Bạn đang đọc Người Bình Xuyên: Được Rễ Quý, Lập Đội Lân Ăn Tết Trận Cầu Dừa Máu Đổ Đầu Rơi
Tết năm 1943, để mừng nhà được rể quí, ông Tám Mạnh lập đội lân vui chơi trong ba ngày xuân. Ông Tám có tất cả 12 người con, trong đó bốn trai. Bảy Hải được ông thương hơn hết vì giống ông về tánh tình, tư cách, đạo đức.
Đến khi có Hai Vĩnh, ông Tám coi chàng rể như người tâm phúc, phụ tá kiêm cố vấn. Những chuyện quan trọng, cha vợ chàng rể đều bàn bạc với nhau rất tâm đầu ý hiệp.
Năm Hồi vụt nẩy ra một sáng kiến:
– Mình phải làm 1 con lân khác hẳn thiên hạ. Mình làm một con lân râu bạc!
Hai Vĩnh can ngăn:
– Không được đâu, cậu Năm! Lân râu bạc là lân cha lân ông các con lân râu đen hay râu xám. Mình làm lân râu bạc chẳng khác nào tự xưng cha, xưng ông nội thiên hạ. Như vậy là mình thách thức mọi người.
Năm Hồi cười lớn:
– Ai muốn nghĩ sao tùy ý. Mình chơi trên đất của mình mà. Mình đâu có qua lãnh địa của người ta!
Một số võ sinh háo thắng tán thành ý Năm Hồi:
– Tụi bây là thứ “ngựa non háu đá”. Bày trò “vỗ ngực xưng tên” là tự chuốc lấy rắc rối ình đó!
Nhưng Năm Hồi vẫn nhất định làm lân râu bạc cho được mới nghe. Năm ấy, ông Tám xin phép cho đội lân hoạt động tại Chánh Hưng và xóm Cầu Dừa, đối diện cầu Ông Lãnh, lấy Cầu Dừa làm ranh. Bên kia cầu là vùng hoạt động của đội lân Ba Lại, một tay anh chị đứng bến cầu Ông Lãnh. Đúng như Năm Hồi nghĩ, con lân râu bạc đi đến đâu gây sôi nổi tới đó. Đây là một hiện tượng hiếm thấy; nhiều người nghĩ rằng thế nào cũng có một cuộc so tài giữa các nhóm giang hồ về sự thách thức táo bạo này. Khi con lân râu bạc xăm xăm đến gần Cầu Dừa, đàn em của Ba lại hấp tấp chạy về báo cáo:
– Có con lân râu bạc không biết của ai sắp qua lãnh thổ của mình.
Ba Lại đang ngà ngà, thét lớn:
– Hễ nó qua phần đất của mình là chém nát đầu nó cho tao, bất kể là của thằng nào!
Sáu tay võ sĩ ăn mặc gọn gàng chạy ra: đúng là lân râu bạc đang mon men gần cầu. Khi biết lân râu bạc của ông Tám Mạnh, vài người hơi ngại nhưng số háo thắng, xốc nổi cứ theo lệnh đại ca nhào tới chém nhầu, con lân đang múa may quay cuồng ngã quỵ xuống, máu tuôn đỏ đường nhựa. Ông địa khiếp vía vội vàng ném quạt, tháo nịt vừa chạy vừa la: “Tụi nó chém đầu lân, bớ Năm Hồi”!
Trong lúc hốt hoảng, ông địa quên cởi bỏ mặt nạ.
Năm Hồi ở phía sau, nghe báo động lật đật chạy lên thì đã muộn: con lân bị chém nát, Bảy Sến võ sĩ thủ đầu lân cùng với võ sĩ thủ đuôi lân đều bị chém gục. Năm Hồi cấp tốc huy động võ sĩ nhào ra ứng chiến, đồng thời cho thằng Mười chạy về gọi ông Tám ra ngay.
Ông Tám không theo đội lân ra Cầu Dừa mà ngồi uống trà tại nhà bạn ở bến đò. Tuy vậy, ông vẫn nai nịt gọn gàng theo thói quen: áo thun Đầu Nai dệt từ Trung Quốc, quần lãnh đen, dây nịt to bản, đi giày bố đế cao su nhựa, đội nón bành lông chiên. Hay tin dữ, ông hối hả chạy tới Cầu Dừa. Hai bên đang hỗn chiến ác liệt. Không mang binh khí theo, ông Tám nhổ đại cột chèo chiếc ghe bầu gần nhất, xông vào trận chiến. Ông ví sáu võ sĩ lợi hại nhất của Ba Lại vào một hẻm rồi bịt hai đầu để diệt gọn. Bọn này biết ý đồ đó, nỗ lực mở đường máu đánh bật ra đường cái, trước vựa nước mắm Hội đồng Khá. Với cột chèo ghe bầu, ông Tám đánh gục mấy mạng, đoạt đồ binh khí của địch đánh lại chúng. Càng đánh ông càng hăng, càng dẻo, đánh tên này gục, ông rượt tên khác. Có lúc một mình đương cự ba bốn tên. Năm Hồi vừa đánh vừa liếc chừng ông, tấm tắc khen: “Chẳng khác gì Triệu Tử Long tại Đương Dương trường bản”. Nhiều võ sĩ không cự nổi ném dao chạy chết. Chúng nhảy nhào xuống sông cầu Ông Lãnh. Nhằm lúc nước lớn, chúng bám dõi ghe bầu, trầm mình dưới nước, ngóc đầu lên theo dõi trận đánh ác liệt có 1 không 2 trong lịch sử thành phố Sài Gòn. Cả một khu phố bỗng nhiên trở nên náo động! Những người bị kẹt trong khu vực xung đột kinh hoàng đâm sầm vào cửa nhà gần nhất xin ẩn náu trong khi nhiều gia đình bạo dạn hé cửa thập thò nhìn. Lính cảnh sát bót ” Se-nho” 1 ở cầu Ông Lãnh chạy qua, nhưng chỉ dám đứng xa xa bắn chỉ thiên, thị oai cho hai bên ngưng chiến. Một giờ sau, trận xung đột mới kết thúc sau khi đã kéo dài ngót hai tiếng đồng hồ, ông Tám Mạnh đã đưa đội lân về nhà an toàn. Số võ sĩ còn kẹt trong khu vực Cầu Dừa bị hốt hết về bót “Se-nho”, còn ba mươi xác chết hay trọng thương được xe cứu thương chở về bệnh viện đô thành. Bên ông Tám có 6 người thiệt mạng. Không đợi ông Tám trừng mắt, Năm Hồi cũng biết lỗi về ai, mấy ngày liền không dám nhìn mặt ông Tám.
Huyện Bảo, chủ sự phòng tư pháp và Hai Trực, sếp bót “Se-nho” nhất trí với nhau trong việc làm biên bản cuộc xô xát đẫm máu này, cả hai nhấn mạnh lân râu bạc của ông Tám Mạnh chưa vượt Cầu Dừa, tức còn trong lãnh địa đã xin phép nhà cầm quyền. Như vậy phần lỗi về phía Ba Lại và đồng bọn. Sau khi điều tra cẩn thận, nội vụ được đưa ra tòa. Nhờ có tay trong là Huyện Bảo vận động, ông Tám Mạnh được tòa tha bổng. Ba Lại lãnh án chung thân khổ sai, bị đày ra Côn Đảo. Ra đó chưa được vài tuần, Ba Lại bị một em út của ông Tám bí mật thủ tiêu bằng cách cột đá vào khăn rằn, quất vào thái dương khiến Ba Lại té bất tỉnh rồi đạp luôn xuống suối lúc tù được đưa lên núi đốn củi. Thì ra luật giang hồ, dù trên đất liền hay ngoài hải đảo, cũng sắt máu như nhau.
Sau trận lân năm ấy, tên tuổi ông Tám Mạnh nổi như cồn. Có một nghệ sĩ vô danh nào đó hứng khởi làm bài vè cho những người mù hát dạo tại các bến xe buýt và nhà ga xe lửa, ca ngợi chiến công bất hủ trong giới giang hồ. Bài vè đó mang tên là “Tiền Tư Mắc, Hậu Tám Mạnh”.
° ° °
Ông Tám Mạnh vừa được trắng án thì gia đình lại được một tin vui khác, lớn lao hơn. Cả nhà đang chăm chú nghe ông Tám kể lại những ngày bị tạm giam- các thầy chú và tù nhân đều có cảm tình với ông- thì có tiếng chó sủa ngoài sân. Nghe cách chó sủa, người nhà biết khách là người quen.
– Ai đó? – Năm Hồi lên tiếng hỏi.
– Quen mà!- Một người quê mùa xăm xăm bước tới. Chừng ông ta lột bỏ cái nón lá, ông Tám mới reo lên:
– Thầy Bảy! Lâu quá!…
Bảy Trân đây! Ông Tám nhớ dai ghê!
– Quới nhơn mà làm sao tôi quên cho được! Ông Tám kéo khách ngồi nơi trường kỷ, giục con làm gà, nấu cháo đậu xanh mừng ngày tái ngộ. Bà Tám đích thân rót trà mời Bảy Trân:
– Lâu nay thầy Bảy ở đâu?
Bảy Trân thoải mái như cá trong nước:
– Bốn năm nay tôi lặn vô bí mật, ở đâu cũng có nhưng chỉ ở một đôi ngày lại đi. Dù vậy tôi vẫn theo dõi những bước thăng trầm của các anh em trong giới giang hồ, nhất là trong việc gia đình ông Tám. Hôm nay tôi đến để chia vui về việc ông Tám được trắng án.
Cả nhà đều vui tươi trước tới chia vui đúng lúc của khách. Bảy Trân thấy Hai Vĩnh đứng gần, thân mật bắt tay:
– Tôi cũng xin chia vui “nguội” với chú em đây và cháu Tư… “Đất lành chim đậu”, chú em về làm rể nhà này là điều đáng khen.
Không bao lâu, tiệc rượu được dọn lên. Trong buổi tiệc, khách trình bày lý do trở lại Xóm Cỏ:
– Bốn năm trước, khi chia tay, tôi có hứa sẽ trở lại khi có dịp tốt. Dịp tốt đã có rồi đó ông Tám.
Mọi người nôn nóng đón nghe khách nói chuyện thời cuộc:
– Tình hình thế giới và tình hình trong nước biến chuyển thuận lợi cho ta. Trận giặc thế giới đang bước tới giai đoạn phản công của Đồng minh. Tháng hai vừa qua, Nga đã đẩy lùi được quân Đức tại thành phố Xít-ta-lin-grát. Đây là một thắng lợi có tính quyết định. Tại Đông Nam Á thằng Nhật coi ồ ạt vậy rồi cũng kẹt cứng tại Trung Hoa, Miến Điện, Ấn Độ… Thế nào phát xít Đức- Ý- Nhật cũng thua trước Đồng minh Anh- Mỹ- Pháp- Nga- Tàu. Thằng Tây tuy ở trong Đồng minh, nhưng là thứ Đồng minh yếu xịu, vì lực lượng kháng chiến của Đờ-gôn 2 chỉ là một nhóm nhỏ không đáng kể, còn phần lớn ngả theo bọn đầu hàng Pê-te (Pétain). Sớm muộn gì bọn Nhật cũng sẽ đảo chánh Pháp tại Đông Dương. Theo sự nhận định của Đảng, đó là cơ hội ngàn năm một thuở, ta phải chớp lấy thời cơ cướp chính quyền, chấm dứt cả trăm năm nô lệ. Trước đây ba năm, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã về nước sau ba mươi năm tìm đường cứu nước. Chiến khu Việt Bắc đã được thành lập và từ đó Đảng lãnh đạo cuộc chuẩn bị cướp chánh quyền. Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh- gọi tắt là Việt minh- đã được thành lập vào ngày 19-5-1941, tức là nửa năm sau ngày chúng ta bạo động non ở Nam kỳ. Ở miền Bắc, du kích Việt minh đã đánh các đồn nhỏ vùng rừng núi, phục kích cướp súng bọn làng lính, tạo lực lượng, mở rộng vùng giải phóng. Nghe mà nôn nao cả ruột gan.
Ông Tám sôi nổi:
– Bây giờ mình phải làm gì đây hả thầy Bảy?
Bảy Trân nghiêm trang nói:
– Tôi được Xứ ủy phái tới đây để báo cáo tình hình thuận lợi đó và gợi ý cho ông Tám chuẩn bị sẵn sàng, hễ thời cơ đến là nắm lấy. Lần này ta quyết tâm làm cho đúng bài bản, hễ ra quân là chắc ăn.
– Chuẩn bị như thế nào?
– Đó là điều tôi sẽ trình bày rõ ràng cho ông Tám và các em “gia tướng” của ông Tám… Sau cuộc khởi nghĩa bất thành tại tổng Tân Phong Hạ, tôi nghiệm thấy anh em giang hồ phần đông đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, ngưng “đi hát” để chuẩn bị đánh Tây cùng bọn làng lính tay sai. Trong cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền tới đây, tôi muốn vận động sao cho giới giang hồ tham gia đông đủ hơn nữa. Nhiều tay vỗ nên kêu. Tôi đã vận động được một ít. Nhưng công việc này ông Tám làm hay hơn tôi. Vì ông Tám là người trong giới, còn tôi là kẻ ngoại đạo. Liệu ông Tám có thể giúp tôi được điều đó không?
Ông Tám gật gù:
– Được! Tôi sẽ hết sức cố gắng!
Bảy Trân vui vẻ nói với Hai Vĩnh:
– Chú em cũng cố gắng giúp vào việc đại sự nghe. Bốn năm trước, chú em ngỏ lời muốn đi theo tôi tập làm cách mạng, ngặt vì lúc đó nhằm thoái trào. Bây giờ chính là lúc thuận tiện cho chú em thực hiện hoài bão to lớn của chú em đó.
Lúc ăn cháo gà, Bảy Trân và ông Tám trao đổi thêm về công tác tuyên truyền, vận động giới giang hồ đi theo cách mạng. Với giọng “ăn giỗ”, Bảy Trân gây hứng thú lạc quan cách mạng trong gia đình ông Tám:
– Thằng Tây ngu như trâu bò mà cứ tưởng khôn nhất trên đời. Nội một việc nó nhốt chung thường phạm với bọn này chứng tỏ nó ngu quá sức tưởng tượng. Thâm ý của nó là “lấy độc trị độc”, tức là mượn tay các cha ăn cướp giết người đánh đập hành hạ những người làm cách mạng.
Năm Hồi tía lia quen tánh:
– Nhưng kết quả trái ngược lại: chẳng những các cha thường phạm không hành hạ mà còn tôn mấy tay cách mạng lên làm “sư”…
Ông Tám trừng Năm Hồi:
– Cái thằng giỏi tài xía bậy!
Bảy Trân dễ dãi:
– Thằng Năm xía đúng chớ không bậy đâu ông Tám. Để tôi kể chuyện chí sĩ Nguyễn An Ninh với thằng cặp rằng Khám Lớn cho bà con nghe chơi: Lúc thấy chú giải ông Ninh vào khám 5, thằng cặp rằng bắt chúng tôi trình diện:
– Mấy người mới vô, lại đây trình diện tôi coi!
– Nó chỉ ông Ninh, hỏi:
– Mày tên gì? Làm nghề gì?
– Tôi là Nguyễn An Ninh, bán dầu cù là.
– Vậy hả? Ngồi xuống đấm lưng tao coi!
Ông Ninh ngồi xuống đấm lưng thật tự nhiên.
Thầy chú hoảng hồn kêu lên:
– Trời! Đúng là điếc không sợ súng! Bộ không biết ông Ninh là tiến sĩ luật sao mà bắt ông đấm lưng?
Tên cặp rằng ngóc đầu trừng trợn:
– Giả bộ hoài! Tiến sĩ luật mà đi bán dầu cù là! Tiến sĩ luật mà phải ngồi ghế tòa áo đỏ xét xử tụi này. Cha này là tiến sĩ giả!
Ông Ninh cười:
– Mấy ông tòa áo đen, áo đỏ xử phạt các anh mới là tiến sĩ giả đó. Bởi họ không còn là người Việt Nam mà là tay sai của thực dân.
Tiếng vỗ tay của cả khám làm tên cặp rằng bàng hoàng:
– Ông là tiến sĩ thật à? Tại sao ông không nói?
Ông Ninh thở dài:
– Khoe với anh để làm gì chớ?
Tên cặp rằng ngồi dậy thật gọn, chia chiếu bông cho ông Ninh nhưng ông Ninh không nhận.
Hôm sau, thấy hai người trong phòng có vẻ lo lắng, ông Ninh hỏi mới biết ngày kia họ ra tòa. Ông bảo họ kể đầu đuôi mọi việc, suy nghĩ một lúc rồi nói: “Anh này nhiều lắm là ba năm tù ở, còn anh kia thì trắng án. Có gì mà lo lắng?”. Tên cặp rằng bán tín bán nghi: “Thiệt chơi? Ai có giấy mực, ghi giùm tôi coi”! Hai ngày sau, tòa tuyên án, một anh ba năm và một anh tha bổng. Tên cặp rằng coi ông Ninh như ông thánh sống, có món gì ngon cũng đem ra mời ông tiến sĩ bán cù là.
Tất cả đều muốn nghe nữa, nhưng đêm đã khuya, Bảy Trân hẹn còn nhiều dịp khác.
——————————–
1Bót Senior giam bọn phạm pháp vị thành niên ở Cầu Muối, gần cầu Ông Lãnh2De Gaulle