Minh Cung Truyện

Chương 55: Nhất sinh nhan sắc phó tây phong


Đọc truyện Minh Cung Truyện – Chương 55: Nhất sinh nhan sắc phó tây phong

MINH CUNG TRUYỆN – CHƯƠNG 50:

NHẤT SINH NHAN SẮC PHÓ TÂY PHONG

(Nhan sắc một đời tàn theo gió tây)

*Trích Hoàng Hoa thi – Đường Dần. Cụ thể hai câu cuối có nghĩa là “Tốn hết tiền vàng mua son phấn. Nhan sắc một đời lại tàn theo gió tây”

—————————–

Ngày hoàn thành: 29/6/2018

“Thần thiếp không biết.” Giọng Nhạc Hy rất nhẹ. Thực ra nàng biết rõ hơn hắn tại sao họ quen nhau.

Hắn cười mỉm rất thản nhiên, lại kể: “Mười mấy năm về trước, trẫm từng gặp một nữ tử, cũng ở chính Yến hoa viên này…” Giọng hắn trầm trầm tựa như sương, lại nhẹ tựa như mây, mở ra một câu chuyện thật đẹp đẽ. “Một lần gặp gỡ ấy khiễn trẫm nhớ mãi không quên nàng, ánh mắt, nụ cười, cả giọng hát trong trẻo của nàng ấy.”

Nhạc Hy hơi cúi đầu. Những chuyện ngày trước lại như hiện về trước mắt qua lời kể của hắn. Nàng chợt cảm thấy buồn thương vô hạn. Mười hai năm trước, nàng từng là người trong câu chuyện hắn kể. Mười hai năm sau, nàng lại ngồi đây, dưới một thân phận khác, để nghe hắn kể lại câu chuyện đó với giọng điệu luyến tiếc đến độ bi ai. Quả thực là một giai thoại để hậu thế chê cười.

Nàng chỉ khẽ hỏi: “Người đó hẳn là Tích Nguyệt cô nương? Khi trước thần thiếp vào cung đàn cho Hoàng hậu và tiên hậu, cũng đã từng nghe họ nói về nàng ấy.”

Hắn khẽ gật đầu bảo: “Phải, chính là nàng ấy.” Ngữ khí của hắn mơ hồ có sự tiếc nuối, lại có chút bi ai thống thiết. “Trẫm và nàng quen nhau, cũng một phần là vì nàng ấy.”

Nhạc Hy cười nhạt, nói với hắn: “Vì câu thơ thần thiếp viết trong tết Nguyên tiêu năm ngoái sao?” Nàng biết, vì câu thơ đó có chữ “tích nguyệt” và “thiên quang”. Cũng thật trùng hợp biết bao, dường như là do ông trời sắp đặt.

Hắn lại gật đầu, nhưng không nói vì sao câu thơ đó khiến mình ấn tượng, chỉ nói một câu ngắn ngủi: “Nàng rất giống nàng ấy.”

Nàng đột nhiên cảm thấy buồn man mác. Giờ đây, nàng rất muốn nói với hắn, nàng chính là người hắn luôn nhớ nhung bấy lâu. Thế nhưng, vì cục diện, nàng lại không bao giờ nói ra được. Bí mật này, có lẽ mãi về sau, hắn cũng không bao giờ biết. Hắn chắc không thể ngờ được, thực ra mình đã yêu nàng từ rất lâu về trước.


Nàng cố gắng không để lộ chút yếu lòng, vẫn bình tĩnh hỏi theo câu chuyện hắn nói: “Giống ở điểm gì? Dung mạo hay là tính cách?”

Hắn nói: “Nàng rất giống nàng ấy, cũng phải đến bảy tám phần, nhưng tính cách thì hoàn toàn trái ngược.”

Nhạc Hy cười khổ. Cùng là một người, nào có thể là tính cách trái ngược chứ? Sự khác nhau duy nhất đó chính là người ngày đó là Trương Trích Nguyệt, người ngày hôm nay là Thẩm Nhạc Hy. Trương Trích Nguyệt – người đã gặp chàng ngày đó – là người luôn chất chứa một ưu tư phiền muộn, và chàng là người vô tình thấy được tâm sự u sầu của nàng lúc đó. Còn người hôm nay là Thẩm Nhạc Hy – một người dùng lý trí để che giấu đi mọi buồn đau trong lòng.

Ngậm đắng, nàng cười nói: “Trái ngược? Vậy Hoàng thượng thích người tính cách thế nào?”

Hắn nhẹ nhàng nói rất đỗi chân thành: “Khi trước trẫm nghĩ trẫm rất yêu Tích Nguyệt, nhưng mãi về sau trẫm mới nhận ra, yêu thì có yêu, nhưng giữa trẫm và nàng ấy, đa phần là sự đồng cảm của những người cùng khổ. Bây giờ nếu nói là trẫm không còn lưu luyến nàng ấy thì chính là nói dối.” Hắn nói rất thật lòng với nàng, không một chút giả tạo. Hắn vẫn còn nhung nhớ người con gái năm xưa.

Nhiều năm trước Nhạc Hy cũng nhận ra điều này. Phải, giữa hắn và nàng khi đó, chỉ một lần gặp đã nhớ mãi không quên, đó là bởi vì hai người họ có nỗi buồn giống nhau, tâm tư đều ủ dột. Chợt gặp nhau trong lúc buồn bã thê lương, giống như kẻ lữ khách lạc đường, đang trong tâm trạng hoảng loạn đột nhiên gặp được một người bạn đồng hành, tự dưng động lòng cảm khái.

“Vậy còn thần thiếp?” Nàng biết hắn sẽ nói gì nhưng vẫn hỏi.

“Nàng giống như một người tri kỷ, một thê tử mà trẫm dành cả đời để tìm kiếm.” Giọng hắn nhẹ nhàng.

Nàng chợt cảm thấy ấm áp tận đáy lòng. Nàng cũng tin là như vậy. Nàng không hỏi địa vị của nàng trong lòng hắn so với người trong lòng hắn còn kém bao nhiêu, hắn yêu Trích Nguyệt năm xưa hơn nàng bao nhiêu. Chỉ một câu “thê tử mà trẫm dành cả đời để tìm kiếm”, nàng cũng đủ cảm thấy mãn nguyện rồi.

Chuyện nàng là Trích Nguyệt, nàng vẫn sẽ giấu hắn. Đó vừa là vì Trương gia, vừa là vì tương lai của nàng và hắn. Bấy nhiêu lời của hắn đủ để nàng cất giữ chuyện xưa sự cũ vào chỗ sâu nhất trong trái tim, để lại một chút hồi ức cho riêng mình.

Trên bầu trời xám xịt toàn những mây đen, có một đôi chim nhạn ráo riết chao lượn. Trong không gian tối tăm đến đáng sợ, đôi chim nhạn ấy vẫn bình yên sóng đôi, cùng nhau bay qua những cõi âm u nhất. Nàng cũng mong nàng và hắn được như đôi nhạn trên trời, vĩnh viễn không phải lần nữa hiểu lầm rồi chia cắt.

Sáng sớm ngày hôm sau là ngày cuối cùng của năm Gia Tĩnh thứ mười. Khi Nhạc Hy thức dậy thì tuyết đã không còn rơi. Tuyết cũng không còn vương trên sân cung Trường Nhạc, chỉ còn lác đác trên những cành hải đường gầy guộc trước cửa tiền điện và những khóm hoa chưa nở trong hoa viên.

Cũng là những ngày cuối năm, cho nên Chu Hậu Thông cũng bận rộn, không tới Trường Nhạc cung được. Nhạc Hy lại trải qua nửa ngày dài ngao ngán trong cung. Đi qua đi lại làm mấy việc, lại cùng hạ nhân chuẩn bị mấy thứ cho giao thừa, thoắt cái đã nghe thấy chuông đồng ở am tự xa xa điểm canh Ngọ.


Qua giờ Ngọ hai khắc, Khang tần đã đến thăm nàng. Cũng vừa khéo Nhạc Hy định tới Trường Xuân cung thăm Khang tần để nói chuyện giết thời gian. Có chút tâm ý tương thông là Khang tần lại đã có mặt tại cung Trường Nhạc rồi. Mà Nhạc Hy cũng đoán được tại sao nàng ta lại xuất hiện lúc này. Hẳn là ở Trường Xuân cung ngày hôm nay, Lệ tần lại làm um xiên một mẻ lên sau khi tỉnh lại đây mà. Với tính cách đanh đá của nàng ta, không bới loạn lên mới là chuyện lạ.

Gương mặt Khang tần vẫn rầu rĩ, không khác gì ngày hôm trước, khi mà Lệ tần hôn mê, nàng ta và Nhạc Hy suýt thì bị liên lụy.

Giống như lần trước Khang tần tới, Nhạc Hy vẫn sai hạ nhân mang trà nước, điểm tâm lên tiếp đãi tử tế. Đối lập với Khang tần, Nhạc Hy vẫn luôn giữ vẻ mặt và thái độ ung dung: “Tỷ tỷ đến thật vừa lúc. Bản cung cũng đang buồn chán, muốn tới Trường Xuân cung của tỷ tỷ đây.” Vừa nói, nàng vừa đưa những ngón tay thon dài, trắng nõn qua những đường chạm khắc tinh xảo trên chiếc lò sưởi cầm tay.

Khang tần nghe mà càng thêm ủ rũ, than thở: “Hy tần lại nói đùa rồi. Xem lúc này xem, chẳng biết bản cung được chủ quản Trường Xuân cung được thêm mấy ngày nữa đây.”

Ngón tay Nhạc Hy bất chợt bị hẫng một nhịp, liền hỏi lại ngay: “Sao tỷ tỷ lại nói vậy? Ở Trường Xuân cung lại có chuyện gì rồi?” Trong đầu nàng mường tượng được ra tại sao Khang tần nói vậy.

Trước nay, Nhạc Hy không hay ra khỏi tẩm cung như Khang tần. Khang tần có người bạn “đồng bệnh tương lân” là Hòa tần, cho nên thường xuyên đi dạo, thăm hỏi Hòa tần. Cũng vì hay ra ngoài, tin tức Khang tần nắm bắt được hẳn nhiều hơn nàng.

Khang tần nói: “Hy tần muội chưa biết sao? Sáng nay trên triều, thủ phụ nội các cùng với phụ thân Lệ tần tỏ thái độ cực kỳ bất mãn sau chuyện Lệ tần sảy thai. Gắt nhất phải là thủ phụ nội các, nghe bảo ông ta còn nói, đã lâu lắm hậu cung mới có hỷ, vậy mà lại để mất như thế, phải điều tra kỹ và nghiêm trị để răn đe.”

Nhạc Hy nghe mà chỉ muốn cười khổ. Thực ra thì đó là tâm lý chung của tất cả mọi người. Long thai là đại hỷ, vậy mà giờ đã mất rồi. Diêm Mạn Cơ là người do Dương Đình Hòa tiến cử, đương nhiên ông ta là người gắt hơn tất cả. Nhạc Hy cũng chỉ hiếu kỳ muốn biết Dương Đình Hòa muốn ném tội danh này cho ai? Cho nàng và Thẩm gia sao? Hay là cho Khang tần? Chỉ tiếc là đã không thành mất rồi.

Nàng nói mỉa mai: “Vậy bảo ông ta tự đi mà điều tra chứ!”

Khang tần lại kể: “Hoàng thượng có vẻ khá cáu giận. Trên triều hôm nay có vẻ đã xảy ra một trận phong ba. Hoàng thượng dù không thể hiện nhiều nhưng chỉ câu nói “Vậy thủ phủ nội các định gán tội này cho ai?” với Dương đại nhân là đủ hiểu người khó chịu thế nào rồi.”

Nhạc Hy nghi hoặc hỏi: “Những chuyện ấy ai kể cho tỷ tỷ?”

“Do con nha hoàn Hồng Anh có đồng hương hầu hạ ở tiền điện, nghe ngóng được mấy chuyện vặt vậy thôi.” Khang tần hất hàm về phía thị tỳ Hồng Anh đang đứng khom người bên cạnh, miệng lại không ngừng thở than: “Và rồi Dương đại nhân cùng phụ thân Lệ tần đã yêu cầu gì? Đương nhiên là yêu cầu Hoàng thượng bù đắp tinh thần cho Lệ tần rồi. Mà với họ thì cái gì là bù đắp? Chính là vị trí chủ quản cung Trường Xuân và phi vị.” Khang tần cứ nói rồi tự trả lời, thái độ khó chịu và bức bối lộ rõ.

Nhạc Hy giật mình, nói: “Bọn họ yêu cầu thế và Hoàng thượng đã đồng ý à?”


Khang tần lắc đầu bảo: “Hình như chưa, nhưng cũng là chuyện sớm muộn thôi. Hoàng thượng đem lụa là trân bảo thưởng cho Lệ tần cùng gia quyến, lại còn cho phép Dương phu nhân – thân mẫu Lệ tần – vào cung chăm sóc con gái. Nhưng chuyện tấn phong phi chắc sẽ không xảy ra đâu. Bởi vì Lệ tần vừa phạm lỗi phải cấm túc, kể cả có mang long thai cũng không thể phá lệ tấn phong. Không tấn phong thì không tấn phong, được địa vị chủ quản vốn là đủ rồi.” Ngừng lại một lát như để nén giận, nàng hậm hực: “Muội nói xem, Lệ tần kia trong họa gặp phúc, có may mắn không chứ?”

Nhạc Hy cười khổ. Mẫu thân Lệ tần mang họ Dương, vậy thì chắc có quan hệ gì với Dương Đình Hòa kia rồi. Ban thưởng cho gia quyến, lại còn cho mẫu thân vào chăm nom, Lệ tần này quả cũng quá hời cho một người ở tần vị như nàng ta. Nhạc Hy vẫn thản nhiên: “Vậy thì trách sao được? Nói gì thì nói, đứa bé này của nàng ta dù mất rồi nhưng cũng đến thật đúng lúc. Đến vừa khi nàng ta thất sủng, tự dưng giúp nàng ta, không những trở lại vị trí ban đầu mà còn được ưu ái hơn xưa ấy.”

Khang tần lại tỏ thái độ khinh thường, kể lể: “Sáng nay tỉnh dậy, nàng ta làm bung bét cả Trường Xuân cung lên, chửi bản cung, rồi chửi cả muội, than trời, than đất, kêu gào gọi Hoàng thượng rồi Hoàng hậu. Bản cung khó chịu quá mới phải chạy qua đây với muội đây.”

Nhạc Hy không nhịn được mà cười phá lên. Nàng đã đoán gì? Quả đúng như vậy. Người thiển cận như Lệ tần ngoài vậy còn làm được gì nữa? Nhếch môi cười, nàng nói: “Kẹo mơ là tự nàng ta lấy ăn, nàng ta đổ lỗi cho ai nữa chứ!”

Khang tần cũng cười: “Có trách thì trách nàng ta bạc phúc thôi.” Xua xua tay, Khang tần lại bảo: “Thôi, không nói về nàng ta nữa. Đúng rồi, hộp phấn yên chi hôm trước bản cung để trong số lễ vật, muội mang ra dùng thử chưa?”

Nhạc Hy kể cũng không để ý. Lễ vật Khang tần mang đến nàng còn chưa ngó qua thử. Nàng còn định mang số đó tới quốc khố để cứu tế nạn dân nữa kìa. Nàng hiếu kỳ hỏi: “Bản cung chưa dùng. Yên chi ấy có gì hay?” Thật sự thì nàng cũng không thích mấy thứ đó lắm. Khi trước ở Thẩm phủ, Tịch Thành có học được cách làm yên chi, sau đó y dạy lại cho Phương Hà. Cung cấm lắm âm mưu, nàng cũng không dám dùng yên chi Nội vụ phủ mang tới.

Khang tần dường như hào hứng lắm, kể: “Yên chi ấy vốn là do Hiền tần tặng Lệ tần, vốn chỉ có hai hộp. Hiền tần mang tặng bản cung một hộp, còn một hộp tặng cho Lệ tần. Hôm nàng ta tặng, bản cung cũng thấy hơi kỳ quặc, hỏi thì nàng ta bảo rằng nàng ta thường xuyên tới Trường Xuân cung chơi, cho nên muốn tặng bản cung thứ gì đó. Nhưng mà bản cung dùng thử thì thấy ngứa, thái y bảo bản cung bị dị ứng không dùng được, cho nên đành mang qua tặng muội vậy. Muội nhìn Lệ tần đi, trang điểm bằng loại yên chi đó cho nên lúc nào mặt cũng sáng ngời, đẹp đẽ. Đâu như bản cung, đến phấn còn không thoa được lên mặt?”

Nhạc Hy chau mày, hồ nghi: “Tỷ tỷ nói… phấn đó là Hiền tần tặng cho tỷ và Lệ tần à?”

Khang tần gật đầu, hỏi: “Phải, có chuyện gì sao?”

Nhạc Hy lắc lắc đầu, lại vội nói: “Tỷ tỷ, giờ bản cung có việc một chút, tỷ sang tạm cung Thọ An với Trang tần và Hòa tần được không?” Lúc này Khang tần không thể hồi cung, cho nên chỉ có thể sang bầu bạn với Hòa tần.

Khang tần có chút không hiểu, nhưng rồi cũng đành nghe lời nàng mà về trước. Đợi nàng ta đi rồi, Nhạc Hy mới gọi: “Phương Hà có ngoài đó không?”

Phương Hà nhanh nhẹn từ tiền điện đi vào nghe Nhạc Hy phân phó. Nàng hỏi: “Số lễ vật hôm qua ngươi để đâu rồi? Đã mang đến quốc khố chưa?”

Phương Hà chau mày đáp: “Chưa ạ. Hiện vẫn đang ở trong khố phòng. Sao thế nương nương?”

Nhạc Hy vội nói: “Đưa bản cung đến đó!”

Nhạc Hy không đợi được nữa, vội đứng dậy đi thẳng ra ngoài. Nhữ Phần và Như Dung đứng ở mé hiên cũng hơi bất ngờ khi thấy chủ nhân vội vã vậy. Phương Hà nhanh chóng đưa nàng tới khố phòng để xem xét.


Chỗ lễ vật hôm qua Khang tần đưa tới vẫn còn nguyên khay, vải nhung đỏ phủ trên vẫn còn chưa mở ra. Nhạc Hy lật tấm nhung lên, xem xét số lễ vật trong đó, quả nhiên có một hộp nhỏ bằng đồng, nắp hộp được trang trí tỉ mỉ công phu. Nhạc Hy vội mở ra – chính là hộp yên chi mà Khang tần nhắc tới. Nếu như cảm tính của nàng không sai, vấn đề chính nằm trong hộp yên chi này.

Nàng dặn khẽ Phương Hà đang đứng bên cạnh mình: “Ngươi mang hộp yên chi này đến ngự dược phòng hoặc thái y viện, sai bọn họ ghi lại tất cả thành phần của yên chi này ra. Cứ nói là ngươi muốn chế một hộp giống vậy chi bản cung.”

Phương Hà nhanh nhẹn đi ngay. Nhạc Hy một mình ngồi trong khố phòng ngẫm nghĩ. Nếu quả thực yên chi này có vấn đề liên quan đến cái thai trong bụng Lệ tần thì có nhiều trường hợp xảy ra. Thứ nhất, có thể Hiền tần đoán được Lệ tần đang mang thai, cho nên cố tình tặng hộp yên chi để nàng ta sảy thai. Thứ hai, Hiền tần chỉ vô tình tặng hộp yên chi mà không biết Lệ tần có thai từ trước. Thứ ba, cũng là trường hợp nguy hiểm nhất, Khang tần tô vẽ ra câu chuyện hộp yên chi để đổ tội cho Hiền tần. Nếu vậy thì kẹo mơ hôm qua Khang tần đưa cho Lệ tần cũng là để đổ tội cho nàng. Nhưng với những gì Khang tần làm hôm qua, thêm trực giác mách bảo nàng, khả năng thứ ba khó xảy ra.

Phương Hà trở về, mang theo lọ yên chi với mảnh giấy Tuyên Thành nhỏ, thoáng trông có vài nét mực. Nhạc Hy biết Phương Hà đã mang được giấy ghi các thành phần về. Nàng liền giở ngay ra đọc. Tờ giấy trắng tinh ghi một vài chữ nguệch ngoạc: cánh hoa rum, phấn hoa mẫu đơn, nhụy hoa lan, cánh hoa hồng, dầu thơm, bột phụ tử,…

Nhạc Hy rất bình tĩnh, cho đến khi đọc tới chữ “bột phụ tử”. Tay nàng khẽ run lên, mảnh giấy đang cầm trên tay rơi xuống đất như một cánh bướm lỡ làng. Nàng cũng biết rõ bột phụ tử có công dụng gì. Đó là thứ bột giúp trắng da, thế nhưng khi dùng với phụ nữ mang thai sẽ khiến thai nhi yếu, dễ gây ra sảy thai. Yên chi này quả nhiên có vấn đề không nhỏ.

Đã có vấn đề, thế thì những khả năng nàng đoán đều có thể xảy ra. Hoặc do Hiền tần, mà cũng có thể do Khang tần. Để hoàn toàn chắc chắn, nàng cần làm rõ xem Hiền tần có thực sự tặng hộp yên chi đó cho Lệ tần hay không và hộp yên chi của Lệ tần có vấn đề thực sự hay không. Bởi lẽ có ai biết được Khang tần có lợi dụng lọ yên chi Hiền tần tặng cho mình để đổ tội cho nàng ta hay không. Biết đâu Hiền tần vốn dĩ tặng hai hộp yên chi rất bình thường nhưng Khang tần lại cố ý đưa hộp yên chi có vấn đề ra để nàng nghi ngờ Hiền tần.

Chung quy là chuyện gì cũng có thể xảy ra được. Bây giờ nàng chỉ sợ Lệ tần đã dùng hết yên chi kia thì việc kiểm tra sẽ trở nên bất khả thi. Nếu yên chi của Lệ tần cũng có bột phụ tử thì có thể khẳng định tám phần là do Hiền tần gây ra. Như vậy thì không khó hiểu cho việc nàng ta cứ tìm cách đổ lỗi cho kẹo mơ của nàng như thế.

Nàng đang căng thẳng, đột nhiên Như Dung bước vào, nhẹ giọng nói: “Nương nương, Hoàng hậu nương nương nói với các tần phi, chiều nay giờ Thân tất cả đến Trường Xuân cung thăm Lệ tần nương nương ạ.”

Gương mặt Nhạc Hy dãn ra được phần nào. Quả nhiên là trời giúp đỡ nàng. Vậy là nàng sẽ có cơ hội để lấy hộp yên chi ở chỗ Lệ tần để kiểm tra thử rồi. Làm rõ được hộp yên chi này là chuyện quan trọng. Đến lúc đó sẽ biết rõ là Khang tần giả nai hay Hiền tần bày kế.

Nàng đợi mãi mới tới được giờ Thân, không chần chừ mà đi tới Trường Xuân cung ngay lập tức. Giống như ở Trường Nhạc cung, trên trường nhai dài dặc hầu như cũng chẳng còn bông tuyết nào. Nhạc Hy thở dài một tiếng ngán ngẩm. Mùa đông và trận đại tuyết nữa lại qua đi rồi. Chỉ trong có mấy ngày cuối năm, tiết trời đổi thay đến mấy lần, hậu cung cũng xảy ra đến không ít chuyện. Năm nay, quả là một năm không tốt. Đến tận hôm nay là ngày cuối cùng của năm, các cung hẳn vẫn chưa ai có thể hoàn toàn yên tâm đón một cái tết nguyên đán hoan lạc.

Khi Nhạc Hy đến đại điện của cung Trường Xuân thì các tần phi đã tề tựu cả, chẳng còn thiếu một ai. Lệ tần nằm nghiêng trên tẩm sàng, cách một tấm màn sa mỏng. Các tần phi đều đứng cả ở bên ngoài màn che, không tiếp xúc trực tiếp với Lệ tần, kể cả Hoàng hậu.

Nhạc Hy thật muốn cười lớn. Nằm trong giường, lại che màn, thật khiến người ta hình dung ra dáng vẻ yếu đuối tột cùng. Thế mà cái người mỏng manh kia vừa buổi sáng thôi còn đủ sức la ó, chửi bới, làm loạn một trận ở Trường Xuân cung cơ đấy. Không khó cho Nhạc Hy đoán được lát nữa Hoàng thượng sẽ tới, cho nên Lệ tần mới tự nhiên “đổ bệnh” thế này. Quả là chỉ có người gần nhất là Khang tần mới biết rõ nhất sự hèn hạ của nàng ta thôi. Chắc chuyện nàng ta làm loạn, đám Tương tần, Túc tần cũng đã được nghe Khang tần kể rồi. Nhạc Hy lướt mắt qua, trên gương mặt họ đều là vẻ khinh thường.

“Thần thiếp tham kiến Hoàng hậu nương nương!” Nhạc Hy cẩn trọng cúi thấp người, lại cố ý chọn một chỗ đứng gần với bàn trang điểm của Lệ tần để dễ bề hành động.

Lệ tần xem ra cũng “đánh hơi” thấy Hy tần, liền ngồi bật dậy, gắt: “Ngươi còn có mặt mũi tới đây?”

Nhạc Hy sớm sẽ biết với đầu óc giản đơn của Lệ tần, hẳn nhiên sẽ đổ mọi sai lầm lên kẹo mơ của Khang tần đưa. Lại thêm nàng ta vừa sảy thai, tâm trạng không tốt nên thần trí cũng chẳng được thông thái. Nàng không tỏ ra phẫn nộ trước hành vi của Lệ tần kia, chỉ nói khá điềm tĩnh: “Lệ tần nói thế có ý gì?”

Qua tấm rèm mỏng, Nhạc Hy vẫn nhìn được ánh mắt của Lệ tần. Ánh mắt đó chứa đầy căm phẫn, tử thù, giống hệt như ánh mắt của loài sói chúa trên hoang mạc bị đói lâu ngày, muốn ăn tươi nuốt sống nàng trong tức khắc.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.