Bạn đang đọc Người Bình Xuyên: Thực Dân Pháp Lo Nhật Đảo Chánh Sợ Tù Phá Ngục Gây Rối Sài Gòn
Đại úy Sa-va-ni có thói quen sáng nào cũng thức sớm bắt đài “nước Pháp tự do” để nghe tin tức chiến sự. Sáng nay có một tin quan trọng khiến hắn vừa mừng, vừa lo. Nga đã đẩy lùi cuộc tấn công ồ ạt của Đức vào thành phố Sta-lin-grát và đã phản công. Đây là một khúc ngoặt quan trọng trong đệ nhị thế chiến. Phe Trục đã bắt đầu núng thế.
Sa-va-ni thiên về phe kháng chiến Đờ Gôn mặc dù vẫn giữ chức trưởng Phòng Nhì Nam kỳ của Chính phủ Visy (Vichy) do thống chế Pê-te cầm đầu. Tin quân Nga phản công làm đại úy vui mừng, nhưng cũng rất lo vì, “chó cùng cắn bậy”, bọn Nhật ở Đông Dương sẽ đảo chính bất cứ lúc nào chưa biết được. Sa-va-ni thay quần áo, sửa soạn tới sở. Trên đường đi, hắn đổi ý, gọi xích lô:
– Đến đầu đường Duranton. (nay là đường Bùi Thị Xuân)
Đường Duy-răn-tông là một trong những con đường đẹp của thành phố Sài Gòn.
Đường nhỏ và ngắn, hai bên có hai hàng cây dầu già vươn thẳng lên trời xanh, giao cành che rợp bóng mát mặt đường nhựa phẳng phiu. Các dãy phố lầu một tầng, trước có sân gạch, hàng rào, cửa sắt, trên có bao lơn xinh xinh. Đây là xóm tiểu tư sản thành thị, có nếp sống ổn định, có trình độ văn hóa trung bình.
Cho nên bước tới đây, khách sẽ thấy yên tĩnh, dễ chịu, không ồn ào, náo nhiệt như ở Ngã Sáu, cách đấy chừng trăm thước.
Sa-va-ni xuống xích lô ở đầu đường, lững thững đi bách bộ. Đến một căn nhà đầu dãy hắn nhận chuông. Một cô gái chạy ra đưa hắn vào.
Từ khung cửa, một thiếu phụ khoảng 30, vén bức màn tuyn bước ra bắt tay Sa-va-ni.
– Ngọn gió nào đưa đại úy tới đây?- Bộ đồ hàng màu hột gà tôn vẻ tươi tắn của thiếu phụ. Nàng có vẻ đẹp của cô gái lai Pháp, dáng thanh thanh, mặt trái xoan, mũi ắt sáng, mi dài và cong. Đôi môi trái tim cười thật hấp dẫn.
– Ngọn gió nào hả? Ngọn gió độc làm tôi nhức đầu quá nên sáng nay tới đây tìm chút “khói”…- Sa-va-ni nói tiếng Việt rành rõ như các tay thực dân cưới vợ Việt, ăn được mắm sống- cô Bảy làm cho tôi một cặp đi.
– Có ngay! Mời đại úy lên lầu!
Trên lầu có đi-văng gõ, trang bị đủ thứ cho khách “đi mây về gió” như gối sành, ống nhổ, bàn đèn dọc tẩu. Dọc tẩu bằng gỗ mun cẩn bạc, thật sang, Sa-va-ni cởi giày, ngả lưng xuống đi-văng trong khi cô Bảy làm thuốc:
– Bồi thẩm Ếch-teo (Estève) với tổng giám thị A-gốt-ti-ni (Agostini) có thường tới đây không?
– Cặp bài trùng có tuần nào không tới? Đại úy nằm đây một lát, là họ tới ngay đó!
Ếch-teo và A-gốt-ti-ni cũng như Sa-va-ni, không thích tới nhà “xẹc” 1 vì ở đó không có bàn đèn như ở đây. Ếch-teo và A-gốt-ti-ni gắn bó với nhau vì nghề nghiệp, một người chuyên nghề bỏ tù thiên hạ, còn một người là chúa ngục. Sáng nay Sa-va-ni tới đây cốt ý là để gặp hai nhân vật này.
Sau khi làm đủ một cặp, Sa-va-ni nằm nhắm mắt thả hồn bay về đảo Coóc (Corse) giữa muôn trùng sóng biếc Địa Trung Hải.
Dân đảo này có máu giang hồ, thích phiêu lưu, tình nguyện đi phục vụ tại các thuộc địa xa xôi, say mê những nghề nguy hiểm như làm chúa ngục hay đấu trí đấu lực với những đối thủ cao tay nhằm giành quyền khai thác thuộc địa.
Không bao lâu cặp bài trùng Ếch-teo và A-gốt-ti-ni tới. Sau màn nhả khói phun mây, cả ba tỉnh như sáo. Sa-va-ni đi thẳng vào đề:
– Ba đêm rồi tôi không ngủ được. Nếu Nhật đảo chính, mình phải làm sao đây?
Ếch-teo nhún vai:
– Khéo lo chuyện bao đồng! Đã có đô đốc Đờ-cu đã có thống đốc Nam kỳ! Pa-giét đi, thì Hốp-phen tới!
– Sao không nói là đã có thống chế Pê-te? Mấy ông cam phận quá!- Sa-va-ni lắc đầu tỏ vẻ thương hại.
– Chứ đại úy tính đánh à? Thôi, cho tôi xin! Đừng đi vào con đường tự sát!- A-gốt-ti-ni cười ranh mãnh.
– Tôi chiến đấu tới cùng! Còn nước còn tát- Để vài phút trôi qua, Sa-va-ni nói tiếp- Thằng Nhật không đáng sợ. Nó từ xa tới, không rành nơi đây như chúng mình. Tôi sợ nhất là mấy thằng tù trong tay ông đó. Chúng mà phá khám ra được thì đại loạn!
Ếch-teo hớp một ngụm trà ướp sen, gật gù:
– Như vậy mình sẽ lâm vào thế “lưỡng đầu thọ địch”, một đầu là mấy thằng phát xít lùn, một đầu là mấy thằng tù phá khám, nguy quá chớ!
– Càng nguy hơn nữa là Cộng sản nắm được đám đầu trộm đuôi cướp… Sa-va-ni như nói với chúng mình.
A-gốt-ti-ni kêu lên:
– Làm gì có chuyện đó! Với tư cách là chúa ngục, tôi am hiểu nhiều về mấy thằng tù của tôi. Cộng sản thì sống chết với lý tưởng viển vông của chúng. Còn đám ăn cướp thì rất thực tế, chỉ biết có tiền, rượu và gái… cũng y như bọn mình. Cộng sản không thể nào nắm được đám du đãng…
Sa-va-ni ngắt ngang:
– Đừng chủ quan!
A-gốt-ti-ni gằn giọng:
– Tôi không chủ quan! Cộng sản với du đãng là hai cực âm, dương, làm sao gặp nhau được!
Sa-va-ni nhấn mạnh:
– Đồng ý chúng là hai cực âm dương. Nhưng chính ông đã chập hai cực âm dương đó lại nó biến thành dòng điện xẹt lửa.
A-gốt-ti-ni ngơ ngác:
– Hồi nào?
– Ông đã nhốt chung mấy thằng “rô-li-tíc” với đám đầu trộm đuôi cướp. Ông đã giúp Cộng sản nhuộm đỏ bọn tù án. Ông đã tiếp tay với Cộng sản.
Ếch-teo nhảy dựng lên:
– Sao lạ vậy? Tôi đã ra lệnh giam riêng chúng nó mà, A-gốt-ti-ni?
A-gốt-ti-ni lúng túng:
– Trước đây thì nhốt riêng. Nhưng từ năm 40, sau vụ bạo động cuối tháng 11, ta bắt giam nhiều quá, không đủ khám nên bắt buộc phải nhốt chung- hắn cười gượng- Tôi nghĩ rằng như vậy cũng hay hay: Mình lấy độc trị độc, để bọn thường phạm trừng trị Cộng sản cứng đầu cứng cổ.
Ếch-teo kêu lên:
– Đúng là ngu như chúa ngục! Chút nữa, về nhốt riêng ra! Muộn còn hơn không, nghe chưa?
A-gốt-ti-ni sượng sùng như chó ăn vụng bột.
Sa-va-ni nói tiếp:
– Bọn trong tù chỉ cần xiết vô khuôn khổ, canh gác cẩn thận. Đáng ngại là đám còn ở bên ngoài. Đây là một lực lượng quan trọng, vì chúng rất đông, xóm nào cũng có, đặc biệt ở bến xe, cầu tàu, sòng bạc, trường gà, trường đua, rạp hát, cao lâu, vũ trường. Trong cuộc tranh chấp giữa chính quyền và bọn phản loạn, ai nắm được lực lượng này, người đó sẽ thắng. Điều này đã được chứng minh trong lịch sử Pháp. Na-pô-lê-ông đệ tam (Napoléon III) cũng đã nhờ đám du đãng Bô-hêm (Bohême) mà nhảy lên ngôi Hoàng đế.
Ếch-teo gật gù:
– Đúng. Nhưng đại úy đã nắm được tình hình du đãng trong đô thành Sài Gòn- Chợ Lớn chưa?
Sa-va-ni gật:
– Được chớ! Theo cuộc điều tra của Phòng Nhì sau cái gọi là Nam kỳ khởi nghĩa, du đãng ở thành phố này có nhiều biến đổi khác xa các tổ chức du đãng trên thế giới, như Ma-fia ở Ý hay bọn KKK ở Mỹ… Muốn hiểu du đãng ở Việt Nam phải đi ngược dòng lịch sử, từ ngày người Pháp mới tới đây dưới lớp áo những nhà truyền giáo như Cha cả Bá-đa-lộc và quân đội đánh thuê của Gác-niê (Garnier). Du đãng Việt Nam đã từng liên kết với giặc Cờ Đen và giặc Cờ Vàng, với phong trào Thiên Địa Hội, kèo xanh kèo vàng, đời Pháp trả lại đất nước. Du đãng trong Nam kỳ còn có màu sắc nghĩa hiệp, là một đặc tính của người dân “đàn trong” trọng danh dự và nhân nghĩa.
Ếch-teo sốt ruột:
– Tôi không lạ gì những điều đại úy vừa nói. Điều tôi muốn biết là du đãng có hưởng ứng cuộc bạo động vừa qua hay không? Chứ theo hồ sơ đến tay tôi thì chưa thấy gì về việc ấy.
Sa-va-ni trịnh trọng nói:
– Chính thức đưa ra tòa thì chưa có vụ nào, nhưng theo báo cáo của bọn mật báo viên thì Cộng sản đã nắm được một số du đãng. Bằng cớ là trước ngày 23-11-1940, tức ngày Cộng sản cướp chính quyền ở nhiều nơi như Chợ Giữa, Hóc Môn, Bà Điểm, Hòn Khoai… thì tại Sài Gòn này, đặc biệt là vùng ngoại ô chạy dài Nhà Bè tới Cần Giuộc, Cần Đước, Bình Chánh gần nửa tháng trời không hề có một vụ cướp nào đáng kể. Đó là một dấu hỏi lớn, bởi trước đó đêm nào cũng có trống mõ báo cướp. Chưa hết đâu! Đến đầu tháng 12 năm đó, tức là sau khi chúng ta thẳng tay đàn áp bọn cộng sản, thì các vụ đánh cướp lại tiếp diễn còn ồ ạt hơn trước nữa. Đó là dấu hỏi thứ hai. Ông bồi thẩm nghĩ gì về hai câu hỏi này?
Ếch-teo cười:
– Phòng Nhì tay nào cũng đeo kính màu, mà thường thì màu đen, màu đỏ, nên ngó đâu cũng toàn màu đen, ngó đâu cũng toàn Cộng sản.
Sa-va-ni nghiêm trọng:
– Lúc này không phải là lúc nói đùa nghe ông bồi thẩm! Tôi chính thức báo động đó.
Ếch-teo nhún vai:
– Nếu thế thì đại úy nên báo động thẳng với ông Hốp-phen.
——————————–
1Cercle Sportif Saigonnais (CSS) nhà xẹc, Tây tới chơi thể thao – nay là Tao Đàn