Đọc truyện Ngày Trôi Về Phía Cũ – Chương 35: Nhật ký chờ Tết
20 tháng Chạp
Bản thân ít khi nào để ý đến lịch của mặt trăng bởi chẳng bao giờ đủ ngoan để ăn chay ngày Rằm hay đi chùa mùng một… Nhưng những ngày này, thì luôn phải lầm nhầm trong đầu: À đã là tháng Chạp!
Sáng nay Trời gom nước mắt, khóc một lần cuối cùng để nhẹ lòng đón mùa mới sang. Cơn mưa trái mùa bất chợt và có lẽ – cũng là sau cùng cho năm cũ – chỉ thoảng ướt áo và xốn xang đủ vừa để trùm kín chăn rồi tiếp tục dỗ dành giấc ngon lành, tự nhủ: “Tất cả sẽ qua đi… Tất cả sẽ bắt đầu”…
21 tháng Chạp
Người ta lục đục nghỉ Tết. Còn mình, tự sắm sửa thêm một công việc mới. Cũng vui dù tất tả.
Thế là một ngày như dài thành hai mươi bốn tiếng, chạy luân phiên từ nơi này qua chốn khác, sáng đối diện báo cáo, chiều đối diện kế hoạch… Vậy mà lại thích những ngày hiện tại, thà đốt cho hết năng lượng thừa mứa vào công việc và những điều ưu tiên khác, để thôi dật dờ vì những ngộ nhận chóng vánh linh tinh của cảm xúc phiền hà.
Bất giác thấy thời gian đã chạm tới những nếp nhăn trên khóe mắt và tuổi tác cũng không còn kiên nhẫn chờ đợi mình. Vậy mà sao mùa Xuân vẫn xa tận đâu đâu…
23 tháng Chạp
Đưa ông Táo về trời.
Nếu sẵn đường tạt ngang qua cung Hằng gặp ông Tơ bà Nguyệt thì ông Táo hỏi giùm là dây tơ chỉ hồng của mình bị rối nùi vo cục trên đó hay gì mà đến giờ vẫn cứ long đong?
24 tháng Chạp
Một người xa thành phố, không lời nhắn lại. Cũng chẳng buồn trách, vì dẫu gì cũng do bản thân quyết định buông tay.
Những ngày này của đúng một năm trước, những ngả đèo quanh co lộng gió của phố núi, những cái ôm siết chặt tựa vào lưng nhau… Tất cả – thôi gửi trả lại cho một miền kỷ niệm – nơi để nhớ về, chứ không phải để sống lại thêm nữa. Đã đủ buồn vui cho một lần yêu thương dốc cạn, đã đủ hồn nhiên thanh thản cho một ngày cũ sang trang…
26 Tết
Hôm nay đã bắt đầu đếm ngược từng thời khắc cuối cùng của năm cũ và tình ngày theo đơn vị cả năm mới được xài một lần – Tết. Không phải là 26 Tây, 26 Ta theo cách tính lịch dương, lịch âm thông thường, mà là “26 Tết rồi!” – nghe nôn nao xốn xang quá.
Sài Gòn được dịp hối hả lần chót trước khi trở về đúng chất của thành thị trung tâm miền Nam xưa – yên ả, tĩnh lòng đón Tết. Có cảm giác tám triệu dân đổ dồn hết ra đường trong những ngày này để làm cho bằng hết những dự tính còn dang dở trước thềm năm mới sang.
Vậy mà, giữa đám đông-biết-chắc-có-một-người-thuộc-về-mình, vẫn không thể tìm ra nhau, vẫn không thể khép lại tròn đầy những cảm xúc chập chừng của hơn hai mươi năm qua chưa người hiểu trọn…
Em ở đâu, hở người thương của tôi? Giữa thành phố triệu người?
“Vì mình xa nhau, nên Anh chưa thấy Xuân về đấy thôi…”
28 Tết
Đi siêu thị mua sắm vài thứ linh tinh để dự trữ đồ ăn cho mấy ngày Tết.
Lại nhớ Ba Má đang ở cách xa nửa vòng trái đất…
Cứ mỗi lần đi siêu thị thì cơn buồn cứ đeo mang vào người. Cứ dạo qua mỗi gian hàng lại nghĩ về ngày xưa, Ba thích mua món này, Má thường mua thứ kia… Gia đình đầm ấm và quây quần – chỉ cần có thế.
Ngồi trên taxi về nhà, nghe bác tài xế gọi điện thoại cho con gái: “Trưa nay chị hai nấu món gì vậy con? Lại thịt kho nữa hả? Ba ngán quá chừng… Ừa, vậy đi, Ba đang chở khách ở gần khu nhà mình, lát về nhà ăn trưa với ba mẹ con”… Lắng nghe không bỏ sót một chữ, rồi cười viên mãn cho niềm hạnh phúc gia đình của một người hoàn toàn xa lạ.
Xuống xe, dúi vào tay bác tài tờ polymer mới tinh tươm, dặn dò: “Bác giữ lại tiền thối để lì xì cho hai cô con gái đảm đang nghen!”
Xe chạy đi, có một người đứng trước cửa nhà, nước mắt lăn xuống không giữ kịp, khóc ngon lành…
30 Tết
Sài Gòn ngày cuối năm nắng hanh hao đến rát lòng, và những tất bật vẫn còn len lỏi mải miết dưới những con đường ra vẻ trầm lắng ngủ say.
Vẫn còn những người không biết Tết, cam chịu đến trơ lì giữa không gian vồn vã chộn rộn xung quanh. Với họ, nghỉ Tết là một khái niệm xa xỉ và hoang phí thời gian, trong khi nỗi lo cơm áo gạo tiền cứ lởn vởn trước mắt như chưa hề biết nghỉ mệt ba ngày Xuân. Dừng chân mua vội vài phong bao lì xì, nghe họ thở dài vài câu kể lể, than thân trách phận bâng quơ, mới hiểu rằng mùa Xuân chưa hẳn công bằng và đến được với tất cả mọi người…
Thời khắc Giao thừa gõ nhịp. Mùa mới ơi, có thương lấy tôi, thì lì xì cho hai chữ thôi nhé: An nhiên và Khôi nguyên! Chỉ cần có thế, để còn biết mùa Xuân thật gần…