Bạn đang đọc Lịch Sử Phấn Đấu Của Mẹ Nhân Vật Phản Diện – Chương 51
Chương 51
“Ặc…..nhưng cái kia, đắt quá!”
Quý Huyền hỏi: “Thế nó tốt không?”
“Nói như thế nào nhỉ, tốt thì tất nhiên tốt, dù sao Besson với Stein cũng là 1 trong 4 hãng đàn tốp đầu.
Nhưng Stein không phải loại tốt nhất, chưa kể giá của nó quá đắt.” Tiêu Vũ nói.
“Cái nào tốt hơn?” Quý Huyền tiếp tục hỏi.
Tiêu Vũ liếc mắt nhìn anh cười: “Anh mua cho tôi thật à?”
“Mua” Quý Huyền nói tiếp: “Tiền dù nhiều thế nào đi chăng nữa nếu không tiêu thì cũng chỉ là đống giấy vụn cả thôi.”
Tiêu Vũ gật đầu tán đồng: “Kiếm tiền thì phải tiêu, điểm này tôi đồng ý.
Chỉ có điều, nếu anh mua nó, tôi trả không nổi.”
“Tôi không cần em trả.” Quý Huyền nói.
“Nhưng tôi ngại, dùng không đồ của anh tôi ngại lắm.”
Quý Huyền quái dị nhìn cô: “Đương nhiên có tiền thì mới cho em, hơn nữa em là mẹ của tụi nhỏ, cứ coi như đây quà hai đứa tặng em, đúng không Tiểu Du?”
“Dạ đúng rồi.
Mẹ ơi, đây là quà con tặng mẹ.
Mẹ cứ chọn đàn mẹ thích đi, Tiểu Du mua cho mẹ.” Khi Quý Du nói câu này, mặt cô bé vô cùng bình tĩnh.
Tiêu Vũ đang định trả lời nhưng ngẫm đi ngẫm lại vẫn cảm thấy có chỗ nào không đúng! Cô quay sang hỏi Quý Du: “Con có bao nhiêu tiền?”
Quý Du cúi đầu bẻ ngón tay tính nhẩm, tính một hồi mới ngửa mặt lên trả lời mẹ: “Hình như con có 200? Không đúng, 300?”
Tiêu Vũ: “…..”
Quý Huyền nói hộ Quý Du: “Là 356 vạn.”
Tiêu Vũ: “……”
Cả Quý Huyền và Quý Du đều cau mày nhìn Tiêu Vũ: “Sao vậy?”
“Anh cho con bé 356 vạn tiền tiêu vặt?” Tiêu Vũ hỏi lại.
Quý Huyền cũng hỏi lại: “Thì sao?”
“Anh không thấy nó quá nhiều ư?” Tiêu Vũ tiếp tục hỏi.
“Nhiều?” Quý Huyền nhíu mày nhìn cô: “Không nhiều đâu, chỗ đó là tiền mừng tuổi của con bé đấy.”
Quý Du trả lời thay ba: “Không nhiều đâu mẹ.
Con đã để dành rồi ạ.”
Tiêu Vũ cười nhẹ: “Ừ.” Xin lỗi, cái nghèo đã hạn chế trí tưởng tượng của cô.
Quý Huyền còn bồi thêm: “Cổ tức mỗi năm con bé nhận về còn nhiều hơn, tôi giúp con bé để dành trong một cái thẻ khác rồi.
Nhắc đến cái này mới nhớ, tôi cũng nên chia cho Tiểu Quang một ít cổ phần công ty nhỉ.”
Tiêu Vũ: “Ồ, cho nên 300 vạn chỉ là số lẻ!”
Sau đó cô thấy Quý Huyền và Quý Du dùng ánh mắt “Đó không phải điều đương nhiên sao?” nhìn cô.
Tiêu Vũ nghiêm mặt nói: “Chúng ta xem dương cầm đi!”
Thế là một nhà ba người lại tiếp tục xem đàn.
Đi tới đi lui không ngờ đụng trúng nhóm học sinh ban nãy, nhóm học sinh này đang nói chuyện với gia đình ba người.
Khi đi ngang qua, Tiêu Vũ nghe thấy cô học sinh ban nãy mỉa mai cô đang nói với cô con gái: “Cây đàn quan trọng thế nào đối với người học dương cầm không phải em không biết? Dùng một cây đàn chất lượng thấp sẽ ảnh hưởng không tốt tới thính giác của chúng ta.
Em ngẫm xem, tất cả những người học dương cầm đều nỗ lực như nhau, nhưng tại sao lại không có thành tựu giống nhau? Thời gian luyện như nhau mà kết quả khác nhau thì chắc chắn là do phần cứng.” [1]
[1] Phần cứng ở đây là chỉ những cơ sở vật chất, những yếu tố không phải tinh thần tác động đến việc luyện đàn.
Cô nữ sinh vỗ nhẹ vào cây dương cầm trước mặt và nói: “Cửa hàng dương cầm này trông có vẻ không lớn nhưng lại là cửa hàng hiếm hoi ở thành phố bán tất cả các loại đàn, từ những cây đàn tốp đầu cho đến những cây đàn phổ thông loại C.
Điều quan trọng là mỗi cây đàn ở đây đều là hàng chính hãng, hơn nữa giá cả rất phải chăng.”
Cô con gái nhỏ bị cô nữ sinh nói đến hai mắt lấp lánh như sao, gật đầu lia lịa.
Cô nữ sinh kia đắc ý phổng mũi: “Cho nên 60 vạn đối với cây Besson 170 này không tính là đắt, nguyên giá gốc bán ở nước ngoài đã 112 nghìn USD.
Nếu bà chủ chịu bán thì tập luyện với cây đàn này là một loại hưởng thụ đó.”
Cô con gái quay đầu lại nhìn ba, ba cô bé lắc đầu cười gượng, ông chưa bao giờ nghĩ nuôi một nghệ sĩ lại tốn kém như vậy.
Cây đàn dương cầm ở nhà là đàn loại C mua ở một cửa hàng đồ cũ với giá 4800 tệ.
Cứ tưởng vậy là xong, ai ngờ con gái ông học dương cầm càng lúc càng giỏi, có thể tham gia các cuộc thi khác nhau, thậm chí có thể thi đấu ở các cuộc thi chính thức.
Mỗi lần tham gia các cuộc thi không chính thức sẽ phải trả một khoản tiền là 5000 tệ.
Về sau có một nhóm chơi đàn nói với ông, mấy cuộc thi này tổ chức ra chỉ để thu tiền, không được các tổ chức quốc tế công nhận.
Ngoài mấy điều vừa kể thì tiền học dương cầm cũng rất đắt.
Khi lên mẫu giáo, ông đăng kí cho con gái học dương cầm là vì lúc ấy nhà nào cũng đăng kí cho con học dương cần.
Ông không muốn con gái mình thua kém các bạn.
Một lớp có 10 học sinh, mỗi buổi dạy 60 phút, 95 tệ một em.
Sau này con gái lớn lên, tiền gia sư một thầy một trò khỏi phải nói, rẻ nhất cũng 200 tệ một giờ.
Sau đó các vị phụ huynh trong nhóm chỉ ông mời sinh viên từ các trường đại học về dạy, chỉ khoảng 120 tệ một giờ.
Lúc này gánh nặng mới nhẹ hơn đôi chút.
Đây là lần đầu tiên ông biết một cây đàn có thể mắc đến 80 vạn, đừng nói 60 vạn, ngay cả 10 vạn ông cũng không có.
Ông cho rằng một cây đàn cùng lắm chỉ 1, 2 vạn, tiền thế chấp nhà, tiền vay mua ô tô, tiền sinh hoạt của ba mẹ, hai vợ chồng còn đang gắng gượng, lấy đâu ra tiền mua một cây đàn dương cầm cao cấp.
Đối mặt với ánh mắt chờ mong của con gái, trong lòng ông cảm thấy vô cùng bức bối.
Ông là một người chất phác, người như ông sẽ không bao giờ cảm thấy yêu cầu của con gái là quá đáng mà chỉ cảm thấy bản thân vô dụng, khiến con gái phải chịu khổ theo mình.
Nhưng đúng lúc này ông nghe thấy một giọng nữ ngọt ngào vang lên: “Nghệ sĩ dương cầm phải dựa vào phần cứng? Tôi cảm thấy vấn đề không phải do phần cứng đâu, là không đủ tài năng thì có?”
Tiêu Vũ rất ít khi phủ nhận nỗ lực của người khác, ngay cả với Phí Vũ Đồng cô vẫn luôn bảo, dương cầm là loại hình đòi hỏi người chơi phải luyện tập liên tục, luyện cho đến khi mười đầu ngón tay bỏng rát, luyện cho đến khi bạn có thể truyền tải cảm xúc cho người khác thì bạn mới có thể thành công.
Nhưng lời của cô nữ sinh làm cô không thể không quản chuyện không đâu.
Chẳng nhẽ cô ta không thấy hoàn cảnh của gia đình kia sao? 60 vạn? Sợ là 10 vạn gia đình này cũng không có.
Tiêu Vũ là một người không có tiền, kiếp trước cô sống vô cùng khó khăn.
Khi còn nhỏ, nhà không có tiền, ba chị em cô thường xuyên bị bỏ đói, từ bé cô đã phải khóc lóc ăn vạ kiếm ăn.
Lớn lên không có tiền đi học, phải ra ngoài bươn trải kiếm tiền nuôi em trai ăn học.
Những ngày sung túc trong quá khứ hoàn toàn do có người bạn trai cũ giàu có.
Nhưng đó là cả một câu chuyện dài.
Phần lớn cuộc đời Tiêu Vũ đều không có tiền.
Cho nên cô hiểu sâu sắc cuộc sống không có tiền khó khăn đến nhường nào.
Khi cô không có tiền, đến 10 tệ cô còn chẳng có, lấy đâu ra thời gian nghĩ về dương cầm? Cô thậm chí còn phải nhặt rác dưới cái nắng như thiêu như đốt để kiếm miếng ăn.
Cho nên Tiêu Vũ có ác cảm sâu sắc với những gì cô nữ sinh kia vừa nói.
Lời cô ta nói sẽ lưu lại trong lòng cô con gái sự khát khao, cả nỗi tuyệt vọng, khiến cô bé mất đi sự ngưỡng mộ đối với ba mình.
Vì ba thậm chí không thể chu cấp cho cô bé một cây đàn tử tế.
Tất nhiên không phải đứa trẻ nào cũng nghĩ vậy, nhưng luôn có những đứa trẻ không chịu được sự cám dỗ.
Trong mắt cô con gái kia rõ ràng có sự khát khao, cô bé muốn, muốn chiếc đàn kia.
Nữ sinh nghe thấy Tiêu Vũ lên tiếng thì sửng sốt quay đầu lại nhìn cô, tức giận nói: “Cô nói thế là có ý gì hả?”
Tiêu Vũ cười nhạt: “Lần đầu tiên tôi nghe nói đổi một cây đàn tốt là có thể trở thành nghệ sĩ dương cầm đấy.
Tôi chẳng có ý gì đâu, chẳng qua tôi luyện đàn hơn 20 năm mà vẫn chơi không tốt, giá cây đàn Bech D282 thế nào? Chắc tầm gần 200 vạn nhỉ? Cô nói xem nếu tôi mua nó liệu tôi có thể trở thành nghệ sĩ dương cầm hay không? Từ bé tôi đã ước mình có thể trở thành nghệ sĩ dương cầm rồi.” Tiêu Vũ chỉ về phía cây đàn dương cầm ba chân màu đen ở giữa phòng.
Cô nữ sinh bị Tiêu Vũ nói đến đỏ bừng cả mặt, gân cổ lên mắng: “Bech D282 là cây cô nói mua là mua được à? Nếu từ nhỏ cô đã dùng nó thì sợ gì không thể trở thành nghệ sĩ dương cầm.”
Tiêu Vũ phá lên cười, sau đó nói: “Vậy xin lỗi, tôi chính là từ bé đã dùng Bech D282 để luyện đàn đó, tôi thì tôi chẳng quan tâm mình dùng đàn gì đâu.
Chỉ có ba tôi tương đối để ý một chút, nhưng tôi dùng Bech luyện tập từ bé đến giờ mà có thành trở thành nghệ sĩ dương cầm đâu.” Thở dài một hơi rồi nói tiếp: “Haizz, 25 tuổi đầu rồi mà ngay cả 1 cuộc thi chính thức vẫn còn chưa tham gia.”
Nữ sinh: “…..”
Bạn cô nữ sinh kia kéo tay bạn mình bảo: “Tiểu Tinh, cậu đừng nói nữa, lúc nãy cậu nói vậy đã không đúng rồi.”
Tiểu Tinh: “…..”
“Hoá ra cô tên là Tiểu Tinh.
Chào cô chào cô, tôi họ Tiêu, tên Tiêu Vũ.
Ngại quá, nói nhiều như vậy, cô xem cô bé này còn nhỏ như vậy, cô có cây đàn nào khác giới thiệu cho con bé không?” Tiêu Vũ cười hì hì.
Tiểu Tinh: “…..!Không có tiền thì có thể dùng hàng trong nước.”
Tiêu Vũ ngồi xổm xuống trước mặt cô con gái: “Một nghệ sĩ dương cầm chân chính phải dựa vào nỗ lực tập luyện cả ngày lẫn đêm.
Nếu em cứ lo lắng mãi vấn đề mình dùng đàn gì mà bỏ bê luyện tập thì em chỉ càng cách xa nó mà thôi.
Nói đến vật chất, em có bao giờ nghĩ rằng mình đang dần xa cách ba mẹ mình không, quay lại nhìn ba em xem.”
Cô gái tầm khoảng 12,13 tuổi, quay đầu nhìn ba mình.
Tiếng Tiêu Vũ nhẹ nhàng vang lên bên tai cô bé: “Những thứ em học được từ dương cầm liệu có xua tan được mệt mỏi trên mặt ba em không?”
Tiêu Vũ mỉm cười vỗ đầu cô gái, sau đó đứng dậy nói chuyện với ba mẹ cô gái: “Con anh chị còn nhỏ, dùng đàn bình thường luyện tập là được.
Anh chị có thể tham khảo ba thương hiệu nội địa như Helen, Tây Hải và Châu Giang.
Nếu ngân sách dưới 2 vạn thì tôi khuyên anh chị nên mua Helen, nó là loại đàn cổ điển, cũng thích hợp sử dụng trong nhà.
Ba loại đàn tôi vừa kể có giá ngang nhau, nhưng Helen có cấu hình cao nhất trong cả ba.
Tất nhiên tất cả chỉ là ý kiến cá nhân của 1 mình tôi, anh chị có thể xem xét cái khác.”
Ba mẹ cô gái hết sức ngạc nhiên, liên tục nói cảm ơn Tiêu Vũ, còn cô con gái thì không thấy lên tiếng.
Tiêu Vũ nhìn khuôn mặt thở phào nhẹ nhõm của cặp vợ chồng rồi dẫn Quý Huyền rời đi.
Quý Du đi sau Tiêu Vũ bảo: “Mẹ ơi, mình mua cây đàn lúc nãy mẹ bảo đi.”
Tiêu Vũ quay đầu hỏi lại: “Con nói gì cơ?”
“Cái gì mà 282 ý, cái đó, chúng ta mua cái đó đi.” Quý Du nóng nảy.
“Không cần đâu, mẹ sẽ chọn cái khác.”
“Không” Quý Du quắp cả người lên chân mẹ, kéo mẹ về phía cây đàn ba chân màu đen, vừa kéo vừa hét: “Con muốn cái đó, mẹ dùng quen cây đó từ nhỏ rồi.
Nhất định phải là cái đàn kia, nhất định phải mua nó, mua nó cho mẹ con luyện tập.”
Tiêu Nhược Quang ngơ ngác nhìn mẹ, cậu bé hỏi: “Mẹ không thích cây đàn này ạ?”
Tiêu Vũ sờ cằm: “Không phải mẹ không thích, nó rất đẹp, tiếng cũng hay.”
“Vậy mua đi, mẹ thích mà.” Tiêu Nhược Quang nói.
Tiêu Vũ cười nói: “Nhưng mẹ không có tiền, mẹ không muốn dùng tiền của chị con để mua.”
Tiêu Nhược Quang nghiêng đầu bảo: “Vậy mẹ dùng tiền của con đi, lớn lên con sẽ kiếm tiền trả chị.”
Vì thế hai chị em đều được mẹ âu yếm ôm vào lòng.
Quý Huyền: “…..” Cả 3 ba con đều hứa mua cho cô ấy, nhưng tại sao đãi ngộ lại không giống nhau, thật bất công.
2020/08/09