Lục Mạch Thần Kiếm

Chương 39: Tiểu cô nương ám ảnh kiều phong


Đọc truyện Lục Mạch Thần Kiếm – Chương 39: Tiểu cô nương ám ảnh kiều phong

A Tử nói:

– Ồ! Thong thả đã, chờ tôi một chút.

Kiều Phong dừng bước, quay lại hỏi:

– Cô đi đâu bây giờ? Phải chăng tìm về chỗ sư phụ?

A Tử đáp:

– Không, hiện giờ tôi chưa dám về với sư phụ tôi.

Kiều Phong ngạc nhiên, hỏi:

– Tại sao cô không dám về? Chắc lại gây ra tai vạ gì nữa rồi à?

A Tử đáp:

– Có gây ra tai vạ gì đâu? Tôi lấy của sư phụ tôi một bộ sách, giờ trở về người đoạt lại mất. Tôi phải tìm một nơi luyện xong mới về. Lúc đó sư phụ có lấy lại sách cũng không cần nữa.

Kiều Phong hỏi:

– Phải chăng là sách luyện võ? Ðã là tình thầy trò sao cô không hỏi xin, làm gì mà người chả cho? Vả lại cô tự luyện lấy, nhất định có nhiều chỗ mình không hiểu rõ. Sao bằng sư phụ ở bên chỉ điểm cho chẳng hay hơn ư?

A Tử bĩu môi đáp:

– Sư phụ đã biểu không cho rồi, năn nỉ cũng bằng vô ích.

Kiều Phong đối với cô bé tính nết giảo quyệt này vốn dĩ không ưa. Ông cự tuyệt:

– Thế bây giờ cô muốn làm gì thì làm hay đi đâu thì đi. Tôi không dính líu gì đến cô nữa.

A Tử hỏi:

– Bây giờ ông đi đâu?

Kiều Phong đưa mắt nhìn mấy gian phòng ốc trong Mã phủ lửa cháy ngất trời, thở dài nói:

– Tôi toan đi rửa hận, nhưng không biết kẻ thù là ai. Thế là suốt đời tôi trên cõi thế gian này, đành ôm mối hận ngàn thu, không còn bao giờ trả được nữa!

A Tử nói:

– À! Tôi biết rồi. Chỉ có Mã phu nhân là biết kẻ thù đó, nhưng tiếc rằng tôi đã chọc giận cho mụ chết rồi. Từ nay trở đi ông không còn cách gì tìm cho ra được kẻ thù. Hay lắm! Hay lắm! Oai danh Kiều Bang chúa lẫy lừng mà bị tôi làm cho mất sạch.

Kiều Phong đưa mắt nhìn A Tử, thấy nàng lộ vẻ hớn hở đắc chí sau khi đã gieo tai rắc hoạ cho người. ánh lửa hồng chiếu vào khuôn mặt tươi thắm rất khả ái, ông nghĩ ngay đến chỗ sau bộ mắt trái xoan tươi thắm này, che đậy biết bao nhiêu ẩn ý thâm độc.

Kiều Phong giận sôi máu, giơ tay lên toan tát nàng một cái thật mạnh, song ông nhớ đến A Châu lúc sắp chết, khẩn cầu mình chiếu cố cho cô em ruột độc nhất của nàng liền lẩm bẩm: “A Châu đã dặn ta hết sức trông nom cô bé này, có lý đâu ta lại phải bội di ngôn của nàng? Dù cô bé này có là kẻ đại gian đại ác đi nữa, ta cũng phải hết sức sửa cho cô, huống chi cô còn nhỏ tuổi, kiến thức nông cạn thì tính nết bướng bỉnh nghịch ngợm là thường”.

A Tử ngẩng đầu lên, hất hàm hỏi:

– Sao? Anh định đánh chết tôi ư? Sao không đánh đi? Tỷ nương tôi đã bị anh đánh chết rồi. Bây giờ anh đánh chết cả tôi nữa cũng chả sao! Mấy câu này như mũi dao nhọn đâm vào gan ruột Kiều Phong, ông chua xót trong lòng, không còn biết nói sao, cắm đầu rảo bước đi trên con đường tuyết phủ, không ngoảnh cổ lại nữa.

A Tử cười, hỏi:

– Ơ kìa! Thong thả đã, đi đâu mà vội thế?

Kiều Phong đáp:

– Tôi không ở Trung Nguyên được, phải về ải Bắc và từ đó không trở lại đất này nữa…

A Tử ngoẹo đầu hỏi:

– Anh đi đường nào? Kiều Phong nói:

– Trước hết tôi tới Nhạn Môn quan.

A Tử vỗ tay reo:

– Thế thì may quá! Tôi định đi đến Tần Dương, cùng anh đi đường cho có bạn.

Kiều Phong hỏi:

– Cô đến Tần Dương làm gì? Ðường xa kể hàng ngàn dặm, một cô gái bé nhỏ đi một mình sao được?

A Tử cười, nói:

– Ha ha! Ðường xa diệu vợi thì sợ cóc gì? Tôi đã từ Tinh Tú Hải về đến đây, xa gấp mấy còn đi được. Ðã có anh là bạn đồng hành, sao lại bảo đi một mình?

Kiều Phong lắc đầu, đáp:

– Tôi không đi với cô được.

A Tử hỏi:

– Sao vậy?

Kiều Phong tiếp:

– Tôi là đàn ông, cô là con gái ít tuổi. Ngày đi đêm nghỉ có điều bất tiện.

A Tử nói:

– Anh nói gì mà kỳ vậy? Tôi chả bảo bất tiện thì thôi, còn anh thì việc gì mà bất tiện? Anh đi với tỷ nương tôi cũng chẳng ngày đi đêm nghỉ, đường xa muôn dặm là gì?

Kiều Phong hạ thấp giọng nói:

– Tôi đi với tỷ nương cô vì cùng nhau ước hẹn cuộc hôn nhân, đâu phải chuyện tầm thường?

A Tử vỗ tay cười, nói:

– Trời ơi! Thế mà nghĩ không ra. Tỷ nương tôi cũng như má má tôi, mà anh cũng như gia gia tôi, chưa kết nghĩa phu thê mà sớm đã thành đôi lứa rồi.

Kiều Phong tức mình quát lên:

– Cô không được nói nhăng. Tỷ nương cô đến lúc chết vẫn còn tiết sạch giá trong. Ðối với nàng, tôi vẫn một mực thủ lễ, một niềm kính trọng.

A Tử thở dài, nói:

– Anh lớn tiếng hăm doạ tôi làm chi? Tỷ nương tôi đãbị anh đánh chết rồi còn chi nữa?

Kiều Phong nghe A Tử nói Tỷ nương tôi đã bị anh đánh chết rồi thì trong lòng đau như cắt. Ông ôn tồn bảo A Tử:

– Cô nên về Tiểu Kính hồ ở với má má cô. Nếu không thì tìm nơi nào thanh vắng, đem cuốn sách đó ra luyện tập cho mau thành tài, rồi về chỗ sư phụ cô, đi Tấn Dương làm gì?

A Tử vẫn nằng nặc:

– Có phải tôi đi dông dài đâu? Tôi tới đó vì một việc khẩn yếu trọng đại. Kiều Phong lắc đầu, nói:


– Tôi không đi với cô.

Nói xong cất bước chạy nhanh.

A Tử cũng thi triển khinh công, vừa đuổi theo vừa gọi:

– Ðợi tôi với! Ðợi tôi với!

Kiều Phong không lý gì đến nàng, tăng gia cước lực chạy mau hơn. Ði chưa bao lâu, gió bắc lại bắt đầu thổi mạnh, trời tối dần. Kiều Phong đội gió, dầm tuyết mà đi rất mau. Ông nhớ đến mối thù sâu tựa biển không còn cách nào trả được, lòng uất hận vô cùng nhưng không còn cách nào được, đành gác bỏ, không nghĩ tới nữa, nên trong lòng lại thấy nhẹ nhàng lâng lâng.

Ði chừng được trên ba mươi dặm thì đến một thị trấn.

Ðây là cửa Trường Ðài ở phía bắc thành Tín Dương. Việc đầu tiên là ông tìm vào một tửu điếm.

Ông gọi lấy mười cân rượu đế, năm cân thịt và một con gà quay.

Kiều Phong uống hết mười cân rượu, lại gọi thêm năm cân nữa.

Ông đang rót rượu ra bát bỗng nghe có tiếng chân người.

Người bước vào quán chính là A Tử.

Kiều Phong vừa thấy nàng đã lẩm bẩm:

– Cô này lại đến phá tửu hứng của mình .

Ông liền quay đi giả vờ không trông thấy.

A Tử tủm tỉm cười, ngồi vào một bàn khác đối diện với Kiều Phong rồi cất tiếng gọi:

– Chủ quán! Lấy rượu cho ta!

Gã tửu bảo chạy đến bên, cười hỏi:

– Tiểu cô nương! Cô cũng uống rượu ư?

A Tử làm mặt giận gay gắt:

– Cô nương là cô nương! Sao ngươi còn thêm chữ tiểu vào. Làm sao ta không uống rượu? Mi lấy cho ta mười cân rượu đế, năm cân thịt bò, một con gà quay ra đây mau lên! Và phải dự bị năm cân rượu nữa để phòng ta gọi đến nghe! Gã tửu bảo rụt cổ lè lưỡi, chưa đi ngay còn đứng hỏi lại:

– Ối chao! Mẹ ơi là mẹ! Cô nương lại nói giỡn thôi, làm gì mà uống được nhiều thế?

Gã vừa nói vừa liếc mắt nhìn Kiều Phong, lẩm bẩm: “Cô ta chắc muốn chọc ông này rồi! Ông ăn uống thứ gì cô ta cũng gọi bấy nhiêu thứ”.

Gã còn đang ngẫm nghĩ, thì A Tử hỏi lại:

– Mi sợ ta không có tiền trả mi phải không?

Nói xong, nàng móc túi lấy ra một đĩnh bạc quăng lên trên bàn đánh xoảng một tiếng, nói tiếp:

– Ta ăn uống không hết, còn thừa thì đổ cho chó, nghe chưa?

Gã tửu bảo nở một nụ cười cầu tài, nói:

– Vâng! Vâng!

Gã lại liếc mắt nhìn Kiều Phong, lẩm bẩm:

– Cô ta muốn ăn thua với ông kia đâm ra mình ở giữa bị mắng .

Lát sau rượu thịt bầy lên bàn, gã tửu bảo lấy cái bát lớn đặt trước mặt A Tử, cười nói:

– Thưa cô nương, tôi xin rót rượu để cô xơi.

A Tử gật đầu, nói:

– Ðược lắm!

Gã tửu bảo rót rượu đầy ra bát lớn, lẩm bẩm:

– Cô uống cạn bát rượu này mà say lăn kềnh xuống đất tôi mới chịu là giỏi .

A Tử bưng bát rượu lên để vào miệng nhắp một chút, nhíu cặp lông mày, nói:

– Cay quá! Cay quá! Thứ rượu này khó uống lắm. Trên đời nếu không có mấy gã ngu xuẩn chịu uống thì rượu của ngươi không biết bán cho ai?

Tửu bảo lại nheo mắt nhìn Kiều Phong, thấy ông thuỷ chung vẫn không quay lại thì không khỏi cười thầm.

A Tử lại xé một miếng đùi gà, cắn một miếng rồi kêu lên:

– Trời ơi! Thịt ôi!

Gã tửu bảo cãi:

– Con gà này béo lắm, thịt của nó thơm ngon. Sáng nay nó còn gáy o… o… Thịt của nó tươi nguyên sao cô bảo thiu?

A Tử nói:

– Hừ! Thế thì có lẽ mình ngươi hôi thối, mà không thì trong quán này tất có khách hôi thối.

Lúc đó, trời xuống tuyết phơi phới như hoa bay, ngoài đường không có khách bộ hành. Trong quán rượu chỉ có Kiều Phong cùng A Tử là hai người khách hàng. Tửu bảo cười, nói:

– Vâng, chính người tôi hôi thối, dù sao tôi cũng phải nhận là mình tôi nặng mùi. Thưa tiểu cô nương! Cô ăn nói cần giữ ý tứ, không lại đắc tội với người khác.

A Tử hỏi:

– Ta làm gì mà đắc tội với người khác, chẳng lẽ họ phóng chưởng đánh chết ta ư? Nàng vừa nói, vừa cầm đũa gắp một miếng thịt bò bỏ vào miệng nhưng không nhai không nuốt, lại nhổ ra, kêu lên:

– Trời ơi! Thịt gì mà tanh thế, chắc không phải thịt bò mà là thịt người. Ðây đúng là hắc điếm!

Tửu bảo thấy nàng la như vậy, chân tay luống cuống, vội nói:

– Bò tươi vừa mổ, sao cô lại bảo thịt người? Thịt người làm gì có to thế này? Màu sắc đâu có được đỏ hổng như thịt bò?

A Tử hỏi:

– Ðược lắm! Ngươi bảo ngươi biết màu sắc thịt người, vậy ta hỏi, trong quán ngươi đã giết bao nhiêu người rồi?

Tửu bảo cười, đáp:

– Cô tiểu thư này hay nói giỡn quá! Cửa Trường Ðài thành Tín Dương là một thị trấn lớn. Chúng tôi mở quán đã đến bốn chục năm nay, làm gì có chuyện giết người bán thịt?

A Tử nói:

– Ðược rồi! Thế không phải thịt người thì cái gì tanh hôi như vậy? Trời ơi! Hay là đôi giày ta đi trên mặt đấy đầy tuyết phủ dẫm phải chứ gì?


Nói xong cầm một miếng thịt bò thơm ngon tươi thắm, bốc hơn lên ngùn ngụt lau giày. Ðôi giày nàng đã dẫm lên bùn lầy còn ướt.

Vừa lau vào, bùn đất rơi xuống, mỡ thịt đi trên mặt da khiến cho giày bóng loáng.

Gã tửu bảo thấy A Tử phí phạm của trời, lấy miếng thịt to tướng đem lau giày thì xót ruột quá, đứng bên không ngớt thở dài.

A Tử hỏi:

– Ngươi ấm ức điều chi mà thở ngắn thở dài?

Tửu bảo đáp:

– Món thịt bò rán của tửu điếm là một món có danh tiếng ở thịt trấn này, xa gần trong vòng trăm dặm chẳng ai là không biết. Thế mà cô nương lấy để chùi giày. Thế thì… thế thì…

A Tử trừng mắt hỏi:

– Thế thì làm sao?

Tửu bảo đáp:

– Tựa hồ cô nương có vẻ khinh thường món ăn của tiểu điếm quá.

A Tử nói:

– Ngươi nói vậy thì chính ngươi đã khinh thường đôi giày ta quá! Này nhé! Thịt bò lấy ở trong con bò, giày ta cũng lấy ở da bò ra. Sao ngươi bảo ta khinh thường món ăn của nhà ngươi? Thôi đi! Trong quán còn thức ăn gì không ngươi nói cho ta nghe?

Tửu bảo đáp:

– Món ăn thì nhiều thứ, nhưng chỉ đắt tiền thôi.

A Tử móc trong bọc ra một đĩnh bạc nữa quăng lên bàn đánh choang một tiếng, hỏi:

– Bấy nhiêu đã đủ chưa?

Tửu bảo thấy đĩnh bạc nặng tới năm lượng. Tính cả rượu và đồ nhắm cũng đủ, vội cười nói:

– Ðủ lắm rồi, đủ lắm rồi! Có gì mà chả đủ? Tiểu điếm có những món: cá chép, thịt cừu, gà quay, giò heo…

A Tử đáp:

– Tốt lắm, ngươi lấy mỗi thứ ba đĩa.

Tửu bảo nói:

– Cô nương ăn, tôi tưởng mỗi thứ một đĩa cũng đủ rồi.

A Tử sa sầm nét mặt, nói:

– Ta bảo lấy ba đĩa, thì ngươi cứ lấy ba đĩa, việc gì phải nói đi nói lại?

Tửu bảo vội đáp:

– Vâng! Vâng!

Rồi vội truyền ra lấy thức ăn đem đến.

Kiều Phong ngồi đó vẫn lạnh lùng như khách bàng quan. Ông cũng biết rằng A Tử đem tửu bảo ra làm cái bung xung, kỳ thực muốn gây chuyện với mình, can thiệp vào việc cô hay không là do mình. Ông vẫn giả tảng như không hay biết gì và tiếp tục uống rượu thưởng tuyết.

Một lát sau A Tử thấy nhà bếp đưa thịt cừu lên, bèn sai tửu bảo:

– Ngươi để đây một đĩa, đem một đĩa sang bàn vị quý khách bên kia, còn một đĩa nữa hẵng để bàn bên cạnh, rồi sắp bát đũa rót những thứ rượu hảo hạng ra để cả vào bàn đó.

Tửu bảo nói:

– Cô nương còn có khách nữa ư?

A Tử trừng mắt mắng:

– Ngươi thật là lắm chuyện! Phải giữ mồm miệng không ta xẻo lưỡi bây giờ!

Tửu bảo thè lưỡi ra cười, hỏi:

– Cô nương cắt lưỡi tôi ư? Tôi chỉ sợ cô cắt không nổi thôi!

Kiều Phong không khỏi động lòng đưa mắt nhìn gã tửu bảo, lẩm bẩm: “Thằng cha này lại muốn chết hẳn? Trêu vào con quỷ này phải biết”.

Gã tửu bảo đặt một đĩa thịt cừu lên bàn Kiều Phong.

Kiều Phong chẳng nói năng gì, cầm đũa gắp ăn liền.

Lát sau, người nhà bưng ba đĩa cá chép vào, một đĩa cho Kiều Phong, một đĩa để bàn A Tử, còn một đĩa cũng để sang bàn bên.

Kiều Phong cũng không cự tuyệt gắp ăn luôn.

A Tử mỗi đĩa chỉ nếm một miếng rồi la:

– Ôi lắm! Khét lắm! Những thứ này chỉ đáng cho chó ăn.

Rồi nàng bốc từng nắm thịt cừu, cá chép xát vào đôi giày.

Gã tửu bảo nhìn thấy xót ruột nhưng không làm sao được.

Kiều Phong đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ nghĩ thầm: “Con quỷ này thật là khó chịu! Ta mà vướng nó vào thân thì hậu quả tai hại không biết đến đâu mà kể! A Châu bảo ta chiếu cố cho ả nhưng ả là một con quỷ sứ đủ tinh khôn lắm rồi, cần gì phải có người trông nom cho nữa. ả tự liệu cho ả cũng thừa sức rồi, chả cần đến ta nhọc lòng nữa. Ta nên lánh xa ả, khỏi phải nhìn thấy nữa là yên thân hơn.”

Kiều Phong nghĩ đến đây, bỗng nghe xa xa có tiếng chân người đi trên mặt đất đầy tuyết phủ. Thân pháp người này rất là quái dị. Dường như y đi đường mà không co chân cất bước, cặp giò tựa như đôi gậy, chống xuống trượt tuyết mà đi. Cách ăn mặc của y cũng rất kỳ dị. Giữa tháng chạp đang lúc thịnh đông, y chỉ mặc một mảnh áo đơn bằng xô gai sắc vàng mà tuyệt đối không biết rét là gì cả.

Lát sau, y đi gần tới nơi.

Kiều Phong nhìn rõ người này tuổi chạc bốn mươi. Hai bên tai đều đeo một chiếc vòng vàng lớn. Mũi như mũi sư tử, miệng rộng quá đến mang tai. Tướng mạo rất hung ác, kỳ quái, rõ ràng không phải là một nhân vật Trung Nguyên. Dị nhân tới trước quán rượu vén màn bước vào.

Gã vừa thấy A Tử thì khẽ giật mình, rồi lộ vẻ mừng rỡ, muốn nói lại thôi.

Gã ngồi xuống bàn trống. A Tử bảo dị nhân:

– Sẵn rượu thịt đấy sao không ngồi xuống ăn đi?

Dị nhân thấy một cái bàn chưa có người ngồi mà đã bày đủ rượu thịt, liền hỏi:

– Phần ta đây phải không? Xin đa tạ sư Muội.

Nói xong, ngồi sang bàn đã bày rượu thịt, gã móc trong bọc ra một lưỡi dao nhỏ bằng vàng. Gã vừa cắt thịt vừa bốc ăn.


Một điều lạ hơn nữa là gã ăn cá không nhai xương vẫn không sợ hóc.

Gã trệu trạo rồi nuốt cả xương cá vào ruột.

Gã ăn từng miếng thịt to, uống từng bát rượu lớn, tửu lượng cũng khá lắm.

Kiều Phong nghĩ bụng:

“Té ra gã này là sư huynh của A Tử, chắc là đồ đệ Tinh Tú Hải Lão Ma”. Ông vốn dĩ không ưa tướng mạo cùng cử chỉ của gã này, nhưng thấy tửu lượng gã cũng gớm, thì lại nghĩ bụng: “Gã này cũng có chút bản lãnh đây”.

A Tử thấy gã uống cạn bát rượu, liền nhìn tửu bảo nói:

– Ngươi đưa thứ rượu này sang cho quý khách bên kia.

Nói xong, thò hai tay vào bát rượu quấy lên, rửa bàn tay nhầy nhụa mỡ màng rồi đẩy bát rượu đi một cái.

Tửu bảo tự hỏi: “Bát rượu này còn uống được kia ư?”

A Tử thấy tửu bảo ngần ngừ không chịu bưng bát rượu đi, liền giục:

– Sao mi không bưng mau đi, người ta đang chờ rượu uống.

Tửu bảo cười, nói:

– Cô nương lại nói giỡn rồi! Bát rượu này cô đã rửa tay vào, ai mà dám uống?

A Tử quắc mắt hỏi:

– Ngươi chê tay ta bẩn ư? Ðã thế thì ngươi uống đi một hớp, rồi ta cho một đĩnh bạc.

A Tử vừa nói vừa móc trong bọc ra một đĩnh bạc vụn cân nặng một lạng quẳng lên bàn.

Tửu bảo cả mừng, nói:

– Uống một hớp rượu mà được một lạng thì lời! Ðừng nói cô mới rửa tay, cô rửa cả chân vào tôi cũng dám uống.

Nói đoạn gã bưng bát rượu lên uống một hớp. Dè đâu rượu vừa uống vào miệng khác nào như miếng sắt nung đỏ, cháy cả đầu lưỡi. Ðau rát không chịu được.

Gã tửu bảo la lên một tiếng úi chao rồi há miệng, nhổ rượu ra. Gã đau quá hai chân giãy giụa rối rít, vừa giãy giụa vừa la:

– Trời ơi! Úi cha ơi là mẹ ơi!

Kiều Phong thấy vậy cả kinh, chỉ thấy gã càng kêu càng hầm hồ, không biết vì lẽ gì đầu lưỡi gã sưng lên. Chủ quán cùng những người cất rượu nghe tiếng rên vội chạy ùa ra, hỏi:

– Chi vậy? Chi vậy?

Gã tửu bảo đưa tay lên trỏ vào mặt mình chứ không nói được. Gã thè lưỡi ra thì đầu lưỡi gã sưng lên gấp ba người thường. Cả cái lưỡi đen xạm lại.

Kiều Phong lại càng kinh ngạc lẩm bẩm:

– Gã tửu bảo dường như trúng phải kịch độc rồi! Con quỷ cái này chỉ thò tay vào rượu ngâm một lúc mà bát rượu đã độc đến thế.

Mọi người thấy gã tửu bảo hình trạng kỳ dị như vậy, ai ai cũng bở vía, hốt hoảng la lên:

– Gã trúng độc rồi!

– Gã phải nọc rắn rết gì đây?

– Thôi chết rồi! Mau đi mời thầy lang.

Gã tửu bảo đưa tay trỏ A Tử, đột nhiên chạy đến trước mặt nàng quỳ mọp xuống dập đầu lạy binh binh.

A Tử cười, nói:

– Ta không dám! Ngươi yêu cầu ta việc chi?

Tửu bảo ngẩng đầu lên, trỏ tay vào lưỡi mình rồi cứ lạy hoài.

A Tử cười, nói:

– Ngươi muốn ta chữa cho phải không?

Tửu bảo đau quá, mồ hôi trán toát ra đầm đìa. Hai tay gã suýt xoa khắp mình mẩy rồi lại chắp tay vào dập đầu lạy mãi.

A Tử thò tay vào bọc lấy ra một lưỡi dao vàng nhỏ xíu, giống như lưỡi dao của gã mũi sư tử dùng để cắt thịt ra ăn. Nàng giơ tay ra nắm lấy sau ót gã, tay phải vung dao lên đánh xẹt một tiếng, cắt luôn một miếng đầu lưỡi gã. Mọi người bàng quan thất thanh la hoảng, chỗ đầu lưỡi bị đứt, máu tuôn ra như suối.

Ban đầu gã tửu bảo vừa đau đớn khủng khiếp, nhưng một lúc máu tươi chảy ra, đồng thời chất độc cũng ra theo mà đầu lưỡi giảm đau được một vài phần, lưỡi cũng không sưng nữa. A Tử lại móc trong bọc ra một bình nhỏ thuốc vàng bôi vào vết thương. Lạ thay, thuốc vừa bôi vào đã cầm máu được ngay.

Gã tửu bảo oán hận không xong mà tạ ơn cũng không phải.

Gã ngẩn ngơ nói ấp úng:

– Cô nương… cô nương.

Vì gã bị cắt mất đầu lưỡi nên nói không rõ được.

A Tử cầm đĩnh bạc vụn cười, nói:

– Ta bảo ngươi uống một hớp rượu thì ta mới cho lạng bạc này, nhưng ngươi uống vào lại nhả ra thì ta lấy lại. Ngươi muốn lấy đĩnh bạc này phải uống hớp khác.

Gã tửu bảo khoát tay lia lịa, hàm hồ nói:

– Tôi không uống rượu mà cũng không lấy tiền nữa.

A Tử cất tiền vào bọc, cười nói:

– Lúc nãy ngươi nói gì? Dường như ngươi bảo “Cô nương định cắt lưỡi tôi. Tôi chỉ sợ cô nương không đủ bản lãnh” có phải thế không? Bây giờ ngươi lạy lục năn nỉ ta cắt cho. Thế thì cô nương có đủ bản lãnh chăng?

Bấy giờ gã tửu bảo mới tỉnh ngộ mà biết tự mình nói một câu thất thố nên phải chịu đau khổ như vậy. Trong lòng gã căm hận không biết đến đâu mà kể. Gã toan ra tay rửa hận ngay lập tức, liều lĩnh đánh cho cô ả một mẻ. Nhưng gã lại thấy một tráng sĩ khôi ngô hùng vĩ ngồi bàn ngay trước mặt và lại là người đến cùng với cô một lúc nên gã đâm ra khiếp đảm.

A Tử lại hỏi:

– Ngươi không uống rượu ư?

Tửu bảo tức mình đáp:

– Lão… lão gia…

Gã chỉ nói được mấy tiếng, toan thoá mạ A Tử cho hả giận, nhưng trong lòng vẫn kinh sợ. Gã rảo bước chạy vào nhà trong không dám thò mặt ra nữa. Mọi người ai đi làm việc nấy. Một gã tửu bảo khác được đưa ra phòng khách để hầu hạ ả. Gã tửu bảo mới này trông gương gã trước, nơm nớp lo sợ không dám nói một câu nào.

Kiều Phong không đè nén được cơn giận lẩm bẩm:

– Gã tửu bảo kia chỉ nói có một câu mà con tiểu quỷ này đã trị gã đến nỗi mang tật suốt đời. Từ đây sắp tới gã nói thành ngọng nghịu không rõ ràng được nữa. Cô ta làm việc này thật là độc ác vô cùng.

Bỗng nghe A Tử nói:

– Tửu bảo! Ngươi hãy cầm bát rượu này cho vị quý khách ngồi kia uống.

Nàng nói xong trỏ vào gã mũi sư tử.

Tửu bảo vừa thấy A Tử trỏ vào bát rượu, gã đã sợ run bắn lên.

Khi gã nghe nàng bảo đưa bát rượu cho người khác uống lại càng sợ nữa.

A Tử cười, nói:

– Ồ! Ngươi không muốn đưa bát rượu này cho ông khách kia uống, chắc là ngươi muốn uống. Nếu vậy càng hay. Ðây, ngươi bưng uống đi!

Gã tửu bảo khiếp sợ mặt không còn hạt máu, vội nói:

– Không, không… tiểu nhân… tiểu nhân không uống.

A Tử giục:


– Vậy thì ngươi bưng đi.

Tửu bảo vội nói:

– Vâng! Vâng!

Gã run lập cập bưng bát rượu dâng lên bàn gã mũi sư tử, vừa bưng vừa sợ không cẩn thận rót ra ngoài mấy giọt.

Lúc gã đặt bát rượu lên mặt bàn nghe kêu lạch cạch vì hai tay gã run quá.

Gã mũi sư tử hai tay bưng bát rượu lên chú ý nhìn kỹ rượu, để cách môi chừng một thước thì không đưa lên nữa mà cũng không hạ xuống bàn.

A Tử cười, hỏi:

– Nhị ca! Sao vậy? Tiểu Muội mời nhị ca xơi rượu mà nhị ca không nể mặt tiểu Muội ư?

Kiều Phong nghĩ bụng:

– Thứ rượu này độc vô cùng, quyết gã kia không phải nhịn nhục để cô ả muốn nói khích thế nào thì nói, chẳng lẽ gã uống vào để mất mạng ư? Dù người có nội công ghê gớm đến đâu cũng không thể chống lại được với thứ thuốc độc này .

Ngờ đâu gã mũi sư tử ngẫm nghĩ một lúc rồi đưa bát rượu lên môi húp “Ừng ực” rồi nuốt xuống bụng.

Kiều Phong giật mình tự hỏi:

– Chẳng lẽ gã này nội lực thâm hậu đến thế ư? Sao gã có thể chống nổi với bát rượu độc này?

Kiều Phong còn đang ngẫm nghĩ thì gã mũi sư tử đã uống cạn bát rượu, đặt bát xuống mặt bàn. Hai ngón tay cái còn rượu ướt đầm đìa gã tiện tay lấy vạt áo ra lau.

Kiều Phong là người có tính cách hào sảng, xong xử sự rất là tinh tế. Ông trầm lặng suy nghĩ một lúc rồi hiểu ngay, lẩm bẩm một mình:

– Phải rồi! Thằng cha này đã luyện được môn hoá độc đại pháp của Tinh Tú Lão Ma truyền cho. Trước khi gã uống, lúc cầm bát gã thò hai ngón tay cái vào trong rượu hồi lâu không uống ngay, thì ra gã đã thi triển môn hoá độc đại pháp đem nội lực chế hoá chất độc trong rượu. Khi chế hoá được chất độc rồi, gã mới uống vào bụng thì không còn gì đáng ngại nữa.

A Tử chờ gã mũi sư tử uống cạn bát rượu độc rồi ra chiều kinh ngạc, gượng cười nói:

– Nhị sư huynh! Công lực nhị sư huynh tiến bộ rất nhiều! Tiểu Muội xin mừng cho sư huynh.

Gã mũi sư tử mặc kệ cho A Tử muốn nói gì thì nói, gã ăn như rồng cuốn một lúc, cả bàn đồ nhắm mười phần đã hết chín rồi vỗ bụng, đứng lên nói:

– Ði thôi!

A Tử nói:

– Xin sư huynh cứ tuỳ tiện. Chúng ta còn có ngày tái ngộ.

Gã mũi sư tử trừng đôi mắt một to một nhỏ, nói:

– Sư Muội nói chi… Có ngày tái ngộ, sư Muội đi với ta ngay bây giờ!

A Tử lắc đầu, đáp:

– Tiểu Muội không đi.

Ðoạn nàng chạy đến bên Kiều Phong, nói tiếp:

– Tiểu Muội đã có lời hẹn ước với đại ca đây, chuyến này cùng đi Giang Nam với nhau.

Gã mũi sư tử trừng mắt nhìn Kiều Phong, hỏi:

– Cha này là ai?

A Tử nói:

– Sư huynh nói cái gì mà cha này với cha nọ? Y là thân phu tỷ nương tiểu Muội. Tiểu Muội là em vợ y. Thế là họ gần lắm.

Gã mũi sư tử nói:

– Sư Muội ra đề tiểu huynh đã làm bài xong rồi. Còn sư Muội quên lề luật của môn phái ta rồi ư?

Kiều Phong nghĩ bụng:

– Té ra A Tử kêu gã mũi sư tử uống rượu độc là đưa ra một vấn đề khó khăn, không ngờ gã lại giải quyết được .

A Tử lại nói tiếp:

– Sư huynh sao lại bảo là tiểu Muội ra đầu đề? Phải chăng sư huynh nói về chuyện uống bát rượu vừa rồi? Ha ha! Buồn cười quá! Bát rượu đó tiểu Muội dành cho gã tửu bảo uống, không ngờ đường đường một bậc cao đồ phái Tinh Tú lại đi uống thứ nước dơ dáy của gã tửu bảo uống thừa. Gã tửu bảo uống vào chẳng sao thì sư huynh uống có gì là lạ? Tiểu Muội xin hỏi sư huynh, gã tửu bảo tầm thường kia còn uống được thì đời nào tôi lại đem cái đó làm đề mục?

Tuy nàng cãi cối như vậy, nhưng muốn bác ý kiến của nàng cũng không phải là dễ. Gã mũi sư tử tuy trong lòng tức giận nhưng cố dịu, nói:

– Sư phụ có lệnh bảo ta đến tìm sư Muội về, sư Muội không về, sư Muội muốn chống lại mệnh lệnh của sư phụ phải không?

A Tử cười, đáp:

– Nhị ca ơi! Sư phụ thương tiểu Muội lắm kia! Nhờ sư huynh về bẩm lại với sư phụ rằng tiểu Muội đang đi đường thì gặp người anh rể cùng xuống Giang Nam du ngoạn ít bữa, đồng thời xem có thứ đồ cổ hoặc châu báu thì mua đem về biếu sư phụ.

Gã mũi sư tử lắc đầu, nói:

– Không được! Không được! Sư Muội lấy cắp của sư phụ…

Nói tới đây, gã đưa mắt nhìn Kiều Phong, tựa hồ sợ tiết lộ bí mật.

Ngừng một lát, gã lại nói tiếp:

– Sư phụ giận lắm đấy! Bảo sư Muội phải về ngay.

A Tử năn nỉ:

– Nhị sư huynh cũng biết là sư phụ khi đã nổi lôi đình mà còn bắt tiểu Muội phải về thì chắc là người có ý làm cho sư Muội phải đau khổ. Nếu lần này sư huynh không bênh vực tiểu Muội thì lần sau sư phụ có trách phạt sư huynh, tiểu Muội cũng không van xin cho nữa đâu.

A Tử nói câu này tựa hồ khiến cho gã mũi sư tử phải động tâm. Gã nghĩ đến A Tử còn nhỏ tuổi lại được Tinh Tú Hải Lão Ma rất cưng chiều. Nàng nói câu gì cũng được lão hay nghe. Gã mũi sư tử trầm ngâm một lúc rồi nói:

– Nếu sư Muội không chịu về thì phải đưa cho ta vật gì đem về làm bằng để phục mệnh. Có thế sư phụ mới nguôi giận được.

A Tử nói:

– Sư huynh bảo sao? Bây giờ phải đưa thứ gì để sư huynh đem về, tiểu Muội không hiểu?

Gã mũi sư tử dằn giọng nói:

– Này ta bảo cho sư Muội biết! Sở dĩ ta chưa động thủ mạo phạm đến sư Muội là ta còn nghĩ tình đồng môn đó. Vậy sư Muội phải biết điều chút mới được.

A Tử cười, nói:

– Tiểu Muội biết điều phải trái lắm chớ. Tiểu Muội mời sư huynh ăn cơm uống rượu là điều phải, còn sư huynh bức bách tiểu Muội phải về với sư phụ là điều trái.

Gã mũi sư tử nói:

– Nhiều lời vô ích. Bây giờ chỉ có hai đường, sư Muội chọn lấy một. Một là sư Muội giao cho ta hai vật đó đem về trình sư phụ, hai là sư Muội phải theo ta đi.

A Tử vẫn nằng nặc:

– Tiểu Muội không về đâu. Còn hai vật sư huynh nói đó, tiểu Muội chưa hiểu là vật gì? Phải chăng là những vật tiểu Muội đeo trong mình. Nếu vậy thì được…

Nàng vừa nói vừa rút cành kim thoa trên đầu ra, nói tiếp:

– Sư huynh cần có thứ để làm bằng cớ trình sư phụ. Vậy hãy cầm cành kim thoa này về là được.

Gã mũi sư tử tức giận nói:

– À, ra mi bắt buộc ta phải động thủ mới xong hả?

Nói xong gã tiến thêm lại một bước. A Tử biết nhị sư huynh mình đã học được sáu bảy thành những tuyệt nghệ của sư phụ. Bản lãnh gã cao hơn mình nhiều, quyết là mình không thể địch nổi. Huống chi võ công phái Tinh Tú cực kỳ hiểm độc. Nguyên ba mươi sáu đường quyền cước hoặc chiêu thức bằng khí giới của phái Tinh Tú không có chiêu nào là nhẹ nhàng cả.

Ðối phương chỉ trúng phải một chiêu thì không chết cũng không bị trọng thương đến thành tàn phế suốt đời, mà chết cũng thảm khốc phi thường. Vì thế mà các sư huynh đệ trong môn phái này không giao đấu với nhau bao giờ. Chỉ một chiêu hay một quyền để phân cap thấp là có người bị chết hay bị thương.

Giữa sư phụ và đồ đệ cũng không bao giờ diễn thử võ nghệ. Tinh Tú Lão Ma truyền thụ những yếu quyết cho đồ đệ rồi, mỗi người đi một chỗ mà rèn luyện. Bản lãnh cao thấp thế nào ai biết phận người nấy mà thôi. Trừ khi cùng nhau đối địch mới rõ hơn kém.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.