Đọc truyện Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang – Chương 3
Tuy giao thiệp hòa hiếu với tất cả mọi người, Đan Thanh không dễ tìm được ngay một người bạn thân đích thực. Trong số bạn hữu, không có người nào cậu đặc biệt ưa gần gũi, bị họ thu hút. Nhưng tất cả đều ngạc nhiên tìm thấy trong con người bạo dạn có vẻ hiếu chiến ấy còn có một người bạn rất hiếu hòa, dễ được xem là gương mẫu.
Trong tu viện có hai người cậu để lòng hướng đến; hai người làm cậu vui thích, khâm phục, yêu thương, kính trọng: tu viện trưởng Từ Vân và người phụ giáo Huyền Minh. Cậu sẵn sàng xem tu viện trưởng như một vị thánh. Tính bình dị, lòng tử tế, cái nhìn đầy ân cần, khiêm tốn mà ông thường sử dụng để làm nhiệm vụ điều khiển xem như một công việc bó buộc, tất cả thái độ ấy lôi cuốn cậu. ước muốn tha thiết nhất của cậu là được theo liền bên vị tu viện trưởng đầy kính tín ấy, được mãi mãi ở cạnh người để vâng lời và phụng sự. Cậu sẽ không ngừng kính cẩn dâng hiến cho người tất cả lòng nhiệt thành trẻ thơ của cậu, lòng nồng nhiệt hy sinh. Cậu sẽ học nơi người một đời sống thuần khiết, cao quý, hướng về nẻo thánh. Vì Đan Thanh quyết định không những chỉ học cho xong các niên học ở tu viện, mà còn muốn nếu có thể, ở lại đấy thực thụ và mãi mãi, hiến trọn đời mình cho Chúa. Đấy là ý muốn của cậu, đấy cũng là ước ao và mệnh lệnh của cha cậu, và cũng có lẽ là ý định và ý chí của Thượng đế. Dường như không ai nghi ngờ về điều này tuy nhiên trên người con trai đĩnh ngộ rạng rỡ nguồn sống kia đè nặng một tì vết, một tì vết tổ tông bí mật hiến dâng cậu cho sự đền tội và hy sinh. Ngay cả vị tu viện trưởng cũng không nhận thấy điều ấy, mặc dù cha của Đan Thanh đã nói xa xôi về chuyện đó trước mặt người và đã nói rõ ràng ước nguyện cho con ông ở lại tu viện mãi mãi. Một tì vết bí mật dường như đã in dấu ngày ra đời của Đan Thanh, một cái gì người ta bưng bít không nói tới, và dường như phải cần đến một lễ hy sinh. Nhưng người cha, với bộ điệu tự cho mình quan trọng đã không gây ấn tượng tốt nơi tu viện trưởng. Người đối lại bằng một sự dè dặt lịch sự và không để ý những lời nói xa gần của ông.
Người thứ hai trong tu viện đã cùng lúc gợi tình mến yêu của Đan Thanh có cái nhìn sắc bén hơn, nhưng chàng lại thường cách biệt. Huyền Minh đã biết rõ một con chim đẹp có bộ lông vàng đang vỗ cánh bay đến mình. Trong cái cô đơn của kẻ xuất chúng, chàng đã thoáng thấy nơi Đan Thanh một người ngang hàng với mình, mặc dù cậu có vẻ trái ngược chàng về mọi phương diện. Huyền Minh có nước da nâu và khô; Đan Thanh có làn da sáng sủa tươi mát. Huyền Minh ưa suy tư, say mê phân tích; Đan Thanh mơ mộng, có tâm hồn thơ trẻ. Nhưng một nét chung bao trùm lên mọi sự trái ngược ấy: cả hai đều tách biệt với kẻ khác bởi những năng khiếu bẩm sinh và những dấu hiệu nơi cốt cách, cả hai như đều nhận từ thiêng liêng một sứ mệnh đặc biệt.
Huyền Minh rất chú ý đến tâm hồn trẻ ấy, một tâm hồn mà chẳng bao lâu chàng đã khám phá được thiên tư và định mệnh của nó. Đan Thanh nồng nhiệt chiêm ngưỡng vị thầy đẹp trai đầy trí tuệ. Nhưng Đan Thanh vốn rụt rè, cậu không có phương tiện nào khác để chiếm lòng Huyền Minh hơn là nỗ lực trở thành một học: trò chăm ngoan. Nhưng không phải chỉ vì tính rụt rè làm cho cậu lánh mặt. ́y còn vì một linh cảm mơ hồ rằng Huyền Minh sẽ là một mối nguy cho cậu. Cậu không thể xem là lý tưởng và mẫu mực cho mình cùng lúc cả hai người vị tu viện trưởng khiêm tốn và Huyền Minh thông minh bác học, với trí óc minh mẫn. Dù sao với tất cả tâm hồn trẻ thơ, cậu muốn un đúc mình theo hai nhân vật không thể tương dung ấy. Cậu thường khổ đau vì điều đó. Đôi khi, trong những tháng đầu mùa học, Đan Thanh cảm thấy trong lòng một hoang mang khó tả tự thấy bị dồn ép giữa muôn ngàn hướng cách biệt, đến nỗi cậu cố thoát ly hay trút hết nỗi khổ đau và cơn giận nội tâm vào trong những mối tiếp xúc với bạn bè. Đôi khi, một sự chọc ghẹo hay một sự xấc xược nhỏ của các bạn cũng làm cho cậu đột nhiên bừng lên một cơn giận hung dữ và độc ác, đến nỗi cậu, con người vốn hiền lành ấy phải vô cùng khó nhọc tự kiềm hãm mình và phải quay đi trong im lặng, đôi mắt nhắm nghiền, mặt tái nhợt như người chết. Khi ấy cậu đến tàu ngựa thăm con Mây Mây, tựa đầu trên cổ nó, ôm choàng lấy nó. khóc bên cạnh nó. Dần dần cơn buồn của cậu tăng thêm và hiện rõ trước mặt mọi người, hai má gầy hóp, tia nhìn tắt nghẹn, cái cười của cậu, cái cười mà mọi người đều yêu mến, dần dần hiếm hoi.
Cậu không còn biết nữa cậu đã đi đến đâu. Cậu có cái ước ao, ý chí làm một học trò giỏi, được nhận ngay vào hàng tân tòng và trở thành một sư huynh ngoan đạo hiền lành. Cậu tin chắc rằng, bằng tất cả sức lực và khả năng của cậu, cậu đang hướng đến lý tưởng của sự hiền hòa và sùng kính ấy. Cậu không tìm thấy nơi mình một nguyện ước nào khác hơn. bởi thế cậu thấy thật lạ lùng và khổ tâm làm sao khi phải nhận rằng cái mục tiêu giản dị đẹp đẽ ấy lại quá khó đạt đến thế.
Cậu hơi kinh ngạc khi thỉnh thoảng khám phá nơi mình những khuynh hướng và ước muốn đáng chê trách: sự chia trí, chán ngấy việc học, tính ưa mơ mộng và ảo tưởng, hay buồn ngủ trong khi học, tinh thần phản kháng và thù ghét của cậu đối với giáo sư dạy La Tinh, sự dễ giận, thiếu kiên nhẫn, cơn giận dử đối với bạn bè. Và điều làm cho cậu bối rối nhất chính là tình yêu của cậu đối với Huyền Minh thật khó đi đôi với tình yêu đối với cha tu viện trưởng Từ Vân. Mặt khác, đôi khi cậu có một cảm thức chắc chắn ở thâm tâm rằng Huyền Minh cũng yêu mến mình, chú ý và chờ đợi mình.
Đan Thanh ám ảnh tư tưởng Huyền Minh nhiều hơn chàng tưởng. Chàng ao ước trở thành bạn thân của cậu trai khả ái với gương mặt đĩnh ngộ. Chàng thấy nơi cậu cái thái cực đối lập với chàng; chàng muốn lôi cuốn cậu về mình, điều khiển cậu, mở cho cậu thấy chính bản ngã cậu, dạy dỗ cậu, dẫn dắt cho cậu tự phát triển hết tinh hoa của mình. Nhưng chàng vẫn dè dặt. Chàng dè dặt vì nhiều lý do mà hầu hết chàng đều ý thức đến. Trước hết chàng bị ngăn lại, bị kiềm hãm bởi sự ghê tởm chàng có đối với những thầy giáo và thầy tu kia vốn thường – và trường hợp này không hiếm – bắt tình với một học trò hay một chú tân tòng. Đã quá nhiều lần chàng lờm lợm cảm thấy đè nặng trên chàng những đôi mắt đầy thèm muốn của những người lớn tuổi hơn chàng, quá nhiều lần chàng đã đối lại những sự nâng niu mơn trớn của họ bằng một im lặng hằn học. Bây giờ thì chàng hiểu họ hơn. Chính chàng, chàng cũng cảm thấy mình bị cám dỗ muốn trút hết tình yêu mến cho cậu Đan Thanh xinh đẹp kia, muốn làm tuôn phát chuỗi cười diễm lệ của cậu, muốn lùa nhẹ bàn tay trong mớ tóc hung kia để vuốt ve. Nhưng chàng sẽ không bao giờ làm chuyện ấy, không bao giờ. Vả lại, với tư cách thầy giáo phụ được đặt vào hàng giáo sư nhưng lại không có chức vụ và uy quyền của một ông thầy, chàng đã quen có tính đề phòng và cẩn trọng đặc biệt. Chàng quen đứng trước những người chỉ thua chàng vài tuổi mà như là trước những người cách chàng hàng hai chục tuổi. Chàng quen tự cấm đoán mình một cách nghiêm nhặt không được thương riêng một học sinh nào, quen tự buộc mình phải công bằng và ân cần đặc biệt đối với những trẻ chống đối chàng, sứ mệnh chàng buộc chàng phải phụng sự thiêng liêng phần chàng phải mang lấy một nếp sống khắc khổ. Chỉ có những khi chàng không dè, vào lúc sự cẩn trọng hoàn toàn tuột khỏi chàng, chàng mới tự để cho mình thưởng thức cái kiêu ngạo, cảm thức mình biết nhiều hơn người, tài giỏi hơn người. Không, dù tình bạn của Đan Thanh có cám dỗ bao nhiêu, đấy vẫn là một mối nguy, và chàng không được để nó len vào trọng tâm cuộc đời chàng, ở trọng tâm đời chàng – và đấy chính là những gì đem lại cho cuộc đời chàng một ý nghĩa – có việc phụng sự thiêng liêng phụng sự thiên đạo. Khước từ mọi lợi lộc, chàng phải dìu dắt với một tâm bình đẳng, những học trò của chàng – hướng về những vòm trời tâm trí.
Thấm thoát, đã hơn một năm trời từ ngày Đan Thanh đến tu viện Thánh n. Đã hàng trăm lần dưới những cây Điền- mã trong sân và dưới cây dẻ tráng lệ, cậu ham thích những môn chơi học trò, chạy đua, đá bóng, trò chơi kẻ trộm cuộc chiến băng banh tuyết. Mùa xuân đã đến; Đan Thanh cảm thấy chán nản khổ đau, cậu thường nhức đầu, và ở lớp, cậu lấy làm khó nhọc khi phải chú ý và giữ cho tâm trí tỉnh táo.
Một buổi chiều, Anh Quân đến tìm cậu, cuộc gặp gỡ ban đầu của họ, trước kia đã biến thành trận đánh nhau nhưng mùa đông này, Anh Quân đã bắt đầu nghiên cứu hình học Eìuclide với cậu. Đấy là vào giờ sau bữa ăn chiều, một giờ tự do mà mọi người được phép chơi trong những hành lang, tán gẫu trong các phòng, và còn được đi dạo ở sân bên ngoài tu viện.
Đan Thanh này – Anh Quân vừa nói vừa kéo cậu xuống bực cấp – tao sắp kể cho mày nghe một câu chuyện, một chuyện rất hay. Nhưng mày là một thằng gương mẫu và mày muốn trở thành linh mục một ngày kia, chắc thế. Trước hết mày hãy hứa với tao là mày sẽ cư xử như một thằng bạn tốt và không đi mách lẻo với mấy thầy.
Đan Thanh không do dự hứa với bạn. Cậu biết có hai cảm thức danh dự đôi khi xung khắc: danh dự của tu viện và danh dự bạn bè. Nhưng, ở đâu cũng thế, luật lệ bất thành văn vẫn mạnh hơn và khi còn là học trò, cậu sẽ không bao giờ vi phạm những luật lệ ấy.
Hạ thấp giọng, Anh Quân kéo cậu ra cổng chính dưới bóng cây. Ở đây – hắn kể – có một tụi ham vui dạn dĩ – mà hắn là một – đã thừa hưởng một truyền thống từ các thế hệ học sinh trước (và đừng bao giờ, tuyệt đối đừng bao giờ quên rằng tụi ấy không phải là những thầy tu): ấy là nhảy quá bức thành tu viện để chơi một buổi chiều, đi vào xóm làng. Đấy là một trò chơi, một cuộc mạo hiểm mà một thằng đúng điệu không thể bỏ qua. Họ lại trở về vào lúc đêm.
Nhưng vào lúc ấy cửa đã đóng – Đan Thanh bảo.
– Dĩ nhiên, dĩ nhiên là cửa đóng, nhưng chính vậy mới là cái thú vị say mê của cuộc du hành. Ta có thể tìm những lối đi bí mật để vào, đấy không phải là lần đầu tiên.
Đan Thanh nhớ lại những kỷ niệm. Cậu đã nghe từ ngữ “vào xóm làng”. Người ta muốn nói đến những cuộc đi đêm của học trò để tìm mọi thú vui vụng trộm và những cuộc phiêu lưu mà qui luật tu viện cấm nhặt với những hình phạt nghiêm khắc nếu vi phạm. Thật đáng lo. “Vào xóm” là một việc tội lỗi, một việc bị cấm chỉ. Nhưng cậu cũng rất hiểu rằng chính vì thế mà, đối với những “người đúng điệu”, sự đánh liều với hiểm nguy như vậy có thể được xếp vào qui phạm danh dự, và một phần nào, sự việc được mời tham dự cuộc mạo hiểm ấy cũng là một biệt đãi.
Cậu sẽ sẵn sàng nói không và vội vã trở vào, đi ngủ. Cậu đã mệt mỏi, cảm thấy khổ sở vì suốt buổi chiều cậu bị nhức đầu. Nhưng cậu hơi hổ thẹn trước Anh Quân. Và biết đâu? Biết đâu ở ngoài kia, trong cuộc viễn du, lại không có một cái gì đẹp và mới mẻ, một cái gì có thể làm ta quên đi chứng nhức đầu, quên đi những khổ sở này. Đấy là một chuyến bay ra cuộc đời, dĩ nhiên là bị cấm, một chuyến bay lén lút, không oanh liệt lắm, nhưng có lẽ đồng thời cũng là một sự giải thoát, một kinh nghiệm sống. Cậu vẫn do dự trong khi Anh Quân cố thuyết phục, và cuối cùng cậu cười lớn gật đầu.
Không bị ai thấy, cậu biến mất cùng với Anh Quân dưới những cây Điền- mã trong sân rộng đã mờ tối và cánh cổng ngoài vào giờ ấy đã đóng. Bạn cậu dẫn cậu đi vào nhà máy xay của tu viện. Trong bóng tranh tối tranh sáng và tiếng ồn không ngừng của những bánh xe họ dễ dàng lẻn đi không ai nghe thấy. Trèo qua một cửa sổ, trong bóng tối như bưng họ đến một chiếc giàn gồm những cây xà ẩm và trơn. Họ lấy bớt một cây và bắc ngang suối để đi qua. Thế là họ đã ra ngoài, đi trên con đường cái loang loáng ánh mờ, rồi mất hút trong khu rừng âm u. Tất cả chuyện ấy thật kỳ thú, huyền bí, đầy quyến rũ đối với cậu bé.
Ở mép rừng, đã có một cậu bạn Cát Sinh, và sau một hồi lâu một cậu nữa đến, vừa đi vừa nện gót giày: cậu Trương Hà cao lớn. Cả bốn đi bộ qua khu rừng, trên cao những con chim đêm hót, vài ngôi sao lấp lánh tia sáng ẩn giữa những làn mây bất động. Cát Sinh nói chuyện và đùa cợt; thỉnh thoảng, các cậu khác phụ họa bằng một tràng cười. Trên đầu họ, đêm trôi lượn trong vẻ tráng lệ uy nghiêm, bổng gieo vào lòng họ một mối lo ngại và làm tim họ đập nhanh.
Ra khỏi rừng sau chừng một tiếng đồng hồ họ đến làng. Vạn vật như đã say ngủ. Những đầu hồi thấy có vòng sắt mờ tối của những cây xà xuyên ngang phản chiếu một ánh sáng phờ phạc; không đâu có ánh đèn. Anh Quân đi dẫn đầu. Họ im lặng lách xung quanh những ngôi nhà, nhảy qua một hàng rào vào một khu vườn. Bước chân họ lún trong những luống đất mềm, vấp trên các bực cấp, rồi dừng trước bức tường của một ngôi nhà.
Họ nghe một tiếng động bên trong, và không lâu một ánh sáng yếu ớt soi lên, cửa mở, và từng người nối nhau leo vào trong nhà bếp có lò sưởi mờ tối và nền đất nện. Trên lò sưởi một ngọn đèn dầu nhỏ xíu, bấc đèn vươn lên một ngọn lửa bé bỏng lập lòe nhảy múa. Một thiếu nữ, một thôn nữ trẻ thật gầy đang đứng đấy, bắt tay những người mới đến. Phía sau, một hình bóng nữa hiện ra khỏi bóng tối, một cô bé rất nhỏ có những bím tóc dài thâm u. Anh Quân mang quà cho những cô bé, nửa ổ bánh mì trắng ở tu viện và một vật gì trong một bọc giấy. Đan Thanh đoán có lẽ là một ít hương lấy trộm hay sáp đèn cầy. Cô bé tóc bím đi ra. Cô mò mẫm tìm đường đến cửa, ở ngoài một lúc lâu và trở vào, mang theo một chiếc bình có quai bằng đất xám trên cắm một chiếc hoa xanh mà cô đưa cho Cát Sinh. Cậu uống và chuyền tay cho mọi người đều uống. Đấy là rượu tần.
Dưới ánh đèn nhỏ, họ ngồi cả xuống. Hai cô gái ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ thô kệch; xung quanh họ, dưới đất, là những cậu học trò. Họ thì thào nói chuyện, thỉnh thoảng lại uống rượu. Anh Quân và Cát Sinh điều khiển cuộc đàm thoại. Chốc chốc một người trong bọn đứng lên vuốt ve tóc hay gáy của cô gái gầy, nói nhỏ vào tai cô một điều gì đó. Họ không động tới cô gái bé. Có lẽ cô lớn là cô gái giúp việc, còn cô bé xinh đẹp kia là con chủ. Vả chăng có can hệ gì đến Đan Thanh, chuyện ấy không làm cậu chú ý, bời vì cậu sẽ không bao giờ trở lại. Sự trốn ra vụng trộm và chuyến đi chơi đêm trong rừng đẹp thật; đấy là một chuyện mới mẻ thú vị huyền bí, tuy nhiên không mấy nguy hiểm. Dĩ nhiên điều ấy cũng bị cấm. Tuy thế cậu không cảm thấy lương tâm nặng nề vì đã vi phạm điều cấm đoán kia. Chứ những gì xảy ra nơi này, sự viếng thăm về đêm này, ở nhà các cô gái, thì thực là quá cấm, cậu cảm thấy đây là một tội lỗi. Với những người khác, ngay cả chuyện ấy cũng có thể chỉ là một sự xé rào nhỏ, nhưng không phải với cậu. Với cậu, người đã tự biết mình được chỉ định để sống đời khổ hạnh, thì không có phép dính líu đến con gái. Không, cậu sẽ không bao giờ trở lại đây. Nhưng trái tim xao xuyến của cậu đập mạnh dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn soi gian nhà bếp khốn nạn. Các bạn cậu tha hồ làm dáng trước các cô, cố tỏ ra lanh lợi, xen những từ ngữ La Tinh vào câu chuyện. Cả ba dường như đều được cảm tình của cô bé. Thỉnh thoảng họ tiến đến gần cô bé để làm những cử chỉ mơn trớn vặt vãnh một cách ngượng ngập, âu yếm nhất là một cái hôn rụt rè. Họ dường như biết rõ những giới hạn của họ. Vì cuộc đàm thoại phải nói rất nhỏ, sự tình này tựu trung có một vẻ gì thật buồn cười. Nhưng Đan Thanh không cảm thấy thế. Ngồi xổm trên đất, cậu nhìn chú mục vào ngọn đèn nhỏ không nói một lời. Đôi khi cậu nhìn sang bên cạnh một tia nhìn hơi nặng thèm muốn và bắt gặp thoáng qua một cảnh âu yếm trao đổi giữa những người kia. ước ao tha thiết nhất của cậu là đừng nhìn gì khác ngoài cô bé bím tóc, thế mà đấy lại chính là điều cậu tự cấm đoán mình. Nhưng mỗi lần ý chí cậu yếu đi và mỗi khi tia nhìn cậu lạc vào khuôn mặt khả ái bình an của cô bé, thì cậu lại luôn luôn gặp phải đôi mắt u buồn của nàng đán chặt nơi cậu. Như bị một bùa lực gì thu hút, đôi mắt ấy không rời cậu.
Một giờ trôi qua – chưa bao giờ Đan Thanh thấy một giờ qua lâu đến thế – các cậu học trò đã cạn hết những từ ngữ La Tinh và những cách vuốt ve của họ. Sự im lặng bao trùm, người ta đâm ra hơi bối rối, Trương Hà bắt đầu ngáp. Cô tớ gái liền mời họ ra về. Mọi người đứng dạy, chìa tay bắt tay nàng. Sau đó, họ đều bắt tay cô bé chủ. Đan Thanh là người cuối cùng bắt tay. Đoạn Cát Sinh bước xuống trước tiên, bằng lối cửa sổ, Trương Hà và Anh Quân theo sau họ. Khi đến lượt Đan Thanh ra ngoài, cậu cảm thấy vai mình bị một bàn tay giữ lại. Cậu không thể dừng, duy chỉ khi xuống đến đất ở bên ngoài rồi cậu mới ngập ngừng quay lại. Cô bé bím tóc cúi mình ra ngoài cửa sổ.
Đan Thanh! Nàng thì thầm. Cậu ngừng lại. Anh có trở lại không? Nàng hỏi.
Cậu lắc đầu. Nàng đưa hai tay ra ngoài, ôm lấy đầu chàng. Cậu bé cảm thấy trên thái dương hai bàn tay nhỏ ấm của nàng. Nàng cúi rất thấp ra ngoài cho đến khi đôi mắt u buồn của nàng áp sát mắt Đan Thanh.
Trở lại! Nàng thì thào, và môi nàng chạn phải môi chàng trong một cái hôn thơ dại.
Cậu chạy nhanh để theo các bạn qua khu vườn, trượt chân trên các luống đất, ngửi thấy mùi đất và phân, bàn tay bị rách nơi một cây hoa hồng, leo qua hàng rào và vừa đi vừa chạy theo sau các bạn, cậu rời khu làng, tiến về cánh rừng. “Đừng bao giờ nữa!” Ý chí cậu ra lệnh.”Trở lại đêm mai!” Con tim cậu van xin trong một lời thổn thức.
Những con chim đêm ấy không gặp phải người nào, trở về tu viện không bị rầy rà, vượt suối, qua nhà máy xay, đến sân cây Điền- mã và lẻn vào qua các cửa sổ có những cột nhỏ ngăn đôi, họ trở về tu viện, vào dãy phòng ngủ.
Hôm sau, người ta phải đánh mạnh để thức cậu Trương Hà cao lớn dậy vì cậu ngủ say như chết. Tất cả đều kịp giờ khóa lễ sáng, kịp ăn điểm tâm và đến lớp.
Nhưng Đan Thanh có một bộ mặt thảm đạm đến nỗi cha Lương hỏi cậu có ốm chăng. Bằng một cái nhìn, Anh Quân canh chừng cậu, và cậu thưa rằng cậu vẫn mạnh. Nhưng vào giờ học tiếng Hy Lạp, giữa ngày, Huyền Minh nhìn cậu không rời mắt. Chàng cũng thấy rõ Đan Thanh bị đau đớn, nhưng chàng không nói gì, chỉ quan sát cậu. Cuối bài học chàng gọi cậu lên. Để khỏi khơi sự chú ý của các học trò, chàng giao cho cậu một công việc ở thư viện và theo cậu đến đấy.
-Đan Thanh – chàng bảo – tôi có thể làm gì giúp em không? Tôi thấy em buồn nản. Có lẽ em ốm chăng? Nếu thế thì chúng tôi sẽ cho em vào giường và bảo người đem cháo và một cốc rượu cho em. Hôm nay em không để đầu óc vào bài học.
Chàng đợi rất lâu một câu trả lời. Mặt tái nhợt, cậu bé ngước lên chàng đôi mắt lạc loài, cúi đầu, lại ngẩng lên, môi mấp máy muốn nói nhưng cậu không thể thốt nên lời. Bỗng chốc cậu cúi mình sang một bên, trán tựa vào một chiếc bục giữa hai đầu tượng thiên thần nhỏ bằng gỗ sồi đóng khung lấy đầu cậu, và òa khóc nức nở đến nỗi Huyền Minh cảm thấy khó chịu quay mắt đi một lúc trước khi đưa tay nâng cậu bé đang khóc dậy.
-Được – chàng nói với nhiều hảo tâm hơn Đan Thanh từng cảm thấy trong những lời chàng -Được, em cứ khóc đi, không bao lâu em sẽ cảm thấy dễ chịu. Thôi, em ngồi xuống, đừng nói gì, em không cần nói. Tôi thấy em đã kiệt: sức có lẽ em khổ tâm vì phải giữ và giấu giếm cơn buồn của em suốt buổi sáng. Em đã ra khỏi cơn buồn ấy rồi đó! Bây giờ em khóc đi, đấy là điều tốt nhứt em có thể làm. Không? Hết rồi sao? Em đã lại khỏe rồi sao?
Thế thì ta đi ngay đến bệnh xá; em sẽ nằm giường, và chiều nay em sẽ khá. Đi, nào.
Chàng dẫn cậu, tránh đi qua các phòng học, vào một phòng cho bệnh nằm, chỉ cho cậu một trong hai chiếc giường trống và khi Đan Thanh đã ngoan ngoãn bắt đầu thay áo, chàng đến vị hiệu trưởng để cho biết cậu ốm. Chàng còn cho người mang cháo bệnh từ nhà bếp và một cốc rượu như đã hứa, đấy là hai mối lợi mà các cậu học trò ốm nhẹ rất ưa thích.
Nằm trong giường bệnh xá, Đan Thanh cố tìm một lối thoát cho mê lộ của tư tưởng. Cách đấy một liếng đồng hồ, có lẽ cậu đã có thể hiểu rõ được cái gì đã khiến cậu rơi vào một trạng thái mệt mỏi khó tả suốt ngày nay, hiểu sự căng thẳng tột độ của tâm hồn làm cho đầu óc cậu trống rỗng và mắt đổ lửa. Đấy là một nỗ lực mãnh liệt từng phút giây và luôn luôn thất bại, để quên đi buổi tối hôm trước – hay đúng hơn, không phải buổi tối, không phải việc liều lĩnh thú vị ra ngoài tu viện kín cổng cao tường, không phải là cuộc dạo rừng qua chiếc cầu trơn trên dòng suối tối của nhà xay, cũng không phải là việc leo rào, trèo ra vào các cửa sổ và hành lang – mà chính là giây phút trôi qua trước cửa sổ mở của nhà bếp, hơi thở của cô gái nhỏ, lời lẽ của nàng, cái va chạm của bàn tay nàng, cái hôn của đôi môi nàng.
Nhưng ngoài tất cả đó còn thêm một cái gì nữa, một nỗi khiếp đảm mới, một biến cố lớn hoàn toàn mới mẻ: Huyền Minh đã để ý đến cậu, Huyền Minh yêu mến cậu. Huyền Minh đã nhọc lòng vì cậu – chàng, người đàn ông trẻ xuất chúng, cao vời, người hiền đức với đôi môi mỏng hơi nhạo đời. Và lại chính chàng! Cậu đã quỵ trước chàng, đã hổ thẹn, nói lắp bắp, và cuối cùng khóc nấc lên trước mặt chàng. Đáng lẽ chinh phục tâm hồn cao quý ấy bằng những khí giới thanh cao: môn học Hy Lạp, triết lý, hào khí tri thức, sự khắc kỷ đầy cốt cách, thì cậu lại đã tự buông thõng mình trước chàng trong một cơn yếu đuối thảm hại. Cậu sẽ không bao giờ tha thứ cho mình chuyện ấy; không bao giờ cậu còn có thể nhìn vào mắt chàng mà không hổ thẹn.
Nhưng sự căng thẳng cùng tột đã được trút bỏ trong những dòng nước mắt. Sự cô tịch yên lặng của căn phòng, chiếc giường êm làm cậu dễ chịu, cơn tuyệt vọng đã mất hơn phân nửa mãnh lực. Sau chừng một tiếng đồng hồ, một sư huynh phục dịch đi vào với một đĩa xúp, một mẩu bánh mì trắng và một chén rượu đỏ mà ngoài trường hợp đau ốm người ta chỉ cho học sinh uống vào những dịp lễ lạc. Đan Thanh uống, ăn hết nửa đĩa xúp, dẹp đi và bắt đầu suy nghĩ, nhưng vô hiệu. Cậu lại cầm đĩa lên ăn vài thìa. Một lúc sau, khi cửa từ từ mở, Huyền Minh đi vào thăm người ốm, cậu đã ngủ và sắc mặt trở lại hồng hào. Rất lâu Huyền Minh nhìn cậu với vẻ trìu mến, tính tò mò của chàng được thức tỉnh cộng thêm một ít khát khao. Chàng thấy rõ Đan Thanh, cậu không ốm, chàng không còn phải cho mang rượu đến hôm sau. Nhưng chàng biết rõ rằng bùa lực đã tan biến, và họ sẽ trở thành đôi bạn. Hôm nay chính Đan Thanh cần đến chàng, chàng có thể giúp cậu. Một lần khác có lẽ lại đến lượt chàng bị suy yếu, cần giúp đỡ và yêu thương. Và nơi cậu bé này, chàng có thể nhận những giúp đỡ ấy nếu mai sau dù có bao giờ.