Phía bên kia nửa đêm

Chương 27part 1


Đọc truyện Phía bên kia nửa đêm – Chương 27: part 1

Chương 11
NOELLE
Paris 1944
Trong suốt năm vừa rồi Armand Gautier thôi không còn đặt vấn đề cưới Noelle nữa. Thoạt đầu ông có cảm tưởng ông là người có vị trí cao hơn Noelle. Tuy nhiên bây giờ tình thế hầu như đã đảo ngược. Mỗi khi họ được giới báo chí phỏng vấn, câu hỏi bao giờ cũng nhắm vào Noelle và mỗi khi họ cùng nhau đi đâu, bao giờ Noelle cũng là trung tâm chú ý, còn ông chỉ được người ta nhớ đến sau.
Noelle là một người tình tuyệt vời. Nàng tiếp tục tạo cho Gautier sự thoải mái, cư xử như nữ chủ nhân của ông, và một cách có hiệu quả đã làm cho ông có địa vị của người mà khắp nước Pháp phải ghen tỵ, thế nhưng trên thực tế ông không lúc nào được một phút thảnh thơi đầu óc, bởi ông biết ông không chiếm được Noelle, và ông cũng không thể làm được việc đó, rằng đến một ngày nào đó nàng sẽ rút ra khỏi cuộc đời ông một cách tùy hứng cũng như khi nàng đã bước vào cuộc đời ông vậy. Mỗi khi ông nhớ đến việc xảy ra với ông vào cái lần Noelle bỏ ông mà đi, Gautier cảm thấy choáng cả người. Dù với bản năng của một người đầy trí xảo, có kinh nghiệm và hiểu biết đối với đàn bà, Gautier vẫn cứ yêu Noelle như điên cuồng. Nàng là sự kiện quan trọng duy nhất của cả cuộc đời ông. Nhiều đêm ông trằn trọc nghĩ ra đủ các thứ quà tặng bất ngờ đem đến cho nàng niềm hạnh phúc, ban thưởng cho ông một nụ cười, một nụ hôn hoặc một đêm truy hoan rất tự giác. Mỗi khi nàng nhìn ngắm một người đàn ông khác, Gautier tràn ngập sự ghen tuông, song ông chỉ nuốt hận mà không hề hé răng cho Noelle hay biết. Một lần sau buổi tiệc, nàng dành hết cả tối để chuyện trò với một bác sĩ danh tiếng, Gautier đã nổi cáu với nàng. Noelle lắng nghe những lời lẽ ông thóa mạ nàng, sau đó sẽ sàng đáp:
– Nếu như việc tôi nói chuyện với những người đàn ông khác mà khiến anh khó chịu đến vậy, thì Armand ạ, tôi sẽ mang đồ đạc của tôi ra đi ngay trong đêm nay.
Sau đó ông không bao giờ nhắc đến chuyện này nữa.
Vào đầu tháng Hai, Noelle bắt đầu tổ chức phòng trà tiếp tân. Lúc đầu chỉ là một cuộc họp mặt vào thứ bảy với một số bạn bè thân hữu của họ ở nhà hát, nhưng khi tin đồn loan đi khắp nơi rất nhanh và cuộc tiếp tân lôi cuốn cả các chính khách, nhà khoa học, nhà văn, nghĩa là bất kỳ ai mà nhóm thân hữu nọ nhận thấy là hấp dẫn hoặc gây cho họ hứng thú. Noelle trở thành bà chủ của phòng tiếp tân và là một trong những trung tâm thu hút sự chú ý. Ai cũng chỉ mong được trò chuyện cùng nàng, bởi vì Noelle luôn đặt ra những câu hỏi sắc sảo và nàng rất nhớ các câu trả lời. Nàng biết tình hình chính trị qua các nhà hoạt động chính trị, hoặc thu được kiến thức ngân hàng qua các chủ nhà băng. Một chuyên gia nghệ thuật có cỡ đã dạy cho nàng những hiểu biết về nghệ thuật, và chẳng mấy chốc nàng đã quen biết tất cả các hoạ sĩ lớn của Pháp hiện đang còn sống trên đất Pháp lúc đó. Nàng biết được nghề làm rượu vang qua chủ hãng vang lớn là Baron Rothschild và kiến thức về kiến trúc qua Corbusier.
Noelle có được những ông thầy xuất sắc trên thế giới và đến lượt họ, họ lại có được một cô học trò xinh đẹp và đầy quyến rũ. Nàng có một trí tuệ nhanh nhạy để thâm nhập vào đối tượng và là một thính giả rất thông minh.

Armand Gautier có cảm giác ông đang ngắm nhìn một Công nương nghênh tiếp các bộ trưởng của nàng và chỉ khi ông nhận ra điều đó, ông mới thấy là ông hiểu được hơn tính cách của Noelle.
[ alobooks ]
Ngày tháng dần trôi. Gautier bắt đầu có cảm giác vững tâm hơn chút đỉnh. Ông nhận thấy Noelle đã gặp gỡ mọi loại người có thể gây tác động cho nàng, thế mà nàng vẫn không hề mảy may quan tâm chú ý đến một ai.
Nàng vẫn chưa gặp Constantin Demiris đấy thôi.
Constantin Demiris là chúa tể một vương quốc rộng hơn và mạnh mẽ hơn so với rất nhiều nước. Ông không có chức danh hoặc một địa vị chính thức nào, song ông thường xuyên mua bán các thủ tướng, hồng y giáo chủ, đại sứ và vua chúa. Demiris là một trong số hai hoặc ba nhân vật giàu bậc nhất thế giới, có một hãng máy bay, là chủ nhiều tờ báo, ngân hàng, nhà máy cán thép, mỏ vàng. Những chiếc vòi bạch tuộc của ông vươn ra khắp mọi nơi, đan kết chằng chịt trên hoạt động kinh tế của hàng chục quốc gia khác nhau.
Ông có một trong những bộ sưu tập nghệ thuật quý giá nhất trên thế giới, có cả một phi đội máy bay riêng, hàng chục căn nhà và villa rải rác trên khắp hoàn cầu.
Constantin Demiris có vóc người cao trên mức trung bình, bộ ngực đồ sộ, đôi vai rộng. Vẻ mặt của ông u tối, ông có chiếc mũi rộng kiểu người Hy Lạp và đôi mắt đen ánh lên vẻ thông minh. Ông không quan tâm đến chuyện ăn mặc, tuy nhiên ông vẫn luôn luôn được liệt vào danh sách những người ăn mặc sang trọng nhất. Người ta đồn rằng ông có trên năm trăm bộ com lê. Tình cờ đi đến đâu ông cũng có thể cho đặt may quần áo. Com lê của ông do các thợ may trứ danh Hawes và Curtis ở London cắt, sơ mi thì do Brioni ở Roma may, còn giày thì do Daliet Grande ở Paris đóng, cà vạt thì mua từ hàng chục nước khác nhau.
Demiris có một sức hấp dẫn lạ lùng mỗi khi ông xuất hiện ở đâu đó. Một khi ông bước vào một căn phòng nào, những người chưa từng biết ông là ai cũng phải chăm cú nhìn ông. Báo chí trên khắp thế giới đã từng viết hàng loạt chuyện về Constantin Demiris và những hoạt động của ông, cả trên phương diên kinh doanh và quan hệ xã hội.
Giới báo chí thường hay trích dẫn lời của ông. Khi có một ký giả hỏi ông rằng bạn bè ông có giúp ông được gì trong việc thành đạt không, ông đáp: “Muốn thành đạt cần phải có bạn bè thân hữu. Còn muốn thành đạt cao thì cần phải có kẻ thù”.

Khi người ta hỏi ông có bao nhiêu người làm công, Demiris đáp: “Đâu có, chỉ toàn những giáo hữu thôi. Một khi quyền lực và tiền bạc dính líu vào, công việc kinh doanh trở thành một tín ngưỡng và các văn phòng trở thành đền thờ”.
Ông lớn lên trong sự giáo dục của Nhà thờ Cơ đốc giáo Hy Lạp, song ông nói về tôn giáo có tổ chức chặt chẽ đó như sau: “Nhân danh tình thương yêu, người ta đã phạm những tội ác nhiều gấp hàng ngàn lần so với nhân danh sự cứu dân”.
Cả thế giới biết rằng ông đã thành hôn với con gái của một gia đình hoạt động lâu năm trong ngành Ngân hàng Hy Lạp, rằng mỗi khi Demiris đi chơi bằng con tàu buồm của ông hoặc ở trên hòn đảo riêng, bà vợ ông rất ít khi đi cùng. Thay vào đó, ông thường có một nữ tài tử hoặc một người phụ nữ nào đó đang được ông lưu tâm. Những cuộc đi chơi xa đầy mơ mộng cũng mang tính huyền thoại và rực rỡ chẳng khác gì các hoạt động tài chính của ông. Ông đã ăn nằm với hàng tá minh tinh màn bạc, những phu nhân của các ông bạn thân cận của ông, với một tiểu thuyết gia mới mười lăm tuổi và với những quả phụ vừa mới goá chồng. Người ta còn đồn đại rằng có một lần ông còn bị cả một tốp nữ tu sĩ gạ gẫm bởi những người này muốn có một tu viện mới.
Đã có nửa tá sách viết về Demiris, song chưa một quyển nào đề cập đến bản chất của con người này hoặc cố tìm cách phát hiện ra được bí quyết thành công của công.
Constantin Demiris tuy là một trong những nhân vật được cả thế giới biết tới, song ông lại là một người hết sức kín đáo, và ông đã tạo ra hình ảnh bề ngoài trước thiên hạ để che giấu con người đích thực ở bên trong ông. Ông có vài ba chục bạn bè thân tín ở khắp mọi tầng lớp xã hội song không một ai thực sự hiểu hết con người ông. Những thực tế rành rành thì ai cũng biết rõ cả. Ông ra đời ở Piraeus trong một gia đình bố làm người thầu hàng trên tàu thủy, có mười bốn anh chị em cả thảy, cho nên trên bàn ăn không lúc nào đủ thức ăn và nếu có đứa con nào muốn có thêm cái gì thì nó phải giành giật mới có được. Ở Demiris luôn luôn có nhu cầu thôi thúc đòi hỏi nhiều thêm cho nên cậu bé đã phải giành giật để đoạt lấy.
Ngay từ khi còn nhỏ, một cách tự nhiên, đầu óc Demiris đã chuyển mọi thứ thành toán học. Cậu biết rõ số bậc thềm đền Parthernon, đi tới trường mất mấy phút, trong một ngày nào đó số con tầu neo ở cảng là bao nhiêu.
Thời gian là một số được chia thành nhiều phần mà Demiris học sử dụng không để lãng phí. Kết quả là ở chỗ không cần phải có một sự nỗ lực thật sự nào, Demiris vẫn có thể hoàn thành một số lượng lớn công việc. Khả năng tổ chức ở ông đã trở thành bản năng, một tài nghệ hoạt động hoàn toàn có tính chất tự động dù cho ông làm việc nhỏ nhặt nhất cũng vậy. Trong bất cứ việc gì, ông cũng đem trí xảo của mình ra để ganh đua với trí xảo của những người xung quanh ông.
Khi Demiris nhận ra rằng mình thông minh hơn đa số mọi người, ông không lấy thế làm tự cao tự đại. Khi có một phụ nữ xinh đẹp nào muốn chung chăn gối với ông, ông không một chút nào tự tán dương bản thân rằng đó là nhờ mẽ bề ngoài hoặc tính cách của ông, song ông cũng không bao giờ cho phép việc đó khiến ông phải bận tâm suy nghĩ.
– Thế giới là một thị trường lớn, con người nếu không phải là kẻ mua thì là người bán. Ông hiểu rằng có một số phụ nữ bị tiền của ông hấp dẫn, một số khác bị quyền lực của ông hấp dẫn và chỉ có một số, song cũng rất ít là bị trí tuệ và sức tưởng tượng của ông hấp dẫn.

Hầu như mọi người mà ông gặp đều muốn lấy ở ông một cái gì đó: hoặc cầu xin sự thương cảm, tài trợ cho một dự án kinh doanh hoặc muốn giành uy lực nhờ sự quen biết ông mà có được. Demiris rất thích thú với việc tự ông phát hiện ra xem người ta đang thực sự mưu cầu cái gì, bởi vì động cơ đó ít khi bộc lộ rành rành ra cho ông thấy ngay. Với một đầu óc phân tích, luôn luôn hoài nghi trước những sự thật bề ngoài, và cũng do những hậu quả đã chỉ ra cho thấy, ông không bao giờ tin một chuyện gì ông nghe được cũng như chẳng bao giờ tin một ai cả.
Các ký giả đã từng lập biên niên sử cuộc đời đời ông chỉ thấy được ở ông một sự vui tính, hấp dẫn mà thôi, và một con người rất mực phong nhã lịch lãm, thạo đời. Họ không bao giờ nghi rằng ẩn dưới cái vẻ bề ngoài đó, Demiris là một kẻ sát nhân, một tên du thủ du thực mà bản năng của y là luôn tìm đến chỗ hiểm của kẻ khác.
Đối với những người Hy Lạp cổ đại thuật ngữ thekaeossine, công lý thường đồng nghĩa với ekthekissis, sự trả thù và Demiris thấm nhuần cả hai khái niệm đó. Ông nhớ rất kỹ từng chi tiết những gì ông đã từng phải chịu đựng, và những kẻ nào không may phải chuốc lấy sự hằn thù của ông thì phải trả giá gấp hàng trăm lần. Họ không bao giờ nhận ra được điều đó, bởi đầu óc tính toán rạch ròi của Demiris sẽ biến cuộc trả thù thành một trò chơi, ông kiên trì vạch ra từng cạm bẫy tinh vi, tiến hành những mưu mô phức tạp rối rắm để cuối cùng chộp bắt và tiêu diệt kẻ thù của mình.
Khi Demiris mười sáu tuổi, ông đã tham gia một công ty kinh doanh đầu tiên với một người lớn tuổi hơn tên là Spyros Nicholas. Demiris đã nghĩ ra việc mở một quán ăn nhỏ trên bến cảng để phục vụ thức ăn nóng cho những người bao thầu hàng làm việc ca đêm. Chàng thanh niên Demiris đã góp vào một nửa số tiền cho công ty, nhưng đến khi công việc làm ăn khá lên Nicholas lại tìm cách hất cẳng chàng trai ra khỏi công ty và một mình nắm lấy tất cả Demiris đã chấp nhận số phận và tiếp tục gây dựng những cơ nghiệp khác.
Hai mươi năm sau Spyros Nicholas đã có trong tay công nghiệp kinh doanh ngành đóng thịt hộp và trở nên giàu có, phát đạt. Ông ta đã có vợ, ba con và trở thành một trong những nhân vật tăm tiếng ở Hy Lạp. Trong suốt những năm đó, Demiris vẫn kiên trì thu mình ngồi yên, mặc cho Nicholas gây dựng nên vương quốc nhỏ bé của ông ta. Cho đến khi Demiris nhận thấy Nicholas đã thành đạt và sung sướng đủ độ rồi thì Demiris mới đụng tới.
Do sự nghiệp kinh doanh đang tiến triển, Nicholas nghĩ đến việc mua các nông trại để tổ chức chăn nuôi tự cung cấp lấy thịt và mở hàng loạt cửa hàng bán lẻ.
Constantin Demiris có một ngân hàng mà Nicholas lại đang vay vốn. Ngân hàng này khuyến khích vay tiền để mở rộng kinh doanh với một lãi suất mà Nicholas bị hấp dẫn mạnh. Nicholas lao như điên vào và trong lúc công việc đang diễn tiến nủa chừng thì ngân hàng đó đột ngột đòi thu hổi vốn của Nicholas. Khi Nichoìas lúng túng lên tiếng phải kháng rằng ông ta không thể thanh toán được, ngân hàng lập tức bắt đầu xúc tiến các thủ tục tịch biên tài sản. Những tờ báo của Demiris mau mắn đưa câu chuyện này lên trang nhất và các chủ nợ khác cũng lục tục tuyên bố tịch biên của cải của Nicholas. Ông ta đi hết các nhà băng và các cơ quan tín dụng, song vì một lý do gì ông không rõ. Tất cả đều từ chối tài trợ cho ông ta. Ngày hôm sau lâm vào tình thế phá sản, Nicholas đã phải tự vẫn.
Quan điểm của Demiris về thekaeossine là một con dao hai lưỡi. Nếu như ông không tha thứ cho một vết thương thì ông cũng không bao giờ quên một việc làm hảo tâm nào. Bà chủ nhà đã từng cưu mang chàng trai quá nghèo, túng không đủ tiền trả hồi nào, lại còn chu cấp cho cậu có đủ miếng cơm manh áo thì bỗng đột ngột một hôm trở thành là chủ nhân của cả một toà nhà gồm nhiều căn nhà, song bà cũng không hề biết được ân nhân của bà là ai. Một thiếu nữ trẻ đã từng cưu mang anh chàng Demiris không một xu dính túi hồi nào, được một người vô danh tặng cho cả một chiếc villa và một khoản lương hưu suốt đời. Những người đã từng có quan hệ với chàng trai đầy tham vọng trước đây bốn chục năm đều không hay biết rằng những quan hệ tình cờ như vậy sẽ có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời họ. Chàng Demiris trẻ trung năng động trước kia đã từng cần đến sự giúp đỡ của các chủ nhà băng, các luật sư thuyền trưởng, các hiệp hội, chính trị gia và các nhà tư bản tài chính. Có một số người đã khuyến khích giúp đỡ chàng, song cũng có nhiều kẻ khác dìm chàng, lừa lọc chàng. Trong tim óc của con người Hy Lạp đầy tự đắc đó luôn luôn ghi khắc từng vụ việc một. Bà vợ Melina của ông có một lần lên án ông về việc ông đóng vai trò của vị Chúa phán xét.
– Mọi người ai cũng đều có vai Chúa hết – Demiris bảo với bà – Chỉ có điều một số người trong chúng ta chuẩn bị cho vai này tốt hơn những kẻ khác.
– Song nếu như tiêu diệt sinh mạng của người khác thì điều đó không được, anh Costa ạ.

– Không có gì là không được cả. Đó chính là công lý.
– Là sự trả thù thì đúng hơn.
– Đôi khi hai cái đó cũng chỉ là một. Đa số những kẻ xấu tìm cách rũ bỏ những cái ác mà họ đã làm. Anh chỉ muốn bắt họ phải đền bù lại những việc họ đã làm. Đó chính là công lý.
Ông thích bỏ ra nhiều thì giờ để nghĩ ra những phương kế đưa các đối thủ của ông vào cạm bẫy. Ông nghiên cứu rất kỹ càng những nạn nhân của mình, phân tích cá tính của họ, đánh giá kỹ mặt mạnh mặt yếu.
Hồi Demiris mới có ba chiếc tàu chở hàng cỡ nhỏ và ông cần vốn để phát triển đội tàu của mình, ông có đến gặp một chủ ngân hàng Thuỵ Sĩ ở Basel. Chủ ngân hàng này không những từ chối ông mà lại còn gọi điện thoại cho các bạn bè cũng là chủ ngân hàng, khuyên họ không nên cho người thanh niên Hy Lạp này vay tiền. Cuối cùng Demiris phải xoay sang vay tiền ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Demiris đã chờ đợi thời cơ khá lâu. Ông xác định rằng cái gót Asin(1) của gã chủ ngân hàng này chính là lòng tham vô đáy. Demiris đã thương lượng với Ibn Saud ở Ả Rập nhận cho đấu thầu một khu vực mới tìm thấy dầu lửa. Vụ đấu thầu này trị giá khoảng vài trăm triệu đô-la đối với công ty Demiris.
Ông chỉ thị cho một nhân viên tìm cách để dò dẫm tin này cho ông chủ ngân hàng Thuỵ Sĩ kia biết về vụ làm ăn sắp tới Chủ ngân hàng được mời tham gia 25 phần trăm cổ phần trong công ty mới nếu như ông bỏ ra năm chục triệu đô-la. Chủ ngân hàng nhanh chóng cho thẩm tra lại vụ làm ăn này và khẳng định sự việc có thực. Vì cá nhân ông không có sẵn số tiền này, ông đã lặng lẽ vay ở ngân hàng mà không thông báo cho ai biết cả, bởi vì ông muốn làm ăn mảnh. Tuần sau, khi công việc giao dịch xảy ra rồi, lúc đó ông có thể hoàn lại số tiền ông đã rút ra.
Sau khi Demiris cầm tấm ngân phiếu của chủ nhà băng trong tay, ông tuyên bố với các báo chí là cuộc thương lượng với Ả Rập đã bị hoãn lại. Cổ phiếu bị khê đọng. Chủ ngân hàng không cách nào bù lại được những thua lỗ, và vụ biển thủ của ông ta bị phát hiện. Demiris chỉ gỡ lại ở các cổ phiếu của chủ ngân hàng mỗi đô-la có vài ba xu, nhưng sau đó vẫn cứ tiếp tục công việc khai thác dầu lửa.
Cổ phiếu lại lên vùn vụt. Song chủ ngân hàng đã bị kết án hai mươi năm tù về tội biển thủ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.