Những câu chuyện kỳ lạ của Darren Shan ( Tập 3: Địa đạo máu )

Chương 1


Bạn đang đọc Những câu chuyện kỳ lạ của Darren Shan ( Tập 3: Địa đạo máu ) – Chương 1

Một tháng trước…
Tên tôi là Darren Shan. Tôi là một ma-cà-rồng nửa mùa.
Trước khi lấy trộm con nhện của một ma-cà-rồng, tôi đã từng là một con người bình thường. Ma-cà-rồng Crepsley ép buộc tôi làm đệ tử, rồi trở thành một phụ tá của ông ta. Tôi đã gia nhập một gánh xiếc quái dị với những diễn viên rất kỳ lạ.
Thích nghi với đời sống ma-cà-rồng là một điều rất khó khăn, khó nhất là việc sử dụng máu người làm nguồn thực phẩm chính. Nhưng, sau cùng, tôi đã phải làm điều đó, để lưu giữ kỷ niệm của một người bạn hấp hối (ma-cà-rồng có thể lưu giữ ký ức của một người bằng cách rút hết máu của người đó). Chuyện này, với tôi, chẳng thú vị gì. Mấy tuần sau tôi vẫn còn gặp những cơn ác mộng. Nhưng rồi tôi đành chấp nhận học tập để lãnh vai trò phụ tá của ma-cà-rồng.
Hơn một năm, ông Crepsley đã dạy tôi cách săn và sử dụng “thủy ngân đỏ quý giá” của con người mà không bị bắt, cách che giấu vết tích ma-cà-rồng khi sống trà trộn với mọi người. Đã đến lúc tôi phải tập quên đi những nỗi sợ hãi của một con người bình thường, để thật sự trở thành một sinh vật của đêm tối.
Mấy cô gái, mặt mày nghiêm trọng, đứng quanh Cormac Tứ-chi. Ông ta thả lỏng cơ bắp, giang rộng chân tay, cổ đảo quanh, rồi nháy mắt với các cô, đặt ba ngón tay giữa hai hàm răng. Rốp! Ba ngón tay bị cắn đứt lìa!
Các cô la thét chí chóe, bỏ chạy tán loạn. Cormac chặc lưỡi, uốn éo mấy ngón tay đang từ từ mọc lại.
Tôi ha hả cười khoái trá. Làm trong Gánh Xiếc Quái Dị, bạn phải quen với những chuyện “quái dị” như thế đấy. Chuyến lưu diễn đầy nhóc những con người đặc biệt và những quái nhân bẩm sinh với khả năng tuyệt vời và đôi khi rất… khủng khiếp.
Ngoài Cormac Tứ-chi, còn có Rhamus Hai-bụng (người có khả năng xơi gọn một con voi trưởng thành hay cả một chiếc xe tăng), Gertha Răng-thép (nhai thép như nhai bánh qui), Người-sói (nửa người nửa sói, chính y đã giết chết bạn Sam Grest của tôi), Truska (cô gái xinh đẹp đầy bí ẩn, có khả năng làm cho râu mọc rậm rì còn hơn mấy cha râu xồm), ông Cao, chủ nhân gánh xiếc quái dị và là người di chuyển lẹ làng như tia chớp.
Chúng tôi đang ở tại một thị trấn nhỏ. Cả đoàn cắm trại sau một nhà máy xay cũ, địa điểm trình diễn chính là trong lòng nhà máy này. Đây là một nơi rất tồi tàn, xập xệ; nhưng tôi đã quen với tình trạng như thế này rồi. Tất nhiên, với tài chính dồi dào, chúng tôi thừa khả năng trình diễn tại những rạp hát lớn và lưu trú trong những khách sạn sang trọng, nhưng những nơi hẻo lánh tồi tàn như thế này, mới tránh được sự chú ý của cảnh sát, chúng tôi sẽ được an toàn hơn.
Tôi không thay đổi nhiều từ khi rời bỏ gia đình gần một năm rưỡi trước. Mang năm mươi phần trăm máu ma-cà-rồng trong người, tôi chậm già hơn người bình thường. Mười tám tháng qua, cơ thể tôi chỉ già thêm ba hoặc bốn tháng tuổi.
Nhưng mặc dầu bề ngoài không đổi khác bao nhiêu, bên trong tôi đã hoàn toàn là một con người mới. Tôi mạnh hơn tất cả những đứa trẻ bằng tuổi, chạy nhanh hơn, nhảy xa hơn và có thể cắm phập những ngón tay xuyên qua một bức tường gạch. Từ thị giác, thính giác tới khứu giác của tôi phát triển lạ lùng.
Vì chưa phải là một ma-cà-rồng một trăm phần trăm, nên có nhiều điều tôi chưa làm được. Chẳng hạn không thể chạy thần tốc như ông Crepsley (ông ta gọi kiểu chạy này là thuật phi hành), hay hà hơi làm người khác chết ngất, hoặc liên lạc bằng ý nghĩ với những ma-cà-rồng và một số người khác, thí dụ như với ông Cao.
Nhưng là một ma-cà-rồng nửa mùa, tôi lại được hưởng những thú vui khác: không phải sử dụng nhiều “thủy ngân đỏ” (ông Crepsley gọi máu người bằng từ đó), và thú vị nhất là tôi có thể lang thang khắp nơi dưới ánh sáng ban ngày. 
Hôm đó, tôi và Evra – cậu bé rắn, đi tìm mồi cho đám Tí-hon – chúng là những sinh vật kỳ lạ, nhỏ xíu, luôn luôn trùm kín mít từ đầu đến chân bằng mũ áo màu xanh và không bao giờ thốt ra một lời. Chẳng ai, ngoài ông Cao, biết chúng là người hay loài gì, từ đâu tới, vì sao lại đi cùng đoàn. Chủ nhân của chúng là một lão rất đáng gờm, tên là Tí-nị (hình như lão rất thích ăn thịt trẻ con!), nhưng chúng tôi ít khi gặp lão trong gánh xiếc. 
Từ xa, Evra đưa ột xác chó lên, gọi lớn:
– Ê, tớ vớ được một con chó chết. Thum thủm rồi, chẳng biết tụi nó chịu ăn không?

– Ăn tuốt. Chúng chẳng chê thứ gì đâu.
Tôi đã săn được một con chồn và mấy con chuột. Tôi áy náy khi phải giết chuột, vì chúng rất thân thiện với ma-cà-rồng, nhưng công việc vẫn là công việc. Trong đời, nhiều khi, chúng ta cứ phải làm những điều chúng ta không thích như thế đấy. Bạn đồng ý không?
Một trong hai mươi tên Tí-hon theo tôi và Evra đi săn. Nó có mặt trong đoàn ngay sau khi tôi và ông Crepsley đến. Tôi có thể phân biệt được nó với những tên Tí-hon khác, vì cái chân trái cà thọt. Vì vậy tôi và Evra gọi nó là Chân-trái.
Tôi gọi:
– Ê, Chân-trái. Đủ chưa?
Thân hình nhỏ xíu trong bộ áo choàng xanh im thin thít, chỉ vỗ bụng bồm bộp: dấu hiệu phải kiếm thêm đồ ăn mới đủ.
Tôi bảo Evra:
– Chân-trái bảo chưa đủ.
Evra thở dài thườn thượt:
– Hiểu rồi.
Trong khi cố lùng sục thêm mấy con chuột, tôi phát hiện một cây thánh giá nhỏ bằng bạc trong đống rác. Nhặt lên, lau chùi đất cát, tôi vừa ngắm nghía cây thánh giá, vừa tự cười mình đã từng tin rằng thánh giá là mối khiếp đảm của ma-cà-rồng. Toàn là những “sáng tác” của mấy cha làm phim và viết sách. Thật ra thánh giá, nước phép và tỏi chẳng “xi nhê” gì với ma-cà-rồng. Các cha còn dựng chuyện rất ấn tượng: chúng tôi có thể chạy băng băng trên mặt nước, âm thầm xâm nhập bất cứ nơi nào, không có bóng đổ, không có hình phản chiếu trong gương, có thể biến hóa để thay hình đổi dạng và ấn tượng nhất là… ma-cà-rồng có thể bay vèo vèo trên không. Toàn chuyện tào lao! Bạn đừng tin.
Đặt cây thánh giá trên mặt đất, tôi đứng tập trung ý chí, ráng điều khiển cho nó bay lên bàn tay trái. Nhìn trừng trừng cây thánh giá suốt một phút, rồi tôi búng tanh tách mấy ngón tay phải.
Cây thánh giá vẫn nằm ì trên đất.
Ông Crepsley biểu diễn trò này đơn giản như đùa. Chỉ một cái búng tay, ông ta di chuyển một vật cách xa mấy mét. Nhưng mấy tháng nay, dù cố gắng thế nào, búng đến mỏi tay, tôi vẫn chẳng di chuyển được một vật nhỏ xíu và ở ngay bên cạnh.
Tôi đã dần dần cảm thấy dễ chịu trong cuộc sống cùng với ma-cà-rồng Crepsley. Ông ta không đến nỗi là một ông già lẩm cẩm, khó chịu đâu. Không thân thiện lắm, nhưng tôi đã nhìn nhận ông là sư phụ và không còn căm ghét ông ta như những ngày đầu, khi ông ta mới biến đổi tôi thành một ma-cà-rồng nửa mùa. 
Bỏ cây thánh giá vào túi, tôi tiếp tục cuộc săn. Bắt gặp một con mèo ốm đói, tôi thanh toán không mấy khó khăn. Thật tình tôi chẳng thích thú gì chuyện sát hại loài vật, nhưng săn bắt là bổn phận của tôi.

Đêm đó, sau khi hoàn tất hết công việc và còn mấy tiếng nữa buổi diễn mới bắt đầu, tôi lại loay hoay cố gắng điều khiển cây thánh giá nhỏ bằng ý chí.
Đêm cuối tháng Mười Một lạnh ngăn ngắt, trời có dấu hiệu sắp đổ tuyết. Trong bộ đồ cướp biển sặc sỡ: áo sơ mi màu lục nhạt, quần đỏ tía, áo vét xanh dương và vàng kim, thêm một thắt lưng lụa đỏ, mũ gắn lông chim và đôi giày mũi cong; tôi loanh quanh qua mấy cái xe tải và những lều bạt, tìm một điểm vắng vẻ bên ngoài nhà máy xay. Đặt thánh giá trên một khúc cây, tôi tập trung ý chí, cố điều khiển cho cây thánh giá bay lên bàn tay.
Không có gì xảy ra. Tiến gần hơn, bàn tay tôi chỉ cách cây thánh giá vài phân, tôi nói thành lời:
– Ta ra lệnh i (tôi búng ngón tay) phải chuyển động (búng tiếp) chuyển động ngay!
Cây thánh giá trơ trơ bất động. Tôi dậm chân hét toáng lên:
– Mau! Nhúc nhích đi! 
– Cháu làm gì vậy?
Giọng nói quen thuộc ngay sau lưng. Tôi quay phắt lại: ông Crepsley hiện ra từ trong bóng tối.
Tôi giấu biến cây thánh giá:
– Có làm gì đâu.
– Trong tay cháu có gì vậy?
Khó lòng qua mắt được lão ma-cà-rồng. Tôi xòe tay:
– Cháu nhặt được một cây thánh giá.
– Cháu đang làm gì với nó?
Tôi nghĩ cũng nên nói thật để hỏi ông cách điều khiển ột vật di động theo ý mình:
– Cháu điều khiển cho cây thánh giá bay lên. Ông đã làm cách nào vậy?

Nụ cười rộng toác làm méo xệch cái thẹo kéo dài bên má trái, ông Crepsley chặc lưỡi hỏi:
– A, ta hiểu rồi. Thì ra cháu thắc mắc chuyện đó hả? Nào, nhìn kỹ nhé.
Ông vươn bàn tay, búng tách một cái, làm tôi phải chớp mắt. Ngay sau đó, tôi đã thấy cây thánh giá nằm gọn lỏn trong bàn tay của ông ta.
– Tuyệt vời! Chỉ những ma-cà-rồng thứ thiệt mới có thể làm được vậy, đúng không ông?
– Ta biểu diễn lại. Lần này căng mắt ra mà nhìn, nghe chưa?
Đặt lại cây thánh giá lên miếng gỗ, ông Crepsley đứng thẳng người, búng ngón tay. Một lần nữa cây thánh giá bạc biến mất rồi xuất hiện lại trên bàn tay của ông. 
– Cháu thấy gì chưa?
– Thấy gì?
– Lần cuối nhé. Ráng đừng chớp mắt.
Tôi tập trung vào miếng bạc nhỏ xíu, lắng nghe tiếng búng tay và căng mắt nhìn. Hình như tôi thấy một hình ảnh thấp thoáng vụt qua giữa tôi và cây thánh giá.
Nhìn lại Crepsley, tôi thấy ông đang mỉm cười, tung hứng cây thánh giá từ tay này sang tay kia:
– Sao? Phát hiện ra chưa?
Tôi nhăn nhó:
– Cháu thấy hình như… A, ông không làm nó di động, mà chính ông di động.
Mặt tươi rói, ông bảo:
– Tốt, trông vậy mà cũng không đến nỗi ngu hơi bị lâu đâu.
Ông khen tôi bằng kiểu nói… thấy ghét vậy đó. Tôi năn nỉ:
– Ông làm lại lần nữa đi.
Không thể bắt kịp những động tác quá lanh lẹ của Crepsley, tôi chỉ thấy thấp thoáng một vật gì đó vụt ra, vơ cây thanh giá, rồi thu về ngay. Tôi hỏi:

– Vậy là… ông không điều khiển ột vật di chuyển bằng ý chí được sao?
Ông cười ha hả:
– Tất nhiên. Mi khôn đột xuất rồi đó.
– Sao lại phải búng ngón tay?
– Để làm lạc hướng mắt người xem.
– Chỉ là một… cái… mánh, chẳng liên quan gì đến phép thuật của ma-cà-rồng?
– Nếu là một người bình thường, làm sao ta có thể lanh lẹ được như vậy chứ? Nhưng cũng đúng. Đó chỉ là một mánh, theo như cháu nói, rất xảo diệu.
– Cháu có thể học được trò này không?
– Cháu không thể di chuyển lẹ bằng ta, nhưng với những vật gần hơn, rất có thể cháu sẽ làm được. Ta sẽ hướng dẫn cho, nhưng cháu phải kiên trì tập luyện.
– Cháu vẫn khoái làm một nhà ảo thuật. À, còn… vấn đề mở khóa nữa?
– Chuyện này lại khác. Cháu hiểu lực tĩnh điện như thế nào chứ? Có bao giờ cháu chải đầu xong, đưa cây lược trên một mảnh giấy mỏng chưa?
– Có. Mảnh giấy dính vào cây lược.
– Đó là lực tĩnh điện. Khi một ma-cà-rồng phi hành, một lực tĩnh điện rất lớn đã được tạo ra. Ta đã phải khổ luyện để dùng sức chống lại sức mạnh đó. Vì vậy ta mới có đủ khả năng mở bất kỳ ổ khóa nào.
– Còn cái búng tay của ông?
– Chỉ là một thói quen. Bỏ một thói quen chẳng dễ dàng gì.
– Ấy thế mà một ma-cà-rồng già chết dễ như chơi đấy.
Giọng nói làu bàu ngay sau lưng, nhưng chưa kịp phản ứng gì, một người đã vòng tới trước mặt chúng tôi và hai lưỡi dao cạo sắc bén đã dí sát cuống họng tôi và ông Crepsley.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.