Miền đất thất lạc

Arthur Conan Doyle - Chương 11 - part 02


Bạn đang đọc Miền đất thất lạc: Arthur Conan Doyle – Chương 11 – part 02


Từ hôm gặp sự cố tại pháo đài Challenger chúng tôi luôn trở về trong trạng thái lo lắng. Đêm đó chúng tôi thảo luận rất kỹ về tình trạng hiện thời và bàn kế hoạch cho những ngày sắp tới. Có một điều tất yếu là chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc thám hiểm tại vùng đất này. Giáo sư Summerlee là người bắt đầu khơi mào cuộc tranh luận. Suốt cả ngày hôm nay ông luôn luôn càu nhàu, có lẽ những gì Huân tước nói đã khiến ông suy nghĩ và cảm thấy bế tắc. 
– Tất cả những gì chúng ta cần làm bây giờ là tìm cho được con đường để thoát khỏi cái nơi rừng rú chết tiệt này! Tất cả mọi người đang tập trung suy nghĩ để làm sao đi sâu vào vùng đất này nhưng theo tôi chúng ta nên tìm đường ra thì tốt hơn. 
– Tôi thật ngạc nhiên thưa ngài! – Giáo sư Challenger nói – Một người làm khoa học như ngài mà lại có những ý nghĩ như thế! Chúng ta đang ở trên một miền đất có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với những người nghiên cứu khoa học về tự nhiên như chúng ta. Thế mà tôi đã nghĩ khác về ngài đấy, Giáo sư Summerlee ạ! 
– Ngài phải nhớ rằng – Giáo sư Summerlee nói vẻ chua cay – tôi đang giảng dạy một lớp tương đối lớn ở Luân Đôn, họ đang chờ tôi trở về. Điều này khiến cho vị thế khác xa so với vị thế của ngài. Theo tôi được biết thì ngài chưa bao giờ tham gia công tác giảng dạy. 
– Thật đúng vậy! Tôi không nghĩ rằng tôi lại dùng cái bộ não siêu việt của mình để làm cái công việc thấp kém không xứng chút nào ấy! Đó cũng là lý do tôi luôn từ chối các cuộc họp mặt mang tính học thuật với bất kỳ ai. 
– Ngài hãy đưa ra ví dụ? – Giáo sư Summerlee nói và hắt hơi nhưng Giáo sư Challenger đã chuyển chủ đề câu chuyện. 
– Tôi phải nói rằng việc quay trở lại Luân Đôn lúc này là điều tôi không hề muốn. Vì có quá nhiều thứ để tìm hiểu. 
– Còn tôi thì chắc sẽ không dám trở về tòa báo gặp ông McArdle mà không mang theo những tài liệu mà tôi đã hứa. Hơn nữa, chẳng có con đường nào dẫn xuống mặt đất đâu, chúng ta có muốn về cũng không về được. – Tôi tỏ ý ủng hộ Giáo sư Challenger. 
– Anh bạn này đưa ra lý do riêng của anh ta. Đối với tôi lý do mang tính nghề nghiệp của anh ta chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả, tuy nhiên như anh ta vừa nói, chẳng có con đường nào dẫn xuống phía dưới cả. chúng ta không nên tốn thời gian vào vấn đề đó. 

– Nhưng chúng ta đang tốn công sức vào việc khác – Giáo sư Summerlee gào lên – Tôi xin nhắc nhở các vị rằng chúng ta đến đây theo một nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta đã thỏa thuận ở Hội nghị Động vật học ở Luân Đôn. Người ta đã trao cho chúng ta nhiệm vụ kiểm chứng những luận cứ khoa học của Giáo sư Challenger. Công việc kiểm chứng đó của chúng ta, theo tôi biết về cơ bản đã sắp hoàn thành. Còn nếu đi sâu vào chi tiết thì khối lượng công việc sẽ vô cùng đồ sộ. Điều đó sẽ cần đến một cuộc thám hiểm quy mô lớn, với những trang thiết bị đặc biệt. chúng ta có nên tự làm, để cho đến lúc nào đó chúng ta không còn đường quay về và những phát kiến khoa học của chúng ta sẽ không có điều kiện được nền khoa học của nhân loại công nhận. Giáo sư đã có những sáng kiến để đưa cả bốn chúng ta lên trên này và bây giờ tất cả chúng ta đề nghị ông ấy hãy nghĩ xem có sáng kiến nào đưa chúng ta trở lại hay không. 
Giáo sư Challenger tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và bất ngờ trước những gì Giáo sư Summerlee nói. 
– Vấn đề tìm đường xuống dưới mặt đất hiện thời là một việc cực kỳ khó khăn – Giáo sư Challenger nói – Trong tình thế này trí não cũng đành bó tay mà thôi. Tôi cũng đồng ý với anh bạn Giáo sư của tôi rằng việc ở lại miền đât Gỗ Thích Trắng này là không nên. Nhưng tôi kiên quyết không quay trở lại trước khi chúng ta có một số vốn kiến thức nhất định về cái vùng này và kể cả việc chúng ta có thể vẽ được một cái bản đồ. 
Giáo sư Challenger tỏ vẻ bứt rứt khó chịu. 
– Chúng ta đã ở đây quá nhiều ngày – Ông nói – và chúng ta vẫn chưa có phác đồ cơ bản nào về vùng đất này. Vùng đất này chỉ toàn là cây cối. Phải mất nhiều tháng trời mới đi hết được. Nếu phía trước mặt có một cái đỉnh núi hoặc đồi nào đó thì mọi chuyện đã khác, đằng này địa hình lại dốc về phía trước. 
Đúng lúc Giáo sư Summerlee đang nói tôi để ý đến một thân cây bạch quả với những cành cây khổng lồ trên đầu. Cả cành và thân cây đều to và dài hơn hẳn so với những cây xung quanh. Tôi tự hỏi tại sao lại không dùng cây bạch quả này để làm đài quan sát địa thế của cả vùng. Từ ngày còn là một đứa trẻ con của tung tăng trên những miền đất của vùng Ai-len tôi đã là một tay leo cây cự phách. Những người bạn đồng hành rất giỏi trong lĩnh vực leo núi nhưng phải nói thẳng rằng tôi hơn hẳn họ về khả năng leo cây. Mọi người trong đoàn đồng ý với ý kiến của tôi. 
– Anh bạn trẻ của tôi – Giáo sư Challenger nói trong lúc miệng cắn một miếng táo màu đỏ – có thể leo trèo lên cái cây này, mặc dù sẽ khó khăn đấy. Tôi tán thành cách làm của cậu. 
– Thế là cậu đã nhận lời rồi nhé! – Huân tước Roxton nói và lấy tay vỗ vào lưng tôi – sao chúng ta lại không nghĩ đến điều này cơ chứ? Trời sắp tối rồi nhưng tôi nghĩ rằng cậu nên cầm theo một cuốn sổ và vẽ sơ qua bản đồ của khu vực này. 
Huân tước Roxton đứng trên mấy cái hộp trong khi tôi bám vào thân cây và bắt đầu leo lên, còn Giáo sư Challenger thì dùng đôi tay hộ pháp đẩy phía dưới trợ lực. Có ba cành cây lớn sắp xếp như một cái thang. Chả mấy chốc tôi đã leo lên tít trên cao và không nhìn thấy dưới mặt đất nữa. Bên dưới chỉ còn những tán cây rậm rạp. Tiếng của Giáo sư Challenger vọng từ dưới xa xa. Phía trên đầu tôi cũng chỉ toàn lá cây. Trước mặt tôi là một tán cây giống như cái dù. Khi nhìn kỹ tôi suýt rơi xuống đất vì kinh sợ. Một khuôn mặt đang nhìn chòng chọc vào tôi – khoảng cách chỉ khoảng một feet. Đó là một khuôn mặt người hoặc nói cách khác khuôn mặt đó là một khuôn mặt khỉ giống một khuôn mặt của con người. Khuôn mặt trắng bệt và nổi lên những nốt mẩn đỏ, cái mũi tẹt dí, một chòm lông cứng mọc dưới cằm. Đôi mắt ẩn dưới hàng lông mày phóng cái nhìn dữ tợn. Miệng con vật đang há to và kêu những tiếng ghê sợ khiến tôi nhìn thấy rõ hàm răng sắc nhọn trắng ởn. Trong giây lát tôi nhận thấy những tia nhìn hằn thù mà nó chiếu về tôi. Con vật nhảy phắt lên chạc cây phía xa. Toàn thân của con vật phủ một lớp lông thưa màu hung đỏ lẫn vào đám lá cây xanh thẫm. 
– Có chuyện gì thế? – tiếng Huân tước Roxton gọi vọng lên. 

– Các ngài có thấy gì không? – tôi kêu to trong khi hai tay bám chặt vào thân cây, tim đập thình thịch. 
– Có tiếng gì như tiếng trượt chân! 
Tôi bị sốc đến nỗi không dám leo xuống ngay dưới để kể ọi người về việc tôi đã gặp con vượn người kia. Lúc này tôi đã leo quá cao nên không thể xuống nhanh được. Sau khi nghỉ ngơi cho hoàn hồn tôi mới tiếp tục leo lên. Dần dần lá cây đã mỏng dần, khi có gió thổi miên man trên mặt tôi mới biết mình đã ở trên ngọn cây. Tôi quyết định không nhìn chung quanh nữa mà leo thẳng đến chỗ cao nhất. Từ điểm đó tôi được chứng kiến một khung cảnh vô cùng tuyệt diệu. Mặt trời đang chếch phía tây khiến cho vùng bình nguyên bên dưới hiện ra rõ ràng dưới mắt tôi. Đó là một bình nguyên hình elip có chiều dài khoảng ba mươi dặm và rộng hai mươi dặm. Toàn bộ bình nguyên có hình một cái phễu, giữa cái phễu đó là một cái hồ nước chu vi mười dặm. Dưới ánh trời chiều mặt nước màu xanh biếc, ven hồ là những bụi cỏ mọc xen những trảng cát vàng ánh mặt trời. Cạnh bờ cát là những vật thể giống như những con cá sấu. 
Từ vị trí chỗ chúng tôi đang đứng là những cánh rừng xen với những trảng cỏ dài có đến năm sáu dặm. Từng đàn thằn lằn răng giông và thằn lằn ngón cánh tụ tập quanh hồ. Phía bên kia mặt hồ là một vách đá màu đỏ bazan cao khoảng hai trăm feet. Dưới chân vách đá có những cái lỗ mà tôi đoán chừng đó là miệng hang. Ở một trong những cái miệng hang như thế có ánh sáng đang tỏa ra lung linh. Tôi chịu không thể đoán ra đó là gì. Tôi ngồi trên cây vẽ bản đồ cho đến khi mặt trời lặn hẳn, bầu trời chìm vào bóng đêm. Tôi bèn leo trở xuống gốc cây nơi những người bạn đồng hành đang ngồi nóng lòng chờ đợi. Lúc này tôi cảm thấy mình như một vị anh hùng vừa trở về sau một trận đánh. Một mình tôi nghĩ ra việc leo cây, một mình tôi đã leo lên cây và vẽ được một tấm bản đồ sơ qua về vùng đất bí hiểm này. Cả ba người bắt tay tôi thật chặt. Nhưng trước khi đưa tấm bản đồ vừa vẽ ọi người xem, tôi đã kể cho họ nghe cuộc chạm trán với người vượn (tôi cứ tạm gọi là như vậy). 
– Nó đã ở đó rất lâu! – Tôi nói. 
– Làm thế nào mà cậu biết điều đó? – Huân tước Roxton hỏi. 
– Bởi vì tôi luôn luôn có cảm giác một điều gì đó nguy hiểm đang rình rập quanh mình. 
– Anh bạn trẻ của chúng ta đúng đấy! Anh ta có sự nhạy cảm riêng biệt của người Celtic – Giáo sư Challenger nói. 
– Có lẽ đó là hiện tượng thần giao cách cảm – Giáo sư Summerlee vừa nói vừa nhồi thuốc vào tẩu. 
– Vấn đề này tương đối phức tạp – Giáo sư Challenger nói như một vị giám mục đang giảng đạo – con vật mà cậu nhìn thấy đó có ngón tay cái bắt chéo qua lòng bàn tay không? 

– Không! – Tôi trả lời. 
– Nó có đuôi không? 
– Không! 
– Chân của nó có thể cầm nắm được không? 
– Tôi nghĩ rằng có thể bởi tôi đã chứng kiến nó di chuyển trên cây nhanh như thế nào. 
– Nếu tôi nhớ không nhầm thì ở Nam Mỹ có khoảng ba mươi sáu loài khỉ nhưng không có loài vượn người. Phải không Giáo sư Summerlee? Tuy nhiên rõ ràng loài vượn người lại đang sinh sống trên vùng đất này. Điều lạ là loài vượn người này lại không có lông giống như loài khỉ gorrilas – loài vượn người chỉ sinh sống ở châu Phi và phương Đông. Đây là loài vượn có tóc mai không màu. Đặc tính không màu chứng tỏ nó chuyên sinh sống trên cây. Vấn đề đặt ra là con vật này giống con người hơn hay giống vượn hơn. Nếu nó giống người thì chắc là ở đây đã diễn ra một hiện tượng mà giới nghiên cứu nhân chủng học gọi là sự đứt đoạn tiến hóa. Nếu thực như thế thì việc nghiên cứu là nhiệm vụ cấp bách của chúng ta. 
– Nếu không phải như thế thì… – Giáo sư Summerlee đột ngột cắt ngang – bằng sự thông minh và việc làm vừa rồi của cậu Malone, chúng ta đã có một tấm bản đồ phác thảo của vùng này. Nhiệm vụ cấp bách bây giờ là ngay lập tức rời khỏi nơi này một cách an toàn. 
– Một cái nôi của nền văn minh! – Giáo sư Challenger lẩm bẩm. 
– Một cái lọ của nền văn minh thưa ngài! Nhiệm vụ của chúng ta là ghi chép lại những gì chúng ta chứng kiến và dành việc khám phá tiếp theo cho những người khác. Trước khi cậu Malone leo lên cây tất cả chúng ta đã đồng ý như thế rồi phải không? 
– Tôi cũng cảm thấy rất thoải mái với ý nghĩ rằng việc thám hiểm tiếp theo sẽ dành cho những người khác. Nhưng tôi vẫn chưa nghĩ ra được làm cách nào chúng ta có thể rời khỏi nơi này. Từ trước tới nay tôi chưa từng đầu hàng trước bất kỳ khó khăn gì, tôi hứa rằng ngày mai tôi sẽ có ý kiến về việc trở lại của đoàn ta – Giáo sư Challenger nói. 
Vấn đề tranh luận tạm thời được gác lại và ngay tối hôm đó bên đống lửa tấm bản đồ được đưa ra xem xét một cách kỹ lưỡng. Giáo sư Challenger đưa bút chì khoanh một vòng đậm nét quanh cái hồ mà tôi từng chứng kiến từ trên cây. 

– Chúng ta sẽ gọi nó là gì? – Giáo sư Challenger hỏi. 
– Sao ông không nhân cơ hội này mà lấy tên ông đặt cho nó? – Giáo sư Summerlee nói với giọng mỉa mai. 
– Tôi tin rằng có nhiều điều sẽ lưu tên tôi lại cho hậu thế – Giáo sư Challenger nói một cách gay gắt – những kẻ ngu ngốc thường muốn lưu tên họ của họ vào những quả núi và những con sông. Còn tôi thì không cần những điều đó. 
Trong lúc Giáo sư Summerlee chuẩn bị phản công thì Huân tước Roxton can thiệp. 
– Cậu Malone ạ! Tùy cậy đặt tên cho cái hồ này mà thôi. Cậu nhìn thấy nó trước tiên và cậu có thể gọi tên là hồ Malone mà không ai có quyền phản đối. 
– Hãy để cho chàng trai trẻ của chúng ta đặt tên cho cái hồ nào – Giáo sư Challenger nói. 
– Thế thì tôi sẽ đặt tên là hồ Gladys – tôi đỏ mặt nói. 
– Cái tên hồ Trung Tâm sẽ gợi tả nhiều hơn đấy cậu Malone? – Giáo sư Summerlee nói. 
– Tôi thích cái tên Gladys hơn! 
Giáo sư Challenger nhìn tôi vẻ thông cảm. Ông nói: 
– Thanh niên vẫn là thanh niên. Hãy gọi nó là hồ Gladys.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.