Bạn đang đọc Người Từ Miền Đất Lạnh – Chương 6: Tiếp Xúc
Ban đêm chàng nằm trên giường nghe các âm thanh do các tù nhân khác gây ra. Có một cậu bé khóc thút thít và một ông già hát bản “On likely Moor bar t⬙at” đánh nhịp trên chiếc hộp đồ ăn bằng thiếc. Có một anh gác ngục la lớn: “Câm đi, thằng ngu hèn hạ” sau mỗi câu hát nhưng không ai thèm để ý. Có một gã Ái nhĩ lan chuyên hát những bài ca về IRA dù các người khác nói gã vào tù vì tội hiếp dâm.
Leamas vận động cơ thể rất nhiều vào ban ngày với hi vọng về đêm chàng sẽ ngủ được; nhưng vô hiệu. Về đêm mình biết mình ở trong tù; về đêm không có gì, không có một sự đánh lừa nào của thị giác hoặc với chính mình có thể kéo mình ra khỏi tù túng muốn buồn nôn của xà lim. Mình không thể loại bỏ được cái mùi vị tù, mùi quần áo tù, mùi nhà vệ sinh được tẩy uế kỹ lưỡng, tiếng ồn ào của tù nhân. Chính lúc đêm về, sự mất nhân cách của đời sống lao tù trở thành không chịu nổi, chính lúc đó Leamas ước mình đi bộ trong ánh mặt trời đầm ấm của công viên ở Luân Đôn. Chính lúc đó, chàng ghét cay ghét đắng cái chuồng sắt to lớn đang nhốt mình, phải cố dằn lòng lắm mới không đập nắm tay vào chấn song hoặc đập vỡ mồm những tên gác và phóng vào khoảng trời tự do của Luân Đôn. Đôi khi chàng nghĩ đến Liz. Chàng thường hướng đầu óc mình về Liz một cách chớp nhoáng như màn che tiếp – vận – kính của một máy chụp hình, nhớ lại cảm giác khi mềm mại, khi rắn chắc trên thân hình thon dài của nàng rồi gạt ngay nàng ra khỏi ký ức. Leamas không phải là một người quen sống trong mộng tưởng.
Chàng khinh những bạn tù xà lim và họ ghét chàng. Họ ghét chàng vì chàng đạt được trạng thái mà ai nấy trong thâm tâm đều mong mỏi trở thành: một bí mật đối với những kẻ khác. Chàng cố gắng không hoà vào đám đông một phần rõ rệt của cá tính chàng, chàng không để bị lôi kéo vào chuyện tâm sự vụn vặt về người yêu của mình, gia đình của mình hoặc con cái của mình. Họ không biết gì về Leamas, họ đợi, nhưng chàng không thổ lộ. Tù nhân mới hầu hết gồm hai loại – có kẻ vì xấu hổ, sợ hãi hay xúc động mạnh thì chờ đợi trong sự ghê rợn lẫn mê hoặc để được người khác gợi cho biết những kiến thức về đời sống ngục tù, có kẻ thì mang chuyện của mình làm quà để cố hoà mình với mọi người. Leamas không thiên về loại nào. Chàng có vẻ hài lòng vì đã khinh được mọi người và họ ghét chàng vì, cũng như trong đời sống ngoài nhà tù, chàng không cần họ.
Sau chừng mười ngày họ không chịu nổi nữa. Tên đầu sỏ không được chàng kính nể, bọn đàn em không được chàng khích lệ một hai lời nên bọn họ ép Leamas khi đang xếp hàng đợi lấy cơm. “Ép” là một lẽ nghi trong tù, tương tự với xô lấn hồi thế kỷ 18. Bề ngoài không khác gì một tai nạn bất ngờ khiến cho gamen của tù nhân bị lật úp và thức ăn rơi đầy quần áo. Leamas bị xô mạnh về một bên trong khi bên kia có một bàn tay chờ sẵn chặt vào cánh tay chàng, và thế là chuyện xảy ra. Leamas không nói gì, nhìn một cách trầm ngâm vào hai gã đàn ông ở hai bên và lẳng lặng nhận chịu câu chửi tục tĩu của một tên giám thị vốn thừa biết chuyện gì xảy ra.
Bốn ngày sau, trong khi làm việc với một cái cuốc ở luống hoa của nhà tù, hình như chàng vấp ngã. Chàng đang cầm cái cuốc với hai tay ngang người mình, cái cán cuốc ló ra khỏi cánh tay phải độ chừng mười phân. Trong khi chàng vặn người cố giữ căng thẳng thì tên tù ở bên phải chàng gập đôi người với một tiếng rên đau đớn, tay ôm ngang bụng. Từ đó về sau, không có vụ “ép” nữa.
Có điều lạ nhất về chuyện tù là cái bao giấy màu nâu khi chàng ra khỏi tù. Một cách châm biếm, nó nhắc nhở chàng nhớ tới vụ cử hành hôn lễ – với chiếc nhẫn này ta kết hợp ngươi, với bao giấy này ta trả ngươi về xã hội. . Họ đưa chàng cái bao, yêu cầu chàng ký tên và cái bao chứa đựng tất cả tài sản của chàng. Không có cái gì khác nữa. Leamas cảm thấy đó là lúc mất nhân vị nhất trong ba tháng tù và chàng quyết định liệng cái bao đi ngay khi ra đường.
Chàng đã tỏ ra là một tù nhân ít nói, không ai phàn nàn gì chàng cả. Viên quản đốc Khám đường, người đã khá lưu tâm tới trường hợp của chàng nghĩ rằng đó là dòng máu Ái nhĩ lan mà ông ta khẳng định đã khám phá ra nơi chàng.
Ông ta hỏi:
– Anh định làm gì khi ra khỏi đây?
Leamas trả lời, không hề mỉm cười, rằng chàng sẽ làm lại cuộc đời và viên quản đốc nói rằng đó là một điều rất tốt. Và ông ta nói tiếp:
– Còn gia đình anh thì sao? Có dàn xếp yên được mọi chuyện với vợ anh không?
Leamas trả lời dửng dưng:
– Tôi sẽ cố. Nhưng cô ta đã tái giá rồi
Viên sĩ quan hướng dẫn muốn Leamas trở thành một nam trợ tá cho bệnh viện tâm trí ở Burkingham-chire và Leamas đồng ý nộp đơn xin. Chàng còn ghi cả địa chỉ và giờ xe lửa chạy từ Marylebone.
Viên sĩ quan nói thêm:
– Đường xe điện bây giờ chạy đến tận Great Messenden
Leamas bảo như vậy thì hay quá. Thế rồi họ đưa cái gói cho chàng và chàng ra đi. Chàng đi xe buýt đến Marble Arch và xuống đi bộ. Chàng có một ít tiền trong túi và muốn đãi mình một bữa tươm tất. Chàng nghĩ chàng sẽ đi bộ ngang qua công viên Hade để tới Picassilly, và rồi ngang công viên Green và công viên St.James để tới quảng trường quốc hội, và thả bộ xuống Whitehall xuống Strand, nơi chàng có thể đến quán cà phê lớn gần ga Charring Cross và ăn một đĩa thịt bò kha khá với giá 6 silling.
Hôm đó công viên thật đẹp, mùa xuân đã gần tàn và công viên đầy những hoa kỵ phủ lam và thuỷ tiên. Một luồng gío trong sạch và mát mẻ từ phía Nam thổi tới, chàng có thể đi bộ suốt cả ngày. Nhưng chàng vẫn còn gói đồ và chàng phải tống khứ nó đi. . Cái giỏ rác lại quá nhỏ và cố nhét cái túi vào là một hành vi lố bịch. Chàng nghĩ có một hai thứ nên lấy ra – toàn là giấy cũ nát, thẻ bảo hiểm, bằng lái xe và tấm giấy ba mang mấy chữ E93 vỏn vẹn đựng trong chiếc phong bì OHMS – màu vàng nhạt, nhưng bỗng nhiên chàng không muốn phiền phức với nó nữa. Chàng ngồi xuống trên một băng đá và để gói giấy bên cạnh mình, không gần lắm, và xích xa khỏi nó một chút. Sau vài phút, chàng bỏ đi để lại gói đồ. Chàng vừa tới lối đi thì nghe thấy một tiếng kêu, chàng quay lại, có lẽ hơi đột ngột, chàng nhìn thấy một người mặc áo mưa nhà binh gọi chàng, cầm cái gói giấy màu nâu.
Leamas thọc hai tay vào trong túi, quay nhìn qua vai về phía người đàn ông mặc áo mưa. Người đàn ông ngập ngừng, rõ ràng chờ Leamas quay trở lại hoặc tỏ dấu hiệu quan thiết, nhưng Leamas chẳng làm gì cả. Trái lại, chàng nhún vai và tiếp tục đi. Chàng nghe một tiếng kêu khác nhưng vẫn lờ đi và chàng biết người đàn ông đang chay theo sau. Chàng nghe thấy có tiếng chân trên sỏi, gần như chạy nhanh lại gần và một giọng nói gần như đứt quãng với một chút bực bội:
– Này ông, nghe tôi nói đây!
Rồi ông ta chạy lên ngang hàng với chàng khiến Leamas đành phải dừng lại, quay nhìn ông ta:
– Vâng?
– Đây là cái gói của ông phải không? Ông bỏ quên trên băng đá. Tại sao ông không dừng lại khi tôi gọi?
Cao, tóc xoăn màu nâu, cà vạt da cam và sơ mi xanh nhạt, hơi nóng tính, hơi diêm dúa. Leamas thầm nghĩ. Có thể là một giáo sư tốt nghiệp trường Kinh tế Luân đôn và điều hành một hội quán kịch nghệ ở ngoại ô. Mắt yếu. Chàng nói:
– Ông cứ việc để lại đó. Tôi không muốn mang theo.
Người đàn ông đổi sắc mặt:
– Ông không được để đồ ở đó, mất vệ sinh
Leamas đáp lại:
– Có thể lắm chứ. Có thể có người sẽ thấy nó hữu dụng.
Chàng định đi tiếp nhưng người lạ vẫn tiếp tục đứng trước mặt chàng, hai tay ôm cái gói như ôm một đứa trẻ con. Leamas nói:
– Xin cảm phiền tránh đường cho tôi.
Người đàn ông nói bằng một giọng cao hơn:
– Ô kìa, tôi cố ra ơn cho ông. Sao ông phải tỏ ra thô lỗ như thế?
Leamas nói:
– Nếu ông muốn ra ơn cho tôi, sao ông phải theo dõi tôi suốt nửa tiếng vừa qua?
Anh ta cũng khá đấy, chàng nghĩ, anh ta không có vẻ xao xuyến nhưng chắc cũng cứng người.
– Tôi ngỡ ông là một người tôi đã có dịp biết tại Bá Linh
– Vì vậy ông đã theo dõi tôi suốt nửa giờ qua?
Giọng Leamas đầy mỉa mai, trong lúc cặp mắt nâu của chàng vẫn không rời gương mặt ông ta.
– Đâu có tới nửa giờ. Tôi chợt trông thấy ông ở Marble Arch và ngỡ ông là Alec Leamas, người mà tôi đã mượn một số tiền. Tôi thường ở BBC tại Bá Linh và một người ở đó thường cho tôi mượn tiền. Từ đó tôi cứ bận tâm vì món nợ này và chính vì thế tôi đã đi theo ông. Tôi muốn chắc chắn.
Leamas tiếp tục nhìn anh ta không nói, và nghĩ anh ta không khá lắm nhưng cũng không tệ. Câu chuyện của anh ta nghe khó xuôi nhưng cũng không sao. Điều đáng kể là anh ta đã tạo ra một chuyện mới và bám theo nó sau khi Leamas đã phá cái lối làm quen cổ điển. Cuối cùng chàng bảo:
– Tôi là Leamas, còn ông là ai?
Anh ta cho biết tên là Ashe , với một chữ ⬘e” anh ta nói thêm. Và Leamas hiểu anh ta đang nói dối. Anh ta làm bộ không chắc Leamas quả là Leamas nên trong bữa ăn trưa, cả hai mở cái gói và xem thẻ bảo hiểm quốc gia, như hai anh chàng nhu nhược đang rửa mắt với một tấm hình tục tĩu. Ashe gọi thức ăn như một kẻ bất cần phí tổn và họ uống Frankenwein để hồi tưởng thời xưa. Leamas bắt đầu bằng cách chàng không nhớ nổi Ashe và Ashe bảo anh ta rất lấy làm lạ. Anh ta nói với cái giọng ra vẻ mất lòng. Anh ta kể lại hai người đã gặp nhau tại nhà Derek Williame phía trên khu Ku-damn (quả đúng như vậy), vả cả bọn nhà báo cũng ở đó, chắc Alec phải nhớ chứ? Không, chàng không nhớ. Vậy chắc chàng nhớ Derek Williams viết cho tờ Observer, gã thanh niên chịu chơi vẫn thường tổ chức những bữa tiệc đầy thú vị?. Leamas có một trí nhớ rất tồi vê tên người và chăng họ đang nói chuyện về năm 1954, biết bao nhiêu nước đã chảy qua dưới cầu kể từ năm đó… Ashe vẫn nhớ (tên thánh của anh ta là William, tuy vậy hầu hết mọi người vẫn gọi ông ta là Bill), Ashe nhớ một cách rõ ràng. Họ đã uống như một hũ chìm, rượu mạnh cùng rượu bạc hà, và cả hai đều ngà ngà say, rồi Derek gọi các em thật thơm, phân nửa là vũ nữ hộp đêm Malkesten, chắc Alec còn nhớ? Leamas bảo có lẽ chàng sẽ nhớ lại được nếu Bill cứ tiếp tục nói thêm chút nữa.
Bill tiếp tục, có lẽ đụng đâu nói đó nhưng khá hấp dẫn, hơi thiên về chuyên trai gái. Anh ta bảo rằng họ đã kết thúc đêm vui tại một hộp đêm với ba cô gái trong bọn kể trên như thế nào. Alec, một anh chàng làm việc tại phòng cố vấn chính trị và Bill; và Bill đã quá bối rối vì quên mang tiền theo nên Alec phải trả, và Bill đã muốn đem một em về phòng và Alec đã cho anh ta mượn một món tiền nữa…
Leamas kêu lên:
– Trời ơi, bây giờ tôi đã nhớ. Dĩ nhiên là phải nhớ.
Ashe sung sướng nói, gật đầu với Alec qua mép ly
– Tôi biết anh sẽ nhớ ra. Nào, mình hãy uống cạn ly. Vui quá!
Ashe tiêu biểu cho loại người sống với người khác theo một nguyên tác: thử thách và đáp ứng. Mềm nắn rắn buông. Tự mình không có một ý kiến hoặc sở thích nào đặc biệt, anh ta dựa theo bất cứ điều gì phù hợp với kẻ đối thoại. Anh ta sẵn sàng uống trà tại tiệm Fortum và uống bia tại Prospect of Whitby; anh ta có thể nghe quân nhạc tại công viên St.James cũng như có thể nghe nhạc jazz trong một hầm nhạc tại đường Compton; giọng anh ta có thể rất run rẩy đầy thiện cảm khi nói về Shapervile, hoặc có vẻ hằn học khi nói về sự gia tăng của những người da màu tại Anh Quốc. Với Leamas, cái vai trò thụ động rõ rệt này thật là đáng lánh; nó bộc lộ cái huênh hoang nơi anh ta nên chàng thường nhẹ nhàng đưa hắn vào một vị trí đã định và tự mình rút về khiến Ashe luôn luôn phải luống cuống thối lui khỏi thế kẹt mà Leamas đã nhử hắn vào. Trưa hôm đó có những lúc Leamas ương ngạnh một cách khá trâng tráo đến nỗi Ashe cảm thấy có đủ lý do để chấm dứt câu chuyện – nhất là vì hắn là người trả tiền – nhưng hắn không dứt chuyện. Người đàn ông nhỏ thó với nét mặt buồn bã đeo kính ngồi ở bàn bên cạnh, đang mải mê với cuốn sách nói về sự chế tạo các vỏ bao đạn, có lẽ đã suy đoán rằng, nếu anh ta đang lắng nghe, Leamas đang say sưa với trò hành hạ người bạn ngồi chung bàn, hoặc (nếu anh ta là một người rất tinh tế) Leamas đang chứng tỏ rằng chỉ người nào có một lý do kín đáo thúc đẩy mới chịu đựng được lối đối xử như vậy.
Khi họ gọi tính tiền thì đã gần bốn giờ, Leamas cố nài trả phần mình nhưng Ashe không chịu. Anh ta trả tiền và rút tập ngân phiếu ra để trang trải món nợ của anh ta cho Leamas. Anh ta vừa nói vừa điền ngày tháng vào ngân phiếu:
– Hai chục Anh kim
Rồi anh ta ngước nhìn Leamas, mở to mắt và mỉm cười:
– Anh lấy chi phiếu tiện cho anh chứ?
Hơi đỏ mặt, Leamas trả lời:
– Lúc này tôi không có ngân hàng nào cả vì mới ở ngoại quốc về. Chắc tôi phải thu xếp lại. Tốt hơn anh đưa tôi một chi phiếu và tôi sẽ lĩnh tiền tại ngân hàng của anh.
– Bồ ơi, tôi không hề ngờ như vậy. Anh phải đi tới Rotherhithe để đổi chi phiếu này lấy tiền mặt.
Leamas nhún vai và Ashe cười. Họ đồng ý gặp lại nhau vào chỗ cũ ngày hôm sau, vào lúc một giờ. Ashe sẽ mang tiền mặt đến.
Ashe kêu tắc xi tại đường Compton và Leamas vẫy tay chào cho đến khi cái xe khuất dạng. Lúc xe đi rồi, Leamas nhìn đồng hồ. Bốn giờ. Chàng đoán là vẫn còn bị theo dõi nên đi bộ xuống đường Fleet và uống cà phê tại quán Black and White. Chàng nhìn các tiệm sách, đọc qua các bài báo buổi chiều bày tại các sạp báo. Rồi hết sức bất ngờ, làm như ý tưởng đó mới hiện đến trong đầu, chàng nhảy lên một chiếc xe buýt. Xe buýt chạy đến đồi Ledgate, thì bị kẹt đường tại một chô gần ga tàu điện ngầm. Chàng liền xuống xe và đi tàu điện. Chàng mua vé giá 6 xu, đứng trên ga cuối và xuống ga kế. Chàng đáp một chuyến tàu khác tới Euston, đi ngược lại Charing Cross. Khi chàng tới ga thì đã 9 giờ và trời trở lạnh. Một chiếc xe chở hàng đậu trong sân phía trước và gã tài xế xe đang ngủ.
Leamas liếc nhìn số xe, đi lại và gọi chủ xe:
– Ông từ Clement tới phải không?
Người tài xế giật mình thức dậy, hỏi:
– Ông là Thomas?
Leamas trả lời:
– Không, Thomas bận không đến được. Tôi là Amies từ Houslow đến.
Người tài xế mở cửa:
– Nhảy vào đi, ông Amies
Họ cho xe chạy về phía Tây, tới đường King. Người tài xế có vẻ biết rõ con đường.
Contro mở cửa cho chàng và bảo:
– George Smiley đi vắng. Tôi đã mượn nhà anh ta. Anh hãy vào đây.
Khi Leamas đã đi vào và cửa được đóng lại, Control mới bật đèn trong tiền đình. Leamas nói:
– Tôi bị theo dõi đến tận giờ ăn trưa.
Họ bước vào một phòng khách nhỏ, sách để đầy rẫy. Đó là một căn phòng xinh xắn, trần cao, trang trí kiểu thế kỷ 18, cửa sổ dài và một lò sưởi tốt.
Leamas đốt một điếu thuốc lá và nói tiếp:
– Chúng vừa tiếp xúc với tôi sáng nay. Một người tên Ashe. Một anh diêm dúa. Chúng tôi hẹn mai gặp lại.
Control chăm chú nghe chuyện của Leamas, từng đoạn một, từ ngày chàng đánh gã chủ tiệm tạp hoá Ford cho đến cuộc chạm trán với Ashe sáng hôm nay. Control hỏi, tựa hồ Leamas vừa nghỉ phép về:
– Anh thấy ở tù ra sao? Rất tiếc chúng tôi không làm gì hơn đựơc cho anh. Chẳng hạn thêm một chút tiện nghi đặc biệt, chúng tôi không thể làm thế.
– Dĩ nhiên là không.
– Phải trước săunh một. Đối với mỗi giai đoạn mình phải theo đúng răng rắc. Nếu phá mặt lá bùa thì hỏng bét. Tôi nghe nói anh đã bị ốm. Tôi xin chia buồn. Sao vậy?
– Chỉ là bị sốt chút đỉnh.
– Anh phải nằm bao lâu?
– Khoảng mười ngày.
Im lặng rất lâu rồi Control tự hỏi một cách bình thản:
– Anh biết cô ta ở trong Đảng Cộng Sản chứ?
Leamas đáp:
– Vâng
Im lặng một lúc nữa, Leamas mới tiếp lời:
– Tôi không muốn cô ta bị liên quan vào chuyện này
– Sao lại để cô ta liên quan?
Control hỏi bằng giọng gay gắt, trong chốc lát, chỉ trong chốc lát Leamas nghĩ chàng đã chọc thủng được chiếc mặt nạ lãnh đạm giả tạo của ông ta. Control tiếp:
– Ai nói là nên đưa cô ta vào vụ này?
Leamas trả lời:
– Không ai nói cả. Tôi chỉ muốn trình bày việc này cho rõ. Tôi biết sự việc sẽ ra sao – toàn những hành động gây hấn. Sẽ có những vụ phản động, những diễn biến bất ngờ. Trong lúc mình yên trí sẽ bắt được một con cá thì lại bắt dược con cá khác. Tôi muốn cô ta được tách ra khỏi vụ này.
– Hẳn rồi, hẳn rồi.
– Người đàn ông tên Pitt ở Nha Nhân công là ai vậy? Có phải anh ta đã làm cho cơ quan trong thời chiến tranh?
– Tôi không biết ai có tên đó. Anh nói y tên Pitt?
– Vâng
– Không, tôi không hề biết y. Anh nói y làm ở Nha Nhân công à?
Leamas khẽ kêu lên:
– Trời ơi!
Control đứng dậy:
– Tôi xin lỗi đã lơ là nhiệm vụ của m ột phó gia chủ. Anh uống một ly nhé?
– Không, tôi muốn đi ngay đêm nay. Về thôn quê để tập luyện lại. Nhà còn mở cửa chứ?
– Tôi sẽ thu xếp một chiếc xe. Anh sẽ gặp lại Ashe mấy giờ ngày mai – một giờ chứ?
– Tôi sẽ điện thoại cho Haldane hay anh muốn theo luyện. Anh nên đi khám bác sĩ, về cái bệnh sốt hôm trước của anh.
– Tôi không cần bác sĩ.
– Tuỳ anh.
Control tự rót cho mình một ly whisky và lơ đễnh nhìn giá sách của Smiley xếp trên kệ. Leamas hỏi:
– Sao không có Smiley ở đây?
Control trả lời một cách thản nhiên:
– Anh ta không thích công tác này. Anh ta nghĩ đây là một vụ không thú vị. Tuy vẫn cho là cần thiết nhưng anh ta vẫn không muốn dính vào.
Control vừa mỉm một nụ cười lạ vừa nói thêm:
– Cơn sốt của anh ta hầu như vẫn tái diễn thường xuyên.
– Anh ta không ưa tôi.
– Đúng thế, anh ta không muốn dính vào nhưng anh ta đã nói cho anh nghe về Mundt và anh cho biết tình hình hiện tại?
– Vâng
Control trầm ngâm
– Mundt là một tên khó chơi, chúng ta đừng bao giờ quên điều đó. Y lại còn là một sĩ quan tình báo lỗi lạc.
– Smiley có biết lý do công tác không? Các lợi ích đặc biệt.
Control gật đầu và hớp một miếng whisky:
– Thế mà anh ta vẫn không thích?
– Đây không phải là vấn đề luân lý. Anh ta cũng như một viên bác sĩ giải phẫu chán thấy máu. Anh ta thích có người khác đảm đương vụ này.
– Xin ông hãy cho tôi biết, tại sao ông chắc việc này sẽ đưa chúng ta đến nơi chúng ta muốn? Sao ông bọn Đông Đức sẽ nhảy vô mà không phải bọn Tiệp hay Nga?
Control nói giọng hơi phách lối:
– Anh cứ yên tâm. Mọi việc đã đựơc lo liệu kỹ càng.
Khi hai người ra đến cửa, Control nhẹ đặt tay lên vai Leamas và bảo:
– Đây là một công tác cuối cùng của anh. Rồi anh sẽ được về, khỏi phải ở ngoài nơi giá lạnh. Còn cô gái đó – anh có muốn chúng tôi giúp cô ta cái gì không? tiền bạc hay bất cứ gì?
– Khi công việc xong, tôi sẽ tự lo cho cô ta.
– Hẳn rồi. Làm cái gì bây giờ cũng không an toàn.
Leamas nhấn mạnh lần nữa:
– Tôi muốn cô ta được yên. Tôi không muốn cô ta bị quấy rầy. Tôi không muốn cô ta có tên trong hồ sơ hoặc bất cứ thứ gì. Tôi muốn mọi người quên cô ta đi.
Chàng gật đầu chào Control và nhẹ nhàng bước ra ngoài không khí ban đêm. Vào nơi giá lạnh.