Bạn đang đọc Những quân bài trên mặt bàn: Chương 23
CHỨNG CỨ CỦA ĐÔI BÍT TẤT LỤA
Khi chiếc tàu chở sĩ quan cảnh sát Battle lao về phía đông xuyên qua nước Anh, thì Anne và Rhoda Dawes đang ngồi trong phòng khách của Hercule Poirot.
Anne không muốn chấp nhận lời mời qua đường bưu điện vào buổi sáng, nhưng Rhoda đã thuyết phục được cô.
– Anne, cậu là đứa hèn nhát, phải, hèn nhát. Cứ làm đà điểu rút đầu xuống cát mãi chẳng ích gì. Có vụ giết người và cậu là một trong số bị nghi ngờ, người ít có khả năng nhất…
– Đó lại là điểm tồi tệ hơn cả – Anne nói với vẻ hơi khôi hài. Chính người ít khả năng nhất lại là người phạm tội.
– Vả lại cậu chỉ là một trong bốn… – Rhoda tiếp, không để ý đến câu Anne vừa nói xen vào – và coi là mình ở đâu ấy cũng không ăn thua gì, cứ như thể vụ giết người có mùi kinh tởm, còn cậu không hề dính dáng tới nơi ấy.
– Nó không dính gì với tớ hết – Anne khăng khăng – Tớ đã bảo là tớ sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của cảnh sát, nhưng cái ông Hercule Poirot này là người ngoài cuộc.
– Thì ông ấy sẽ nghĩ gì nếu cậu né tránh và cố chui ra khỏi vụ này? Ông ấy sẽ kết luận là cậu phạm tội.
– Chắc chắn là tớ chẳng có tội – Anne lạnh lùng bảo.
– Bạn yêu ơi, tớ biết điều đó chứ. Dù cậu có cố mấy đi nữa cũng chẳng giết nổi ai đâu. Nhưng những người nước ngoài đa nghi, đáng sợ không hiểu điều đó. Tớ nghĩ ta nên đến chơi nhà ông ấy, nếu không ông ấy sẽ đến đây và ra sức đào bới trong đám người làm à xem.
– Ta chẳng có người làm nào cả.
– Bọn mình có u Astwell còn gì nữa. Bà ấy thì ba hoa với tất cả mọi người. Đi đi Anne ạ, chúng ta cùng đi cơ mà. Đi thế lại hay đấy. Thật thế.
– Tớ chẳng hiểu sao ông ta lại muốn gặp tớ – Anne vẫn bướng.
– Để gây ấn tượng tốt đẹp hơn những viên cảnh sát nhà nước chứ còn gì nữa – Rhoda sốt ruột đáp – Họ hay thế lắm, cái đám tài tử ấy. Họ cho là người của Sở cảnh sát đều vô dụng và không có đầu óc.
– Cậu có nghĩ ông Poirot này thông minh không?
– Ông ta trông có vẻ không phải là một Sherlock Holmes đâu – Rhoda nói – Tớ cho là ông ta đã từng là một người rất giỏi. Còn tất nhiên bây giờ lẩm cẩm rồi. Ít nhất ông ta cũng phải sáu mươi tuổi. Ôi, đi đi, Anne, chúng mình cùng đến thăm ông ấy đi. Ông ấy có thể kể cho ta nghe những chuyện rùng rợn về ba người kia.
– Thôi được – Anne nói và thêm – Cậu thích những việc này nhỉ? Rhoda ạ.
– Là vì nó chẳng phải là đám ma của tớ. Cậu là một con ngốc, Anne ạ, chẳng chịu nhìn lên đúng lúc gì cả. Nếu cậu chứng kiến được thì cậu sẽ sống như một nữ công tước suốt đời nhờ việc hăm dọa để tống tiền rồi.
Thế là vào khoảng ba giờ chiều hôm đó, Rhoda Dawes và Anne Meredith đã ngồi nghiêm chỉnh trên ghế trong căn phòng gọn gàng của Poirot và nhấp xirô dâu đựng trong những chiếc cốc kiểu cũ, loại nước ngọt mà các cô rất ghét, song vì phép lịch sự không dám chối từ.
– Các cô thật tốt quá vì đã đến đây theo lời mời của tôi – Poirot nhã nhặn.
– Tôi sung sướng được giúp đỡ ông phần nào theo khả năng có thể – Anne lầm bầm đáp mơ hồ.
– Chỉ là vấn đề trí nhớ thôi mà.
– Trí nhớ ư?
– Phải, tôi đã đặt câu hỏi cho bà Lorrimer, bác sĩ Robert và thiếu tá Despard. Chẳng ai trong số họ đã trả lời như tôi muốn cả.
Anne tiếp tục nhìn ông vẻ dò hỏi:
– Tôi xin cô, thưa mademoiselle, nhớ lại cái đêm trong phòng khách của ông Shaitana.
Một thoáng mệt mỏi chán ngán lướt qua khuôn mặt Anne. Chẳng lẽ không bao giờ cô được thoát cơn ác mộng ấy hay sao?
Poirot nhận thấy tình cảm đó của cô.
– Tôi biết, mademoiselle, tôi biết chứ – ông nói rất lịch thiệp – C’est pénible, c’est ce pas? (thật là khổ sở, phải không cô). Điều đó rất tự nhiên thôi. Cô trẻ như vậy, lần đầu tiên tiếp xúc với những chuyện kinh khủng như thế. Có lẽ cô chưa bao giờ biết hoặc trông thấy người chết bất đắc kỳ tử ư?
Chân của Rhoda cứ nhấc lên, di di trên mặt sàn.
– Thế sao? – Anne nói.
– Nhớ lại đi cô. Tôi muốn cô kể lại xem mình nhớ được những gì trong căn phòng ấy.
Anne nhìn ông chằm chằm nghi ngờ:
– Tôi không hiểu?
– Có gì đâu. Những chiếc ghế, bàn, đồ trang trí, giấy dán tường, rèm, thanh sắt cời lò sưởi. Cô thấy chúng cả đấy. Thế mà cô không tả lại được à?
– À, hiểu rồi – Anne ngập ngừng nhíu mày – Khó thật. Có lẽ tôi chẳng nhớ kỹ được gì. Không biết giấy bồi tường màu gì nhỉ. Tôi nhớ là tường được sơn màu… một màu không nổi lắm. Trên sàn có thảm. Một chiếc đàn piano – cô gái lắc đầu – Tôi thật không thể nói gì thêm.
– Nhưng cô chưa cố gắng, mademoiselle. Cô phải nhớ một đồ vật nào đó chứ, một đồ trang trí hay một thứ lặt vặt gì chẳng hạn?
– Có một hộp đồ nữ trang Ai Cập, tôi nhớ thế – Anne chầm chậm nói – để ở phía trên cửa sổ.
– Ồ đúng rồi, tít tận cuối phòng, trên cái bàn có con dao găm chứ gì?
Anne nhìn ông:
– Tôi không nghe rõ, bàn nào có dao nhỉ?
“Pas si bête (không đến nỗi đần) – Poirot tự nhận xét – Nhưng nếu không thế thì ta không còn là Hercule Poirot nữa. Nếu cô ả biết về mình hơn, có lẽ sẽ hiểu rằng mình không bao giờ giương một piège (chiếc bẫy) thô thiển như vậy”.
Ông nói to:
– Cô bảo là một hộp đồ nữa trang à?
Anne hào hứng trả lời:
– Vâng, một số cái rất đẹp. Màu đỏ và xanh nước biển. Bằng men sứ. Một hai chiếc nhẫn đẹp. Mấy đồ trang sức hình bọ hung nhưng tôi không thích lắm.
– Ông Shaitana là người hay sưu tầm lắm! – Poirot lầm bầm.
– Vâng, chắc thế – Anne đồng ý – Căn phòng đầy ắp đồ đạc. Nhìn không xuể.
– Nên cô không kể nổi đồ vật nào làm cô đặc biệt chú ý chứ gì?
Anne vừa nói vừa khẽ mỉm cười:
– Chỉ có một bình hoa cúc rất cần được thay nước mới.
– À, phải rồi, đám người phục vụ trong nhà ông ấy không thường chú ý làm việc đó – Poirot im lặng một lúc.
Anne ngượng nghịu:
– Có lẽ tôi chẳng nhận thấy những thứ mà ông muốn tôi thấy đâu.
Poirot hiền hậu mỉm cười:
– Không sao, mon enfant (cô bé của tôi). Đó lại là chuyện khác. Nào, bây giờ thì kể tôi nghe gần đây cô có gặp anh thiếu tá Despard tốt bụng không?
Ông nhìn thấy mặt cô gái thoáng ửng hồng. Cô đáp.
– Anh ấy bảo sẽ lại đến thăm chúng tôi đấy.
Rhoda hăng hái tham gia:
– Nhưng anh ấy chẳng đến. Anne và tôi biết điều đó.
Poirot nhìn họ, mắt lấp lánh.
“Thật may mắn vì đã thuyết phục được hai cô gái trẻ hấp dẫn như thế này về sự vô tội của mình”.
“Ôi, trời ạ – Rhoda thầm nghĩ – Ông già lại sắp dùng tiếng Pháp đây, nó làm mình lúng túng quá đi”.
Cô đứng dậy và bắt đầu xem xét mấy bức tranh khắc treo trên tường.
– Những bức tranh này đẹp thật – cô nói.
– Không tồi – Poirot đáp.
Ông do dự nhìn Anne:
– Mademoiselle – cuối cùng ông nói – Tôi muốn nhờ cô một việc, ôi, không hề liên quan gì tới vụ giết người ấy đâu. Đây hoàn toàn là việc riêng thôi mà.
Anne hơi ngạc nhiên. Poirot tiếp tục với vẻ hơi ngượng nghịu.
– Cô biết không, sắp đến lễ Noel rồi. Tôi phải mua quà cho nhiều cháu gái. Bây giờ chọn quà cho các cô gái trẻ là một việc khó. Gu của tôi có lẽ đã hơi cổ mất rồi.
– Thế thì sao ạ? – Anne hiền lành hỏi.
– Bít tất lụa có phải là món quà được ưa chuộng không nhỉ?
– Được đấy ạ. Được tặng bít tất thì thích quá.
– Cô làm tôi nhẹ cả người. Tôi nhờ cô chọn màu thích nhất hiện nay. Tôi đã mua một số tất khác màu. Đây này, có lẽ khoảng mười lăm, mười sáu đôi gì đó. Mong cô xem qua và chọn hộ sáu đôi cô cho là đẹp nhất.
– Chắc chắn là tôi làm được – Anne nói, vừa cười vừa đứng lên.
Poirot dẫn cô lại chiếc bàn để trong góc phòng thụt vào khuất sau tường. Trên bàn để rất nhiều thứ linh tinh, giá như cô gái biết được Hercule Poirot ngăn nắp dường nào. Có hàng đống lộn xộn những bít tất, vài đôi găng tay da, các cuốn lịch và hộp kẹo…
– Tôi gởi các gói quà đi rất sớm – Poirot giảng giải – Đây cô xem bít tất đây. Chọn cho tôi sáu đôi nhé.
Sau đó ông quay lại chặn ngay cô Rhoda đang đến gần.
– Còn với cô, tôi có một trò vặt cho cô đây – ông ngoái lại – Trò ấy không dành cho cô đâu, cô Meredith ạ.
– Trò gì vậy? – Rhoda kêu lên.
Ông hạ giọng thì thầm:
– Một con dao, cô ạ, mười hai người đã dùng nó để đâm chết người. Tôi được Compagnie Internationales des Wagona Lits (Công ty quốc tế của các hãng tầu nằm) tặng làm kỷ niệm đấy.
– Khiếp quá! – Anne kêu to.
– Ồ, cho xem với nào! Rhoda nói.
Poirot đưa cô sang phòng khác, vừa đi vừa nói:
– Compagnie Internationales des Wagona Lits họ tặng tôi vì…
Họ đi ra khỏi phòng.
Ba phút sau họ quay lại. Anne quay về phía họ.
– Tôi cho là sáu đôi này đẹp nhất, ngài Poirot ạ. Hai đôi này rất hợp cho buổi tối, còn đôi sáng màu này rất tuyệt khi bạn bè đến và trời chiều vẫn còn sáng.
– Mille remerciements, mademoiselle (Xin ngàn lần cảm ơn cô)!
Ông rót thêm xirô ra nhưng hai cô vội vã chối từ. Sau cùng ông đưa hai vị khách ra đến cửa, vẫn nói liếng thoắng. Khi họ đã đi rồi, ông quay về phòng và đi thẳng lại chiếc bàn bừa bộn, các đôi bít tất vẫn nằm tứ tung đây đó. Poirot đếm sáu đôi đã được chọn ra và đếm nốt số còn lại.
Ông đã mua mười chín đôi, bây giờ chỉ còn mười bảy đôi. Ông chậm rãi gật gật đầu.