Đọc truyện Lục Mạch Thần Kiếm – Chương 40: Môn đồ tinh tú khiếp oai thần
A Tử đã được mục kích nhị sư huynh đánh chết liền một lúc ba tên đại đạo tại miền Tứ Xuyên Tây Tạng. Thủ pháp gã hiểm độc khiến người kinh hồn táng đởm. Tuy nàng gan dạ vô cùng mà trong lòng không khỏi nơm nớp lo sợ. Việc A Tử vừa dùng rượu độc để thử thách sư huynh cũng là một lề luật của phái Tinh Tú dùng để đo tài bạn đồng môn, chứ không phải chuyện tầm thường. Giả tỷ gãmũi sư tử chịu nhận thua cuộc thì bất luận điều kiện gì gãcũng phải chịu nàng kiềm chế. Nhưng đằng này, gã tuyệt nhiên không do dự, bưng bát rượu độc uống một hơi cạn sạch, nên đúng lý ra thì A Tử không được phản kháng một điều gì nữa.
A Tử thấy tình thế nguy cấp, vội níu áo Kiều Phong gọi:
– Tỷ phu, người này định giết tôi! Tỷ phu cứu tôi với! Kiều Phong thấy nàng gọi một điều tỷ phu hai điều tỷ phu thì không khỏi động lòng, nhớ tới lời di ngôn của A Châu đã phó thác nàng cho mình, toan ra tay đánh bại gã mũi sư tử đi ngay. Nhưng trông thấy vết máu tươi dưới đất, Kiều Phong lại nghĩ đến tâm địa độc ác của A Tử đối với gã tửu bảo, nên ông muốn để nàng bị đau khổ cho biết thân, âu đó cũng là một cách răn dạy con người bướng bỉnh tàn ác.
Tính toán như vậy, ông liền để mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, không hỏi han gì đến A Tử.
Gã mũi sư tử bản ý cũng không muốn cùng A Tử động thủ, chỉ cốt hăm dọa cho nàng biết sợ, chịu ép một bề theo mình về là được.
Gã đưa tay phải ra toan nắm lấy cổ tay trái Kiều Phong.
Kiều Phong nhác thấy vai gã động đậy đã biết ngay là gã định ăn thua với mình, song ông cứ mặc kệ cho gã nắm lấy tay. Trên da thịt cùng trong lòng bàn tay gã đều có chất kịch độc. Trước này Kiều Phong rất căm giận những hạng người dùng thuốc độc, nhưng ngoài mặt ông vẫn thản nhiên như không, chỉ ngấm ngầm vận động chân khí ra cổ tay rồi cười, hỏi:
– Chi vậy! Phải chăng các hạ muốn cùng tôi uống bát rượu chơi?
Nói xong tay phải cầm bồ rót đầy rượu vào hai bát lớn, nói:
– Nào xin mời các hạ. Gãmũi sư tử đãvận nội lực trước khi nắm tay Kiều Phong mà thấy ông vẫn ung dung như không hay biết gì, gã lẩm bẩm:
– Mi đừng đắc ý vội, lát nữa sẽ biết tay ta.
Nghe Kiều Phong mời uống rượu, gã đáp:
– Uống rượu thì uống, sao lại không dám!
Gã vừa nói vừa bưng bát rượu lên uống ực. Dè đâu rượu vừa nuốt đến cổ họng, đột nhiên một luồng nội khí ở dưới ngực đẩy ngược lên. Gã không sao nhịn được, oẹ lên một tiếng, bát rượu uống vào lại nôn ra hết, ướt cả vạt áo đằng trước. Nôn rượu ra xong, gã ho sù sụ một lúc mới yên lại được. Tình trạng này khiến cho gã mũi sư tử phải hoảng hồn. Gã biết rằng sở dĩ luồng nội khí bốc ngược lên là do nội lực hùng hậu của đối phương thúc vào thân thể mình mà ra.
Giả tỷ y muốn hại mình cũng dễ như trở bàn tay. Gã sợ quá, vội buông cổ tay Kiều Phong ra. Nào ngờ tay gã dường như có chất gì dán chặt vào tay Kiều Phong không tài nào gỡ ra được. Gã kinh hãi, cố sức đẩy ra.
Kiều Phong vẫn ngồi yên không nhúc nhích, gã mũi sư tử xô đẩy ông vẫn trơ trơ như núi đá, chẳng ăn thua gì.
Kiều Phong lại rót rượu đầy bát, nói:
– Vừa rồi lão huynh chưa uống rượu, vậy xin lão huynh uống nốt bát này rồi ta sẽ phân tay.
Ý ông muốn nói ngươi có uống được bát rượu này thì ta sẽ buông tay ngươi ra. Gã mũi sư tử lại hết sức cựa quậy mà vẫn không thoát ra được, gã liền vung tay trái đánh ra một quyền vào mặt Kiều Phong. Quyền chưa đánh tới, Kiều Phong đã ngửi thấy mùi tanh hôi như mùi cá ươn. Ông khẽ đưa tay phải gạt ra.
Gã mũi sư tử đã dùng toàn lực để phóng quyền, ngờ đâu phóng dở dang đã bị gạt trẹo đi. Gã không tự chủ được nữa, biết chiêu thức của mình bị chưởng lực đối phương gạt đi. Ðoạn một tiếng”chát”vang lên, thì ra chính tay gã lại đập vào bả vai gã rất mạnh khiếp xương bả vai bị trật khớp.
A Tử cười, hỏi:
– Nhị sư huynh thật khéo giở trò. Ai lại vung tay mình lên đánh mình bao giờ? Thật không hiểu ý tứ sư huynh ra sao?
Gã mũi sư tử căm hận vô cùng, khốn nỗi tay phải bị dính chặt vào tay Kiều Phong không tài nào gỡ ra được. Còn tay trái gã không dám đánh ra chưởng thứ hai nữa. Gã mũi sư tử giẫy giụa đến lần thứ ba không thoát được, bèn vận động nội lực định dồn những chất kịch độc trong lòng bàn tay vào người đối phương.
Dè đâu luồng nội lực của gã vừa đụng vào tay Kiều Phong, lập tức bị hất ngược trở lại. Gã mũi sư tử giật mình, vội vận nội lực để chống đỡ. Song nội lực của gã so với Kiều Phong kém xa rất nhiều. Luồng nội lực âm độc của gã mũi sư tử bị nội lực Kiều Phong đánh bạt đi không ăn thua gì, khác nào như sóng biển tràn vào trong sông.
Luồng nội lực của đối phương tràn vào khớp xương khuỷu tay, đưa xuống nách, rồi luân chuyển vào trong bụng. Gã mũi sư tử tự biết chất độc trong tay mình ghê gớm, nếu xông vào đến tâm trạng là lập tức chết ngay. Luồng nội lực của đối phương thúc đẩy quá mãnh liệt khiến cho nội lực của mình vô phương ngăn trở, gã bồn chồn mồ hôi trán toát ra đầm đìa, nhỏ giọt.
A Tử cười, nói móc:
– Nhị sư huynh! Nội lực của sư huynh thật là cao cường. Trời rét lạnh thế này mà sư huynh ra mồ hôi lắm quá, khiến cho tiểu Muội khâm phục vô cùng.
Gã mũi sư tử còn lòng dạ nào mà nghe lời châm chọc của A Tử. Gã biết rằng kiếp vận số tới rồi, song chẳng lẽ bó tay chờ chết, còn chống chọi được lúc nào hay lúc ấy. Kiều Phong nghĩ bụng: “Gã này không có thù oán gì với ta. Tuy gã vừa ra tay đã hạ độc thủ là một điều rất mạo phạm, nhưng ta cũng chẳng nên vì thế mà giết chết gã.” Nghĩ vậy, ông đột nhiên thu nội lực. Gã mũi sư tử bỗng nhiên thấy bàn tay mình đang bị gắn chặt đã buông ra, cả luồng nội lực thúc đẩy chất độc ở tay mình cũng thoát ra. Gã vừa mừng vừa sợ lùi lại hai bước, không dám tiến lại gần Kiều Phong nữa. Gã mũi sư tử thoát chết rồi khác nào đã xuống Quỷ môn quan lại được trở về.
Gã tửu bảo không biết chuyện gì hết, sợ gã mũi sư tử nổi nóng lật đật lại rót rượu. Gã mũi sư tử phóng chưởng ra tát vào mặt gã tửu bảo. Gã tửu bảo rú lên một tiếng té nằm ngửa dưới đất. Gã mũi sư tử xông ra cửa lớn trông về hướng tây nam chạy nhanh như bay. Bỗng nghe thấy tiếng tiêu nhẹ nhàng khẽ vọng lại.
Kiều Phong nhìn gã tửu bảo thấy mặt đen xạm và đã chết rồi.
Ông không khỏi tức giận, quát lên:
– Thằng cha đó thật là khả ố! Mình tha mạng hắn ai ngờ hắn lại ra tay giết người?
Ông vỗ bàn đứng dậy muốn đuổi theo.
A Tử ngăn lại, kêu lên:
– Tỷ phu! Tỷ phu hãy ngồi xuống để tôi nói cho tỷ phu nghe.
Giả tỷ nàng kêu ông bằng Kiều Bang chúa hay Tiêu đại gia gì gì thì Kiều Phong nhất định không nhìn gì đến nàng. Song hai tiếng tỷ phu vừa gọi lên, ông lập tức nhớ tới A Châu, lòng đau như cắt, liền hỏi:
– Chi vậy?
A Tử đáp:
– Không phải nhị sư huynh là một kẻ khả ố đâu. Gã đã ra tay định sát hại tỷ phu không xong, chất độc chưa tan đi, gã đành bắt buộc phải giết người khác.
Kiều Phong biết võ công ở phái tà có thứ thủ pháp kêu là độc thủ. Chất độc tụ ở lòng bàn tay rồi mà không phát tán vào trong người địch nhân được phải đánh chết trâu, ngựa hay bất luận đánh chết một thứ súc sinh nào, không thì chất độc chạy vào trong thân thể ngay.
Ông nói:
Muốn tán độc sao gã không đánh chết một giống súc sinh mà lại vô cớ đi đánh chết người?
A Tử cười, đáp:
– Thằng người ngu ngốc đó có khác gì trâu ngựa? Giết y cũng như giết một giống súc sinh.
Miệng nàng nói thao thao, khác nào thiên kinh địa nghỉ, lý đương nhiên là như vậy, chứ không vấp váp ngượng nghịu chút nào. Kiều Phong nghe nàng nói mà phát ớn. Ông tự nghĩ: “Cô này tính độc ác chẳng khác nào giống cầm thú. Hà tất ta phải chiếu cố đến cô.” Kiều Phong thấy chủ quán chạy ra, ông không muốn lôi thôi, bèn ra khỏi quán trông về hướng bắc mà đi. Bên tai ông vẫn nghe tiếng chân A Tử chạy theo. Ông liền gia tăng cước bộ chạy nhanh hơn, chỉ trong chốc lát đã bỏ A Tử khá xa, khiến nàng muốn đuổi theo cũng không thể kịp.
Bỗng nghe A Tử lanh lảnh gọi to:
– Tỷ phu ơi! Tỷ phu chờ tôi với! Tôi… tôi không theo kịp…
Kiều Phong nghe nàng gọi tỷ phu lại động tâm dừng bước. Vừa đây ông cùng nàng đối diện nói chuyện thì từ vẻ mặt cho đến cử chỉ, trong lòng không hết chán ghét. Nhưng lúc này nàng lật đật chạy theo cất tiếng gọi thì y hệt như A Châu gọi mình.
Cả hai cô đã là chị em ruột với nhau, âm điệu lại cũng in như nhau, khiến cho Kiều Phong bàng hoàng trong dạ. Ông ngoảnh đầu nhìn lại, nước mắt chạy quanh. Ông thấy xa xa một cô gái nhỏ tuổi đương chạy như bay trên đất đầy tuyết phủ, chẳng khác gì A Châu phục sinh, bất giác ông giang hai tay ra, khẽ kêu lên:
– A Châu! A Châu!
Kiều Phong ôm choàng lấy A Tử một lúc, ông mơ màng nhớ đến ngày cùng A Châu đi từ Nhạn môn quan xuống đến Trung Nguyên. Quang cảnh hai người thủ thỉ chuyện trò đằm thắm lại hiện ra trước mắt. Ðột nhiên tấm thân mềm mại ấm áp trong lòng ông có tiếng nhõng nhẽo hỏi:
– Tỷ phu! Sao lúc nãy không đợi em!
Kiều Phong giật mình như người trong giấc mơ, choàng tỉnh dậy đưa tay khẽ đẩy A Tử ra, nói:
– Cô theo tôi làm gì?
A Tử đáp:
– Tỷ phu đánh đuổi được nhị sư huynh cho em, đương nhiên em phải đến tạ ơn tỷ phu.
Kiều Phong lạnh lùng nói:
– Cô không cần tạ ơn tôi. Thực ra có phải bản tâm tôi muốn cứu cô đâu. Tại hắn động thủ với tôi, tôi phải tự vệ để khỏi chết vì tay hắn mà thôi. Nói xong trở gót đi ngay. A Tử giơ hai tay ra định kéo Kiều Phong. Kiều Phong khẽ né người đi. Nàng loạng choạng xiêu về phía trước. Kể ra thì với bản lĩnh của nàng, nàng có thể gượng đứng lên như chơi, song nàng thừa cơ để trượt chân cho người ngã lăn xuống đống tuyết rồi la lên:
– Trời ơi! Ngã đau chết đi được!
Kiều Phong biết nàng giả vờ. Nhưng nghe giọng nói ỏn ẻn, hình ảnh A Châu lại xuất hiện trong đầu óc, một mùi hương thoang thoảng, lại cảm xúc vào dây thần kinh ông.
Kiều Phong quay lại đưa tay ra nắm cổ áo A Tử kéo lên, thì nàng cười rất tươi, nói:
– Tỷ phu ơi! Tỷ nương em bảo tỷ phu phải chiếu cố cho em sao tỷ phu không tuân theo di ngôn của tỷ nương? Em là một đứa nhỏ lênh đênh cơ khổ bị bao nhiêu người ức hiếp! Tỷ phu cũng ghét em hay sao?
Nàng nói mấy câu bằng một giọng dím dót nghe rất đáng thương.
Kiều Phong biết nàng mười phần có đến tám là giả tạo, mà vẫn không khỏi mềm lòng.
Ông hỏi:
– Cô đi theo tôi có được ích gì? Trong lòng tôi đang buồn bực không muốn nói chuyện với cô đâu. Chỉ khi nào cô làm điều càn rỡ tôi mới can thiệp vào thôi.
A Tử nói:
– Nếu tỷ phu trong lòng không vui thì có em đây giải muộn cho chứ sao? Và cõi lòng tỷ phu biết đâu chẳng dần dần trở lại ấm áp… Nếu tỷ phu uống rượu thì em rót cho. Tỷ phu thay quần áo thì em sẽ giặt giũ khâu vá cho. Nếu em có việc gì lỗi đạo, tỷ phu can thiệp cho thì còn gì hay bằng? Từ thuở nhỏ em đã bị gia nương bỏ rơi, không người quản cố giáo hoá, nên việc đời em chẳng hiểu thế nào là phải quấy.
Nói đến đây hai mắt nàng đỏ mọng.
Kiều Phong nghĩ bụng:
– Cả hai chị em cô này đều có thiên tài về tinh nghịch và hóm hỉnh. Bản lĩnh gạt người lại càng ghê gớm, thật là tám lạng người nửa cân, chẳng ai thua ai. May mà mình sớm biết cô này rất thâm độc mới khỏi mắc bẫy. Cô nhất định theo mình, hẳn là có âm mưu ngụy kế chi đây? Phải chẳng sư phụ cô phái cô theo sát mình để âm mưu, ám hại?
Nghĩ tới đây, Kiều Phong không khỏi rùng mình, tự hỏi:
– Phải chăng kẻ đại thù của ta cùng Tinh Tú Lão Ma có dính líu với nhau? Hay chính lão là kẻ thù của ta cũng nên?
Kiều Phong quyết định chủ ý, lẩm bẩm một mình:
– Chẳng lẽ Kiều Phong này đường đường là một trang nam tử trượng phu lại sợ cô bé này ngấm ngầm hạ độc thủ ư? Chi bằng mình tương kế tựu kế cho cô đi theo, để ý xem cô thi hành quỷ kế gì? Có khi vì cô mà mình báo được mối tư thù lớn cũng chưa biết chừng.
Kiều Phong nghĩ vậy liền nói:
– Cô đã nói vậy thì đi theo tôi. Nhưng tôi giao hẹn trước, nếu cô tự nhiên giết người vô tội, tôi không tha cô đâu!
A Tử thè lưỡi ra, nói:
– Thế nhưng người ta hại đến em, tỷ phu có để em giết hắn không?
Kiều Phong nghĩ bụng:
– Cô này thật giảo hoạt, cô ra tay giết người rồi, chắc lại tìm lời nói khéo đổ lỗi cho người ta động thủ trước thì dù đối phương có là người tốt, cô cũng đổ lỗi cho người ta được .
Tính toán như vậy, Kiều Phong liền gạt phắt đi:
Bất luận là người xấu hay tốt, tôi không cần cô phải can thiệp. Cô đã đi với tôi,quyết không ai có thể giết cô được. Nói tóm lại, tôi không cho cô động thủ với bất cứ ai.
A Tử thở dài, nói:
– Trời ơi! Tỷ phu bất quá là lang quân của tỷ nương em, mà tỷ phu quản cố em đến thế kia ư? Giả tỷ tỷ nương em không chết mà lấy tỷ phu thì rồi cũng đến chết về sự quản thúc của tỷ phu mà thôi.
Kiều Phong đã lên ruột toan lớn tiếng mắng mỏ, nhưng trong lòng lại không nỡ.
Ông thoáng thấy trong cặp mắt A Tử lộ vẻ giảo hoạt bèn tự hỏi:
– Mình nói mấy câu đó không hiểu sao đột nhiên cô ta lại lấy làm đắc ý?
Kiều Phong nghĩ một lúc không ra, liền bỏ đi không nghĩ nữa, lên đường đi tiếp.
Ði chừng hơn một dặm, Kiều Phong sực nhớ ra điều gì, la lên:
– Chết rồi! Không khéo A Tử bị kẻ đối đầu hoặc kẻ cừu thù ở đây, định làm khó dễ với cô ta, nên cô ta gạt mình hộ vệ cho cô. Mình đã hứa cùng cô cô đã đi với tôi, quyết không ai giết cô được tức là mình đã nhận lời bảo vệ cho cô, bất luận cô ta phải hay trái. Dù mình chẳng nói câu đó, nhưng đã để cô đi bên mình, thì quyết nhiên không thể để cô thất bại được.
Ði thêm mấy dặm nữa, A Tử bỗng nhiên hỏi:
– Tôi hát một khúc chơi, tỷ phu nghe xem có được không nhé?
Kiều Phong đã định chủ ý rằng đối với cô này càng gay go nhiều càng có ích cho cô bấy nhiêu, liền gạt đi:
– Thôi đừng hát nữa.
A Tử bĩu môi:
– Tỷ phu làm gì mà cay nghiệt thế? Vậy tôi nói chuyện vui tỷ phu nghe có được không?
Kiều Phong vẫn xẵng giọng:
– Không được!
A Tử nói:
– Vậy tôi đánh đố để tỷ phu đoán thử coi.
Kiều Phong cũng gạt luôn:
– Không được!
A Tử nói:
– Thế thì tỷ phu nói chuyện vui cho em nghe vậy, được không?
Kiều Phong đáp:
– Không được!
A Tử nói:
– Thế thì tỷ phu hát cho em nghe được không?
A Tử đề nghị luôn bảy tám điều, Kiều Phong không suy nghĩ gì cự tuyệt ngay.
A Tử lại xoay chiều hỏi ngược lại:
– Vậy em chẳng thổi sáo để tỷ phu nghe nữa đâu nhé?
Kiều Phong buột miệng đáp như mọi lần:
– Không được!
Kiều Phong vẫn một mực không suy nghĩ đáp luôn bằng hai tiếng không được. Rồi ông nghĩ lại biết ngay là mình mắc hợm. Vì cô ta hỏi vậy em chẳng thổi sáo để tỷ phu nghe nữa nhé mà mình lại bảo không được thì ra giục nàng thổi sáo mất rồi. Song đã trót nói ra miệng, đành để mặc cô ta muốn thổi sáo thì thổi.
A Tử làm bộ thở dài, nói:
– Ðiều gì tỷ phu cũng bảo không được, thật khó mà chiều ý tỷ phu quá. Riêng có điều em thổi sáo là tỷ phu ưng ý.
Nói xong, nàng rút trong bọc ra một ống ngọc địch rất kỳ dị chỉ dài chừng bẩy tấc, toàn ống bóng lộn trông rất xinh xắn. A Tử đưa lên môi khẽ thổi, một luông âm thanh réo rắt vang đi thật xa.
Kiều Phong sực nhớ vừa rồi lúc gã mũi sư tử ra khỏi quán cũng thấy nổi lên một thanh âm réo rắt du dương, thì ra cũng là tiếng sáo này vang dội nghe rất lọt tai, song tiếng ngọc địch của A Tử lại thê lương não nùng, không phải điệu nhạc hoà vui.
Kiều Phong cảm thấy nao nao trong dạ.
Nhưng lúc ông hiểu ra lại cười thầm lẩm bẩm một mình:
– Phải rồi! Chắc cô này dùng tiếng sáo để gọi đồng đảng mai phục gần đây để tập kích ta. Kiều mỗ này há sợ đoàn chuột nhắt. Ta có sợ là sợ bọn đệ tử dưới trướng Tinh Tú Lão Ma chuyên dùng võ công hiểm độc. Nếu chúng ra mặt giao chiến thì mình chẳng coi vào đâu. Nhưng họ thi hành độc kế gì mà mình lơ là một chút tất bị họ ám toán.
Kiều Phong lắng tai nghe tiếng địch của A Tử thổi, lúc lên cao, lúc xuống trầm, lúc thét lên như heo bị chọc tiết, lúc thê thảm như ma quỷ kêu gào, rất là khó chịu. Một cô gái sắc nước hương trời như A Tử cầm cây ngọc bích xinh đẹp là thế mà thổi những âm thanh chói tai thì ra dưới thế gian bát ngát chẳng có điều kỳ lạ nào là không có.
Kiều Phong vẫn không hỏi han gì đến A Tử, cứ thản nhiên tiếp bước.
Chẳng bao lâu, đi tới một con đường nhỏ hẹp trên đỉnh núi.
Nẻo đường này vừa một người đi.
Kiều Phong nghĩ bụng:
– Nếu địch nhân muốn phục kích ta ắt chọn chỗ này .
Quả nhiên lên tới đỉnh núi, vừa hết một chỗ quanh, đã thấy trước đó có bốn người đứng đón.
Bốn gã này đều mặc vải xô vàng y phục hệt như gã mũi sư tử đã gặp trong tửu điếm. Bốn gã không đứng thành hàng chữ nhất được mà phải đứng kẻ trước người sau. Mỗi gã trong tay đều cầm một cây cương trượng khá dài.
A Tử vừa thấy bốn gã, đột nhiên không thổi sáo nữa, dừng tay gọi to:
– Tam sư huynh, tứ sư huynh, thất sư huynh, bát sư huynh đều mạnh giỏi đấy ạ? Các vị sư huynh đến hội tụ nơi đây làm gì?
Kiều Phong cũng dừng bước tựa lưng vào vách núi nói một mình:
Thử xem bọn chúng định giở trò quỷ quái gì đây?
Trong bốn gã này, gã đi đầu là một gã Ðại Hán béo mập nhìn Kiều Phong từ đầu đến gót chân một hồi rồi hỏi A Tử:
– Tiểu sư Muội mạnh giỏi chứ? Sao sư Muội lại đem tâm hại nhị sư huynh?
A Tử giật mình, hỏi dồn:
– Nhị sư huynh bị thương hay sao? Ai đánh sư huynh bị thương? Bị thương có nặng lắm không?
Gã đứng sau cùng lớn tiếng nói:
– Mi đừng khéo giả ngây giả dại nữa. Chính nhị sư huynh bảo mi kêu kẻ khác đánh y bị thương. Gãvừa nói, người đãthấp lùn, lại đứng sau cùng bị ba người đứng trước che khuất. Kiều Phong nhìn không rõ mặt, chỉ nghe tiếng gã nói rất mau đủ biết gã nóng tính vô cùng. Cây cương trượng của gã lại đặc biệt lớn hơn và dài hơn các cây của đồng đảng. Xem thế đủ biết cánh tay gã mạnh lắm. Vì gã thấp lùn nên mang thứ khí giới đặc biệt để tỏ ra có chỗ hơn người.
A Tử ỡm ờ hỏi:
– Bát ca! Sư huynh bảo sao? Nhị sư huynh bảo bát ca kêu người đánh y bị thương ư? Trời ơi! Sao bát ca độc ác như vậy? Sư phụ mà biết nhất định sẽ trách phạt bát ca ghê gớm lắm đó. Bát ca không sợ ư?
Gã thấp lùn tính nóng như lửa, cầm cây cương trượn đập vào sườn núi chan chát, lớn tiếng quát:
– Chính mi làm cho nhị ca phải bị thương, chứ có phải ta đâu?
A Tử cãi lại:
– Sao? Bát ca làm cho nhị sư huynh bị thương chứ không phải tiểu Muội… Ðược rồi! Bát ca đã thừa nhận cả ba vị sư huynh đây đều nghe rõ rồi nhé! Bát ca miệng đã nói ra sát hại nhị sư huynh đúng rồi! Bát ca đã dùng phép tam âm ngô công trảo giết nhị sư huynh.
Gã thấp lùn gầm lên:
– Ai biểu nhị sư huynh chết rồi? Y chưa chết đâu mới bị thương thôi, với lại cũng không phải do phép tam âm ngô công trảo.
A Tử mồm năm miệng mười, cướp lời:
– Không phải tam âm ngô công trảo ư? Thế thì nhất định là phép trưu tủy chưởng rồi! Nhị sư huynh không cẩn thận nên bị Bát ca ám toán. Bát ca ơi! Bát ca độc ác lắm.
Gã thấp lùn nói:
– Tam sư huynh! Ðộng thủ đi thôi! Bắt con tiểu tiện nhân này về để sư phụ phát lạc. Nó… nó… nó nói vơ nói vẩn chẳng ai hiểu.
Khẩu âm gã vốn đã khó nghe lại đang cơn nóng giận, gã nói lắp lại càng khó hiểu hơn. Gã béo mập nói:
Việc gì phải động thủ? Tiểu sư Muội trước nay vẫn ngoan ngoãn dễ bảo.
Rồi gã quay lại hỏi A Tử:
– Tiểu sư Muội! Bây giờ sư Muội theo chúng ta về nhé?
Gã béo mập ăn nói rất ôn tồn, có vẻ con người rất hoà nhã. A Tử cũng ỏn thót không vừa, nàng nói:
Tam ca ơi! Trước nay tam ca bảo làm sao, tiểu Muội cũng đều làm vậy, có bao giờ cãi lời Tam ca đâu?
Gã béo mập ra chiều đắc ý, cười ha hả, nói:
– Thế thì còn gì hay bằng! Chúng ta đi thôi, tiểu sư Muội ạ.
A Tử nói:
– Vâng xin các sư huynh tùy tiện.
Gã thấp lùn ở phía sau lại oang oang:
– Mi bảo tuỳ tiện cái gì? Mi phải đi với chúng ta, đừng có nói lăng nhăng!
A Tử cười, nói:
– Các sư huynh hãy đi trước, rồi tiểu Muội sẽ theo sau ngay mà.
Gã thấp lùn gắt lên:
– Không được! Phải đi ngay với chúng ta ngay bây giờ! Không đi trước đi sau gì cả.
A Tử nói:
– Tiểu Muội cũng muốn đi ngay lắm, nhưng tỷ phu tiểu Muội đây không chịu.
Nàng vừa nói vừa trỏ vào Kiều Phong.
Kiều Phong lầm bầm:
– Ðó, đó! Cô ả lại sắp giở trò rồi.
Ông vẫn đứng tựa lưng vào vách núi, hai tay khoanh để trước ngực, dường như không quan tâm gì đến những chuyện trước mắt.
Gã thấp lùn nói:
– Ai là tỷ phu mi? Sao ta không trông thấy người đâu?
A Tử cười, nói móc:
– Tại Bát ca cao quá đấy mà! Tỷ phu tiểu Muội cũng không ngó thấy bát ca. Gã thấp lùn bản tính cực kỳ cục súc, khi gã nghe thấy ai chế giễu thân hình gã là lập tức gã nổi đoá muốn đánh nhau ngay. Bỗng một tiếng chát vang lên. Gã chống mạnh cây cương trượng xuống đất, lấy đà nhảy vọt lên không trung rồi cả người lần lượt vọt qua đầu ba gã sư huynh, hạ xuống trước mặt A Tử.
Gã quát lên:
– Ði về với chúng ta ngay!
Nói xong giơ tay toan nắm lấy vai A Tử. Kiều Phong thấy gã thếp lùn, song lưng to vai rộng. Nếu trông bề ngang thì thân thể gã cũng vạm vỡ, động tác lại rất mau lẹ. A Tử không né tránh, cứ để mặc cho gã nắm lấy. Không ngờ bàn tay của gã thấp lùn sắp chạm vào vai A Tử, gã đột nhiên ngẩn người rồi dừng tay lại, không nắm lấy vai nàng nữa.
Gã hỏi:
– Mi đã lấy được rồi phải không?
A Tử hỏi:
Cái gì? Gã thấp lùn nói:
– Bích Ngọc Vương Ðỉnh chứ còn cái gì nữa?
Gã vừa buột miệng nói ra bốn chữ Bích Ngọc Vương Ðỉnh, ba gã kia đồng thanh quát lên:
– Bát sư đệ! Ngươi nói nhăng gì đó?
Giọng nói đều tỏ vẻ nghiêm nghị. Gã thấp lùn nét mặt lập tức ra chiều hoảng sợ.
Kiều Phong bề ngoài mặt tựa hồ không quan tâm gì đến chuyện của bọn này, song không một lời nói hay một cử động nào của bốn gã cùng A Tử qua khỏi tai mắt ông.
Kiều Phong tự hỏi: “Bích ngọc Vương đỉnh là cái gì? Cứ coi vẻ mặt của bọn này thì đó là một vật rất quan trọng chứ không phải là tầm thường. Nếu mà bọn chúng mai phục ở đây để tập kích mình, sao không thấy động thủ mà lại đấu khẩu với nhau? Chẳng lẽ bọn chúng không địch nổi mình, còn chờ thêm ngoại viện đến?”
Kiều Phong còn đang ngẫm nghĩ, bỗng thấy gã thấp lùn giơ tay, bảo A Tử:
– Ðưa đây!
A Tử làm bộ ấp úng hỏi:
– Cái bích… bích… ấy phải không?
Rồi nàng trỏ Kiều Phong nói tiếp:
– Tiểu Muội đưa cho tỷ phu rồi.
Nàng vừa nói câu đó, cả bốn gã cùng đưa mắt nhìn Kiều Phong chằm chặp và lộ vẻ tức giận.
Kiều Phong nghĩ bụng:
– Bọn này đều có vẻ khả ố! Mình chẳng hoài công lời qua tiếng lại với chúng .
Nghĩ vậy, ông từ từ đứng dậy, đột nhiên điểm hai chân xuống đất, người vọt lên cao, tựa hồ con chim khổng lồ bay vụt lên, nhảy qua đầu cả bốn gã.
Bốn gã gọi nhau ơi ới đuổi theo Kiều Phong.
Nhưng khinh công của ông tuyệt bích, bọn chúng đuổi kịp thế nào được.
Chớp mắt, Kiều Phong đã cách xa hàng mấy trượng…
Bỗng một tiếng véo véo vang lên, một thứ binh khí nặng nề ném tới sau lưng.
Kiều Phong không quay đầu lại, cũng biết có người liệng cây cương trượng tới, ông giơ tay ra phía sau bắt lấy cây cương trượng.
Bốn gã cả giận, quát tháo om sòm, lại liệng hai cây cương trượng nữa tới.
Kiều Phong lại xoay tay bắt lấy. Mỗi cây cương trượng nặng có tới năm chục cân, cả ba cây nặng đến ngoài một trăm sáu mươi cân mà Kiều Phong cầm cả trong tay như không, chân vẫn bước đều, không ngừng lại chút nào.
Lại có tiếng vù vù cây cương trượng thứ tư liệng tới. Cây này là của gã thấp lùn nặng hơn cả ba cây trước, tiếng gió reo càng mạnh.
Kiều Phong tuy không phải là hạng người hung hăng ưa đánh nhau, nhưng rất ham võ nghệ. Lúc bình thời ở Cái bang ông thường cùng bọn trưởng lão giảng tập võ nghệ. Ðã mấy tháng nay, ông gặp bao nhiêu việc bất như ý, không động thủ với ai nên cũng thấy phiền muộn trong lòng.
Ông nghĩ bụng:
– Bọn này ngu dốt quá, nên cho chúng biết tay .
Ông nghe biết cây cương trượng phóng tới sau gáy chỉ còn cách một thước lại xoay tay nắm lấy. Cả bốn gã sư huynh đệ đều bị ông bắt mất khí giới vừa giận vừa sợ, biết rằng có đuổi kịp ông, cũng khó lòng địch nổi, nhưng chúng vẫn la ó đuổi theo rất gấp.
Kiều Phong chờ cho bọn chúng đuổi một lúc rồi đột nhiên dừng chân lại.
Bốn gã đang gắng sức đuổi theo, vội thu chân, lúc đã dừng được thì đã đến phía trước Kiều Phong. Gã nào cũng thở hồng hộc.
Kiều Phong từ lúc thấy bọn chúng phóng cương trượng chạy đuổi theo, để ý đoán biết võ công bọn chúng tới mức nào. Tên thấp lùn là sức cánh tay mạnh hơn cả, còn ngoài ra ba gã kia cũng bằng gã mũi sư tử mà ông đã gặp trong quán rượu.
Kiều Phong tủm tỉm cười, cất tiếng hỏi:
– Các vị đuổi tại hạ có điều chi dạy bảo?
Gã thấp lùn nói:
– Ngươi… ngươi là ai? Ta xem võ công của ngươi ghê gớm lắm.
Kiều Phong cười, nói:
– Cũng thường thôi, có chi mà các hạ quá khen?
Ông vừa nói vừa vận kình lực vào bàn tay, cắm một cây cương trượng xuống đất. Quãng đường núi này tuy không phải thuần đá cứng rắn, nhưng cũng đá nhiều đất ít. Thế mà Kiều Phong vẫn cắm sâu xuống đầu trượng chỉ còn chìa trên mặt đất chừng hai thước, đoạn ông buông tay, dùng gót chân đạp mạnh một cái, khiến cho cây cương trượng ngập bằng mặt đất không chìa lên chút nào.
Bốn gã thấy thần lực Kiều Phong ghê gớm như vậy, đều nghĩ là ông dùng tà phép, không ai có thể tin rằng thực lực con người lại lớn đến thế. Có gã giương hai mắt tròn xoe mà nhìn, có gã há hốc miệng ra không ngậm lại nữa. Kiều Phong cắm hết cây trượng này, đến cây khác cũng để chừa trên mặt chừng hai thước rồi đưa gót chân dậm lên cả hai cây một lúc cho ngập tịt xuống mặt đất. Ðến khi Kiều Phong toan cắm cây cương trượng thứ tư xuống thì gã thấp lùn nhảy vọt lại, quát lên:
– Ðừng đụng vào khí giới của ta!
Kiều Phong cười, nói:
– Ðược lắm! Ðây ta trả cho!
Nói xong, tay phải ông cầm cây cương trượng ngắm vách núi liệng mạnh vào. Cây cương trượng này dài tám thước thì có đến bảy thước ngập vào vách đá, mà lại là chỗ vách đá rất cứng rắn.
Kiều Phong thấy mình vận kình lực phóng trượng sâu vào vách đá như vậy, tự nhiên trong mình cũng lấy làm khoan khoái, nghĩ thầm: “Mấy tháng nay mình phải trải qua bao nhiêu nỗi lo phiền. Vậy mà công lực không bị giảm sút. Trái lại dường như còn tiếng hơn trước là khác. Nửa năm trước đây có lẽ mình không phóng trượng ngập sâu được đến thế”.
Cả bốn gã đều reo lên một tiếng Ồ kinh ngạc và đều lộ vẻ kinh sợ Kiều Phong.
A Tử chạy sau cũng đuổi đến nơi.
Nàng la lên:
– Tỷ phu ơi! Võ công tỷ phu giỏi quá rồi! Tỷ phu dạy cho em.
Gã thấp lùn cả giận, nói:
– Mi nói cái gì? Mi đã là đệ tử phái Tinh Tú, sao còn được đi kêu người ngoài dạy võ nghệ.
A Tử vểnh mặt lên nói:
– Y là tỷ phu tiểu Muội, sao bát ca còn bảo là người ngoài?