Phong Vũ Thanh Triều 1

Chương 23: Vườn Tao Ngộ


Bạn đang đọc Phong Vũ Thanh Triều 1 – Chương 23: Vườn Tao Ngộ


Giang Nam. Tây Hồ.
Tây Hồ cách lễ hội một khoảng xa nên không còn nghe tiếng ồn ào ca hát. Tần Thiên Nhân chân bước mà lòng tơ vò. Sư Thái thọ thương, ba sư đệ tử nạn, chàng bây giờ như hổ xuống đồng nguyên. Nếu dùng số binh tướng và lực lượng hiện tại để khơi mào đấu tranh thì chàng lo rằng cơ hội phản Thanh sẽ khó hơn mò kim đáy nước. Hơn nữa, tam đệ Trương Quốc Khải công lực yếu đi, chưa hồi phục hẳn, phải làm thế nào đây?
Có vài thiếu nữ rong dạo, thấy chàng khôi ngô liền liếc mắt đưa tình và che miệng cười khúc khích. Nhưng thiếu đà chủ vốn vô tâm, người đẹp đứng trước mặt hầu không để ý, đâu lòng dạ xem kẻ qua đường?
Lúc nãy, Tần Thiên Nhân đến đình Mẫu Tử. Thắp nhang xong, chàng lang thang dạo bước bên hồ. Nơi này liễu lãng văn oanh, hoa cảng quan ngư, khúc viện phong hà, bình hồ thu nguyệt. Quan khách đến thăm Tây Hồ vào buổi sáng để thưởng thức tiếng chim oanh hót vang bụi liễu. Rồi họ dừng chân nghỉ trưa để ngắm bóng ngư trầm lặng ao hoa. Đến chiều tối, họ tựa lưng vào thân cây đếm ánh sao soi đầm sen thơm ngát.
Tây Hồ là hòn ngọc Giang Nam. Ngắm từ trên cao, vào đầu mùa hạ, quang cảnh hồ từa tựa bức tranh. Tình tứ nên thơ, bằng lăng phong tỏa. Xen kẽ những cây hoa tím đó là rặng liễu rủ bóng nước hồ xanh, màu ngọc biếc thanh thanh, lấp lánh hàng vạn tia nắng vàng chiếu sáng.
“Không biết duyên thơ, duyên đạo hay duyên lành nào đã đưa đẩy lão Thiên chế tạo khung cảnh hồ Tây?” Tần Thiên Nhân tự hỏi. Chàng cảm giác từng bước chân lạc vào thế giới mông lung huyền ảo. Đôi mắt thanh liêm ngắm những đóa sen nở muộn trong váng chiều vàng lãng đãng đâu đây.
Tây Hồ được dãy núi non bao bọc và ôm trọn trong lòng như tình thương mẫu tử hài nhi. Trên mặt nước hồ trong có đôi bờ đê chạy dài tựa hai vành đai xanh thẳm. Hoa nở như gấm khi quan khách du xuân trên bờ đê này.
Tây Hồ có “tam cầu sóng gió,” nổi tiếng bi ai, đã khiến nhiều cặp tình nhân trải qua bao phong ba giông tố. Ba cây cầu đau thương này là cầu Đoạn, cầu Trường và cầu Tây Lâm.
Chữ “đoạn” của cây cầu Đoạn có nghĩa là đứt gãy từng đoạn, tử biệt sinh ly. Cây cầu này đã gắn liền với câu chuyện tình bi thảm của nàng Bạch Tố Trinh và chàng Hứa Tiên trong truyền thuyết Thanh Xà Bạch Xà. Dân gian tương truyền, chính tại cây cầu Đoạn, nàng Bạch Xà đã vô tình gặp gỡ chàng Hứa Tiên. Họ phải lòng nhau rồi thành duyên đôi lứa. Trớ trêu khi hai kẻ thương nhau đôi ngã đôi đường. Họ chia tay tại Đoạn cầu nhưng lòng vương vấn không nguôi. Bạch Tố Trinh nhớ mãi những chuỗi ngày tay trong tay, vai kề vai, nàng cùng tướng công ngắm bông tuyết chảy. Bên dưới gầm cầu là băng hàn trắng xóa nên Hứa Tiên gọi cảnh đẹp đó là “tuyết tàn cầu Đoạn.”
Chiếc cầu sóng gió thứ hai làm lay động lòng người là cầu Trường. Nghĩ tới cầu Trường, người ta nhớ ngay đến mối tình gắn bó của đôi bạn trẻ Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài. Mặc dầu chữ “trường” của cây cầu Trường có nghĩa là dài nhưng chiếc cầu này lại không dài quá ba trăm thước. Bởi thế mà tại cầu Trường, Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài đã quyến luyến không rời xa. Họ cùng nhau đi qua đi lại mười tám lần trước khi thốt lời từ giã.
Chiếc cầu Trường và cầu Đoạn đã trở thành chủ đề của rất nhiều thi nhân. Điển hình là hai câu thơ mà dân gian thường hay ngâm nga “trường kiều bất trường tình nghĩa trường, đoạn kiều bất đoạn thốn trường đoạn.” Hàm ý rằng cầu Trường tuy ngắn nhưng tình nghĩa dài như chuyện tình yêu của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài. Còn cây cầu Đoạn không gãy nhưng lại khiến lòng người đau đớn như đứt từng khúc ruột khi nghĩ đến mối tình của Hứa Tiên và Bạch Tố Trinh.
Tần Thiên Nhân thong thả nhẩn nha trông sao sáng trên cao. Chợt, chàng ngỡ ngàng dừng bước, ánh mắt thoáng lung linh. Ở đằng kia có một thiếu nữ đứng trên cầu Tây Lâm, tay xoe xoe lọn tóc.
– Tây Hồ! – Tần Thiên Nhân âu yếm gọi.
Nàng quay mặt lại, tay vén mái tóc đang tung gió bay bay:
– Đã bao năm rồi mới gặp lại huynh?
– Hai năm, ba tháng, mười chín ngày.
Tần Thiên Nhân đáp ngay, không hề do dự. Có lẽ chàng đã tính thuộc lòng. Thiếu nữ không chút bất ngờ. Hình như nàng cũng đếm từng ngày từng tháng.
Sau khi cả hai cùng nhau giải bài toán thời gian, nàng nhìn chàng, chớp đôi hàng mi cong vút:
– Huynh là người duy nhất không gọi biệt danh của muội.
Tần Thiên Nhân mỉm cười, nụ cười thứ hai trong đời. Tiếng cười đầu tiên cũng dành cho người con gái ấy. Và chàng đến bên cạnh, say sưa nhìn đôi mắt thôi miên. Nàng biết nên quay đầu giấu biệt nhãn tuyệt thế khuynh thiên nghiên thành đổ nước. Tần Thiên Nhân không buông tha. Chàng đi vòng ra phía trước mặt, buộc nàng đối diện.
– Huynh về đây đã gần một ngày trời nhưng tìm không thấy muội – Tần Thiên Nhân hỏi, giọng nói đượm u buồn – Sao muội không đến tông đường tìm huynh?
Thiếu nữ lại âm thầm ngó lơ chỗ khác. Tần Thiên Nhân nghe tim chàng nhói đau. Sao nàng lại vô tình hờ hững? Chàng cau mày:
– Tại sao?
– Muội không muốn huynh phân tâm – Nàng thờ ơ trả lời, ánh mắt bận ngóng trông đầm sen hồng sen trắng.
Trước câu giải thích khó tin, Tần Thiên Nhân sững sờ. Chàng tự nhủ “thì bây giờ cũng đã phân tâm rồi, có sớm hay muộn cũng vậy thôi.” Và ngỡ như đang nằm mộng, Tần Thiên Nhân đau lòng hỏi người chàng mơ:

– Không muốn huynh phân tâm hay là đang cố tình lánh mặt?
Nàng đứng nghe một tràng, biết chàng trách cứ mà vẫn làm… dân. Chứ không lẽ làm vua? ^ _^ Tần Thiên Nhân ngỡ ngàng “sao bấy lâu nay nàng chuyên môn trốn tránh?” Chàng có hàng chục câu hỏi nhưng mãi không tìm ra câu trả lời.
Cả hai đứng song song, xong không ai lên tiếng. Nàng lẵng lặng ngắm ánh trăng. Chàng im lìm nhìn mặt sóng. Thoáng mắt đã mười mấy năm qua…
… Lúc Tôn bà mang Nữ Thần Y về chăm sóc, nàng vẫn còn là một hài nhi. Thiếu đà chủ chính là người đầu tiên dỗ dành, và là kẻ đút từng muỗng cháo. Nàng thút thít khóc, chàng phải cõng trên lưng chiều chuộng đủ điều. Đến khi Tôn bà qua đời, nàng uất ức sinh bệnh, chàng đành kiêm cả chức mẫu thân. Tình thương đó đến nay càng sâu đậm.
Hồi còn nhỏ, Nữ Thần Y cực kỳ bướng bỉnh, thường xung kích với… tất cả mọi người, chỉ trừ một mình Tần Thiên Nhân là nàng không động tới. Vì chàng là ô dù của nàng, là kẻ bao che cho nàng, và cũng là người ngu ngốc đứng ra lãnh đòn dùm mỗi khi nàng cùng Cửu Dương bị Sư Thái luận tội “chọc phá thiên hạ.”
Cũng bởi vì tính nết quá xá nghịch ngợm đó mà Tần Thiên Nhân phải tả xung hữu đột đến trầy vi tróc một phần mười móng tay út để cứu nàng thoát hiểm.
Nữ Thần Y còn là chuyên gia trêu ghẹo trẻ làng. Hai mươi lần bọn chúng đều bỏ qua. Đến lần hai mươi mốt người ta đấm lại. Và một mình thì đương nhiên không thể chọi lại mấy mình nên lúc ẩu đả, nàng thua cuộc. Kết cục bi thảm. Nữ Thần Y bị đám trẻ con xô xuống Tây Hồ. Đêm trời băng giá, y phục ước đẫm, nàng lững thững trở về tông đường. Xui xẻo thay lúc chui rào qua cổng nàng bị Sư Thái bắt gặp. Bà giũa dạy một trận trước khi phạt nàng quỳ ngoài đại sảnh suốt ba đêm. Trong ba đêm đó Tần Thiên Nhân đều đến thăm rồi quỳ cùng sư muội. Có lẽ do trời phật thương xót cặp đầu gối của chàng nên giúp nàng giác ngộ. Bởi sáng hôm thứ ba, nàng bỗng dưng biến đổi, thôi phá phách và bớt tánh hung hăng…
… Tần Thiên Nhân nhìn sư muội tóc tung bay trong gió. Dưới ánh trăng, nàng bỗng đẹp thần sầu. Rồi chàng cảm giác như vừa uống phải một chung rượu mạnh khiến đầu óc quay cuồng choáng váng.
Nữ Thần Y hoảng hốt khi trông thấy sắc thái không ổn của người bên cạnh. Tình cảm đang đè nén trong lòng nay tự động trào dâng. Nàng hối hả dìu chàng ngồi xuống, phát hiện vết thương trên cánh tay.
– Huynh đang chảy máu? – Nữ Thần Y ngẹn ngào, khóe mắt bắt đầu rươm rướm.
Tần Thiên Nhân dịu giọng trấn an:
– Huynh không sao.
– Để muội giúp huynh băng bó lại.
Nói đoạn, nàng cởi áo khoác của chàng, vắt lên thành cầu. Tay rút chiếc khăn, nàng cẩn thận lau chùi vết máu. Nữ Thần Y đứt ruột khi thấy vết thương khá sâu liền buộc miệng:
– Huynh bị thương lúc nào? Tại sao? Có đau không?
Nữ Thần Y tuôn một lèo ba câu hỏi. Rõ ràng đang khẩn trương người ta thí mồ. Còn làm bộ! Chợt nhận ra sự quan tâm lộ liễu của mình, nàng mím môi làm thinh. Tần Thiên Nhân biết tỏng Nữ Thần Y yêu mà chối quanh, không dám thừa nhận, nên đêm nay chàng quyết tâm chế ngự bản chất rụt rè cố hửu “ưa trốn tránh tình yêu” của nàng.
Để bủa lưới giăng dây, thiếu đà chủ âm thầm xếp đặt ba câu nói. Câu thứ nhất, chàng làm bộ thở dài:
– Huynh cũng không nhớ bị thương lúc nào, chắc là ở Tây Sơn.
Nữ Thần Y lọt tròng. Nàng thộn mặt:
– Bị thương lúc nào mà huynh cũng không biết là sao?
Nghe câu hỏi trúng chóc kịch bản, thiếu đà chủ khoái chí phan câu thứ nhì:
– Tại vì vết thương này không đau lắm, chỗ kia mới đau.
Chiêu thứ nhì quá hiểm. Nữ Thần Y nghe qua liền cảm giác trái tim nghiền nát, tâm can đứt đoạn từng mảnh. Nàng luýnh quýnh hỏi:
– Chỗ nào? Huynh còn bị thương chỗ nào nữa?
Hỏi xong, nàng giở mánh của song Lộ Phi nương ra, sờ mó tùm lum tùm la. Nhưng lần này, thần quyền Nam hiệp không phản đối. Chẳng những thế, chàng còn muốn đặt nụ hôn nồng ấm lên đôi môi chín mọng, tha thiết ôm ấp nàng trong lòng. Và chàng sẽ nâng niu bàn tay thon thả, dìu nàng đi hết quãng đời dù tình trường ngắn ngủi bao nhiêu.

Tần Thiên Nhân nhìn người yêu, hiểu đã đến giờ xuất chiêu tuyệt kỹ. Chàng nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu trước khi nói câu cuối cùng:
– Muội lau chùi vết máu này nhưng lại không băng bó được vết thương trong trái tim huynh!
Lời nói sắc bén như độc môn ám khí, lén lút đâm vào tử huyệt của Nữ Thần Y. Sau khi trúng phải phi tiêu, Nữ Thần Y giật nẩy. Nàng bật dậy. Tần Thiên Nhân cũng vụt đứng lên theo.
– Muội phải về sắc thuốc cho tam ca Quốc Khải – Nữ Thần Y nói nhanh và quay mình dợm bước.
Nhưng nàng chưa bước được nửa bước thì Tần Thiên Nhân dang tay cản:
– Muội khoan hãy đi. Ở lại nghe huynh hỏi câu này.
Bị cao thủ bậc nhất võ lâm giữ chân, Nữ Thần Y đào tẩu không thành, đành đứng yên phục tùng vô điều kiện, kiên nhẫn chờ đợi câu hỏi của chàng. Nhưng Tần Thiên Nhân khôn ngoan. Chàng muốn kéo dài sự hồi hộp cho sư muội nên cố tình không hỏi ngay mà làm thinh nhìn chằm chằm gương mặt ngây thơ trong sáng.
Không tới mười giây, Nữ Thần Y hóa thành cây mắc cỡ. Cảm giác ngượng ngập ở đâu tràn về. Hai má ửng hồng nóng rang, đôi tay trở nên thừa thãi, và lòng ngực nhấp nhô theo nhịp thở vì trái tim đấm thình thịch như muốn phăng ra ngoài.
Thấy điệu bộ khổ sở của người yêu, Tần Thiên Nhân động lòng. Chàng nâng cằm sư muội, nhìn sâu vào đôi mắt thôi miên:
– Muội hãy trả lời thật thà cho huynh biết, muội có yêu huynh không? Muội mà làm thinh nghĩa là thừa nhận.
Tần Thiên Nhân là sư huynh của Cửu Dương. Cả hai cùng chung dòng máu tinh ranh, em nào anh nấy. Tần Thiên Nhân e khi nghe câu hỏi quá xá khó thì Nữ Thần Y sẽ giở mửng quen thuộc, tức là làm thinh không trả lời nên chàng mới đế thêm cái vế sau cho nàng hết chối.
Nữ Thần Y làm thinh thật. Nàng khép chặt đôi mắt, không dám nhìn. Tần Thiên Nhân ôm thân thể yêu kiều vào lòng, hôn lên trán sư muội. Nữ Thần Y run rẩy trong vòng tay ấm áp của sư huynh.
– Tây Hồ – Tần Thiên Nhân tha thiết gọi Nữ Thần Y – Muội hãy mở mắt nhìn huynh.
Nữ Thần Y ngước lên. Nàng bắt gặp tia mắt nhìn say đắm. Nhưng trong đáy mắt chứa chan ánh lửa tình nồng đó là thấp thoáng hình bóng của Lâm Tố Đình.
– Huynh hãy buông muội ra! – Nữ Thần Y thức tỉnh cơn mê. Nàng van xin rối rít – Chúng ta không thể nào!
Trong khi chàng ngây ngất giấc mộng ngát hương tình ái thì nàng bàng hoàng vùng vẫy thoát ra. Tần Thiên Nhân không thả. Chàng siết chặt đôi bàn tay nõn nà xinh xắn:
– Cả hai chúng ta yêu nhau, tâm đầu ý hợp, thì tại sao lại không thể nào?
Ngỡ chàng không nhớ, Nữ Thần Y nhắc:
– Huynh đừng quên bản thân đã có hôn ước.
Tần Thiên Nhân đoán biết thế nào người yêu cũng nói câu này. Cho nên trong đầu đã có chuẩn bị, chàng sẵn sàng thốt ra lý lẽ thuyết phục nàng đấu tranh phong tục cổ truyền “ép duyên.”
Tần Thiên Nhân thả Nữ Thần Y ra. Chàng ung dung khoanh tay, khoan thai hỏi lại:
– Thì thế nào?
– Thì… huynh là của Đình Đình – Nữ Thần Y thổn thức – Huynh thuộc về cô ấy!
Chỉ chờ có thế, Tần Thiên Nhân liền mang lý luận chặt chẽ bác bỏ tục lệ hôn nhân “đặt đâu ngồi đấy” của luân lý “tam cương ngũ thường.” Chàng chỉ trích phong tục tập quán phong kiến mà con cái luôn luôn ở địa vị phụ thuộc, nhất là việc thành hôn, đều do phụ thân độc toan độc đoán.
Chàng hy vọng ở nơi tương lai, những người trẻ tuổi sẽ đồng tâm đứng lên, cùng nhau giải phóng bản thân khỏi mọi áp bức để đem lại sự tự do yêu thương và quyền tự do kết hôn.

Chàng còn đề cao phương thức “phải duyên, phải kiếp thì theo.” Cụ thể là khi nam nữ gặp gỡ và nảy nở tình ý với đối phương tức là “phải duyên,” đều đó chứng minh hai người từng có duyên nợ sinh tiền. Nếu đúng như vậy thì cặp tình nhân đó cứ việc theo nhau, lấy nhau thành vợ thành chồng, bất chấp sang hèn giàu khó hay sự cản trở của gia đình giòng họ. Chàng không ngại phải đối đầu công cuộc tranh đấu gay go trong tương lai nhưng chàng cần có nàng cùng chung tiến thoái.
Chàng còn nói rất nhiều điều. Nữ Thần Y mím môi lặng lẽ đứng nghe người yêu thao thao bất tuyệt:
– Chỉ vì một lời hứa của các bậc trưởng bối mà bấy lâu nay muội cố tình trốn tránh xua đuổi huynh. Xem huynh như… món đồ, nhường qua nhường lại!
Nói đến đây, Tần Thiên Nhân ngưng bặt. Chàng đợi người yêu tiếp thu xong mới hùng hồn kết luận:
– Muội biết huynh không thương Lâm Tố Đình nhưng vẫn đem huynh hai tay dâng làm quà. Muội làm vậy là không tôn trọng huynh và coi thường tình thương của huynh dành uội. Để huynh nói uội nghe, dù muội có từ chối huynh, huynh cũng sẽ không thành hôn với Lâm Tố Đình. Bởi vì huynh chưa từng yêu cô ta. Đời này huynh chỉ yêu muội, một mình muội thôi!
Lúc ban đầu, Nữ Thần Y ngỡ chàng nổi trận lôi đình, định mở miệng biện hộ nhưng rồi lại thôi. Nàng đứng chôn chân nghe chàng phán tội. Sau một hồi, Nữ Thần Y dần dần hiểu thấu sự tình, lòng công nhận “huynh ấy nói cũng… đúng, rất… hợp lý.” Đến câu cuối cùng, nàng nhịn không nổi, đành gạt binh khí thôi miên qua một bên, nhường cho dòng lệ tuôn ra trên má.
Tần Thiên Nhân não lòng nhìn những giọt lệ rơi. Chàng đưa tay lau nước mắt trên gương mặt khả ái của sư muội. Nàng mân mê vạt áo của sư huynh.
– Huynh không biết mắc cỡ, nói toàn lời nhột nhạt – Nữ Thần Y chun mũi trách.
Tần Thiên Nhân vuốt đôi má ướt, giọng thì thầm như gió thoảng trên mây:
– Nhột nhạt mà có người ưa thích.
Nữ Thần Y nghe vậy liền bĩu môi:
– Không thích!
Tần Thiên Nhân nhìn đôi môi quyến rũ, suýt soát biến thành Tần… Phạm Nhân. Chàng vờ bưng tay lên tim, thốt lời đau đớn:
– Muội không thích huynh thì huynh đi.
Dứt lời, Tần Thiên Nhân quay mình bỏ đi. Nữ Thần Y sập bẫy. Nàng hoảng hồn với tay gọi giật:
– Thiên Nhân! Huynh đừng đi. Muội… thích.
Tần Thiên Nhân dừng bước nhưng vẫn chưa chịu quay đầu:
– Muội vừa nói thích ai?
Nữ Thần Y đi đến phía sau lưng giựt giựt tay áo của sư huynh:
– Muội thích… người đó.
Khi Tần Thiên Nhân quay lại thì thấy Nữ Thần Y đang xấu hổ thẹn thùng giơ tay chỉ “người đó.” Nhưng chàng muốn nàng đích miệng thừa nhận nên làm bộ nhìn tứ tung, rồi nheo nheo mắt:
– Người đó là người nào?
Thấy sư huynh còn chưa hiểu, Nữ Thần Y giậm bình bịch đôi chân:
– Là người đó… đó!
Nghe người yêu nói đó… đó hoài, không chịu thừa nhận, Tần Thiên Nhân giả vờ nóng ruột:
– Huynh không có tài tiên tri như Cửu Dương nên không thể đoán biết muội nói gì.
Rồi chàng lấy cánh tay này bưng cánh tay kia. Nữ Thần Y tưởng vết thương đang hoành hành, nàng phát hoảng:
– Để muội đưa huynh về chữa trị!
Nhưng Tần Thiên Nhân cố chấp không chịu đi, chàng cứ ra rả cái điệp khúc:

– Muội cho biết thích ai trước đã.
Nữ Thần Y lo sợ bệnh tình của chàng trở nặng. Nỗi thẹn thùng biến mất, nàng lập tức thừa nhận:
– Muội thích huynh!
Và trong lúc Nữ Thần Y đỏ mặt nhìn sư huynh, nàng phát hiện chàng đang dùng cánh tay bị thương ôm cánh tay lành mạnh. Tần Thiên Nhân trêu ghẹo xong thì âu yếm vuốt tóc sư muội. Chàng cười xòa:
– Không ngờ người thông minh nhất nhì của Đại Minh Triều cũng có ngày bị gạt.
Và chàng kề môi lên sát tai sư muội, ngân nga:
– Huynh cũng thích muội rất nhiều.
Biết vừa bị lỡm, Nữ Thần Y mím chặt đôi môi, muốn giận mà giận không nổi. “Sao mình lại bị huynh ấy lòe một cách dễ dàng như vậy?” Nữ Thần Y tự hỏi. Quả thật, trên cõi đời rộng lớn này nàng chưa từng ngán ai. Hằng ngày, đa số huynh đệ của bang phái Đại Minh Triều kháo nhau:
– Nữ Thần Y mưu mô trí tuệ, đến Cửu Dương thần thông quảng đại cũng phải chịu thua.
Tôn bà cũng từng nói với Sư Thái:
– Đồ đệ của tôi không gạt người ta thì thôi, người ta không ai có thể gạt được nó!
Nhưng tình cảnh hôm nay đã khiến nàng nhìn nhận “si mê Thiên Nhân là nhược điểm của mình!” Nghĩ đến đó, Nữ Thần Y nhoẻn miệng khoe nụ cười thần tiên. Trăm hoa hàm tiếu thay phiên đua nở, chen chúc nhau đâm chồi nảy lộc.
Tức thì, ám khí độc nhất vô nhị chọc thủng quả tim của thần quyền Nam hiệp. Chàng trúng tử huyệt, trố mắt nín thinh chăm chú nhìn. Nữ Thần Y thấy người yêu im ru bà rù thì thu hẹp đôi môi.
Khi đồng hoa thiên đường biến mất, Tần Thiên Nhân bừng tỉnh. Chàng nhủ lòng “cũng may Tây Hồ không phải thích khách do triều đình phái đến Giang Nam!”
—oo0oo—
Thiếu đà chủ và Nữ Thần Y cùng nhau trưởng thành, biết bao nhiêu kỉ niệm. Thế nên, mỹ nữ giang hồ đẹp đến đâu, vị hôn thê ở nhà xinh cách mấy, Tần Thiên Nhân cũng không màng. Sắc đẹp làm sao có thể sánh với tình yêu mà chàng cất công trau dồi từ thuở nhỏ?
Ngày đó lâu rồi hai đứa mình yêu nhau
Mộng ước dài lâu ta sẽ chung nhịp cầu
Ðuổi ong bắt bướm bên góc cạnh cầu ao
Tình yêu lắng sâu đã đi vào cõi nhớ
Thuở ấy chúng mình hay ngắm nhìn trăng lên
Sưởi ấm lòng nhau qua những câu chuyện tình
Lời ru bến nước ai hát điệu hò khoan
Tình “không” dở dang như lỡ một cung đàn
Tần Thiên Nhân không gọi biệt danh của người chàng yêu. Ba chữ “Nữ Thần Y” nghe cứ như muôn trùng xa lạ. Chàng du dương gọi nàng là Tây Hồ sư muội. Bởi bờ hồ phía Tây miền đất Giang Nam là chốn mộng mơ bắt đầu, là kho chất chứa kỉ niệm, và trong tương lai sẽ là nơi tạo dựng túp lều lý tưởng mà chàng hằng ước mong.
Tại đây, Tần Thiên Nhân đã từng dắt bàn tay nhỏ bé của Nữ Thần Y. Cả hai du xuân qua cầu Tây Lâm, cùng rượt đuổi nhau trên cầu Đoạn, và tựa vào thành cầu Trường để tỏ tình thương yêu.
Trớ trêu thay, từ lúc chưa chào đời, Tần Thiên Nhân và Lâm Tố Đình đã được thân mẫu hứa hẹn hôn phối. Sau khi gia cảnh hai nhà lâm nạn, đôi trẻ được Sư Thái thương tình thu nhận và nuôi nấng lớn khôn.
Cặp tình nhân tay trong tay, vai kề vai hạnh phúc ngắm ánh trăng. Họ đâu ngờ thấp thoáng bên kia cầu Tây Lâm có hai kẻ yêu là chết ở trong lòng mười ít. Lâm Tố Đình chịu không nổi cảnh phu quân tương lai tán tỉnh tri kỉ của mình nên bật khóc. Nàng vùi mặt lên vai Cửu Dương. Chàng cũng tan nát trong tim, nhưng lại phải vỗ về sư muội. Sau một hồi, Lâm Tố Đình không đủ can đảm đứng nhìn tình trong mộng ôm ấp người con gái khác nên quay lưng chạy đi.
Đến lúc này, Lâm Tố Đình mới bần thần hiểu rằng thiếu đà chủ của bang phái Đại Minh Triều là một đấng trượng phu vô cùng bản lĩnh. Trước đây, Tần Thiên Nhân không ngọt ngào đường mật với nữ nhi, không phải không biết cách ăn nói, mà bởi chàng không thương. Nay gặp người chàng yêu thì thốt lên toàn lời ong bướm.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.