Đọc truyện Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang – Chương 2(Phần 2)
Một sự im lặng bao trùm căn phòng nhỏ, nơi tu viện trưởng cho tiếp kiến. Cuối cùng ông già nói tiếp:
– Con thật là một người mộng tưởng, con có những linh kiến – ông nói với giọng thân mật – tuy nhiên người ta cũng có thể lầm lạc vì những ảo ảnh, con đừng tin vào những linh kiến ấy. Chính ta cũng không tin gì chúng. Bây giờ ta muốn biết con có thấy ta nghĩ gì về tất cả việc này không?
– Thưa cha, con có thể thấy rằng cha có những cảm tình rất nhân hậu về việc ấy. Cha tự nhủ: “Đứa trẻ này đang lâm nguy. Hắn có những linh kiến, có lẽ hắn suy tư nhiều quá. Ta cũng có thể trừng phạt hắn, hình phạt sẽ không hại cho hắn. Nhưng hình phạt mà ta sắp gia cho hắn, ta sẽ tự gia cho mình…” Đấy là điều mà cha đang nghĩ.
Vị tu viện trưởng đứng lên. Ngài mỉm cười ra hiệu cho người tân tòng lui ra.
Rất tốt, Ngài nói. Đừng quá xem trọng những linh kiến của con, Huyền Minh. Thượng đế còn đòi hỏi chúng ta khá nhiều việc khác hơn là có những linh kiến. Cứ cho là con đã làm hài lòng một ông già khi hứa với lão một cái chết thoải mái. Cứ cho là ông già ấy đã thích thú khi nghe sự hứa hẹn ấy. Bây giờ, thế đủ rồi. Ngày mai con phải đọc kinh một chuỗi sau khóa lễ buổi sáng; con phải đọc với tất cả sự khiêm cung và đọc từ tận đáy lòng chứ không phải chỉ bằng môi mép. Và ta cũng sẽ làm thế! Bây giờ, con hãy đi đi, Huyền Minh, chúng ta đã nói chuyện khá nhiều.
Một lần khác vị tu viện trưởng phải làm trọng tài giữa Huyền Minh và vị linh mục trẻ nhất đảm nhận chức vụ giáo huấn. Hai người không thể đồng ý về một điểm trong chương trình dạy dỗ ở trường. Huyền Minh tha thiết yêu cầu phải sửa đổi vài điểm trong việc học; chàng biết cách biện minh cho sự sửa đổi ấy bằng những luận cứ hùng hồn, nhưng cha Trương, vì ganh tị không muốn nghe theo những lý lẽ ấy; và họ luôn luôn trở lại chuyện kia. Nhiều ngày trôi qua trong sự giận dỗi và im lặng cáu kỉnh cho đến một hôm Huyền Minh, chắc chắn mình có lý, trở lại đề nghị của mình. Cuối cùng, hơi phật ý cha Trương tuyên bố:
– Được rồi, Huyền Minh, chúng ta sẽ chấm dứt cuộc tranh luận này. Chú cũng biết là chính tôi, chứ không phải chú, sẽ giải quyết vấn đề. Chú không phải là người cộng sự mà chỉ là người phụ tá của tôi, và chú phải vâng phục. Nhưng tôi không hơn chú về kiến thức cũng như về tài năng, trong khi tôi là bề trên của chú theo giáo hệ. bởi vấn đề đã làm chú thắc mắc nhiều như thế nên tôi không muốn tự mình giải quyết cuộc tranh biện. Chúng ta sẽ đạo đạt lên tu viện trưởng và thỉnh cầu Ngài định đoạt.
Họ đến vị tu viện trưởng và cha Từ Vân kiên nhẫn, từ tốn lắng nghe hai vị học giả với những quan niệm khác nhau của họ về sự dạy dỗ và về văn pháp. Khi họ đã trình bày kỹ lưỡng và biện minh cho quan niệm của mình xong, ông già nhìn họ một cái nhìn đầy ranh mãnh, khẽ lắc lắc chiếc đầu già nua và bảo:
Này các con, chắc chắn là các con không ai nghĩ rằng cha lại thông hiểu việc ấy bằng các con. Điều tốt là Huyền Minh đã để tâm đến những công việc của học đường đến cố gắng cải thiện chương trình. Nhưng nếu kẻ bề trên của mình: có ý kiến khác, thì Huyền Minh chỉ có việc im lặng và vâng lời. Tất cả những sự cải thiện học đường sẽ không bù được tai hại nếu vì chúng mà trật tự và tinh thần vâng phục bị lung lay trong tu viện. Cha phiền trách Huyền Minh đã không biết nhường nhịn. Và, hỡi hai nhà thông thái trẻ tuổi, cha cầu mong cả hai con sẽ không bao giờ thiếu những vị bề trên ngu dốt hơn mình, vì không cách gì tốt hơn để đối trị lòng kiêu căng.
Với lời nói đùa vô hại ấy, Ngài cho cả hai lui ra, nhưng những ngày kế tiếp Ngài không quên để mắt xem hai thầy giáo ấy có còn hòa thuận không.
Rồi, một nhân vật mới bỗng xuất hiện trong tu viện, nơi biết bao nhiêu bộ mặt đã đi qua. Nhưng bộ mặt mới này không phải là một trong những khuôn mặt người ta không chú ý hay vội quên đi. Đấy là một cậu trai đã được thân phụ giới thiệu trước, đến vào một ngày mùa xuân để học ở trường của tu viện. Hai cha con buộc ngựa cạnh cây dẻ, và thầy thủ môn ra cổng đón. Cậu trai ngước nhìn cây cao còn trụi lá, bảo:
– Từ trước đến nay con chưa bao giờ thấy một cây như vậy, một cây xinh đẹp, rất lạ. Con muốn biết nó gọi là cây gì.
Người cha – một người đàn ông trọng tuổi, với bộ mặt ưu tư, hơi kiêu không buồn chú ý đến câu hỏi của con. Nhưng thầy thủ môn liền nói cho cậu biết, cậu đã làm ông ưa ngay khi vừa gặp. Cậu bé nhã nhặn cám ơn, chìa tay bắt:
Tôi tên Đan Thanh, đến đây học.
Thầy thủ môn trả lời cậu bằng nụ cười khả ái và đi trước hai người, ông vượt qua cửa chính và bước lên những bực đá lớn. Không ngập ngừng, Đan Thanh đi vào tu viện với cảm nghĩ đã gặp được hai sinh vật mà cậu có thể làm bạn: cây dẻ và thầy thủ môn.
Những người khách được cha hiệu trưởng tiếp, và buổi chiều lại gặp tu viện trưởng. Người cha, một quan viên có thanh thế, giới thiệu cậu con trai tên Đan Thanh, ông ta được mời lưu lại ít lâu làm khách.Tuy nhiên ông chỉ nhận ở lại một đêm, bảo phải đi ngay hôm sau, ông biếu tu viện một trong hai con ngựa. Cuộc đàm thoại với những nhà tu diễn ra trong bầu khí trịnh trọng, lãnh đạm, nhưng những tia nhìn của tu viện trưởng cũng như hiệu trưởng đều âu yếm dừng lại trên Đan Thanh, lúc ấy vẫn kính cẩn lặng im. Cậu bé đĩnh ngộ vẻ đa cảm này được lòng họ ngay.
Hôm sau họ để người cha ra đi không lưu luyến, nhưng họ rất sung sướng giữ lại cậu con.
Đan Thanh được giới thiệu với những thầy giáo, và người ta cho cậu một chiếc giường ở phòng ngủ học sinh. Một cách kính cẩn, nét mặt đượm buồn, cậu từ giã người cha đang lên ngựa trở về, dõi mắt nhìn theo cho đến khi ông khuất dạng giữa vựa lúa và nhà xay dưới vòm cung hẹp của cổng ngoài tu viện. Khi cậu quay lại thì một giọt nước mắt long lanh dưới hàng mi dài màu hung. Nhưng thầy thủ môn đã tiến đến, vỗ vai thân mật:
Này cậu – ông nói để an ủi cậu bé – cậu không nên buồn. Hầu hết mọi học sinh lúc đầu đều hơi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh chị em. Nhưng rồi cậu xem không bao lâu cậu sẽ thấy ở đây người ta cũng sống được, không đến nỗi tệ.
Cám ơn, thưa thầy thủ môn – cậu bé nói – tôi không có anh chị hay em nào cả, tôi không có mẹ, tôi chỉ có cha.
Thế thì thay vì cha cậu, cậu sẽ tìm thấy ở đây những bạn hữu, sự hiểu biết và âm nhạc, và những trò chơi mới mà cậu chưa biết và những thứ này thứ nọ, để rồi cậu xem. Và khi cậu cần một người yêu thương cậu, cậu chỉ cần đến với tôi.
Đan Thanh cười đáp lời ông:
Ồ, tôi cám ơn thầy lắm. Nếu thầy muốn làm cho tôi vui, xin thầy chỉ ngay cho tôi con ngựa nhỏ mà cha tôi để lại hiện ở đâu. Tôi rất muốn chào nó và xem nó có được an ổn không.
Thầy thủ môn liền dẫn cậu đến chuồng ngựa cạnh vựa thóc. Ở đây, trong bóng mờ ấm áp, một mùi nồng nặc xông lên, mùi phân và mùi lúa kiều mạch, và ở trong một ngăn chuồng, Đan Thanh tìm thấy con ngựa đã mang cậu đến đây. Cậu choàng tay qua cổ con vật đã nhìn ra cậu và đưa chiếc đầu về phía cậu, đoạn áp má trên chiếc trán rộng điểm lông trắng và âu yếm vuốt ve con ngựa, vừa nói nhỏ vào tai nó:
Chào mày, Mây Mây, con vật nhỏ tốt bụng của ta ơi. Mày có được mạnh không? Có yêu ta luôn không? Mày ăn có được không? Lại mày nữa – mày có còn nhớ nhà không? Mây Mây, hỡi con ngựa nhỏ cưng của ta ơi, thật may mắn xiết bao là mày đã ở lại đây! Ta sẽ thường đến thăm mày và chăm sóc cho mày.
Cậu bé rút từ tay áo một khúc bánh mì cậu đã để dành từ bữa ăn trưa và bẻ từng mẩu cho ngựa ăn. Rồi cậu chào từ giã nó và theo thầy thủ môn đi qua khoảnh sân rộng như một khoảnh họp chợ của một thành phố lớn, một phần có trồng cây Điền- mã. Ở lối vào các tòa nhà, cậu cám ơn thầy thủ môn và chìa tay cho ông, nhưng cậu bỗng quên đường đi đến lớp mà hôm trước người ta chỉ cho cậu. Mỉm cười hơi đỏ mặt, cậu xin thầy thủ môn hướng dẫn, ông ta vui vẻ làm. Cậu đi vào lớp ở đây chừng hơn mười trẻ con và thiếu niên đang ngồi trên những chiếc ghế dài. Người phụ giáo Huyền Minh quay lại; cậu bé nói:
Tôi là Đan Thanh, học trò mới.
Huyền Minh trả lời cậu bằng một cái chào ngắn ngủi, không mỉm cười chỉ cho cậu một chỗ trên ghế dài cuối lớp, và tiếp tục ngay bài học.
Đan Thanh ngồi xuống, cậu ngạc nhiên thấy một thầy giáo quá trẻ, không lớn hơn cậu bao nhiêu. Cậu cũng ngạc nhiên và sung sướng thấy thầy giáo trẻ này đẹp trai, xuất chúng, nghiêm trang mà đồng thời cũng dễ gây thiện cảm và vô cùng khả ái. Thầy thủ môn đã rất tử tế với cậu, tu viện trưởng đã tiếp đón cậu với niềm hoan hỷ, dưới kia, trong chuồng ngựa thì có Mây Mây, và nó lại là một mẩu nhỏ của gia đình, rồi thì còn có thầy giáo trẻ măng, nghiêm nghị như một nhà bác học, thanh lịch như một hoàng tử, với giọng nói chững chạc thản nhiên, rõ ràng, thuyết phục người nghe. Cậu lắng nghe với lòng đầy cảm ân, mặc dù không hiểu rõ đang nói về vấn đề gì. Cậu cảm thấy mình sung sướng trở lại. Cậu đã được vào một ngôi nhà gồm những người đáng cho cậu yêu mến và cậu sẵn sàng yêu họ và được tình bạn của họ. Buổi sáng, khi thức giấc trong giường cậu đã cảm thấy buồn bã. Cậu còn mệt vì cuộc hành trình. Khi từ giã cha, cậu đã không khỏi khóc chút đỉnh. Nhưng bây giờ, mọi sự đều tốt đẹp, cậu lấy làm hài lòng. Cậu nhìn thầy giáo trẻ rất lâu đôi mắt của cậu cứ hướng về người ấy. Cậu vui thích nhìn bóng dáng cao dong dỏng và thẳng của chàng, nhìn đôi mắt lạnh lùng kia phóng ra những tia sáng, nhìn đôi môi nghiêm nghị đang đọc những ngữ âm với sự rõ ràng chắc chắn, cậu vui thích nghe giọng nói nhẹ nhàng không mệt mỏi của chàng.
Nhưng khi bài học đã chấm dứt và những học trò ồn ào đứng lên, Đan Thanh giật mình hơi thẹn thùng nhận ra mình đã ngủ một lúc khá lâu. Và không phải chỉ mình cậu nhận ra, những người bên cạnh cũng đã chú ý và thì thào bảo nhau. Vừa khi vị thầy trẻ rời khỏi phòng, bạn bè liền co kéo và đẩy Đan Thanh khắp mọi phía.
-Mày ngủ đã phỉ sức chưa? Một đứa nhăn mặt hỏi.
-Thật là một học trò xuất sắc! Nó sẽ là một ngôi sao sáng của nhà thờ ngủ gật ngay bài học đầu tiên.
Ta đem thằng bé con này vào giường đi, một đứa khác đề nghị. Rồi chúng nắm tay chân cậu lôi đi giữa những tràng cười lớn. Giật mình thức dậy Đan Thanh tả xung hữu đột cố thoát và nhận những cú đấm bất ngờ. Cuối cùng chúng thả cậu xuống đất trong khi một đứa trong bọn oắt con còn giữ một bàn chân cậu. Cậu hung dữ cố thoát, nhảy bổ vào đứa bắt được đầu tiên, và cho nó một trận. Đó là một thằng nhóc khá mạnh, mọi người tò mò nhìn hai kẻ đánh nhau. Cậu đã cho đối thủ lực lưỡng nhiều cú đấm, nên có ngay những người bạn trước khi biết tên. Nhưng bỗng chốc, chúng chạy biến mất và vừa khuất dạng thì cha Lương, giám thị phòng học, đi vào đứng trước mặt cậu học trò mới lúc ấy chỉ còn một mình. Ngạc nhiên, ông nhìn cậu bé đang lúng túng ngước nhìn ông với một bộ mặt đỏ tía còn in dấu những cú đấm.
Con làm sao thế? Ông hỏi. Con là Đan Thanh phải không? Có phải chúng nó đã làm gì con rồi không, tụi ranh mươn ấy?
Ồ không, cậu bé nói, con bị thua.
Con bị thua ai?
Con không biết. Con chưa biết một người nào cả. Có một người đã đánh lộn với con.
A! Có phải chính nó đã gây sự không?
Con không biết. Không, con nghĩ có lẽ là chính con đã khởi sự. Chúng chế nhạo con, nên con nổi cáu.
Ồ, con nhập đề khá đấy, con ơi! Như vậy, con hãy nhớ kỹ điều này. Lần sau nếu con còn khởi sự đánh lộn trong lớp nữa, con sẽ bị phạt. Còn bây giờ, hãy đi ăn đi nào! Và đôi mắt tươi cười của ông dõi theo Đan Thanh đang bẽn lẽn chuồn đi, vừa lùa các ngón tay sửa mớ tóc hung bù rối.
Đan Thanh cũng tự nghĩ công trạng hiển hách đầu tiên của cậu ở tu viện thật không đúng lối, thật khá lố bịch. Rất hối, cậu tìm đến các bạn cùng lớp đang ngồi ăn. Nhưng sự tiếp đón của họ đầy thịnh tình và tử tế. vốn có tinh thần thượng võ, cậu giảng hòa với kẻ nghịch và ngay giờ phút ấy, thấy mình được đón tiếp nồng hậu.