Đọc truyện Phía bên kia nửa đêm – Chương 19: part 1
Chương 8
CATHERINE
Washington – Hollywood 1941
Catherine Alexander có cảm giác rằng cuộc đời nàng dường như đã chuyển sang một giai đoạn mới, dường như nàng đã đạt tới một mức cảm xúc cao hơn, tới một đỉnh cao khoái hoạt đến chóng mặt. Khi Bill Fraser ở thành phố, tối nào họ cũng đi ăn với nhau, đi nghe ca nhạc, xem kịch hoặc xem opera. Ông đã kiếm cho nàng một căn nhà nhỏ nhưng dễ chịu ở gần Arlington. Ông muốn trả tiền thuê nhà, xong Catherine nhất định đòi nàng để trả. Ông mua cho nàng quần áo và đồ trang sức. Lúc đầu nàng phản đối, nàng cảm thấy đạo đức của người đạo Tin lành ăn sâu ở nàng khiến nàng lúng túng, xong Fraser rõ ràng là tỏ ra rất thích thú khi cuối cùng Catherine thôi không phản đối chuyện đó nữa.
Nàng nghĩ, dù gì thích hay không thích, mi cũng là một nhân tình. Trước đây cái chữ đó với nàng thật nặng nề, nó ám chỉ những hạng đàn bà rẻ tiền, vụng trộm sống trong những căn nhà khuất nẻo, với những tình cảm chán chường thất vọng. Song bây giờ việc đó lại đang xảy ra với nàng. Catherine cảm thấy không giống như vậy chút nào. Nó chỉ có nghĩa là nàng đang ngủ với một người đàn ông nàng yêu. Không có gì là bẩn thỉu, nhơ nhớp, mà hoàn toàn tự nhiên. Nàng nghĩ: Kể cũng thật là thú vị, có những việc mà đối với người khác thì dường như đáng ghê tởm, vậy mà khi đến lượt mi thì lại không sao cả. Khi mi đọc những chuyện trai gái của người khác thì đó chính là “Những lời bộc bạch” thực sự, nhưng đến lượt mi, chẳng qua nó như Tạp chí viết chuyện gia đình dành cho phụ nữ vậy.
Fraser là một người bạn sâu sắc, biết nghĩ và ông cư xử như thể họ sẽ còn chung sống với nhau mãi mãi.
Catherine có thể lường trước những phản ứng của ông hầu như với mọi tình huống, và nắm được từng tâm trạng của ông. Trái với điều Fraser tuyên bố, chuyện tình dục đối với ông không phải là điều hấp dẫn gì, còn Catherine tự nhủ rằng tình dục chỉ là một phần nhỏ trong quan hệ giữ hai người. Nàng không còn là cô học trò nhỏ cần phải được kích thích thường xuyên, nàng đã là một phụ nữ trưởng thành. Vì vậy nàng nghĩ chua chát: “cho” hay “nhận” cũng chỉ một chút đỉnh thôi.
Trong lúc Fraser đi vắng, công ty quảng cáo của ông do Wallace Turne, một nhân viên kế toán cao cấp điều hành công việc. William Fraser hạn chế đến mức thấp nhất việc ainh vào kinh doanh, để ông có thể dành mọi tâm sức vào công việc của ông tại Washington, song mỗi khi có một vấn đề gì quan trọng phát sinh ở công ty và khi người ta cần đến ý kiến của ông, Fraser có thói quen trao đổi công chuyện với Catherine và dùng nàng như một nơi thăm dò ý kiến. Ông phát hiện ra rằng nàng có một khiếu bẩm sinh về kinh doanh. Catherine cũng thường có những ý kiến về vận động tranh cử, tỏ ra rất hữu hiệu.
Trong một bữa ăn tối, Fraser nói:
– Catherine ạ, tiếc rằng anh quá ích kỷ, nếu không anh đã để em vào làm công ty, cho em được thoả sức trong những công việc tính toán giấy tờ – Ông đặt bàn tay mình trên bàn tay nàng – Anh sẽ nhớ em qua đỗi. Vì vậy anh muốn em luôn luôn ở đây với anh.
– Em cũng chỉ muốn ở đây thôi, anh Bill ạ. Em rất mãn nguyện với tình hình hiện nay ở đây.
Và quả thực là như vậy. Nàng đã từng cho rằng nếu nàng rơi vào một tình thế như thế này, nàng sẽ có đòi hỏi bức thiết là lấy chồng, nhưng tình hình như chưa có gì là khẩn thiết cả. Xét trên mọi khía cạnh quan trọng họ đã là vợ chồng với nhau rồi.
Một buổi chiều, khi Catherine gần xong công việc thì Fraser bước vào văn phòng của nàng.
– Em có thích tối nay ta đi chơi xa ra vùng nông thôn không? – Ông hỏi.
– Có chứ. Thế ta đi chơi đâu?
– Đi Virgima. Chúng mình sẽ về ăn tối với bố mẹ của anh.
Catherine ngạc nhiên nhìn ông:
– Họ có biết quan hệ giữa chúng ta không?
– Cũng không hoàn toàn – Ông cười – Họ chỉ biết là anh có một cô trợ lý trẻ rất tuyệt vời và anh sẽ đưa nàng về ăn tối nay.
Cho dù nàng có vẻ thất vọng thì lúc này nàng cũng không để lộ ra trên nét mặt, nàng bảo.
– Được! Em sẽ ghé về nhà, thay xiêm áo.
– Bảy giờ anh sẽ tới đón em.
– Thế nhé.
***
Ngôi nhà của ông bà Fraser nằm ở vùng đồi chập chùng Virginia, đó là kiểu nhà trại lớn với vạt cỏ xanh và đất trại rộng tới sáu chục acre bao quanh ngôi nhà. Ngôi nhà này xây dựng từ đầu thế kỷ mười tám. Catherine trầm trồ thán phục.
– Em chưa từng thấy ngôi nhà nào như thế này.
– Đây là một trong những trại chăn nuôi tốt nhất ở Mỹ đấy – Fraser thông báo cho nàng biết như vậy.
Chiếc xe hơi chạy qua một bãi đất chăn nuôi đầy những con ngựa đẹp, qua những bãi thả gia súc, được chăm sóc cẩn thận và một ngôi nhà dành cho người trông gia súc. Catherine thốt lên:
– Cứ như ở một thế giới khác vậy. Anh đã lớn lên ở đây à? Em ghen với anh đấy.
– Có thực sự em thích sống ở nông trại không?
– Đây không hẳn là một trang trại. Đây gần như mảnh đất riêng của anh.
Họ đến trước ngôi nhà.
Fraser quay sang, bảo nàng:
– Bố mẹ anh hơi kiểu cách đấy, song em cũng đừng quá bận tâm. Cứ xử sự bình thường. Hồi hộp lắm phải không?
– Không – Catherine đáp – Em sợ lắm.
Khi nàng nói vậy, nàng tự thấy ngạc nhiên là nàng đã nói dối. Theo nếp truyền thống của mọi cô gái sắp sửa gặp bố mẹ của người mình yêu, lẽ ra nàng phải thấy hoảng sợ mới đúng. Song ở đây, nàng chỉ thấy tò mò mà thôi. Bây giờ cũng không còn thời gian để tự hỏi xem tại sao. Họ ra khỏi xe hơi, một người quản gia mặc lễ phục tiến ra mở cửa, y nở nụ cười tươi chào đón họ.
Ông đại tá Fraser cùng phu nhân như đang sống trong những trang sách truyện trước thế kỷ thứ nhất.
Điều đầu tiên khiến Catherine chú ý là tuổi tác và vẻ yếu ớt của họ. Trước đây đại tá Fraser đẹp trai linh hoạt vậy, thế mà nay trở thành xanh xao, ốm yếu. Ông già gợi cho Catherine rất nhớ đến một người, rồi bất ngờ nhận ra con người đó. Đây chính là hình ảnh người con trai của ông ta khi già yếu. Ông đại tá tóc bạc thưa bước đi lòng khòng, đau đớn. Đôi mắt ông xanh nhạt, hai bàn tay đã từng một thời cứng cáp nay đã nổi cục vì bệnh sưng khớp. Bà vợ ông ta có phong thái của một nhà quý tộc, những nét xuân sắc của thời con gái vẫn còn lưu lại trên nét mặt. Bà rất nồng nhiệt, vui vẻ với Catherine.
Bất chấp những lời Fraser đã dặn dò nàng, Catherine vẫn có cảm giác là nàng về đây để cho ông bà lão này tìm hiểu. Ông đại tá và bà vợ thay nhau thẩm vấn nàng suốt cả buổi tối. Họ tỏ ra rất ý tứ, song cũng hết sức tỉ mỉ.
Catherine kể hết cho họ nghe về gia cảnh và thời thơ ấu của nàng và khi nàng nhắc lại chuyện nàng phải chuyển hết trường này qua trường nọ, nàng cố làm cho việc đó mang tính màu sắc phiêu lưu, thú vị chứ không phải là một nỗi tra tấn dày vò nàng. Trong lúc nàng kể, nàng nhận thấy Bill Fraser mắt sáng lên, đầy tự hào nhìn nàng.
Bữa ăn tối thật thịnh soạn. Họ ngồi ăn dưới ánh sáng của những ngọn nến trong một gian phòng ăn kiểu cổ, rộng rãi, với một lò sưởi bằng đá cẩm thạch thực, với những người đầy tớ vận lễ phục. Tiền bạc cũ và rượu vang cũ.
Nàng nhìn Bill Fraser và nàng cảm thấy tràn trề một niềm biết ơn chồng cuồng nhiệt. Nàng có cảm giác rằng nếu nàng muốn nàng có thể được hưởng một cuộc sống như vậy. Nàng biết Fraser yêu nàng và nàng cũng yêu ông ta. Tuy nhiên vẫn thiếu một cái gì đó. Đó chính là cảm xúc hứng khởi: Nàng nghĩ: Có lẽ mình trông đợi quá nhiều. Có lẽ mình phải tìm ngay ở Gary Cooper, Humphrey Bogart và Spencer Tracy những thứ đó. Tình yêu đâu phải là một hiệp sĩ với vũ khí sáng loáng. Nhiều khi chỉ là ở một người chủ trại quý phái vận bộ com lê bằng vải tuýt màu xanh.
Vứt mẹ những bộ phim và cuôn sách đó đi cho rồi! Khi nàng nhìn sang ông đại tá, nàng có thể hình dung ra con người Fraser hai chục năm sau, cũng sẽ giống hệt như cha nàng. Nửa cuối buổi tối nàng hoàn toàn im lặng.
Trên đường về, Fraser hỏi:
– Em có thích buổi tối hôm nay không?
– Rất thích. Em thấy mến hai cụ nhà anh.
– Hai cụ cũng mến em đấy.
– Em mừng lắm – Nàng đã nói thật, trừ một ý băn khoăn mơ hồ ẩn rất sâu trong đầu óc vẫn nhắc rằng lẽ ra nàng cần phải lo lắng đến vậy trước khi đi gặp họ.
Tối hôm sau, khi Catherine và Fraser đang ngồi ăn tối ở Câu lạc bộ Jokey, Fraser có báo cho nàng biết rằng ông sẽ phải đi London một tuần. Ông nói:
– Trong lúc anh đi vắng, anh có một công việc rất lý thú cho em. Người ta yêu cầu cơ quan chúng ta giám sát việc quay một bộ phim về tuyển mộ phi đoàn không quân đang được thực hiện tại các trường quay của hãng MGM ở Hollywood. Anh muốn em phụ trách việc theo dõi làm phim này trong lúc anh đi vắng.
Catherine nhìn ông, vẻ hoài nghi:
– Em ư? Thậm chí đến lắp phim vào chiếc máy ảnh rẻ tiền em còn không biết, huống hồ làm sao biết được việc làm phim huấn luyện thế nào?
– Thì người khác cũng thế thôi – Fraser cười rộ. – Đây là một việc khá mới mẻ, song em khỏi phải bận tâm. Họ sẽ có đạo diễn và những người trợ giúp cả rồi. Quân đội định sẽ sử dụng các diễn viên vào bộ phim này.
– Tại sao?
– Theo anh thì họ cảm thấy rằng lính đóng lính lại không đủ sức thuyết phục.
Nghe cứ như chuyện quân sự ấy.
– Chiều nay anh đã trao đổi rất lâu với tướng Mathews. Ông ấy nhắc đến “tính hấp dẫn” có lẽ hàng trăm lượt. Bởi vì họ muốn bán được phim này. Họ sắp mở một chiến dịch tuyển lính rất lớn nhằm vào đám thanh niên ưu tú ở Mỹ. Đây là một trong những đợt khai hoả.
– Thế em cần phải làm những gì – Catherine hỏi.
– Em chỉ cần theo dõi xem mọi việc tiến hành có suôn sẻ không, em sẽ đưa ra ý kiến cuối cùng duyệt được hay không. Em đã có vé đi Los Angeles vào chuyến bay chín giờ sáng ngày mai.
– Vâng – Catherine gật đầu.
– Có nhớ anh không?
– Nhớ lắm chứ – Nàng đáp.
– Anh sẽ mang quà về cho em.
– Em không cần quà gì cả. Chỉ mong anh trở về bình an vô sự – Nàng ngập ngừng – Tình hình đang ngày một xấu đi có phải không, anh Bill?
– Phải – Ông gật đầu – Chúng ta sắp tham chiến rồi.
– Kinh khủng thật?
– Nếu chúng ta không tham chiến, tình hình còn kinh khủng hơn kia – Ông nói nhỏ nhẹ – Nước Anh đã thoát khỏi Dunkirk một cách lạ lùng. Nếu giờ đây Hitler quyết định vượt qua eo biển Mache, theo anh người Anh không chặn nổi Hitler.
Họ im lặng uống nốt cà phê rồi ông trả tiền.
– Tối nay em có muốn anh đến với em không?
– Tối nay không được – Catherine bảo – Sáng mai anh phải dậy sớm, mà em cũng vậy.
– Thôi được.
Sau khi ông đưa nàng về nhà, nàng chuẩn bị đi ngủ ngay. Catherine tự hỏi tại sao nàng lại không về cùng Bill trước khi họ chia tay vào ngày mai. Song nàng cũng không tự giải đáp được câu hỏi đó.
***
Catherine đã lớn lên ở Hollywood cho dù nàng chưa từng bao giờ tới đó. Nàng đã bỏ ra hàng trăm giờ đồng hồ trong phòng chiếu bóng tối tăm, đắm mình trong những giấc mộng kỳ ảo mà các nhà tư bản làm phim của thế giới đã tạo nên, và bao giờ nàng cũng thấy thầm cảm ơn vì có được những giờ phút sung sướng như vậy.
Khi chiếc máy bay chở Catherine hạ cánh xuống phi trường Burbank, nàng tràn ngập một niềm phấn khởi. Một chiếc xe hơi đã trực sẵn để đưa nàng trở về khách sạn.
Họ đi theo những phố rộng rãi, tràn ngập ánh nắng. Ấn tượng đầu tiên Catherine lưu ý chính là những cây cọ. Nàng đã từng đọc về chúng và đã từng xem nhiều phim về chúng, song hình ảnh thực tế đã gây ấn tượng mạnh. Những cây cọ của chúng trơ trụi, còn phần trên thì xanh tốt tuyệt đẹp ở giữa mỗi cây có một vòm lá rũ rượi trông chẳng khác một chiếc váy rách tả tơi.
Xe của họ chạy dọc một cao ốc trông giống một nhà máy. Có một tấm bảng treo trên cổng vào “WARNER BROS” và dưới đó là hàng chữ “Kết hợp phim có ehất lượng tốt với tư cách công dân tốt”. Khi xe chạy qua cổng, Catherine nghĩ đến James Cagney trong bộ phim Dâu tây vàng và Bette Davis trong phim Chiến thắng bí ẩn và nàng mỉm cười sung sướng.
[ alobooks ]
Họ đi qua Hollywood Boul, và từ bên ngoài nhìn vào nó rất kỳ vĩ, quẹo qua đại lộ Highland và đi về hướng đông trên Đại lộ Hollywood. Họ đi qua nhà hát Ai Cập và qua hai khối nhà, về hướng tây là nhà hát Trung Quốc của Gauman. Tinh thần Catherine phấn khởi hẳn lên. Nàng như vừa gặp lại hai người bạn cũ của nàng. Người lái cho xe chạy trên Đại lộ Sunset, rồi hướng tới khách sạn Beverly Hills và nói.
– Cô sẽ hài lòng với khách sạn này. Đây là một trong những khách sạn tốt nhất trên thế giới.
Có điều rõ ràng đây là khách sạn đẹp nhất mà nàng từng nhìn thấy. Nó nằm ở phía bắc đại lộ Sunset, giữa một hình bán nguyệt trồng rải rác những cây cọ và bao quanh là một khu vườn rộng. Một con đường xe hơi duyên dáng uốn lượn dẫn tới cổng chính của khách sạn sơn màu hồng trang nhã. Một người giúp việc cho quản lý trưởng còn trẻ, năng nổ đưa Catherine về tận phòng nàng ở, thực ra đó lại là một ngôi nhà trệt sang trọng nằm phía sau toà nhà chính của khách sạn. Trên bàn đã thấy có một bó hoa với tấm thiếp chào mừng của ban giám đốc cùng với một bó hoa khác to hơn, đồng thời đẹp hơn với tấm thiếp: “Ước gì anh ở đó hoặc em ở đây cùng anh. Thương yêu. Bill”.
Người trợ lý trao cho Catherine ba tin nhắn qua điện thoại. Các tin này đều của Allan Benjamin mà nàng được biết ông ta là nhà sản xuất bộ phim huấn luyện tân binh.
Khi Catherine đang đọc tấm thiếp của Bill, chuông điện thoại réo vang. Nàng chạy vội tới, nhấc ống nói lên, hỏi ngay:
– Anh Bill?
Song té ra là Allan Benjamin.
– Xin chào cô Alexander tới California! – Giọng ông ta choe chóe trong ống nói – Hạ sĩ Allan Benjamin, nhà sản xuất chiếc bánh lương khô nhỏ đây(1).
Sao lại hạ sĩ? Nàng cứ tưởng người ta phải giao việc này cho một đại uý hoặc đại tá phụ trách mới đáng.
– Ngày mai chúng tôi bắt đầu ngay. Có phải người ta đã cho cô biết rằng, chúng ta sẽ dùng diễn viên thay cho các binh sĩ không?
– Tôi nghe nói như vậy – Catherine đáp.
– Chúng tôi bắt đầu quay vào lúc chín giờ sáng. Nếu cô đến đây khoảng tám giờ, tôi muốn cô sẽ nhìn qua họ một lượt. Chắc cô hiểu Phi đoàn không quân yêu cầu gì rồi đấy.
– Được – Catherine đáp nhanh. Thực ra nàng chưa có khái niệm gì về yêu cầu của Phi đoàn Không quân, song nàng cho rằng nếu như người ta có ý thức đúng đắn mà sử dụng loại diễn viên có tác phong phi công thì cũng được chứ sao.
– Bảy rưỡi sáng mai tôi sẽ đưa xe đến đón cô. Cô đến cơ sở của Metro cũng chỉ mất có nửa giờ thôi. Nó nằm ở Culver City. Tôi sẽ đón cô ở Sân khấu Mười ba.
Gần bốn giờ sáng Catherine mới thiếp ngủ được và dường như cô vừa chợp mắt thì chuông điện thoại lại réo vang và người trực điện thoại báo cho nàng biết đang có một chiếc xe hơi đợi nàng ở bên ngoài.
Ba mươi phút sau Catherine đã trên đường tới hãng Metro Goldwyn Mayer.
Đây là hãng phim lớn nhất trên thế giới. Khu đất chính của nó gồm có ba mươi hai sân khấu, toà nhà quản trị Thalberg trong đó có Louis B. Mayer, hai mươi năm uỷ viên trị sự, một số đạo diễn, nhà làm phim và nhà biên kịch nổi tiếng lừng lẫy làm việc tại đây. Khu hai gồm có những bối cầnh lớn đứng ngoài trời, thường xuyên được tân trang để phục vụ cho những bộ phim khác nhau. Chỉ trong khoảng ba mươi phút bạn có thể đi xe vượt qua rặng Alpơ của Thuỵ Sĩ, qua một thị trấn miền tây, một khu cư xá ở Manhaltan và một bờ biển trên đảo Hawaii có những cảnh trang trí căn nhà và tường dựng với giá trị nhiều triệu đô-la, dùng để quay những cảnh trong nhà.
Một cô gái trẻ được chỉ định làm hướng dẫn viên đưa nàng tới sân khấu 13 đã giải thích mọi chuyện kể ở trên cho nàng nghe.
– Đây chính là một thành phố – Cô ta nói đầy tự hào – – Chúng tôi tự sản xuất lấy điện, chế biến đủ thực phẩm trong kho lương thực để cung cấp cho sáu ngàn người mỗi ngày và chế tạo lấy các phong cảnh ngay ở khu đất phía sau. Chúng tôi hoàn toàn tự lực không cần đến ai khác.
Trừ khán giả ra chứ?
Khi họ đi bộ dọc trên phố, họ đi ngang qua một toà lâu đài chỉ có mặt tiền. Bên kia lâu đài là một hồ nước và phía cuối khối cảnh này là khu tiền sảnh của một nhà hát ở San Francisco. Chỉ có phần sảnh không có phần nhà hát.
Catherine cười rũ rượi, khiến cho cô gái quay nhìn nàng.
– Có chuyện gì vậy? – Cô ta hỏi.
– À không có gì cả – Catherine đáp – Mọi thứ ở đây thật kỳ ảo.
Hàng chục diễn viên quần chúng đang đi dạo trên phố, dân cao bồi và người da đỏ vừa đi về phía các sân khấu vừa chuyện trò thân mật. Một người đàn ông vụt xuất hiện ở một góc quẹo và khi Catherine bước lùi lại để tránh anh ta, nàng nhận ra người đó là một hiệp sĩ đang mặc áo giáp trụ. Phía sau anh ta là một đoàn các thiếu nữ mặc áo tắm. Catherine nhận thấy nàng sắp bị nghệ thuật điện ảnh cuốn hút mất rồi. Giá như bố nàng được thấy những cảnh này, hẳn ông sẽ thích thú vô cùng.
– Chúng ta đến nơi rồi – Người hướng dẫn nói.
Họ đang đứng trước một toà nhà to lớn bằng đá xám. Tấm biển gắn ở một bên ghi rõ “SN KHẤU 13”.
– Tôi phải chia tay với cô đây. Cô đi một mình được chứ?
– Được Catherine đáp – Xin cảm ơn.
Cô hướng dẫn viên gật đầu chào rồi tháo lui.
Catherine quay lại phía khu sân khấu, nơi có tấm biển ghi trên cửa: “Khi có đèn đỏ xin đừng vào”. Không thấy đèn đỏ cho nên Catherine đẩy tay nắm để mở của, đúng ra là nàng phải rán hết sức. Cánh cửa nặng vô cùng, nàng phải lấy hết sức mới đẩy ra được.
Khi đã vào bên trong, Catherine lại gặp một cửa thứ hai cũng bề thế và nặng nề như tấm cửa đầu tiên. Thật chẳng khác nào bước vào một phòng nén khí vậy.
Bên trong, sân khấu như một cái động lớn hàng chục người đang chạy đi chạy lại: người nào cũng như bận bịu với một công việc bí ẩn. Một nhóm đàn ông vận quân phục phi đoàn không quân mà Catherine nhận ngay ra là họ là diễn viên sẽ xuất hiện trong bộ phim. Ở phía góc xa của sân khấu là một văn phòng có đủ bàn làm việc, ghế ngồi và một tấm bản đồ quân sự cỡ lớn treo trên tường. Các kỹ thuật viên đang chiếu sáng cảnh trí đó.
– Xin lỗi, ông cho hỏi – Nàng nói với một người đang đi ngang qua – Ông Allan Benjamin có ở đây không?
– Ông hạ sĩ người nhỏ thó phải không? – Anh ta chỉ – Ở đằng kia.
Catherine quay lại, thấy một người vẻ yếu ớt mảnh dẻ, vận một bộ quân phục rộng thùng thình mang lon hạ sĩ ông ta đang quát mắng một người mang lon đính sao cấp tướng.
– Dẹp mẹ nó cái ý kiến của gã giám đốc phân vai đó lại ông ta ré lên – Tôi cần đếch gì các ông tướng. Tôi cần đám hạ sĩ quan kia – Ông lại giơ cao tay lên vẻ tuyệt vọng – Thằng nào cũng thích làm tướng, chẳng thằng khỉ nào thích làm dân thường.
– Xin lỗi ông – Catherine nói – Tôi là Catherine Alexander.
– Trời đất ơi? – Con người nhỏ thốt lên. Ông quay sang mấy người kia, giọng đay nghiến.
– Lũ mặt dày kia, đủ đởn thế là đủ rồi nhé. Người Washington có mặt ở đây rồi đấy?
Catherine nháy mắt. Và chẳng để nàng kịp nói viên hạ sĩ nhỏ thó nói luôn:
– Tôi không biết tôi đang làm gì ở đây nữa. Tôi có một công việc kiếm được ba ngàn năm trăm đô-la mỗi năm ở Derborn, làm biên tập cho một tạp chí của ngành buôn bán đồ gỗ thì tôi bị động viên vào Binh chủng thông tin rồi được phân công viết kịch bản phim huấn luyện. Tôi có biết sản xuất với đạo diễn phim là quái gì đâu. Đây đúng là một mớ hổ lốn lộn xộn nhất tôi thấy từ xưa đến giờ. Tôi đang đau dạ dày đây – Ông ta rên rỉ – Mà tôi cũng chẳng làm cái nghề điện ảnh này đâu. Xin lỗi cô nhé.