Đọc truyện Lưu Công Kỳ Án – Chương 133: Luu Đồng Thành đại náo phủ họ Dạ Tra án mạng lần thứ hai vi hành
Khuyến quân độc thư tối vi cao.
Đại tai bất quá thánh nhân đạo.
Tuấn cực vụ thiên nghi tam bách
Tam thiên môn đồ đại thịnh lược.
Lưu tứ thư tiên tiến lễ nha
Ký thiện ngôn vạn sự thủy giáo.
Tàng vu mật kỳ hưu vô cùng
Như dụng chi tùng tiên chi đạo
Dịch thơ:
Nhất đọc sách khuyên ai nên cố
Chẳng gì bằng đạo của thánh nhân
Kinh thi cao vọi ba trăm 1
Môn đồ theo học ba nghìn thịnh sao
Để tứ thư 2 nêu cao lễ nhạc
Ghi lời hay muôn việc dạy răn
Ý sâu ẩn chứa vô vàn
Nếu dùng đem đạo ra bàn trước tiên.
Lại nói chuyện Lưu Đồng Thành thấy Kim Thư, Phương Anh cưỡi lừa đi trước, dặn họ đợi mình trong thành. Còn ông ta cùng Vương Tiểu Nhị theo gấp phía sau. Tới quán nghỉ chân trong thành, trả tiền thuê lừa, hỏi tiểu nhị trong quán:
– Hai cô gái ấy đi đâu rồi?
Tiểu nhị trong quán nói:
– Họ trả lừa xong, lần theo con đường này, bỏ đi rồi.
Lưu nhị gia đi theo lối tiểu nhị chỉ, không ngừng nhòm bên Đông ngó bên Tây, không thấy bóng dáng Kim Thư, Phương Anh đâu, trong lòng lo lắng. Chợt thấy một ông lão từ phía trước tiến lại. Nhị gia vội tiến lên, chắp tay thi lễ, nói:
– Ông anh, tiểu đệ có điều xin được hỏi: Khi nãy có hai cô gái tuổi độ mười lăm, mười sáu đi qua đây, không biết ông anh có gặp họ không?
Ông lão trả lời, nói:
– Không sai. Khi nãy có hai cô gái chặn kiệu của Dạ Các lão kêu oan tại chỗ ngã tư kia. Sau đó thế nào thì tôi không biết.
Lưu nhị gia nghe vậy, giật mình kinh hãi, nghĩ thầm:
– Không xong rồi! Nếu có sơ suốt gì, ta phải ăn nói với anh cả làm sao đây?
Vội chắp tay lại, nói:
– Đa tạ lão huynh đã chỉ bảo.
Rồi sải bước tới chỗ ngã tư, ngó kiếm khắp nơi vẫn không thấy Kim Thư, Phương Anh đâu. Đang nóng lòng sốt ruột, chợt thấy một người tuổi độ hơn hai mươi từ phía Nam tiến lại. Người ấy có ngoại hiệu là Thai Lý Hoài. Lưu nhị gia vốn không biết, vội tiến lên thi lễ, nói:
– Xin hỏi, vị nhân huynh này có thấy hai cô gái tuổi độ mười lăm mười sáu, khi nãy chặn kiệu của Dạ Các lão kêu oan tại ngã tư kêu oan, giờ họ đi lối nào không?
Thai Lý Hoài nghe hỏi, vội trả lời ngay:
– Tôi biết. Dạ Các lão đã dẫn hai cô gái ấy về phủ của ông ta, bảo họ làm lễ bái đường thành thân với thiếu công tử của ông ta rồi.
Lưu Đồng Thành nghe vậy, tức đến nổ cả gan ruột, lòng nóng như lửa đốt, vọt miệng chửi lớn:
– Dạ Lý Hồng dám cưỡng đoạt gái trong dân. Ta thề không đội trời chung với ngươi.
Rồi sải bước nhằm hướng phủ của Dạ Các lão chạy tới.
Chỉ trong chớp mắt đã tới trước cổng phủ của Dạ Lý Hồng, ông ta đưa tay chỉ thẳng vào trong, lớn tiếng chửi mắng:
– Dạ Lý Hồng, ngươi cậy có con gái là Tây cung hạ viện, dám cưỡng đoạt con gái trong dân sao? Ngươi mau ra đây nói chuyện với Lưu nhị gia. Nếu không, ông sẽ bới cả tổ tông tám đời nhà người lên mà chửi.
Đám quân canh cửa chợt thấy một người đứng giữa cổng, khua chân múa tay, lớn tiếng chửi mắng, bất giác nổi giận đùng đùng. Bốn tên quân canh cửa đổ xô ra, định bắt người ấy lại. Lưu Đồng Thành nhanh tay, lẹ mắt, đánh ngã hai tên quân canh cửa. Hai tên còn lại thấy vậy vội kêu lớn:
– Các anh em, mau ra đây giúp chúng tôi bắt thằng khùng này.
Chỉ thấy trong phủ có bảy, tám tên, tay cầm gậy gộc đổ xô ra xông tới. Lưu Đồng Thành không chút sợ hãi, lập tức đánh nhau với bọn chúng. Một lúc sau, Lưu Đồng Thành đuối sức không thể một mình chống lại đám đông, thoáng chút sơ hở, trúng một gậy, ngã lăn ra đất. Đám quân canh cổng dùng dây thừng trói Lưu Đồng Thành lại, lôi vào trong phủ của Dạ Cái lão, trói vào tàu ngựa, đợi Dạ Các lão về phủ sẽ lôi ra trị tội.
Lại nói chuyện ở huyện Lương Hương. Tri huyện Quách Đắc Bình nghe quân tiền trạm của Lưu tướng gia tới báo tin. Lệnh cho hắn phải đi đón tướng gia. Hắn vội vàng thay quần áo cưỡi ngựa ra khỏi thành. Đợi đón suốt một ngày vẫn không thấy bóng dáng tướng gia đâu. Đợi tới khi mặt trời lặn hẳn, hắn mới cưỡi ngựa quay trở về nha môn, dặn dò Ngô Học Trung, Kỳ Bán Thành sáng sớm mai ra khỏi thành, đi thám thính tin tức của đại nhân.
Lại nói chuyện Lưu tướng gia từ sau khi sai nhị đệ Lưu Đồng Thành dẫn hai cô con gái nuôi lên kinh, còn ông ta cũng rời khỏi huyện thành Lương Hương, theo đường lớn trở về công quán. Cách huyện thành Lương Hương mười dặm có một nơi tên gọi Hoàng Thổ Cương, ở đó có một người tên gọi La Hội Thông, lấy vợ là Trương Thị rất là xinh đẹp. Trương Thị bị Lý Đường, Lý Hồng nhìn thấy, chúng bèn sai đám ác nô bắtTrương Thị về. La Hội Thông tìm tới Lý gia trại, bị đám ác nô đánh đuổi, kiện lên huyện Lương Hương cũng không thành. Anh ta lên kinh, dâng đơn kiện đúng ngay tay Dạ Lý Hồng, bị đánh thêm bốn mươi trượng nữa, đến nỗi nát thịt, tóe máu tươi. Dạ Lý Hồng lệnh cho anh ta không được đi kiện nữa, nếu còn tiếp tục kiện cáo, sẽ lấy tính mạng của anh ta, ép anh ta phải công nhận vụ án đã kết thúc. Vừa bị ăn đòn, vừa tức bực, lại thêm cảm phong hàn, La Hội Thông ngã bệnh, một tháng sau mới ngồi dậy được, đành phải cố gắng mò về nhà.
Lại nói chuyện hai tên sai nha Ngô Học Trung, Kỳ Bán Thành của huyện Lương Hương phụng mệnh tri huyện đi thăm dò tin tức của Lưu tướng gia. Chúng đã dò hỏi, biết được công quán của lão đại nhân hiện cách thành mười dặm. Hai tên sai nha vội vàng quay về bẩm với tri huyện. Đi ngang qua khu mộ địa, thấy một cỗ tử thi nằm lăn trên nền đất, khắp mình bê bết máu, trên mình còn cắm một thanh cương đao, thanh đao đang không ngớt động đậy, nhìn quanh chẳng thấy một bóng người.
Chợt thấy đằng trước ngôi mộ có một người đang đi về phía Nam. Hai tên công sai vội đuổi theo. Lúc này, La Hội Thông đang nóng lòng trở về nhà, mũi chợt đổ máu cam, mồ hôi toát ra khắp mình. Đưa tay lên lau máu mũi, chùi lem nhem ra quần áo. Gặp đúng lúc hai tên công sai này đuổi tôi thấy anh ta khắp mình toàn là máu, Ngô Học Trung liền rút xiềng trong mình ra, “bập” một cái, còng ngay La Hội Thông lại, chẳng nói chẳng rằng, lôi tuột đi. La Hội Thông hỏi:
– Tại sao lại bắt tôi?
Kỳ Bán Thành nói:
– Anh bạn, việc anh làm mà anh lại không biết hay sao?
Quân tử dám làm dám chịu. Anh hại mạng người, còn làm bộ vờ vịt với bọn ta hay sao? Đi thôi! Theo bọn ta về gặp lão gia, lên công đường rồi hằng hay. Rồi lôi lôi, kéo kéo tiến lên. Chợt thấy hai thớt ngựa xông tới trên lưng ngựa là hai người đều ăn mặc theo lối công sai. Thì ra hai người ấy đều là công sai của Lưu tướng gia Vương Lương, Vương Nghĩa. Thấy tướng gia đi suốt ngày đêm chưa về, họ ở trong công quán không thể nào yên lòng nổi, bèn đi tìm. Nay nghe tin tướng gia đã trở về công quán liền quất ngựa trở về. Tại nơi ngoại ô này gặp hai tên sai nha đang lôi lôi, kéo kéo một người đi về phía huyện thành. Vương Lương, Vương Nghĩa vội gò cương tới trước hai viên sai nha, hỏi:
– Không biết người này phạm tội gì? Tại sao lại trói hắn giải về thành làm vậy?
Ngô Học Trung, Kỳ Bán Thành hai viên sai nha nghe hỏi, chúng ngẩng đầu, nhìn lên, thấy hai người đang ngồi trên lưng ngựa cũng ăn vận theo lối công sai. Kỳ Bán Thành nói:
– Hai người bọn tôi phụng mệnh huyện lão thái gia đi dò la xem khi nào đại nhân tới. Ngang qua chốn này, thấy hắn hại mạng người khác, hai anh em tôi liền trói hắn lại, đem về huyện quy án. Tử thi vẫn còn nằm bên ngôi mộ kia.
Nói xong, họ kéo La Hội Thông đi vào thành.
Vương Lương, Vương Nghĩa nghe vậy, vội quất ngựa tới trước ngôi mộ. Quả nhiên thấy một cỗ tử thi nằm ở đó. Hai người xuống ngựa, xem xét thục kỹ, thấy người này bị giết đã vài ngày rồi, không phải mới bị chết. Tử thi bị một thanh cương đao đâm trúng ngay ngực, thanh cương đao không ngừng lay động. Chỗ miệng vết thương đã có từng đám dòi bọ lúc nhúc. Chính vì thế, thanh đao mới lay động. Hai người xem xong, vội vàng lên ngựa, trở về công quán.
Không lâu sau, họ đã về tới công quán, xuống ngựa, bước vào quán. Vào gặp đại nhân, thỉnh an xong xuôi, chắp tay, cúi mình, nói:
– Khải bẩm tướng gia bọn tiểu nhân đi dò tìm tung tích tướng gia tại huyện Lương Hương mới biết tướng gia đã trở về công quán. Bọn tiểu nhân quất ngựa trở về công quán, trên đường gặp hai viên sai nha của huyện Lương Hương còng một người, nói người ấy giết người ngoài vùng ngoại ô, đã giải người ấy về huyện. Bọn tiểu nhân tới bên thi thể xem xét, thấy đó không phải là xác người mới chết, chỉ e trong đó có oan khuất chi đây nên không dám không bẩm với tướng gia.
Lưu tướng gia nghe bẩm, dặn dò:
– Các ngươi mau chóng tới huyện Lương Hương truyền lại lệnh của bản các, lệnh tri huyện Quách Đắc Bình giải hung thủ tới công quán, bản các có chuyện muốn hỏi.
Hai người ứng tiếng, xoay mình lui ra, lên lưng ngựa, rời khỏi công quán. Hai người giật cương, ra roi, không lâu sau đã tới huyện thành Lương Hương. Tới trước nha môn, cao giọng gọi:
– Đám sai dịch trong nha môn nghe đây: Mau vào bẩm cho lão gia nhà các ngươi được biết. Nói hai người bọn ta phụng mệnh Lưu tướng gia tới truyền lệnh: Quách tri huyện hãy dẫn theo hung thủ, mau mau tới công quán, đại nhân có chuyện muốn hỏi. Mau lên!
Nói xong, quất ngựa quay về.
Lại nói chuyện tri huyện Quách Đắc Bình nghe Ngô Học Trung và Kỳ Bán Thành báo lại mới biết tướng gia đã tới công quán cách huyện thành mười dặm. Đang thay quan phục đi tham kiến tướng gia, chợt thấy nha dịch canh cổng vào bẩm báo, lập tức truyền lệnh chuẩn bị ngựa. Quách tri huyện lên công đường, ra khỏi cửa, nhảy lên lưng ngựa, dẫn theo đám nha dịch cùng tên hung thủ vừa bắt được tới cả công quán. Không lâu sau, họ đã tới trước cửa công quán, xuống ngựa, nhờ người canh cửa vào bẩm lại. Tướng gia lập tức truyền lệnh gọi Quách tri huyện vào gặp. Quách Đắc Bình nghe lệnh truyền, vội vã khom mình tiến vào. Gặp tướng gia, hắn quỳ lạy sát đất. Lưu tướng gia nói:
– Mời quý huyện đứng dậy. Ông ở huyện Lương Hương này thực biết yêu dân đó.
Quách tri huyện ngẩng đầu lên, nghe thấy giọng nói kia thực quen tai, lén nhìn trộm, bất giác ớn lạnh khắp mình. Thì ra lão ăn mày khi nãy làm náo loạn trên công đường chính là Lưu tướng gia. Vội nói:
– Tệ chức tội đáng chết vạn lần!
Tướng gia khẽ nở nụ cười, nói:
– Mau giải hung thủ vào.
Đám công sai ứng tiếng, chỉ nghe thấy tiếng xiếng xích khua loảng xoảng, lại có tiếng hô vang:
– Hung phạm đã được giải tới!
La Hội Thông quỳ sụp xuống, run cầm cập, nói:
– Thanh thiên đại nhân, xin hãy cứu lấy tiểu nhân?
Nước mắt ròng ròng đầy mặt, dập đầu lạy bình bịch như gà mổ thóc. Tướng gia hỏi:
– Người sống ở đâu? Tên họ là gì? Tại sao lại giết người? Hãy mau mau khai thực ra.
La Hội Thông dập đầu lạy, nói:
– Tiểu nhân sống tại Hoàng Thổ Cương thuộc huyện Lương Hương, họ La, tên gọi Hội Thông. Do vợ tiểu nhân bị Lý Đường, Lý Hồng ở Lý gia trại bắt, vợ tiểu nhân tức giận, chửi mắng ác tặc nên bị chúng nổi giận, sai gia nô ném xuống giếng tưới hoa trong vườn. Tiểu nhân hay tin vội lên huyện Lương Hương trình báo, kêu oan, bị Quách tri huyện đuổi ra khỏi nha môn, bảo nếu còn kiện nữa sẽ bị phạt đánh bốn mươi trượng.
Quách tri huyện ngồi bên cạnh, nghe tới đây, mặt xám như đất run bần bật. Lại thấy La Hội Thông nói:
– Tiểu nhân chẳng còn cách nào khác, chỉ còn biết lên kinh kiện. Kiện ngay phải Các lão Dạ Lý Hồng. Dạ Các lão đọc đơn kiện xong, nổi giận đùng đùng, đánh tiểu nhân bốn mươi trượng, không cho kiện nữa. Tiểu nhân vừa đau, vừa giận, lại nhiễm cảm phong hàn, bị bệnh tới hơn một tháng. Vừa khỏi bệnh, tiểu nhân bèn mò về nhà. Dọc đường bị nắng, mắt hoa, mũi đổ máu cam không ngừng. Tiểu nhân đang lau máu mũi, không ngờ bị hai vị công sai tới xiềng lại, nói tiểu nhân hại mạng ngươi, chẳng cho tiểu nhân thanh minh, lập tức lôi đi. Đó toàn là lời khai thực của tiểu nhân, không hề có nửa lời sai trá. Cầu mong đại nhân cứu mạng tiểu nhân, báo thù cho tiểu nhân. Tiểu nhân nguyện đội ân đức của đại nhân suốt đời.
Nói xong lại dập đầu lạy như gà mổ thóc. Tướng gia nghe xong, khe khẽ gật đầu, dặn dò Vương Lương, Vương Nghĩa dẫn La Hội Thông xuống, giam lại, lại hạ lệnh không được làm khó dễ gì anh ta. Sau đó quay sang phía Quách tri huyện, nói:
– Quý huyện, ngài phải chịu ấm ức một chút rồi.
Lại dặn dò Vương Lương, Vương Nghĩa:
– Hai ngươi cùng Quách tri huyện đợi ta tại công quán, không được rời khỏi ông ta.
Dặn dò xong, lui vào phòng trong, lại mặc bộ quần áo ăn mày lên mình, lén rời khỏi công quán, nhằm hướng huyện thành Lương Hương thẳng tiến.
Không biết chuyện rồi sẽ ra sao? Mời quý vị xem tiếp hồi sau sẽ rõ.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
1 Kinh thi: một trong ngũ kinh, nói số tròn là ba trăm thục là nhiều hơn.
2 Tứ thư. bốn quyển sách kinh điển của nho học: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử