Nếu Gặp Người Ấy Cho Tôi Gửi Lời Chào

Chương 7


Bạn đang đọc Nếu Gặp Người Ấy Cho Tôi Gửi Lời Chào: Chương 7

chap 7
Ra là thế, Natsume chỉ nói vậy. Một phản ứng đơn giản đúng phong cách của cậu.
“Em không ngạc nhiên hả?”
Nghe tôi hỏi, cậu thốt lên, “Đâu có, em ngạc nhiên đấy chứ. Hết sức ngạc nhiên.”
À, vậy hả.
Chúng tôi đang chọn lựa thủy sinh vừa được chuyển phát đến nơi. Natsume tiếp tục, “Điều làm em ngạc nhiên nhất là có người bạn thời thơ ấu đẹp như thế mà lúc gặp lại anh lại chẳng nhận ra.”
“Đâu mà. Tại vì… Tại vì mười lăm năm rồi bọn anh không gặp nhau.”
“Kể cả thế thì bình thường vẫn phải nhận ra.”
“Cô ấy cũng nói vậy.”
“Thế tức là ý kiến của số đông nhé.”
“Ừ.”
Chẳng lẽ tôi là một gã đại ngốc thuộc phe thiểu số? Là kẻ nếu ba ngày liền không nhìn vào gương thì sẽ quên luôn cả mặt mình?
Mà thực tế có lẽ thế thật. Là mối tình đầu, là người tôi đã trao nụ hôn đầu, là người con gái tôi vẫn mãi đi tìm, vậy mà sao tôi lại không nhận ra. Đến giờ tôi vẫn còn nhầm lẫn giữa súp lơ trắng và súp sơ xanh, hay là não tôi thiếu mất vài con chip cũng nên,
“Dù sao đi chăng nữa,” Natsume thông cảm. “Chắc là do chị Karin đã thay đổi khá nhiều trong mười lăm năm quá.”
Mặc dù phấn khởi vì lời an ủi, tôi vẫn cảm thấy mình như cậu học trò không thuộc bảng cửu chương và bị bắt ở lại, trong khi đó các bạn đã thuộc làu làu đang chuẩn bị ra về còn thương hại bảo “Cũng tại bảng 7 khó thật mà”, tức là thực tế cũng chẳng có giá trị an ủi cho lắm.
“Ừ thì,” tôi nói. “Anh nghĩ là đã loại bỏ được mái tóc khác thường và chiếc áo quân đội.”
“Vâng.”
“Nhưng hàm răng thì… “
“Cậu bảo hàm răng thì sao?”
Tôi rùng mình quay phắt lại. Karin đang đứng đó, ôm chiếc túi của hàng bánh ngọt, “Cậu có gì bất mãn về miệng tớ hả?”
“Đâu có.” Tôi lắc đầu.
“Tuyệt vời. Miệng cậu ấy. Trông như nàng tiên răng. Răng trắng muôn năm!” Dứt lời, cô nhét luôn một miếng Chocolate Danish vào miệng tôi.
“Yum yum…”
“Cậu thật quá đáng.” Karin liếc xéo tôi rồi nói với Natsume. “Thế mà là người chị đã trao nụ hôn đầu đời cơ đấy.”
Tôi nhận thấy các biểu hiện trên gương mặt Natsume biến mất, không còn chút cảm xúc nào nữa. Lần này cậu thực sự bất ngờ.
“Chị đã mất bao nhiêu công sức tìm kiếm rồi đến thăm cậu ấy, vậy mà…” Karin giật phắt mẩu bánh thò ra từ miệng tôi rồi vừa nhai mẩu bánh bằng phần răng cửa vô cùng đều đặn vừa tiếp tục. “Tóc mái chị mới chỉ dài ra một tí mà đã chẳng nhận ra chị là ai.”
“Nào,” cô nàng giơ chiếc túi của cửa hàng bánh ngọt trên tay. “Ăn trưa thôi. Hôm nay cũng có rất nhiều bánh Chocolate Danish ngon.”
Rồi cô nàng bỏ lại chúng tôi và bước nhanh vào cửa hàng. Natsume nhìn tôi với vẻ mặt như muốn hỏi “Thật hả anh?”. Tôi cũng trả lời lại bằng biểu hiện “Thật đấy”. Thực sự thì đối tượng trao nụ hôn đầu với Karin chính là tôi đây.
Natsume lắc đầu tỏ vẻ không thể tin nổi rồi biến vào trong cửa hàng.
Hẳn là thế rồi.
Bởi chính tôi đây cũng không thể nào tin nổi.
Sau một thời gian không gặp nhau, tối nay tôi đến khu chung cư thăm bố và ở lại ăn cơm.
Thực đơn vẫn là món “udon đun kỹ” như thường lệ. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông bố chỉ ăn toàn món này. Có khác chăng là thay đổi các loại rau củ ăn kèm theo mùa. Bữa tối nay có nấm.
Tôi vừa nhét đầy mồm những miếng nấm mềm nhũn vì ninh nhừ vừa nói, “Thế con mới bảo Karin từng là một người vô cùng nổi tiếng.”
“Morikawa Suzune thì ta cũng có biết.” Bố nói. “Hình như con bé đóng quảng cáo nước khoáng thì phải.”
Nói chung là vì nhàn rỗi nên bố khá rành về các chương trình ti vi.
“Thế nhưng ta cũng chẳng tài nào nhận ra đó lại là Karin.”
Có lẽ trong đầu bố cũng thiếu mất vài con chip quan trọng. Chính vì thế mới là bố con.
“Hẳn là,” ông nhìn chăm chú lên không trung như đang lật lại ký ức. “Karin hồi đó cũng đẹp đấy chứ. Mặc dù ăn vận như con trai nhưng cũng không giấu hết được.”
“Karin giấu việc mình là một người đẹp sao?”
“Chứ còn gì nữa?”
“Nhưng sao lại phải thế?”
“Nhiều phiền phức lắm chứ. Sắc đẹp là thứ luôn gây rắc rối cho người ta.”
Hừm.
“Nhân tiện con bé đang ở chỗ anh, hôm nào ta phải đến gặp nó mới được.”
“Vâng, bố đến đi. Karin chắc sẽ vui lắm.”
Hồi xửa hồi xưa, nói là thế nhưng cũng mới chỉ mười lăm năm trước, bố tôi là vận động viên chạy cự ly ngắn giữ tốc độ trội hẳn so với những người cùng lứa tuổi, sức bền đủ chạy 400 mét trong hơn sáu mươi giây, hồi đó tôi cũng chưa vượt qua ông được. Tôi nghĩ nếu ông tham gia đại hội thể thao Masters (đại hội thể thao những người trung, cao tuổi) thì chắc cũng đã gặt hái kha khá thành tích. Tuy nhiên mục tiêu của ông chỉ có một, đó là trận đấu giao hữu của câu lạc bộ điền kinh cựu sinh viên trường đại học ông từng theo học. Bố có một đối thủ lâu năm, năm nào họ cũng gặp nhau để quyết đấu nghiêm túc một lần. Mục đích ban đầu của trận đấu là để yên tâm về sức khỏe nhằm thắt chặt mối thâm giao. Ấy vậy mà riêng bố tôi và ông đối thủ “Sakuji” đó (tên ông ta viết như thế nào tôi cũng quên mất rồi, chao ôi con chip trong đầu tôi), lại tham gia buổi thi đấu với ý chí quyết thắng sôi sục đến nỗi bạn bè xung quanh phát ngán.
Trận đấu của hai người thường ngang tài ngang sức chẳng khác nào Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Thi đấu chỉ như đổ thêm dầu vào lửa, nếu thắng thì sẽ nỗ lực tập luyện để năm sau không thua, nếu thua đương nhiên sẽ dồn lực tập luyện gấp bội để phục thù. “Chắc chắn lão Sakuji ấy đang…” là câu cửa miệng của bố tôi. Bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng đối thủ chắc chắc đang tích cực tập luyện nặng hơn mình, ông thậm chí còn không dám nghỉ giữa chừng.
Từ dạo hơn mười tuổi, cứ mỗi cuối tuần tôi lại bị bắt tập luyện cùng bố. Chúng tôi đến sân vận động của một trường học gần nhà và tôi phải chạy nghiêm túc. Đầu tiên tôi một mình chạy trước, sau đó khoảng mười giây bố tôi bắt đầu xuất phát. Tôi là con mồi đáng thương, là đối thủ giả tưởng bị thù hằn.
Tôi phải chạy hai vòng đường chạy 200 mét, nhưng kiểu gì cũng bị bố tôi bắt kịp ở đoạn cua của vòng thứ hai. Nỗi sợ hãi khi cảm thấy sắp có người tới từ phía sau lưng. Tiếng thở hồng hộc và tiếng đế giày nện xuống đất khô khốc. Thi thoảng, vừa vượt qua được tôi, bố bèn rặn ra từng tiếng như rên rỉ, “Lão Sakuji!”
Tôi không thể chấp nhận nổi việc luyện tập này. Vừa mệt nhọc, vừa lo sợ, nhất là lại tốn thời gian. Thà ra hồ nước ngắm cá, ngắm thủy sinh còn vui hơn phải đóng giả ông bác kia để bị chửi.
Tuy vậy, nhờ tập nữa tập mãi, chẳng bao lâu năng lực chạy của tôi bắt đầu tiến bộ. Đó là thời điểm tôi bắt đầu cao hơn, đám lông tơ bắt đầu lờ mờ xuất hiện ở chỗ mà từ trước đến nay vốn nhẵn bóng. Thời gian chạy 400 mét được rút ngắn lại.
Cũng có lúc tôi chạy về đến đích mà không bị bố vượt qua. Bố tôi vừa vắt óc tính toán vừa rút ngắn khoảng cách xuất phát. Tuy nhiên, được một thời gian tôi lại tiếp tục chạy thoát được. Và rồi bố tôi lại vắt óc suy nghĩ. Con mồi đã không còn đáng thương như trước và cũng không đến mức đần độn như trước. Cứ như vậy, việc luyện tập bỗng chốc hóa vui vẻ.
Vào cấp hai, nhà tôi chuyển đến thị trấn có nước và rừng cây mà tôi đã kể trên, bãi tập lần này là bờ sông. Chạy 200 mét lên phía thượng nguồn, băng qua cầu và chạy tiếp 200 mét quay về phía hạ nguồn. Mặc dù có một nhược điểm là sẽ phải giảm tốc ở đoạn cầu, nhưng ở đây thì muốn luyện tập lúc nào cũng được. Còn ở sân vận động trường thì kể cả cuối tuần cũng có các câu lạc bộ thể thao ở đâu đó đến lấy chỗ nên khó mà tự do luyện tập.

Khi tôi mười bốn tuổi, thời gian chênh lệch xuất phát rút xuống chỉ còn hai giây. Biết chúng tôi tập chạy ở bờ sông, Karin và Yuji đều cùng tham gia. Karin đứng ở điểm xuất phát, Yuji thì đừng trên cầu, mỗi đứa cầm trên tay một chiếc đồng hồ bấm giờ và đọc thời gian cho hai bố con tôi.
Bố tôi là anh hùng của Karin.
“Bác giỏi quá,” mắt Karin sáng lấp lánh. “Bác chạy còn nhanh hơn cả Satoshi nữa.”
Câu nói khiến cả hai bố con tôi cực kỳ phổng mũi. Bởi lẽ phần “hơn cả Satoshi nữa” bao hàm ý nghĩa rằng bản thân tôi cũng là vận động viên tương đối xuất sắc, bố tôi chạy nhanh hơn có nghĩa là ông còn là tuyển thủ trên cả mức “tương đối”.
Kết thúc buổi luyện tập, bao giờ bố cũng dẫn cả ba đứa chúng tôi vào quán giải khát và đãi kem hoa quả. Ăn kem tươi sau khi chạy thật là ngon hết sảy!
Thói quen này được duy trì cho đến khi chúng tôi rời khỏi thị trấn.
“Lão Sakuji ấy,” bố nói. “Nghe bảo sắp có chắt rồi đấy.”
Cuộc chạy đua 400 mét thường niên đã chấm dứt được khoảng năm năm, vì ông Sakuji bị thương ở đầu gối, vậy nhưng cho đến giờ cả hai vẫn còn tranh đấu ở vòng đua cuộc đời. Trong trận này bố tôi chạy chậm hơn khoảng hai vòng. Vì nói gì đến chắt, ngay cả cháu còn chưa có triển vọng ấy chứ. Bản thân việc kết hôn muộn của bố đã là sự mở đầu của cú vấp, chuỗi liên hoàn ấy được di truyền sang thằng con trai là tôi. Dường như có cả gen “chậm phát triển” thì phải.
“Mừng cho bác ấy,” tôi nói. Ngoài câu đó ra còn câu nào khác bây giờ? Tôi đành giả vờ như không nhận ra ý nghĩa mà bố đang ám chỉ. Tôi không thể nói ra nên cả chuyện chương trình môi giới hôn nhân lẫn Misaki tôi đều không báo cáo lại.
“Mà thôi được rồi.” Bố tôi đã gần tám mươi tuổi, mái tóc trắng dày vẫn được chải hất lên trên. “Anh cũng gần ba mươi tuổi rồi.”
“Thế thì sao ạ?”
“Thế thì sao hả?”
“Vâng, thế thì sao ạ?
“Thế thì cũng đến lúc rồi còn gì.”
“À,” tôi chỉ gật đầu lia lịa. “À, giờ thì con hiểu rồi, xin lỗi bố, con chậm hiểu quá.” Tại sao con cái thường không thể thành thật trước mặt cha mẹ được nhỉ? “Thì cũng đến lúc rồi, Con sẽ suy nghĩ.”
Nhân đấy, bố khoác lên mình vẻ điềm nhiên rồi hỏi tôi. “Sao giờ Karin lại cất công tới đây?”
“Trở về điểm xuất phát.” Để ông không kỳ vọng vô ích, tôi giải thích rõ hơn. “Nghe cô ấy bảo việc đến gặp con nằm trong chuỗi sự kiện quay trở về nơi cô ấy đã từ đó ra đi.”
“Thế nghĩa là?”
“Thế nghĩa là?”
“Ý ta là, điều đó thì có ý nghĩa gì?”
“Chẳng có ý nghĩa gì cả. Đúng như từ ngữ thôi ạ. Đi tìm lại kỷ niệm, hồi tưởng, chỉ vậy thôi.”
“Ra thế,” bố nói, sau đó không bao giờ đả động đến chủ đề này nữa.
Thực tế thì bố mẹ tôi quen biết nhau từ nhỏ. Tuy vậy, khác với chuyện của bọn tôi, bố mẹ cách nhau những bảy tuổi nên không sớm ý thức được họ sẽ thành đối tượng yêu đương. Mọi chuyện bắt đầu khi cả hai đều đã trưởng thành. Thỉnh thoảng bố lại kể về tình sử của hai người cho tôi nghe. Đó là nguồn gốc dẫn đến “tôi”, và cũng là một chương mở đầu của câu chuyện giản dị.
“Hồi ấy có một cuộc chiến tranh lớn,” bố tôi nói. “Khi ta nhận ra thì lứa thanh xuân bấy giờ đã trẻ hơn ta rất nhiều. Vừa tốt nghiệp đại học ta đã phải nhập ngũ và bị gửi ra chiến trường. Chúng ta phải cố gắng hết sức để sống. Chúng ta ở đây là ta, mẹ ta (tức là bà nội của anh) cùng với ba người em trai và hai người em gái. Cha ta (tức ông nội của anh) trong một cuộc không kích vào thời điểm mà ngay ngày hôm sau chiến tranh sẽ kết thúc đã không may giẫm phải đinh khi đang ôm con gái út chạy trốn, bị uốn ván rồi qua đời. Một người thiếu may mắn. Trong khi đó dưới bầu trời phương Nam, ta đang ôm cái bụng đói meo và chỉ nghĩ làm sao để lấp đầy nó. Rồi chiến tranh cũng kết thúc, ta trở về nhà, cả gia đình còn đói hơn cả ta đang há miệng chờ đợi ở đó. Để lấp đầy những cái bụng rỗng của cả nhà, ta phải làm việc cật lực. Trải qua nhiều công việc, đến năm gần ba mươi tuổi nhờ sự giới thiệu của một người họ hàng ta được vào làm tại một công ty thương mại, và nơi đó trở thành chỗ làm suốt đời của ta. Bấy giờ chú hai và cô em gái lớn cũng đã bắt đầu đi làm, mặc dầu vậy với trách nhiệm trưởng nam ta vẫn chưa thể rảnh rang được.”
“Vẫn còn ba người nữa ạ”
“Ta cũng đã nghĩ vậy. Rốt cuộc thì khi cô em gái út (là cô em gái mà bố ta đã ôm theo khi giẫm phải đinh, là cô Naoko mà anh cũng biết đấy) tốt nghiệp cấp ba vào làm việc cho phòng kế toán của công ty may mặc, lúc đó ta cũng đã ba mươi lăm tuổi, vẫn còn độc thân. Ta chẳng mấy khi hẹn hò với phụ nữ, mà xem chừng như tương lai ta cũng chẳng có lấy một mối duyên. Các em ta lập gia đình rồi sinh con cái. Ta thật lòng vui mừng chào đón những thành viên nhỏ bé, những sinh linh mới của gia đình. Ta là người đặt tên cho cháu trai, cháu gái, trở thành người giám hộ, thậm chí thành cả ông già Noel. Tuy chúng không phải là con ta nhưng một phần tư dòng máu của chúng giống ta. Dấu vết đó có thể thấy ở mọi nơi. Chẳng hạn như chỗ tóc gáy cuộn tròn, ở cặp lông mày thẳng tắp một đường hay ở trái tim rắn rỏi. Nói tóm lại là chúng vô cùng dễ thương. Chẳng mấy chốc ta cũng có suy nghĩ thế này, ‘Mình muốn có một gia đình. Muốn cưới vợ và ôm con của chính mình trên tay.’ Dù đã quá lứa, ta vẫn nói với mẹ mình, ‘Mẹ à, con muốn lấy vợ.” Nghe vậy, mẹ liền hiểu rằng ta đã có ý trung nhân, bèn hòi, “Nó là đứa thế nào?’ Ta bèn giải thích, ‘Mẹ lầm rồi mẹ à. Con muốn nhờ mẹ tìm hộ con.’ Giờ nghĩ lại, ta thấy ta đúng là làm nũng mẹ. Sau bao nhiêu trăn trở, cuối cùng mẹ đã nhớ ra một gia đình sống cùng khu phố hồi chiến tranh kết thúc, đến nay vẫn thư đi thư lại với nhau. Bà nhớ mang máng hình như trong tấm thiệp chúc Tết năm nay có câu, ‘Con bé nhà tôi quá lứa lỡ thì mất rồi’. Cô gái đó ngoan ngoãn và khiêm tốn lắm. Tên là Yumiko thì phải. Khôn mặt thì cũng bình thường, nhưng con trai mình đâu dám đòi hỏi gì. Mặc dù chênh lệch nhau đến bảy tuổi, nhưng chính mình cũng kém chồng đến sáu tuổi. Không biết mẹ có nghĩ như vậy không, chỉ biết mẹ sắp xếp cho ta đi xem mặt, rồi ta và mẹ anh gặp lại nhau sau mười lăm năm. Và đó là một tình yêu sét đánh. Cuộc hội ngộ định mệnh. Ta đâu ngờ cô gái bé nhỏ năm nào nay đã thành một thiếu nữa quyến rũ thế này. Điều gì đã gắn kết một chàng trai và một cô gái, đến bây giờ vẫn còn là một ẩn số. Dù sao thì cùng là những kẻ muộn màng giản dị, chúng ta đã nhìn thấy điều gì đó sáng lấp lánh trong nhau, rồi đi đến một cuộc sống chung. Rời xa gia đình, mẹ anh đến nhà ta cùng một hòm đồ nhỏ. Hồi ấy trong nhà này vẫn còn mẹ ta và em trai, em gái sinh sống nên gia đình khá đông người. Mẹ anh không khỏe mạnh nên được gia đình ta nâng niu, coi như con gái rượu hơn là một cô con dâu. Mặc dù ngủ chung một phòng nhưng ta không biết làm sao để chui vào trong chăn của vợ. Cưới nhau hơn ba tuần mới có được đêm tân hôn…”
Chuyện bí mật thế này mà bố tôi lúc nào cũng kể tuồn tuột cho con trai không hề giấu giếm.
“Ngay việc hôn thôi mà ta cũng cần lòng dũng cảm. Làm mấy lần mà ta vẫn chưa quen, lần tới làm lại quay trở về lúc ban đầu, len lén dòm vào mặt vợ. Rồi cũng đến lúc mẹ anh mang thai đứa con đầu lòng, không biết có phải do người yếu sẵn hay không mà thai nhi bị chết lưu lúc hơn bảy tháng. Thai hỏng cũng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người mẹ, sau lần đó bà ấy nằm liệt giường đến gần nửa năm. Thấy vậy, ta từ bỏ chuyện con cái. Sức khỏe của bà ấy quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Bởi lẽ nếu cần con cái để kế thừa dòng máu thì ta còn khối cháu trai, cháu gái. Thế này chẳng quá đủ hay sao. Chỉ cần cùng người vợ thương yêu nắm tay nhau chung sống là tốt lắm rồi. Ta đã quyết định như vậy. Bà ấy vốn không thuộc kiểu phụ nữ nói ra miệng ý kiến của mình nên chỉ im lặng nghe theo lời ta. Vậy nhưng, mười năm sau chính bà ấy là người tỏ rõ quyết tâm rồi sinh hạ anh. Trước đó một năm bà nội anh qua đời, mẹ anh đau buồn còn hơn cả mất mẹ ruột của mình. Ta cũng là trưởng nam được chiều chuộng nên nỗi đau buồn đó không dễ gì vượt qua. Mẹ anh đã trở thành nguồn an ủi của ta. Về phía bà ấy cũng giống như vậy. Bấy giờ tất cả các em ta cũng đã có gia đình riêng nên trong nhà chỉ còn lại hai người chúng ta. Nói chung cứ ở cùng nhau là chúng ta lại gần gũi thể xác để tìm niềm an ủi. Dụng cụ tránh thai hồi đó cũng không đáng tin cậy như bây giờ. Chỉ một tích tắc bất cẩn, anh đã có mặt trên thế gian này. Nhanh đến chóng mặt. Ta đã phản đối. Lẽ dĩ nhiên là vì nghĩ cho sức khỏe của vợ. Mẹ anh đã ngoài bốn mươi tuổi. Thế nhưng bà ấy không chịu nhường. ‘Giờ là lúc em khỏe hơn bao giờ hết. Em có thể sinh được. Đứa trẻ này chính là hiện thân của mẹ anh.’ Bà ấy đã nói vậy để thuyết phục ta. Ta lo lắng vô cùng, nhưng cuối cùng cũng bị thuyết phục. Hồi đó anh mới chỉ to bằng quả trứng chim cút và trí não không bằng một con rận, tuy vậy ta đã bắt đầu yêu anh. Vì lẽ đó mà ta cũng chẳng thể phản đối đến cùng. Rồi sau ca sinh khó, anh đã chào đời. Là đứa cháu thứ 11 của người mẹ quá cố của ta. Từ lúc đó trở đi, thời gian trôi nhanh hơn bao giờ hết. Hễ cứ nghĩ đến quãng thời gian còn lại của cuộc đời ta lại có cảm giác dù thế nào thì cũng không đủ thời gian để nuôi nấng một sinh linh nhỏ bé thành người trưởng thành. Hai chúng ta đã nỗ lực nuôi nấng anh. ‘Ông bố trẻ’ năm mươi tuổi và ‘bà mẹ trẻ’ bốn mươi ba tuổi. Chúng ta đã tiếp tục phấn đấu để hòa nhập với những ông bố bà mẹ mà tuổi đời chỉ bằng một nửa chúng ta. Tuy vậy mọi sự đều vui vẻ. Cùng bà ấy đi bách hóa mua quần áo lót cho anh, đi siêu thị mua sữa bột, rồi đẩy xe nôi đi dạo trong công viên, tất cả đều vui không sao tả nổi. Nhìn thấy bà ấy làm mẹ cũng là niềm vui của ta. Hình ảnh bà ấy khi cho anh bú sữa trông đẹp như một thiên thần. Bà ấy đẹp vô cùng. Chẳng mấy chốc mà anh lớn, bắt đầu đi học. Hai chúng ta tham gia hầu hết các sự kiện của trường học trong thời gian và sức khỏe cho phép. Biết là anh không thích nhưng duy chỉ có điều đó là đặc quyền của cha mẹ. Chúng ta không thể nhượng bộ được. Chúng ta còn cùng nhau đi dự lễ khai giảng cấp ba của anh. Hồi đó sao mà khí thế bừng bừng…”
Hồi ấy bố tôi đã sáu mươi lăm tuổi nhưng ngồi hàng ghế phụ huynh, lưng ông vẫn thẳng hơn tất cả mọi người.
“Hai chúng ta đã lén nắm tay nhau. Bảo nhau rằng, chúng mình đã chèo lái thật tuyệt vời, vui quá. Hai năm sau đó bà ấy lìa xa cõi đời này. Dẫu sao thì cũng không có gì phải nuối tiếc. Kết hôn khi đã cứng tuổi, hơn nữa hồi đó mẹ anh cũng yếu, ta có cảm giác không thể lơ là bà ấy đến một giây. Thế mà hai chúng ta cũng đã ở bên nhau được hai mươi bảy năm cơ đấy. Ta thấy ta là một kẻ may mắn. Vì ta có thể sống chừng ấy năm bên người ta yêu thương. Lời trăng trối cuối cùng của bà ấy là, ‘Anh ơi, nhìn kìa…’ Chắc là bà ấy nhìn thấy gì đó và muốn chỉ cho ta xem. Ta mong đợi lắm. Có lẽ nó phải đẹp lắm. Những lúc đi dạo, bà ấy thường nói thế và trỏ cho ta xem. Chẳng hạn bông hoa me đất nở ven đường, hay mảnh trăng lưỡi liềm hiện lên giữa bầu trời đêm. Lúc nào ta phải hỏi xem bấy giờ bà ấy đã nhìn thấy gì mới được…”
Có lẽ hôm nay cũng thế, trước khi chìm vào giấc ngủ bố tôi sẽ bắt chuyện với mẹ. Rằng, em thế nào?
Tôi trở về cửa hàng, Karin vẫn đang tiếp tục thao tác lập trình trên quầy tính tiền. Thấy tôi, cô ngước mắt lên hỏi, “Bố cậu thế nào?”
“Ừ, ông nhớ lại hồi xưa. Ông bảo sẽ đến gặp cậu đấy.”
“Vui quá, bố cậu đẹp trai thật.”
“Thật vậy hả? Chỉ có Karin nói vậy thôi đó.”
Cô dừng tay trên bàn phím, nhìn tôi bằng ánh mắt bà chị, y như hồi xưa.
“Gì thế?”
Nghe tôi hỏi vậy, cô chậm rãi lắc đầu, “Cậu đúng là một chàng trai yêu mẹ chính thống và cổ điển.”
“Này này gì đấy hả? Hoàn toàn không phải thế.”
“Đấy,” cô chĩa ngón tay vào tôi. “Kiểu chối đây đẩy đó cũng là phản ứng điển hình của một chàng trai yêu mẹ chính thống và cổ điển đấy nhé.” Cô vừa cười khúc khích vừa nói tiếp, “Những chàng trai yêu mẹ phiên bản mới còn phức tạp hơn nhiều.”
Tôi hạ cánh tay đang giơ lên ngang chừng một cách vô nghĩa rồi thả lỏng vai, “Tớ biết rồi. Mà thế thì sao?”
“Thế nên lúc nào cậu cũng xem bố là đối thủ.”
“À, Freud hả?” Điều này thì đến tôi cũng biết. “Có thể lắm, nên tới giờ tớ vẫn chưa thể thành thật trước mặt bố tớ được.”
“Thấy chưa?!” Karin gấp màn hình tinh thể lỏng của chiếc máy tính xách tay lại, rồi vừa rót trà thảo mộc ra cốc vừa hỏi. “Mẹ cậu đã qua đời rồi nhỉ? Có phải sau bức thư cuối cùng của bọn mình không?”
“Phải. Sau chừng ba tháng. Trước đó sức khỏe của mẹ tớ không tốt.”
Karin rời quầy tính tiền và đưa cho tôi cốc trà. Tôi ngửi và nhận ra mùi hương lạ.
“Hỗn hợp hồng trà và thảo mộc. Tớ mua ở cửa hàng bánh ngọt.”
“Tên là gì?”
“117.”
“Hả?”
“117 mà. Các sản phẩm mới toàn bộ đều có tên bằng số.”
“Hừm.”
Trong một lúc, hai chúng tôi đứng cạnh nhau như thế, lặng yêu thưởng thức món “117”. Thế không có nghĩa là nó có vị của đồng hồ đâu nhé (Mặc dù tôi cũng chẳng biết đồng hồ có vị thế nào).
Thở hắt một tiếng “Hà”, Karin khẽ nói, “Mẹ cậu là một người hiền lành.”

“Ừ. Karin mới gặp khoảng ba lần thôi nhỉ?”
“Đúng. Tớ cũng mới đến nhà Satoshi chừng ấy lần.”
“Yuji hay đến lắm.”
“Thì bởi cậu ấy mê mẩn mẹ cậu mà.”
“Ừ, đúng rồi.”
Yuji quấn quýt mẹ tôi vô cùng. Mẹ tôi phải đáng tuổi bà Yuji, nhưng cậu ta yêu quý mẹ không sao kể xiết. Mẹ tôi cũng rất cưng Yuji, dành cho cậu tình thương sâu đậm. Bà chỉnh lại cổ áo, lấy lược chải mái tóc đen nhánh rối bù, hay thấm nước miếng vào khăn tay rồi lau vết bẩn trên má cho cậu. Chúng tôi ngồi cạnh nhau bên bàn như hai anh em và ăn món khoai tây hấp ngọt mẹ tôi làm. Thi thoảng, kể cả khi tôi không ở nhà, Yuji vẫn một mình đến thăm, hai người ngồi trên sofa trong phòng khách, cùng xem chương trình tán gẫu trên ti vi.
“Mẹ tớ vẫn nhớ cậu ấy lắm. Đến phút lâm chung bà vẫn bảo muốn gặp.”
“Yuji…” Karin ôm cốc trà bằng hai tay, vừa ghé mặt vào đó vừa nói. “Không biết giờ cậu ấy đã gặp được mẹ chưa?”
“Chắc chắn là rồi. Tớ nghĩ cậu ấy đã gặp được rồi.”
“Ừ. Đúng vậy nhỉ.” Karin khẽ gật đầu. “Không hiểu sao mọi chuyện cứ như mơ.”
Cô mở chiếc giường gấp rồi ngồi khoanh chân, mắt nhìn mơ màng lên phía đầu mũi.
“Mơ?” Tôi ngồi ở bậc cậu thang như thường lệ, lặng ngắm Karin.
“Phải, mơ. Toàn là ảo mộng. Thực sự thì họ có ở đó không nhỉ?”
“Họ?”
“Karin, Satoshi và Yuji năm mười bốn tuổi, rồi con Trash, bố mẹ cậu, bố của Yuji… À, ngoài ra còn cả Thịt Xay béo ú và đồng bọn của hắn nữa.”
“Chắc chắn có hết mà.”
“Ừ, phải nhỉ. Cơ mà.” Karin nhìn xuống như đang tư lự, cô vén lọn tóc rũ xuống mặt. “Cho dù hồi đó mọi chuyện đều như một giấc mơ hạnh phúc thì cũng không có gì là bất thường cả.”
Tôi im lặng gật đầu. Không phải là khẳng định, mà là dấu hiệu để thúc đẩy câu chuyện tiếp tục.
“Hoặc là, cả giờ phút này nữa. Có lẽ thực sự tớ là bà lão chín mươi tuổi, và lại đang tiếp tục mơ một giấc mơ hạnh phúc.”
“Hoặc là, bọn mình chỉ là những nhân vật trong một giấc mơ chốc lát của một chú bướm đang nghỉ cánh trên một nụ hoa.”
“Trang Tử nhỉ?”
Tôi gật đầu. Lần này là dấu hiệu của sự khẳng định.
“Nếu có thể.” Karin khẽ thì thầm. “Tớ muốn được lặp đi lặp lại mãi mãi cái năm mười bốn tuổi đó.”
“Vậy hả?”
“Ừ. Và ngay đầu đoạn điệp khúc, luôn luôn tồn tại nụ hôn vụng về của chúng mình.”
Nụ hôn vụng về… Mở đầu của mọi mở đầu. Bởi thế nó mới trở thành kỷ niệm khó quên. Dù quên đi nụ hôn thứ ba mươi ba, nhưng làm sao quên được nụ hôn thứ nhất. Ai cũng sẽ mang theo ký ức của nụ hôn đầu tiên rồi cất giấu tới tận cổng thiên đường. Tôi nghĩ chắc chắn là như vậy.
Nói cách khác, đó là sự kiện lớn cuối cùng trước buổi phân ly.
Vừa hết năm, chúng tôi nhận được thông báo. Sếp của bố lại vừa gieo xúc xắc. Lần này là mặt có nhiều nút, cả nhà chúng tôi sẽ phải bay đến một vùng đất cách xa một ngàn hai trăm cây số. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng cuộc chia tay lần này thật quá khổ sở. Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều về phương án để được nán lại thị trấn này. Tôi có thể ở đậu nhà Yuji, chỉ cần gửi sinh hoạt phí hằng tháng cho bố cậu ấy, và sống với Yuji như hai anh em. Thế nhưng, phương án đó nghiễm nhiên là bất khả thi. Tôi không thể xa người mẹ bấy giờ đã thường xuyên phải nằm liệt giường, vả lại một kẻ vẫn còn hôi sữa như tôi đây suy cho cùng không thể nào sống xa bố mẹ được.
Trước ngày lên đường, tôi, Karin và Yuji cứ dính chặt lấy nhau như ba chú chó con đã nhận quyết định được nuôi riêng. Từ đầu năm cho tới tháng Ba, thời điểm phải chia xa, hầu như cứ đến giờ tan học là chúng tôi có mặt ở ống nước. Còn không phải ống nước thì sẽ là căn phòng các tông được dựng trong bãi lau. “Phòng khách” ở bãi rác mùa này rất lạnh. Chúng tôi không đến nhà ai cả, ba con người và một con vật đã trải qua những buổi chiều đông quây quần, chống chọi cái lạnh bằng hơi ấm của nhau.
Tôi không nhớ rõ chúng tôi đã nói những chuyện gì. Đọng lại bên tai tôi chỉ còn toàn tiếng gió. Tiếng xào xạc của lá lúa mì, tiếng lật phật của dây điện, hay tiếng thở dài của người khổng lồ thổi xuyên qua ống nước nơi chúng tôi đang chụm lưng vào nhau.
Con sông đã giảm mực nước, giờ trông chẳng khác gì một cái ao tù. Đập dẫn nước từ mương ra sông cũng đã đóng két, khô còn. Những nơi có hơi nước đều đóng băng trên diện rộng, lũ trẻ con đi ủng cao su bắt chước trò trượt băng. Thủy sinh đã biệt dạng, cả rừng cây bao quanh bãi rác cũng rụng hết lá, phô ra dáng vẻ run rẩy.
Đó là khung cảnh mùa đông đầu tiên, cũng là mùa đông cuối cùng của tôi ở thị trấn ấy.
Ngày chia tay đến nhanh đến ngỡ ngàng.
Hôm ấy, tôi một mình rời khỏi thị trấn. Vì tình hình công việc, bố đã lên đường trước tới chỗ thuyên chuyển. Vì chỉ còn một năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu lần thứ hai, nên chắc chắn đây sẽ là địa điểm công tác cuối cùng của bố. Tôi và mẹ đi sau. Tuy nhiên, ngay trước hôm khởi hành, mẹ đột nhiên đổ bệnh. Xem chừng bà khó mà chịu đựng nổi chuyến đi dài một ngàn hai trăm cây số, mà ba ngày nữa tôi phải đón kỳ học mới ở trường học sắp tới rồi. Kết quả là, sau khi bàn bạc với bố qua điện thoại, tôi để mẹ ở lại và đến thị trấn mới một mình. Chúng tôi sẽ nhờ một bác gái quen thân chăm sóc mẹ, rồi bố lựa thời gian quay lại đón bà.
Và như thế, trong lúc đứng đợi tàu ở nhà ga, tôi rơi vào tình trạng nước mắt lưng tròng, chỉ chực trào ra. Nỗi buồn thương khi phải xa Karin và Yuji, nỗi bất an khi bỏ lại mẹ ốm yếu, hơn thế còn cả nỗi sợ hãi trước hành trình đơn độc dài một ngàn hai trăm cây số. Những cảm xúc hỗn độn chuyển thành lệ nóng, rập rình trên hai khóe mắt tôi.
“Hằng ngày tớ sẽ đến thăm mẹ,” Yuji nói, cũng nước mắt nước mũi tèm lem, luồn ngón trỏ xuống dưới cặp kính to bản để lau đuôi mắt. Con Trash vẫn như thường lệ, gác chân trước lên khung chiếc xe hàng và nhìn quanh sân ga với vẻ hứng thú.
“Ừ, tớ trông cậy vào cậu nhé. Mẹ tớ chắc cũng vui lắm.”
“Cậu cứ để tớ.” Sau đó Yuji thọc tay vào chiếc xe đẩy, lôi ra cái túi giấy của siêu thị gần nhà. “Cậu cầm theo cái này đi nhé.”
Tôi cầm lấy, nhìn vào bên trong thì thấy một cuộn giấy vẽ cuộn tròn. Tôi lấy ra khỏi túi và mở cuộn giấy ra.
“Ôi, cái này…”
“Là khung cảnh nhìn từ phòng của Satoshi đấy.” Yuji nói. “Lần đầu tiên tớ vẽ một thứ không phải là rác.”
Thế giới được nhìn từ cửa sổ phòng tôi. Dĩ nhiên là nó méo mó và rối rắm vì là thế giới thông qua cặp kính to đùng của Yuji. Mặc dầu vậy, các tiểu tiết được khắc họa tỉ mỉ và đầy chân thực.
Có cây trong vườn, thấp thoáng mái ngói nhà bên cạnh, đối diện là đồng ruộng trải dài. Ruộng lúa được phân thửa bởi mương nước và lối đi nhỏ, bao quanh đó là vành đai xanh, tầng mây lơ lửng trên bầu trời, tất cả mọi thứ đều được khắc học vào tờ giấy vẽ bằng những đường nét đầy chủ ý và chứa chan tình cảm của Yuji.
“Cảm ơn cậu,” tôi nói. “Tớ sẽ giữ gìn cẩn thận.”
“Tớ đã vẽ khi ở một mình trong phòng Satoshi. Tớ mong cậu sẽ không quên thị trấn này.”
“Làm sao mà tớ quên được chứ.”
“Ừ. Và cả bọn tớ nữa nhé.”
“Nhất định tớ sẽ không bao giờ quên.”
“Huýt?” Con Trash hỏi.
“Đương nhiên rồi,” tôi khẳng định. “Tao cũng sẽ không quên mày đâu.”
Từ đầu tới giờ Karin vẫn giữ bộ mặt không vui, cô nàng đứng cách chúng tôi một đoạn. Bốn mắt chạm nhau, cô nàng hờ hững gật đầu.
“Mong cậu sớm gặp được bạn mới.” Yuji chúc.

Không hiểu tại sao, câu nói đó đã đẩy tôi khỏi giới hạn chịu đựng. Nước mắt tôi trào ra, “Tớ không cần bạn bè gì cả. Vì tớ chỉ có Yuji và Karin là bạn thôi.”
“Cậu không được nói như thế. Cuộc sống mới đang chờ Satoshi mà.”
“Biết là thế…”
Yuji đưa tay nhỏ nhắn tháo cặp kính ra, và tựa trán vào ngực tôi. “Không sao mà. Bọn mình sẽ luôn ở bên nhau.”
Giọng Yuji nghẹn ngào làm trái tim tôi cũng rưng rưng, “Dù có xa nhau thế nào thì bọn mình vẫn sẽ kết nối với nhau. Lúc nào tớ cũng sẽ nhớ đến cậu.” Yuji lùi lại, ngước lên nhìn tôi bằng cặp mắt to tròn, đen láy, lộ rõ cảm xúc.
“Khoảng cách không phải là vấn đề. Quan trọng là thế.”
Tôi lấy tay áo lau nước mắt, tiện thể lau cả mũi, “Ừm, đúng vậy. Bọn mình luôn ở bên nhau.”
“Ở thị trấn mới chắc là sẽ có sông nước…”
“Cả núi rác nữa.”
“Ừ. Chắc Satoshi sẽ ngắm thủy sinh hằng ngày đấy nhỉ.”
“Ừ, chắc chắn tớ sẽ làm vậy.”
“Có lẽ ở thị trấn đó cũng có một cậu bạn nhỏ thích vẽ tranh như tớ.”
“Ừ.”
“Nếu vậy thì tớ muốn cậu sẽ làm bạn với cậu ấy. Hai người sẽ trở thành bạn tốt.”
“Ừ.”
“Hồi trước tớ chỉ ở một mình suốt,” Yuji bảo. “Gặp Karin và Satoshi tớ mới biết có bạn tuyệt với như thế nào.”
“Ừ.”
“Vậy nên, tớ muốn cậu chỉ cho người bạn mới ở nơi xa xôi nào đó biết về điều ấy.”
“Tớ hiểu rồi.”
Yuji lấy tay áo thể thao lau đôi mắt ướt, đeo lại kính. Lau hai tay vào mông quần, cậu chìa tay ra cho tôi, “Bắt tay nhé.”
“Ừ.”
Chúng tôi bắt tay nhau. Tay Yuji lúc nào cũng ấm và dấp dính một chút mồ hôi.
Tiếng loa thông báo tàu điện sắp tới. Dù vậy hai chúng tôi cũng không buông tay ra.
“Cậu phải tiếp tục vẽ tranh đấy,” tôi dặn. “Từng ngày, từng ngày một, kể cả những ngày gặp chuyện buồn hay khó khăn.”
“Ừ. Tớ sẽ vẽ. Từng ngày, từng ngày một, kể cả khi đau bụng hay đau đầu. Tớ hứa,” Yuji nói.
Loa thông báo lại vang lên lần nữa. Tôi còn chưa đưa vé vào máy soát. Nghe tiếng loa đã có phần sốt ruột.
“Tớ phải đi rồi.”
“Ừ.”
Rồi chúng tôi buông tay nhau. Nhưng sẽ không sao. Chúng tôi luôn được kết nối với nhau. Khoảng cách sẽ không là vấn đề.
“Tạm biệt cậu, Yuji.”
“Ừ.”
Sau đó tôi cất tiếng với con Trash đang trong chiếc xe đẩy.
“Tạm biệt mày, Trash.”
Con chó nghiêng đầu với bộ dạng thắc mắc. Có vẻ như nó không hiểu rõ tình trạng lúc này cho lắm. Tôi hướng ánh mắt sang phía Karin đang khoanh tay, đứng tựa vào tường nhà ga, “Tạm biệt, Karin.”
“Ừm,” cô nàng lẩm bẩm với vẻ khó chịu. “Có phải sẽ không bao giờ gặp lại đâu chứ.”
Tức là sẽ không nói tạm biệt. Tôi nhấc chiếc túi vải dù to đặt dưới đất lên, “Tớ đi nhé.” Tôi nhìn lại khắp lượt mọi người, gật đầu rồi đi qua cửa soát vé, hướng về phía sân ga. Trước khi biến mất khỏi tầm mắt nhau, tôi quay lưng nhìn lại một lần nữa.
“Huýt?” Con Trash kêu lên như đột nhiên nhớ ra điều gì.
“Satoshi, cậu đi mạnh giỏi nhé!” Yuji nói như hét.
“Các cậu cũng vậy nhé!” Tôi vẫy tay thật mạnh, gửi tín hiệu chia tay cuối cùng đến những người bạn.
Tạm biệt, tớ yêu các cậu lắm.
Rồi tôi lặng lẽ quay về phía trước, tiếp tục bước đi. Nước mắt chực trào nhưng tôi cố gằn cổ họng ngăn chúng tuôn ra.
Con tàu từ từ lăn bánh vào sân ga. Tôi hít hít mũi, khẽ nhấc nhấc chiếc túi trên tay xem thử trọng lượng. Trên sân ga hầu như không một bóng người. Tít trên cao bầu trời mùa xuân, chim sơn ca hót những tiếng véo von thư thả. Tàu điện gần như đã thu mình về ga. Tốc độ sắp xuống bằng không.
Đúng lúc ấy, ở phía cuối tầm nhìn, tôi thấy có màu áo kaki đang chuyển động.
Là Karin. Cô nàng chạy tới với đôi gò má trắng ánh lên mịn màng. Mái tóc màu mật ong rung mạnh theo mỗi bước chân làm lộ vầng trán rộng. Chau mày, hất tung gấu áo khoác, cô nàng dốc sức chạy đến chỗ tôi.
Karin đuổi kịp tôi cùng lúc tàu điện dừng lại và mở cửa. Một vài hành khách xuống ga.
“Satoshi!”, Karin vừa thở hổn hển vừa nói. “Cậu có muốn hôn tớ không?”
Tôi kinh ngạc nhìn vào mắt Karin. Cô nàng nhìn lại bằng cặp mắt sáng màu. Ánh nhìn cực kỳ nghiêm túc.
“Tớ muốn,” tôi trả lời ngay tắp lự. Chỉ còn một ít thời gian nữa thôi.
“Cứ để tay như vậy đi!” Cô nàng nói. Vậy là tôi đứng giữ tay đúng vị trí đó.
Cô nàng vòng hai tay qua cổ tôi, kiễng gót chân. Karin cũng cao nhưng vẫn kém tôi khoảng mười xentimét. Tôi đã giơ hai tay lên nửa chừng, sực nhớ ra lời cô nàng, tôi dừng lại.
Karin siết mạnh cánh tay. Vì vừa chạy một quãng dài, cô nàng còn đang thở hổn hển.
Hộc, hộc, hộc.
Karin thở dốc và ghé môi lại. Quỹ đạo có hơi lệch một chút, đầu tiên chạm vào mũi, rồi sau đó môi dưới của cô nàng và môi trên của tôi chạm vào nhau.
Karin nhắm mắt. Hàng lông mi dài, dày, và hơi uốn cong lên đang ghé sát tôi.
Tôi hơi cúi đầu xuống, điều chỉnh vị trí môi. Lần này thì môi cả hai đã vừa vặn khớp vào nhau. Tuy nhiên, Karin không trụ được lâu, cô nàng mở miệng hít không khí vào. Đoạn thở hắt ra. Hơi thở của cô nàng đọng lại trên môi và mũi tôi. Không hiểu sao hơi thở đó có mùi như mùi nước soda. Rồi sau đó chúng tôi lại chạm môi lần nữa. Tôi đưa lưỡi chạm vào bên trong đôi môi khép hờ của Karin, cảm nhận được mùi vị ở phần ướt ướt trong miệng. Cũng có thể đó là mùi vị của ion phân ly từ dụng cụ nẹp răng của cô nàng. Tôi chợt nhớ lại mùi vị của dụng cụ kim loại sáng loáng mà bác sĩ cho vào miệng khi tôi bị cúm.
Bỗng nhiên, chuông báo tàu điện chuẩn bị rời ga vang lên.
Người Karin cứng đờ rồi suýt mất thăng bằng. Tôi vội vã buông chiếc túi toan nắm lấy cánh tay Karin. Chỉ có điều, cơ thể hai đứa quá sát nhau nên tôi không làm sao giơ tay lên cao hẳn, rốt cuộc cái tôi nắm được không phải cánh tay Karin mà là chỗ phồng ở ngực bị lớp áo khoác che phủ.
“Đồ ngốc!” Karin đẩy tôi ra. Tôi lùi một bước, cơ thể hai đứa tách khỏi nhau. Karin vừa thở hổn hển vừa dang rộng hai chân cố định cơ thể.
Tôi nhìn trân trân vào cô nàng trong trạng thái mơ màng. Vô cùng ngạc nhiên. Không ngờ ngực Karin lại đầy đặn thế…
Cô nàng bừng tỉnh trước, bèn lượm chiếc túi rơi dưới sang gạch nhà ga, “Nhanh lên kìa, Satoshi.”
“Ừ.” Tôi đón chiếc túi vào lao nhanh lên tàu.
“Một ngày nào đó,” Karin gọi với theo. “Hẹn cậu vào một ngày nào đó.”

Tiếng chuông đột ngột tắt lịm, nhường chỗ cho sự tĩnh mịch. Và rồi cánh cửa đóng lại kèm theo âm thanh giống như tiếng thở.
“Ngày nào đó là…” Thế nhưng chưa kịp hỏi tiếp, tôi đã bị chia cắt hoàn toàn với Karin bởi lớp kính và kim loại. Đoàn tàu đã bắt đầu chuyển động.
Karin vẫn đứng chôn chân tại chỗ, nhìn tôi với ánh mắt như giận dữ.
“Ngày nào đó là…” tôi thử hỏi một lần nữa. Bóng dáng Karin xa dần từng chút, từng chút một. “Ngày nào đó nghĩa là sao?”
Con tàu dần dần tăng tốc như muốn ném tôi ra khỏi trọng trường của thị trấn này. Karin đã ở xa tới mức không thể nhìn rõ các biểu hiện trên mặt. Phi hành gia bay lên sao Hỏa có lẽ cũng ngắm nhìn trái đất như thế này. Chỉ có chúng tôi mới hiểu được cảm giác đó.
Chẳng mấy chốc con tàu bắt đầu cua mạnh sang trái. Tôi gí sát mặt vào kính cửa sổ, đuổi theo chấm nhỏ màu kaki sắp biến mất khỏi tầm mắt. Nhưng nó thoắt tan biến ở phía bên kia của con tàu đang sáng nhấp nháy.
Còn sót lại trong tôi là dư vị của nụ hôn đầu tiên và cảm giác mềm mại của bộ ngực dưới lòng bàn tay.
Tôi ngồi trên cầu thang, nhìn chăm chăm vào bàn tay mình. Phải rồi, nó vừa khít với bàn tay này.
“Bàn tay sao vậy?”
“À không, đâu có gì.”
“He he,” Karin cất giọng sung sướng một cách bí ẩn. “Giờ nó hoành tráng hơn nhiều rồi,”
Là đàn ông mà bị nhìn thấu tâm can như thế thì sẽ ra sao đây.
“Điều đó thật…”
“Mà thôi, chuyện chẳng liên quan gì đến cậu.”
“Ừ, chuyện đâu có liên quan gì đến tớ.”
Cùng câu nói “Chúc ngủ ngon,” cô nàng đưa tay lên khuy áo sơ mi. Lấy đó làm tín hiệu, tôi đứng dậy lê chân lên phòng mình.
Tôi choàng tỉnh vì nghe thấy một âm thanh nhỏ. Lại có cảm giác mình vừa mơ một giấc mơ nào đó. Một giấc mơ hạnh phúc. Tôi định ngủ tiếp để quay trở về thế giới giấc mơ. Nhưng được một lúc, tôi lại nghe thấy tiếng động từ dưới tầng. Tôi nhìn đồng hồ bên gối. Hơn một giờ sáng. Tôi bèn ra khỏi giường rồi xuống cầu thang với nguyên bộ quần áo ngủ (tức là chiếc áo phông hình con Trash và chiếc quần thể thao 100% cotton). Xuống được nửa đường, tôi nhận ra đèn tầng một vẫn còn sáng. Là bóng đèn phản xạ le lói bên quầy.
“Ồ, cậu sao thế?” Karin đang ngồi trên chiếc ghế đẩu bên quầy, mắt hướng về chiếc máy tính xách tay.
“À không, tớ thấy có tiếng động…”
“À, xin lỗi. Tớ đánh thức cậu mất rồi. Tớ đã cố gắng cẩn thận vậy mà…”
“Có gì đâu.” Tôi gãi gãi đầu hỏi cô, “Cậu không ngủ được?”
“Ừ, chắc là vậy.”
Trả lời với nét mặt thoáng chút bồn chồn, Karin rót trà thảo dược vào cốc.
“Cậu uống không?”
“Thôi.”
“Vậy hả?”
Vén tóc rồi đưa cốc trà lên miệng, trông Karin có hơi lo lắng hơn bình thường. Cô ăn mặc giống hệt tôi, áo phông và quần thể thao. Hình vẽ ở ngực áo là ký hiệu. Ba dấu chấm và ba dấu gạch ngang, tiếp đó lại là ba dấu chấm. Trung tâm các dấu chấm ở hai bên trái phải nằm đúng phẩn đỉnh của bộ ngực cô.
“Cái đó là gì vậy?” Tôi trỏ tay hỏi.
“Cái ở trong ấy hả? Hay cái bên ngoài?”
“Có lẽ,” tôi nói, “không phải cái bên trong.”
Cô lắc đầu tỏ vẻ thất vọng. “Toong toong toong, tu tu tu, toong toong toong.” Cô vừa nói vừa làm động tác như đang ấn phím bằng ngón tay trỏ.
“À, tín hiệu Morse phải không nhỉ?”
“Phải. SOS. Save our soul.”
“SOS vốn có ý nghĩa như vậy hả?”
“Chà, theo tớ hiểu là mãi sau này họ mới gán cho nó ý nghĩa đó.”
“Đó là tiếng lòng của Karin?” Tôi hỏi vu vơ.
“Nếu thế thì cậu sẽ cứu tớ hả?” Karin vừa nói vừa nhìn vào tôi với ánh mắt thách thức.
“Dĩ nhiên là thế,” tôi trả lời ngay tắp lự.
Trong một thoáng, gương mặt Karin trở nên ngạc nhiên, rồi ngay lập tức trở lại bình thường. Cô khẽ lắc đầu, “Cậu hứa đại như thế là không được đâu.”
“Hứa đại?”
Karin nghiêng đầu như muốn nói không-phải-sao, “Một người đàn ông bình thường sẽ không thể cứu rỗi tâm hồn của hai người phụ nữ.”
Ra thế, là chuyện đó hả, “Nhưng tớ là bạn thân của cậu mà.”
“Đúng vậy. Nhưng con người không thể mãi mãi tuổi mười bốn được đâu.”
“Nghĩa là?”
“Chà, tự cậu thử suy nghĩ đi,” cô bỏ mặc tôi. “Cho dù tớ có là con tàu Titanic đang bị chìm thì cậu cũng sẽ ở trên đại dương xa xôi không thể nào với tới được.”
“Kể cả ở gần như thế này?”
“Ừ, kể cả ở gần như thế này.” Cô nhìn tôi đang trầm tư suy nghĩ đoạn cười khúc khích. “Không có gì đâu. Cậu đừng để ý.”
“Cơ mà…”
“Thật mà. Nói đùa mà lúc nào cũng tưởng thật, cậu đúng là công tử khó đỡ.”
“Đừng quên là tớ lớn tuổi hơn cậu đấy.”
“Chỉ hơn có bốn mươi ba ngày. Mà sống đến ba mươi năm rồi thì cũng nằm trong sai số thôi.”
Hừ.
“Cậu không sao thật chứ?” Tôi hỏi.
“Ừ, không sao mà. Cậu đi ngủ sớm đi, công tử!” Cô nói kèm thêm rồi cười khúc khích.
Tôi im lùm chĩa ngón trỏ vào cô kiểu “Cậu nhớ đấy” đoạn cứ thế bước lên cầu thang.
Chúng tôi lấy lại được sự thoải mái trong chốc lát bằng màn kịch đùa giỡn.
Thế nhưng quay trở về phòng, tôi chẳng thể nào thoải mái được. Tôi lo lắng cho Karin.
Cô ấy không ngủ được. Sự thực về những chú lùn đóng giày có lẽ cũng chính là cô. Những viên thuốc Karin lén uống liệu có liên quan đến trạng thái mất ngủ này không?
Đột nhiên tôi nhớ ra câu chuyện đồn đại về Karin tôi nghe từ hồi nhỏ. Rằng Karin lúc nào cũng mơ màng trong lớp học. Có cậu bạn cùng lớp còn nói rằng nhìn thấy cô đi ra từ bệnh viện.
Karin có bí mật gì đó. Ôm một nỗi đau và cần sự trợ giúp.
Save our soul.
Có thể tôi là con tàu Carpathia[1] trên đại dương xa xôi theo lời Karin nói, nhưng cho dù vậy tôi không thể không lao tới. Nếu cô ấy phải ôm nỗi đau nào đó, tôi muốn cứu cô ấy thoát ra. Thế nhưng không còn ở tuổi mười bốn, chúng tôi không được phép hành động bộc phát theo thôi thúc của trái tim. Nghĩ đến đây tôi có cảm giác như đang bơi dưới đáy biển sâu trong tình trạng bị trói cả chân lẫn tay.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.