Đọc truyện Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn – Chương 6: Ngược dòng nước mắt
Thưa người, nước mắt chảy xuôi
Giọt mưa rơi xuống từ trời, nghìn xưa
SƯƠNG MAI
Mỗi lần vào nhà sách, chúng ta lại thấy xếp hàng dài trên giá những cuốn sách dành cho các bậc cha mẹ. Từ Tâm lý trẻ con tuổi chập chữngcho đến Bảy bí mật của tuổi mới lớn, Teen cần gì ở cha mẹ?… Nhìn vào đó, em sẽ thấy rằng lứa tuổi em ngày nay đang được cha mẹ tìm hiểu hoặc cố gắng để tìm hiểu một cách kỹ càng. Vì yêu thương và để biết yêu thương đúng cách.
Nhưng còn những người con thì sao? Có bao giờ em nghĩ đến việc tìm đọc những cuốn sách viết về tâm lý của người làm cha mẹ? Ai cũng biết làm cha mẹ là một việc khó khăn. Vậy phải chăng chúng ta đã, đang làm con quá dễ dàng, bằng cách biện hộ “rằng thì là” nước mắt chảy xuôi, nên không cần quan tâm đến nỗi lòng cha mẹ?
Chẳng phải chúng ta vẫn thường thốt lên câu “không thể hiểu nổi” đó sao? Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ lại không chấp nhận bạn bè con, không thấu hiểu mong muốn của con, đòi hỏi quá sức con, la mắng trách phạt con? Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ lại luôn cáu gắt với nhau, cãi vã nhau hoài? Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ chỉ quan tâm đến tiền bạc, chỉ biết cắm đầu vào công việc làm ăn? Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ lại phải chia tay, để gia đình mình tan vỡ?
Chúng ta đã luôn đặt câu hỏi tại sao, và câu trả lời thường là “Khi nào con lớn, con có gia đình, con cái, con sẽ hiểu lòng cha mẹ?” Tại sao phải đợi đến lúc đó mà không phải là bây giờ. Cả chuyện đó nữa cũng là một câu hỏi.
Tôi nhớ một ngày nọ khi tôi còn nhỏ, tôi không chịu đi học và cứ lải nhải nhắc mẹ hôm nay là hạn chót phải nộp học phí mẹ ngần ngừ bảo tôi cứ đi học, nói cô giáo thông cảm gia hạn thêm đến ngày mai. Tôi năn nỉ thế nào mẹ cũng không chịu đưa tiền. Buồn tủi và xấu hổ trước viễn cảnh cả lớp đã đóng học phí còn tôi thì chưa, tôi đành liều đi vay tiền của một người quen để đóng, định bụng khi nào mẹ đưa tiền thì tôi sẽ trả. Hôm sau, khi biết chuyện, mẹ về nhà với đôi mắt đỏ hoe và đánh đòn tôi một trận thật đau. Tôi giận mẹ suốt mấy tháng trời. Tôi không hiểu nổi mình đã làm gì sai vì tôi chỉ mượn chứ không trộm cắp của ai, và trước sau gì mẹ cũng phải đưa tôi tiền đóng học phí. Giá như lúc đó tôi hiểu được nỗi buồn của mẹ. Giá như lúc đó tôi biết đến nỗi khó khăn và cả lòng tự trọng của mẹ. Giá như lúc đó, chứ không phải đợi đến mười lăm năm sau, tôi mới biết mẹ đã phải bán đi chiếc nhẫn cưới để lấy tiền đóng học phí cho tôi. Nhưng tại sao mẹ không muốn tôi biết, nỗi lòng ấy tôi ước gì khi đó mình có thể hiểu.
Và còn nỗi lòng của những người có thể về nhà buổi chiều kia với vẻ mặt thất thần, trên tay cầm tờ báo đưa tin chứng khoán sụt giảm, giá vàng lên. Những người phải xoay sở vất vả trong mớ bong bong quan hệ với đồng nghiệp, với chồng, vợ, con cái, ông bà, anh chị, bà con họ hàng gần xa… Những người mẹ đồng thời là người vợ bắt con cái nhịn đói thêm một chút để đợi chồng về muộn. Những người cha đồng thời là người làm công ở trong tâm trạng cáu gắt vì sức ép công việc. Những người bị bao vây từ nỗi lo toan về việc phải làm sao để có một mái nhà ấm êm, một ngàn khoản cho con du học, đến những cơn cáu giận không thể kiềm chế khi con về khuya, hay lười học. Tâm lý đó chắc cũng phức tạp không kém lứa tuổi dậy thì, cũng cần phải hiểu và cảm thông.
Bởi đối với chúng ta, cha mẹ đâu chỉ có Công, có Nghĩa, có Tình yêu không cần đáp trả. Cha mẹ còn có nỗi lòng, những dằn vặt, những diễn biến tâm lý khác nhau trong từng giai đoạn khó khăn khác nhau của một kiếp làm người. Có đáng để tìm hiểu không em? Có đáng để chúng ta lội ngược một dòng nước mắt? Vì yêu thương. Và để biết đón nhận tình yêu thương đúng cách.