Lãng Tử Hồi Đầu - Văn Ruộng

Chương 13: Xiii.


Đọc truyện Lãng Tử Hồi Đầu – Văn Ruộng – Chương 13: Xiii.

Thật thì sau năm ấy, làng Tích đều kháo nhau, cậu Phúc con giời dường như đã xài hết cái phúc cả đời sau lần đại nạn ấy.

Ngày mà chúng họ bổ vào trông cậu tháo băng, bao nhiêu vui vẻ mong đợi đều thoáng chốc hoá ra bọt biển.

Cứ tưởng vào tay Hoa Đà sẽ thế nào, hoá ra cũng chỉ thay bừa vài ba lớp da sần ráp, mặt mũi cuối cùng nom cũng chẳng khác chi Trương Chi đầu thai, Không doạ sợ người lớn thì cũng hù chạy lũ trẻ trong làng.

Gã thầy lang trợn mắt nhìn chằm chằm mảng da đỏ oạch bao phủ hơn nửa gương mặt bệnh nhân, đột nhiên sôi máu lật bàn chửi đỏng. Ấy nhưng làng xóm chưa kịp nghe ra gã mắng gì, mợ cả đã phẩy tay lệnh đám hầu bụm miệng lôi xuống.

Sau hôm ấy, họ cũng không còn thấy gã nữa.

Cả đời dương dương tự đắc vì vẻ ngoài khôi ngô xuất chúng, lần đầu nếm trải tư vị mất đi món quà trời ban, bá Phúc làng này buồn nẫu ruột gan, trốn biệt trong phòng không dám gặp ai nữa, đến cả thằng Hinh quản sự nhiều lần xin vào thưa chuyện bán buôn cũng không thấy cậu buồn chi đả động.

Mợ cả mợ ba thấy về lâu dài cũng thật không ổn. Miệng ăn cả nhà đều nhờ vào mấy trăm mẫu ruộng và công việc bán buôn trên huyện, nay cậu mặc xác mọi sự cho một gã hầu ngoài họ thế này, phải chăng quá bừa bãi rồi?

Ấy nhưng mặc họ có khuyên can thế nào, cậu cũng chỉ xoay lưng vào buồng dạy con trai viết chữ.

“Phúc tôi tận rồi, rớ vào những việc ấy nói không chừng sẽ càng làm họ Lý lụn bại thêm thôi, cứ để cho thằng Hinh nó lo. Nó theo tôi đã nhiều năm, chẳng phản đâu mà sợ.”

Mợ cả mím môi không nói gì, duy mợ ba tính tình hơn phần cương liệt, trông thấy đức ông chồng bàng quan thất chí thì sinh nóng nảy.

“Như thế sao được ạ? Phải mà thằng Hinh cũng họ Lý thì thôi, đằng này nhà nó cũng chỉ là phường ngụ cư ngoại tộc, trong nhất thời nắm trong tay gia sản đồ sộ như này, ai dám chắc sẽ chẳng sinh lòng tham khát?”

Cậu liếc mợ ba một cái, đoạn điềm nhiên mài thêm mực cho con.

“Mợ nghi ngờ mắt nhìn người của tôi đấy phỏng?”

“Em không dám…”


Cuộc can gián chẳng thành, mợ ba rầu rĩ níu tay mợ Phúc lui ra. Mợ trách chị cả ban nãy sao không đỡ lời giúp mợ, nếu cứ để việc triển theo hướng này, gia sản của cậu Hậu có ngày sẽ bị gã Hinh kia nuốt hết, chị nỡ hay sao?

Mợ Phúc biết rất rõ mợ ba đây cũng chẳng phải giả mù sa mưa, lo lắng cho con trai mợ đều chân tâm thật ý. Cũng chẳng phải xuất phát từ yêu thương gì, chỉ là hoàn cảnh bắt buộc phải thế. Chồng tuyệt tự, thân là vợ lẽ, đến cuối cùng còn có thể sống nhờ vào ai ngoài đứa con duy nhất của chồng? Sợ rằng cũng không chỉ mỗi mợ ba là nghĩ như vậy. Từ cái hồi cậu mạnh mồm tuyên bố bản thân mất khả năng sinh sản, cậu nhỏ bỗng chốc trở thành vật báu trong nhà, những nguy hiểm tiềm ẩn trước kia cũng gần như bị gột sạch, bà nào bà nấy xun xoe chăm sóc cậu chẳng khác gì đứt ruột đẻ ra.

Thôi thì cũng đành, đàn bà mà, cả đời không nhờ được chồng, cũng chỉ có thể nhờ vào con, cho đó là con người hay con ta.

Mợ Phúc thở dài. “Cô cũng biết tính ông ấy không thích bị dồn ép, tôi mà nói vào chẳng khiến việc tệ hơn? Thôi giờ thế này, sang tuần cô cho mời các cụ chi trưởng và chi phụ sang đây, việc lớn thế này hoạ may cho các chi cùng dự cuộc cậu mới chịu đổi ý.”

“Chi trưởng chi phụ… cũng không phải phường tốt lành gì. Chị không sợ họ cử ra mấy đứa cháu trai trong họ chen vào ngồi lên đầu chúng ta sao?”

Níu lấy bắp tay mợ ba, mợ Phúc cắn môi nhìn quanh, khẽ khàng hạ giọng.

“Thế cũng còn đỡ hơn một đứa ngoại tộc. Cô không biết chứ hai hôm trước con Thì ra chợ vừa lúc trông thấy thằng Hinh ngồi tý rượu cùng…”

“Cùng ai ạ?”

“Cùng ông Nhân dưới Lũng…”

Mợ ba choáng váng mặt mày.

“Gì cơ? Cái thằng hàng xáo năm xưa cậu ép khỏi làng đấy phỏng?!”

Hít sâu, mợ Phúc cụp mắt gật đầu. Thật thì chúng họ cũng chỉ biết mỗi chuyện ấy, còn ẩn tình bên trong bá Phúc đã nhẹm xuống tận đáy sông. Cơ mà bề mặt thôi cũng đủ cho ra kết luận tiềm tàng nguy hiểm dường này.

Chơi với giặc, sớm muộn cũng phản.


Lần họp họ năm ấy, nhà bá Phúc được một phen nhốn nháo rộn rạo. Nghe đâu vì bị ép quá, cậu Phúc đã nổi xung thiên hất nguyên mâm cỗ. Cứ như từ dạo dung mạo đổi thay, tính tình cậu cũng trở đường hung bạo. Chỉ gậy vào mũi hương thân phụ lão các chi, cậu để con trai đỡ đứng dậy mà gằn ra từng chữ.

“Gia sản có được đến hôm nay vốn dĩ chỉ thuộc về chi thứ ba chúng tôi, thế nhưng mười mấy năm nay vẫn trích ra hơn chục vạn quan cúng vào nóc các cụ, vậy vẫn còn chưa đủ? Bây giờ thấy nhà tôi con cái đơn chiếc thì muốn chêm người vào dự phần? Tôi Lý Phúc này vẫn còn sống sờ sờ ra đây, con trai tôi vẫn còn kề bên phụng dưỡng, các người gấp cái gì?!”

Dĩ nhiên, họp họ năm ấy tan rã trong không khí vô cùng u ám. Các cụ các bà kẻ mặt xỉa mày xăm, người bầm gan tím mật phất áo ra về. Được con trăng sau, cậu Phúc ra lệnh chia cho các chi một số tiền vàng ruộng đất xem như hiếu kính bề trên, đoạn tuyên bố kể từ năm này, ngoài phần tiền đóng họ hằng năm phải có, chi Lý Phúc sẽ không giành việc của trưởng họ đổ tiền vào kho bạc họ Lý nữa.

Các chi đối với việc này người ngay thẳng giận đến tím gan, kẻ vẹo xiên lại vui ra mặt. So với số gia ngân ít ỏi họ phải nài lưng kể khổ để xin xỏ họ tộc hằng năm, phần lễ dứt tình này lại có phần thực lợi hơn cả. Ít ra lỗi phải gì cũng là của thằng Lý Phúc ngỗ nghịch, có phải là họ vòi đâu? Đỡ được bao nhiêu tiếng hèn tiếng đớn mỗi lần vác mặt chực đi ăn vạ, sướng mà phải biết!

Ấy thế là sự ngày càng trở nên tệ hại. Bá Phúc cạn tàu ráo máng vơi họ tộc đã đành, còn suốt ngày vùi đầu vào chăm dế nuôi chim, phó mặc việc buôn vào tay thằng hầu ngoài họ. Quả nhiên không ngoài dự đoán của các cụ, thằng này chẳng bao lâu đã phản.

Lúc bá Phúc bàng hoàng tỉnh ra cũng đã quá muộn, hai phần ba gia sản đã lọt thỏm vào tay thằng Hinh và tên Nhân hàng xáo. Họ hàng được một phen hả hê cười nhạo, cậu lại chỉ đóng cửa ủ rũ trong buồng, ai đến dù để giúp hay giễu đều từ chối gặp mặt.

Sau cái tết quạnh quẽ giản tiện năm đó, mợ bảy là người đầu tiên đến gặp mợ Phúc xin cho về nhà.

Dường như đã chuẩn bị sẵn, mợ Phúc lặng lẽ lôi từ rương ra một tráp gỗ, trong chứa một số giấy tờ ruộng vườn và vàng bạc cho người chị em cùng chồng nhiều năm. Mợ bảy ban đầu còn từ chối, xong nghe nói phần này vốn dĩ đã được cậu để đó cho mình từ vài năm trước, mợ bật ra oà khóc rồi ngậm ngùi nhận lấy, giữa đêm ra đi không lời từ giã.

Sự ra đi của mợ bảy chính là khởi đầu của một hồi chuông thức tỉnh. Đám đàn bà bá Phúc lặng lẽ nhìn lại hoàn cảnh hiện tại. Trước đây dù không được chồng yêu, ít ra còn cơm ngon áo đẹp cả đời vô lo. Nay nhà cửa phải bán đi, kẻ hầu người hạ đều không còn khả năng nuôi giữ, ban ngày phải tắm lợn nuôi tằm, đêm xuống bị vợ cả sai đi hầu hạ rửa chân cho đức ông chồng mặt quỷ. Cuộc sống như thế này còn chi mà luyến tiếc?

Vậy là, đều hùa nhau đến phòng mợ Phúc lãnh phần rồi ra đi cả.

Đêm ấy tiễn một mợ tư ràn rụa nước mắt rời khỏi cổng nhà, mợ Phúc vừa quay vào buồng thì đã thấy mợ ba chờ sẵn bên trong. Hai người ngồi sắp xếp sổ sách một hồi, bỗng đâu lại nghe ra giọng mợ ba trầm trầm bật hỏi.

“Phần của tôi, hẳn chị cả cũng đã chuẩn bị?”

Không hề dừng tay, mợ Phúc ừ một tiếng, đoạn ôm một tráp gỗ nơi đáy rương ra đặt lên bàn.


“Chỗ này xem chừng nhiều gấp năm sáu lần bọn họ, nhiều hơn cả phần chị dành dụm cho con trai mình, chị cả thật có lòng,” mợ ba mỉm cười cay đắng.

Mợ Phúc chững tay một lúc, vén lọn tóc loà xoà qua sau tai sẽ giọng.

“Những năm qua cô bỏ ra những gì, tôi đều thấy cả.”

“Nhà này còn gì tôi và chị đều rõ, nếu cho tôi hết chừng này, chị còn cái gì đâu chứ?”

Vuốt thẳng xống áo gấm hoa thất thể tinh xảo mình vừa làm xong gần đây, mợ Phúc trân trọng đặt nó lên trên tráp gỗ của mợ ba.

“Tôi còn ông ấy.”

Ngón tay mợ ba khẽ run, cặp mày liễu nhướn lên đầy thắc mắc.

“Chị còn tính ở lại đây sao?”

Trông thấy nụ cười yên ả nở ra trên gương mặt người đàn bà mình tranh đấu hơn cả mười năm, mợ ba thoáng rờn rợn trong lòng, chớp mắt chợt vỡ ra nhiều lẽ.

Hai tay nâng tráp cùng bộ áo gấm trên tay, thị Huệ thẫn thờ cúi đầu muốn lui ra, chừng đến cửa thì đột nhiên chững chân dừng lại, xống áo gấm cũng theo đó trượt xuống sàn nhà.

“Chị vẫn luôn trông đợi điều này xảy ra.”

Đấy thậm chí không phải là một câu hỏi.

Bảo sao những ngày đó chị cả luôn khó chịu với gã thầy lang, rõ ràng chị ta không muốn chồng được chữa lành, còn cố tình cho gọi đám kia vào hầu lúc chồng khó coi chật vật để làm chúng nản chí từ bỏ. Cay nhất là thị đây, bị vợ cả dắt mũi chạy đi lôi kéo các chi trong họ đến giành gia sản, dần dà dẫn đến cục diện tan cửa nát nhà như hiện tại.

Thị Huệ cảm thấy trong lòng vô cùng chấn động, thị muốn quay lại chất vấn người đàn bà kia phải chăng đã bỏ gì đó vào thuốc khiến mặt cậu thành ra nông nỗi? Phải chăng đã ngấm ngầm mặc kệ người ngoài nuốt hết sản nghiệp của chồng? Chị ta muốn gì? Trả thù sao?

Song môi vừa hé thì đã nghẹn ứ nơi cổ. Con người da trắng tóc dài kia dịu dàng bước đến nhặt áo lên cho thị, mắt hiền hoà như vỗ về an ủi.


“Hãy hạnh phúc, cô Huệ nhé.”

Bao nhiêu nghi vấn vần vũ trong đầu, song cho đến cuối, thị chỉ thở dài một hơi.

“Vâng ạ.”

Thị đấu không lại ả đàn bà này, thôi thì nhận lấy phần khoan dung cuối cùng, rời khỏi nơi đây sống cuộc đời mới.

Lần theo đò rời đi năm ấy, cũng chỉ có mình người đàn bà đối địch nhiều năm ra sông tiễn biệt. Giữa mịt mờ sương sớm, Huệ vẫy tay với nhân ảnh xa xa, cảm thấy mình đang dần bước ra giấc mộng Nam Kha mơ hồ dài dặc. Tay đặt lên vạt áo gấm ẩn hiện đoá dạ lai hương người ấy dệt cho, mắt thị chợt đâu nhoè nước.

Ai xui cái kiếp chồng chung

Chị em mà chẳng có cùng thầy u.

Đêm nằm ôm trẻ khóc ru

“Chị em chẳng đặng, kẻ thù chẳng xong…”

Cho đến cuối cùng, người khiến thị rơi lệ luyến tiếc cũng chẳng phải gã đàn ông thị gọi tiếng “chồng,” mà là người vợ cả cùng thị tranh giành nhiều phen quên sống.

Hạnh à, chị cũng phải hạnh phúc đấy.


 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.