Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 64: Hồi thứ sáu mươi tư


Đọc truyện Nhạc Phi Diễn Nghĩa – Chương 64: Hồi thứ sáu mươi tư

Miếng đất mà Nhạc An chọn quả là nơi đặt phần mộ hiếm thấy, có tả long,
hữu hổ, tiền áng, hậu minh đường, quả là một địa thế hết sức đẹp. Hai bà phu nhân trong lòng vui mừng liền dắt nhau trở về quán dịch rồi sai
Nhạc An đi mời Lý quan nhân đến thương lượng.

Nhạc An đi chẳng bao lâu đã dắt Lý Trực đến. Lý Trực trao văn khế cho Nhạc phu nhân rồi nói:

– Một đời Nhạc Nguyên soái xả thân vì nước, tôi có chút đất xin cống hiến cho người làm nơi an giấc để thỏa lòng ái mộ, xin phu nhân chớ nói đến
việc mua bán làm chi.

Lương phu nhân nói:

– Mong ơn quan nhân hậu nghĩa, song không lẽ làm văn khế không, xin hãy thu lấy ít nhiều làm phép.

Cực chẳng đã, Lý Trực phải nhận vài chục lượng rồi từ biệt ra về. Nhạc phu
nhân chọn ngày chôn cất xong xuôi kế thấy bốn vị giải quan và hai mươi
bốn tên giải sai đến thôi thúc phu nhân lên đường.

Nhạc phu nhân
kiểm điểm hành lý sắm sửa lên đường. Lương phu nhân sai người đi báo cho Hàn Nguyên soái hay. Hàn Nguyên soái lập tức chọn bốn tên gia tướng
mạnh mẽ, cho theo hộ tống. Lương phu nhân lại theo tiễn đưa ra khỏi
thành. Nhạc phu nhân từ tạ đôi ba phen, Lương phu nhân cực chẳng đã,
phải nuốt lệ quay trở lại.

Sau đó Nhạc phu nhân cùng gia quyến theo giải quan lên đường nhắm Nam Vân Nam xuất phát.

Khi Tấn Cối thấy đã giải gia quyến Nhạc Phi đi rồi vội sai Phùng Trung dẫn
ba trăm quân ra tuần sát gần nơi phần mộ Nhạc Phi để xem chừng có ai đến tế điện phải bắt đem về nạp cho hắn. Một mặt phát văn thư đi khắp xứ
tìm bắt cho được Nhạc Lôi. Một mặt sai Phùng Hiếu đến Thang âm huyện
tịch biên cho hết gia sản Nhạc Phi.

Nhắc qua Hàn Khởi Long, hôm ấy đang ngồi tại thính đường đàm luận với Nhạc Lôi, bỗng thấy người sai đi thám thính Lâm An trở về, sau khi làm lễ ra mắt, người ấy đem hết đầu
đuôi tại Lâm An thuật lại. Nhạc Lôi nghe nói động lòng khóc rống lên rồi té xỉu xuống đất chết giấc. Mấy anh em vội vàng lấy nước gừng cạy miệng đổ và kêu gọi một hồi mới tỉnh lại.

Nhạc Lôi vừa thổn thức vừa nói:

– Cha tôi trọn đời trung hiếu với nước với dân, đã không được hưởng vinh
hoa, lại bị gian thần hãm hại, đến nay cả nhà lại bị đày ra Vân Nam. Ôi! Mối thù này biết ngày nào trả được?

Khởi Long nói:

– Thôi, sự việc đã lỡ ra rồi, nhị đệ hãy bảo trọng lấy thân, đặng lo báo thù.

Nhạc Lôi nói:

– Nay tôi muốn xuống Lâm An để tế điện cho thỏa lòng hiếu tử rồi tôi sẽ ra Vân Nam thăm mẹ tôi.

Khởi Long nói:

– Nay lũ gian thần đã bố trí người canh gác đêm ngày nơi phần mộ của Nhạc Nguyên soái cố rình bắt thân nhân. Hắn lại vẽ hình của hiền đệ gửi đi
các xứ truy tìm bắt cho được, làm sao hiền đệ dám xuống đấy?

Ngưu Thông xen vào nói:

– Việc chi mà sợ? Nhị đệ muốn đi thì đi, nếu ai có bắt bớ, một mình ta cũng đủ sức đảm đương.

Tông Lương nói:

– Thế thì năm anh em ta cùng đi, dù có thiên binh vạn mã cũng chẳng làm gì ta được.

Ai nấy đều khen phải. Rồi Hàn Khởi Long vội sai gia nhân sắm sửa hành lý dắt nhau lên đường.

Nói về Gia Cát Anh, từ ngày anh em phân tán tại Trường Giang trở về nhà,
đêm ngày buồn rầu, hằng thương nhớ Nhạc Phi nên lâm bệnh qua đời. Con
Gia Cát Anh là Gia Cát Cẩm ở nhà thủ hiếu chịu tang. Đêm nọ vừa lúc canh ba, bỗng chiêm bao thấy cha mình về nói:

– Con phải đi bảo hộ nhị công tử Nhạc Lôi cho mau, chớ nên bê trễ:

Gia Cát Cẩm khóc sướt mướt và kéo cha mình lại, nhưng Gia Cát Anh lại xô
con té ngửa ra trên giường. Gia Cát Cẩm vùng giật mạnh thức dậy mới biết là chiêm bao.

Sáng hôm sau, Gia Cát Cẩm đem chuyện chiêm bao thuật lại cho mẹ nghe, Gia Cát phu nhân nói:

– Mẹ cũng định sai con đến Thang Âm thăm tin tức Nhạc phu nhân, nay cha
con đã ứng mộng sai con đi, vậy con hãy lên đường gấp.

Gia Cát Cẩm vâng lời, sắm sửa hành lý từ biệt mẹ rồi quảy gói lên đương, chẳng ngờ
Gia Cát Cẩm không thạo đường xá, nên lỡ độ đường, phần thì trời đã tối
xung quanh lại vắng vẻ không một bóng nhà. Chàng đánh liều bước tới một

quãng xa xa, trông thấy dưới ánh trăng lờ mờ có một tòa miếu cũ. Gia Cát Cẩm mừng rỡ tính vào đó ngủ đỡ một đêm, chờ trời sáng sẽ hay.

Bước lần vào trong, Gia Cát Cẩm thấy cửa miếu không đóng, bên trong có tấm
liễn đã cũ, hai hàng chữ đã mờ, sơn tróc hết, không đọc được nữa. Gia
Cát Cẩm mạnh dạn bước vào thấy bên trong vô cùng vắng vẻ, bàn ghế đã mục nát gãy đồ, chỉ còn một chiếc tượng thổ địa đã cũ lắm. Chàng đặt gói
hành lý xuống gối đầu rồi năm trước bàn thần mà nghỉ.

Vì đi đường
quá mệt mỏi, nên Gia Cát Cẩm vừa đặt mình xuống đã ngủ ngáy pho pho. Qua đến canh ba bỗng thấy một người từ ngoài cửa bước vào, đầu bịt khăn be, mình mắc áo đạo, râu dài, tay cầm chiếc quạt lông phe phẩy, bước tới,
kêu:

– Bớ cháu, lão tổ đây không phải người nào xa lạ chính là Tổ
tiên của con tên Gia Cát Khổng Minh. Cháu hãy đi phò Nhạc Lôi cho thành
một nhà đầy đủ trung, hiếu, tiết, nghĩa. ông có ba cuốn binh thư, cuốn
thứ nhất dùng để chiêm phong, vọng khí, cuốn thứ hai để bày binh bố
trận, và cuốn chót dùng bói quẻ tìm hiểu việc vị lai. Nay ông giao hết
cho cháu để dành phò trợ Nhạc Lôi. Sau này sau khi thành công rồi cháu
phải đốt đi chớ nên lưu truyền cho thiên hạ.

Nói rồi hóa ra ngọn
gió biến mất. Gia Cát Cẩm giật mình thức dậy mới biết là chiêm bao,
chàng ngồi chờ cho trời sáng mới bước xuống đất, bỗng thấy dưới bàn thờ
có chiếc túi bằng lụa vàng. Gia Cát Cẩm vội lấy mở ra xem, thì rõ ràng
là ba cuốn binh thư. Chàng mừng rỡ cất kỹ vào gói hành lý rồi ngửa mặt
lên trời lạy tạ.

Mặt trời vừa mọc lên, Gia Cát Cẩm quảy gói tiếp
tục lên đường, ban ngày thì đi, ban đêm tìm chỗ nghỉ ngơi và xem ba cuốn binh thư.

Sau đó Gia Cát Cẩm ăn mặc theo lối nhà sư, đi được ít
ngày đến Giang Đô, chàng vào miếu Mã Vương trú ngu. Ngày nào Gia Cát Cẩm cũng ra đường lấy vải che rạp ngồi bói, gieo quẻ cho người qua đường,
lại có treo một tấm chiêu bài có đề mười ba chữ:

“Nam Dương Gia Cát Cẩm tướng thúc như long, tịnh bất kể lợi.

Thiên hạ đến nhờ chàng xem bói, thấy nói đâu trúng đó nôn tiếng đồn dậy cả
một vùng, kẻ cho tiền, người thưởng bạc. Gia Cát Cẩm không đòi tiền
nhiều hay ít, miễn có đủ chi tiêu qua ngày thì thôi.

Một hôm, Nhạc Lôi, Ngưu Thông, Tông Lương, Khởi Long và Khởi Phụng năm anh em đi đến
Giang Đô, đi ngang qua chỗ Gia Cát Cẩm đang ngồi coi bói, Ngưu Thông
thấy thiên hạ kéo đến đông nghẹt, chàng không biết việc chi liền gọi mấy anh em đứng lại bảo:

– Chuyện gì mà người ta tập trung đông vậy? Xin anh em hãy đứng đợi để tôi vào đó xem thử cho biết.

Vừa nói Ngưu Thông vừa giơ hay cánh tay sắt xô mọi người ra chen vào, trông thấy Gia Cát Cẩm đang ngồi xem tướng, Ngưu Thông nói:

– Ông thầy bói này giỏi lắm hay sao mà các người đến xem đông quá vậy?

Nhạc Lôi cũng nói:

– Sẵn có thầy bói đây, để tôi vào xem thử một quẻ cho biết.

Vừa nói vừa bước vào, mấy anh em cũng theo vào xem, vì khách đông quá hồi lâu mới vào được, bỗng thấy

Ngưu Thông trợn mắt nhìn mọi người hét lớn:

– Chúng bay có coi quẻ thì đến coi, bằng không thì dãn ra , chớ chen lấn
làm gì đông quá thế này? Hãy dãn ra cho mau, kẻo ông ra tay thì khốn
đấy.

Đám người coi quẻ thấy Ngưu Thông ăn nói cọc cằn, lại thấy
năm người đồng bọn kia tướng mạo khác phàm, trong lòng khiếp sợ, liền
tản ra hết.

Nhạc Lôi bước tới vòng tay thi lễ, nói:

– Xin tiên sinh xem thử tướng mạo tôi, quí tiện ra thế nào?

Gia Cát Cẩm ngước mắt ngắm nghía Nhạc Lôi một hồi rồi nói:

– Túc hạ quí tướng không phải tầm thường, vậy tôi dọn đồ và mời chư vị về nơi.tôi trú ngụ để tôi xem cho kỹ mới được.

Nhạc Lôi nói:

– Thế thì hay lắm.

Gia Cát Cẩm dọn hết đồ đạc rồi dắt năm anh em về miếu Mã Vương làm lễ ra mắt rồi mới ngồi.


Gia Cát Cẩm lên tiếng hỏi Nhạc Lôi:

– Túc hạ có phải là Nhạc nhị Công tử không?

Nhạc Lôi nghe hỏi thất kinh vội nói quanh:

– Tiểu đệ họ Trương, xin tiên sinh chớ nhìn lầm.

Gia Cát Cẩm cười ha hả, nói:

– Công tử chẳng cần phải giấu tôi làm gì? Tôi đây chẳng phải là ai xa lạ
mà chính là con của Gia Cát Anh, nhân nằm chiêm bao thấy cha tôi về mách bảo và dạy tôi phải đi tìm công tử để phò tá.

Nhạc Lôi mừng rỡ nói:

– Lâu nay chúng ta chưa biết mặt nhau, sao nay đại ca lại nhìn biết được đệ?

Gia Cát Cẩm đáp:

– Tôi đi dọc đường trông thấy chỗ nào cũng có treo bảng và họa hình của
công tử, nay bỗng dưng thấy người giống hệt như bức hình truy nã ấy nên
tôi mới nhận ra.

Mấy anh em nghe qua mừng rỡ nói với nhau:

– Phen này anh em ta đi viếng mộ đã có Gia Cát huynh đi theo thì có lo chi.

Ngưu Thông nói:

– Nay đã có quân sư rồi, sao không đánh thốc xuống Lâm An bắt quách lão
hôn quân và giết hết lũ gian thần tôn nhị đệ lên làm hoàng đế, còn mấy
anh em ta làm tướng chẳng là hay hơn sao?

Nhạc Lôi nói:

– Ngưu huynh đừng nói hàm hồ như vậy, e có người nghe được nguy hiểm lắm.

Gia Cát Cẩm hỏi thăm tên họ từng người một rồi mời nghỉ lại đó một đêm,
sáng hôm sau tất cả đều quảy hành lý lên vài nhắm Lâm An thẳng tới.

Đi một ngày, đến Qua Châu, mặt trời đã gác non tây không kịp qua sông nên
phải tìm quán nghỉ ngơi đợi sáng hôm sau dắt nhau đi tiếp. Khi đến mé
sông, bỗng thấy một tòa Kim Long miếu, Gia Cát Cẩm nói:

– Anh em ta hãy vào trong miếu này nghỉ ngơi rồi bảo người đi thuê thuyền cho sẵn để đưa qua sông.

Nhạc Lôi nói:

– Thế thì để tôi đi thuê thuyền, anh em cứ vào miếu nghỉ ngơi đi.

Nói rồi một mình đi thẳng xuống mé sông, thấy có một chiếc thuyền đậu sẵn tại bờ sông. Nhạc Lôi gọi hỏi:

– Bớ chủ thuyền, ta muốn thuê thuyền để qua sông, chẳng hay giá cả bao nhiêu?

Tên chủ thuyền từ trong khoang bước ra đứng nhìn Nhạc Lôi một hồi, rồi nói:

– Xin quan khách ngồi chờ một chút, vì còn hai người nữa cũng muốn qua sông, để tôi mời xuống đây rồi tính giá tiền luôn thể.

Vừa nói vừa đi thẳng lên bờ. Nhạc Lôi ngồi lại dưới thuyền chờ đợi hồi lâu
mới thấy tên chủ thuyền trở xuống theo sau có hai người.

Tên chủ thuyền nói:

– Hai người khách này cũng muốn qua sông nên tôi muốn đưa qua cho tiện.

Nhạc Lôi nói:

– Được lắm có hề chi? Song chẳng hay hai vị này đi đâu có việc gì trông ra vẻ gấp rút như vậy?

Hai người ấy khóc sướt mướt, nói:

– Hai anh em tôi tính xuống Lâm An viếng mộ.


Nhạc Lôi nghe nói lấy làm lạ hỏi:

– Nhị vị từ xa xôi mà lặn lội đến Lâm An định viếng mộ ai vậy?

Hai người đồng thanh đáp:

– Đáng lẽ không nên nói ra đây, nhưng chúng tôi nhắm anh cũng là người ở
xứ khác, có nói cũng không hề chi. Chính hai anh em tôi đây đi viếng mộ
Nhạc nguyên soái.

Nhạc Lôi không ngờ, nghe xong liền khóc rống lên, nói:

– Nhị vị có quen biết chi với cha tôi hay sao lại phải nhọc công đi viếng mộ? Tôi chẳng giấu nhị vị, quả thiệt tôi đây là Nhạc Lôi, nhị vị có đi
thì chúng ta cùng đi cho tiện.

Hai người nghe nói bước lại gần Nhạc Lôi. Thình lình mỗi người chộp một cánh tay nắm Nhạc Lôi chặt cứng rồi nói:

– Bây giờ ta cũng không giấu chi ngươi, chính chúng ta là công sai ở tại Châu này, vâng lệnh Tần Thái sư đến bắt ngươi.

Vừa nói vừa lấy còng sắt, còng tay Nhạc Lôi lại giải vào thành nộp cho quan Tri châu.

Quan Tri châu này họ Dương tên Bỉnh Văn, khi ra công đường bỗng thấy hai tên công sai bước vào quỳ bẩm lại việc bắt được Nhạc Lôi.

Quan Tri châu Dương Bỉnh Văn cả mừng cho dẫn Nhạc Lôi vào.

Hai bên quân hầu la ó vang dậy, bọn công sai dẫn Nhạc Lôi vào giữa công đường, Tri châu nhìn thẳng vào mặt Nhạc Lôi, nạt lớn:

– Mi là con của đứa phản thần sao vào đây không chịu quỳ xuống?

Nhạc Lôi ngạo nghễ đáp:

– Ta là con người trung nghĩa, cha ta bị gian thần hãm hại, còn ta đây tội tình gì phải quỳ lụy ngươi?

Tri châu quay qua nói với kẻ tả hữu:

Hãy giam hắn vào ngục ngay. Ngày mai ta viết văn thư rồi sẽ giải xuống Lâm An.

Tả hữu vâng lệnh dẫn Nhạc Lôi đem giam vào ngục.

Bọn anh em ở tại Kim Long miếu chờ đợi đến nửa ngày không thấy tăm dạng Nhạc Lôi đâu cả. Hàn Khởi Long nói:

– Nhạc Công tử chắc không còn đi ngả nào được đâu?

– Thôi để tôi đi tìm mới được.

Hàn Khởi Phụng nói:

– Để đệ đi với cho có bạn.

Nói đoạn hai anh em dắt nhau ra khỏi miếu, đi đến mé sông bỗng nghe kẻ đi đường bàn bạc với nhau:

– Nay quan Tri châu đã bắt được Nhạc Lôi rồi, thế nào ngày mai cũng giải
xuống Lâm An lĩnh thưởng. Chuyến này Tri châu lập được công lao lớn
nhưng thương hại cho Nhạc Nguyên soái trọn đời trung hiếu mà không được
hưởng gì, nay chỉ còn một mụn con cũng bị chúng bắt nốt, chắc không
người thừa kế. Không biết Tần Thái sư có thù hận gì với nhà họ Nhạc mà
mưu hại không chút lương tâm như vậy?

Hai anh em Hàn viên ngoại
nghe nới thất kinh, vội vàng chạy về thuật cho mấy anh em hay. Ngưu
Thông nổi giận chỉ vào mặt Gia Cát Cẩm mắng:

– Cũng tại cái thằng
lỗ mũi trâu này nó sai Nhạc nhị đệ đi thuê thuyền nên mới bị chúng bắt.
Ngươi hãy trả lại Nhạc nhị đệ cho ta, nếu không ta đập chết bây giờ.

Gia Cát Cẩm nghe nói tay chân rụng rời. Tông Lương xen vào nói:

– Sao Ngưu đệ ăn nói lỗ mãng quá vậy? Dù sao việc cũng đã lỡ rồi, chúng ta phải lo tìm cách cứu nhị Công tử mới được.

Gia Cát Cẩm nói:

– Để tôi bói một quẻ xem lành dữ thế nào cho biết.

Vừa nói, vừa thò tay vào túi lấy ra ba đồng tiền, lâm râm khấn vái một hồi
gieo quẻ đoán xem thì thấy quẻ này bình yên vô sự. Gia Cát Cẩm cả mừng
nói:

– Xin anh em hãy an tâm, tôi hứa qua canh hai này sẽ đưa Nhạc nhị đệ lại cho anh em.

Ai nấy đều cười gằn nói:

– Tri châu đã nhốt Nhạc Lôi vào ngục, nếu đêm nay chúng ta không đến phá ngục thì làm sao nhị đệ ra khỏi được?

Gia Cát Cẩm vẫn một mực nói:

– Chúng ta không cần phải ra tay, tôi coi quẻ thật lắm đêm nay nội trong
giờ tuất, giờ hợi là tự nhiên có cứu tinh đưa nhị đệ ra khỏi thành.
Chúng ta hãy đến bên thành mà đón.


Mấy anh em thấy Gia Cát Cẩm nói bằng giọng tự tin nên bán tín bán nghi, nhưng không biết làm sao cũng phải nghe theo.

Trong lúc đó Nhạc Lôi ở ngục đang giận dữ mắng lớn:

– Tần Cối quả thật là đứa gian thần tàn bạo nhờ có cha ta bảo giá tại
Ngưu Đầu sơn, diệt quân Kim tại Châu Tiên trấn mới giữ gìn được giang
sơn nhà Tống, sao mi lại đem cha ta và anh ta giết hết tại Phong Ba đình còn bắt hết cả nhà ta đày ra Vân Nam. Hôm nay mi còn muốn bắt ta giết
cho tận tuyệt. Nếu ta chết rồi nhất định sẽ hóa ra lệ qui bắt hết cả nhà bay trả mối thù này cho được mới nghe.

Nhạc Lôi mắng mãi không ngớt. Lúc ấy bên phòng kế cận cũng có một người bị nhốt, nghe Nhạc Lôi la lối liền nổi giận hét lớn:

– Thằng bé này sao lại bất tài dữ vậy? Xưa có câu “hổ phụ sinh hổ tử”
đằng này cha nó là bậc anh hùng hảo hán sao sinh nó lại sợ chết, la lối
không cho ai nghỉ ngơi gì cả.

Lính coi tù năn nỉ:

– Xin lão
gia bớt giận, tên Nhạc Lôi ấy quá lắm cũng ở đây một đêm nay nữa thôi
chớ ngày mai sẽ giải hắn xuống Lâm An rồi, để tôi tát cho nó mấy tát cho nó im mồm vậy!

(Nguyên người này là âu Dương Tùng Thiện người ta
thường gọi là Ngũ Phương Thái Tuế, chuyên nghề buôn lậu, có sức mạnh phi thường nên quan binh không làm gì nổi, tính tình lại ngay thẳng nên
không biết sợ ai cũng không làm khó dễ cho ai, ngày trước đã đưa Trương
Bảo qua sông, về sau chỉ vì say rượu đánh lộn nên mới bị quân binh bắt
đem giải lên quan và bị nhốt vào ngục thất. Nằm trong ngục, hễ tên ngục
tốt nào biết kính trọng bợ đỡ thì Tùng Thiện cho tiền bạc, còn đứa nào
lên mặt làm mếch lòng thì y đánh chửi thậm tệ, vì vậy cả bọn ngục tốt
phải kiềng mặt gọi là lão gia, chẳng hề dám động tới mảy lông).

Hôm ấy Âu Dương Tùng Thiện nghe tiếng Nhạc Lôi than khóc bên kia, lòng y vô cùng thương xót, nhưng giả làm mặt giận kêu bọn lính coi ngục tới nói:

– Hôm nay là ngày sinh của ta, thế mà bị cái thằng khốn bên kia nó la lối om sòm thật là bực mình!

Vừa nói vừa thò tay vào bọc lấy ra một gói bạc ước chừng vài mươi lượng trao cho tên lính nói:

. Ngươi hãy đi mua giùm gà vịt, cá thịt thật nhiều và cả rượu nữa đem về
đây cho ta làm lễ mừng thọ rồi cùng nhau ăn uống cho vui.

Tên ngục tốt nhận bạc đi mua rượu thịt gánh về một gánh nặng trĩu, Tùng Thiện cất tiếng khen rồi bảo:

– Ngươi hãy đem phân phát cho bọn tù, còn cái thằng khóc ấy cũng cho nó ăn để nó nín đi.

Bọn lính vâng lời đem phân phát thức ăn cho tù phạm rồi trở vào ngồi ăn
uống với Tùng Thiện. Chúng cùng với Tùng Thiện vui cười hả hê. Uống rượu thả cửa, uống mãi đến khuya ai nấy đều say vùi, ngả nghiêng.

Âu Dương Tùng Thiện thấy thế liền đứng dậy lấy dây buộc vào lưng rồi lẻn qua phòng bên kia nói nhỏ với Nhạc Lôi:

– Tôi là Âu Dương Tùng Thiện đây, hồi trưa nay tôi nghe công tử bị bắt vào đây nên tôi mới lập kế cứu công tử thoát thân.

Nhạc Lôi nghe nói cảm động vô cùng. Tùng Thiện bước tới bẻ còng cho Nhạc công tử và nói:

– Công tử hãy theo tôi đi ra ngoài mau.

Ra đến cửa ngục, Tùng Thiện bẻ khoá dắt Nhạc Lôi chạy ra ngoài leo lên
vách thành rồi Tùng Thiện cởi dây buộc vào eo Nhạc Lôi thả xuống. Không
ngờ ở bên ngoài đã có bọn Gia Cát Cẩm đoán quẻ biết rồi nên chực sẵn tại đó.

Khi thấy Nhạc Lôi ở từ trên dòng xuống, Ngưu Thông mừng quá lên tiếng khen Gia Cát Cẩm:

– Lão thầy bói này đoán quẻ thật như thần.

Ngưu Thông nói dứt lời bỗng nghe trên thành có tiếng nói lớn:

– Ai đứng phía dưới đó hãy dãn ra.

Dứt lời, người ấy nhảy xuống trông nhẹ nhàng như chiếc lá rơi, ai nấy đều
phục thầm xúm lại hỏi thăm. Nhạc Lôi liền thuật lại cậu chuyện Tùng
Thiện cứu mình cho anh em nghe, mấy anh em cảm ơn Tùng Thiện rối rít.

Gia Cát Cẩm nói:

– Bây giờ chúng mình chớ nên lần lữa, mà phải tìm thuyền vượt qua sông
ngay, bọn quan binh biết được có đuổi theo thì chúng ta đã chạy xa rồi.

Mấy anh em khen phải rồi cùng nhau chạy đến mé sông thấy chiếc thuyền hồi trưa hãy còn tại đó. Hàn Khởi Long gọi lớn:

– Chủ thuyền còn ngủ sao?

Tên chủ thuyền giật mình thức dậy hỏi vọng ra: .

– Các ông là ai?

Hàn Khởi Long quát:

– Ta vâng lệnh quan Tri Châu giải tội phạm xuống Lâm An, hãy đưa ta qua sông gấp?

Tên chủ thuyền lập cập bắc ván cầu, lập tức Khởi Long nhảy xuống thuyền
chém chết tên chủ thuyền, đạp xác xuống sông. Mấy anh em ráng sức chèo
thuyền sang sông.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.