Bạn đang đọc Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ – Chương 15: Tàu 16 giờ 25 từ Galle
Thật ấn tượng với tôi khi ở một đất nước đang chết đói mà có đến ba mươi người chọn tới tham dự cuộc hội thảo ba ngày về văn học Mỹ mà tôi sẽ là diễn giả chính. Văn học Mỹ thì cũng tốt thôi, nhưng tôi nhận thấy không thích hợp với một vùng đất đang gánh chịu tai ương này. Tôi đã không nghĩ đến sự tháo vát của đại sứ quán Mỹ; khi hội thảo sắp diễn ra, tôi cảm thấy lo lắng của mình là vô nghĩa. Một người đàn ông lanh lợi giám sát hội thảo cam đoan với tôi sẽ có đủ một trăm phần trăm khách tham dự, phương cách của anh ta cũng khác lắm so với chuyên viên kế hoạch hóa gia đình ở Ấn Độ – tặng đài bán dẫn xách tay mới cho những người đàn ông nào phẫu thuật thắt ống dẫn tinh. Ở đây, trên hòn đảo Ceylon đói kém này, hội thảo văn học Mỹ ba bữa chính ê hề, một bữa trà sang trọng và phòng nghỉ miễn phí trong khách sạn New Orient ở Galle, còn whisky có thể uống tùy thích. Không nghi ngờ gì mọi người sẽ tham dự nhiệt tình. Sau bữa ăn sáng no nê gồm bốn món, các đại biểu tụ họp trong một căn phòng trên gác gà gật suốt bài giảng vô thưởng vô phạt của tôi, đến trưa họ lại ùa xuống tầng để hưởng thụ bữa ăn tuyệt hảo. Cuộc họp buổi chiều ngắn, có tiệc trà xen ngang và sự kiện chính của ngày là bữa tối, một buổi tiệc vui vẻ thong dong, tiếp đó là một phim đưa mọi người vào giấc ngủ. Những bữa ăn của ngày đầu tiên đầy ních những kẻ phàm ăn đến điên cuồng, nhưng qua đó mọi thứ lại lắng xuống, các đại biểu đi lại nhẹ nhàng từ phòng ăn tới phòng hội thảo, ăn uống và thảo luận. Giữa buổi, họ ngấu nghiến bánh quy, thi thoảng lại ra ngoài bởi chứng khó tiêu, họ bị thức ăn làm cho u mê, bắt đầu trông giống nạn nhân của chứng phù nề, triệu chứng chính là giấc ngủ kéo dài bị ngắt quãng bởi những cơn ợ hơi mãnh liệt. Một số đại biểu đưa cho tôi sách mà họ đã viết. Những viết nước xốt trên bìa sẽ tiếp tục nhắc tôi về cái buổi cuối tuần đó, và tôi sẽ nhớ mãi tiếng ồ lên đồng thanh ở cuối buổi hội thảo khi nhà tổ chức người Mỹ hỏi: “Chúng ta sẽ đi vào lúc mười giờ hay sau bữa trưa?”
Một tối, tôi bỏ lại các đại biểu đang ngồi ợ hơi tại khách sạn để đi tìm nơi có bi-a chơi. Tôi tìm được câu lạc bộ Gymkhana, nhưng một vài thành viên đã tự khóa cửa phòng bi-a để lén nghe một chiếc đài sóng ngắn kêu xèo xèo. Đó là bản tin về cuộc đua mới nhất trên kênh nước ngoài của đài BBC, và những người đàn ông cá cược đua ngựa chuyên nghiệp đang viết nguệch ngoạc lên những mẩu giấy ghi số tiền đặt cược khi một giọng nói sang sảng cất lên: “Hôm nay ở Doncaster, trong cuộc đua một nghìn bốn trăm linh bảy mét trên đường đua chậm, Bertha’s Pill từ vị trí thứ hai mươi đã về nhất và tiếp đó là Gallant Falcon, Sefety Macth và Sub Rosa.” Đua ngựa bị cấm ở Ceylon, bởi vậy người Ceylon cá cược các cuộc đua tại Espom, Doncaster và Kempton Park. Những tay cá cược đua ngựa bảo tôi có thể sử dụng bàn ngay khi buổi phát sóng kết thúc.
Câu lạc bộ Dịch vụ Công cộng ngay phía bên kia đường. Khi bàn trống, các thành viên nói họ không phản đối cho tôi chơi, nhưng họ nói thêm rằng có thể sẽ khá phiền vì nhân viên phát bóng phải bắt xe buýt. Tôi hơi khó hiểu với lời giải thích này, nhưng sau một lúc tôi thấy nhân viên xếp bóng toát lên dấu hiệu của dự lười nhác không nói lên lời ở Ceylon.
Tôi bắt đầu chơi với một trong số những người Ceylon khoác lác và sau khi một vài quả bóng bị chọc xuống lỗ thì có tiếng xì xào.
“Tay xếp bóng sẽ bắt xe buýt muộn mất.”
Nhân viên xếp bóng, một tín đồ đạo Phật trung thành trên Fernando, xếp bóng với sự tự tin đầy uy quyền của một giám mục nắm trong tay cây gậy phép. Trò chơi phụ thuộc vào cậu. Cậu giữ tỷ số, xếp bóng khi cần, cậu thu bóng, bôi lơ vào đầu gậy bi-a, nhắc luật cho người chơi; một lần tôi nghi ngờ một cú đánh mà cậu ta khuyên rằng đó là cú chuẩn nhất, rồi cậu nghiến răng khi tôi đánh trượt. Không nhiệm vụ nào của cậu đòi hăng hái đặc biệt cả nhưng chúng phá hoại sự tập trung của tôi. Đặc tính kỳ quặc của người chơi bi-a và chơi pool là họ phải được chơi một cách hoàn toàn yên tĩnh. Sự chăm chăm chú ý của Fernando phá vỡ sự tĩnh lặng này. Tôi rất mừng khi nghe đối thủ của tôi nói – sau khoảng bốn mươi phút – “Cậu bé phải đi rồi.”
“Tôi,” tôi nói. “Để cho cậu ta đi.”
Fernando xếp lại đồ và chạy ra khỏi phòng.
“Tôi đã thắng ông một điểm.”
“Không, anh đã thắng đâu,” tôi nói. “Cuộc chơi chưa kết thúc.”
“Cuộc chơi kết thúc rồi.”
Tôi chỉ cho anh ta thấy còn bốn quả bóng ở trên bàn.
“Nhưng không có cậu xếp bóng.” Người Ceylon nói. “Bởi vậy cuộc chơi kết thúc. Tôi thắng.”
Liệu có gì đáng thắc mắc không khi ở đất nước phì nhiêu thế này – phì nhiêu tới nỗi hàng rào và cột cuộc điện thoại cũng mọc rễ và nảy mầm ra các cành cây (thật tiếc khi chúng không ra quả) – và mọi người đều uể oải vì đói? Họ đã đuổi người Tamil đi, những người đã làm hết việc trồng trọt. Họ đã quên cách gieo hạt như thế nào trên đất – sự gieo hạt này có thể đã mang lại mùa màng cho họ. Galle là một thành phố xinh đẹp, được tô điểm bằng những cây hoa râm bụt đỏ với biển xanh thơm mùi lá cọ, chứa trong lòng phong cách Hà Lan đẹp đẽ, xung quanh là những vạt rừng tre. Tấm màn ánh nắng rực rỡ của hoàng hôn trang điểm cho bầu trời màu vàng kim hung đỏ một giờ rưỡi mỗi tối và cả đêm những con sóng vỗ vào vách pháo đài. Nhưng khuôn mặt chết đói của những kẻ mộng du, sự nghèo nàn của thành phố cảng nhà quê này khiến cảnh đẹp trở nên không thể chịu nổi.
Tàu từ Galle chạy dọc bờ biển theo hướng Bắc về Colombo, gần bờ biển đến nỗi bụi nước bắn tung lên bởi những đợt sóng cuồn cuộn từ châu Phi, chạm tới những chiếc cửa sổ hỏng của các toa tàu bằng gỗ mòn vẹt. Tôi đi toa hạng ba và khoảng thời gian đầu chuyến đi tôi ngồi trong toa chật ních những người mà ngay khi tôi trở nên thân thiện, họ hỏi xin tiền tôi. Họ không xin tiền tôi với sự khẩn thiết, trên thực tế họ không có vẻ như cần tiền mà đúng hơn là những gì họ vòi vĩnh tôi thành công sẽ được dùng đến một ngày nào đó trong tương lai. Tình huống này xảy ra khá thường xuyên. Giữa cuộc nói chuyện, một người đàn ông sẽ từ tốn hỏi liệu tôi có dụng cụ nào mà tôi có thể cho anh ta không. “Loại dụng cụ nào?” “Lưỡi dao cạo.” Tôi nói không và cuộc hội thoại sẽ vẫn tiếp tục.
Sau gần một giờ đối thoại, tôi lách khỏi toa ra đứng ở cửa nhìn mưa rơi từ tầng mây thẫm đen trên cao vừa rời bờ biển – cơn mưa ngoài xa như những cột đá granit tráng lệ. Bàn tay phải mặt trời đang lặn, có lũ trẻ chạy nhảy dọc bờ cát, chúng đang chuyển dần thành màu tía trong ánh hoàng hôn. Đó là cảnh tượng phía bờ biển. Phía bên này là rừng, trời bắt đầu đổ mưa nặng hạt và tại mỗi nhà ga, người phát tín hiệu che mưa bằng những lá cờ, gấp lá đỏ thành khăn trùm đầu, lá màu xanh thành một chiếc váy, anh ta vẫy cờ màu xanh lá khi tàu tới rồi lại nhanh chóng lấy nó che mưa khi tàu vừa đi qua.
Một người đàn ông Trung Quốc và vợ người Ceylon vừa lên tàu ở Galle với đứa con da sẫm màu mũm mĩm. Đó là gia đình Wong, tới Colombo để nghỉ ít ngày. Wong nhận mình là nha sĩ, đã học kinh doanh từ cha, cha anh từ Thượng Hải tới Ceylon vào năm 1937. Wong không thích mưa, anh nói thường xuyên tới Colombo bằng xe máy ngoại trừ mùa mưa. Anh ta cũng có cả mũ và kính bảo hiểm, nếu tôi quay lại Galle một dịp nào đó anh sẽ khoe chúng cho tôi xem. Anh ta nói với tôi mấy món đó trị giá bao nhiêu tiền.
“Thế anh biết nói tiếng Trung Quốc không?”
“Humbwa là đi, mingwa là tới. Thế thôi. Tôi nói tiếng Ceylon và tiếng Anh. Tiếng Trung khó lắm.” Anh ta ấn mấy đột ngón tay vào thái dương.
Simla đầy những nha sĩ người Trung Quốc, với những bảng hiệu minh họa hình cắt ngang cái miệng người trông kinh khủng và những khay đựng răng trắng ở cửa sổ. Tôi hỏi anh ta tại sao những người Trung Quốc mà tôi từng gặp đều là nha sĩ.
“Người Trung Quốc là những người nha sĩ rất giỏi!” anh ta giải thích. Hơi thở anh ta có mùi dứa. “Tôi giỏi!”
“Anh có thể hàn răng cho tôi không?”
“Không, tôi không hàn răng.”
“Anh có làm sạch răng không?”
“Không.”
“Anh có thể nhổ răng?”
“Ông cần nhổ răng hả? Tôi sẽ cho ông tên của một nha sĩ nhổ răng giỏi.”
“Thế anh là nha sĩ kiểu gì, Wong?”
“Thợ cơ khí răng,” anh ta đáp. “Người Trung Quốc là những người giỏi nhất khoản làm thợ cơ khí răng.”
Thợ cơ khí răng là như thế này: bạn có một cửa hàng với một cái giá bày mấy loại vữa vôi của Anh, một chất sền sệt màu hồng; bạn cũng có ngăn kéo chứa đầy răng đủ các loại kích cỡ. Một người bị rụng hai cái răng cửa trong một cuộc xung đột giành lương thực hoặc cãi nhau vì một quả dừa chở đến cửa hàng, bạn nhồi vào miệng anh ta chất màu hồng và đóng khuôn hàm anh ta lại. Một chiếc khuôn hình thành và khi nó được đẽo gọt lại, hai chân răng loại của Nhật được gắn vào đó. Không may là những chiếc răng giả bằng chất dẻo này vô giá trị khi nhai thức ăn và phải tháo ra vào giờ ăn. Wong tiết lộ việc kinh doanh khá thuận lợi, anh ta đang kiếm được khoảng một nghìn tới một nghìn bốn trăm rubi một tháng, số tiền này lớn hơn lương giáo sư tại Đại học Colombo.
Trong khoang tàu, hành khách đang rầm rầm đóng cửa sổ xuống để nước mưa khỏi hắt vào. Ánh lửa của hoàng hôn hé trong những đám mây xám xịt và những cột mưa mang theo tia chớp đang tiến rất gần; những người đánh cá đang vật lộn với lớp lớp sóng cao để đưa thuyền vào bờ. Con tàu bắt đầu bốc mùi kinh khủng; Wong xin lỗi về cái mùi đó. Mọi người bị đè ở trong toa và bị nén lại ở ngoài hành lang. Tôi ngồi ở cửa, có thể quan sát được những người nhanh trí bám chặt lấy những mốc nối bằng thép giữa hai toa và cố giữ thăng bằng. Khi cơn mưa to hơn – giờ thì nó đã thực sự đổ xuống – họ tìm lối vào trong toa, rầm rập đóng cửa lại và ngồi trong bóng tối khi cơn mưa đập vào những chiếc cửa bằng kim loại như những trận mưa đá.
Cửa bên tôi vẫn mở và tôi ngồi tựa vào tường, một cơn gió mạnh thổi vào tôi bất chợt.
“Ở đây ít nhất ông có thể thở được.”
Người đàn ông vừa bắt chuyện thắt một cái khăn tay trên đầu, ra đứng cạnh tôi. Anh có một cái cặp. Anh thì thầm rằng mình là một thợ kim hoàn, từ Calcutta đến đây để tận dụng cơ hội kinh doanh. Những người Ấn trước đây buôn lậu ngọc ra khỏi Ceylon để bán ở Ấn Độ. Bây giờ giá ngọc ở Ceylon tăng gấp năm lần vài tháng trước, bởi vậy, người Ấn đang buôn lậu ngọc ngược lại Ceylon để bán với một cái giá trên trời.
“Thật là một tình huống buồn cười,” anh ta nói.
“Đây là một đất nước khá tuyệt vọng.”
“Ông biết có bao nhiêu người ở Ceylon không?”
Tôi đáp rằng có khoảng mười hai triệu người.
“Đúng rồi,” anh ta nói. “Mười hai triêu hoặc hơn. Và họ không thể nuôi sống bản thân. Ông biết ở Colombo chúng tôi có bao nhiêu người không, chỉ riêng ở Colombo thôi ấy? Tám triệu!”
“Các ông có thể nuôi họ không?”
“Dĩ nhiên là không. Nhưng chúng tôi không lải nhải những thứ rác rưởi như họ. Ông nghe thấy những thứ rác rưởi chưa? Chiến dịch Trồng thêm nhiều lương thực, trồng thêm khoai, rác rưởi cách mạng, rác rưởi chính trị, thế này thế nọ thế kia.”
“Dòng người đợi phát chẩn bánh mì là cảnh tệ nhất mà tôi từng thấy.”
“Ông nói dòng người đó à? Ở Calcutta chúng tôi có gấp hai lần. Xếp hàng xin bánh mì, xếp hàng chờ phát gạo, thậm chí là sữa. Ông đã thấy điều này, chúng tôi còn có hàng loạt dòng người như vậy. Đây chưa là gì.”
Mưa vẫn tiếp tục, trong ngôi làng có những túp lều có mái dốc, nhưng lò vôi đang phả khói vào những lùm cây nọ. Đây là một ví dụ nữa về tính hoang phí của người Ceylon. Họ dùng thuốc nổ phá rặng đá ngầm lấy san hô và đốt nó để làm ra vôi. Những dải đá ngầm bị hủy làm cho biển xói mòn bờ. Chính phủ đã bắt đầu một chương trình để dùng xi măng hàn lại dải đá ngầm, nhưng ngược đời ở chỗ là xi măng lại làm từ vôi, và vì không có xi măng nhập khẩu, những dải đá ngầm lại bị phá hủy để tạo ra vôi nhằm vá những dải đá khác. Họ gọi đó là ngành công nghiệp xi măng, một ngành công nghiệp tự tiêu thụ toàn bộ: không có gì được thu lại.
Thông thường khi ở trong một đoàn tàu – ví dụ ở Ấn Độ – người ta sẽ ăn và đọc sách báo hết thời gian. Nhưng thức ăn có ít và việc thiếu giấy in báo đã giảm rất nhiều lượng báo phát hành. Do đó hành khách trên tàu 16 giờ 25 từ Galle tới Colombo chỉ còn cách ngồi không; lúc đầu trong cuộc hành trình họ ngồi dưới ánh hoàng hôn rực rỡ và giờ đây họ đang ngồi trong bóng đen của cơn bão. Tàu lúc lắc, những con sóng đánh vào bờ. Đến gần Colombo hơn, những vị thầy tu trong toa cuối (biển hiệu phía ngoài ghi DÀNH CHO TĂNG LỮ) thư thái nhìn mặt trời lặn, toa hạng hai dành cho học sinh về nghỉ hè, chúng bị bó trong những bộ đồng phục cứng ngắc; ở toa hạng ba, nơi tôi đang ở, gần như mọi người ngồi trong toa đóng kín tối đen. Vào lúc sáu giờ, phía ngoài sáng hơn nhiều – cơn bão đã đi qua và mặt trời hiện lên qua làn mây mờ – nhưng không ai buồn mở cửa chớp. Ở Mount Lavinia, khi ai đó rút chốt cửa ra quẳng đi, mặt trời đã biến mất.