Đọc truyện Mùa Hoa Thứ Hai Mươi Tư – Chương 17: Đố đèn
Đợi khi cha con Tạ gia cáo biệt rời đi rồi, Thẩm Bạch gọi Miên Nhi tới, bảo:
“Ngồi xuống đi, vi phụ có chuyện cần nói với con.”
Miên Nhi quan sát sắc mặt của nghĩa phụ, không nhìn ra được người đang có tâm tình thế nào, chỉ đành rón rén ngồi xuống, thỏ thẻ hỏi:
“Nghĩa phụ muốn nói gì với Miên Nhi?”
Thẩm Bạch nhấp một ngụm trà, hỏi:
“Tại sao lúc nãy Miên Nhi lại muốn an ủi Tạ công tử?”
Miên Nhi cười đáp:
“Miên Nhi chỉ thấy Tạ công tử là người có tài, nếu chỉ vì một lần bất đắc chí mà suy sụp tinh thần thì thật đáng tiếc. Chẳng phải nghĩa phụ vẫn nói lòng tiếc tài ai ai cũng có hay sao?”
Thẩm Bạch lắc đầu, bảo:
“Ban nãy Miên Nhi làm vậy không sai, nhưng mà lần sau không nên như thế nữa.”
Miên Nhi lấy làm khó hiểu, hỏi:
“Tại sao lại không nên làm vậy nữa?”
Thẩm Bạch khẽ thở dài, bảo:
“Tạ gia là thế gia nhiều đời, trọng thần trong triều không ít, môn đệ cũng đông, không nên đắc tội. Lúc nãy Miên Nhi nói chuyện không được khéo léo, nếu chẳng phải vì giao tình hai nhà, chưa biết chừng đã làm phật lòng Tạ nhị gia, hậu quả khó lường.”
Miên Nhi vốn tự mãn vào hiểu biết của mình, lại còn nhỏ tuổi háo thắng thích khoe tài, bấy giờ nghe nghĩa phụ nói vậy, mới nhận ra suýt nữa mình đã gây họa. Nàng cũng không sợ gì cho mình, chỉ lo gây rắc rối cho nghĩa phụ. Tiểu cô nương áy náy trong lòng, cúi đầu đáp:
“Miên nhi hiểu rồi, sau này không xen vào chuyện của người khác nữa.”
Thẩm Bạch đưa tay xoa đầu nàng, cười bảo:
“Không sao, lúc vi phụ còn trẻ cũng từng hiếu thắng như vậy, dần dần sẽ trưởng thành lên.”
Nói đoạn, người lại rót một tách trà, nhìn khói trà quyện vào không trung, ánh mắt thoáng trầm xuống, cất giọng nói:
“Miên Nhi năm nay đã mười lăm tuổi rồi, cũng sắp làm lễ cập kê. Hai năm nay không ngừng có người tới cửa ngỏ lời, nhưng vi phụ vẫn luôn lựa lời chối từ, chỉ nghĩ Miên Nhi còn nhỏ, không cần gấp gáp tính chuyện chung thân đại sự. Tạ nhị gia cứ luôn thúc giục hôn sự của Miên Nhi với Tạ công tử, nhưng Tạ gia vô cùng phức tạp, đại phòng nhị phòng tam phòng chung một nhà, trên dưới trong ngoài đều ngấm ngầm tranh đấu lẫn nhau, vi phụ sợ rằng Miên Nhi từ nhỏ đã được ta nuông chiều, gả đến Tạ gia sẽ không đối phó được, thế nên năm lần bảy lượt tìm cách từ chối. Sau này Miên Nhi cũng đừng gần gũi với Tạ công tử nữa, tránh cho Tạ nhị gia lại có cớ thúc ép hôn sự. Tuy rằng vi phụ không sợ Tạ gia, nhưng có thể tránh được thì không nên kết thêm thù hằn làm gì. Còn chuyện hôn sự của Miên Nhi… để sau hãy tính đi.”
Miên Nhi tựa đầu lên vai Thẩm Bạch, khẽ nói:
“Miên Nhi không gả cho Tạ công tử, cũng không gả cho ai khác đâu. Miên Nhi ở bên hầu hạ nghĩa phụ suốt đời, được không?”
Thẩm Bạch nhéo nhéo chóp mũi nàng, cười nói:
“Đúng là lời trẻ con, nghĩa phụ cũng không sống cả đời với Miên Nhi được. Thất thập cổ lai hi, vi phu đã qua tứ tuần, chẳng mấy chốc là tới ngũ tuần, lục tuần… Một mai vi phụ không còn, nếu Miên Nhi vẫn không gả cho ai, thì lấy ai chăm sóc Miên Nhi đây?”
Nói tới đây, giọng người cũng thấm đượm nỗi thương cảm. Bấy giờ mới thấu được nỗi tiếc hận trong thơ cổ, ta sinh người chưa sinh, người sinh ta đã già, ta hận người sinh muộn, người oán ta tới sớm, hận chẳng sinh cùng thời, ngày ngày kề bên nhau.
Miên Nhi thấy nghĩa phụ buồn, cũng không biết phải nói gì, bèn kéo tay người, nói lảng đi:
“Trên bờ đang có hội hoa đăng, hay là chúng ta lên bờ đi dạo một lúc đi?”
Thẩm Bạch liếc nhìn đồng hồ nước ở góc thuyền, bảo:
“Chỉ một canh giờ thôi đó, trời cũng không còn sớm nữa.”
Miên Nhi vui mừng, vội vàng chuẩn bị xuống thuyền. Thẩm Bạch căn dặn Trương Tam cho thuyền tấp vào bờ, sau đó lấy một tấm lụa mỏng, cẩn thận che lên mặt Miên Nhi, chỉ để lộ đôi mắt to tròn trong vắt như nước hồ thu.
Miên Nhi chớp mắt hỏi:
“Nghĩa phụ, tại sao phải che mặt lại?”
Thẩm Bạch thở dài, bảo:
“Khuôn mặt này quá dễ trêu chọc đào hoa, tốt nhất là che lại để đỡ gặp rắc rối.”
Miên Nhi tủm tỉm nói:
“Nghĩa phụ đang ghen sao?”
Thẩm Bạch không đáp, chỉ khẽ ho một tiếng, bảo:
“Xuống thuyền đi.”
Trong cả năm, tiết Nguyên Tiêu là lễ hội lớn thứ hai, chỉ sau tiết Nguyên Đán đầu năm. Bấy giờ, trong thành Cô Tô đương rộn ràng tổ chức lễ hội hoa đăng, hàng vạn ánh đèn lấp lánh thắp lên hai bên đường, nam thanh nữ tú dập dìu trên phố. Thời đại này học thuyết Nho giáo trở nên nghiêm khắc hơn với nữ tử, thường ngày nữ giới đều chỉ quanh quẩn trong khuê các thuê hoa, chỉ có những ngày lễ lớn thế này mới được ra ngoài một chút.
Miên Nhi cũng ít khi ra ngoài, chủ yếu là vì nàng luôn bám theo nghĩa phụ, mà tính tình Thẩm Bạch ưa yên tĩnh, hiếm khi bước chân ra khỏi Thẩm phủ. Lúc này, tiểu cô nương như người từ trên núi xuống, thấy cái gì cũng lạ lẫm, phải đứng lại nhìn thật lâu.
Thẩm Bạch không muốn làm nàng mất hứng, chỉ lệnh cho mấy thị vệ âm thầm đi theo phía sau, còn người thì để mặc cho Miên Nhi kéo đi đông đi tây.
Tới một góc phố nọ, có một cô bé tầm mười hai, mười ba tuổi chạy tới trước mặt hai người, ngước mắt nhìn Thẩm Bạch, chìa mớ khóa đồng tâm trên tay ra, nói:
“Thúc thúc, thúc mua khóa đồng tâm này tặng cho phu nhân đi, cột mảnh giấy viết tên hai người lên rồi khóa lại, nhất định sẽ được khóa chặt bên nhau cả đời, mãi mãi không rời xa.”
Hai người cười nói thân mật, tiểu cô nương này bèn cho rằng là đại lão gia nào đó đưa ái thiếp ra ngoài chơi. Thẩm Bạch còn chưa nói gì, Miên Nhi đã kéo tay áo người, nói:
“Người mua cho Miên Nhi đi.”
Thẩm Bạch vốn định nói “Chúng ta mua cái này làm gì”, có điều trông thấy đôi mắt đầy chờ mong của nàng, rốt cuộc vẫn không thốt ra miệng. Người đưa tiền cho tiểu cô nương kia, cầm lấy một cái khóa đồng tâm, đưa cho Miên Nhi. Nàng hớn hở cất vào lòng, lại kéo Thẩm Bạch đi xem đố đèn.
Trên quầy đố đèn bày đầy những chiếc đèn hoa xinh đẹp lộng lẫy, nhưng lại không bán, mà phải trả lời đúng câu hỏi trên mỗi chiếc đèn mới lấy được.
Thẩm Bạch thấy Miên Nhi nhìn chằm chằm vào những chiếc đèn, bèn xoa đầu nàng, hỏi:
“Miên Nhi thích không?”
Miên Nhi gật gật đầu.
Thẩm Bạch bước tới bên quầy đố đèn, một hơi đáp đúng ba câu đố, cầm lấy ba chiếc đèn về cho ái nữ. Miên Nhi vui mừng săm soi mấy chiếc đèn trong tay, thầm nghĩ trong nhà có sẵn tài tử quả là có ích.
Thẩm Bạch cười bảo:
“Đèn cũng đã lấy rồi, chúng ta về phủ thôi.”
Bản tính Miên Nhi vốn hiếu thắng, nào chịu về dễ dàng như vậy, bèn nói:
“Miên Nhi cũng muốn đáp thử một câu, đáp xong sẽ theo nghĩa phụ về.”
Ông chủ quầy đố đèn hận Thẩm Bạch lấy đi ba chiếc đèn đẹp nhất của mình, lại xem thường nàng là nữ tử, cất tiếng mỉa mai:
“Cô nương cứ về đi thì hơn, đây vốn không phải trò dành cho nữ tử.”
Thẩm Bạch nhíu mày, thầm tức giận trong lòng, đang muốn nói gì, Miên Nhi đã ngăn lại.
Nàng bước tới, cầm lên một chiếc đèn, thấy trên đó dán một hàng chữ: Sinh làm thứ tử, Dã tâm rất cao, Huyền Vũ chi biến, Đoạt ngôi cửu ngũ.
Miên Nhi hơi chau mày, nói:
“Câu đố này dùng lời lẽ có vẻ bất kính với Đường Thái Tông, ta không đáp nữa. Tuy rằng thủ túc tương tàn, nhưng nếu ngài không diệt người ta thì sẽ bị người ta diệt. Không phải trưởng tử thì đã sao? Đối với lê dân trăm họ, ngài không hề hổ thẹn cái tên tế thế an dân, Trinh Quán chi trị, Đại Đường thịnh thế, muôn dân ấm no, điều bách tính cần nhất không phải là cái này hay sao?”
Nàng vừa dứt lời, đằng sau đã có tiếng vỗ tay. Một giọng nam trầm khàn cất lên, khen:
“Nói hay lắm!”
Miên Nhi giật mình, quay đầu lại nhìn, chỉ thấy người vừa vỗ tay khen nàng là một nam nhân cao lớn, tướng mạo khôi vĩ, tuổi trạc chừng ngoài ba mươi, mình mặc áo lụa đai gấm, thần thái oai hùng hiên ngang, đằng sau còn có mấy người đi theo. Người đó liếc nhìn nàng, Miên Nhi đột nhiên thấy sợ hãi. Đúng lúc này, bỗng chợt có cơn gió nhẹ thổi qua, khăn lụa trên mặt nàng bay lên, thoáng chốc để lộ dung mạo thấp thoáng. Miên Nhi cuống cuồng kéo khăn lụa xuống, hơi cúi đầu tránh đi.
Thẩm Bạch vội kéo nàng ra sau, chắn đi tầm mắt của nam nhân nọ. Người khẽ mỉm cười, cúi người cung kính nói:
“Thẩm Bạch không biết Tứ gia đã đến Tô thành, nghênh tiếp không chu đáo, mong Tứ gia đừng trách.”
Miên Nhi không biết người này là ai, lần đầu thấy nghĩa phụ có thái độ kính cẩn như vậy với người khác, rất đỗi kinh ngạc.
Nam nhân được gọi là Tứ gia kia khoát tay, cười bảo:
“Thẩm tướng gia chớ khách sáo, gia ở mãi Bắc Bình cũng thấy chán, nên du ngoạn Giang Nam một chuyến. Thế nhân đồn rằng từ cổ Giang Nam xuất mỹ nhân, quả thật không nói ngoa.”
Vừa nói, y vừa liếc nhìn tiểu cô nương đang tránh sau lưng Thẩm Bạch.
Khuôn mặt Thẩm Bạch thoáng biến sắc, bên môi lại vẫn nở nụ cười ôn nhã, nói:
“Tiểu nữ tuổi nhỏ không hiểu chuyện, nói năng không suy nghĩ, nếu có mạo phạm thì kính xin Tứ gia lượng thứ cho, chớ trách phạt.”
Tứ gia kia bật cười, bảo:
“Không, nàng nói rất đúng, gia nên ban thưởng mới phải, cớ gì lại trách phạt?”
Thẩm Bạch cười cười, trong lòng lại thầm than: Một ngày trêu chọc đến hai đóa hoa đào, quả nhiên không nên cho nàng ra ngoài thì hơn.
…..
Tứ gia: Cô gái này thật thú vị. (っ˘▽˘)
Thẩm đại thúc: Tình địch bốn phía, lão phu khổ quá mà. ( ̄ヘ ̄;)