Lưỡng Triều Hoàng Hậu

Chương 22: Lưỡng triều hoàng hậu


Đọc truyện Lưỡng Triều Hoàng Hậu – Chương 22: Lưỡng triều hoàng hậu

Hôm nay cũng như mọi ngày, Đinh Bộ Lĩnh lại đến Thái Huyên Các dùng cơm trưa. Bọn tôi vẫn cùng nói những chuyện vụn vặt trong cuộc sống thường ngày. Có điều Đinh Bộ Lĩnh báo Trịnh Quân sư đã quay lại Phong Trúc Sơn Trang. Việc này khiến tôi không khỏi vui mừng, định bụng một hai hôm nữa sẽ đi tìm Trịnh Tú hàn huyên. Người thông tuệ như Trịnh Tú thật khiến tâm tình người khác thoải mái. Mỗi khi có chuyện phiền não đến gặp Trịnh Tú cùng thưởng một tách trà, ăn chút điểm tâm, trò chuyện một hồi, tâm tình cũng tự nhiên an tĩnh trở lại.

Đinh Bộ Lĩnh nói cho tôi biết Tướng quân Bùi Quang Dũng sau khi đánh dẹp được Lý Khuê ở Siêu Loại, hiện tại đang giao tranh với Lã Đường ở Tế Giang, nhưng Lã Đường cũng gần như đã bị dồn đến đường cùng, chẳng mấy chốc cũng sẽ bị thu phục. Tôi lại hỏi thăm tình hình chiến dịch Tây Phù Liệt, Đinh Bộ Lĩnh vui vẻ báo thủy quân của Đinh Quân và kỵ binh của Lê Quân đều đã chuẩn bị sẵn sàng khai trận đầu tháng sau.

Tiễn Đinh Bộ Lĩnh rời khỏi Thái Huyên Các xong, tôi lại quay về phòng ôm chiếc trường bào đỏ thẫm còn đang dang dở ra tiếp tục thêu. Tay vuốt ve chiếc trường bào, lòng không khỏi nhung nhớ hình bóng người trai một thân giáp bạc, trường bào đỏ thẫm, hiên ngang vó ngựa tung hoành khắp chốn sa trường.

– Dương cô nương vẫn còn đang may trường bào sao?

Tiếng nói thánh thót như chuông ngọc của Thanh Thanh liền thu hút sự chú ý của tôi. Tôi quay sang ừm một tiếng với em ấy. Thanh Thanh chạy đến ngồi bên cạnh tôi, chăm chú nhìn chiếc trường bào đỏ thẫm trên tay tôi, lại hỏi:

– Dương cô nương may đến đâu rồi?

Tôi mỉm cười trả lời em ấy:

– May xong rồi, giờ đang thêu viền trang trí! Em xem ta may có đẹp không?

Thanh Thanh gật gật đầu, ánh mắt lộ vẻ tán thưởng, lại hỏi tôi:

– Dương cô nương muốn thêu hoa văn gì?

– Ta muốn thêu một hàng sen đỏ ở vạt áo!

Thanh Thanh liền đáp:

– Để em thêu giúp cho! Em thêu nhanh lắm!

Tôi chỉ cười nói:

– Không được! Từng đường kim mũi chỉ nhất định đều phải do chính tay ta làm!

Thanh Thanh nhịn không được lại nói:

– Nhưng mà tay cô nương bị kim đâm đỏ hết lên rồi kìa!

Tôi lắc đầu, lại thầm cười khổ trong lòng. Nữ công gia chánh, thêu thùa may vá đúng là không có cái nào tôi giỏi hết à. Về đến thời phong kiến này lại để một em gái nhỏ cười chê rồi.

Thanh Thanh lại cười cười nói:

– Em biết rồi! Cô nương muốn làm cho ý trung nhân của cô nương cảm động chứ gì? Em mà là ý trung nhân của cô nương nhất định sẽ cảm động tới chết luôn á! Thiệt á!


Nghe em ấy nói làm tôi cũng nhịn không được mà bật cười. Thanh Thanh lại hỏi:

– Vì sao nhất định phải thêu hoa sen?

Tôi liền kể cho em ấy nghe câu chuyện về Lê Hoàn:

– Khi mẫu thân chàng hoài thai chàng đã mơ thấy bụng nở hoa sen! Nên về sau vật dụng của chàng từ nhỏ đến lớn đều được mẫu thân chàng dùng hoa văn hoa sen trang trí. Thật ra, ta cảm thấy khí chất của chàng cũng giống như hoa sen kia vậy, quân tử thanh khiết, ý chí kiên định, nghị lực quật cường.

Thanh Thanh há hốc mồm nói:

– Có chuyện thần kỳ như vậy nữa à?

Tôi khẽ gật đầu, Thanh Thanh liền cảm thán:

– Em thật mong có cơ hội được diện kiến người đó!

Tôi lại mỉm cười không nói gì. Chiến dịch Tây Phù Liệt sắp bắt đầu rồi. Chỉ cần bình định Giao Châu xong là tôi có thể được gặp lại Lê Hoàn rồi.

Thanh Thanh ngồi bên cạnh tôi, ngắm nhìn tôi hạ từng đường kim mũi chỉ. Tôi vốn không khéo thêu thùa, chỉ có thể chú tâm thêu từng chút, từng chút một. Không cầu hình thêu phải tinh xảo sống động, chỉ cầu đường nét tỉ mỉ cẩn thận.

Lúc này liếc mắt sang thấy Thanh Thanh cứ thấp thỏm ngập ngừng, dường như có điều gì đó muốn nói lại thôi. Tôi đành lên tiếng:

– Em có gì muốn nói với ta sao?

Thanh Thanh chớp chớp mắt nhìn tôi một hồi. Cuối cùng, trong mắt ánh lên một tia dứt khoát, em nhìn dáo dác chung quanh thấy không có người ngoài, liền thấp giọng nói:

– Dương cô nương thật sự chắc chắn Chúa công không thích cô nương sao?

Tôi vẫn chăm chú vào từng mũi thêu trên áo bào, chỉ tùy tiện trả lời:

– Em lại nói năng linh tinh gì nữa thế? Đinh Sứ Quân cũng sắp đại hôn rồi còn gì!

Thanh Thanh vẫn bướng bỉnh nói:

– Nhưng mà em thật sự cảm thấy Chúa công rất thích cô nương!

Tôi bình thản hỏi lại:

– Vì sao?


Thanh Thanh giọng mang theo chút bất bình đáp:

– Cứ nhìn bữa cơm ban nãy cũng biết!

Nhìn thấy thần sắc mơ hồ trên gương mặt tôi, Thanh Thanh không nhịn được lại nói:

– Dương cô nương ăn thịt chỉ thích ăn nạc không ăn mỡ. Ăn cá chỉ thích ăn phần đầu không ăn phần đuôi. Ăn trứng chỉ thích ăn lòng trắng không ăn lòng đỏ. Ăn gà chỉ thích ăn cánh gà không ăn thân gà. Ăn canh lại chỉ thích ăn rau không uống nước canh. Ăn bánh màn thầu chỉ thích ăn nhân không thích ăn vỏ. Ăn chè không bao giờ được bỏ nước dừa. Ăn trái cây chỉ thích trái cây ướp thật lạnh. Thế nào? Em nói có đúng không hả?

Tôi tròn mắt ngạc nhiên, cuối cùng chỉ có thể cười khổ hỏi:

– Sao em lại biết rõ đến như vậy?

Thanh Thanh thiếu kiên nhẫn đáp:

– Dương cô nương, cô nương thử nhớ lại xem, những đồ ăn mà Chúa công gắp cho cô nương, có món nào không phải là phần cô nương thích không hả? Những phần nào cô nương không thích đều là Chúa công ăn cả!

Tôi thoáng sửng sốt, nhất thời cũng không biết nói sao cho phải.

– Thế này…

Thanh Thanh lại tiếp lời:

– Dương cô nương, cái này gọi là để tâm đó. Tâm không có cô nương thì sao lại quan tâm đến những việc nhỏ nhặt như vậy?

Tôi im lặng không nói gì. Thanh Thanh lại không nhịn được mà bắt đầu công cuộc bênh vực cho Chúa công của mình:

– Dương cô nương, lụa dùng trong Thái Huyên Các mỗi đợt đưa đến đều là màu xanh. Đó là bởi vì một lần dùng bữa cô nương vô tình nói với Chúa công là cô nương thích màu xanh!

– …

– Dương cô nương, tủ sách trong Thái Huyên Các trước đây vốn không có, đều là mới đem đến gần đây. Đó cũng là do trong một lần vô tình cô nương đã nói là cảm thấy buồn chán không có gì để đọc.

– …

– Dương cô nương, hoa trong tiểu đình…

Tôi đành cắt ngang lời nàng:


– Được rồi! Em đừng nói nữa!

Giọng Thanh Thanh bắt đầu khẩn trương:

– Dương cô nương, có một số việc người ngoài nhìn vào sẽ rõ hơn người trong cuộc!

Tôi đành quay sang trả lời em ấy:

– Thanh Thanh, như vậy cũng chỉ có thể nói là tâm tư Đinh Sứ Quân tinh tế mà thôi, em đừng suy nghĩ nhiều!

Thanh Thanh lại bướng bỉnh nói:

– Nhưng mà ánh mắt Chúa công nhìn cô nương cũng giống y như ánh mắt của cô nương khi cô nương nói về ý trung nhân của mình vậy đó!

Tôi mất kiên nhẫn, liền lớn tiếng hỏi lại:

– Thanh Thanh, em thấy ta đang làm gì?

Thanh Thanh tròn mắt nhìn tôi, cuối cùng mới nhỏ giọng nói:

– Cô nương đang thêu trường bào…

Tôi kiên định nhìn vào đôi mắt Thanh Thanh, chậm rãi đáp:

– Đúng vậy! Đời này Dương Vân Nga chỉ vì một người duy nhất mà thêu trường bào thôi! Em hiểu chưa?

Tim của tôi cũng chỉ có thể chứa duy nhất hình bóng một người mà thôi… em hiểu chưa…

Chớp mắt ngày đại hôn của Đinh Bộ Lĩnh cũng đã tới. Thật không hổ danh là danh gia vọng tộc đất Trường Châu! Đinh phủ ngập tràn trong sắc đỏ, nơi nơi giăng đèn kết hoa rực rỡ. Cả nghìn chiếc chiếu hoa sặc sỡ trải từ đầu thôn đến tận cổng lớn Đinh phủ, cả trăm bàn tiệc kê từ đại sảnh đến tận tiền điện. Quan khách cứ đến không ngừng, tốp sau đông hơn tốp trước. Tiếng cười nói hòa vào tiếng chúc tụng, tiếng bát đũa xen lẫn tiếng cạn rượu, không khí vô cùng đông vui tấp nập. Kẻ hầu người hạ hơn trăm người ra vào phục vụ quan khách đến tối mắt tối mũi. Dàn nhạc xướng ca đủ loại nhạc cụ từ trống lớn, trống nhỏ, cồng chiền, lục lạc, khèn bè, đàn, sáo đều cùng xướng tấu tạo nên một hợp âm tưng bừng mà trong trẻo. Cảnh tượng quả thật phải nói là vô cùng vui vẻ náo nhiệt!

Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, Đinh Điền cũng tới lui như thoi, không ngừng đón tiếp từng đợt quan khách. Đặc biệt là Lưu Cơ, vì để chuẩn bị tốt cho đại hôn này mà đã hao tổn không ít công sức.

Lúc này, cũng chỉ có mình tôi cùng Trịnh Tú là nhàn nhã đứng một bên xem náo nhiệt. Tôi không khỏi thán phục mà thốt ra:

– Đinh Sứ Quân quả thật là giữ mặt mũi cho Ngô Nhật Khánh! Hôn lễ tổ chức náo nhiệt đến thế này!

Trịnh Tú chỉ cười cười nói:

– Nên thế! Dù gì cũng là Chúa công cưới chính thê!

Tôi lại quay sang nói với Trịnh Tú:

– Tôi nghe nói của hồi môn của vị Ngô Công chúa kia đưa sang Đinh Phủ cũng nhiều vô kể. Chỉ nữ trang, của cải và phẩm vật đã trị giá hơn ba mươi nghìn quan.

Trịnh Tú chỉ cười cười không nói gì.


Tôi lại không khỏi cảm thán. Trong cái thời phong kiến này, kể cả công chúa cao quý, phong quang mà gả đi cũng không thoát khỏi kiếp số lấy chồng chung. Phụ nữ của thời đại này đều cam chịu số phận như vậy. Ví như Thanh Thanh đã biết rõ Đinh Bộ Lĩnh sắp đại hôn nhưng vẫn có suy nghĩ nếu tôi có thể được gả cho Đinh Bộ Lĩnh thì sẽ thật tốt, nên không ngừng ở bên cạnh tác động tôi. Em ấy chỉ đơn thuần nghĩ rằng được gả cho một người kiệt xuất như Chúa công của em, cho dù có làm thiếp thất thì còn gì phải phàn nàn?

Ây da, tôi lại thực sự nhịn không được mà thốt ra một câu:

– Nam nhân đó nha… Tam thê tứ thiếp…

Trịnh Tú ở bên cạnh nghe vậy liền bật cười. Tôi quay sang nheo nheo mắt, nhìn nhìn anh ta, anh ta liền ngượng ngùng cười cười giải thích:

– Dương cô nương, trước giờ hôn sự của Chúa công đều là hôn nhân chính trị, đều là vì lợi ích của gia tộc hoặc Đinh Quân. Người chưa bao giờ được tự do lựa chọn hạnh phúc của chính mình!

Thở dài một cái, giọng Trịnh Tú mang theo chút buồn bã:

– Chúa công cũng thân bất do kỷ!

Tôi chỉ đành thở dài, không biết nên nói sao cho phải … Phải! Trong thời cục này, tất cả chúng ta đều thân bất do kỷ…

Thấy không khí đột nhiên trầm xuống, tôi muốn thay đổi chủ đề liền thuận miệng hỏi Trịnh Tú:

– Trịnh Quân sư, giữa tháng này ngài đi đâu vậy? Mấy lần tôi ghé Phong Trúc Sơn Trang đều không gặp được ngài.

Trịnh Tú rũ mi đáp:

– Tôi bận chút việc, phải về lại thôn Kim Lự giải quyết.

Tôi vui vẻ đáp:

– Hóa ra là vậy! Đinh Sứ Quân cũng đã từng đưa tôi đến thôn Kim Lự chơi mấy lần.

Trịnh Tú cũng chỉ mỉm cười không nói gì.

Tôi lại nhớ tới một việc vẫn luôn khiến tôi canh cánh mãi trong lòng từ khi tôi xuyên không đến thời đại này. Nói chính xác hơn là từ sau khi Lê Hoàn tặng tôi cái tên Dương Vân Nga này. Lòng tôi không khỏi thấp thỏm lo sợ mà quay sang hỏi Trịnh Tú:

– Trịnh Quân sư, trong số các thiếp thất của Đinh Sứ Quân, có vị phu nhân nào họ Dương không?

Trịnh Tú có vẻ sửng sốt khi tôi đột ngột hỏi như vậy, nhưng anh ta vẫn nghiêm túc suy nghĩ một chốc, cuối cùng mới chậm rãi nói:

– Chúa công đúng là có một vị phu nhân họ Dương…

Thật sự có một vị phu nhân họ Dương sao? Tim tôi như nảy lên. Như vậy là đúng rồi! Nàng ta mới đích thực là Dương Thái hậu mà sử sách đã nhắc tới! Không phải tôi, không phải tôi!

Một tràng pháo nổ đì đùng ngoài cổng lớn bất chợt vang lên cắt đứt suy nghĩ của tôi. Lại nghe xa xa tiềng kèn trống hân hoan tưng bừng. Đoàn rước dâu tới trước cửa phủ rồi. Gánh nặng trong lòng hoàn toàn được gỡ bỏ, tôi lập tức chạy như bay ra cổng lớn xem cô dâu mới, nào có thèm nghe câu kế tiếp của Trịnh Tú:

– …Có điều hơn một năm trước nàng bỗng nhiên mắc bệnh lạ qua đời rồi… Ấy ấy! Dương cô nương, chạy từ từ, cẩn thận…

Chỉ lo chạy đi xem náo nhiệt, tôi nào đâu biết được rằng vận mệnh thật sự trêu đùa… Bắt đầu từ hơn một năm trước, bánh răng vĩ đại lịch sử đã chầm chậm lăn…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.