Những quân bài trên mặt bàn

Chương 21 + 22


Bạn đang đọc Những quân bài trên mặt bàn: Chương 21 + 22

Chương 21: THIẾU TÁ DESPARD
Quelle femme (Thật là một phụ nữ ghê gớm)
– Hercule Poirot lẩm bẩm – Ce pauver Despard. Ce qui du souffir: quel boyage épouventable (Tội nghiệp Despard: Anh hẳn đã đau khổ vô cùng. Thật là một chuyến đi kinh khủng).
Đột nhiên ông bắt đầu cười một mình.
Bây giờ ông đang đi bộ dọc theo phố Prompton. Ông dừng lại lấy đồng hồ ra xem và tính toán: “Dù sao, phải, ta còn có thời gian. Trong mọi trường hợp đợi chờ sẽ chẳng ảnh hưởng gì lắm đến anh chàng. Bây giờ ta có thể chú tâm vào việc khác. Không nhớ anh bạn cảnh sát của mình hay hát câu gì nhỉ – Bao nhiêu năm đã qua? Bốn mươi năm rồi: À, một viên đường cho con chim nhỏ”.
Khẽ ư ử một điệu hát cũ đã quên từ lâu, Hercule Poirot bước vào một cửa hàng lộng lẫy, chủ yếu bán vải vóc và đồ trang sức cho phụ nữ. Ông tiến về phía quầy hàng dệt kim. Chọn một cô gái trông không quá kiêu kỳ và có vẻ de64 thông cảm, ông nói yêu cầu của mình.
– Bít tất lụa à? À, vâng, chúng tôi ở đây có loại rất đẹp. Đảm bảo lụa hoàn toàn.
Poirot phẩy tay không lấy. Ông giở tài hùng biện ra.
– Tất lụa Pháp kia à? Ông biết đấy, bị đánh thuế, đắt kinh khủng.
Một lô hộp mới tinh được đem ra.
– Rất đẹp, thưa Mademoiselle, nhưng tôi cần loại đẹp hơn thế này kia.
– Dĩ nhiên. Chúng tôi có loại đẹp cực kỳ, nhưng đắt lắm lắm ấy. Không bền đâu. Mỏng cứ như tơ nhện ấy mà.
– Chính thế! Chính loại đó đấy.
Lần này cô gái biến đi rất lâu, mãi mới quay lại:
– Đẹp chưa? – Cô gái lấy bít tất từ túi ra, loại bít tất đẹp nhất, mỏng nhẹ nhất.
– Enfin (Được rồi). Đúng là loại ấy đây.
– Trông yêu quá đi. Ngài lấy bao nhiêu đôi ạ?

– Để xem nào. Tôi cần mười chín đôi.
Cô gái tí nữa thì ngã khuỵu xuống sau quầy hàng, nhưng nhờ được đào tạo lâu dài nên cô vẫn đứng vẫn được.
– Nếu ngài mua hai tá chẵn thì giá sẽ hạ hơn đấy. – Cô gái khẽ gợi ý.
– Không, tôi cần mười chín đôi. Với các màu khác nhau nhé.
Cô gái ngoan ngoãn chọn ra mười chín đôi, gói gọn lại và tính tiền.
Khi Poirot đi ra với món hàng mua được, cô gái quầy bên cạnh tấm tắc:
– Chẳng biết con bé nào mà may mắn thế nhỉ? Chắc hẳn là loại đàn ông giàu gớm ghê đây. Ôi, cô ả có vẻ đã dắt được mũi ông lão hoàn toàn rồi. Khiếp thật, bít tất lụa với giá ấy.
Không hề biết đến những lời đánh giá không hay ho gì về tính cách của mình, Poirot đi về nhà.
Ông đã ở trong phòng được khoảng nửa tiếng thì chuông cửa réo. Vài phút sau, thiếu tá Despard bước vào phòng. Rõ ràng anh phải khó khăn lắm mới giữ được bình tĩnh.
– Ông đến nhà bà Luxmore làm trò quỷ gì vậy? – Anh hỏi.
Poirot mỉm cười:
– Anh bạn ạ, tôi muốn biết sự thật về cái chết của giáo sư Luxmore thôi mà.
– Sự thật à? Ông nghĩ phụ nữ có thể nói ra sự thật mọi chuyện hay sao? – Despard gặng hỏi một cách phẫn nộ.
– Eh bien (À), thỉnh thoảng tôi cũng nghi ngờ chuyện đó – Poirot thú nhận.
– Tôi cũng nghĩ ông phải ngờ. Người đàn bà ấy bị điên.
Poirot làm ra vẻ nghiêm trang:
– Không hề. Bà ấy chỉ lãng mạn thôi.

– Trời đánh cái tính lãng mạn ấy. Bà ta là kẻ dối trá hoàn toàn. Đôi khi tôi cho rằng thậm chí bà ta còn tin chính những lời nói dối của mình.
– Rất có thể.
– Bà ta là một người kinh khủng. Tôi đã từng có thời gian như ở dưới địa ngục khi đi cùng với bà ta ở đó rồi.
– Điều ấy tôi cũng tin.
Despard đột ngột ngồi xuống:
– Nhìn tôi đây, ngài Poirot, tôi sẽ kể ông nghe tất cả sự thật.
– về chuyện ấy ư?
– Chuyện kể của tôi mới đứng là sự thật.
Poirot lặng im không đáp. Despard khô khan tiếp.
– Tôi nhận thức rõ ràng mình chẳng đòi đền ơn gì trong câu chuyện này. Tôi kể sự thật vì đó là việc duy nhất cần phải làm lúc này. Cỏn ông có tin tôi hay không là quyền của ông. Tôi không có bằng chứng nào chứng minh được rằng câu chuyện của mình là chính xác.
Anh dừng lại một lát và sau đó bắt đầu kể:
– Tôi thu xếp chuyến đi cho gia đình Luxmore. Ông ấy là một ông già tốt bụng, rất giỏi về cây cối, rêu và nhiều thứ khác. Còn bà vợ là một, hừm, là loại người chắc ông không thể tưởng tượng được. Chuyến đi là một cơn ác mộng. Tôi không hề để ý gì tới bà ta, thậm chí còn ghét bà ấy thật sự. Bà ấy là loại người có tình cảm mãnh liệt, dễ xúc động và luôn luôn làm tôi cảm thấy bối rối. Trong nửa tháng đầu, mọi chuyện diễn ra êm ả. Sau đấy chúng tôi đều bị sốt cao. Bà ấy và tôi bị nhẹ thôi. Còn ông già Luxmore ốm rất nặng. Một đêm, bây giờ ông phải nghe thật kỹ nhé, tôi đang ngồi ngoài lều của mình, đột nhiên tôi thấy giáo sư Luxmore lảo đảo đi về phía bụi cây bên bờ sông ở đằng xa. Ông ấy lúc đó đã hoàn toàn mê sảng và chẳng biết mình đang làm gì. Chỉ một tẹo nữa là ông lộn cổ xuống sông và ngã xuống thì chỉ có chết. Không thể cứu nổi. Không đủ thời gian chạy đến chỗ ông ấy, chỉ còn một cách duy nhất, khẩu súng trường vẫn ở bên tôi như mọi khi, tôi cầm lên. Tôi là người bắn rất giỏi và tin chắc mình sẽ làm ông ấy ngã gục bằng cách bắn trúng chân ông ấy. Thế nhưng, đúng lúc tôi bắn thì người đàn bà điên khùng ngốc nghếch kia liền ôm ghì lấy tôi, trèo lên người tôi gào lên: “Xin đừng bắn, vì Chúa, đừng bắn”. Bà ấy vồ lấy tay tôi đúng lúc súng nổ. Kết quả là viên bạn bắn trúng lưng và giết chết giáo sư.
Tôi xin nói với ông rằng đó là một giây phút ma quái ghê gớm. Và cái bà ngu ngốc đáng nguyền rủa kia vẫn chẳng hiểu mình đã làm gì, thay cho việc phải ý thức rằng chính mình phải chịu trách nhiệm về cái chết của chồng. Bà ta cứ đinh ninh là tôi đã cố tình bắn chết ông già một cách tàn ác vì tình yêu đối với bà ta. Chúng tôi đã phải chịu đựng một cảnh tượng kinh khủng, bà ấy cứ khăng khăng rằng hai chúng tôi phải kể lại rằng ông ấy chết vì sốt cao. Tôi thấy thương hại bà ấy, đặc biệt là vì bà ta chẳng hiểu nổi việc mình đã làm. Nhưng có lẽ bà ấy sẽ hiểu ra một khi sự thật được bóc trần… Thế rồi sau đó bà ta cứ một mực tin chắc rằng tôi yêu bà ta đến si mê, điên dại, điều đó làm tôi rất khó chịu. Nếu bà ta đi đến đâu cũng kể lể chuyện đó thì mọi chuyện sẽ trở nên rắc rối, khó xử. Cuối cùng tôi đành đồng ý làm theo bà ấy, một phần vì muốn được yên ổn, tôi xin thú nhận điều này. Thật ra, dù sao thì cũng không có gì đáng kể lắm. Sốt cao hay tai nạn… Vả lại, tôi cũng không muốn bắt một phụ nữ phải trải qua những điều phiền toái, cho dù người đó là một con ngốc đi chăng nữa. Hôm sau tôi mới kể lại rằng giáo sư chết vì sốt cao quá và chúng tôi đã chôn cất ông ấy. Tất nhiên là những người ở đó có biết sự thật, nhưng họ đều đổ lỗi cho tôi cả và tôi cũng hiểu ngay là nếu cần họ sẽ thề ngay lập tức rằng những điều tôi nói ra là đứng sự thật. Chôn cất ông già Luxmore xấu số xong, chúng tôi lại quay về với xã hội văn minh. Từ đó đến nay, tôi tốn mất khá nhiều thì giờ để tránh mặt bà ấy.
Anh dừng lại và lặng lẽ thêm:
– Câu chuyện của tôi là thế đấy, ngài Poirot ạ.
Poirot chậm chạp hỏi:

– Có phải đấy chính là sự kiện ông Shaitana đề cập vào đêm hôm nọ không, hay anh nghĩ như vậy?
Despard gật đầu:
– Chắc ông ta nghe được câu chuyện từ bà Luxmore. Moi được chuyện của bà ta cũng dễ thôi mà. Cái kiểu chuyện như thế giải trí cho ông ta.
– Câu chuyện này có thể gây nguy hiểm cho anh khi nó ở trong tay một người như Shaitana.
Despard nhún vai:
– Tôi không sợ Shaitana.
Poirot không trả lời. Despard điềm tĩnh nói:
– Một lần nữa ông ấy phải nghe tôi. Tôi cho rằng sự thật là tôi có động cơ gì đấy trong cái chết của Shaitana. Thôi, nhưng sự thật cơ bản nhất đã được kể ra rồi, ông tin hay không tùy ông.
Poirot chìa tay ra:
– Tôi tin, thiếu tá Despard ạ. Tôi không nghi ngờ chút nào những sự kiện đã xảy ra ở Nam Mỹ mà anh vừa kể.
Mặt Despard rạng lên:
– Cảm ơn.
Anh nói vắn tắt. Và anh nồng nhiệt xiết chặt tay Poirot.
Chương 22: CHỨNG CỚ TỪ BEACRE
Sĩ quan cảnh sát Battle đang làm việc tại Sở cảnh sát vùng Combeacre. Thanh tra Harper, mặt hơi đỏ, nói bằng giọng Devonshire dễ nghe và chậm rãi.
– Thưa ngài, chuyện tất cả là như vậy, mọi chuyện đều có vẻ xuôi xẻ cả. Viên bác sĩ hài lòng. Mọi người hài lòng. Tại sao lại không kia chứ?
– Kể lại tôi nghe chuyện về hai cái chai xem nào. Tôi muốn biết thực rõ.
– Một là chai nước sirô vả. Hình như đó là loại nước bà ta thường uống nhất. Lại còn có một loại sơn dùng để sơn mũ mà bà ta hoặc cô tiểu thư trẻ tuổi cùng sống với bà, hay sử dụng để sơn mũ làm vườn cho sáng màu. Loại sơn này có nhiều và cái chai đựng sơn một hôm bị vỡ. Thế là chính bà Benson đã bảo: “Cho mực sơn vào cái chai cũ kia – cái chai trước đựng sirô vả ấy”. Thế đấy. Những người phục vụ trong gia đình đều nghe thấy bà chủ nói như vậy. Cô tiểu thư trẻ, cái cô Meredith ấy, cô hầu phòng và bà quản gia đều nhất trí điểm này. Sau đấy người ta đổ sơn vào chai đựng sirô và để lên cái giá cao nhất trong phòng tắm cùng với nhiều đồ lặt vặt khác.
– Người ta không viết lại nhãn à?

– Không. Tất nhiên thế là cẩu thả rồi. Kết luận của Ban điều tra có ghi rõ việc này.
– Tiếp tục đi.
– Đêm hôm ấy, nạn nhân đi vào phòng tắm, đổ ra một liều lớn, rồi uống cạn. Biết được việc đó, người làm trong nhà liền lập tức đi gọi bác sĩ. Ông này đi vắng vì đã đi thăm bệnh và mãi một lúc sau đó mới gọi được ông ấy tới. Họ đã làm mọi cách nhưng bà ấy vẫn chết.
– Chính bà ấy tin rằng đó là một tai nạn à?
– Ồ, đúng thế. Ai cũng nghĩ như vậy. Hình như các chai đã bị lẫn lộn thế nào đó. Người ta cho rằng cô hầu phòng đã làm việc ấy khi cô ta quét dọn, nhưng cô gái thề rằng mình không lầm lẫn.
Battle im lặng nghĩ ngợi. Một việc dễ dàng như vậy. Lấy chiếc lọ từ trên giá cao xuống và thay vào cái chai ở dưới thấp hơn. Quả là tìm được dấu vết trong sự việc như thế này hết sức khó khăn. Cầm lấy chai bằng cả găng tay, có thể như vậy, và dù sao đi nữa, những vân tay cuối cùng vẫn là của chính bà Benson. Phải, dễ dàng và đơn giản thế thôi. Nhưng kết quả vẫn vậy: giết người! Một vụ phạm tội thành công.
Nhưng vì sao? Điều này vẫn làm ông bối rối? Vì sao nhỉ?
– Cô tiểu thư trẻ tuổi, cái cô Meredith ấy, cô ta có được tiền nong gì sau cái chết của bà Benson không? – Ông hỏi.
Thanh tra Harper lắc đầu:
– Không, bà ta chỉ ở đó có sáu tuần. Một nơi khó khăn, tôi cho là như vậy. Theo quy luật thì các cô gái trẻ không ở đây lâu được.
Battle vẫn bối rối. Những cô gái trẻ không ở lâu được. Rõ ràng là bà già khó tính rồi. Nhưng nếu Anne Meredith không ưa bà chủ thì cô ta có thể bỏ đi, không làm việc nữa, giống như các cô gái trước đây đã làm. Chẳng cần phải giết, trừ phi nếu đó là một vụ báo thù không suy xét. Ông lắc đầu. Giả thiết này có vẻ không thực tế.
– Ai nhận được tiền thừa kế của bà Benson?
– Không thể nói được, cháu trai và cháu gái, chắc thế. Nhưng tiền cũng không nhiều khi bị chia ra làm nhiều phần. Vả lại theo tôi biết thì thu nhập của bà già chủ yếu là tiền trợ cấp thôi.
Chẳng sáng tỏ tí nào. Nhưng bà Benson đã chết, còn Anne Meredith đã không kể lại rằng mình đã từng ở Conbeacre. Thật không thỏa mãn chút nào.
Ông đã hỏi cung rất cẩn thận và cần mẫn. Bác sĩ thì trong sạch và dứt khoát. Chẳng có lý do nào để không tin rằng đây chỉ là một vụ tai nạn. Cái cô – không thể nhớ tên – cô gái tốt đấy, nhưng hơi vô dụng, đã rất buồn và giận. Còn cha sở tại đã nhớ rằng cô bạn đã sống chung với bà Benson trước khi bà này chết là một cô gái xinh đẹp và khiêm tốn. Thường xuyên đến nhà thờ cùng bà Benson. Bà Benson không khó tính lắm tuy hơi nghiêm khắc với thanh niên. Bà còn là một tín đồ Thiên chúa giáo cứng rắn.
Battle đã hỏi thêm một hai người người nữa song chẳng thu được gì giá trị lắm. Người ta không nhớ mấy về Anne Meredith. Cô đã sống với họ có vài tháng, thế thôi. Nhân cách cô gái không đủ sinh động để gây ấn tượng lâu dài. Lời mô tả thường được nói ra là “Cô bé nhỏ nhắn xinh đẹp”.
Người ta kể về bà Benson còn rõ nét hơn một chút. Một bà già ngay thẳng, nghiêm khắc với người làm và thường xuyên thay đổi các cô hầu phòng. Một người hay gắt gỏng, chỉ vậy thôi.
Tuy thế, Battle rời Devonshire với ấn tượng vững chắc rằng vì một lý do nào đấy chưa rõ, Anne Meredith đã cố ý giết chết bà chủ của mình.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.