Lãng Tử Hồi Đầu - Văn Ruộng

Chương 14: Xiv. Kết Cục


Đọc truyện Lãng Tử Hồi Đầu – Văn Ruộng – Chương 14: Xiv. Kết Cục

Sau khi ả vợ lẽ cuối cùng rời khỏi, mợ Phúc cũng bắt đầu hăng hái ổn định cuộc sống.

Ừ, là hăng hái. Hơn mười năm rồi, mợ mới có lại cảm giác này. Và tất cả đều là tự bản thân giành được.

Chỉ là, mợ không nghĩ có thể tiến hành nhanh gọn như thế. Thời khắc nảy sinh ý định phá hủy cái dung mạo hại nước hại dân của đức ông chồng, mợ nghĩ cũng phải mất khoảng ba bốn năm doạ đám yến oanh chạy mất. Có ngờ chỉ mới quạt chút gió đông, ông chồng của mợ lại nổi lửa đốt luôn khu rừng, chưa đầy một năm đã mất gần hết gia nghiệp vào tay người khác.

Đùa với lửa bị thiêu chết chính là đây, mợ không ngờ chỉ một bài khích vu vơ nhằm phân tán sự giàu có của họ Lý lại dẫn đến hậu quả tai hại dường này.

Thật lòng, mợ cũng rầu lắm chứ, của nả dẫu gì cũng là ông bà nội quá cố của thằng Hậu làm ra, nay chỉ vì chút lòng riêng của đứa dâu quá phận mà tan biến cả. Ngoài tiếc ra, mợ còn thấy có tội vô cùng.

Song dần dà rồi mợ mới thấy tội nợ gì đều chẳng lớn bằng niềm vui tâm tình thanh thản.

Với số tiền ít ỏi còn lại, mợ Phúc cùng chồng con quyết định lui về phần đất tổ tiên sinh sống. Cái ngôi nhà chục gian kia thì bán quách đi, để dành tiền cho thằng Hậu sau này sang Khoá bái thầy dạy chữ.

Ban đầu chồng mợ có vẻ không ưng cho lắm, cứ đi lại trong căn nhà bé tí mặt nặng mày nhẹ với cái tủ cái giường, lắm lúc mợ thấy mà chỉ dở cười dở khóc.

Lòng mang hổ thẹn, mợ để tay lên ngực quyết tâm sẽ một tay gồng gánh nuôi chồng. Nói gì đi nữa, cậu Phúc từ nhỏ đã ngậm ngọc lớn lên, bảo cậu sống đời thợ cửi tằm tang đúng là không thể. Cũng may cạnh mợ vẫn còn con Thì không chịu rời đi, chủ tớ đỡ đần cho nhau hẳn cũng no ấm qua ngày.

Ấy nhưng gồng gánh được đến hôm thứ nhì, mợ đã thấy cậu vác cuốc ra vườn xới đất.

“Ớ, thương tật cậu vẫn chưa khỏi hẳn mà còn vác cuốc tính làm gì thế ạ?” mợ bỏ tay ra mớ kén tằm đang luộc, vội vã chạy theo lo lắng hỏi han.

Cậu nhìn mợ rồi trợn mắt đáp, làm chồng mợ chứ làm gì.

Thế là cả ngày hôm đó, mợ Phúc và con Thì vừa ngồi luộc kén kéo tơ, vừa tròn mắt nhìn cậu con giời vật lộn với mảnh đất rỗi đến vã cả máu.

“Mợ ơi, mợ không tính nói với cậu… chỗ đất này vốn đang để nghỉ qua mùa ạ…?”

Mợ nó mỉm cười nhìn dáng vẻ lóng ngóng của chồng, nhún vai mà rằng, cậu mày muốn làm chồng mà, chiều cậu thôi con.

Xới đất được mươi hôm, cậu Phúc mới được chính thằng cu con cho hay, u bảo đấy là đất rỗi, thầy cuốc làm chi cho nhọc?

Cậu liền không nói không rằng chuyển sang giúp vợ lên rừng lấy củi.

“Chân cậu vẫn khập khiễng thế kia, lên rừng làm gì ạ?”

“Làm chồng mợ chứ làm gì.”

Chừng củi đã chất cao gần bằng cây gạo trong sân, thằng Hậu lại lon ton chạy đến hỏi thầy.

“U bảo sắp đến mùa mưa, bếp chẳng đủ lớn mà thầy mày cứ đốn củi mãi, chẳng biết để vào đâu bây giờ…”


Thế là cậu lại gác rìu đi học người ta dựng nhà chứa củi. Ban đêm về đến gặp mợ lo lắng chạy ra cổng đón, chưa kịp bị vặn hỏi cậu đã đáp ngay.

“Tôi đi làm chồng cho mợ đấy thôi.”

Đêm ấy, mợ giúp cậu tắm rửa đâu đấy xong xuôi, đang lúc lúi cúi dọn dẹp gian bếp thì bị cậu từ sau ôm lấy vật lên phản.

“Ơ thầy cậu làm gì thế này?”

“Thì lại là làm chồng mợ chứ gì.”

“Nhưng… đây là bếp đó! Nhỡ đâu con Thì xuống đây…”

“Xuống thấy thì tự giác né đi thôi.”

“…”

Thời gian cứ thế thoi đưa, bá Phúc một thời đã đổi nghề làm chồng cô hàng tằm chợ huyện. Người ta thấy cậu không những vác cuốc ra đồng cày cấy, đến nhà mua nhộng còn nhiều lần trông cậu phơi dong trên mái hoặc khom người thổi cơm. Da dê sạm nâu, thân hình vạm vỡ, nom cậu rất ra dáng nhà nông thạo việc.

Thế thôi cũng chưa thấm gì, hãi nhất là những khi chúng họ thấy cậu quang gánh giúp vợ lên chợ huyện bán buôn. Là cậu Phúc hào hoa phong nhã một thời đấy sao? Giờ còn có thể kỳ kèo tay đôi với mấy mụ con buôn chợ huyện, ôi là hãi…!

Lắm lúc có con gái làng xa ghé qua, nom thấy nửa mặt lành lặn của anh hàng tằm thì bị hút hết nửa cái thần hồn, ỏn ẻn ghé vào hỏi mua tấc lụa. Chờ đến khi anh này lộ ra nửa bên bị hoại, nửa hồn còn lại của các nàng cũng bị giật thót bay tít lên giời, vội vã kéo nhau ào ào té chạy.

Mỗi lần chuyện này diễn ra, đám con buôn cùng chợ đều tỏ ra ngại thay đôi vợ chồng trẻ. Cơ mà đối tượng được cảm thương, quái lạ thay, lại chẳng lấy gì buồn khổ cho cam. Con vợ thì tủm tỉm cười, thằng chồng lại nhìn vợ rồi cười tủm tỉm. Dọc đường về nhà, vợ còn cười nụ đùa chồng.

“Chán chửa, cứ ngỡ ra giêng lại có thêm đứa gái đỡ đần việc nhà cơ đấy…!”

Chồng khịt mũi, buông gánh nhìn quanh, thấy không có ai bèn kéo vợ vào lùm, tốc váy lên làm liền một mẻ mê tơi.

Đến hồi xong việc, bầu trời cũng lấm tấm sao. Chồng nằm ấp người ngọc trong lòng, vuốt mồ hôi trên trán vợ mà rằng.

“Giờ còn cách tháng giêng những mươi tháng đấy, mình làm một đứa gái nữa đỡ đần mợ nhé?”

Mắt mợ long lanh nhìn cậu hồi lâu, từ từ rũ mi cười nhẹ.

“Chờ nhà mình khá lên chút nữa thầy cậu ạ…”

Cậu rúc đầu vào cổ mợ hít hà, thật ra cũng chỉ để giấu đi đau đớn vỡ oà trong mắt.

“Ừ, tôi chờ…”

Thì ra, đi đến tận bây giờ, mợ vẫn chưa hoàn toàn trao lòng cho cậu. Chờ nhà cửa khá hơn gì chứ? Vốn dĩ mợ có phải là đàn bà sợ khổ cho cam…?


Chỉ là, mợ sợ càng nặng nợ với chồng mà thôi. Con người ta còn chừa ra lối, nghĩa là vẫn còn muốn thoát khỏi. 

.

Vợ chồng bồi duyên đắp nợ được thêm cái tết nữa, thằng cu Hậu cũng đến tuổi rời nách thầy u ra ngoài xin lấy con chữ. Vợ chồng sửa một mâm lễ, thuê chiếc xe bò chở sang làng Khoá cầu thầy cho con. Đức ông này nghe bảo trước kia đã từng từ chối làm quan, thế nhưng học trò dưới tay đã có hai ông trạng và ba ông thám, quan to quan nhỏ đều có học trò đức ông rải rác khắp nơi. Muốn bái được vị này làm sư, ít nhiều phải qua hai kỳ khảo thí.

Vật vã nửa tháng, cuối cùng thằng con quý hoá họ Lý cũng được nhận vào. Khổ vì nhà xa, thầy đồ ra điều kiện phải để cậu nhỏ ở luôn đây học, sau vì tránh việc xao nhãng cũng hạn chế người thân đến thăm, mỗi năm chỉ cho về nhà bốn bận.

Mợ Phúc còn đang lưỡng lự chưa biết tính sao, chồng mợ đã cười toe gật đầu ngay tắp tự.

“Thế càng tốt thầy ạ, nó ở nhà càng ít thì càng đỡ giành vợ với tôi.”

U con nhà này chỉ còn biết trợn mắt nhìn trụ cột gia đình, trong lòng vô cùng bất lực.

Từ ngày đó, công cuộc bồi đắp giữa vợ chồng quá-son càng thêm thắm thiết. Có những buổi đêm vợ chồng cặm cụi đếm tiền rồi rúc vào nhau cười lên rinh rích. Mấy ngày liền dắt díu nhau ra chợ tìm nơi mở hiệu buôn tơ, tối mờ về đến vợ đã ngủ khò trên tấm lưng chồng tự biết bao giờ. Dọc đường lội qua ngòi có mấy bà nom thấy trêu đểu, nhà anh này chắc là đầy tớ cho vợ, chồng lại rất vui vẻ đáp lời.

“Lại chả? Các bác xem mặt tôi thế này, nó lại thế kia, không lo nuông chiều thì nó bỏ tôi đi mất…!”

Đến đang ngủ mơ mợ vẫn bật cười.

Rõ ràng, mợ đang rất vui, niềm vui lớn gấp mấy lần mười năm nay cộng lại.

Nhà vắng hơi trẻ con nên lạnh đi đôi chút, được cái vợ chồng càng xích lại gần nhau. Thói thường thì đã đè nhau nặn thêm vài mống cho vui cửa vui nhà. Khổ vì mợ vẫn mắc mứu trong lòng chưa thể buông ra, đơm hoa kết trái gì mợ đều gạt đi không muốn nghĩ. Nhất là chứng kiến cảnh nhà ngày càng ăn nên làm ra, mợ mơ màng một nỗi lo nhà giàu sinh tật, do đó cũng đã nhiều phen hãm lại tài buôn của chồng. Cả hai cứ sát cánh chung vai sớm hôm tảo tần thế này, mợ thấy lại hay hơn cả.

Phần cậu, vợ cứ thấy hay thì cậu nuông thôi. Nửa đời trước nhung lụa ngập người, cậu lại thấy chẳng ấm bằng chõng tre chăn vải. Lắm lúc nhọc quá cậu cũng bày đặt thâm sâu ngẩng đầu hỏi giời có đáng, chỉ một nụ cười tình từ con vợ cũng đủ làm cậu xoắn hết ruột gan, chớp mắt quăng hết bao nỗi trái ngang ra sau gáy.

Cuối cùng thì cậu cũng nhớ ra thuở ban đầu mình yêu gì ở cô hàng tằm đáo để này rồi.

Là cái sự ngang tàng ẩn nấp dưới lớp vỏ dịu dàng nền nã.

Ừ, phải ngang chứ, ngang mợ mới không giống người mà dám nghĩ đến chuyện bỏ chồng theo trai…

Cũng rất lâu rồi cậu không còn dùng được khả năng đọc ý nghĩa kia nữa, không biết bây giờ gương mặt chàng trai trong giấc mộng bỏ chồng của mợ là ai…?

Sang xuân, thấy con Thì đã lớn, mợ kéo cậu ra chọn giúp chồng cho nó. Bu con bé vài năm trước mất đi đã trối trăn giao nó cho mợ, mợ thấy mình chẳng khác chi bậc phụ mẫu gả con gái trong nhà.

Hai vợ chồng ngồi hiệu buôn tơ tăm tia mấy ngày, cãi nhau mấy chập mới chọn ra được chàng rể ưng ý, giờ chỉ chờ mợ khéo léo đi đánh tiếng mà thôi. Nghĩ mình cũng chỉ một nửa vai u, mợ về hỏi ý con bé trước. Thấy nó rầu rầu đáp thuận, mợ nghĩ cũng chỉ là tâm lý gái lớn không muốn xa nhà, bèn không để tâm cho lắm.

Đến ngày đội lễ lên chùa mượn dịp bắt chuyện với nhà kia, dọc đường bị chặn bởi một nhân vật không ngờ đến, mợ Phúc nhà này mới vỡ ra cái lẽ.


“Con lạy mợ…! Mợ đừng gả cái Thì cho người ta! Con dập đầu lạy mợ…!”

Nhấc thúng đồ lễ cắp ngang hông, mợ Phúc nhíu mày nhìn chằm chằm thằng đàn ông quần là áo lượt đương xổ khăn quỳ trước mặt mình.

Hoá ra gã thích cái Thì! Bảo sao bao năm cứ cun cút một đường thẳng hướng theo sau lưng chồng mợ, mợ đã không ít phen ngỏ ý sêu vợ cho mà gã khăng khăng chẳng chịu cô nào, tam thập tuế mà vẫn một thân cô lẻ.

“Cậu Hinh này,” mợ buồn bã thở dài. “Chưa nói đến tuổi tác cậu gần gấp đôi con gái người ta, dù tôi có rộng lòng bỏ qua chuyện cũ, cậu nghĩ cái Thì sẽ muốn lấy giống phản phúc như cậu sao?”

Gã đàn ông ngẩng đầu nhìn mợ, bụi bặm đầy trán cũng không sao mịt nổi đôi mắt sáng ngời.

Đấy là lần đầu, mợ Phúc đi chùa mà đi đến tối mịt.

Câu chuyện hy hữu của thằng hầu khiến mợ cứ bần thần không thôi, lắm lúc nghĩ mình đang mơ ra tất cả.

“Lạy mợ, mạng con là cụ thầy cậu Phúc cưu mang, bao năm do một tay cậu đào tạo, bảo con phản vua phản chúa còn được, con làm sao dám phản nhà mình…?”

“Chỉ là… con phải làm theo lời cậu mà thôi.”

“Năm đó, biết mợ có ý không muốn chồng lành mặt, cậu tự đổi thuốc đắp trước cả mợ ra tay. Sau còn dặn con đem phần lớn gia sản lên quan làm chứng từ truyền hết cho cậu Hậu, phần con chỉ có trách nhiệm giữ đến lúc cậu thành đinh, giữa đường tiền của phát sinh thêm thì đều cho con cả, xem như bù vào cái tiếng phản phúc cậu xui con gánh.”

“Đàn ông có được mấy đàng hút bướm gọi hoa, cậu đều tự tay chặn đứng cả, cốt chỉ muốn mợ yên lòng sống đời với cậu. Vả chăng, cậu làm thế cũng là tuyệt lộ chính mình, sinh ra đa tình mà lỡ nặng nợ thủy chung, chỉ còn nước biến bản thân thành ra ghê tởm để bướm hoa thôi không vương vấn, cậu cũng chẳng cần lo sợ bản thân không qua được cám dỗ trên đời.”

“Con tằm sinh ra rút ruột nhả tơ, bướm ong sinh ra để vương hương phấn, ấy mà cậu vì mợ, đến cánh cũng vặt đi rồi, quay đầu chấp nhận làm sâu cả kiếp.”

“Mợ ơi, đàn ông hoa tâm đời này làm được đến thế, chỉ còn mỗi cậu con thôi…”

Từng lời từng chữ cứ thế nện vào lòng mợ lộp ba lộp bộp, loanh quanh trên chùa mãi gần tối mới chịu về làng. Ra đến con ngòi thấy cậu mắt đỏ đọc gân cầm đuốc hớt hãi lội sang, mợ chợt thấy lòng rã rời tơi tả.

“Con khốn! Đi đâu mà giờ này mới về?!”

Nghe cậu gầm gào, mợ cúi đầu thút thít như trẻ con phải tội.

“Em lên chùa vô ý vấp ngã, nghỉ cho hết đau mới dám đi đường…”

Chưa nói hết câu, cậu đã ném đuốc ôm mợ vào lòng, hành động thiết tha như chó con sợ bị chủ vứt. Được hồi hôn hít chán chê, cậu sụt sịt mũi xoay giấu mặt đi, lưng đưa ra tỏ ý bảo mợ leo lên.

Chồng lại nương theo ánh trăng cõng vợ về nhà, xuyên qua cổng vào tận giường mới chịu thả xuống. Nom thấy tủ rương đều bị mở toang, đồ đạc bị ném quăng vương vãi, mợ nghi ngờ nhìn cậu lúng túng dọn dẹp.

Không phải là cậu sợ… mợ dọn áo bỏ nhà theo trai đó chứ?

Nghe thấy tiếng động trong phòng, con trai mợ tông cửa xông vào khóc toáng. Hỏi ra mới biết, nó đang an ổn học hành ở nhà thầy đồ, tự dưng thằng cha trời đánh lại bổ vào ôm nó chạy một mạch về làng, phen này u không giết được mươi con gà mái đội qua tạ tội, chắc là thầy đuổi nó mất thôi…!

Vợ nhìn thằng con rồi đến nhìn chồng, một thì tức tưởi một lại gằm đầu ngượng ngịu, thật cũng chẳng biết nói gì cho xong. Lão chồng nom thế mà ngông, nghi vợ bỏ mình là trèo đèo vượt sông túm ngay thằng con về làm con tin. Đàn bà dẫu có thế nào, khúc ruột đẻ ra đúng là không sao vứt bỏ.

Sao lại có kẻ vừa khôn, vừa khốn, lại vừa đần độn thế này…?

Dỗ dành con trai ngủ xong, vợ về phòng trông chồng khom lưng xếp áo, vừa xếp lại vừa bực bội càu nhàu.


“Tôi cũng chẳng thiết tha gì cái gã thầy đồ kia đâu, đòi những mươi con gà mới chịu cho thằng Hậu về lại. Ai đời thầy đồ có danh có vọng lại thế bao giờ? Chẳng vì mợ khiến, tôi cũng chẳng cần con mình vác thân đến đó chịu tội…! Tôi nói mợ này, cứ để nó ở nhà tôi dạy, lớn lên đi buôn kiếm tiền, học hành làm quái!”

“Nhưng từ bé nó đã thích chữ, thích thơ…” vợ dịu dàng nói can.

“Thơ chữ thì ăn vào mồm được chắc? Chẳng bằng ở nhà đỡ đần cho mợ!”

“Đàn ông vai năm thước rộng ai lại dây vào việc canh cửi tằm tang…?”

“Thế tôi là đàn gì? Nó phận làm con thì phải noi gương thầy nó chứ?”

“Thôi thầy cậu ạ, đỡ đần cho em thì đẻ thêm đứa gái nữa được rồi…”

Thấy bóng lưng kia đột nhiên sững lại, vợ chậm rãi luồn tay qua eo ôm lấy chồng từ sau, má áp lưng ngọt ngào tha thiết.

“Mình đẻ thêm đứa nữa, thầy cậu nhé?”

.

Kiếp tằm chín đợi mười chờ

Trói người lãng tử theo tơ quay đầu.

Ai ơi có ghé ruộng dâu

Ngồi nghe tôi kể dăm câu sâu tằm.

Tằm đâu ăn rỗi không nằm?

Bướm đâu cắt cánh đòi làm con sâu?

Tâm sầu hai chữ tằm sâu

Đảo qua đảo lại đậm sâu cả đời.

.

(Hoàn ngày 13/2/2021 – mùng 2 Tết rảnh rỗi xung xướng nhất cuộc đời mần dâu :3)

__________________

Xong! Một câu chuyện lòng vòng đã khiến tác giả quay lại ôn sinh vì méo phân biệt được giữa tằm với sâu. :)))))

Thật ra ý, có rất rất nhiều cmt bảo hạng như cậu Phúc chả làm gì vãn hồi được đâu, thôi cho quách SE mợ bỏ cậu cho đáng kiếp. Cơ mà tui vẫn không sao viết ra thế được, bèn thử đặt mình vào giày cậu mà nghĩ. Đàn ông sinh ra sẽ có những người đa tình như bản năng thế đấy mấy chế ạ, viết gượng ép cho cậu chàng một dạ trung trinh thì cứ như khoa học viễn tưởng ý.

Với đàn ông, gieo giống khắp nơi chính là bản năng, chung thủy là một loại kỹ năng cần rất nhiều nghị lực. Cậu Phúc này từ đầu chí cuối cũng chẳng khác, cậu không sinh ra đã biết thâm tình, biết một dạ một lòng. Bằng chứng là về sau dù xác định bản thân yêu mợ nhất, cậu vẫn dễ vướng vào cám dỗ của mợ ba. Chính vì biết bản thân dễ sa ngã, cậu tự chặt hết tài nguyên trên người, biến bản thân trở nên khô cằn thì không cần sợ bị cám dỗ nữa. Thật thì hành động này giống như con nghiện cờ bạc tự chặt tay ấy.

Ngôn tình vốn chỉ toàn trai thâm tình sinh ra đã auto một dạ trung trinh. Nay tui cho độc giả chiêm ngưỡng một loại đáng nể hơn, thực tế hơn: nghị lực miệt mài chung thủy. :3


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.