Bạn đang đọc Liêu Uyển Hồng – Chương 9
Chương 9: Khi nỗi cô đơn không còn như hình với bóng
Những ngày đầu tháng 12, Mi-chi-gân đón chào trận tuyết đầu tiên của mùa đông. Từ khi còn nhỏ Tuyết Nhung đã biết tên của mình bắt nguồn từ bài hát có tên “Edelweiss” – “Hoa tuyết”. Mẹ đã từng kể bộ phim nước ngoài đầu tiên bà và cha cô cùng đi xem là “m thanh của âm nhạc”. Khi những giai điệu của bài hát chủ đề phim vang lên, hai người đã vô cùng xúc động và tò mò trước khung cảnh hoa tuyết rơi được mô tả qua ca từ của nó. Mẹ Tuyết Nhung là người miền Nam, vì thế bà chỉ biết đến tuyết và hoa tuyết qua phim ảnh, chứ chưa từng được ngắm tuyết rơi bao giờ. Sau đó, vào một năm nọ, cha mẹ cô lần đầu tiên được đến miền Bắc. Mặc dù ở đó hoàn toàn không xuất hiện những bông hoa tuyết độc nhất vô nhị của vùng núi Alps, nhưng cuối cùng trên Vạn Lý Trường Thành, họ đã được tận mắt ngắm nhìn những bông tuyết trắng bay liệng khắp không gian và phát hiện ra hoa tuyết thật đẹp hơn trong phim rất nhiều. Cũng trong chuyến đi đầu tiên đó, mẹ mang thai, rồi sinh hạ một bé gái đặt tên là Tuyết Nhung. Bất luận là hoa tuyết của thung lũng trong phim hay là hoa tuyết rơi giữa nhân gian, cô gái của họ đều thanh khiết và xinh đẹp như chúng.
Thuở nhỏ nghe mẹ kể chuyện này, Tuyết Nhung chỉ cảm thấy thú vị vì tên mình gắn liền với một câu chuyện tình yêu đẹp. Mặc dù không thật hài lòng với cái tên nghe quá ư yếu đuối, nữ tính, đa sầu đa cảm đó, nhưng trong sâu thẳm trái tim mình cô cũng có chung cảm xúc giống như cha mẹ. Tuyết Nhung tò mò muốn biết thêm về phương Bắc, về cảnh vật của những đất nước ở đó và những bông hoa tuyết xinh xắn.
Song sự hiếu kỳ của Tuyết Nhung chỉ thực sự được thỏa mãn ở Mi-chi-gân chứ không phải ở Vạn Lý Trường Thành.
Hôm đó, Tuyết Nhung đang ngồi làm bài tập bên cửa sổ kí túc xá. Bỗng nhiên có thứ gì đó mỏng manh như tơ liễu nhẹ nhàng đáp xuống khung cửa sổ trước mặt cô. Tuyết Nhung nghiêng mình, muốn nhìn thật kĩ xem đó là gì, nhưng trong khoảnh khắc chúng đã vụt tan biến mà không để lại bất kỳ dấu vết gì. Cô vội vàng mở cửa sổ ra. Một đợt gió lạnh tràn vào phòng, mang theo những bông tuyết trắng bay phấp phới! “A! Là hoa tuyết! Chúng mới đáng yêu làm sao!” Giữa không gian mênh mang của đất trời, những bông hoa tuyết nhảy nhót trước mặt Tuyết Nhung, tinh nghịch đáp xuống bàn, xuống ly, dừng lại trên những trang sách. Song khi cô đưa tay ra bắt lấy, chúng liền tan biến thành những giọt nước long lanh trong suốt. Lúc này, Tuyết Nhung bỗng thấy xúc động vô cùng: Mọi thứ thật quá kỳ diệu! Có một sự khác nhau rõ rệt giữa hoa tuyết trong phim ảnh và hoa tuyết thực sự. Thứ cô nhìn thấy trong phim ảnh chỉ là những khung cảnh đẹp được tạo nên từ tuyết, còn những gì cô tận mắt ngắm nhìn lúc này lại vô cùng sinh động. Những bông hoa tuyết nhỏ bé kiên định và nghị lực thả mình rơi từ khoảng không u tối xuống nhân gian, để rồi tan chảy trong lòng bàn tay Tuyết Nhung với vẻ mong manh và dịu dàng nhất.
Thật tuyệt vời! Tuyết Nhung thầm kêu lên vui sướng. Lúc này, cô hiểu vì sao những người miền Nam như cha mẹ lại đặt cái tên ngập tràn sắc trắng, vừa lạnh giá vừa dịu dàng cho cô như vậy. Chắc cha mẹ mong ước cô lớn lên sẽ xinh đẹp, trắng trong, thuần khiết như những bông hoa tuyết. Nhưng khi ánh nắng mặt trời chiếu rọi khắp không gian, khi mùa xuân đến mỗi lúc một gần, vẻ đẹp trong sáng và dịu dàng ấy có mất đi như nàng công chúa xinh đẹp bỗng chốc biến trở lại thành cô bé Lọ lem sau tiếng chuông đồng hồ mười hai giờ? Tuyết Nhung thực sự không dám nghĩ đến điều đó.
Hoa tuyết, là thực, cũng là cổ tích. Cuộc đời người con gái là thực, song cũng là cổ tích. Hoa tuyết vẫn mãi là những bông hoa xinh đẹp và thanh khiết!
Mùa đông, từng trận tuyết ào ào kéo đến, những khó khăn của Tuyết Nhung cũng theo đó mà nhiều thêm. Mặc dù khi còn sống, mẹ đã chuẩn bị một khoản tiền đủ cho cô đi du học, nhưng khi thực sự sống trên đất Mĩ Tuyết Nhung mới nhận ra rằng số tiền đó không thể giúp cô trang trải hết những chi phí của cuộc sống. Ngoài tiền học, cô phải chi trả đủ thứ phí phát sinh mà trước đây không tính đến: nào là phải mua đồ dùng sinh hoạt cần thiết, sắm thêm ít quần áo mùa đông, rồi lại đi xem phim, nghe nhạc v.v… Tất cả những thứ đó khiến Tuyết Nhung buộc phải nghĩ đến việc đi làm thêm như những người bạn của mình. Vậy nên, cô liền nhờ Tim để ý tìm giúp xem có việc làm thêm nào mình có thể làm được không. Tim lập tức nói rằng anh đang muốn tìm một giáo viên dạy vĩ cầm cho em gái và nhận thấy Tuyết Nhung là người phù hợp nhất cho vị trí này; nhà Tim ngay cạnh trường, chỉ cần đi bộ là có thể đến đó; nếu Tuyết Nhung đồng ý, ngay ngày mai có thể đến dạy học.
Ngày hôm sau, Tuyết Nhung bắt đầu làm công việc đầu tiên của mình trên đất Mĩ. Nhìn bản đồ trên mạng có thể thấy nhà Tim quả không xa nhưng nếu đi đến đó trên con đường đầy tuyết thì lại là chuyện không dễ dàng gì. Mặc dù Tuyết Nhung đã mặc chiếc áo lông ấm áp nhất của mình nhưng cũng không thể ngăn được cái lạnh thấu xương của những trận gió tuyết đang tới tấp táp vào người vào cổ mình. Phong cảnh lãng mạn của đất nước phương Bắc và hình ảnh những bông hoa tuyết xinh đẹp đã bị xóa khỏi tâm trí cô, thay vào đó là những phân đoạn lờ mờ của bộ phim “Bác sĩ Zhivago”. Cô nghĩ có lẽ khi một mình đơn độc đi trên tuyết lạnh bác sĩ Zhivago cũng có cùng tâm trạng như cô lúc này. Để rồi sau khi vật lộn với gió tuyết, Zhivago đến được ngôi nhà gỗ nhỏ, phát hiện ra chiếc chìa khóa Lara để lại cho mình, mở cửa bước vào và thấy lò lửa đang tí tách cháy, cảm giác ấm áp đó thật xúc động biết bao!
Cuối cùng Tuyết Nhung cũng đã đến được nhà Tim. Trước mắt cô, mọi thứ hiện ra giống hệt cảnh trong phim “Bác sĩ Zhivago”: Tim ra mở cửa cùng cô em gái khoảng tám, chín tuổi với mái tóc vàng được tết gọn gàng sang hai bên. “Em tên là Anbel”, cô bé mỉm cười. Nụ cười đầy ngọt ngào và ấm áp đó dường như đã xua tan lạnh giá trong lòng Tuyết Nhung.
Anbel, cái tên đó nghe thật đáng yêu làm sao, chỉ khác một chữ cái với từ “Angel” – “thiên sứ”. Sau khi bước vào căn phòng rộng lớn mang đậm phong cách Scotland, Tuyết Nhung mới thực sự cảm thấy những tế bào đã đông cứng vì lạnh của mình hoạt động trở lại.
Ánh sáng ở ngoài hiên yếu ớt, những bức tranh sơn dầu treo trên tường nhìn rất giống khung cảnh trong các câu chuyện cổ tích, khắp căn phòng phảng phất mùi thơm phức của gỗ thông bị đốt. Khi bước vào phòng khách, Tuyết Nhung mới phát hiện ra hương thơm đó tỏa ra từ lò sưởi trong phòng khách. Những ngọn lửa tinh nghịch nhảy nhót trong lò, tràn đầy sức sống mãnh liệt. Tuyết Nhung nghĩ, những ngày tháng ở Trung Quốc, cảm giác về nhà là mùi hương thức ăn mẹ nấu; còn ở đây, đó là sự ấm áp lan tỏa từ những ngọn lửa trong lò sưởi. Trên lò sưởi treo những bức ảnh của gia đình Tim, trong đó Tuyết Nhung bị thu hút bởi một bức ảnh đen trắng đã ố vàng. Đó là bức ảnh chụp chung của một thanh niên da trắng mặc áo dài Trung Quốc và một vài người Hoa. Từ cách ăn vận của họ và bối cảnh bức ảnh, Tuyết Nhung đoán bức ảnh này được chụp từ thế kỉ trước. Tuyết Nhung đang chăm chú ngắm tấm hình với vẻ đầy tò mò thì Tim bước đến, chỉ vào người thanh niên da trắng đang mỉm cười rồi nói: “Chắc em đoán không ra nhỉ, đây là ông nội anh, ông đã từng sang Trung Quốc truyền giáo mười năm đấy.”
“Ở Trung Quốc ư? Khi nào vậy ạ?” Tuyết Nhung tròn mắt ngạc nhiên.
“Ở một miền quê vùng Tứ Xuyên, từ những năm 30 đến những năm 40 gì đó. Nghe nói hồi đó ông nội anh là người truyền giáo phương Tây trẻ nhất ở Trung Quốc, sau này vì nhiễm sốt rét nên ông buộc phải về nước.”
“Trời ơi! Ở đâu của Tứ Xuyên hả anh? Em cũng là người Tứ Xuyên đây!” Tuyết Nhung lại càng tò mò.
Tim lắc lắc đầu: “Hình như là Giang Nam hay Giang An gì đó ấy? Thật xin lỗi em, cái tên đó khó nhớ quá, anh thực sự không nhớ chính xác được.” Tim tỏ ra áy náy.
“Trời, nếu là Giang An thì chính là quê ngoại em!” Tuyết Nhung càng phấn khích: “Tim, anh không cần phải xin lỗi đâu, em chỉ tò mò muốn biết liệu ông cha ta có quen biết nhau ở Trung Quốc hay không thôi? Nếu đúng như vậy thì thật là thần kì!” Dứt lời, cả Tuyết Nhung và Tim đều bật cười vui vẻ.
Góc phải phòng khách đặt một chiếc đàn pi-a-no lớn ba cạnh, chẳng cần hỏi cũng biết đây chắc chắn là đàn của Tim. Quả thật, Tim bước đến bên đàn, đặt giá kẹp các bản nhạc xuống đất rồi nói với Tuyết Nhung và em gái: “Hai em ở đây dạy đàn và học đàn nhé! Nếu cần gì cứ gọi anh!”
Mọi thứ đều được chuẩn bị, nhưng khi Tuyết Nhung định bắt đầu bài dạy của mình thì Anbel liền buông đàn, ngẩng đầu lên hỏi với vẻ ái ngại: “Em có thể hỏi chị một câu được không ạ?”
“Dĩ nhiên là được rồi! Em muốn hỏi gì nào?” Tuyết Nhung thân mật đáp.
“Nếu em chăm chỉ học đàn cùng chị, thì bao lâu sau em có thể kéo một bản nhạc cho ba mẹ em nghe?”
Câu hỏi của cô bé làm Tuyết Nhung hơi bất ngờ: “Kéo cho bố mẹ em nghe ư?”
“Vâng ạ!” Anbel bình tĩnh nói tiếp: “Bố mẹ em đang ở cùng Thượng đế và các thiên thần của Ngài trên thiên đàng, nên không cô đơn đâu chị ạ. Nhưng em nghĩ, nhất định bố mẹ sẽ nhớ anh Tim và em lắm, vì thế em muốn kéo nhạc cho họ nghe!” Anbel vừa nói dứt lời thì mắt Tuyết Nhung đã ướt tự lúc nào.
Tuyết Nhung ôm chặt Anbel vào lòng. Tim cô thấy ấm áp nhưng nước mắt vẫn tuôn rơi.
Không biết Tim đã đến bên họ từ bao giờ. Thấy anh trai, Anbel vội sà vào lòng anh, khóc nức nở.
“Xin lỗi em nhé! Vì Anbel nhớ bố mẹ quá.” Ánh mắt Tim thoáng trầm tư. “Có lẽ vì ảnh hưởng từ ông nội nên bố mẹ anh có tình cảm rất đặc biệt với Trung Quốc. Hàng năm, cứ đến kỳ nghỉ hè là họ lại tranh thủ thời gian đến những vùng quê nghèo của Trung Quốc, dạy các y sĩ ở đó cách phẫu thuật đục thủy tinh thể cho người dân. Hai năm trước, trên đường đến Vân Nam, họ gặp tai nạn ô tô.” Tim cúi xuống, chà má vào má em gái an ủi: “Nhưng anh luôn tin rằng, cha mẹ đang sống một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc trên thiên đường dưới sự che chở và ban phước lành của Thượng đế. Vậy nên, anh luôn bảo với Anbel, mỗi ngày hai anh em đều phải sống thật vui vẻ và hạnh phúc.”
Sau này, mỗi khi nhớ đến những hình ảnh ngày hôm đó, trong lòng Tuyết Nhung lại xúc động nghẹn ngào: “Hải nội tồn tri kỷ, thiên thai nhược tỉ lân” (Khắp trong biển, còn người tri kỷ, ở góc trời như xóm làng gần)[1]. Mặc dù đặt câu thơ cổ chúng ta học từ thời tiểu học này vào hoàn cảnh bây giờ rõ ràng là cổ hủ, không hợp thời, nhưng giữa người xưa, người bây giờ, người Trung Quốc, người Hoa Kỳ ắt hẳn phải có sự gặp gỡ giao thoa ở một khoảng thời gian không gian nào đó. Chẳng trách, khi gặp Tim lần đầu tiên, Tuyết Nhung có cảm giác gì đó rất gần gũi, thân quen, thì ra ông cha họ đã từng sinh sống trên cùng một mảnh đất. Sự trùng hợp khó lí giải này chính là duyên phận! Không những thế, họ đều đã mất người thân, đều muốn tâm sự với những người đã khuất thông qua âm nhạc. Tim à! Chúng ta hãy nắm tay nhau, đưa theo cả cô em gái bé bỏng của anh đi hết cuộc đời cô đơn này nhé! Cũng từ hôm đó, tình cảm giữa Tuyết Nhung và Tim càng trở nên gần gũi.
[1] Trích bài thơ “Tống Đỗ thiếu phủ chi nhậm Thục Xuyên” của nhà thơ Vương Bột (Trung Quốc).
Dần dần, Tuyết Nhung cảm thấy mình đã bắt đầu thích nghi được với cuộc sống ở Mĩ. Khi mới đến đây, cô giống như một mầm non được gieo xuống đất, song giờ đây mầm non ấy đã bén những chiếc rễ đầu tiên. Có những lúc, Tuyết Nhung lại nghĩ mình như một bông hoa tuyết cô độc. Trước tiên nó rơi lên một bông hoa tuyết khác, sau đó cả hai gắn kết với nhau, cùng rơi xuống một bông hoa tuyết khác, từ một bông biến thành hai bông, ba bông, rồi thành một khóm, một cụm. Cô quen Lancer đầu tiên, sau đó là đến Tim, Susan, Sarah, Mia, Brian… Dĩ nhiên, trong nhóm bạn đó còn có Ngô Vũ.
Bây giờ, ngoài khoảng thời gian dạy đàn ở nhà Tim, Tuyết Nhung và nhóm bạn của mình thường cùng nhau đến quán bar Casablanca nơi Tim thường xuyên đệm đàn pi-a-no. Đôi lúc, đám con trai gọi rượu uống còn Tuyết Nhung, Susan và những cô bạn sẽ gọi trà sữa hay nước cam ép. Họ cùng nhau nói chuyện, uống nước, giết thời gian.
Từ buổi khiêu vũ, họ đã gặp gỡ và quen nhau. Như có một sức mạnh vô hình nào đó, những con người có tính cách, hoàn cảnh khác nhau bỗng dưng gắn kết với nhau, tạo thành một vòng nhỏ các mối quan hệ xã hội. Về điểm này, Tuyết Nhung thấy rất lạ lùng. Nếu dựa theo những gì cô biết về con người Ngô Vũ thì người con trai Trung Quốc này chắc chắn không ưa gì những anh chàng như Lancer hay Brian, và cũng không bao giờ kết bạn với họ. Hay như Susan, rõ ràng biết Lancer thích cô, nhưng vẫn dính chặt lấy cô. Hay như chính bản thân Tuyết Nhung, cô biết rõ Susan là tình địch, nhưng lại không hề bận tâm đến điều này, vẫn coi Susan là bạn tốt. Dĩ nhiên còn cả Tim, song đến tận bây giờ Tuyết Nhung vẫn chưa thể hiểu hết con người anh ấy. Tim là một người hiền từ điềm đạm, hiểu biết và trưởng thành như một tiền bối, làm sao có thể nằm trong nhóm những đứa bừa bãi vô tổ chức của bọn cô được?
Song trong lòng Tuyết Nhung không thể không thừa nhận, những giờ phút vui vẻ, thanh thản nhất mà cô có từ sau khi mẹ ra đi là được tụ tập với nhóm bạn này. Từ nhỏ, Tuyết Nhung đã lớn lên trong ngôi nhà chỉ có hai mẹ con. Để tránh những lời gièm pha, mẹ ít khi giao lưu với mọi người. Với Tuyết Nhung, mỗi ngày ngoài giờ lên lớp học đàn, là thời gian dành cho luyện đàn và các cuộc thi. Có thể nói, những năm tháng tuổi thơ, ngoài Ngô Vũ, cô không còn người bạn nào khác.
Ngày vào đại học, do nhan sắc và thành tích học tập xuất sắc, các bạn nữ luôn ghen tức hoặc giữ khoảng cách với cô, không dám lại gần. Còn các bạn trai vì thấy mẹ lúc nào cũng bảo vệ Tuyết Nhung quá mức, nên nghĩ cô là mĩ nhân lạnh lùng, kiêu sa đài các, không thể với tới. Vậy nên, suốt quãng đời sinh viên, Tuyết Nhung lúc nào cũng cô độc, không thể hòa hợp với những người xung quanh.
Cuối cùng Tuyết Nhung đã có bạn, đã được biết thế nào là tình bạn trên đất Mĩ. Điều đó khiến tâm trạng cô lúc nào cũng vui tươi. Chỉ đến bây giờ, Tuyết Nhung mới có cảm giác được sống theo cách của mình. Cô yêu quý những người bạn này, và họ cũng yêu quý cô. Còn chuyện gì vui vẻ hơn được cùng họ tụ tập. Xem ra mẹ đã đúng đắn khi quyết định đưa Tuyết Nhung đến Mĩ, đó chính là món quà cuối cùng quý giá nhất mà mẹ đã tặng cho cô.