Ôsin Nhà Bộ Trưởng

Chương 11: Ván cờ của bí thư và giám đốc


Đọc truyện Ôsin Nhà Bộ Trưởng – Chương 11: Ván cờ của bí thư và giám đốc

Chiều ngày thứ ba sau khi Quỳnh Hoa gặp Đại Xuân thì Đại Xuân chủ động gọi điện thoại cho cô. Theo thông lệ, mỗi tuần Quỳnh Hoa sẽ gọi điện thoại cho Đại Xuân một
lần để thông báo tin tức, nếu không có chuyện gì quan trọng thì Đại Xuân sẽ không bao giờ gọi điện cho cô. Quỳnh Hoa nghe thấy giọng Đại Xuân
trong điện thoại, đột nhiên có một dự cảm không lành. Quả nhiên, không
nằm ngoài dự đoán của cô, trong điện thoại, Đại Xuân nói cha anh gửi thư tới, nói rằng bệnh của cha Quỳnh Hoa không nhẹ. Vốn dĩ chỉ tưởng là do
lớn tuổi nên xương cốt không bình thường, nhưng gần đây xuất hiện một số bệnh trạng mới, chú Giải Phóng thường xuyên cảm thấy buồn nôn, đau
bụng, tiêu chảy, đại tiện ra máu, ông đã tới khoa tiêu hóa của bệnh viện để kiểm tra, uống thuốc rồi mà vẫn không thấy đỡ, da mặt lại chuyển
vàng, hai chân sưng to, chán ăn, không biết là bị mắc bệnh gì.

Quỳnh Hoa nghe nói bố mình mắc bệnh lạ, hoảng hốt:

– Anh Đại Xuân, thế thì làm thế nào? Em xin nghỉ về thăm thầy em nhé?

Đại Xuân nói:

– Em về thăm cũng chẳng có tác dụng gì. Bác sĩ còn không đoán được là
bệnh gì, em về nhà cũng có giải quyết được gì đâu. Điều kiện điều trị ở
bệnh viện chúng ta kém lắm, trình độ của các bác sĩ cũng thấp, hay là
bảo thầy anh gửi bệnh án của chú Giải Phóng lên đây, chúng ta mang tới
bệnh viện của thành phố nhờ chuyên gia xem cho, xem rốt cuộc là bệnh gì
rồi tính sau.

Quỳnh Hoa không nghĩ ra ý gì hay hơn, cảm thấy trước mắt cũng chỉ còn cách này:

– Anh Đại Xuân, vậy cứ làm theo ý anh vậy! Thầy em bây giờ trị bệnh chắc
chắn sẽ cần đến tiền, bây giờ anh có rảnh không? Có thể tới chỗ em giúp
em gửi tiền về không?

Đại Xuân nói anh có thể tìm người làm thay
ca, ra ngoài một hai tiếng đồng hồ không có vấn đề gì. Quỳnh Hoa theo
lời hẹn với Đại Xuân, nửa tiếng sau gặp nhau ở bến xe buýt số 11 đường
Hải Ninh. Quỳnh Hoa không dám đưa Đại Xuân tới nhà Từ Văn Tuấn. Thẩm
Thái Hồng ngày trước đã đặt quy định với cô, không được đưa người ngoài
vào nhà. Quỳnh Hoa cúp điện thoại rồi vội vội vàng vàng về phòng mình.
Cô lấy toàn bộ số tài sản của mình ra kiểm tra lại. Tài sản của Quỳnh
Hoa vô cùng có hạn, quá trình kiểm tra rất đơn giản: Cô để số tiền thừa
mấy ngày trước lại, lấy ra 800 tệ tiền lương được lĩnh ba ngày trước và
thẻ ATM mà Vương Hãn Đông cho, định lát nữa sẽ giao cả cho Đại Xuân. Sau khi Quỳnh Hoa chuẩn bị xong, bèn chạy ra phòng khách xem đồng hồ, cả
quá trình “kiểm tra tài sản” mất có ba phút. Cô chẳng còn tâm trạng làm
việc gì nữa, đi đi lại lại mấy vòng trong phòng, lại uống mấy ngụm nước, cho dù vẫn còn 20 phút nữa mới tới giờ hẹn với Đại Xuân nhưng cô vẫn
quyết định lập tức tới bến xe buýt chờ anh, cứ như thể làm như vậy cô sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

Quỳnh Hoa đứng ở bến chờ xe buýt, giương
mắt lên nhìn những chiếc xe buýt từ xa đi tới, tới gần, dừng lại, đón
trả khách rồi lại rời đi, cho tới khi cô đếm tới chiếc xe buýt thứ chín
mới nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của Đại Xuân bước xuống xe. Lúc này
Quỳnh Hoa không biết mình nên mừng hay nên lo, vội vàng chạy về phía
anh. Còn chưa đi tới gần, Quỳnh Hoa đã phát hiện ra Đại Xuân đang tỏ ra
vô cùng kinh ngạc.

Cảm giác đầu tiên mà Đại Xuân nhìn thấy Quỳnh
Hoa là hoài nghi, cảm giác thứ hai là kinh ngạc, cảm giác thứ ba là khó
hiểu. Đại Xuân nhìn Quỳnh Hoa đang tiến lại gần, trước tiên nghi ngờ bản thân có phải nhìn nhầm người không, cô gái thời trang đang tới gần mình có phải là Quỳnh Hoa không? Cô gái này đi tới gần, Đại Xuân nhìn thật
kĩ người đứng trước mặt, đúng là Quỳnh Hoa của thôn Hạo Sơn, lúc này sự
nghi ngờ của Đại Xuân biến thành kinh ngạc, sau khi cảm giác kinh ngạc
qua đi, anh lại cảm thấy khó hiểu: Quỳnh Hoa làm sao vậy?

Đại Xuân nói:

– Quỳnh Hoa, có mấy hôm mà em thay đổi nhiều quá, anh không nhận ra em nữa, sao lại như thế?

Quỳnh Hoa lúc này không còn tâm trí để ý tới câu hỏi của Đại Xuân:

– Anh Đại Xuân, bệnh tình của thầy em như thế nào?

– Trong thư cũng chỉ viết như anh nói với em trong điện thoại thôi. Bây
giờ anh cũng không nói rõ được, thôi cứ chờ thầy anh gửi bệnh án của chú Giải Phóng lên, nhờ bác sĩ kiểm tra cho rồi tính xem làm thế nào. – Đại Xuân quay sang hỏi Quỳnh Hoa. – Sao em mua lắm quần áo thời trang thế?
Tóc cũng biến thành thế này? Em tiêu hết tiền lương vào thời trang rồi
hả?

Những câu hỏi của Đại Xuân dồn dập. Quỳnh Hoa bèn kể sơ qua
tình hình của mình mấy ngày qua cho Đại Xuân nghe, trong đó chuyện cô
nói với Vương Hãn Đông về bí mật dưới gầm giường của nhà Từ Văn Tuấn,
Quỳnh Hoa không nói là cô giấu ông ta chuyện Đại Xuân và Quế Hương cũng
biết, cô sợ nói nhiều sẽ khiến Đại Xuân nghi ngờ và càng hỏi nhiều hơn.
Quỳnh Hoa nói xong bèn đưa 800 tệ và thẻ ngân hàng cho Đại Xuân, nói cho Đại Xuân biết mật mã rút tiền.

Đại Xuân bán tín bán nghi với
những lời Quỳnh Hoa nói. Nói là không tin thì bộ quần áo và những thay
đổi của Quỳnh Hoa là thật, mái tóc màu hạt dẻ cũng là thật, cái thẻ ngân hàng cũng là thật; nói là tin thì Quỳnh Hoa thực sự gặp được một người
tốt như thế sao? Trên đời này thực sự có một cái bánh rơi xuống trúng
đầu cô? Đại Xuân không biết làm gì, chỉ biết cảnh cáo Quỳnh Hoa:

– Sau này em phải đặc biệt cẩn thận. Bây giờ xem ra không có vấn đề gì
nhưng không có nghĩa là sau này cũng không có vấn đề gì. Xã hội bây giờ
thực dụng lắm, chúng ta là người nghèo, gặp được chuyện gì quá tốt thì
trong lòng thường cảm thấy bất an. Một mình em sống ở ngoài, việc gì
cũng phải thận trọng, đề phòng người ta một chút, nghĩ xem vì sao người
ta lại đối xử tốt với mình.

Đại Xuân đồng ý với Quỳnh Hoa là sẽ
gửi tiền về, chờ người nhà gửi bệnh án của Ngô Giải Phóng tới, anh sẽ

lập tức thông báo cho Quỳnh Hoa.

Đại Xuân ôm một bụng đầy những
nghi vấn, suốt dọc đường, anh vẫn nghi ngờ là Quỳnh Hoa chưa kể hết mọi
chuyện với anh, có phải vì có chuyện gì đó mà cô không nói được? Trước
tiên anh nghĩ tới việc ngày trước ở chợ người chỗ Nam Đức Môn, có người
tìm ôsin lên giường, Quỳnh Hoa liệu có làm những việc thất đức như vậy
không? Nếu thực sự là như vậy, vậy thì nhà họ Ngô sẽ mất mặt lắm! Nhưng
cho dù Quỳnh Hoa vì lí do gì thì sự thay đổi đột ngột của cô mấy ngày
hôm nay chắc chắn là vì một nguyên nhân mà hiện nay anh vẫn chưa biết,
chắc chắn không phải vì cô gặp được một người tốt nào đó.

***

Chương Kiến Quốc không hề nói dối Vương Hãn Đông, ngày hôm sau, ông đến phòng
làm việc gặp bí thư Ngũ Văn Long. Quan lớn có thể đè chết người. Bí thư
Ngũ là quan cấp phó tỉnh, không cần thiết phải “hạ mình”, bởi vậy Chương Kiến Quốc đành phải đích thân tới tận nơi gặp mặt.

Các tòa nhà
đẹp nhất, sang trọng nhất của thành phố này nếu không phải là các cơ
quan cấp chính phủ thì là của những ngành chủ chốt như ngân hàng, bảo
hiểm, điện tín, điện lực, còn lại là của các doanh nghiệp lớn. Phòng làm việc của bí thư Ngũ cũng thể hiện rõ thực lực của thành phố, chỉ có thể dùng sáu từ: “hiện đại, hào hoa, sang trọng” để hình dung. Mục đích
chính của Chương Kiến Quốc khi tới đây là thảo luận về vấn đề đường cao
tốc quốc gia và đường cao tốc của thành phố, ngoài ra bàn thêm trong
phương án xây dựng đường tàu điện ngầm số hai, năm bến đỗ cần phải bố
trí lại. Hai người sau khi thăm hỏi nhau vài câu khách sáo, lập tức đi
vào chủ đề chính, trao đổi ý kiến về các vấn đề mà Chương Kiến Quốc vừa
đặt ra. Sau đó Chương Kiến Quốc chủ động chuyển chủ đề sang lĩnh vực bất động sản:

– Nghe nói em trai của bí thư Ngũ đang làm trong lĩnh
vực bất động sản? Định xây nhà ở đâu hả? Nếu địa điểm nhà mới đẹp thì
con tôi cũng đang định mua một căn. Tới lúc đó mong bí thư Ngũ giúp đỡ
cho.

Cách từ chối của Ngũ Văn Long cũng vô cùng khéo léo:

– Hai anh em chúng tôi cũng ít qua lại với nhau. Anh cũng làm trong cơ
quan nhà nước, chắc là hiểu chúng ta cả ngày bận rộn với việc công, làm
gì có thời gian quan tâm tới những chuyện ngoài công việc? Tôi nghe nói
em trai tôi đang làm bất động sản, nhưng cụ thể là xây nhà ở đâu tôi
cũng không rõ. Nếu cục trưởng Chương muốn mua nhà cho con trai thì tới
lúc đó, chỉ cần việc gì mà tôi giúp đỡ được, chắc chắn tôi sẽ giúp.

Chương Kiến Quốc thấy Ngũ Văn Long có vẻ không muốn nói đến chủ đề này, giữ
kín chuyện của Ngũ Văn Hổ thì không biết nên nói gì tiếp theo nữa. Bởi
vì Ngũ Văn Long không hút thuốc nên Chương Kiến Quốc chỉ rút một điếu
thuốc, gõ gõ mấy cái lên bao thuốc theo thói quen. Đây là thói quen của
ông khi muốn kéo dài thời gian:

– Cơn nghiện thuốc của tôi lại tới rồi, không phiền nếu tôi hút một điếu chứ?

Ngũ Văn Long thấy Chương Kiến Quốc đã nói chuyện xong không có ý định ra về mà còn ngồi hút thuốc, trong lòng thầm nói, anh có chuyện gì thì nói
mau, việc gì còn phải vòng vo tam quốc:

– Anh cứ hút đi, tôi
không phiền đâu. Cục trưởng Chương nếu còn vấn đề gì cần thảo luận, cứ
nói rõ ra. Chiều nay tôi cũng rảnh, không có công việc nào khác.

Chương Kiến Quốc châm thuốc xong, rít mạnh mấy hơi:

– Bí thư Ngũ, tôi nghe nói em trai anh đang tìm nguồn vay, hiện nay tình hình tiến triển thế nào rồi?

Ngũ Văn Long thấy Chương Kiến Quốc nói sang chuyện vay vốn, biết rằng hôm nay ông ta tới còn mục đích khác:

– Bây giờ nó còn cần vay vốn nữa hay không tôi cũng không rõ lắm. Mấy
ngày trước tôi đã gặp giám đốc Vương của Ngân hàng Viêm Hoàng, nhân tiện giúp em trai tôi hỏi chuyện này. Ông ấy vẫn còn đang “nghiên cứu”, tới
hôm nay chưa thấy nói năng gì, tôi cũng không tiện hỏi lại nữa. Cái gì
mà “nghiên cứu”, chắc là tôi không cần phải nói nhiều nữa! Có điều nghe
nói sắp tới giám đốc Vương chuyển công tác, xem ra thời gian ông ta ở
lại thành phố này cũng không nhiều nữa!

Chương Kiến Quốc giả vờ ngạc nhiên:

– Sao tôi không nghe nói tới chuyện chuyển công tác?

– Cán bộ lãnh đạo trong hệ thống ngân hàng của họ luân phiên nhau năm năm làm việc ở một nơi vì sợ làm việc ở một nơi lâu quá sẽ kết bè kết cánh. Lần này nghe nói giám đốc Vương phải chuyển tới một chỗ nào đó ở miền
Tây, sau này chắc cuộc sống của ông ta không còn vui vẻ như trước rồi.

Những câu nói của Ngũ Văn Long khiến Chương Kiến Quốc tin rằng không phải
Vương Hãn Đông đang lo bò trắng răng, ông thăm dò thái độ của Ngũ Văn
Long:

– Nếu giám đốc Vương không muốn đi khỏi thành phố này thì
ông ấy vẫn còn lựa chọn khác. Ông ấy có thể nhảy ra khỏi ngành ngân
hàng, chuyển tới một cơ quan nào đó trong nhà nước. Giám đốc Vương là
người có tiền, đi đâu mà chẳng được.

Ngũ Văn Long thản nhiên:

– Khả năng của giám đốc Vương là một chuyện nhưng có đi được hay không

lại là chuyện khác. Anh có biết hiện nay có cơ quan nào hoan nghênh giám đốc Vương tới không? Ít nhất thì trong phạm vi tôi quản lí cũng chưa
nghe nói tới bao giờ. Thành phố cũng không hề thảo luận bất cứ việc gì
liên quan tới Vương Hãn Đông.

Những câu nói của Ngũ Văn Long rất
kín đáo, nhưng nói thẳng ra thì là: “Vương Hãn Đông muốn được chuyển tới các cơ quan trong thành phố này là chuyện hoang tưởng, muốn vào cơ quan cấp thành phố sao? Tôi kiên quyết phản đối”. Chương Kiến Quốc có thể
ngồi trên cái ghế cục trưởng, chẳng nhẽ lại không hiểu mấy trò trong
chốn quan trường? Những lời mà Ngũ Văn Long nói, ông đều hiểu cả:

– Tôi với giám đốc Vương cũng thân nhau lắm, chuyện của anh em anh tôi sẽ giục ông ấy làm nhanh một chút. Bây giờ tôi đang bận tìm mua nhà gấp
cho con trai. Giúp anh em anh cũng là giúp đỡ tôi.

Câu nói này
của Chương Kiến Quốc có hàm ý nhấn mạnh rất nhiều. Ngũ Văn Long thầm
nghĩ: Bây giờ nơi đâu cũng đang xây nhà mới, ông lại còn phải chờ em tôi xây nhà rồi mới mua sao? Có điều ông vẫn giả vờ như không có chuyện gì:

– Bây giờ tôi thay mặt em trai cảm ơn anh!

Chương Kiến Quốc chào Ngũ Văn Long rồi ra về. Ông nghĩ cái mụn của Vương Hãn
Đông sớm muộn gì cũng phải nặn ra, thay vì nặn muộn thì cứ nặn ra sớm
vẫn hơn.

Ngũ Văn Long tiễn Chương Kiến Quốc xong bèn ngồi xuống
thở phào nhẹ nhõm. Xem ra kế sách rung cây dọa khỉ của ông đã thành công rồi. Muốn tham gia vào thị trường nhà đất ở trong nước, làm thủ tục vay vốn ngân hàng chỉ cần theo đúng trình tự, cũng không phải là việc khó
khăn, không cần một bí thư thị ủy như ông phải ra mặt, cùng lắm thì chỉ
cần thư kí của ông nói vài lời, đều có thể xong việc. Lần này cần Ngũ
Văn Long phải đích thân “lâm trận” là vì khoản vốn của em trai ông, Ngũ
Văn Hổ không phải là để xây nhà thật sự mà dùng vào một cuộc buôn bán
tay không bắt sói.

***

Người Trung Quốc có câu: Một tuổi
chào đón cuộc đời, mười tuổi ngày ngày cố gắng, hai mươi tuổi tràn đầy
lí tưởng, ba mươi tuổi xác định phương hướng, bốn mươi tuổi ăn ngon mặc
đẹp, năm mươi tuổi mong muốn làm giàu, sáu mươi tuổi cáo lão về quê, bảy mươi tuổi ngày chơi mạt chược, tám mươi tuổi phơi nắng mặt trời, chín
mươi tuổi nằm im trên giường, một trăm tuổi treo lên bức ảnh. Ngũ Văn Hổ năm nay đã năm mươi tuổi, mặc dù chưa trải qua giai đoạn “ăn ngon mặc
đẹp” nhưng chỉ một lòng một dạ muốn làm giàu, ước mơ được làm ông chủ
trong giới nhà đất. Ông ta không có kinh nghiệm xây nhà, cũng không có
vốn để xây nhà, nhưng ông ta có kinh nghiệm đầu cơ tích trữ và nguồn vốn chính trị của người anh trai làm bí thư thị ủy, bởi vậy so sánh với
những người hoạt động trong lĩnh vực nhà đất khác, ông ta chỉ cần có thể vận hành được hạng mục nhà đất, hiệu quả kinh tế chắc chắn sẽ không hề
thua kém ai.

Ngũ Văn Hổ tranh thủ cơ hội tới Hồng Kông du lịch,
nhờ một người bạn ở Hồng Kông, bỏ ra mấy nghìn đô la Hồng Kông làm chi
phí đăng kí, một đô la Hồng Kông tiền vốn để đăng kí thành lập một công
ty trách nhiệm vô thời hạn. Từ chuyến du lịch Hồng Kông trở về, Ngũ Văn
Hổ trong chớp mắt đã biến mình thành một nhà buôn Hồng Kông giả. Hiện
tượng này trong xã hội hiện đại cũng không phải là hiếm.

Thành
phố này mỗi năm đều có một hội nghị lớn thu hút vốn đầu tư nước ngoài
được tổ chức vào mùa thu hằng năm, những chính sách ưu đãi mà các nhà tư bản nội địa không được hưởng đều lần lượt xuất hiện trong hội nghị thu
hút vốn đầu tư mùa thu này, khiến các nhà tư bản đều vô cùng ngưỡng mộ.
Ngũ Văn Hổ sau khi từ Hồng Kông trở về, nhân hội nghị này, đăng kí tham
gia với danh nghĩa công ty nhà đất hợp tác vốn Hồng Kông, phí đăng kí là năm triệu nhân dân tệ. Tiền đăng kí công ty nhà đất đương nhiên là báo
cáo giả. Công ty báo cáo giả về tiền đăng kí là phạm pháp, nhưng chỉ cần không có ai tố cáo, được trên che giấu thì Cục Công thương cũng sẽ
không phát hiện ra, tất cả bọn họ đều bình an vô sự.

Thành phố tổ chức một cuộc bán đấu giá đất, dưới chỉ thị của Ngũ Văn Long, trung tâm bán đấu giá đã giở vài thủ đoạn nhỏ để miếng đất có phong thủy rất tốt
dưới chân ngọn núi Đông thành phố thuộc về Ngũ Văn Hổ. Ngũ Văn Hổ sau
khi lấy được miếng đất phải nộp tiền chuyển nhượng đất cho Cục Quản lí
nhà đất. Ngũ Văn Hổ với hai bàn tay trắng lấy tiền ở đâu ra? Ông ta nghĩ tới việc vay vốn ngân hàng. Khoản vốn vay để mua nhà đất của ngân hàng
yêu cầu phải có nhà hoặc đất để thế chấp. Ngũ Văn Hổ rơi vào thế khó.
Ông ta không có tiền thì không lấy được đất, nhưng không có đất lại
không đủ điều kiện để vay vốn. Bởi vậy ông muốn tìm một ngân hàng đã
từng có những vụ làm ăn phi pháp, giúp ông ta thoát ra khỏi cái vòng
tròn lộn xộn này. Sau khi đã điều tra nghiên cứu rất rõ ràng, ông ta
chọn Ngân hàng Viêm Hoàng của Vương Hãn Đông.

Ngũ Văn Hổ biết một người lão luyện như Vương Hãn Đông chắc chắn sẽ không mắc cái bẫy này,
bởi vậy đành nhờ anh trai mình Ngũ Văn Long đích thân “ra tay”, nói
chuyện với Vương Hãn Đông về vấn đề vay vốn. Ai ngờ Vương Hãn Đông chỉ
nói vài câu đã khiến anh trai ông phải tay không ra về. Hai anh em giận
dữ nghiến răng nghiến lợi, tạm thời không biết phải làm thế nào. Khi Ngũ Văn Hổ nghe đồng nghiệp của Vương Hãn Đông trong ngân hàng nói tới
chuyện thuyên chuyển công tác của Vương Hãn Đông, nhưng ông ta lại không muốn bị chuyển tới miền Tây, Ngũ Văn Hổ cho rằng cơ hội đã tới, định
lấy một chức quan trong thành phố làm điều kiện trao đổi để Vương Hãn
Đông giúp mình lần này, thì tỉ lệ thắng của ông sẽ cao hơn. Bởi vậy Ngũ
Văn Hổ mượn Ngũ Tiểu Na đánh rắn động cỏ, ép Vương Hãn Đông phải tự tìm
tới mình. Họ đoán ngoài chiêu này ra, không còn chiêu nào có thể ép được Vương Hãn Đông nữa.

***

Từ Thẩm Bình từ sau khi được đề
bạt lên chức trợ lí cục trưởng, lúc nào cũng dương dương tự đắc. Thẩm
Thái Hồng vì việc này mà vui vẻ suốt mấy ngày, bởi vì trợ lí cục trưởng

cũng nắm quyền trong tay, giá trị của Từ Thẩm Bình vì vậy cũng cao thêm
không ít. Gần đây Cục Giao thông lại truyền tai nhau một tin tức mới:
cục sắp thành lập Công ty hữu hạn Kiến thiết đường cao tốc thành phố, Từ Thẩm Bình có khả năng được làm tổng giám đốc. Tin tức này từ Cục Giao
thông lan ra ngoài, Từ Thẩm Bình cứ như một loại cổ phiếu bị người ta cố tình thao túng, lập tức trở thành cổ phiếu “hot”, giá trị tăng lên gấp
mấy lần. Những kẻ có khứu giác nhanh nhạy lập tức hành động, nghĩ trăm
phương ngàn kế để kết thân với Từ Thẩm Bình. Thế giới này nói nhỏ không
nhỏ, nhưng nói lớn cũng chẳng lớn. Thông qua cô bảy, cô tám, dì hai, dì
ba, bạn thân rồi đủ cả, những kẻ muốn được chia một phần nhỏ trong cái
bánh ngọt mang tên Công ty hữu hạn Kiến thiết đường cao tốc đều có đủ
cách đi đường vòng để có thể làm quen với Từ Thẩm Bình. Từ Thẩm Bình làm theo “chỉ thị” của Thẩm Thái Hồng, chấp hành nghiêm túc nguyên tắc “cái vòng nhỏ”, không phải không từ chối tất cả mọi người mà tiến hành lựa
chọn rất cẩn thận trong những người “đào vàng” này, chỉ nhận đón tiếp
một số rất ít người, những người khác nhất loạt đều không gặp. Việc tiếp những người đó quan trọng nhất là lựa chọn địa điểm tiếp đón. Để tiếp
đón những người có máu mặt trong giới xây dựng, Từ Thẩm Bình đã dày công thiết kế ba bước. Trước tiên là thời gian vào buổi tối. Anh và Nhan Lệ
mời các nhà thầu tới khách sạn Cổ Đô dùng cơm. Bước thứ hai là sau khi
bữa cơm kết thúc, đưa họ lên “Vườn nghệ thuật” thưởng trà, giao lưu nghệ thuật hội họa. Từ Thẩm Bình sau khi mở phòng tranh, đã học được chút ít kiến thức hội họa từ Giả Tác Nhân, sau đó tự mình cũng mua mấy quyển
sách liên quan tới hội họa về đọc thêm, bởi vậy kiến thức trong lĩnh vực này cũng có vài phần tiến bộ. Có một số kiến thức Từ Thẩm Bình cho rằng có thể lừa được người ngoại đạo đã tỏ ra vô cùng có tác dụng. Khách tới thăm đều là các nhà thầu, họ chỉ hiểu về tiền, không hiểu nghệ thuật,
để mặc cho Từ Thẩm Bình huênh hoang khoác lác, họ chỉ biết gật đầu khen
ngợi. Bước thứ ba là giới thiệu công việc ở phòng tranh, hoan nghênh các nhà thầu tới chơi và thưởng thức. Những nhà thầu này đều là những con
cáo đã lăn lộn nhiều năm trên thương trường, đương nhiên đều rất nhanh
nhẹn, người nào cũng tìm tới mua một vài bức tranh là “kiệt tác”, là
“kinh điển”. Mặc dù biết rằng những người này không nhiều nhưng gần đây
việc buôn bán của “Vườn nghệ thuật” cũng khởi sắc lên nhiều, số tiền
kiếm được cũng lên tới ba, bốn chục vạn tệ. Thủ đoạn kinh doanh của Từ
Thẩm Bình có phần giống với những người trong ngành nhà đất, nhà vẫn còn ở trên giấy nhưng đã bắt đầu thu tiền đặt cọc.

***

Đối
với sự thăng tiến của Từ Thẩm Bình và sự thành công của “Vườn nghệ
thuật”, Từ Văn Tuấn thấy trong lòng vừa mừng vừa lo. Ông làm chính trị
đã nhiều năm, hiểu rất rõ sự nguy hiểm trong chốn quan trường. Lão Tử
nói: “Trong phúc có họa, trong họa có phúc”. Chốn quan trường có những
lúc càng thuận lợi thì nguy hiểm lại càng cao, bởi vậy người trong cuộc
luôn luôn phải giữ một đầu óc tỉnh táo. Gần đây sau hai cuộc họp của
thành phố, việc nhân sự đã có nhiều điều chỉnh, những người muốn mua
chức không phải là ít. Đối với bộ trưởng Bộ Tổ chức mà nói, đây là thời
kì hoàng kim để kiếm tiền. Nhưng Từ Văn Tuấn không dám làm mạnh, chỉ
nhận vài món tiền nhỏ của những người đã có quan hệ quen biết từ trước.
Khi ông đồng ý giúp những người quen này thăng chức, ông không bao giờ
ám chỉ rằng họ sẽ phải đền đáp lại ông khi được việc, còn những người
khách đến nhà, không hẹn mà cùng mang tới túi lớn túi nhỏ, đầy đủ các
loại, giá thành không rẻ. Họ đều nói với Từ Văn Tuấn rằng những món quà
và tiền bạc này đều là do họ tình nguyện mang tới, chỉ có trời biết đất
biết, ông biết và tôi biết, đảm bảo không có người thứ ba biết được. Từ
Văn Tuấn muốn từ chối cũng không thể từ chối, chỉ đành nhận lại, cứ như
thể không nhận sẽ đắc tội với bạn bè. Sau đó Từ Văn Tuấn bảo Thẩm Thái
Hồng giấu tiền vào cái hộp giấy dưới gầm giường. Từ Văn Tuấn là người
rất giữ chữ tín, sau khi đã nhận tiền đều thực hiện lời hứa của mình,
thực hiện hết mọi việc.

Điều mà Từ Văn Tuấn không thể nào ngờ
được lúc này là sau khi Quỳnh Hoa nhận nhiệm vụ mà Vương Hãn Đông giao
cho, bắt đầu để tâm nhiều hơn tới mọi chuyện trong nhà. Nhà Từ Văn Tuấn
có khách tới chơi, đa phần đều do Quỳnh Hoa ra mở cổng. Trước tiên Quỳnh Hoa phải hỏi rõ khách là người ở đâu rồi mới vào thông báo cho Từ Văn
Tuấn và Thẩm Thái Hồng.

Trên thế giới này có ba loại người: chính khách, phụ nữ xinh đẹp và thầy bói đều biết cách làm thế nào để lợi
dụng lòng tin của người khác. Từ Văn Tuấn luôn cho rằng Quỳnh Hoa xinh
đẹp, thật thà, không hiểu biết nhiều về thế giới, nên ông không hề đề
phòng Quỳnh Hoa. Ông là một người rất kín kẽ, nhưng không thể ngờ được
rằng mấy vụ mua quan bán chức của mình đều bị Quỳnh Hoa ghi lại rõ ràng, thế mới gọi là bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ sau lưng. Đó là một trong số những việc khiến ông phải hối hận cả đời, Quỳnh Hoa cũng vì vậy mà tự
gieo mầm tai họa cho bản thân.

Có một khoảng thời gian Quỳnh Hoa
làm việc ở nhà họ Từ nhưng luôn thấp thỏm không yên, lúc nào cũng nghĩ
tới bệnh tình của cha ở quê. Cô nghĩ ngộ nhỡ bệnh của cha cô không trị
được thì làm thế nào? Nếu phải trị bệnh, vậy thì khoản tiền điều trị lấy ở đâu ra? Bây giờ khám bệnh thôi cũng đắt, chỉ bị cảm cúm mà cũng mất
mấy trăm tệ, tiền khám bệnh lạ của Ngô Giải Phóng không cần nghĩ cũng
biết sẽ tốn kém như thế nào. Cô nhớ lại bọn Kim Hoa, Ngân Hoa, Đào Hoa,
Mai Hoa, bây giờ họ có cơm đủ ăn, áo đủ mặc đã là tốt lắm rồi, lấy đâu
ra tiền đưa thầy đi chữa bệnh? Với tình hình hiện tại thì người duy nhất kiếm được tiền chỉ có cô mà thôi, nhưng số tiền ít ỏi mà cô kiếm được
đâu bõ bèn gì với số tiền khám bệnh? Vừa nghĩ tới đây, Quỳnh Hoa đã thầm rơi lệ, cũng may nhà không có ai, cô không sợ bị người ta nhìn thấy. Cô lại nghĩ tới số tiền dưới gầm giường nhà họ Từ, nhà họ có nhiều tiền
như thế, phải giấu đi vì không biết tiêu gì. Cô thì cần một khoản tiền
lớn để cứu mạng cho cha, nhưng tiền cứu mạng cha ở đâu đây? Cô nhận ra
trên thế giới này, ông trời đối với con người thật không công bằng!

Sau nửa tháng chờ đợi trong nỗi lo lắng, thấp thỏm, hôm đó điện thoại trong phòng khách vang lên. Quỳnh Hoa nhấc điện thoại lên, mừng rơn khi nghe
thấy tiếng của Đại Xuân:

– Quỳnh Hoa, thầy anh gửi bệnh án của
chú Giải Phóng lên rồi. Anh không hiểu về bệnh tật, trên đó ghi cái gì
anh cũng không biết. Lúc nào chúng ta tới bệnh viện hỏi chuyên gia? Anh
nghe các anh ở đây nói muốn gặp được chuyên gia thì phải tới sớm xếp
hàng, nếu tới muộn thì sẽ không gặp được nữa.

Quỳnh Hoa biết bệnh án của cha mình đã được gửi tới, chỉ giận là không thể tới ngay bệnh
viện để nghe chuyên gia nói làm sao, nhưng bây giờ đã là buổi chiều, có
đi cũng chẳng được việc gì:

– Ngày mai chúng ta đi. Chỗ em ở gần
Bệnh viện Nhân dân thành phố, sáng sớm mai em tới đó xếp hàng lấy số
trước, khoảng tám giờ anh mang bệnh án tới bệnh viện là được.

Đại Xuân đồng ý.

Tối đó Quỳnh Hoa kể tình hình cho Thẩm Thái Hồng nghe, rằng sáng hôm sau
sáu giờ cô phải tới bệnh viện xếp hàng lấy số. Thẩm Thái Hồng cũng không gây khó dễ gì cho Quỳnh Hoa, bữa sáng họ sẽ tự giải quyết được, chỉ cần Quỳnh Hoa không làm lỡ bữa trưa là được. Cả đêm đó Quỳnh Hoa trằn trọc
không ngủ được, mắt mở to nhìn lên trần nhà chờ trời sáng.

Sáu
giờ sáng, Quỳnh Hoa đã ăn mặc gọn gàng đi ra khỏi nhà, không cả ăn bữa
sáng. Khi cô ngồi lên tuyến xe buýt 03 tới Bệnh viện Nhân dân thành phố, trong phòng chờ của bệnh viện đã có nhiều người còn tới sớm hơn cô.
Người dân thường đi khám bệnh thứ nhất là đắt, thứ hai là khó, điều này
đã trở thành nhận thức chung của toàn xã hội. Quỳnh Hoa lập tức đứng vào trong đội ngũ chờ lấy số, cô hỏi thăm những người đến trước cách lấy số của các chuyên gia. Có những người từng có kinh nghiệm khám bệnh ở
chuyên gia nói rằng bệnh của cha Quỳnh Hoa thuộc vào nhóm những căn bệnh phức tạp, nên xếp lấy số để được chuyên gia hội chẩn; phòng hội chẩn

mỗi lần có mười chuyên gia cùng hội chẩn, phí xếp số là 50 tệ, mặc dù
thu phí hơi đắt nhưng nói chung cũng đáng. Lần này thì Quỳnh Hoa đã hiểu rõ, quyết định đi xếp số hội chẩn của chuyên gia.

Mãi tới 7 rưỡi sáng, bệnh viện mới bắt đầu cho lấy số. Hôm nay Quỳnh Hoa rất may mắn,
người xếp trước cô lấy số chuyên gia chuyên khoa, còn cô lấy được số đầu tiên của chuyên gia hội chẩn. Phòng hội chẩn của bệnh viện mời những
chuyên gia đã nghỉ hưu về làm việc, dùng số tiền xếp số hằng ngày làm
tiền lương cho các chuyên gia. Từ sau khi mở phòng hội chẩn, các chuyên
gia ngày nào cũng có thêm một khoản thu nhập không nhỏ, bệnh viện cũng
kiếm được lợi nhuận, danh tiếng. Người bệnh vì được các chuyên gia khám
cho nên tác dụng điều trị tâm lí cũng vô cùng tốt.

Chưa tới tám
giờ, Đại Xuân đã tới Bệnh viện Nhân dân thành phố. Anh tìm thấy Quỳnh
Hoa đang đứng chờ anh ở khu lấy số. Hai người vào thang máy đi lên phòng hội chẩn ở tầng mười, Đại Xuân đặt bệnh án của Ngô Giải Phóng lên chiếc bàn nhỏ trước cửa phòng hội chẩn, yên lặng chờ các chuyên gia tới.

Đúng tám giờ, một cô y tá bắt đầu gọi:

– Ngô Giải Phóng, ai là số 1 Ngô Giải Phóng? Mau vào khám bệnh, nếu không tới tôi sẽ gọi số khác.

Đại Xuân và Quỳnh Hoa sững người ra một lát nhưng nhanh chóng định thần lại:

– Là chúng tôi, tới đây.

Y tá dẫn hai người vào phòng khám và ngồi xuống. Mười vị chuyên gia đầu
lốm đốm bạc ngồi xung quanh một cái bàn họp. Chuyên gia đứng đầu trong
số đó nhận bệnh án trong tay y tá, hỏi:

– Hai người ai là bệnh nhân?

Đại Xuân đáp:

– Cả hai chúng tôi đều không phải. Bệnh nhân là người ngoại tỉnh, hôm nay không tới. Hôm nay chúng tôi chỉ muốn nhờ các chuyên gia xem bệnh án,
giúp chúng tôi phân tích xem người bệnh này mắc bệnh gì?

Các
chuyên gia cũng đã từng gặp cách khám bệnh như thế này, chỉ có điều
không nhiều lắm, nhưng độ chính xác của cách khám này không cao, cũng
không có hiệu quả điều trị tốt. Các chuyên gia lần lượt xem qua bệnh án. Các chuyên gia khoa tiêu hóa cho rằng, bệnh viện địa phương chẩn đoán
người bệnh mắc bệnh tiêu hóa là vì theo dõi các triệu chứng của bệnh
tiêu hóa, nhưng không tiến hành kiểm tra tổng hợp trong phạm vi lớn hơn, có khả năng chẩn đoán sai. Chuyên gia khoa nội tiết cho rằng bệnh nhân
có triệu chứng của bệnh nước tiểu nhiễm độc giai đoạn đầu, nếu có thể
nhanh chóng loại trừ khả năng này thì tốt vì căn bệnh này tương đối phức tạp và nguy hiểm. Chuyên gia đông y cho rằng hai chân xuất hiện hiện
tượng sưng, tỉ lệ thận suy tổn rất cao. Bởi vì người bệnh không tới nên
muốn mười vị chuyên gia đưa ra chẩn đoán chính xác không phải là đơn
giản. Vị chuyên gia đứng đầu cuối cùng viết lên chẩn đoán sơ bộ của họ
về bệnh tình của Ngô Giải Phóng là: Nước tiểu nhiễm độc. Sau bốn chữ
“Nước tiểu nhiễm độc” còn đặt thêm một dấu hỏi rất lớn, có nghĩa là vẫn
còn đang nghi ngờ. Sau đó các chuyên gia ghi một vài đề nghị vào bệnh án để bệnh viện địa phương tham khảo, bao gồm cả đơn thuốc tây, nếu chẩn
đoán chính xác là mắc bệnh nước tiểu nhiễm độc thì phải tiến hành điều
trị đông tây y kết hợp.

***

Cuối cùng, vị chuyên gia đứng đầu nói với Đại Xuân:

– Không ít bệnh nhân khi bệnh còn nhẹ không điều trị, tới khi bệnh nặng
rồi rất khó chữa. Người bệnh khi xuất hiện các triệu chứng như thiếu
máu, mất sức, buồn nôn, chướng bụng, chán ăn, cao huyết áp, trong miệng
có mùi nước tiểu, da sạm và tóc khô mới bắt đầu tới bệnh viện khám bệnh, nhưng họ thường không biết phải tới khoa nào để khám, chỉ đành nếu thấy chán ăn thì đến khám khoa tiêu hóa, thiếu máu thì tới khoa huyết dịch,
rất ít người nghĩ tới khả năng thận mình bị bệnh. Các người hãy chuyển ý kiến của chúng tôi tới bác sĩ địa phương, để họ tiến hành kiểm tra cẩn
thận. Nếu các bác sĩ địa phương không thể chẩn đoán chính xác thì hai
người đưa bệnh nhân tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra lâm sàng.
Có điều cần phải quan tâm chặt chẽ tới quá trình phát triển của bệnh.
Nếu là bệnh nước tiểu nhiễm độc thì bệnh tình phát triển rất nhanh, việc điều trị phải diễn ra càng sớm càng tốt.

Những lời chẩn đoán của các chuyên gia vừa rõ ràng vừa tỉ mỉ, Đại Xuân cảm thấy năm mươi tệ
đúng là không phí. Nhưng ngộ nhỡ Ngô Giải Phóng thực sự bị nước tiểu
nhiễm độc thì quả là phiền phức. Đại Xuân xem ti vi thường thấy các
phóng viên thi thoảng lại thông báo có người bị mắc bệnh máu trắng, nước tiểu nhiễm độc gì gì đó, kêu gọi mọi người đóng góp để trị bệnh. Xem ra bị mắc chứng bệnh này, không có mấy chục vạn tệ thì không được; cứ cho
là bây giờ đã có số tiền đó thì chữa khỏi hay không cũng chưa chắc. Đại
Xuân không thể hiểu được: Sao ngày nay sinh ra lắm căn bệnh quái lạ như
thế? Ngày xưa làm gì có?

Đại Xuân và Quỳnh Hoa đi ra khỏi Bệnh viện Nhân dân thành phố. Đại Xuân nói:

– Quỳnh Hoa, vừa nãy những lời của chuyên gia em cũng nghe thấy rồi, bệnh của chú có thể sẽ phức tạp lắm đấy.

Quỳnh Hoa lúc này cũng tỏ ra hốt hoảng:

– Anh xem phải làm thế nào bây giờ?

– Bây giờ chúng ta nhanh chóng gửi bệnh án về, để bác sĩ ở quê xem kĩ
lại. Là phúc thì không phải họa, là họa thì không tránh được. Ngộ nhỡ
bệnh của chú đúng là bệnh nước tiểu nhiễm độc như các bác sĩ nói thì
những bệnh viện nhỏ ở quê chỉ sợ là không chữa được, chỉ có cách đưa chú lên đây thôi. Căn bệnh này anh từng gặp trên ti vi, tiền khám và chữa
bệnh đắt lắm! Những người bị mắc căn bệnh này có tiền thì còn mạng,
không có tiền thì mất mạng. Anh cũng không biết làm thế nào mới tốt.

– Vậy anh mau gửi bệnh án về đi, để bác sĩ ở quê xem kĩ lại rồi tính sau. Hi vọng là thầy em không bị nước tiểu nhiễm độc.

– Vừa nãy chuyên gia nói là bệnh chữa càng sớm càng tốt. Anh thấy gửi
bệnh án bằng đường chuyển phát nhanh, mặc dù tốn hơn một chút nhưng ít
nhất cũng tiết kiệm được năm, sáu ngày. Cả số tiền mà em gửi anh lần
trước, hôm sau anh gửi về luôn rồi, chắc là chú cũng nhận được rồi đấy.

– Anh Đại Xuân, anh cũng ra ngoài lâu rồi, anh về trước đi! Chờ bác sĩ ở
quê xem bệnh xong, có ý kiến chẩn đoán gì mới không thì mới bàn tới việc đưa thầy em lên đây chữa bệnh.

– Việc này chỉ biết chờ thời gian trả lời thôi, giờ ai nói cũng không chuẩn.

Đại Xuân ra về. Tâm trí Quỳnh Hoa rối bời, vấn đề tiền bạc là một hòn đá
lớn đè nặng lên trái tim cô, khiến cô cảm thấy nghẹt thở. Nhưng bây giờ
cô cũng phải về nhà thật nhanh, bữa trưa của nhà Từ Văn Tuấn vẫn còn
đang chờ cô.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.