Bạn đang đọc Phong Vũ Thanh Triều 1 – Chương 24: Thanh Hoang mai phục đoạt kim ngân
Giang Nam. Địa đạo Tây Hồ.
Đại đương gia Khẩu Tâm nhận được tính hiệu từ lá thư bồ câu. Vị hòa thượng mở ra xem, phát hiện quân Thanh vận tải kim ngân. Hoàng Hà lụt lội, dân chúng lầm than mà triều đình dửng dưng, còn ra tiền xây lầu nghỉ mát. Khẩu Tâm tức tốc đi tìm thiếu đà chủ Tần Thiên Nhân báo tin. Sau đó, Khẩu Tâm lại xung phong triệu kiến các hảo bằng hữu tụ tập ở tông đường của địa đạo Tây Hồ.
Tần Thiên Nhân khoanh tay đứng trước linh vị, chờ mọi người an tọa mới quay mặt lại.
– Chuyến đi này nghìn trùng nguy hại, chúng ta phải có dự phòng – Tần Thiên Nhân từ tốn nói.
Hàng trăm thành viên bang hội ngồi yên định thần, tai lắng nghe thiếu đà chủ trình bày mưu lược của Gia Cát tái lai. Đêm qua, Tần Thiên Nhân đến thư phòng tìm Cửu Dương. Sau khi cả hai huynh đệ cùng nhau thương lượng, họ quyết định tập kích đám quân binh ở bờ sông Thủy Hoàng.
Tần Thiên Nhân vung tay chỉ sơn đồ:
– Chúng ta chia thành hai nhóm, thất đương gia và tôi sẽ cùng hai trăm huynh đệ mai phục tại Thanh Hoang. Binh sĩ muốn vận tải kim ngân phải đi ngang qua Thanh Hoang, nơi đó có hai ngọn đồi Thất, Tinh. Ở trên đồi chứa nhiều tảng đá, chúng tôi sẽ ném xuống, buộc quân lính triều đình chạy đến Thủy Hoàng.
Tần Thiên Nhân chờ mọi người hiểu hết mới nói tiếp:
– Đại đương gia, tam đương gia và số huynh đệ còn lại sẽ phục kích bên bờ sông Thủy Hoàng, bao vây đám quân binh.
Trương Quốc Khải hỏi:
– Tại sao chúng ta không hạ thủ ở Thanh Hoang mà phải cất công đến tận Thủy Hoàng?
Tần Thiên Nhân trả lời:
– Chúng ta không thể vận tải ngân lượng về Giang Nam bằng đường bộ bởi lá thư bồ câu đã từng đề cập rằng số vàng bạc đã được binh sĩ triều đình dùng tới những mười hai cỗ xe để chuyên chở. Thành thử, nếu như chúng ta hộ tống số vàng cướp được đó khơi khơi dưới ánh dương thì chắc chắn sẽ bị tri huyện địa phương nghi ngờ.
Một vị trung niên ngồi cạnh Cửu Dương lên tiếng:
– Thưa thiếu đà chủ, xin cho tại hạ nói vài lời.
Tần Thiên Nhân gật đầu. Vị trung niên đó nói:
– Chúng ta có thể nhờ đoàn bảo tiêu. Chỉ cần chúng ta ngụy trang rương vàng bạc như là rương chứa đựng lương thực thì có lẽ tên quan tri huyện sẽ không nghi ngờ.
Tần Thiên Nhân lắc đầu:
– Tôi đã từng nghĩ đến việc nhờ vả tiêu cục Trấn Viễn trợ giúp nhưng phu nhân của cục chủ vừa mới qua đời. Ông ấy vì quá đau lòng nên lâm bệnh. Do đó, chúng ta chỉ còn một phương pháp là sau khi ra tay chế phục binh lính thì phải nhanh chóng ném số kim ngân xuống lòng sông Thủy Hoàng.
Trương Quốc Khải chợt hiểu:
– Ý của thiếu đà chủ là đợi trời tối chúng ta sẽ bí mật quay lại lấy ngân lượng?
– Không! – Cửu Dương thình lình lên tiếng.
Trừ Tần Thiên Nhân, các thành viên bang hội ai cũng ngỡ ngàng trước câu nói của Cửu Dương. Hàng trăm cặp mắt nhìn nhau, tất cả cùng chung tâm trạng. Họ thầm nghĩ “chẳng lẽ lại bỏ số ngân lượng nằm mãi dưới thủy triều hay sao?”
Tuy họ không ra mặt tra hỏi nhưng Cửu Dương đoán biết tâm tư. Chàng rời ghế, đi đến chỗ treo tấm sơn đồ, nơi Tần Thiên Nhân đang đứng. Cửu Dương dùng bút kẽ một đường dài lên tấm bản đồ nước non, ân cần giải thích:
– Con sông Thủy Hoàng gắn liền với sông Bạch Hà của thị trấn chúng ta. Nhằm lúc này trời thường hay mưa to khiến mặt nước dâng cao và chảy xiết. Cho nên con sông Thủy Hoàng chính là then chốt trong vấn đề di chuyển vàng nén. Chỉ cần chúng ta vứt số kim ngân xuống Thủy Hoàng thì vận tốc nước sông sẽ mang ngân lượng xuôi dòng về đây.
Ánh mắt của các thành viên bừng sáng, họ đồng lòng thán phục Cửu Dương:
– Tốt! Tốt!
– Nói hay lắm!
– Ý kiến rất thông minh!
Thế là xong. Thắc mắc trong lòng mọi người đã được giải đáp. Nhưng thắc mắc trong lòng Hiểu Lạc thì chưa. Nó xù xì với lão Tôn:
– Còn chúng ta thì sao?
– Sao là sao? – Lão Tôn khoanh tay, giương mắt hỏi lại.
– Tôi và ông sẽ đi theo nhóm nào, mai phục ở đâu?
Thấy Hiểu Lạc hăng hái đòi ra đi tìm đường cứu nước, lão Tôn mỉm cười:
– Ngươi đương nhiên là cùng ta mai phục ở… đây. Chúng ta thay phiên trấn giữ Hắc Viện và quản lý địa đạo Tây Hồ, rồi còn làm bảo an cho các vị cô nương.
Nghe lão Tôn kêu Hiểu Lạc bảo vệ mình, Lộ Phi Yến cười vào tai Lộ Phi Nhi:
– Ngữ trói gà không chặt như hắn, bản thân lo chưa xong, hơi đâu lo người khác!
Tiểu Tường cũng trề môi:
– Đúng rồi, hắn võ công không đầy lá mít!
Lộ Phi Nhi gật đầu, phan câu:
– Võ cua võ còng, võ bồng con gái, võ …đái trong quần.
Lời ví von làm đám huynh đệ bang hội ngồi gần đó cười té ghế. Họ phục lăng cái tật ưa châm chích của Lộ Phi Nhi. Chỉ có Lâm Tố Đình và Nữ Thần Y ngồi im không nói gì. Lâm Tố Đình bận liếc trộm Tần Thiên Nhân, để rồi buồn bã phát hiện vị hôn phu đang cùng Cửu Dương say sưa ngắm thần tiên tỷ tỷ. Nữ Thần Y ngồi cười mỉm chi một mình, tay duyên dáng xoe xoe lọn tóc, trông kiều diễm hơn tiên giáng trần.
Kể từ khi Tần Thiên Nhân trở về, Nữ Thần Y dọn hành trang qua địa đạo Tây Hồ, không còn tá túc chỗ Hắc Viện của Cửu Dương nữa. Nguyên do là bởi vì thiếu đà chủ bị thương cánh tay nên Nữ Thần Y đến đó chăm lo cho chàng. Đám tứ quái giai nhân vẫn còn đóng đô tại Hắc Viện. Lâm Tố Đình đau khổ trong tim nhưng không làm gì được, lòng chỉ đành ngậm đắng nuốt cay. Nàng hiểu câu lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy. Huống hồ tình cảm của Tần Thiên Nhân và Nữ Thần Y đã bốc khói từ hồi nam tào bắc đẩu rồi. Lâm Tố Đình có biết hay không?
Đường vào tình yêu lúc môi còn non tuổi mộng vừa tròn
Hương thơm làn tóc nước mắt chưa lần khóc
Đến nay thì đã đắng cay nhiều quá
Thơ ngây đi mất trong bước buồn giờ mới hay