Bạn đang đọc Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ – Chương 14: Tàu thư vận Talaimannar
Trời đổ mưa rất to trên mái phòng bán vé ở ga Talaimannar, người bán vé tàu hét to, yêu cầu được lấy lại tiền thừa với giọng nói nghe như hát, âm vực không có gì nổi bật của người Ceylon. Đây không phải là đất nước người ta hay nói to. Họ cãi nhau thì thầm, xung đột khiến họ dễ ngủ. Họ không phải những người dễ bị kích động – chắc có sự tác động gì đó của việc thiếu ăn. Nhưng đây là tình huống bất thường, anh bán vé giống như một trong số những người nói nhiều tiên phong, làm công việc giấy tờ trong màn mưa màu nâu rơi xéo trên sân ga và âm thanh lộp bộp inh tai tràn ngập. Các toa tàu thư vận Talaimannar được làm bằng những tấm gỗ mỏng nên khuếch đại tiếng mưa, tiếng lộp bộp đều đập lên mái lợp của giá chuyển hướng, hòa âm bởi gió, nhấn chìm tiếng sủa của những con chó hoang gầy gò bị buộc phải đi trú bão. Nhà ga hoen gỉ, biểu hiện bị bong tróc không đọc nổi, con tàu trơn bóng và ánh đèn lờ mờ phía trên những chiếc cột màu đen dọc hành lang làm cho cơn mưa ròng ròng có một màu mỡ đục vàng như chất dẻo bị nấu chảy. Đây là một nhà ga nhỏ vùng nhiệt đới, tọa lạc ở phía Bắc Ceylon, đượm mùi rừng ướt đẫm và mùi ống máng trào nước, tình trạng suy tàn này được xem là nét đẹp ở vùng tiền đồn xích đạo.
Tôi hỏi người bán vé bao giờ tàu mới khởi hành.
“Có lẽ là nửa đêm!” Mùa mưa dầm dề xối lên nơi làm việc dơ dáy khiến anh ta phải nheo mắt.
“Có lẽ là thế nào?”
“Có lẽ muộn hơn!”
Những con chó lang thang đang táp táp vào gót chân tôi, tôi chạy vội xuống sân ga về phía toa có dòng chữ ngay ngắn “TOA NẰM” với lớp mạ đã phai màu. Khoang hai giường nằm của tôi, một ví dụ điển hình của nghề mộc thuộc địa, được ốp ván gỗ chạm khắc theo phong cách rối rắm nhất để trang trí một hệ thống những chiếc giá có bản lề, tủ khối và ghế xếp cố định vừa với một bức tường. Cơn mưa đập vào cửa chắn bằng gỗ, một lớp sương mỏng đang tìm ngả qua cánh cửa chớp. Tôi đi ngủ nhưng bị đánh thức ngay vào buổi sáng bởi một người Ceylon kéo lê ba cái sọt nặng và đặt chúng gần giường của tôi.
“Nó là của tôi,” anh ta nói, chỉ vào chiếc giường dưới nơi tôi đang nằm.
Tôi cười, nụ cười ngây ngô điềm tĩnh mà tôi được dạy bởi bất cứ một người chủ cửa hàng Afghan nào ở Kabul.
“Biết tiếng Anh không?”
Tôi lắc đầu, vẫn mỉm cười.
Ngươi Ceylon kéo bản lề bậc thang lên giường trên. Nhưng anh ta không leo lên đó. Anh ta bật quạt, ngồi lên một trong số những cái sọt, bắt đầu ăn một món bốc mùi khó chịu trong mẩu giấy báo – mùi hành hỏng và gạo mốc sẽ lưu lại toa trong suốt khoảng thời gian còn lại của chuyến đi. Vào lúc 3 giờ 15 tàu rời ga Talaimannar. Tôi biết điều này vì khi tàu lăn bánh tôi bị xóc nảy khỏi giường, đập lên những cái sọt.
Toa nằm rất sáng, nảy và lắc lư khi qua những đoạn đường đá dăm, cả đêm kêu kèn kẹt liên hồi – đặc tính cong vênh của chất gỗ làm sinh động thêm buổi tối của các hành khách trên những chiếc tàu thủy chạy bão cũ kỹ. Tôi gặp một cơn ác mộng hãi hùng rằng toa tàu này bắt lửa, cháy bùng lên khi gió lùa vào trên lối đi kích động. Tôi bị kẹt trong toa, không thể mở cửa vì cơn mưa đã làm rầm cửa biến dạng. Cửa đã bị cong vênh và tôi thoát ra khỏi cơn ác mộng khi ngửi thấy mùi khói mồng nặc từ điếu xì gà của người Ceylon. Đèn trong toa vẫn bật, quạt vẫn đang chạy và người đàn ông này – tôi có thể nhìn thấy anh ta trong gương – đang nằm trên giường, nhả khói từ điếu xì gà rẻ tiền và đọc mảnh giấy bọc bữa tối bốc mùi.
Lúc bình minh, phía Tây Bắc Ceylon là một khu vườn bị quên lãng: những cánh đồng lúa đã khô nẻ mọc đầy cỏ dại, tán lá rậm rạp trên khoảng sân của những túp lều ọp ẹp xiêu vẹo, dấu hiệu của sự canh tác trước đó. Ở mọi nơi nhìn thấy, tôi đều nhận ra sự lười nhác quá thể, con người và tất cả mọi thứ đều trong trạng thái nghỉ ngơi. Tôi đã đến từ miền Nam Ấn Độ, vùng đất của những người Tamil nhanh nhẹn. Ở đây, người Ceylon có dáng điệu uể oải và sự lơ đễnh của kẻ mộng du đang tìm chỗ để gục xuống. Tình trạng thiếu lương thực hiển hiện rõ nét: bằng chứng nằm ở những mảnh đất nhỏ trồng sắn lộn xộn, rễ của loài thực vật nguyên thủy nhất trên trái đất này có thể phát triển dễ dàng nhưng làm cạn kiệt đất trong vòng một năm. Đây là một vụ mùa mới của người Ceylon; lũ sắn bắt đầu lớn lên trong tuyệt vọng.
Trong toa hạng hai, những người Ceylon đang ngủ bên cạnh con cái. Lũ trẻ thức thao láo, nép chặt vào ghế vì tiếng ngáy của bố mẹ chúng. Một người đàn ông tôi gặp trên hành lang đang tỏ ra thực sự bực bội. Anh ta là người Ceylon, giáo viên dạy tiếng Anh, anh ta nói mình không thường xuyên đi tàu bởi vì “tôi không thích những kẻ đồng hành di động này.”
“Người Ceylon á?”
“Lũ gián.” Anh ta nói tàu đầy gián nhưng tôi chỉ thấy chúng trong toa GIẢI KHÁT, chúng ở giữa đống hạt động phộng, bánh mì hôi thiu và trà, những thứ được bán vào bữa sáng.
Tôi hỏi thầy giáo liệu có tương lai nào cho tiếng Anh ở Ceylon không. (Tôi nên nói thêm rằng mặc dù tên chính thức của hòn đảo bây giờ là Sri lanka nhưng không ai mà tôi đã từng gặp gọi thế ngoài tên Ceylon: nó đã bị thay đổi rất gần đây để người ta khắc phục thói quen dùng tên cũ).
“Ông hỏi buồn cười quá,” anh ta đáp, “ trên thực tế là chúng tôi đang bị điều tra.”
Tôi hỏi anh ta tại sao.
“Các bài giảng của chúng tôi phản động.” Anh ta hút thuốc và cười làm dáng; rõ ràng anh ta đang hy vọng tôi moi tin của anh ta.
“Cho tôi một ví dụ đi.”
“Ồ, chúng tôi đặt ra các mẫu câu lặp đi lặp lại. năm nghìn câu. Chính phủ nói những câu này mang tính chất phản động.”
“Các mẫu câu lặp đi lặp lại cho các bài học tiếng Anh?”
“Vâng. Chúng tôi đặt ra chúng. Một trong số đó là ‘Bà Bandaranaike có ba con’.”
“Thế bà ta có bao nhiêu con?”
“Ba.”
“Thế thì khó khăn cái nỗi gì?”
“Tôi lấy một ví dụ nữa cho ông xem,” anh ta nói. “Một câu khác ‘Bà B. là một người phụ nữ’.”
“Thì ba ta đúng là phụ nữ còn gì?”
“Đúng. Nhưng họ không thích. Ông có thể coi điều đó tổn hại tới sự sùng bái cá nhân bà ấy.”
“Tôi hiểu rồi.”
“Thêm một câu nữa: ‘Bà B. đi công tác vào ngày mười chín, tháng Chín năm một nghìn sáu trăm sáu mươi mốt.”
“Họ không thích vậy à?
“Ôi không! Một cuộc điều tra đang diễn ra. Với tôi, toàn bộ chuyện này thật nực cười.”
Tôi nói anh ta có thể sẽ mất việc. Anh ta nói rằng mọi thứ vẫn ổn chừng nào anh ta chưa bị đi tù. Là một giáo viên đại học, anh ta kiếm hai nhăm đô la một tuần, chưa tính thuế.
Tại Kurunegala, khoảng năm mươi dặm về phía Bắc Colombo, tôi mua một quả đu đủ và tờ Nhật báo Mirror của Ceylon. Sự thiếu ăn đã biến người Ấn Độ trở thành những nhà chế tạo bánh xích vấu cao su dễ dùng, thành người bán món cốt lết cá và rau hầm, còn nó biến người Ceylon thành những kẻ cuồng tín. Theo như tờ Mirror đưa tin thì Thánh Jude, người thường biết đến là “Thần hộ mệnh của những người tuyệt vọng” được người ta quan tâm trở lại. Lăng mộ của ngài ở Colombo đã được những tín đồ hành hương tới thăm, thậm chí cả tín đồ đạo Phật và đạo Hindu. “Điều đó thực sự đáng chú ý,” bài báo đăng tin, “tín đồ thuộc mọi tín ngưỡng và mọi cộng đồng tiếp tục lũ lượt kéo về vùng đất thiêng liêng này.” Vào ngày hội của Thánh Jude, ngày hai tám tháng Mười, dự kiến hàng trăm nghìn người Ceylon sẽ tới vùng đất thiêng cầu nguyện.
Những người mộ đạo đang tăng lên theo cấp số nhân. Thư từ đổ về đức Cha tỏ rõ thiện ý cao cả với lời cầu khẩn tới đức Thánh. Nhiều người trong số họ đang bị rối tung lên như mớ bòng bong tuyệt vọng bởi thói quan liêu, ai cầu khẩn Thánh Jude sẽ được giúp đỡ để tìm ra hướng giải quyết. Đức Cha thường xuyên nhận được quà từ nước ngoài của những người đã rời hòn đảo thông qua con đường đi công tác hay học bổng, họ từng bị kìm kẹp bởi các luật lệ và chế dộ quan liêu, và đã vượt qua những đều đó sau khi cầu khẩn Thánh Jude.
Cũng trong tờ báo này, vấn nạn lương thực xuất hiện ở một vài thành phố sau khi khẩu phần gạo bị cát giảm (thầy giáo cho biết đây là lần thứ ba cắt giảm, khẩu phần bây giờ chỉ còn một phần tư so với năm tháng trước đó). Mùa màng thất bát, ớt không thể sinh sôi và từ trên tàu tôi có thể thấy những dòng người chờ phát chẩn bánh mì – hàng trăm người bơ phờ xếp thành những hàng dài vẹo vọ, đợi chờ với những chiếc giỏ trông không. Tại các nhà ga, trẻ em đứng gặm sắn sống và đám chó hoang đang cắn nhau tranh giành những miếng bã vứt đi, xé vụn từng miếng bằng hàm răng nhọn sắc. Thầy giáo nói có hàng đoàn người thiếu ăn ở Colombo, và đang lan truyền câu chuyện rằng một cuộc đảo chính sắp sửa diễn ra. Chính phủ bác bỏ kịch liệt câu chuyện đảo chính này. Không hề thiếu thức ăn, thực sự là thế, ngài bộ trưởng Nông nghiệp đã nói vây – nhiều người đang trồng thành công các loại khoai sắn trong vườn của họ. Thức ăn ở Ceylon rất phong phú, ông ta nói, nhưng một số người không thích ăn chúng, tất cả những gì họ phải làm là thay đổi thức ăn, thường là những ổ bánh mì đi xin. Loại bánh mì kiểu Mĩ này, xuất hiện như biện pháp tình thế trong thời gian chiến tranh, đã trở thành món ăn chủ yếu trong bữa ăn của người Ceylon. Ceylon không trồng một hạt lúa mì nào, nên bánh mì trở thành lương thực chính thì sẽ rất bất tiện cho hòn đảo xinh đẹp này, giống như là cây hạt dẻ nước ở Nevada vậy. Thủ trưởng rất khinh thường tờ Straits Times của Singapore vì đã đưa tin quân đội Ceylon bị đói tới mức phải ăn cỏ. Nhưng hành động phủ nhận một cách giận dữ đó dường như chỉ khẳng định thêm rằng tình trạng lương thực đang tuyệt vọng. Ở cảng Colombo, tôi đã lần lượt bị ba người Ceylon trông như kẻ cướp tiếp cận. “Có gì để bán không?” người đầu tiên hỏi; “Gái Trung Quốc không?” người thứ hai hỏi; “Cho tôi cái áo,” người thứ ba nói, từ ngữ không màu mè – mặc dù anh ta đề nghị mang đồ giúp tôi để đổi lại cái áo. Thánh Jude dường như cắt giảm công việc của mình và chuẩn bị cho ngày lễ thánh là điều hoàn toàn không thể hiểu được ở vùng đất không bao giờ còn được gọi là Serendip[1] nữa.
[1] Tên cổ của Sri Lanka.