưa tôi đi vòng quanh một không gian khoảng bốn héc ta nơi những người Hoa, người Việt và có lẽ khoảng một tá người Pháp uể oải đang chơi thể thao (cầu lông, quần vợt, đấu kiếm, judo, bóng bàn, bowling) dưới ánh điện. Chúng tôi chơi vài ván bi-a rồi đến nhà hàng Những đôi tình nhân rên rỉ ở một số bàn và câu “… mở một chi nhánh” tuôn ra từ một nhóm đàn ông. Hổ Mang Một lại nói: “Chúng ta đang ở trong một Sài Gòn bị bao vây.” Chúng tôi đến một hộp đêm trên phố Tự Do, phố chính của Sài Gòn. Ở bên trong rất tối. Chúng tôi được phục vụ những cốc bia uống với đá viên. Rồi đèn đỏ bật lên và một cô gái người Việt mặc váy ngắn lên hát một bản nhịp nhanh bài bài “Where have all the flowers gone?” (Những cánh hoa đã xa nơi nào?) Những người nhảy múa cuồng nhiệt theo bài hát đầu nhấp nhô trong bóng tối lờ mờ. Tôi thấy Hổ Mang Một đứng tạo dáng ở cuối bàn và vượt lên tiếng hát giọng mũi của cô ca sĩ, tôi nghe thấy câu Sài Gòn bị bao vây.”
Ngày hôm sau – vì không có tàu, tôi bay đến thành phố đồng bằng Cần Thơ trên một máy bay thân màu bạc méo mó, giống như miếng giấy thiếc lấy từ một bao thuốc lá cũ. Cần Thơ từng là nơi tập trung của hàng nghìn lính Mỹ. Khi những nhà thổ và quán bar đã bị đóng cửa, trông thành phố tiêu điều như bãi đất họp chợ để hoang sau một mùa hè bận rộn. Giữa tình trạng đổ nát đó, người ta có thể thấy toát lên ý: chúng tôi không muốn ở lại Việt Nam và chưa từng đề ra kế hoạch dài hơi nào cho đất nước này, ngoài những ý niệm mơ hồ về trật tự chính trị và quân sự. Sân bay Cần Thơ gần như bị phá hủy, con phố chính thì lỗ chỗ ổ gà; và những ngôi nhà hiện nay đều mang dáng vẻ lòe loẹt tạm bợ – những ngôi nhà đúc sẵn, những căn lán, những căn nhà gỗ dán. Chúng sẽ bị cướp phá và bị kéo sập để lấy gỗ – rồi theo thời gian, ít năm thôi, sẽ chỉ còn rất ít bằng chứng rằng người Mỹ đã từng ở đây. Có những cánh đồng lúa bị đầu độc nằm giữa những nhánh lan ra của châu thổ Mê Kông, và có hàng trăm đứa trẻ tóc vàng tóc xoăn, nhưng chỉ trong một thế hệ thôi, những đặc điểm bất thường ấy cũng sẽ thay đổi.