Bạn đang đọc Miền đất thất lạc: Arthur Conan Doyle – Chương 04 – part 01
Chương 04
ĐẤY THẬT SỰ LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT TRÊN THẾ GIỚI
Cửa vừa đóng thì bà Challenger từ phòng ăn lao tới. Người đàn bà nhỏ bé này giận dữ chặn ông chồng lại, y như một con gà con nổi khùng trước con chó bướng bỉnh. Rõ ràng là bà đã nhìn thấy tôi đi ra, nhưng không biết tôi đã tở lại.
Bà la lên:
– George, anh thật tàn nhẫn! Anh đã đánh bị thương chàng thanh niên đáng mến kia!
Ông lấy ngón tay cái chỉ ra phía sau nói:
– Anh ta đây, vẫn lành lặn chưa sứt mẻ gì đâu.
Nhận ra tôi, bà hơi ngượng ngập nói:
– Xin lỗi tôi không nhìn thấy cậu.
– Xin bà yên tâm! Tôi không bị làm sao cả!
– Ông đánh cậu ta thâm mặt rồi kia kìa! Ôi George! Sao ông độc ác thế! Tuần nào ông cũng gây rắc rối như thế này. Tất cả mọi người căm ghét và chế nhạo ông. Ông làm tôi không thể chịu đựng được nữa rồi. Thế là hết!
– Bà đừng vạch áo cho người xem lưng!
– Chuyện đó không còn là bí mật nữa rồi! Cả khu phố này, cả thành phố Luân Đôn này đều biết. Hãy đi đi Austin. Chúng ta không cần anh ở đây! Anh không nghe người ta đang xì xào về anh ngoài kia à? Anh không có lòng tự trọng à? Còn ông…đúng ra ông đã là một giáo sư tại một trường đại học lớn, giảng dạy hàng ngàn sinh viên. Lòng tự trọng của ông đâu rồi George!
– Thế còn em? Lòng tự trọng của em ở đâu? Em yêu?
– Thật quá sức chịu đựng của tôi rồi. Ông đã trở thành một tên côn đồ suốt ngày gây lộn từ bao giờ vậy?
– Hãy tử tế hơn một chút nào, Jessie.
– Một tay hung đồ quen thói bắt nạt người khác.
– Thôi nhé! Đủ rồi đấy! Rồi em sẽ phải hối hận à xem!
Trước sự ngạc nhiên của tôi ông ta cúi xuống nhấc bổng bà vợ lên và đặt lên cái bệ đá hoa cương ở góc nhà. Cái bệ đá ít nhất cũng phải cao bảy feet và trông nó mỏng đến nỗi tôi có cảm giác bà vợ nhỏ bé của ông giáo sư khó có thể giữ được thăng bằng trên đó. Bà Challenger ngồi trên đó với vẻ mặt hằm hằm, hai chân đạp loạn xạ vào thành đá hoa cương còn người bà ta thì gần như bất động vì sợ ngã lộn xuống đất. Tôi thật không thể tưởng tượng được tình cảnh lúc đó.
– Cho tôi xuống! – Bà Challenger hét lên.
– Hãy nói: Làm ơn cho em xuống.
– Ông thật độc ác. Cho tôi xuống ngay lập tức.
– Cậu Malone! Hãy vào trong phòng khách đi!
– Sao cơ, thưa ông? – Tôi hỏi lại và đưa mắt nhìn bà vợ ông ta đang đung đưa như muốn rơi xuống đất.
– May mà có cậu Malone ở đây đấy. Hãy nói: Làm ơn cho em xuống và anh sẽ cho em xuống ngay lập tức.
– Ông thật độc ác! Thôi! Làm ơn cho em xuống!
Ông giáo sư lại nhấc bà vợ đặt xuống đất như nhấc một con gà.
– Em phải liệu cách đối xử đấy. Cậu Malone là một nhà báo. Chỉ ngay ngày mai là mọi chuyện sẽ nằm trên báo của cậu ấy hết. Sẽ có một bài có tên là Câu chuyện kỳ lạ về cuộc sống thượng lưu. Em cảm thấy mình cao hơn mọi người khi ngồi trên cái bệ đá đó phải không? Và có lẽ còn có một cái tít nhỏ nữa Một cái nhìn sơ bộ về con thú đơn độc. Cậu ta là một con súc vật thô lỗ, là ngài Malone một kẻ ăn xác thối giống như đồng bọn của cậu ta. Cậu ta là một con lợn ghê tởm vừa tách ra khỏi đàn. Thế đấy. Malone! Cái gì thế?
– Ngài thật rộng lượng! – Tôi nói vẻ hào hứng.
Ngài Challenger cười rống lên.
– Chúng ta sẽ liên kết với nhau – Giọng ông ta âm vang, đôi mắt hết nhìn bà vợ lại nhìn tôi, ngực ông ta ưỡn lên. Bỗng nhiên ông ta đột ngột đổi giọng – Xin lỗi cậu vì tôi đã đùa cợt hơi quá đáng. Tôi mời cậu quay lại đây vì mục đích nghiêm chỉnh. Hãy ra ngoài đi mụ đàn bà nhỏ bé! Đừng làm phiền chúng tôi! – Nói rồi ông đặt tay lên hai vai của bà vợ – Tất cả những gì em nói đều đúng tuyệt đối. Anh đã trở nên một người tốt hơn nếu như anh làm theo lời khuyên của em. Nhưng nếu như thế thì anh lại không phải là GEORGE EDWARD CHALLENGER. Có rất nhiều người tốt nhưng chỉ có một G.E.C mà thôi vì vậy hãy biết quý trọng ông ta hơn nữa.
Đột nhiên ông giáo sư hôn bà vợ một cách rất nồng nàn. Tôi cảm thấy ngượng trước cử chỉ đó, thậm chí ngượng hơn cả lúc chứng kiến sự hung hãn của ông ta.
– Nào cậu Malone! – Ông Challenger tiếp tục với vẻ mặt rất cao đạo – Xin mời cậu đi theo đường này.
Chúng tôi cùng bước vào căn phòng mà trước đó mười phút còn là nơi đánh lộn tơi bời. Ngài giáo sư cẩn thận đóng cánh cửa sau lưng lại, dẫn tôi đến một chiếc ghế tựa và đưa một hộp xì gà mời tôi.
– Xì gà San Juan Colorado chính hiệu đấy – Ông ta nói – Những người tuổi trẻ năng động như cậu cần một chút chất narcotics. Lạy chúa! Đừng cắn! Phải cắt, cắt với lòng sùng kính. Nào, hãy ngồi ngả người ra và lắng nghe những gì tôi nói. Nếu cậu thấy có điều gì cần bàn luận thì hãy nhớ và chờ thời điểm thuận lợi.
– Trước hết là vì việc tôi đã trục xuất cậu ra khỏi nhà tôi một cách chính đáng – Ông giáo sư nói và vểnh bộ râu dài lên, mắt nhìn tôi như có vẻ thách thức – … vì việc cậu bị tống cổ chính đáng ra khỏi nhà tôi. Lý do nằm ngay trong câu trả lời của cậu dành cho tay cảnh sát nhiễu sự nhất trần đời… Chính vì câu trả lời của cậu mà tôi đã có một chút thiện cảm về cậu. Tôi đã quá quen với bọn nhà báo các cậu. Cậu phải thừa nhận rằng lỗi thuộc về cậu nhưng cách xử lý tình huống của cậu lúc đó cùng với cách nhìn nhận vấn đề khoáng đạt của cậu đã giành được cảm tình của tôi. Đẳng cấp của cậu thấp hơn đẳng cấp của tôi. Nhưng những lời lẽ của cậu đã chứng minh điều đó không hẳn đúng. Cậu đã làm tôi suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn. Vì tất cả những nguyên nhân đó tôi đã yêu cầu cậu quay trở lại đây bởi vì tôi sẵn lòng kết bạn với cậu. Đề nghị cậu gạt tàn thuốc vào cái gạt tàn Nhật Bản đặt trên chiếc bàn tre bên tay trái kia!
Ông ta nói với tôi cứ như đang giảng bài trước lớp học của mình vậy. Ông ta đường bệ trên chiếc ghế xoay và quay về phía tôi. Cái cách ông ta ngồi trên ghế khiến tôi liên tưởng đến một con cóc cụ vênh váo và tự đắc, mặt ngửa lên trời, mắt khép hờ vẻ ngạo đời. Bỗng nhiên ông ta quay đi để lộ mái tóc bù xù, đôi tai đỏ vểnh ra ngoài. Ông ta đang loay hoay với một đống giấy trên bàn sau đó quay lại phía tôi với một cuốn sách rách tả tơi như một tập giấy lộn trên tay.
– Tôi sẽ nói với cậu về Nam Mỹ – Ông ta nói – Đề nghị cậu không bình luận gì thêm. Trước tiên tôi muốn lưu ý với cậu một điều rằng cậu sẽ không được công bố những gì tôi nói ọi người biết trừ phi có sự cho phép của tôi. Và cậu hãy nhớ, tôi sẽ không đời nào cho phép đâu! Cậu đã rõ chưa nào?
– Điều đó thật là khó! – Tôi nói – Một lý do chính đáng thì sẽ phải làm.
Ngài Challenger cầm cuốn vở trên bàn và nói:
– Thế thì thôi nhé! Chúc cậu một buổi sáng tốt lành!
– Không! Không! – Tôi kêu lên – Tôi xin chấp thuận bất kỳ điều kiện nào của ngài. Miễn là tôi có thể được nghe ngài nói. Tôi không có sự lựa chọn nào khác!
– Hiển nhiên rồi! – Ông ta đế thêm vào.
– Thôi! Tôi xin hứa!
– Lời hứa danh dự?
– Lời hứa danh dự! – Tôi khẳng định.
Ông giáo sư nhìn tôi bằng ánh mắt gườm gườm.
– Rốt cuộc thì tôi lại chưa biết cậu có tư cách gì mà lại hứa một lời hứa danh dự với tôi!
– Tôi dám nói rằng… – Tôi tức giận kêu lên – Ngài đã đi quá xa rồi đấy! Từ thuở bé tôi chưa bị ai lăng mạ như vậy đâu!
Ông giáo sư kỳ quặc nhìn tôi với vẻ thích thú chứ không có vẻ gì giận dữ.
– Đầu tròn! – Ông ta lẩm bẩm – … ngắn, mắt xám, tóc đen. Có lẽ cậu là một tay thuộc giống người Negroid. Chắc cậu là người Celtic?
– Thưa ngài! Tôi là một người Ai-len!
– Người Ai-len? – Ông ta kinh ngạc hỏi lại.
– Vâng! Thưa ngài!
– Bề ngoài của cậu đã giải thích điều đó! Để tôi xem nào! Cậu đã hứa với tôi rằng cậu tôn trọng ý nguyện của tôi? Tôi muốn nói với cậu rằng ý nguyện của tôi còn lâu mới hết. Tôi sẽ kể cho cậu một vài điểm có thể sẽ làm cậu hứng thú! Trước tiên cậu cần phải biết rằng tôi đã làm một chuyến sang Nam Mỹ hai năm về trước – một chuyến đi phải nói rằng đã trở thành kinh điển trong lịch sử khoa học của thế giới. Mục đích chính của chuyến đi là tôi muốn làm rõ thêm một vài điểm trong các luận đề của Wallace và Bates đã đưa ra trước đó vì tôi nghĩ rằng chỉ có thể nhận định chính xác vấn đề khi đã trực tiếp tiếp xúc với thực tế. Chỉ việc tôi đặt chân lên đất Nam Mỹ cũng cho thấy chuyến đi của tôi thành công rồi, nhưng hơn thế nữa một sự việc kỳ lạ đã xảy ra ngoài dự đoán.
“Ở độ tuổi chưa được giáo dục đầy đủ như cậu đây thì chắc cậu cũng chỉ láng máng rằng, một vài quốc gia quanh lưu vực sông Amazon đã được con người văn minh đặt chân tới, rằng có vô số các nhánh sông đổ ra con sông cái Amazon (trong đó phần lớn chưa có tên trên bản đồ). Nhiệm vụ của tôi là thăm dò khu vực này và nghiên cứu hệ động vật ở đây nhằm cung cấp thêm tư liệu để tôi hoàn thành nốt mấy chương trong cuốn sách đang viết về động vật học – một cuốn sách để đời mà tôi còn đang dở dang. Khi công việc đã hoàn tất và trước khi quay về, tôi ngủ lại một đêm tại một làng nhỏ của người da đỏ nơi có một nhánh sông đổ ra sông cái mà tên của nó tôi không muốn nói ra ở đây. Ngôi làng đó thuộc bộ tộc da đỏ Cucama – một tộc người hiền lành nhưng kém văn minh hơn các bộ tộc khác. Họ là một tộc người mà trình độ có lẽ không hơn nổi một người Luân Đôn cỡ trung bình. Trên đường đi ngược lên thượng nguồn dòng sông tôi đã chữa bệnh cho họ và cũng đã gây được thiện cảm đáng kể. Họ đề nghị tôi chữa bệnh ột người thân của họ. Tôi bèn theo tù trưởng về một trong những căn lều của ông ta. Khi vào trong lều tôi nhận ra người bệnh mà họ muốn tôi chữa chạy đang thở hắt ra. Thật ngạc nhiên khi tôi nhận ra rằng người này không phải là một người da đỏ mà là một người da trắng thuần chủng với mái tóc màu vàng nhạt. Người ấy có những đặc điểm của một người mang chứng bạch tạng. Quần áo của anh ta rách tả tơi, gầy rộc, cử chỉ vô cùng khó nhọc. Đến đây tôi hiểu ra người đàn ông này là một người hoàn toàn xa lạ đối với dân làng ở đây. Anh ta đã một mình đi tới bộ tộc này và hiện đang trong tình trạng kiệt sức.
“Tôi thấy cái ba lô của người đàn ông này được để cạnh chiếc ghế dài vì vậy tôi đã lục tìm vài thứ trong đó. Tên của ông ta được viết trên một miếng giấy gắn ở quai ba lô: Maple White – Đại lộ Lake, Detroit, bang Michigan. Đó là một cái tên mà mỗi lần tôi nghe thấy đều phải ngả mũ. Thật không quá khi nói rằng cái tên đó có thể đứng ngang hàng với cái tên của tôi.
“Từ những gì phát hiện trong ba lô của người đàn ông nọ, tôi nhận định rằng đây là một nghệ sĩ và cũng là một nhà thơ. Tôi còn đọc được một vài câu thơ mà anh ta viết ra trên một tấm giấy. Tôi không rành lắm cái khoản thơ phú nhưng cũng đủ để thấy rằng đó là những vần thơ không tầm thường chút nào. Tôi cũng phát hiện ra mấy bức tranh vẽ phong cảnh sông nước, một hộp thuốc màu, mấy hộp phấn màu, vài cây cọ vẽ, một mẩu xương cong mà tôi đang để trên giá để bút mực kia kìa, một tập sách của Baxter có tên Sâu và bướm, một khẩu súng côn loại rẻ tiền, mấy hộp đạn. Còn những vật dụng cá nhân khác thì tuyệt nhiên không thấy. Lúc ấy tôi nghĩ có lẽ anh ta đã đánh mất trong chuyến đi của mình. Đó là toàn bộ những gì tôi phát hiện về anh chàng lãng tử này.
“Tôi đang định quay đi thì chợt phát hiện một vật gì đó nhô ra khỏi chiếc áo jacket rách nát mà anh ta đang mặc. Đó chính là cuốn vở này. Lúc đó nó cũng rách nát như cậu thấy đây. Tôi muốn nói với cậu rằng tôi đã giữ gìn và bảo quản nó còn cẩn thận hơn cả di cảo tác phẩm đầu tay của Shakespears. Tôi sẽ đưa cho cậu và muốn cậu giở từng trang để xem trong đó viết những gì.
Ông Challenger châm một điếu xì gà và ngả người ra phía sau, đôi mắt nghiêm nghị pha lẫn dữ tợn theo dõi phản ứng của tôi khi đọc cuốn vở.
Tôi mở cuốn vở ra và hy vọng phát hiện một điều gì đó rất mới mẻ mặc dù tôi cũng chưa tưởng tượng được đó là cái gì. Trang đầu tiên làm tôi thất vọng vì nó chỉ là một bức tranh vẽ một người đàn ông to béo mặc một cái áo va-rơi với dòng đề tựa: “Jimmy Clover trên tàu chở thư” được viết bên dưới. Tiếp theo là một số trang vẽ ký họa người da đỏ và cuộc sống của họ. Tiếp theo là hình vẽ chân dung một giáo sĩ to béo đang tươi cười đội mũ rộng vành và đối diện ông ta là một người Châu Âu gầy gò, dưới bức tranh là dòng đề tựa “Ăn trưa với Fra Cristofero ở Rosario”. Mấy trang tiếp theo viết về phụ nữ và trẻ em. Tiếp đến là một loạt bức vẽ các con vật với các tiêu đề như: Lợn biển trên bãi cát, Rùa đẻ trứng, Ajouti (Ajouti là một loài động vật giống như con lợn). Cuối cùng là hai trang viết về loài thằn lằn mõm dài xấu xí. Tôi chẳng thấy gì đặc biệt trong cuốn vở đó. Tôi nói với giáo sư suy nghĩ của tôi.
– Chỉ có cá sấu là không có trong này thôi.
– Cá sấu! Cá sấu! Ở Nam Mỹ mà không có cá sấu…
– Ý tôi muốn nói rằng tôi chẳng thấy gì là đặc biệt cả – chẳng có gì giống như những gì ngài đang nói với tôi cả.
– Thế thì cậu hãy thử giở trang tiếp theo xem sao! – Ông giáo sư nói.
Tôi vẫn không thể nào hiểu được ông ta. Trang tiếp theo là một bức tranh phong cảnh được vẽ với một tông màu mạnh mẽ, một phong cách thường thấy ở những họa sĩ hay vẽ các bức tranh ngoài trời sau đó về nhà trau chuốt lại. Trên bức tranh tôi thấy cận cảnh là một thảm cỏ màu xanh nhạt mịn như nhung chạy vòng theo triền dốc thoai thoải. Xa xa là triền núi đá màu đỏ sậm có đan thêm những đường kẻ bazan. Triền núi đá chạy ngang bức tranh. Một ngọn núi hình chóp đứng chơ vơ, trên đó có một cái cây. Ngọn núi bị chẻ ngang từ trên đỉnh suốt dọc sườn núi. Phía sau dãy núi là bầu trời nhiệt đới xanh thẳm. Một hàng cây màu xanh nhạt chạy dọc theo sườn núi lên tới tận đỉnh. Trang sau là một bức tranh vẽ cảnh tương tự nhưng ở góc độ gần hơn vì vậy người xem có thể nhìn thấy mọi thứ trong bức tranh rõ ràng hơn.
– Thế nào? – Ông giáo sư hỏi tôi.
Đúng là một hình dạng kỳ lạ! – Tôi nói – nhưng tôi không phải là nhà nghiên cứu địa lý để nhận xét được vẻ đẹp của nó!
– Vẻ đẹp thôi ư? – Ông ta nói – Đó là một hình dạng có một không hai. Không thể tin nổi. Không ai có thể tưởng tượng đến điều này. Hãy xem trang kế tiếp!
Tôi lật trang tiếp theo và chợt thấy vô cùng ngạc nhiên. Đó là một bức tranh vẽ một sinh vật kỳ lạ chưa từng thấy. Tôi như đang trong trạng thái của một người say thuốc phiện, đang trong cơn mê giữa đời sống thực. Đầu của sinh vật kỳ lạ đó trông giống như đầu một con gà, thân hình giống như một con thằn lằn béo múp, cái đuôi dài đầy gai vểnh lên cao. Cái lưng cong được trang trí thêm bởi những tua riềm trông giống như hàng chục cái yếm thịt ở cổ con gà tây xếp lại với nhau. Trước hình con vật kỳ lạ này là hình một người lùn với dáng vẻ rất buồn cười đang đứng nhìn trân trân vào con vật nọ.
– Cậu nghĩ sao về cái hình này? – Ngài giáo sư kêu lên, hai tay xoa vào nhau vẻ đắc thắng.
– Trông thật quái dị!
– Nhưng vấn đề là cái gì đã khiến anh ta vẽ hình của con vật đó?
– Để đổi lấy rượu gin thôi mà! Tôi nghĩ thế!
– Ồ! Cậu nghĩ kỹ chưa đấy!
– Thế ngài nghĩ sao?
– Trước hết tôi nghĩ hình vẽ này chứng tỏ một điều rằng con vật kỳ dị kia đang tồn tại trên trái đất của chúng ta. Chắc chắn rằng hình vẽ kia được vẽ từ thực tế chứ không phải do trí tưởng tượng.
Suýt nữa tôi bật cười khi xem lại bức tranh.
– Không nghi ngờ gì nữa – tôi nói giống như người ta đang chế giễu một ai đó ngốc nghếch – Không nghi ngờ gì nữa. Thú thực với ngài rằng cái hình người bé xíu kia làm tôi rối cả trí. Nếu đó là một người da đỏ thì chúng ta có thể kết luận được rằng hắn chẳng qua là một người thuộc bộ tộc lùn Picmê sống tại châu Mỹ, nhưng nhìn cái mũ mà hắn đang đội thì đích thị là một người châu Âu.
Ngài giáo sư khịt mũi như một con trâu đang trong cơn giận dữ.
– Đủ rồi đấy! Cậu làm tôi mở mắt về những điều có thể trong thế giới này. Thật là một kẻ bị liệt não, tư duy ì ạch!