Đọc truyện Mộc Cẩn Hoa Tây Nguyệt Cẩm Tú – Chương 22: Thất tịch trường tương thủ (3)
Nhìn vì sao băng xẹt qua trên bầu trời đêm, tôi thầm cầu nguyện trong lòng, hy vọng có thể thuận lợi báo thù, cùng Cẩm Tú rời khỏi Nguyên gia này.
Nếu thật sự báo được thù, cùng Cẩm Tú rời khỏi Nguyên gia, tôi còn có thể gặp lại Phi Giác không? Nhớ tới Phi Giác, lòng lại đau xót không
thôi.
Lỗ Nguyên vốn đứng một bên, hưng phấn nhìn tôi giới thiệu chiếc nỏ
bỗng im lặng nhìn Cẩm Tú. Dường như đang thấy ác quỷ, khuôn mặt bị bỏng
kia hơi vặn vẹo, ông ta nhảy tới giữa sân, vươn tay run run chỉ vào Cẩm
Tú, hô lớn: “Ngươi… Ngươi… Ngươi là con ác quỷ có đôi mắt tím ấy, chính
ngươi… đã giết một trăm hai mươi ba mạng người ở Lỗ gia thôn chúng ta,
chính ngươi đã lệnh cho thuộc hạ giết hết phụ nữ trong thôn, ngay cả đứa trẻ còn nằm nôi cũng không tha, con quỷ này, mau tới nạp mạng đi…” Dứt
lời liền xông về phía Cẩm Tú.
Việc này thực sự nằm ngoài ý liệu của mọi người, Kiều Vạn lập tức
tung một cước đá Lỗ Nguyên ngã lăn, ra tay như điện, điểm liên tiếp mười ba huyệt đạo trên người ông ta, cười lạnh: “Tên đầy tớ dơ bẩn như ngươi mà cũng dám chạm vào Cẩm cô nương? Nói mau, là ai sai ngươi tới đây ám
sát?”
Lỗ Nguyên nằm trên mặt đất, miệng hộc bọt máu, đôi mắt nhìn chằm chằm Cẩm Tú: “Là ngươi, con ác ma mắt tím đó, dù ngươi có hóa thành tro ta
cũng nhận ra.”
Vẻ mặt Cẩm Tú không đổi, vừa chậm rãi uống rượu, cười nhạt: “Ông nói
ta là hung thủ giết cả nhà ông, vậy ông nói xem, ta giết cả nhà ông lúc
nào, ở đâu, tại sao lại giết?”
Miệng Lỗ Nguyên dính đầy bụi đất, mắt tuôn cả lệ máu: “Kẻ thường dân vốn không có tội, chỉ vì mang ngọc bích mà thành có tội(1). Người thôn Lỗ gia đều là thợ khéo, chỉ vì ngươi muốn bọn ta làm giúp
khóa tương tư nghìn tầng, ngươi nói trên đời này chỉ mình ngươi có thể
giữ chìa khóa, nên cuối năm ngoái, khi ta giao khóa, ngươi đã giết hết
dân chúng thôn Lỗ gia ở Thương châu.”
“Vậy ông có nhìn rõ bộ dáng hung thủ thế nào không?”
“Tuy ngươi đeo mặt nạ nhưng đôi mắt tím kia ta không thể nào nhầm được.”
Tôi cả kinh nhìn Cẩm Tú mà nàng quay sang hỏi Kiều Vạn: “Kiều gia, ngươi có nhớ cuối năm ngoái chúng ta đã làm gì không?”
Kiều Vạn cung kính đáp: “Bẩm cô nương, cuối năm ngoái chúng ta đang
cùng ba ngàn binh sĩ tiến vào cửa Tư Mã, truy giết nghịch tặc Trương
thị, cứu nguy cho xã tắc, nào có chạy tới cái Thương châu sỏi đá ấy bao
giờ.”
Cẩm Tú khẽ nhún vai, một hơi cạn hết chén rượu trong tay, cười khinh
thường: “Người mắt tím trong thiên hạ đâu chỉ có mình ta, ông chưa từng
nghe tới họ Đoàn nước Đại Lý, Tử Nguyệt công tử – một trong tứ công tử
cũng trời sinh mắt tím sao? Ở Tây Vực, người mắt xanh mắt tím cũng đâu
hiếm, ta thấy ông nhận lầm người rồi đó.”
Bấy giờ Vi Hổ mới vội chạy tới quỳ xuống: “Xin Tam gia tha cho Lỗ
Nguyên, ông ấy cũng vì nôn nóng báo thù mới xúc phạm tới Cẩm cô nương.”
Kiều Vạn hừ một tiếng: “Hầu gia đã có lệnh, bất cứ ai dám bất kính với Cẩm cô nương sẽ giết không tha.”
Cẩm Tú ngồi đó tự rót tự uống, khóe miệng nở một nụ cười yếu ớt tựa
như mọi chuyện chẳng liên quan tới nàng. Lòng tôi chợt nhói đau, muội
muội của tôi, rốt cuộc muội đã phải trải qua chuyện gì mà lại có thể
thản nhiên đến vậy?
Lúc này Nguyên Phi Bạch im lặng nãy giờ mới lạnh lùng lên tiếng, đem đi cắt lưỡi.
Tôi hoảng hốt, biết rằng đây đã là hình phạt nhẹ nhất dành cho Lỗ
Nguyên rồi, không giết là bởi ông ta là một thợ giỏi, vẫn còn giá trị
lợi dụng. Tôi bèn bước xuống, mỉm cười rót cho Nguyên Phi Bạch một chén
rượu: “Tam gia, hôm nay là Thất tịch, chúng ta thi khéo léo chứ có thi
cắt lưỡi người ta đâu. Không bằng nể mặt Thất nương nương tha cho Vi
tráng sĩ đi. Cẩm Tú, muội nói xem có đúng không?” Dứt lời, tôi lại bước
qua rót cho Cẩm Tú một chén. Nàng ngẩng đầu nhìn tôi chằm chằm, nhận lấy chén rồi mới cười đáp: “Tâm địa tỷ tỷ vẫn luôn thiện lương như vậy.”
Nói xong liền nhìn Kiều Vạn: “Còn không mau thả lão quái dị đó ra.”
Kiều Vạn nói: “Nhưng mà cô nương, tên nhãi này hung bạo như vậy, thả hổ về rừng sau này quay lại hại cô nương thì sao?”
Cẩm Tú lạnh lùng nói: “Ngươi càng lúc càng lắm chuyện đó.”
Kiều Vạn lập tức thả Lỗ Nguyên ra. Vi Hổ nhanh chóng tiến lên nói cảm tạ Cẩm cô nương, Bạch Tam gia, sau khi nhìn tôi một cái đầy cảm kích
liền lén điểm huyệt câm của Lỗ Nguyên rồi lôi ông ta xuống dưới.
Chỉ nghe Cẩm Tú nhìn tôi nói: “Thật là mất hứng, có điều đêm nay là
Thất tịch, nghe nói chợ đêm thành Tây An có mở, chẳng biết Tam gia có
thể để gia tỷ và Tiểu ngũ nghĩa đi cùng Cẩm Tú không? Trong vòng một
canh giờ nhất định sẽ trả người về!”
Tôi mừng rỡ nhìn về phía Nguyên Phi Bạch, anh ta nhìn tôi một hồi,
gật đầu đáp: “Vậy làm phiền Cẩm cô nương và Kiều tráng sĩ rồi, Tố Huy,
ngươi đi theo cô nương, không được để có sai sót gì.”
Tố Huy vui vẻ dạ một tiếng, tôi vô cùng hưng phấn đi về phía trước nắm lấy tay Cẩm Tú. Tay nàng thoáng run nhưng cuối cùng
cũng đưa tay nắm lại.
Đèn trời chợ đêm sáng rực mây, lầu cao áo đỏ khách vui vầy.(2)
Cửa thủy chiều hôm, trà quán náo nhiệt, cầu chợ suốt đêm, tửu khách hành.(3)
Bình thường thành Tây An sẽ đóng lại khi mặt trời lặn, trong thành
thực hiện giới nghiêm, ngay cả đèn nến cũng hạn chế, nếu vi phạm sẽ bị
xử phạt, nhưng vào dịp Thất tịch, chợ đêm Tây An vẫn đèn đuốc sáng rực.
Với tôi mà nói, có Cẩm Tú ở bên làm bạn tựa như được uống một chén rượu
ngon, cực kỳ thư thái. Ở đây không phải nghe thấy tiếng mắng nhiếc từ Tử Viên, không phải nhìn tới vẻ mặt giận dữ của Quả Nhĩ Nhân, không nhìn
thấy vị phu nhân ăn vận xa hoa kia. Tôi, Cẩm Tú, Bích Oánh, Tống Minh
Lỗi, Tố Huy cùng Kiều Vạn mặt lạnh đi đằng sau tự do tự tại như cá bơi
trong nước, thong thả dạo bước giữa chợ đêm.
Đi một vòng, cửa hàng cửa hiệu cứ như hoa xuân đồng loạt mở ra, chẳng ai chịu để mình rớt lại phía sau, nhóm chủ tiệm ai nấy đều mỉm cười ân
cần, bên kia rao hàng như hoàng anh hót, bên này kẹo bán tỏa hương thơm
lừng.
Khoảng đất trống là nơi thi thả diều, người cầm dây chủ yếu là thiếu
niên, bọn họ ngửa mặt nhìn trời đêm, thưởng thức màn pháo hoa rực rỡ
hiếm có.
Xe hàng xuất phát từ trong thành, trong bóng đêm, thong thả mà vững
vàng đi về phía bờ đê, đưa hàng hóa cho đội thuyền ngày mai phải đi xa.
Hoa quả tươi được bày lên sạp, tranh nhau đọ sắc, đặt dưới ánh nến
quả thật rất đẹp. Chúng tôi vây quanh một sạp đào, chọn tới chọn lui một hồi tôi mới lấy được cho Cẩm Tú một quả to nhất, đỏ nhất. Cẩm Tú hài
lòng nhận lấy, hình như nhớ lại hồi bé vẫn thích đi theo tôi đòi đồ ăn,
đương nhiên bây giờ đều là Tống Minh Lỗi tự đem tiền túi ra.
Thời gian dường như bước chậm lại khiến người ta phải ngạc nhiên,
chúng tôi, người ngậm kẹo, người ăn đào, vừa dạo vừa ngắm nghía, tỉ mỉ
bình luận, thong dong thưởng thức vẻ đẹp không nói hết của phố phường,
quả là một thú vui tao nhã khó diễn tả.
Tới đường lớn Huyền Vũ, chúng tôi đi qua một dãy toàn hiệu thuốc bắc: hiệu Kim tử y quan, nhà Đỗ Kim Câu, thuốc viên Tào gia, khoa nhi của
Bách lang trung, khoa sản của Nhâm gia…
Mỗi cửa hàng đều có bảng hiệu rất đặc sắc, chúng tôi còn đang cười
việc hiệu nhà Đỗ Kim Câu dùng một anh chàng cao lớn tay cầm móc câu, lại còn khắc một cái dấu hình lợn làm ký hiệu, thì đột nhiên phát hiện trên mặt cửa trước của tiệm bán thuốc chữa đau họng là bức tranh sen nở, vịt giỡn nước mà Nguyên Phi Bạch vẽ lần trước, phần lạc khoản có đề Thuyết
yêu hoa sen cùng cái tên Hoa Mộc Cẩn được viết xiêu xiêu vẹo vẹo. Bức
tranh này hiển nhiên đã nâng hiệu thuốc này lên một bậc, khiến rất nhiều dân chúng tới quan sát. Tôi thầm kêu khổ, không phải Nguyên Phi Bạch đã đồng ý tặng tôi bức tranh này sao, tại sao lại để truyền ra ngoài thế
này? Sắc mặt Cẩm Tú thoáng trầm xuống, nàng lạnh nhạt liếc tôi: “Hay cho một bài Thuyết yêu hoa sen, chúc mừng tỷ tỷ có thể cùng Tam gia danh
chấn thiên hạ.”
Tôi đang định giải thích thì trước mặt đã là phường trà Bắc Sơn. Bọn
họ đặc biệt dựng một tòa “Tiên động”, một tòa “Tiên kiều”, hấp dẫn rất
nhiều trai gái tới uống trà, kết bạn. Cẩm Tú kêu khát, cũng không ngoảnh đầu nhìn chúng tôi đã bước vào, Kiều Vạn lập tức theo sau xếp đặt, Bích Oánh nhẹ nhàng khuyên: “Mộc Cẩn, đừng nóng vội, muội ấy vẫn còn là trẻ
con mà.” Tôi cười khổ gật đầu, theo bọn họ vào phường trà.
Bước vào Tiên động, “bà bà chọn trà” tuổi tương đối lớn, trên đầu gài năm đóa trâm hoa, mặt đã già lại giả vờ lanh lợi khiến chúng tôi không
khỏi buồn cười, bà rao tên các loại trà đặc biệt, vừa rao vừa gõ ly, đầu còn lúc lắc đánh nhịp theo, rất có bài bản. Chúng tôi liền chọn một
bình bích loa xuân, ngồi xuống nghỉ một chút, bà lão kia nhìn Bích Oánh
nói: “Cô nương đây thật xinh đẹp, về sau nhất định có thể gả cho một
lang quân tốt.” Bích Oánh đỏ mặt, mắt không kiềm được mà liếc về phía
Tống Minh Lỗi. Tôi thử bắt chuyện với Cẩm Tú nhưng nàng chỉ niềm nở kéo
Bích Oánh cùng Tống Minh Lỗi nói chuyện, chẳng hề để ý đến tôi, nha đầu
đáng ghét.
Một lát sau, chúng tôi rời khỏi phường trà đi tới địa danh nổi tiếng ở chợ đêm – Phan lâu. Phan lâu kia là nơi bán các đồ vật cho lễ khất xảo, nghe nói đồ giả cả có hơn trăm loại, bày bán tràn lan, thế nhưng mỗi
lần họp chợ, dân chúng Tây An đều chen chúc tới xem, khiến xe ngựa không thể vào nổi, người cũng chẳng thể len ra. Tôi bèn mua cho mình, Cẩm Tú
và Bích Oánh mỗi người một chiếc mặt nạ Côn Luân mặt đen mũi tẹt để
chơi, sắc mặt Cẩm Tú hơi khá hơn.
Gần tới nửa đêm, chúng tôi tới Phong Di lâu bên bờ sông. Một con
thuyền hoa bỏ neo cập bờ, một quý công tử ăn vận hoa lệ, dẫn theo hơn
mười nàng thiếp lên lầu chè chén say sưa, ca đồng vũ nữ, vừa hát vừa
múa, nhất thời tiếng nhạc rộn ràng, tiếng oanh yến nũng nịu truyền từ
thuyền hoa lên bờ khiến người ta quên mất giờ đã là đêm khuya…
Chúng tôi vừa vui đùa vừa đi tới đường Chu Tước. Trong ấn tượng của
tôi, hình ảnh một tiên sinh bói toán cũng tương đối chính trực nhưng ở
đường Chu Tước, thẻ bài tôi lựa ra toàn là “thần nữ Tây Sơn”, “Hoa đào
nở tháng ba” gì đó, còn “Ngũ tinh”(5) thì còn có mấy cái tên kỳ quái như Ngọc Hồ ngũ tinh, Thảo Song ngũ tinh, Thẩm Nam Thiên ngũ tinh, Dã Hạng
ngũ tinh, thậm chí tiên sinh bói toán còn hát vang: “Một mẫu đất, hai
con trâu, vợ con ấm đầu giường” rồi “Khi thời vận đến, mua ruộng đất,
lấy vợ về”.
Tôi không khỏi cười thành tiếng, Cẩm Tú liếc tôi một cái rồi đi thẳng tới chỗ thư sinh bán thơ văn, muốn cậu ta lấy đề là “Hoa sóng” làm một
bài tứ tuyệt, lấy chữ “hồng” làm vần. Thư sinh kia bộ dáng trắng trẻo
thanh tú, lúc nhìn qua Cẩm Tú, trong mắt thoáng vẻ kinh diễm, vui vẻ đề
bút viết:
Nhất giang thu thủy tẩm hàn không
Ngư địch vô đoan lộng vãn phong
Vạn lý ba tâm thùy chiết đắc?
Tịch dương ảnh lý toái tàn hồng.
Dịch nghĩa:
Nước sông mùa thu thấm hơi lạnh
Sáo chài vô cớ lộng gió đêm
Lòng sóng nghìn dặm ai làm vỡ
Ánh chiều vỡ vụn tựa hoa tàn
Chúng tôi đều ngẩn ra, không ngờ giữa chốn phố phường này cũng có một cao thủ thi từ như vậy. Cậu ta đề giá mỗi bài là ba mươi văn tiền, dừng bút mài mực phạt mười lăm văn tiền.
Lúc này, một nam tử trung niên mập mạp, ăn vận sang trọng, nét mặt u
buồn, nói muốn làm quan tài, yêu cầu vị thư sinh kia lấy đó làm một bài
thơ, thư sinh ngay cả mực cũng không chấm đã viết xuống:
Tử nhân chước tước tượng văn sam
Tác tựu thần tiên hoán cốt hàm
Trữ hướng minh song tam bách nhật
Giá hồi trừu xuất tâm dã cam.
Một vị phụ nhân liền đi đến, lấy “Quạt trắng” làm đề, thư sinh vừa
mới nâng bút, phụ nhân kia lại yêu cầu lấy chữ “hồng” làm vần. Cậu ta
viết ngay mà không chần chừ thêm:
Thường tại giai nhân chưởng ác trung,
Tĩnh đãi minh nguyệt động thì phong
Hữu thì bán yểm dương tu diện
Vi lộ yên chi nhất điểm hồng.
Tống Minh Lỗi mỉm cười, móc ra một mảnh giấy đề hai chữ “lô nhạn” đưa cho cậu ta rồi không nói thêm lời nào, thư sinh kia nhìn Tống Minh Lỗi, trầm ngâm một chút rồi viết:
Lục thất diệp lô thu thủy lý
Lưỡng tam cá nhạn tịch dương biên
Thanh thiên vạn lý hồn vô ngại
Trùng phá hàn đường nhất mạt yên.
Dịch nghĩa:
Sáu bảy lá lau trong nước thu
Hai ba con nhạn bên trời chiều
Trời xanh vạn dặm tự không ngại
Phá tan ao lạnh cùng khói sương
Chúng tôi tấm tắc lấy làm kỳ. Việc bán thơ cực cần tài năng nhạy bén, nếu không có sự tôi luyện lâu dài cùng tri thức uyên bác thì không thể
làm được. Hơn nữa câu chữ của thư sinh này khiến người ta có cảm giác
rất mới mẻ. Chúng tôi không kiềm được mà hỏi tên, thư sinh kia mỉm cười
nho nhã, hai bên má còn hiện lúm đồng đồng tiền rất đáng yêu: “Tiểu sinh họ Tề tên Phóng, tự là Trọng Thư.”
Tề Phóng? Sao cái tên này nghe quen thế nhỉ?
Tống Minh Lỗi thanh toán một lượng bạc, nhiều hơn hẳn thù lao đề ra.
Thư sinh mỉm cười, đang định từ chối thì một đội múa rồng bỗng đi vào
đường lớn. Theo tiếng hô hào, đoàn người bắt đầu hưng phấn hơn hẳn. Mọi
người chen về phía đội múa, trong chốc lát đã thành một đoàn dài. Nhoáng một cái, tôi và bọn Cẩm Tú, Tống Minh Lỗi đã bị tách ra.
Tôi cẩm mặt nạ Côn Luân trong tay, miệng không ngừng gọi tên Cẩm Tú,
nhưng đoàn người thật sự quá đông. Tôi bị đẩy ra càng lúc càng xa, không còn nhìn thấy bóng áo trắng của Cẩm Tú đâu nữa. Một lát sau đoàn múa
rồng mới đi qua, cũng lúc này người ta bắt đầu bắn pháo hoa bên bời
sông. Mọi người liền đổ xô về phía dòng sông, tôi lại bị chen tới lề
đường. Dưới những làn pháo hoa, tôi lờ mờ nhìn thấy một bóng trắng cao
cao, khi tôi vừa bước tới gần, bóng trắng kia liền ngoảnh đầu sang, trên mặt chính là chiếc mặt nạ Côn Luân giống hệt chiếc tôi đang cầm trong
tay. Dưới ánh lửa rực rỡ, đôi mắt tím kia càng thêm tỏa sáng. Tôi thầm
vui mừng, chạy tới nắm chặt lấy tay nàng như sợ lại lạc mất lần nữa:
“Sao muội lại một mình chạy tới chỗ này, để tỷ tỷ tìm mãi, mấy người bọn Nhị ca đâu? Muội cũng bị tách ra khỏi bọn họ sao?…”
Tôi lải nhải không ngừng mà nàng lại chỉ im lặng mặc cho tôi nắm tay
kéo đi, cũng không thèm trả lời, coi bộ vẫn còn giận tôi đây mà. Tôi
thầm than một tiếng. Đoàn người đã đổ về phía bờ sông hết, phố xá vắng
vẻ hẳn. Tôi kéo Cẩm Tú đi vào một hẻm nhỏ, tay nàng cứ lạnh như băng,
tôi xoa tay cho nàng, đau lòng nói: “Coi muội kìa, bảo muội mặc nhiều
hơn một chút thì không nghe, đã lớn như vậy rồi còn không biết tự chăm
sóc mình.”
Nàng lạnh lùng nhìn tôi, không đáp lời. Tôi hơi nổi giận nhưng vừa
nhớ tới nỗi khổ của nàng, trái tim lại đau nhói: “Tỷ biết muội hận tỷ tỷ vô dụng, nhưng muội có biết, khi tỷ tỷ nghe được muội phải chịu khổ,
lòng khó chịu cỡ nào không? Tỷ tỷ hận không thể thay muội có một đôi mắt tím, chịu tội thay muội. Bây giờ nói cũng đã muộn, tỷ biết muội nhất
định không lời tỷ nữa, cũng không chịu tha thứ cho tỷ.”
Cẩm Tú vẫn luôn cao hơn tôi, dưới ánh trắng, nàng vận một thân áo
trắng, đêm nay lại càng có vẻ cao gầy, phiêu dật: “Muội đừng tin mấy tin đồn nhảm này, gì mà Tam gia sủng ái một mình tỷ. Tam gia chỉ xem tỷ là
tấm chắn cho người trong lòng ngài ấy mà thôi, tỷ tỷ đặt tên cho chiếc
nỏ là Trường tương thủ cũng vì muốn ngài ta sớm đoàn tụ với người trong
mộng, chắp tay trọn đời thôi, như vậy tỷ tỷ cũng được thanh thản tự do…”
Tôi nhìn nàng, trong lòng có một nỗi đắng chát không rõ tên, nước mắt không kìm được mà rơi xuống: “Muội muội tốt, nếu thật sự không được,
vậy muội và tỷ cùng nhau rời khỏi Tây An, chúng ta tới Tây Vực tìm đại
ca để nương tựa, quên hết những gì không thoải mái ở Nguyên gia, chúng
ta bắt đầu một cuộc sống mới, được không? Dù có một ngày tỷ tỷ chết đi,
rời khỏi Nguyên gia đầy thị phi này, có đại ca bảo vệ, muội cũng sợ bị
thương tổn nữa.”
Tôi sốt sắng nhìn nàng, mà nàng lại im lặng nhìn tôi, trong mắt vẫn
không có độ ấm như trước. Một lát sau, nàng chậm rãi vươn tay lau nước
mắt cho tôi, tôi vui sướng, nắm chặt bàn tay đang lau lệ của nàng: “Cẩm
Tú ngoan, muội đồng ý với tỷ rồi sao?”
“Mộc Cẩn, muội ở đâu?” Tiếng hô của Tống Minh Lỗi truyền tới, tôi
buông tay Cẩm Tú, vui vẻ quay người lại gọi Tống Minh Lỗi: “Nhị ca, bọn
muội ở đây!”
Tống Minh Lỗi ló ra khỏi ngã rẽ, tôi đang định chạy qua thì một mỹ
nhân vận nam trang màu trắng đã thong thả bước ra từ phía sau huynh ấy,
mắt tím xinh đẹp, sóng mắt lấp loáng, nàng cầm một chiếc mặt nạ Côn Luân trong tay, khó chịu nói: “Muội và nhị ca tìm tỷ cả buổi, tỷ lại chuồn
vào chỗ này?”
Trong nháy mắt, tóc gáy tôi dựng hết cả lên, vừa rồi là gặp quỷ sao, người mắt tím trước mặt là Cẩm Tú, vậy người vừa rồi là ai?
Lúc tôi quay đầu lại thì ngõ nhỏ tối tăm từ lâu đã không một bóng
người, chỉ là bàn tay dường như vẫn còn vương lại cái lạnh buốt của
người nọ.