Miền đất thất lạc

Arthur Conan Doyle - Chương 04 - part 02


Bạn đang đọc Miền đất thất lạc: Arthur Conan Doyle – Chương 04 – part 02

 
Trông ông ta buồn cười đến nỗi những gì ông ta nói không làm tôi giận chút nào. Thực ra tôi đã tự rút ra ình một bài học rằng nếu mình tức giận những người như ông giáo sư này thì mình cả đời sẽ phải tức giận mà thôi. Tôi mỉm cười nhẹ nhàng và nói với ông ta: 
– Hình dạng nhỏ xíu của thằng người trong tranh đã làm tôi choáng! 
– Hãy nhìn đây! – Ngài giáo sư kêu lên và nhoài người ra phía trước, giơ ngón tay như một cái xúc xích to tướng chỉ vào bức tranh – Cậu có nhìn thấy cái đằng sau con vật không? Tôi chắc rằng cậu đang nghĩ đó là một cây bồ công anh Trung Quốc hoặc một cây cải Bruxenchứ gì? Sai bét! Đó chính là một cây cọ ngà voi đấy. Loài cây này có thể cao tới năm mươi đến sáu mươi feet. Cậu không thấy tay họa sĩ kia được đặt ở đây là có mục đích cả sao? Trong thực tế thì anh ta làm sao có thể đứng trước con quái vật đó để vẽ bức tranh này cơ chứ. Anh ta vẽ hình mình ở đó để tạo ra một phép so sánh về chiều cao. Ta có thể thấy rằng anh ta cao chỉ độ năm feet. Cái cây kia cao gấp mười lần anh ta. 
– Trời ạ! – Tôi kêu lên – Thế ngài nghĩ rằng con quái vật đó là… sao nhỉ! Thế thì tổ chức từ thiện Chữ Thập Đỏ thế giới khó mà làm cho con vật này một cái cũi nghiêm chỉnh được! 
– Nếu nói không phóng đại lên thì đó là một loài vật rất phát triển! – Ông giáo sư nói với vẻ mãn nguyện. 
– Nhưng… – Tôi kêu lên – …kinh nghiệm cho thấy cuộc sống của con người không thể hiện qua một bức tranh. Tôi đã giở thêm mấy trang cuối của cuốn vở và thấy rằng chẳng có gì đặc sắc hơn: một bức tranh được vẽ bởi một họa sĩ lang thang, thậm chí có lẽ anh ta vẽ nó trong lúc đang trong cơn nghiện lá gai dầu, đang trong cơn mê sảng hoặc đơn giản là chỉ để thỏa mãn trí tưởng tượng quái gở của mình mà thôi. Là một nhà khoa học ngài không nên nhìn nhận vấn đề như thế! 
Thay cho câu trả lời vị giáo sư lấy một cuốn sách trên giá xuống. 
– Đây là một công trình tuyệt diệu mà tác giả của nó là Ray Lankester – một người bạn tài năng của tôi. Minh họa này có lẽ sẽ làm cho cậu thích thú. Cậu xem đi, dòng chữ bên dưới là: Cuộc sống của loài khủng long Stegosaurus kỷ Jurassic, chỉ riêng chân sau của nó cũng đã cao gấp đôi một người bình thường. Nào! Cậu thấy thế nào? 
Giáo sư đưa cuốn sách được mở sẵn cho tôi. Tôi giật mình khi nhìn vào bức tranh. Con vật từ thời tiền sử được tái dựng lại giống con vật trong bức vẽ mà ông Challenger đưa cho tôi xem trước đó một cách không ngờ. 
– Thật đáng chú ý! – Tôi nói. 
– Thế nhưng cậu vẫn chưa chấp nhận ý kiến của tôi? 
– Rất có thể đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc cũng có khi do chàng họa sĩ người Mỹ kia đã tình cờ nhìn thấy bức tranh con vật này và vẽ lại theo trí tưởng tượng. Trong khi mê sảng những ý nghĩ quá khứ rất hay hiện về. 
– Rất tốt! – Giáo sư nói với vẻ khoan dung – Chúng ta hãy gác lại vấn đề đó sau nhé. Bây giờ tôi muốn cậu nhìn mảnh xương này xem sao! 
Nói rồi ông đưa cho tôi miếng xương mà tôi đã có dịp kể cho các bạn biết rằng đó là một trong những thứ Giáo sư Challenger lấy trong ba lô của tay họa sĩ nọ. Miếng xương dài sáu inch và dầy hơn ngón tay cái của tôi, đầu khúc xương có một vài đặc điểm cho thấy dấu hiệu của sụn. 
– Thế cậu nghĩ miếng xương này là của loài động vật nào trên trái đất chúng ta? – Giáo sư hỏi. 

Tôi xem xét mẩu xương kỹ lưỡng và cố lục lại trí nhớ xem có biết được điều gì liên quan đến mẩu xương này không. 
– Rất có thể đây là một cái xương quai xanh cỡ lớn của một người nào đó! – Tôi nói. 
Ông Giáo sư phẩy tay phản đối, thái độ tỏ vẻ khinh bỉ. 
– Xương quai xanh của người thì cong còn cái này thì lại thẳng. Những vết rạn trên bề mặt của nó chứng tỏ có vết của gân bao bọc quanh nó mà ta đều biết các loại xương đòn thì làm gì có gân. 
– Thế thì tôi thú thật với ngài rằng tôi không thể biết nó là gì! 
– Cậu không nên xấu hổ về kiến thức kém cỏi của mình bởi vì tôi cho rằng ngay cả các giáo viên trường Nam Kensington cũng không thể đoán được nó là cái gì – Giáo sư Challenger nói rồi lôi một miếng xương dài cỡ quả đậu đũa ra hỏi cái hộp đựng thuốc – Tôi cho rằng mẩu xương người này tương tự như mẩu xương mà cậu đang cầm trên tay. Điều này sẽ gợi cho cậu một ý niệm nào đó về kích cỡ của sinh vật này. Nhìn vào miếng sụn ở đầu mẩu xương này thì ta thấy rằng không có dấu vết của hóa thạch mà ngược lại mẩu xương này còn rất mới. Cậu thấy thế nào? 
– Chắc đó là xương của một con voi… 
Giáo sư nhăn mặt vẻ đau đớn. 
– Đừng! Đừng nói đến voi ở Nam Mỹ. Thậm chí đến đứa học trò còn đang học trong trường nội trú cũng biết điều đó! 
– Ồ! – Tôi cắt ngang – Rất có thể là một con thú Nam Mỹ cỡ lớn như heo vòi chẳng hạn. 
– Chàng trai trẻ! Cậu có thể cho rằng tôi ỷ vào chuyên môn động vật học của mình. Nhưng đây không phải là xương heo vòi hay bất cứ một loài động vật nào mà ta từng biết. Đây là xương của một loài động vật rất lớn, rất khỏe, của một loài động vật dữ tợn tồn tại trên trái đất nhưng chưa được giới nghiên cứu khoa học biết tới. Cậu có còn điều gì hoài nghi nữa hay không? 
– Ít ra thì tôi cũng bắt đầu thấy mình bị cuốn hút! 
– Thế thì cũng chưa đến nỗi thất vọng lắm. Tôi cảm thấy rằng cậu đang sắp hiểu ra vấn đề rồi đấy vì vậy tôi sẽ cố gắng giải thích cho cậu hiểu. Thôi hãy tạm gác lại câu chuyện về anh chàng người Mỹ đã chết kia đi và tiếp tục với câu chuyện của tôi. Cậu hãy tưởng tượng rằng sẽ rất khó khăn nếu bắt tôi rời khỏi những ý nghĩ về vùng Amazon. Có một vài dấu hiệu về nơi xuất phát của anh chàng người Mỹ kia. Những huyền thoại của người da đỏ đã gợi ý cho tôi về điều đó vì trong suốt chuyến đi qua các bộ tộc theo dòng sông Amazon tôi được nghe nhiều lời đồn đại về một vùng đất lạ. Cậu đã bao giờ nghe nói đến Curupuri? 
– Chưa bao giờ! 
– Curupuri là một con ma rừng, là một đối tượng đáng sợ, ai cũng phải rợn tóc gáy khi nghe nói đến. Không ai có thể miêu tả cụ thể hình dạng cũng như bản chất của nó nhưng nó làm các bộ tộc trên dọc lưu vực sông Amazon khiếp sợ. Curupuri sống trên quãng đường anh chàng người Mỹ đã đi tới làng của các bộ tộc đó. Có một điều gì rất khủng khiếp ở đó. Và nhiệm vụ của tôi là tìm hiểu xem đó là cái gì. 
– Ngài đã làm những gì? 

Sự nghi ngờ ban đầu của tôi hoàn toàn biến mất. Cái ông Giáo sư to như hộ pháp này có khả năng thu hút sự chú ý cũng như sự tôn trọng của người khác. 
– Tôi đã thuyết phục được thổ dân ở đó bởi ban đầu họ tỏ ra rất miễn cưỡng. Sự miễn cưỡng thể hiện cả ở những lúc họ nói chuyện về đề tài này. Bằng khả năng thuyết phục tài tình, bằng quà cáp, bằng sự giúp đỡ thậm chí tôi cũng xin thú thật rằng đôi lúc tôi đã phải đe dọa, cuối cùng cũng có được hai thổ dân đồng ý đi dẫn đường. Sau nhiều chuyến phiêu lưu mạo hiểm thiết nghĩ cũng chẳng nên kể ra ở đây làm gì, một quãng đường dài theo tôi cũng không cần đề cập đến và theo một hướng mà tôi xin được giữ kín, cuối cùng chúng tôi đến một vùng đất chưa bao giờ được nhắc tới. Cậu hãy nhìn vào đây! 
Nói rồi ông đưa cho tôi một tấm ảnh cỡ nhỏ. 
– Tấm ảnh đã bị ố bởi một lần khi đang đi trên sông, thuyền của tôi đã bị lật và cái hòm đựng phim chưa tráng của chúng tôi bị vỡ. Gần như toàn bộ số phim bị hỏng. Đây là một số ít trong những tấm ảnh còn sót lại. Chắc cậu nghĩ rằng tôi đang dùng lý do để lừa dối cậu điều gì đó. Tôi chẳng muốn tranh cãi với cậu rằng điều đó đúng hay sai. 
Đó là bức ảnh đã bị ố hết màu. Nhìn vào hình ảnh lờ mờ đó người ta có thể đoán được đó là cái gì. Hình như đó là một bức ảnh chụp phong cảnh màu xám mà dần dần tôi đã nhìn ra được. Trong bức ảnh là một vách đá rất cao với một thác nước xa xa, một triền cây xanh mọc thoai thoải. 
– Tôi nghĩ rằng bức ảnh này giống với bức tranh trong cuốn vở mà ông vừa cho tôi xem. – Tôi nói. 
– Chính nó đấy! – Ngài giáo sư trả lời – Tôi còn thấy cả dấu vết của tay họa sĩ lang thang đó. Nào bây giờ hãy nhìn vào đây! 
Mặc dù bức ảnh không rõ như tôi đã nói nhưng cũng nhận ra một mũi đá dựng đứng mọc đầy cây. 
– Đúng rồi! 
– Tốt rồi! Chúng ta tiếp tục nhé? Cậu hãy chú ý cái chóp của mũi đá xem! Cậu có nhìn thấy gì đấy không? 
– Một cái cây rất to! 
– Nhưng trên cái cây cơ? 
– Một con chim rất lớn. – Tôi nói. 
Ông Giáo sư đưa cho tôi một chiếc kính lúp. 

Tôi nhìn bức ảnh qua cái kính lúp Giáo sư vừa đưa và nói: 
– Đúng rồi! Một con chim khổng lồ đang đậu trên cây. Nó có cái mỏ rất to. Rất có thể đó là một con bồ nông! 
– Thị lực của cậu chán lắm! – Giáo sư nói – Đó không phải là một con chim bồ nông mà cũng không phải là một con chim. Có thể cậu sẽ cảm thấy thích thú khi biết rằng tôi đã bắn được con vật đó. Đó là chiến công duy nhất mà tôi có thể mang về nhà! 
– Ngài vẫn còn giữ nó chứ? 
– Tôi đã mang nó về nhưng thật không may tôi đã bị mất trong chuyến lật thuyền cùng với những cuộn phim. Tôi đã ôm chặt lấy nó khi chiếc thuyền bị lật nhưng cuối cùng chỉ giữ được một phần của cái cánh bên trái. Tôi gần như bất tỉnh nhưng thật may một phần nhỏ của chiến lợi phẩm tuyệt diệu đó vẫn còn trong tay tôi. Bây giờ nó đang ở trước mặt cậu đây! 
Nói rồi ông ta lấy từ trong ngăn kéo một thứ trông giống như một mảnh xương đuôi của một con dơi cỡ lớn. Đó là một mảnh xương cong dài ít nhất là hai feet với một lớp màng dính ở phía dưới. 
– Một con dơi khổng lồ! – Tôi bình luận. 
– Hoàn toàn không phải! – Giáo sư nói với vẻ mặt nghiêm nghị – Là người luôn sống trong môi trường nghiên cứu khoa học và có văn hóa tôi không thể chấp nhận việc ai đó bỏ quên các nguyên tắc cơ bản của động vật học. Làm thế nào mà cậu lại không biết những kiến thức cơ bản của môn giải phẫu học so sánh cơ chứ. Chẳng lẽ cậu lại không biết rằng cánh của chim chẳng qua là hai chi trước đã bị biến hóa còn cánh của con dơi có ba ngón dài được dính với nhau bởi các màng hay sao. Hãy nhìn miếng xương này mà xem! Nó hiển nhiên không phải là chi trước và cậu cũng thấy một đặc điểm là chỉ có một miếng màng dính vào một mảnh xương đòn duy nhất hay sao. Chính vì vậy đây cũng không phải là cánh của một con dơi như cậu nói. Nhưng nếu như nó không phải là dơi không phải chim thì nó là con gì? 
Cái đầu tôi gần như muốn nổ tung. 
– Tôi thật sự không biết! Thưa ngài! – Tôi nói. 
Giáo sư mở cuốn vở mà ông đã cho tôi xem trước đó và nói: 
– Đây này – ông nói và lấy tay chỉ bức tranh con quái vật khổng lồ biết bay – đây là một bản sao tuyệt hảo của loài lưỡng hình hay còn gọi là loài thằn lằn có cánh, một loài bò sát biết bay của kỷ Jura. Trang sau có vẽ cơ chế hoạt động của bộ cánh. Nào hãy so sánh nó với cái vật mà cậu đang cầm trong tay mà xem. 
Một cảm giác kinh ngạc choáng hết tâm trí tôi. Tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục và không tài nào mà dứt cái ý nghĩ này ra khỏi đầu được. Các bằng chứng thuyết phục mỗi lúc một chất đầy thêm. Bức vẽ, những bức ảnh, câu chuyện của ông Giáo sư và một mẫu vật đang cầm trong tay, tất cả đã được chứng minh. Giáo sư ngồi ngả người trên ghế với đôi mắt khép hờ, miệng nở một nụ cười rộng lượng. 
– Đây là một điều kỳ lạ nhất mà tôi từng được gặp – Tôi nói với giọng điệu của một nhà báo hơn là của một người hứng thú với khoa học – Thật kỳ diệu. Nghe giống như một Cô-lôm-bô trong lĩnh vực khoa học đã phát hiện ra những miền đất chưa ai đặt chân tới. Tôi thực sự cảm thấy rất tiếc nếu như có lúc tôi đã nghi ngờ ngài. Điều này thật không thể tưởng tượng nổi. Khi chứng kiến tất cả những điều này tôi đã bị chinh phục hoàn toàn và tôi nghĩ bất kỳ ai đi chăng nữa nếu được chứng kiến như tôi cũng sẽ có cảm giác tương tự. 
Giáo sư tỏ vẻ hài lòng. 
– Thưa ngài! Thế câu chuyện tiếp diễn như thế nào? 
– Lúc ấy là mùa mưa cậu Malone ạ, và lương thực dự trữ sắp cạn. Tôi đã thám hiểm một phần mỏm núi đá kỳ vĩ này. Vì thấy rằng không tài nào có thể đo được nó. Mỏm đá hình kim tự tháp – nơi mà tôi bắn được con thằn lằn bay có vẻ dễ leo hơn. Là một người biết chút ít về kỹ thuật leo núi, tôi đã cố mãi mới leo lên được nửa ngọn núi. Từ độ cao đó tôi lại phát hiện ra rằng đỉnh của vách núi kia lại là một vùng mặt bằng rộng lớn đầy cây cối rậm rạp, đầy rắn, côn trùng và mầm bệnh sốt rét vàng da. Nó là sự bảo vệ thiên nhiên cho chính cuộc sống vùng này. 
– Giáo sư có thấy dấu vết của cuộc sống con người trên đó hay không? 

– Không! Chàng trai trẻ ạ! Nhưng một tuần liền cắm trại dưới chân núi chúng tôi thường nghe vọng xuống những tiếng động rất lạ. 
– Nhưng ngài có kiến giải gì thêm về con vật mà tay họa sĩ người Mỹ ấy vẽ không? 
– Chúng ta chỉ có thể đoán rằng anh ta đã trông thấy nó khi leo lên đỉnh núi. Như vậy có thể khẳng định rằng có một con đường dẫn lên đỉnh núi. Và chắc chắn đó phải là một con đường rất hiểm trở chứ nếu không con quái vật đó đã hủy diệt hết các khu vực dưới chân núi rồi. Cậu rõ rồi chứ? 
– Nhưng làm thế nào mà chúng có thể lên trên đó được? 
– Tôi không nghĩ rằng vấn đề đó lại không có lời giải đáp – Giáo sư đáp – Chỉ có một câu giải thích duy nhất. Đó là: Nam Mỹ là một châu lục được kiến tạo bởi hầu hết là đá Granite. Có lẽ là cậu đã từng được nghe đâu đó. Vào một thời điểm xa xôi nào đó trong quá khứ, ngay tại nơi này chính là miệng núi lửa. Những vách núi này có lẽ là bằng đá bazan. Đây là một khu vực còn nguyên vẹn từ thời đó, được nâng lên cao hơn hẳn so với xung quanh và được cắt một góc thẳng đứng bởi các vách núi đá. Từ đó điều gì sẽ xảy ra? Tại sao các quy luật của tự nhiên lại không có tác dụng tại khu vực này? Người ta đã tốn rất nhiều công sức để đánh giá các tác động của cuộc đấu tranh sinh tồn trên trái đất này và những công trình nghiên cứu đó chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Sinh vật sẽ tồn tại nếu như nó chiến thắng trong cuộc chiến sinh tồn. Cậu có thấy rằng cả loài thằn lằn bay và khủng longStegosaurus cũng thuộc kỷ Jura không? Vì vậy ta có thể nói rằng kỷ Jura là một thời kỳ vĩ đại trong tiến trình lịch sử của trái đất. Sinh vật sống trên đỉnh núi kia đã được bảo tồn do những yếu tố ngẫu nhiên của tự nhiên. 
– Cứ cho rằng những chứng cớ của ngài là rõ ràng thì ngài phải đệ trình chúng trước các cơ quan thẩm quyền chứ! 
– Theo suy nghĩ đơn giản của tôi thì… – Giáo sư nói vẻ cay đắng – …tôi chỉ có thể nói với cậu rằng tôi gặp phải một lũ vô tích sự luôn hoài nghi những gì tôi nói, chúng đã ngu ngốc lại hay ghen ghét những thành tích mà tôi đạt được. Tính tôi không thích quỵ lụy, khép nép trước bất cứ ai, vả lại tôi cũng chẳng muốn chứng minh nếu có ai đó nghi ngờ những gì tôi nói. Có một lần tôi cũng thử làm như cậu nói nhưng tôi đã nhanh chóng căm ghét cái đề tài đó tới nỗi bây giờ tôi cũng không muốn nhắc tới nó nữa. Khi mà có một ai đó đại diện cho cái xã hội tò mò xấu xa bên ngoài đến đây phá yên sự yên tĩnh của tôi thì tất nhiên tôi không thể tiếp đón họ bằng lòng hiếu khách được, trường hợp của cậu vừa rồi là một ví dụ. Khi bị kích động tôi rất dễ nổi khùng và sẽ tỏ ra thô bạo với mọi người. Tôi sợ rằng cậu sẽ nhớ mãi cách đối xử trước đây của tôi đối với cậu. 
Tôi chớp chớp mắt và im lặng. 
– Vợ tôi luôn phản đối kịch liệt việc đó và tôi cũng biết rằng tất cả những người đàn ông đáng kính sẽ phản đối cách xử sự của tôi. Tối hôm nay tôi sẽ cho cậu thấy khả năng kiềm chế cảm xúc tuyệt vời của tôi như thế nào. Tôi muốn mời cậu xem buổi diễn thuyết của tôi! – Giáo sư trao cho tôi một tấm danh thiếp ma fông để trên mặt bàn – Cậu sẽ được nghe Percival Waldron – một nhà tự nhiên học phát biểu vào lúc tám giờ ba mươi tại hội trường Viện Động Vật học về các vấn đề Các thời kỳ phát triển của trái đất. Tôi là khách mời đặc biệt và được vinh hạnh đọc lời đáp lễ ngài Percival. Tranh thủ lúc đó tôi sẽ khéo léo nêu lên các luận điểm của mình trước cử tọa để gây nên sự chú ý và chắc chắn sau đó sẽ khiến mọi người quan tâm nhiều hơn. Cậu nên hiểu rằng không có gì đáng ngại cả mà ngược lại người ta sẽ chỉ quan tâm đến những gì tôi nói mà thôi. Tôi sẽ cố gắng tự kiềm chế mình và xem xem nếu như tôi kiềm chế tốt bản thân thì kết quả sẽ đi đến đâu. 
– Tôi có thể tham dự buổi hôm đó chứ? – Tôi hỏi với vẻ háo hức. 
– Tại sao không? 
Giáo sư trả lời với thái độ thân thiện. Dáng vẻ to lớn quá khổ của ông lúc này lại gây cho tôi cảm giác thân tình trái hẳn với cách xử sự hung hãn ban đầu. Nụ cười mãn nguyện của Giáo sư trông thật đẹp, hai má ông ta tự nhiên đỏ như hai quả táo, hai mắt ông nhắm nghiền và bộ râu thì đen và rậm rạp. 
– Bằng bất cứ giá nào cậu cũng phải đến! Thật vinh hạnh cho tôi nếu tôi có một đồng minh trong hội trường mặc dù người đồng minh của tôi có thể sẽ mù tịt về những gì tôi nói. Tôi đoán rằng mọi người sẽ đến rất đông để nghe Waldron nói vì Waldron có rất nhiều người hâm mô mặc dù theo tôi hắn chẳng qua là một kẻ lừa bịp mà thôi! Thôi nào cậu Malone! Tôi đã dành cho cậu quá nhiều thời gian rồi đấy. Một cá nhân như cậu không thể độc chiếm riêng tôi – một con người của thế giới. Tối nay tôi rất vui sẽ được gặp cậu tại hội thảo. Nhân tiện tôi cũng muốn cậu hiểu rằng tôi không muốn cậu phổ biến bất kỳ thông tin nào tôi vừa nói với cậu ra công chúng. 
– Nhưng thưa Giáo sư! Ngài McArdle – chủ bút của tôi muốn tôi báo cáo lại những gì tôi đã làm ở đây! 
– Cậu cứ nói bất cứ điều gì cậu muốn. Này! Mà cậu cứ nói với ông ta rằng nếu ông ta cử bất kỳ một kẻ nào đến nhà tôi thì tôi sẽ đến ngay tòa soạn với một cái roi ngựa đấy! Thôi được cậu muốn làm gì cũng được nhưng miễn là đừng tiết lộ những gì tôi vừa nói lên mặt báo đấy! Tốt lắm! Tám giờ ba mươi tối nay có mặt tại hội trường viện Động Vật học nhé! 
Giáo sư Challenger vẫy tay tạm biệt tôi, hai má ông đỏ ửng, bộ râu rậm rì, đôi mắt nheo nheo vẻ độ lượng. 
Ấn tượng cuối cùng còn lưu lại trong tôi, là đôi má đỏ rực, chòm râu quăn xanh, đôi mắt cố chấp của ông, khi ông xoa tay tiễn tôi ra khỏi phòng


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.