Mật Mã Da Vinci

Chương 51


Đọc truyện Mật Mã Da Vinci – Chương 51

Chiếc Hawker đang trong giai đoạn tiếp đất cuối cùng.

Simon Edwards – quan chức Điều hành Dịch vụ tại sân bay Biggin Hill Executive – đi tới đi lui trong đài quan sát, nheo mắt nhìn lo âu về đường băng ướt mưa. Ông chẳng bao giờ ưa bị đánh thức sớm vào sáng thứ bẩy, nhưng đặc biệt khó chịu khi bị gọi đến để giám sát việc bắt giữ một trong những khách hàng xộp nhất của mình. Ngài Leigh Teabing không chỉ trả cho sân bay Biggin Hill tiền thuê cái hăng-ga(1) riêng, mà còn cả một khoản “phí hạ cánh”cho mỗi lần đến và đi đều đặn của ông. Thông thường, 8ân bay này được báo trước lịch hành trình của Teabing và có thể tuân theo một thủ tục nghiêm ngặt đối với những lần đến của ông. Teabing thích mọi sự phải được thực hiện đúng như thế. Chiếc limousine có thể kéo dài mang nhãn hiệu Jaguar làm theo đơn đặt hàng của khách mà ông giữ trong hăng-ga phải luôn đầy xăng, lau rửa bóng lộn, và một tờ Thời báo Lonlon trong ngày để sẵn ở ghế sau. Một nhân viên hải quan đợi sẵn chiếc máy bay tại hăng-ga để xúc tiến việc kiểm tra hành lý và tài liệu bắt buộc. Thi thoảng, những nhân viên hải quan đã nhận những khoản tiền boa lớn từ Teabing để lờ đi việc vận chuyển một số đồ hữu cơ vô hại – hầu hết là thức ăn xa xỉ – ốc sên Pháp, một loại phomat Requefort đặc biệt không chế biến, một vài loại hoa quả nào đó. Vả chăng nhiều luật của hải quan cũng vô lý, và nếu sân bay Biggin Hill không chiều ý khách của mình thì chắc chắn các sân bay cạnh tranh sẽ hứng ngay. Teabing được đáp ứng những gì ông ta muốn ở đây, tại sân bay Biggin Hill và những nhân viên thì thu được lợi lộc.

Lúc này, Edward cảm thấy thần kinh căng thẳng khi nhìn chiếc phản lực tiến vào. Ông tự hỏi phải chăng khuynh hướng hào phóng của Teabing, cách nào đó, đã làm cho ông ta gặp rắc rối; nhà chức trách Pháp dường như quyết tâm ngăn chặn ông. Edward còn chưa được cho bỉết là ông bị kết những tội gì nhưng rõ ràng chúng rất nghiêm trọng. Theo yêu cầu của nhà chức trách Pháp, cảnh sát Kent ra lệnh cho nhân viên kiểm soát không lưu đánh điện bằng rađiô cho phi công của chiếc máy bay Hawker và yêu cầu anh ta đến thẳng ga hành khách thay vì nhà chứa máy bay riêng của Teabing. Viên phi công đã đổng ý rõ ràng anh ta tin câu chuyện khó tin về vụ rò rỉ khí ga.

Cho dù cảnh sát Anh không thường mang vũ khí, nhưng do tính nghiêm trọng của tình hình nên vẫn xuất hiện một đội được trang bị vũ khí. Tám cảnh sát với súng ngắn đứng ở bên trong ga hành khách, chờ lúc động cơ máy bay dừng hẳn. Đến lúc đó người phục vụ đường băng sẽ đặt những cái nêm an toàn dưới lốp xe để – máy bay không còn dịch chuyển được nữa.

Sau đó cảnh sát xuất hiện và khống chế những người trên máy bay cho đến khi cảnh sát Pháp đến xử lý tình hình.

Chiếc Hawker đã xuống thấp, đang bay là là trên ngọn cây phía tay phải họ. Simon Edwards đi xuống cầu thang để quan sát việc hạ cánh ngang tầm đường băng. Toán cảnh sát Kent đã ở tư thế sẵn sàng, vừa vặn khuất lầm nhìn, và người nhân viên bảo dưỡng đứng chờ đợi cùng với những cái nêm. Bên ngoài đường băng mũi của chiếc Hawker nghếch lên và bánh xe khẽ chạm đất trong thời gian một hơi thuốc. Chiếc máy bay giảm tốc độ lượn thành vệt từ phải sang trái trước ga hành khách, thân màu trắng của nó sáng lấp lánh trong thời tiết ẩm ướt.

Nhưng thay vì phanh lại và quay đầu vào ga hành khách, thì chiếc phản lực bình thản băng qua làn đường vào ga và tiếp tục đi về phía hăng-ga của Teabing ở đằng xa.

Tất cả cảnh sát quay lại và nhìn chằm chằm vào Edwards: “Tôi tưởng anh nói người phi công đã đồng ý đến thẳng ga hành khách”.

Edwards ngớ ra: “Đúng thế mà!”.

Lát sau, Edwards thấy mình ngồi kẹp trong chiếc xe cảnh sát phóng qua đường băng về phía hăng-ga ở đằng xa. Tốp cảnh sát còn cách cả năm trăm thước thì chiếc Hawker của Teabing đã thản nhiên tiến vào hăng-ga riêng và bìến mất. Cuối cùng, khi tốp xe con tới và dừng kít lại bên ngoài hăng-ga, cảnh sát ào ra, súng lăm lăm.

Edwards cũng nhảy ra.

Tiếng ồn ào đinh taỉ.

Động cơ của chiếc Hawker vẫn gầm lên khi chiếc phản lực chấm dứt vòng quay thông thường bên trong hăng-ga, vào vị trí quay mũi ra, sẵn sàng cho chuyến xuất phát sau. Khi chiếc máy bay hoàn thành động tác quay vòng 180o và chạy về phía trước hăng-ga, Edwards có thể nhìn thấy mặt viên phi công, có thể hiểu được anh ta kinh ngạc và sợ hãi như thế nào khi thấy cả một hàng rào xe cảnh sát.

Phi công dừng hắn máy bay và tắt động cơ. Cảnh sát tràn vào, chiếm lĩnh vị trí xung quanh chiếc phản lực. Edwards cùng với viên chánh thanh tra cảnh sát quận Kent di chuyển một cách thận trọng về phía cửa máy bay. Sau một vài giây, cửa máy bay mở ra.

Leigh Teabing xuất hiện ở khung cửa khi chiếc thang điện nhẹ nhàng hạ xuống. Nhìn thấy cả một biển vũ khí nhằm vào mình, ông chống đôi nạng và gãi đầu: “Simon, có phải là tôi trúng xổ số của cảnh sát trong khi vắng nhà không?”. Giọng ông có vẻ ngơ ngác hơn là lo lắng.

Simon Edwards bước lên, ráng nuốt cái cục chẹn ngang cổ họng: “Chào ngài, tôi xin lỗi về sự nhầm lẫn. Chúng tôi có khí rò rỉ và phi công của ngài nói anh ta đến thẳng ga hành khách”.

“Vâng, vâng, phải, nhưng thay vì như thế, tôi bảo anh ta đến đây. Tôi đang muộn một cuộc hẹn. Tôi trả tiền cho hăng-ga này, và cái chuyện vẽ vời né tránh chỗ khí ga rò rỉ nghe có vẻ quá ư thận trọng”.

“Tôi e rằng việc ngài đến đã làm chúng tôi hơi bất ngờ, thưa ngài”.

“Tôi biết Tôi về không đúng lịch chữa bệnh mà. Nói riêng với nhau, phương pháp điều trị mới làm tôi bí tiểu tiện. Tôi nghĩ mình phải về để điều chỉnh lại thuốc”.

Đám cảnh sát đưa mắt nhìn nhau. Edwards nhăn nhó: “Rất tốt, thưa ngài”.

“Thưa ngài”, chánh thanh tra cảnh sát quận Kent bước lên phía trước, “tôi yêu cầu ngài ở lại trên máy bay khoảng nửa tiếng nữa”.

Teabing có ve không vui khi ông tập tễnh bước xuống cầu thang: “Tôi e là không thể được. Tôi có một cuộc hẹn khám sức khoẻ”. Ông xuống tới đường băng. “Tôi không thể lỡ hẹn”.

Chánh thanh tra tiến đến chặn không để cho Teabing rời khỏi máy bay: “Tôi tới đây theo lệnh của Cảnh sát tư pháp Pháp.

Họ quả quyết ngài đang chở những kẻ lẩn trốn pháp luật trên chiếc máy bay này”.

Teabing nhìn chằm chằm vào viên chánh thanh tra hồi lâu rồi cười phá lên: “Đây là một trong những chương trình quay phim được giấu kín phải không? Hay đấy!”.

Chánh thanh tra không nao núng: “Điều này là nghiêm trọng, thưa ngài. Cảnh sát Pháp khẳng định ngài còn có một con tin trên máy bay”.

Người hầu của Teabing là Rémy xuất hiện ở ô cửa đầu cầu thang: “Tôi cảm thấy như mình là một con tin làm việc cho ngài Leigh, nhưng ngài cam đoan với tôi rằng tôi được tự do đi khỏi”. Rémy nhìn đồng hồ. “Ông chủ, quả là chúng ta đang bị trễ đấy”. Ông ta gật đầu về hướng chiếc limousine có thể kéo dài mang nhãn hiệu Jaguar ở góc đằng kia hăng-ga. Chiếc ô tô đồ sộ màu gỗ mun với kính mờ và lốp màu tường trắng. “Tôi sẽ đưa xe lại”. Rémy bắt đầu xuống cầu thang.


“Tôi e rằng chúng tôi không thể để các ông đi được”, chánh thanh tra nói. “Xin hãy trở lại máy bay. Cả hai ông. Đại diện của cảnh sát Pháp sẽ hạ cánh trong chốc lát”.

Lúc này, Teabing nhìn Simon Edwards: “Lạy Chúa, Simon, chuyện này thật lố bịch! Chúng tôi không có bất cứ ai khác trên máy bay. Chỉ như mọi khi – Rémy, viên phi công của chúng tôi và bản thân tôi. Có lẽ ông có thể làm trung gian chứ? Hãy lên kiểm tra máy bay và chứng thực là không có ai cả”.

Edwards biết mình bị mắc kẹt: “Vâng, thưa ngài. Tôi có thể xem xét”.

“Đừng hòng!” Chánh thanh tra quận Kent tuyên bố, rõ ràng nắm khá vững về những sân bay hành chính đủ để ngờ rằng Simon Edwards rất có thể nói dối về những người trên máy bay nhằm duy trì được quan hệ làm ăn với Teabing tại sân bay Biggin Hill. “Tự tôi sẽ xem xét”.

Teabing lắc đầu: “Không, ông không được làm thế, thanh tra”.

Đây là tài sản cá nhân và cho tới khi ông có lệnh khám xét, ông vẫn phải ở ngoài máy bay của tôi. Tôi đang đề xuất với ông một phương án hợp lý đấy. Ông Edwards co thể thực hiện việc kiểm tra này”.

“Không thương lượng gì hết”.

Thái độ của Teabing trở nên lạnh lùng: “Thanh tra, tôi e mình không có thời gian để chiều theo trò chơi của ông. Tôi đã muộn, và tôi phải đi. Nếu điều quan trọng đối với ông là ngăn chặn tôi thì ông sẽ phải bắn tôi”. Nói rồi, Teabing và Rémy đi quành qua viên chánh thanh tra và ngang qua hăng-ga tới chỗ chiếc limousine đang đậu.

Chánh thanh tra quận Kent chỉ cảm thấy ghê tởm đối với Leigh Teabing khi ông này tập tễnh đi quành qua ông, đầy vẻ thách thức. Những người có đặc quyền đặc lợi luôn luôn cảm thấy như là họ đứng trên luật pháp.

Họ không thể. Chánh thanh tra quay lại và nhằm súng vào lưng Teabing: “Đứng lại! Tôi sẽ bắn!”.

“Bắn đi”, Teabing nói mà không thèm dừng bước hoặc ngoái lại. Luật sư của ta sẽ nấu xốt tinh hoàn của anh làm bữa điểm tâm. Và nếu anh dám lên máy bay của ta mà không có lệnh khám xét, thì lá lách của anh sẽ là món tiếp theo đấy”.

Không lạ gì những ngón giương vây quyền lực, viên chánh thanh tra chẳng hề run sợ. Về mặt thủ tục pháp lý, Teabing đã đúng và cảnh sát cần có lệnh khám xét để lên chiếc phản lực của ông ta, nhưng vì chuyến bay này xuất phát từ Pháp, và vì tay Bezu Fache đầy quyền lực đã trao quyền, nên chánh thanh tra quận Kent cảm thấy chắc chắn sự nghiệp của mình sẽ tốt đẹp hơn bằng việc khám phá ra những gì mà Teabing dường như cố gắng giấu kín trên chiếc máy bay này.

“Chặn họ lại”, chánh thanh tra ra lệnh. “Tôi sẽ lục soát máy bay”.

Người của ông ta lao tới, súng chĩa ra, chặn đường hai thày trò Teabing, không cho tới chiếc limousine.

Bấy giờ Teabing mới quay lại: “Thanh tra, đây là lời cảnh cáo cuối cùng dành cho anh. Đừng có nghĩ đến chuyện lên chiếc máy bay này. Anh sẽ phải hối tiếc đấy”.

Phớt lờ lời hăm dọa, chánh thanh tra nắm chặt vũ khí và bước lên cầu thang rút của máy bay. Tới cửa sập, ông ngó vào bên trong. Lát sau, ông bước vào cabin. Quái quỷ gì thế này?

Ngoại trừ viên phi công vẻ như thất đảm trong khoang lái, máy bay trống không. Hoàn toàn không có sự sống của con người. Nhanh chóng kiểm tra phòng vệ sinh, ghế và nơi dể hành lý, chánh thanh tra không tìm thấy dấu vết của bất cứ một người lẩn trốn nào… chưa nói gì đến nhiều cá nhân.

Bezu Fache đã nghĩ ra chuyện quái quỉ gì vậy? Dường như Teabing đã nói thật.

Chánh thanh tra đứng một mình trong cabin vắng teo và nuốt nghẹn. Cứt. Mặt ông ta bừng đỏ, ông quay lại cầu thang rút, nhìn qua hăng-ga về phía hai thầy trò Leigh Teabing đang đứng gần chiếc limousine trước những họng súng. “Để họ đi”, thanh tra ra lệnh. “Chúng ta nhận được thông tin sai rồi”.

Mắt Teabing đầy vẻ đe dọa, ngay cả qua chiều rộng của hăng-ga cũng thấy rõ: “Anh hãy chờ một cuộc gọi từ các luật sư của ta. Và để tham khảo sau này, nên nhớ rằng cảnh sát Pháp không thể tin cậy được”.

Với lời đe doạ đó, người giúp việc của Teabing mở cửa sau chiếc limousine và đỡ ông chủ tàn tật ngồi vào ghế sau. Rồi, đi theo chiều dài của xe, ngồi vào sau vô lăng và khởi động. Cảnh sát tản ra khi chiếc Jaguar bứt khỏi hăng-ga.

***

“Chơi tốt lắm, anh bạn”, Teabing reo lên từ ghế sau khi chiếc limousine tăng tốc ra khỏi sân bay. Ông quay mắt nhìn vào góc phía trước lờ mờ sáng của khoang trong rộng rãi: “Mọi người đầy thoải mái chứ?”.

Langdon gật đầu yếu ớt. Ông và Sophie vẫn nằm khom khom trên sàn xe, bên cạnh gã bạch tạng bị bịt miệng và trói chặt.

Nhiều phút trước, lúc chiếc Hawker lăn bánh vào hăng-ga trống vắng, Rémy đã bật mở cửa sập dưới bụng của máy bay trong khi nó khấp khểnh dừng lại giữa chừng vòng của. Trong khi cảnh sát cấp tốc áp sát hăng-ga, Langdon và Sophie kéo gã thầy tu xuống cầu thang rút đến ngang mặt đất và khuất tầm mắt sau chiếc limousine. Sau đó, động cơ máy bay lại gầm lên, hoàn tất vòng của của nó khi đoàn xe cảnh sát tràn vào hăng-ga.

Giờ đây, khi chiếc limousine phóng nhanh về phía Kent, Langdon và Sophie lồm cồm đứng dậy đi về phía cuối khoang trong dài rộng của chiếc xe thượng đẳng, để lại gã thầy tu bị trói trên sàn. Họ ngồi trên chiếc ghế dài đối diện với Teabing. Ông già người Anh tặng cho cả hai một nụ cười tinh quái và mở tủ rượu của quầy bar trong xe. “Tôi có thể mời các bạn một ly được không? Một chút đồ nhắm nhé? Khoai tây rán? Hạt dẻ?”.


Cả Sophie và Langdon đều lắc đầu.

Teabing cười tươi và đóng quầy rượu: “Vậy thì ta bàn về nấm mộ của người hiệp sĩ…”.

Chú thích:

(1) Hangar: nhà để máy bay, từ này đã Việt hóa, tuy không phổ thông lắm.

“Phố Fleet?” Langdon hỏi, nhìn Teabing ở phía sau xe. Có một hầm mộ ở phố Fleet ư? Cho đến giờ, Leigh vẫn chơi trò kín kín hở hở về nơi mà ông nghĩ là họ có thể tìm thấy “mộ của người hiệp sĩ”, mà theo bài thơ, sẽ cung cấp mật khẩu cho việc mở cái hộp mật mã nhỏ hơn.

Teabing cười và quay sang Sophie: “Cô Neveu, hãy đưa cho chàng trai Harvard xem qua bài thơ một lần nữa, được không?”.

Sophie lục tìm trong túi và rút ra chiếc hộp mật mã màu đen, bọc trong giấy da. Mọi người đã quyết định để lại chiếc hộp gỗ hồng mộc và hộp mật mã lớn hơn trong két sắt của máy bay, chỉ mang theo cái họ cần là chiếc hộp mật mã màu đen kín đáo và gọn nhẹ hơn nhiều. Sophie mở tấm giấy bọc và đưa cho Langdon.

Mặc dù Langdon đã đọc bài thơ đó vài lần trên máy bay rồi nhưng ông cũng không thể suy ra được một địa điểm cụ thể nào. Giờ đây, khi đọc lại những từ trong bài thơ, ông từ từ nghiền ngẫm thật cẩn thận, hy vọng giờ đây, ở trên mặt đất, tiết tấu ngũ bộ sẽ hé lộ ý nghĩa rõ ràng hơn.

Ở London yên nghỉ một hiệp sĩ được Giáo hoàng mai táng.

Kết quả công sức chàng chuốc lấy cơn thịnh nộ Thần Thánh.

Ngươi kiếm tìm trái cầu lẽ ra phải ở trên mộ chàng.

Nó nói về da thịt Hồng và tử cung mang hạt giống.

Ngôn từ dường như khá đơn giản. Có một hiệp sĩ được chôn ở London. Một hiệp sĩ đã khổ công làm một điều gì đó khiến Giáo hội tức giận. Một hiệp sĩ mà mộ của chàng thiếu mất một quả cầu lẽ ra phải có ở đó. Hình tượng cuối cùng được nhắc tới trong bài thơ – da thịt Hồng và tử cung mang hạt giống – là một ám chỉ rõ ràng đến Mary Magdalene, đóa Hồng mang hạt giống của Jesus.

Mặc dù bài thơ có vẻ dễ hiểu, Langdon vẫn không sao biết được hiệp sĩ đó là ai hoặc được chôn ở đâu. Hơn nữa, một khi đã xác định được vị trí ngôi mộ, xem ra còn phải tìm một cái gì đó bị thiếu. Trái cầu lẽ ra phải ở trên mộ chàng?

“Không nghĩ ra à?” Teabing tặc lưỡi ra vẻ thất vọng, mặc dù Langdon cảm thấy nhà sử học Hoàng gia đang khoái vì đã nắm được một nguồn tin. “Còn cô Neveu?”.

Cô lắc đầu “Hai bạn sẽ làm gì nếu không có tôi?” Teabing nói. “Được, tôi sẽ dẫn các bạn đi qua bài thơ này. Nó thực sự rất đơn giản.

“Câu thứ nhất chính là chìa khóa. Xin đọc lên nào”.

Langdon đọc to: “Ở London yên nghỉ một hiệp sĩ được Giáo hoàng mai táng”.

“Chính xác. Một hiệp sĩ được pope – Giáo hoàng mai táng”.

Ông nhìn Langdon. “Theo anh, điều đó có nghĩa là gì?”.

Langdon nhún vai: “Một hiệp sĩ đã được một Giáo hoàng chôn cất. Một hiệp sĩ được một Giáo hoàng chủ trì tang lễ”.

Teabing cười to: “Ồ, thật. Bao giờ cũng lạc quan, Robert. Hãy xem câu thứ hai. Hiển nhiên là hiệp sĩ này đã làm điều gì đó để chuốc lấy cơn thịnh nộ Thần Thánh của Giáo hội. Hãy nghĩ lại. Hãy xét năng động giữa Giáo hội và các Hiệp sĩ Templar.

Một hiệp sĩ đã được một Giáo hoàng mai táng phải không?”.

“Một hiệp sĩ bị một Giáo hoàng giết phải không?” Sophie hỏi.

Teabing mỉm cười và vỗ vỗ vào đầu gối cô: “Suy luận tốt lắm, cô bạn thân mến. Một hiệp sĩ bị một Giáo hoàng chôn. Tức bị giết”.


Langdon nghĩ đến chiến dịch khét tiếng truy quét các Hiệp sĩ Templar vào năm 1307 – ngày thứ sáu 13 bất hạnh – khi Giáo hoàng Clement đã giết và chôn hàng trăm Hiệp sĩ Templar. “Nhưng hẳn phải có vô số mộ của những hiệp sĩ bị Giáo hoàng giết”.

“Aha, không phải như vậy!” Teabing nói. “Nhiều người trong số họ bị thiêu trên giàn thiêu và bị ném thẳng xuống sông Tiber. Nhưng bài thơ này nhắc đến một ngôi mộ. Một ngôi mộ ở London. Và có một số hiệp sĩ được chôn ở London”. Ông dừng lại nhìn Langdon như thể đang đợi ánh sáng hé rạng trong đầu ông ta. Cuối cùng ông sốt ruột: “Robert, vì Chúa! Ngôi nhà thờ do đội quân của Tu viện Sion xây dựng ở London – chính các Hiệp sĩ Templar!”.

“Nhà thờ Temple?”, Langdon hít vào, kinh ngạc. “Ở đó có hầm mộ?”.

“Mười trong số những ngôi mộ ghê sợ nhất anh có thể thấy”.

Langdon chưa từng đến Nhà thờ Temple, mặc dù ông đã đọc rất nhiều giới thlệu chiếu về nó trong quá trình nghiên cứu về Tu viện Sion. Đã từng một thời là trung tâm cho mọi hoạt động của các Hiệp sĩ Templar và Tu viện Sion ở nước Anh, Nhà thờ Temple được đặt tên như thế để tôn vinh Solomon s Temple (Đền thờ Solomon) mà từ đó các Hiệp sĩ Templar rút ra danh hiệu của mình cũng như những tài liệu Sangreal đã mang lại cho họ ảnh hưởng to lớn ở Roma. Có rất nhiều truyện về các hiệp sĩ tiến hành những nghi thức kỳ lạ, bí mật bên trong hậu cung khác thường của Nhà thờ Temple. “Nhà thờ Temple ở phố Fleet?”.

Thực tế, nó ở ngõ Inner Temple ngay sát phố Fleet”. Nom Teabing thật ranh mãnh. “Tôi muốn thấy anh đổ mồ hôi thêm tí nữa trước khi tôi nói ra”.

“Cảm ơn”.

“Cả hai đều chưa đến đó phải không?”.

Sophie và Langdon gật đầu.

“Tôi không ngạc nhiên”, Teabing nói. “Giờ đây Nhà thờ Temple đã bị che khuất sau những tòa nhà lớn hơn. Thậm chí rất ít người biết có nó ở đó. Nơi cổ kính bí hiểm. Kiến trúc ngoại giáo đến tận cốt lõi”.

Sophie có vẻ ngạc nhiên: “Ngoại giáo?”.

“Ngoại giáo mang tính chất đa thần!”. Teabing thốt lên. “Nhà thờ hình tròn. Các Hiệp sĩ Templar đã bỏ qua thiết kế quy hoạch hình chữ thập theo truyền thống của người Cơ đốc và xây dựng một nhà thờ hình tròn hoàn hảo để tôn vinh mặt trời”. Lông mày ông biểu diễn một vũ điệu quỷ quái. “Một lời chào không mấy tế nhị gửi tới những chàng trai ở Roma. Khác nào họ khôi phục lại Stonehenge (1). Ở trung tâm London vậy”.

Sophie nhìn Teabing: “Thế còn những câu sau của bài thơ?”.

Vẻ vui thích của nhà sử gia nhạt dần: “Tôi không chắc. Thật khó mà lần cho ra. Chúng ta cần cẩn thận xem xét từng chiếc trong mười ngôi mộ. Nếu may mắn, ta sẽ thấy một trong số đó rõ ràng là thiếu một quả cầu”.

Langdon nhận thấy họ đã gần mục tiêu đến mức nào. Nếu quả cầu thiếu vắng cho biết mật khẩu thì họ có thể mở cái hộp mật mã thứ hai. Ông thấy khó tưởng tượng ra những gì họ có thể tìm thấy bên trong.

Langdon xem lại bài thơ. Nó giống như một loại trò chơi ô chữ thuở xưa. Một từ có năm chữ cái nói về Chén Thánh? Trên máy bay, họ đã thử tất cả những mật khẩu có vẻ là hiển nhiên, GRAIL, GRAAL, GREAL, VENUS, MARI JESUS, SARAH – nhưng hình trụ không nhúc nhích. Quá hiển nhiên. Vẻ như có một từ năm chữ cái nào khác liên quan đến tử cung mang thai của Rose. Việc một chuyên gia như Leigh Teabing cũng không nắm bất được cái từ này cho Langdon thấy rằng đây không phải là một từ quy chiếu đến Chén Thánh một cách thông thường.

“Ngài Leigh?” Rémy gọi qua vai. Ông ta đang nhìn họ trong gương chiếu hậu qua tấm ngăn để ngỏ. “Ngài nói phố Fleet ở gần cầu Blackriars phải không?”.

“Đúng, đi theo đường Victoria Embankment”.

“Tôi xin lỗi. Tôi không biết chắc nó ở quãng nào. Mọi khi chúng ta chỉ đi đến bệnh viện”.

Teabing nhìn Langdon và Sophie, mắt long sòng sọc và lầu bầu. “Tôi thề, đôi khi thật cứ như làm bảo mẫu giữ trẻ vậy. Xin đợi cho một lát. Các bạn cứ tự nhiên dùng đồ uống và nhấm nháp”. Ông rời bọn họ, hì hụi lết đến nói chuyện với Rémy qua tấm ngăn để ngỏ.

Lúc này Sophie quay sang Langdon, giọng của cô êm ả:

“Robert, không ai biết anh và tôi đang ở Anh”.

Langdon thấy cô nói đúng. Cảnh sát quận Kent hẳn đã nói với Fache là chiếc máy bay trống không, và Fache ắt phải cho là họ vẫn ở Pháp. Chúng ta là vô hình. Cái mẹo nhỏ của Leigh đã kiếm được cho họ vô khối thời gian.

“Fache sẽ không bỏ qua dễ dàng”, Sophie nói. “Ông ta đã sa đà quá nhiều vào trò truy bắt này”.

Langdon cố không nghĩ về Fache. Sophie đã hứa sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để miễn trách nhiệm cho Langdon khi vụ việc này kết thúc, nhưng Langdon đã bắt đầu sợ là điều đó có thể không quan trọng. Fache dễ có thể nằm trong âm mưu này. Mặc dù Langdon không thể tưởng tượng được là Cảnh sát tư pháp lại dây dưa vào chuyện Chén Thánh, ông vẫn cảm thấy đêm nay có quá nhiều trùng hợp ngẫu nhiên đến nỗi không thể bỏ qua khả năng Fache có thể là một tòng phạm. Fache là người có đạo, và ông ta kiên quyêt đổ tội giết người cho ta. Lại nữa, Sophie thì cứ biện luận rằng Fache đơn giản chỉ quá sốt sắng thực hiện việc bắt giữ. Xét cho cùng, bằng chứng chống lại Langdon là đáng kể. Ngoài việc tên của Langdon được viết nguệch ngoạc trên sàn bảo tàng Louvre và trong sổ ghi các cuộc hẹn của Saunière, giờ đây đã rõ ra là Langdon đã nói dối về bản thảo của mình rồi sau đó bỏ chạy. Theo gợi ý của Sophie.

“Robert, tôi lấy làm tiếc anh đã dính líu quá sâu”, Sophie nói, đặt tay lên đầu gối Langdon. “Nhưng tôi cũng rất vui mừng là anh ở đây”.

Lời bình luận nghe có vẻ thực dụng hơn là lãng mạn, tuy nhiên, Langdon vẫn cảm thấy lóe lên bất ngờ một tương quan hấp dẫn giữa hai người. Ông mỉm cười một cách mệt mỏi với cô: “Tôi sẽ vui hơn nhiều khi tôi được ngủ một giấc”.

Sophie im lặng khoảng vài giây: “Ông tôi yêu cầu tôi tin anh. Tôi lấy làm vui mừng là đã nghe lời ông tôi lần này”.

“Ông của cô thậm chí không hề biết tôi”.

“Dù vậy, tôi vẫn không thể không nghĩ là anh đã làm mọi thứ ông tôi muốn. Anh đã giúp tôi tìm ra viên đá đỉnh vòm, giải thích về Sangreal, kể với tôi về nghi lễ trong tầng hầm”, cô ngừng lại. “Không hiểu sao đêm nay tôi cảm thấy gần gũi với ông tôi hơn nhiều năm trước đây. Tôi biết ông tôi sẽ rất vui sướng về điều đó”.


Đằng xa, đường chân trời của London đã bắt đầu hiện ra qua làn mưa bụi lúc rạng đông. Trước kia, thống ngự ở London là đồng hồ Big Bellvà cây cầu Tower Bridge, giờ đây, chân trời cúi chào Millennium Eye (Con mắt Thiên niên kỷ) – chiếc bánh xe quay Ferris khổng lồ cực kỳ hiện đại leo tớỉ độ cao một trăm năm mươi mét, từ đó ngắm quang cảnh thành phố thật ngây ngất. Langdon đã thử lên đó một lần, nhưng những “khoang ngắm cảnh” khiến ông nhớ đến những quan tài đá kín bưng, và ông quyết định đứng vững trên mặt đất mà thưởng thức quang cảnh từ đôi bờ lộng gió của sông Thames.

Langdon cảm thấy ai đó bóp mạnh vào đầu gối, kéo ông quay lại và thấy đôi mắt xanh của Sophie dán vào mình. Ông nhận ra là cô đang nói với mình: “Anh nghĩ chúng ta nên làm gì với những tài liệu Sangreal nếu chúng ta tìm thấy chúng?”. Cô thì thầm.

“Những gì tôi nghĩ không thành vấn đề”. Langdon nói. “Ông cô đã trao hộp mật mã cho cô, và cô nên làm theo những gì mà linh tính mách bảo rằng ông cụ muốn cô làm như vậy”.

“Tôi muốn biết quan điểm của anh. Rõ ràng anh đã viết điều gì trong bản thảo đó làm ông tôi tin vào nhận định của anh. Ông tôi đã lên lịch một cuộc gặp riêng với anh. Điều đó là hi hữu”.

“Có thể ông cụ muốn bảo tôi rằng tôi đã hiểu sai hoàn toàn”.

“Tại sao ông tôi lại bảo tôi tìm anh trừ phi ông tôi thích ý tưởng của anh? Trong bản thảo của mình, anh ủng hộ ý kiến cho rằng tài liệu Sangreal nên được công bố hay cứ để bị chôn vùi?”.

“Cả hai ý đều không. Tôi không đưa ra nhận định theo một trong hai cách đó. Bản thảo đó bàn về hệ biểu tượng của tính nữ thiêng liêng – truy tìm những minh họa cho tính nữ thiêng liêng trong toàn bộ lịch sử. Chắc chắn tôi không mạo nhận là mình biết chỗ Chén Thánh được cất giấu hoặc cho rằng nó có nên được tiết lộ hay không”.

“Tuy nhiên, anh đang viết một cuốn sách về nó, vậy rõ ràng là anh cảm thấy thông tin nên được chia sẻ”.

“Có một sự khác nhau rất lớn giữa việc tranh luận trên cơ sở giả thuyết về một lịch sử khác của Christ và…”. ông ngừng lại.

“Và gì?”.

“Và việc trình ra trước thế giới hàng nghìn tài liệu cổ như là bằng chứng khoa học rằng Tân ước là thư chứng sai”.

“Nhưng anh đã nói với tôi rằng Tân ước được dựa trên những điều bịa đặt”.

Langdon mỉm cười: “Sophie, mọi niềm tin vào thế giới đều được dựa trên những điều bịa đặt. Đó là đỉnh nghĩa về niêm tin – chấp nhận điều mà chúng ta tưởng tượng là đúng, điều mà chúng ta không thể chứng minh. Mọi tôn giáo đều miêu tả Thượng Đế qua ẩn dụ, ngụ ngôn và cường điệu, từ những người Ai Cập cổ cho đến các trường đạo ngày Chủ nhật (2) hiện nay. Ẩn dụ là một cách để giúp trí óc chúng ta xử lý những gì không thể xử lý được. Vấn đề chỉ phát sinh khi chúng ta bắt đầu tin những ẩn dụ của chính chúng ta theo nghĩa đen”.

“Vậy là anh tán thành để những tài liệu Sangreal bị chôn vùi mãi mãi?”.

“Tôi là một sử gia. Tôi chống lại sự hủy hoại tài liệu, và tôi muốn thấy những học giả tôn giáo có được thông tin nhiều hơn để suy ngẫm về cuộc đời khác thường của Jesus Christ”.

“Anh đang lập luận cho cả hai phía trong vấn đề của tôi”.

“Tôi á? Kinh Thánh là kim chỉ nam cơ bản cho hàng triệu người trên hành tinh này, và bằng cách tương tự các kinh Koran, Torah và Pali Canon dẫn dắt những người của các tôn giáo khác. Nếu cô và tôi có thể khai quật được tài liệu nói ngược lại những câu chuyện thần thánh của tín ngưỡng Hồi giáo, tín ngưỡng Do Thái, tín ngưỡng Phật giáo, tín ngưỡng của kẻ ngoại đạo, thì liệu chúng ta có nên làm điều đó chăng? Chúng ta có nên phất lên một ngọn cờ và nói với các Phật tử rằng chúng ta có bằng chứng là Phật tổ không sinh ra từ hoa sen? Hoặc giả là Jesus không được sinh ra từ sự thụ thai trinh khiết theo nghĩa đen? Những ai thực sự hiểu tín ngưỡng của mình đều hiểu những câu chuyện đó là ẩn dụ”.

Sophie có vẻ hoài nghi: “Bạn của tôi, một người sùng đạo Cơ Đốc dưt khoát tin rằng Christ đi trên mặt nước theo nghĩa đen, biến nước thành rượu vang theo nghĩa đen, và sinh ra từ sự thụ thai trinh khiết theo nghĩa đen”.

“Quan điểm của tôi chính xác là”, Langdon nói, “Ngụ ngôn tôn giáo đã trở thành một phần kết cấu của hiện thực. Và việc sống trong hiện thực đó giúp hàng triệu người xử thế và trở thành người tốt hơn”.

“Nhưng có vẻ như hiện thực của họ là giả dối”.

Langdon tủm tỉm cười: “Cũng chẳng giả hơn hiện thực của một người giải mã toán học lại tin vào số tưởng tượng “i” bởi vì nó giúp cô ta giải những mật mã”.

Sophie cau mày: “Cái đó không hợp lý”.

Một khoảnh khắc trôi qua.

“Vừa nãy cô hỏi gì nhỉ?” Langdon hỏi.

“Tôi không nhớ được”.

Langdon mỉm cười: “Lần nào cũng hiệu quả”.

Chú thích:

(1) Công trình thời tiền sử gồm một vòng tròn lớn với các trụ đá đồ sộ bao quanh một vòng tròn nhỏ hơn và bốn cổng đá.

(2) Lớp học tổ chức vào ngày Chủ nhật giảng dạy về tôn giáo cho trẻ em.

———————————————————


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.