Đọc truyện Mùa Hoa Thứ Hai Mươi Tư – Chương 22: Ngoại truyện 1: Châu liên bích hợp (2)
Tháng tám năm ấy, Hán vương Chu Cao Hú tạo phản. Tuyên Đức đế vừa đăng cơ chẳng bao lâu, lập tức ngự giá thân chinh, đưa hai vạn binh tới Sơn Đông trấn áp. Cuối cùng, Chu Cao Hú đại bại, bị áp giải về kinh thành.
Thân là Hán vương phi, ta cùng các con cũng bị tống vào lao ngục, chờ ngày hành hình.
Năm xưa, phụ hoàng lập trưởng không lập thứ, phong Đại hoàng huynh làm Hoàng thái tử, Chu Cao Hú không phục trong lòng, có ý làm phản, phụ hoàng đã muốn giết hắn. Đại hoàng huynh đức độ nhân từ, nghĩ đến tình nghĩa huynh đệ, mới xin cha tha mạng cho. Chu Cao Hú từng lập lời thề độc rằng, nếu còn mang lòng phản nghịch nữa thì sẽ bị ném vào vạc dầu.
Bây giờ, Đại hoàng huynh không còn, nào có ai xin tội thay hắn nữa?
Tuyên Đức đế nhắc lại lời thề năm xưa, ra lệnh trói Chu Cao Hú vào cột thiêu cho đến chết để ứng với lời thề ấy.
Lúc ta hay tin này, thân đang bị giam trong thiên lao, lòng lại bình tĩnh đến lạ thường. Từ lúc biết trượng phu ôm lòng tạo phản, ta đã lường trước kết cục như vậy. Vương gia đã bị hành hình, ta biết, mình và các con cũng sẽ tiếp bước nhanh thôi.
Nhị a ca Thẩm Hoành của ta, xưa kia là tướng tài đi theo phụ hoàng tiến quân nam hạ, sau này được phong Hộ quốc Đại tướng quân. Ngày ta thành thân với Chu Cao Hú, nhị a ca gặp ta, thở dài bảo: “Trước đây ta nghĩ rằng a nương của muội đã là mù quáng, bây giờ nghĩ lại mới thấy mắt của bà ấy sáng hơn muội nhiều.”
Ta hiểu, nhị a ca có được địa vị hôm nay chẳng dễ dàng gì, nên xảy ra chuyện cũng không mặt mũi nào nhờ vả.
Ta nghĩ, trượng phu đã không còn, chi bằng ta cùng các con theo xuống suối vàng, cả nhà lại đoàn tụ sum vầy bên nhau, chẳng bao giờ phải sinh ly tử biệt nữa.
Hôm ấy, đến giờ hành hình, ta nghe tiếng cửa thiên lao mở ra, vốn đã chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ bị kéo ra ngoài thiêu chết, nào ngờ lại trông thấy a ca.
Lúc đó, a ca mặc một bộ trường bào màu xanh thiên thanh, cũng giống như hôm đưa tiễn ta rời bến Cô Tô. Đã mấy năm nay, ta bị đày ở Sơn Đông theo Vương gia, chưa từng về Cô Tô thăm a ca. Bây giờ gặp lại, chỉ thấy a ca hơi gầy đi, khóe mắt lại có thêm nếp nhăn. Dù là thế, trong mắt ta, a ca vẫn chưa hề thay đổi, vẫn là thiếu niên lang ngày nào.
Ta nghĩ, trước khi chết có thể gặp lại a ca, âu cũng là điều may mắn.
A ca bước lại gần, nói nhỏ gì đó với thị vệ canh gác. Sau đó, bọn họ mở cửa đại lao ra. Sau đó nữa, a ca tiến vào, ngồi xuống bên cạnh ta. Chắc là trông thấy dáng vẻ hiện giờ của ta thảm hại quá, khóe mắt a ca chợt đỏ hoe.
A ca không ngại cả người ta lúc này bẩn thỉu lem luốc, nhẹ vòng tay ôm lấy ta, xoa đầu ta khẽ nói:
“A Bích, chúng ta về nhà thôi.”
Từ lúc theo Chu Cao Hú đến phương Bắc, ta gần như chưa khóc bao giờ. Từ một đứa trẻ được người nhà yêu thương chiều chuộng, ta học cách trở thành một Vương phi điềm tĩnh chững chạc. Bởi vì ta hiểu, Chu Cao Hú rất bận rộn, không có thời gian dỗ dành vỗ về tính khí bướng bỉnh trẻ con của mình. Ngay cả khi bị tống vào đại lao, nghe tin trượng phu đã chết, ta cũng không khóc. Thế mà bây giờ, ta lại ôm chầm a ca, bật khóc nức nở, tưởng chừng như trở lại là đứa trẻ bảy tuổi năm ấy đi lạc ở Phiêu Miểu phong.
A ca không cười ta khóc nhè, cũng không ngại nước mắt ta làm ướt áo mình, lại còn đưa tay vỗ nhẹ lên lưng ta dỗ dành.
Ta cứ khóc, khóc mãi không ngừng, như trút hết thảy ấm ức trong suốt mười mấy năm nay ra theo dòng nước mắt này. Sau đó, ta khóc đến ngất đi lúc nào chẳng hay.
….
Khi tỉnh dậy, ta đã thấy mình ở trên một chiếc thuyền bềnh bồng giữa sóng nước.
Ta bật ngồi dậy, thấy xiêm y trên người mình đã được thay đổi, không còn là y phục dành cho tử tù nữa, mà là một bộ váy màu hồng đào, bên ngoài còn khoác chiếc áo phi phong bằng gấm Tô Châu.
Lúc này, có một người bước vào khoang thuyền. Ta ngẩng đầu nhìn lên, trông thấy a ca đang bưng một bát thuốc nghi ngút khói tiến vào, cười bảo:
“A Bích dậy rồi à? Mau uống thuốc đi cho nóng.”
Ta ngẩn người nhìn a ca, ngơ ngác hỏi:
“Thuốc ư?”
A ca ngồi xuống bên cạnh giường, cầm bát thuốc lên, thổi cho nguội, rồi mới khẽ đáp:
“Đại phu nói muội có thai được hai tháng rồi. Đây là thuốc dưỡng thai, nhân lúc còn nóng mau uống đi.”
Ta đờ người ra, chẳng biết phải làm sao. Nếu là lúc khác, nghe thấy tin này ta ắt phải vui mừng. Nhưng bây giờ… Cả Hán vương phủ đang mang tội phản loạn, trượng phu vừa mất, đứa con này đến đây, lành ít dữ nhiều.
A ca đưa một muỗng thuốc đến bên miệng ta, khẽ cười, nói:
“Uống thuốc trước đi, mọi chuyện để sau hãy nói.”
Ta bất giác ngoan ngoãn nuốt xuống, a ca lại đút cho ta một miếng mứt đường, mỉm cười khen:
“Ngoan lắm.”
Ta nuốt xong miếng mứt rồi, mới cười khổ, nói:
“A ca, muội đâu còn là trẻ con nữa, uống thuốc không cần mứt đâu.”
A ca xoa đầu ta, bảo:
“Trong lòng a ca, A Bích vẫn mãi mãi là trẻ con.”
Ta quệt đi nước mắt vừa trào ra, lại tiếp tục uống từng ngụm thuốc, cho đến khi bát thuốc đã cạn, đĩa mứt cũng không còn.
Bấy giờ, ta mới nhìn a ca, hỏi:
“Tại sao muội lại ở đây?”
A ca đặt bát thuốc xuống, chậm rãi nói:
“Viên quan giám sát hành hình lần này là người từng chịu ơn của a ca, vi huynh đến nhắc lại ân tình cầu xin ông ta, cuối cùng ông ta đồng ý để cho một nữ tử tù khác thay thế cho muội, nhờ thế mà a ca mới đưa muội ra khỏi đại lao được.”
Ta túm lấy tay áo của a ca, vội vàng hỏi:
“Vậy hai con trai của muội…”
A ca áy náy nhìn ta, nhẹ lắc đầu, thở dài nói:
“A Bích là nữ nhân liễu yếu đào tơ, không có đe dọa gì với tân đế, tha cho muội cũng không sao. Nhưng hai con của muội đều là nhi tử của Hán vương, can hệ tới việc tạo phản lần này, tân đế diệt cỏ phải diệt tận gốc, cho dù ân tình lớn đến đâu cũng không ai dám giúp đỡ việc như vậy.”
Ta chết lặng người, nước mắt tự trào ra, lăn dài xuống gò má.
A ca ôm ta vào lòng, khẽ nói:
“Lỗi do a ca vô dụng, không cứu được con của muội.”
Ta cũng hiểu việc này không thể trách a ca. Muốn trách, chỉ có thể trách phụ vương của chúng không buông bỏ được dã tâm. A ca đã cứu mạng ta, cũng cứu mạng đứa con trong bụng ta, đã là đại ân đại đức.
Ta lau nước mắt, nói:
“Không phải là lỗi của a ca. Thắng làm vua, thua làm giặc, không thể trách ai. Nếu như việc lớn đại thành, thì chúng sẽ là Hoàng tử, muội sẽ là Hoàng hậu. Bây giờ đại sự thất bại, nên nỗi này cũng chẳng thể oán trách gì.”
A ca dịu dàng dùng tay áo lau sạch nước mắt còn vương trên gò má ta, lại khuyên nhủ:
“Chuyện cũng đã rồi, muội không nên đau lòng quá độ, phải nghĩ cho đứa bé trong bụng.”
Ta đưa tay xoa nhẹ bụng mình, rồi ngước nhìn a ca, hỏi:
“Bây giờ chúng ta đi đâu?”
A ca mỉm cười, đáp:
“Về Cô Tô.”
Ta lắc đầu nguầy nguậy, phản đối:
“Không được, muội không thể về Cô Tô. Muội đang mang tử tội, sẽ liên lụy tới a ca và phụ mẫu. A cha và a nương đã lớn tuổi rồi, không nên lo lắng vì muội nữa.”
A ca xoa đầu ta, ôn tồn giảng giải:
“Bây giờ A Bích đang mang thai, để muội một mình ở nơi xa lạ, a ca làm sao yên tâm chứ? Cô Tô ở xa kinh thành, tin tức đến chậm, phần lớn dân chúng cũng không quan tâm đến chuyện nội loạn ở đế đô. A ca sợ a cha và a nương lo lắng, nên vẫn luôn giấu hai người việc này. Vi huynh định rằng sẽ đưa muội đến Ngô huyện ngoài thành Cô Tô, ở đó Thẩm gia có một biệt viện nhỏ rất u tĩnh vắng người. A Bích cứ ở đấy an tâm dưỡng thai, khi nào mọi chuyện lắng xuống hãy nói cho a cha với a nương biết sau, được không?”
Ta ngước mắt nhìn a ca, hỏi lại:
“Thật sự không liên lụy đến a ca sao?”
A ca khẽ cười, điểm nhẹ vào trán ta, nói:
“A ca có từng lừa muội bao giờ chưa?”
Ta dĩ nhiên rất tin tưởng a ca, bây giờ lại thân cô thế cô, một thân một mình chẳng biết đi đâu, cũng chỉ có thể dựa vào a ca mà thôi.
….
Lênh đênh trên thuyền mấy tháng mới về tới Cô Tô. Lúc này đã là đầu đông, thời tiết lạnh hơn, đất trời Cô Tô lại đổ cơn mưa phùn chào đón ta trở về.
Ta ngồi trên thuyền, khe khẽ vén rèm lên, thò tay ra hứng lấy vài giọt mưa lạnh ngắt. Đã rất lâu rồi, ta không được chạm vào mưa khói Giang Nam.
A ca vừa bước vào, thấy thế bèn lấy áo choàng lông thú khoác lên người ta, nói:
“Cẩn thận kẻo cảm lạnh.”
Ta cười bảo:
“Vẫn là Cô Tô nhà chúng ta tốt hơn. Lúc còn ở quê nhà thường than phiền Cô Tô mưa nhiều đến buồn chán, rời xa rồi mới thấy nhớ mưa Tô thành da diết.”
A ca ngồi xuống bên cạnh, cúi xuống hôn nhẹ lên trán ta, khẽ nói:
“A Bích, chào mừng muội trở về nhà.”
Ta ngẩn ra, thầm cảm thấy hành động thân mật này của a ca có phần không hợp lễ nghĩa lắm. Thế nhưng, ta chỉ cho rằng đó chỉ là lâu ngày trùng phùng vui mừng quá đỗi, cũng chẳng nghĩ gì nhiều.
Thuyền dừng trước bến sông Ngô huyện, chúng ta đổi lên xe ngựa đi tiếp. Bấy giờ, sau mấy tháng, bụng ta đã hơi to lên, a ca không cho ta đi bộ, dù là mấy bước cũng nhất quyết bế ta lên xe ngựa. Trên xe ngựa ấm áp, ta dựa đầu vào lòng a ca, nghe hương trúc thoang thoảng thấm vào ruột gan, tưởng chừng như thời gian đảo ngược, quay trở lại tháng ngày thơ ấu vô ưu vô lo bên cạnh a ca.
Bỗng từ đâu vẳng lại câu Côn khúc bằng tiếng Ngô, hát rằng:
“Mộng ngắn mộng dài đều là mộng, năm qua năm lại biết năm nao.”
Tiếng hát da diết xé lòng. Ta nghe thấy, lệ cũng trào khóe mi.
A ca đưa tay lau nước mắt cho ta, không nói lời nào, chỉ lẳng lặng nhìn ta. Ta không hiểu ánh mắt của a ca có nghĩa gì, chỉ bỗng thấy chột dạ, vội cúi đầu xuống.
Xe ngựa dừng trước một gian biệt viện nhỏ rất u nhã, a ca ôm ta bước vào trong. Hành lang cửu khúc quanh co, đình đài thủy tạ, viên lâm nhã trí, hồ sen lăn tăn sóng, hòn giả sơn tinh xảo, tất cả đều đượm hương vị Cô Tô.
A ca ôm ta vào một gian phòng, ta ngước nhìn chung quanh, lại sững người ra.
Gian phòng này, mỗi một ngóc ngách, mỗi một vật dụng nhỏ đều bài trí y hệt khuê phòng của ta thuở còn thiếu nữ.
Ta lấy làm ngạc nhiên, hỏi:
“Sao a ca biết muội sẽ về mà chuẩn bị sẵn gian phòng này?”
A ca cười đáp:
“A ca biết, trước sau gì A Bích cũng sẽ về. Bởi vì, đây mới là nhà của muội.”
Thẩm gia không thiếu tiền, mười mấy năm nay a ca tiếp quản sản nghiệp của a cha, quản lý rất tốt. Từ ngày ta về Tô Châu, mọi thứ ăn mặc đều dùng loại tốt nhất, còn xa hoa hơn cả khi làm Hán vương phi ở kinh thành.
A ca chăm sóc ta rất tỉ mỉ. Bởi vì ta đang mang thai, sợ ta nửa đêm xảy ra chuyện gì, huynh ấy bèn kê một chiếc giường ở gian ngoài phòng ta, đêm nào cũng túc trực bên cạnh. Ta thật sự rất cảm động, nghĩ rằng trên đời này không ai tốt với mình hơn a ca.
Được một tháng, a ca tìm thấy một đại phu đáng tin, mời đến xem bệnh cho ta. Ta nằm sau tấm rèm, chỉ để lộ tay ra ngoài cho ông ấy xem mạch.
Chỉ nghe a ca hỏi:
“Xin hỏi đại phu, tình hình của nội tử ra sao?”
Đại phu đáp:
“Thai tượng của phu nhân ngài không đáng lo ngại, chỉ có điều tinh thần không được ổn định, cần phải tịnh dưỡng nhiều hơn. Lão phu sẽ kê cho vài thang thuốc bổ, nhưng thân bệnh dễ trị, tâm bệnh mới khó, lão phu cũng không giúp được gì.”
Đại phu đi rồi, ta vội vén rèm ra, đứng dậy hỏi:
“Tại sao đại phu lại gọi muội là phu nhân của a ca?”
A ca đỡ ta ngồi xuống lại, nói:
“A Bích bình tĩnh ngồi xuống đi, trên đất lạnh, không tốt cho sức khỏe.”
Đợi ta ngồi xuống rồi, a ca mới từ tốn giải thích:
“Cả Tô thành đều biết a ca chỉ có một muội muội là Hán vương phi, nếu bây giờ đột nhiên xuất hiện một muội muội khác, tất sẽ khiến người ta sinh nghi. Vừa khéo a ca vẫn chưa có thê tử, bèn nói dối rằng muội là một tiểu thư họ Liễu ta mới cưới làm thê tử ở kinh thành. Như vậy, mọi người sẽ bớt phần nghi ngờ.”
Ta không đồng tình, nói:
“Nhưng mà chúng ta là huynh muội, hơn nữa muội là nữ tử đã xuất giá, làm sao có thể xưng hô như phu thê được chứ? Làm vậy không hợp nhân luân lễ nghĩa.”
A ca nhẹ ôm lấy ta, dỗ dành:
“Chỉ là tạm thời thôi. Chính vì không ai ngờ rằng chúng ta lại có thể trở thành phu thê, như vậy mới an toàn. A ca cũng vì nghĩ cho muội và đứa con trong bụng. Chẳng lẽ muội muốn để con mình sinh ra không có cha, bị mọi người dị nghị hay sao?”
Ta lắc đầu, nghẹn ngào nói:
“Không được, muội không thể liên lụy a ca nữa. Từ nhỏ đến lớn, a ca đã hi sinh vì muội nhiều rồi. A ca còn phải cưới thê tử sinh con, nếu xưng phu thê như vậy, đến khi huynh gặp được người trong lòng thì biết phải giải thích làm sao? A ca cũng nên lo nghĩ cho mình, đừng lúc nào cũng bận tâm vì muội nữa. A Bích không còn là trẻ con nữa rồi.”
A ca lại càng ôm chặt hơn, khẽ nói:
“Không đâu, đời này a ca sẽ không gặp được nữ tử khác khiến ta động lòng, cũng sẽ không có đứa con nào khác. Con của A Bích chính là con của a ca. A Bích đừng lo lắng, tạm thời cứ như thế này đi. Mọi chuyện về sau a ca sẽ lo liệu, A Bích không cần nghĩ ngợi gì cả. Có a ca ở đây, A Bích chỉ cần làm trẻ con vô ưu vô lo cả đời như a nương là được.”
Lúc này, ta vẫn còn chưa nhận ra điều gì bất thường, chỉ thấy thương cho a ca. Ta đã nợ a ca quá nhiều, sợ rằng kiếp này cũng không trả hết.
Cứ thế, chúng ta xưng với người ngoài là phu thê, cũng chẳng ai nghi ngờ gì, bởi vì a ca quả thật quá tốt với ta.
Có nha hoàn còn nói đùa:
“Trông phu nhân và lão gia có mấy phần giống nhau, chắc đây là tướng phu thê mà người ta thường nói.”
Ta lúng túng, không biết đáp làm sao. Hai ta cùng một mẹ sinh ra, lại còn là song bào thai, cho dù tính tình dung mạo khác nhau đến thế nào, rốt cuộc cũng phải có vài phần giống.
Mùa xuân năm sau, đúng mùa hoa nở, ta sinh hạ được một bé gái.
A ca còn vui mừng hơn cả ta, cẩn thận ôm đứa bé trong tay, cười nói:
“Con bé giống A Bích lắm, sau này nhất định sẽ là một giai nhân.”
Ta đưa tay chạm vào con, thều thào bảo:
“Không cần là giai nhân tài nữ gì, chỉ mong con được bình an một đời.”
A ca ôm con bé ngồi xuống bên cạnh ta, mỉm cười nói:
“Vậy đặt tên cho con là An Chi đi, “ký lai chi, tắc an chi”, nếu đã đến nhà ta thì hãy an ổn ở lại. Thẩm An Chi cũng là một tên hay, A Bích thấy sao?”
Ta nhíu mày, hỏi lại:
“Họ Thẩm à?”
Nụ cười trên môi a ca hơi lạnh đi. Huynh ấy nhìn ta, hỏi:
“Lẽ nào muội muốn cho con bé lấy họ Chu?”
Ta lắc đầu, bảo:
“Thôi cứ theo a ca vậy, chỉ cần con bé được bình an thì sao cũng được.”
A ca một tay ôm con gái ta, một tay ôm ta vào lòng, âu yếm nói:
“Từ nay về sau, cả nhà ba người chúng ta sẽ bình an sống bên nhau suốt đời.”
Ta cảm thấy cách nói của a ca hơi kỳ lạ, mấp máy môi muốn chỉnh lại, rồi lại thôi. Dù gì ta cũng nợ a ca quá nhiều, bây giờ đến cả lời nói cũng xét nét thì không phải cho lắm.
….
An Chi lên bốn tháng, trời bắt đầu vào hạ. Tháng bảy, Cô Tô mưa mải miết chẳng ngừng, có khi cả mấy tuần liền đều mưa rả rích.
Đêm đó, trời đổ mưa lớn, ta đang nằm ngủ, bỗng có bóng người nằm lên giường, chạm vào người ta. Ta giật mình thức giấc, thoạt đầu ngỡ là có gian tặc lẻn vào, cho đến khi ngửi thấy hương trúc thoang thoảng quen thuộc kia.
Người đó hôn lên môi ta, bàn tay lần cởi ra thắt lưng của ta, rồi lại khẽ giọng nói:
“A Bích, a ca chờ ngày này, chờ suốt hai mươi năm rồi.”