Lam Y Nữ Hiệp

Chương 19: Duyên gặp đạo sĩ, Đới Vĩnh Khang luyện võ thuật Dong ruổi trên đường, kết duyên với Đổng thị


Đọc truyện Lam Y Nữ Hiệp – Chương 19: Duyên gặp đạo sĩ, Đới Vĩnh Khang luyện võ thuật Dong ruổi trên đường, kết duyên với Đổng thị

Ba con ngựa đang chạy nước kiệu trong sương mờ đêm
tối, bỗng có tiếng vó ngựa phi từ phía trước tới. Chú Đức Kiệt và Lam Y
vội bảo Trần Nhị rẽ theo vào núp sau mấy hốc đá lớn bên đường. Tiếng vó
ngựa mỗi lúc một gần. Anh em Chu gia nhìn rõ hai người kỵ mã phi vùn vụt qua khúc đường đó tiến về lối làng Sơn Phu. Nghe ngóng giây lát không
thấy gì lạ, ba người lại rẽ ngựa ra mặt đường nhắm sao huyệt của Xích
Hoa Xà Đới Vĩnh Khang tiến. Không bao lâu, anh em Chu gia nhìn thấy ánh
đèn lấp ló xa xa ở lề đường bên hữu.

Lam Y hỏi Trần Nhị :

– Sào huyệt họ Đới ở bên kia phải không?

– Có lẽ, vì từ Sơn Phu quán tới đây cũng được năm, sáu dặm đường rồi… Con chưa được đến đây lần nào cả.

– Thôi được, theo chúng ta vào đây.

Trần Nhị theo hai người vào trong khe núi cách lề đường bên tả độ vài chục trượng.

Chu Đức Kiệt, Lam Y xuống ngựa trao dây cương cho Trần Nhị :

– Ngươi cứ núp ở đây giữ ngựa, đừng sợ hãi chi cả. Lát nữa, chúng ta sẽ trở về đây tìm. Nghe không?

– Dạ, xin tuân lệnh. Nhị vị ân nhân bình tâm.

Như hai vệt đen, anh em họ Chu phi hành như biến vào trong đêm
tối. Trần nhị chưa kịp nhận xét gì cả thì đã thấy hai người biến đâu mất rồi.

Hắn lắc đầu lè lưỡi.

Hai người này biến ảo như ma quỷ chẳng trách mẹ con chủ quán táng mạng vì tay họ.

Nghĩ tới ma quỷ, Trần Nhị cảm thấy rờn rợn giữa khu rừng núi
vắng vẻ âm u này. Hắn nhìn quanh quẩn, mắt láo liên sợ hãi, muốn đi ra
gần đường cho khỏi sợ, nhưng đã trót hứa với hai người nên cố gắng lấy
sức, mím môi, nghiến răng, tay cầm chắc cây gậy, quay đi quay lại vài
vòng để lấy lai can đảm. Quả nhiên, Trần Nhị thấy dễ chịu thiệt. Đởm
lượng đã trở lại với hắn. Chống gậy xuống đất, hắn mỉm cười tự ngủ cho
mình là nhát quá nên đâm bủn nhủn tứ chi chớ thiệt ra có gì đáng sợ đâu! À, chuyến này về quê nhà quyết mở ngôi hàng buôn bán rối tìm thầy học
võ mới được! Có bản lãnh, tinh thần sẽ vững vàng hơn, chớ đâu có bỗng
dưng lại run rẩy như vừa rồi? Nghĩ tới đây, Trần Nhị mỉm cười đắc chí.
Bỗng mấy tiếng thở phì phì và tiếng đập vào đá cồm cộp. Hắn giật bắn
người lên, hai hàm răng cũng theo đà run lập cập. Trần Nhị lấy gân, gồng người lên hoa gậy quay lại nhìn. Thì ra, nào có gì đâu! Ba con ngựa cột vào cụm cây gần đó thở phì và đập móng xuống đất…

Mồ hôi toát ra như tắm, nhưng Trần Nhị hết run rẩy, dễ chịu, lẩm bẩm một mình :

– Hừ! Được lắm! Nhất định chuyến này ta học võ cho mà coi!

Hắn ngồi xuống phiến đá nhỏ kế bên ba con ngựa, cây gậy để ngang trên đùi, nhưng thỉnh thoảng mắt vẫn láo liên nhìn mấy phiến đá lớn hay mấy cây to xù sì, lá rườm rà như mớ tóc quỷ rối, cành vươn lên khúc
khuỷu chẳng khác chi những cánh tay khổng lồ đang vươn ra định vồ lấy
hắn…

Nói về anh em Chu gia phi hành như gió, nhắm thẳng về phía có
đóm lửa tiến tới. Thoạt nhìn từ xa, hai người tưởng như ánh lửa ấy ở
ngay bên đường. Nhưng trái lại, lúc hai người tới ngang ánh lửa thì nhận ra có con đường mòn bên hữu dẫn đến một trang viện lầu các nguy nga xây dựng giữa một khu vừa sân vừa huê viên rộng rãi. Tường cao, hào sâu bao bọc xung quanh :

– Phía trong tường, trồng nhiều hàng cây lớn che gần khuất hẳn lầu các bên trong.

Lam Y nói với Chu Đức Kiệt :

– Hai tên kỵ mã gặp trên đường hồi nãy chắc là người của Đới
Vĩnh Khang sai đến hắc điếm xem động tĩnh thế nào. Từ đây tới đó không
xa mấy, lát nữa hai tên ấy trở về, nội vụ sẽ đổ bể, thêm khó bề hành
động cho chúng ta.

– Hơn nữa, trời cũng không bao lâu nữa thì sáng để Trần Nhị nơi
khe núi ấy kế cận nơi đây quá, e xảy ra chuyện chi chăng? Nơi trang viện lớn như vầy, do tay tên cường tặc điều khiển tất nội bọn phải đông, e
trong lúc anh em ta hành động, chúng chạy tản mác ra mọi nơi, bắt gặp
Trần Nhị thì hỏng cả.

– Hiền muội nói phải, ngu huynh cũng nghĩ vậy. Bây giờ cũng gần
canh năm rồi, chi bằng chúng ta trở lại đón đường hai tên vừa rồi xét
nếu là đồng đảng của Xích Hoa Xà Đới Vĩnh Khang thì hạ sát đi cho đỡ vây cánh. Đoạn cùng Trần Nhị đi trú tạm nơi nào quanh đây, chờ đêm tối này
đủ thì giờ hành động, có lễ tiện lợi hơn.

Lam Y đồng ý.

Hai người phi hành trở lại lối cũ, lúc gần tới chỗ rẽ vào nơi Trần Nhị chờ, thì nhảy lên cành cây lớn bên đường ngồi chờ.

Lát sau, quả nhiên có tiếng vó ngựa phi vọng tới.

Anh em Chu gia sửa soạn hành động.

Nhưng chỉ có một người phi ngựa đến. Chu Đức Kiệt nói :

– Chắc tên kia ở lại điếm vì con Đới Ngọc Hoàn chưa chết. Muội mặc tên này cho ngu huynh.

Chờ tên nọ phi ngựa vừa tới phía dưới cành cây. Chu Đức Kiệt lao người xuống, gạt hắn té xuống ngựa.

Tên nọ còn đang bàng hoàng chưa hiểu việc chi cả thì một bàn tay sắt nắm lấy cổ tay hắn bẻ quẹo ra sau lưng.

– Biết điều đi vào bên đường, trái lời sẽ gãy tay bây giờ.

Tên nọ vội vàng tập tễnh đi theo sức đẩy của người đi phía sau. Có lẽ hắn bị té ngựa bị thương nên kêu đau đi không được lẹ.

Trong lúc Chu Đức Kiệt hành động, Lam Y cũng không bỏ phí thì giờ.

Tên nọ vừa té xuống ngựa, thì nàng đã từ cành cây phi thân xuống đất, chạy theo con ngựa đang phi nước đại, túm được đuôi kéo mạnh lấy
đà phóng người qua mông ngựa ngồi lên yên rồi kéo cương ghìm ngựa đứng
sững lại.

Lam Y cho ngựa quay lại chỗ Chu Đức Kiệt thì vừa lúc anh nàng đang chất vấn tên kia :

– Trong trang viện có bao nhiêu người?

Tên đó trù trừ không nói. Chu Đức Kiệt khẽ giật cánh tay khiến y kêu rống lên như heo bị chọc tiết.

– Nếu mi không chịu nói sẽ gãy tay.

– Tôi xin nói. Tất cả có hai mươi lăm người, thì ở Sơn Phu điếm đã bị chết trên mười người rồi.

– Trong trang viện có cơ quan không?

– Có!

– Sào huyệt thọ Đới lập ra lâu đời chưa?

– Lâu rồi, từ hồi chủ nhân tôi còn thiếu thời, tính đến nay được ngót ba mươi năm.

– Có những ai lui tới đó?

– Thỉnh thoảng có vài người bạn chủ nhân tôi tới chơi Xích Hoa viện.

– Hiện nay có ai không?

– Có hai người mới đến được vài bữa nay nên họ Đới bận thù tiếp không tới tửu điếm đêm nay được.

Thấy không cần hỏi chi thêm nữa, Chu Đức Kiệt đưa mắt nhìn Lam Y, Lam Y gật đầu, Chu Đức Kiệt nói :

– Hạng đạo tặc như mi chuyên giết người lương thiện, nay sợ vì đau mà phản chủ, để sống cũng vô ích!…

Tên đó sợ quá, hé môi định nói, thì Chu Đức Kiệt đã đưa hai ngón tay thọc trúng sau óc. Tên giặc không kịp kêu, gục đầu xuống chết hẳn.

– Bất tất phải liệng xác tên này vào núi làm chi. Cho nó về, nhân thể cảnh cáo tên giặc họ Đới luôn thể.

Nghe Chu Đức Kiệt nói, Lam Y nhảy xuống ngựa, Chu Đức Kiệt đặt xác tên giặc nằm vắt ngang lên lưng ngựa rồi buông cương.

Con ngựa quen đường về đi Xích Hoa viên…

Anh em họ Chu chạy về chỗ để ngựa, tới sau Trần Nhị đưa tay vỗ vào vai y.

Trần Nhị đang ngồi nghĩ cách sắp đặt tiệm hàng tương lai của y,
một bàn tay bí mật vỗ lên vai y khiến giật nẩy người lên bổ nhào ra phía trước hoa gậy múa lung tung… đánh gió.

Chu Đức Kiệt, Lam Y phì cười :

– Kìa, Trần Nhị làm trò chi vậy.

Nhận ra tiếng ân nhân, Trần Nhị mới hoàn hồn, ngừng tay gậy lại bẽn lẽn :

– Con tưởng có giặc tới nên đánh.

– Để giặc… sờ vào vai mới giở võ đánh thì mất đầu rồi còn
chi?.. Nè, gần đây có nơi nào khả dĩ tạm trú được qua ngày hôm nay
không?

– Ủa! Nhị vị chưa vào sào huyệt bọn giặc sao?

– Chưa! Vì gần sáng rồi, hành động không tiện. Bữa nay phải nán lại quanh đây, tối sẽ đánh cũng không muộn.

– Từ đây về làng Sơn Phu, vào quãng giữa đường có một lối nhỏ
dẫn vào lều của cha con người tiều phu… Nếu nhị vị không ngại chật hẹp thì con xin dẫn lộ tới đó.

– Độ bao nhiêu xa!

– Ước độ trên mười dặm mới tới lều. Từ lều ấy vào làng Sơn Phu dẫn đường tắt độ ba, bốn dặm đường.

– Hay lắm, người đi trước dẫn lộ, mau.

Ba người cùng lên ngựa, kiệu trở về lối cũ. Được nửa đường, Trần Nhị tìm đường mòn rẽ sang tay hữu.

Càng đi sâu vào, cây cối càng rậm rạp hơn. Anh em họ Chu chú ý nhận xét đường đi.

Trời tảng sáng, ba người tới chỗ chòi cỏ dựng giữa một khu có cây lớn, bóng lá âm u.

Hơi rừng trắng xóa bốc lên là là mặt đất tạt đi, tạt lại như khói.

Chòi vách phên tre, nóc cỏ có hàng hiên khá rộng, dựng trên nhiều khúc thân cây lớn…

Đánh hơi thấy lạ, con chó lớn lông dài màu vàng như màu lửa cháy đang nằm trong góc hiên, vụt trỗi dậy đứng ló đầu khỏi lỗ lan can sủa
ầm ĩ.

Trần Nhị nhảy xuống ngựa, hút gió mấy cái gọi con chó ấy.

– À, con Hoàng Hỏa này không nhận ra người quen sao mà sủa hoài! Đi vô mau!

Trong chòi có tiếng vọng ra :

– Ai như tiếng A Nhì đó phải không?

Trần Nhị nói lớn :

– Kính chào Củng lão, A Nhì tới thăm đây. Gớm, sáng nay lạnh quá!

Một lão hán tuổi trạc sáu mươi, da dẻ hồng hào vóc dáng nở nang khỏe mạnh dưới lần áo nỉ, từ trong lều bước ra.

Lão hán hơi ngạc nhiên khi thấy Trần Nhị cùng đi với hai người
lạ mặt. Anh em Chu gia nhảy xuống ngựa khoanh tay thi lễ. Lão hán chào
lại, khiêm tốn…

Trần Nhị giới thiệu :

– Đây là nhị vị hiệp khách qua khu vực này trọ ngoài Sơn Phu tửu điếm vô đây có việc nhờ lão hán. Và đây là Củng lão, tục danh Thuận,
chuyên ở trong khu Đại lâm này đã lâu năm.

Củng Thuận vội vàng xuống thang chòi ân cần mời :

– Xin mời quý vị lên chòi có lửa sưởi ấm. Ngoài trời, sáng nay sương mù lạnh quá chừng!

Anh em họ Chu và Trần Nhị cột ngựa vào gốc cây nhỏ gần đó rồi trèo thang tre lên sàn chòi.

Con Hoàng Hỏa cứ chĩa ra phía ba con ngựa sủa mãi. Củng Thuận phải lên tiếng nó mới chịu vào nằm im trong góc hiên.

Trần Nhị hỏi :

– Nhất Lang đâu? Sớm thế này đã vô rừng rồi sao? Chăm quá nhỉ.

Củng Thuận đáp :

– Không phải! Thằng A Hoành nhà tôi vừa nhóm lửa sàn xong. Có lẽ nó đang đun nước phía sau.

Nói đoạn, Củng Thuận gọi lớn :

– Nhất Lang ơi, A Nhì đến chơi đây nè.

Một chàng trai vạm vỡ trạc hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi da
bánh mật phía cửa trong bước ra, thấy hai người lạ liền khoanh tay vái
chào.

Củng lão bảo con :

– Đây là nhị vị hiệp khách có việc qua khu này, con pha trà uống cho ấm đi.

Củng Hoành giương cặp mắt đen láy nhìn thấy anh em Chu gia dùng
dũng, oai vệ, tướng mạo phi phàm trong bộ võ phục, trên lưng đeo hai cây đao kiếm càng làm nổi bật hẳn tư cách giang hồ mã thượng, thì có ý rất
cảm phục.

– Thưa phụ thân, trà nước sẵn sàng rồi để con vào bưng ra.

A Nhì cùng theo A Hoành vào bếp.

Củng lão kéo mấy chiếc ghế tre thô sơ tới kế bên lò lửa đắp ngay trên sàn, mời ngồi. Anh em Chu gia cảm ơn, theo hành lý và khí giới, để dựa vào một góc phên, rồi kéo ghế ngồi giơ tay sưởi.

Lò lửa đây là thứ đất sét đắp theo hình tròn lớn bằng mặt thôi.
Một cành cây lớn một đầu gác vào giữa lò đang âm ỉ cháy đã thành than.
Như vậy, tàn than rụng xuống mặt lò, người trong nhà chỉ có việc đẩy lần lần khúc cây vào giữa lò cho tới khi nào cháy hết. Một cành cây lớn và
dài tới một trượng có thể xài được trong vài ngày. Trong nhà có lửa suốt ngày đêm thành thử lúc nào cũng âm ấm dễ chịu tuy ngoài trời lạnh.

Củng Hoành bưng khai trà lên. Trần Nhị bê khúc cây tròn thay bàn tới bên lò lửa để đặt khai trà. Củng Thuận rót nước mời anh em Chu gia, Trần Nhị tự mình rót hai ly, đưa cho Củng Hoành một ly.

Lam Y đưa mắt nhìn khắp căn nhà sàn thấy khá rộng rãi, ngăn nắp. Giường ghế toàn bằng tre già, bàn là những khúc cây tròn đều đặn mặt
bào nhẵn. Từ đồ đạc đến xà ngang, xà dọc trên mái lợp lá đều lên nước đỏ thẫm bóng loáng. Trần Nhị kể chuyện đánh hắc điếm đêm rồi cho cha con
họ Củng nghe. Nghe đến đâu, hai cha con tươi hẳn nét mặt lên tới đó. Khi Trần Nhị đã kể rõ mọi sự., Củng Thuận đứng lên vái anh em Chu gia :

– Nhị vị hiệp khách đã cứu sống lại toàn thể dân chúng khu vực
này. Đã bao năm nay, họ Đới hoành hành tại đây, nhưng làng Sơn Phu là
nơi hẻo lánh, dân chúng chẳng biết trông cậy vào đâu nên đành nhắm mắt
làm ngơ trước những hành động phi pháp bất nhân của bọn tặc đạo ấy. Hơn
nữa, chúng khá đông vây cánh nhiều, tên nào cũng có võ nghệ nhất là hai
vợ chồng họ Đới và đưa con gái Ngọc Hoàn.

Chu Đức Kiệt đỡ Củng Thuận ngồi xuống :

– Cứu khổ phò nguy, giúp đỡ người hèn yếu là thiên chức của bọn
giang hồ du hiệp chúng tôi, lão trượng bất tất phải nói tới ơn huệ làm
chi khiến anh em tôi khó nghĩ vô cùng. Bữa nay tới đây phiền toái lão
trượng qua ngày hôm nay, chờ tối đến để hành động dò thám trang viện của Đới tặc, mai lại lên đường đi Kim Lăng…

Nơi đây rất u tĩnh, ít khi có người lạ tới quấy nhiễu, xin nhị
vị hiệp khách tự nhiên, nếu cần ở lại nhiều ngày cũng không hề chi. Cha
con tôi ở trong khu Đại Lâm này đã lâu, chuyên nghề kiếm củi và săn bắn
vừa sẵn có ở vườn sau, thịt săn phơi sẵn không hiếm, rượu nhà cũng cất
lấy. Thằng A Hoành khéo lắm làm đủ mọi việc… A, để tôi bảo cháu nấu
cháo nướng thịt nai nhị vị điểm tâm…

Chu Đức Kiệt nói :

– Được lão trượng quý mến, anh em tôi rất đỗi cảm kích. Nay muốn nhờ lệnh lang ra làng Sơn Phu mua vài thứ vặt vãnh và nhân dịp dò thám
tình hình hắc điếm thế nào.

Củng Hoành nói ngay :

– Nhị vị cứ việc sai khiến, tôi ra chợ làng luôn thể.

Trần Nhị cũng nói xen vào :

– Củng đại ca cứ yên trí ra đi, tôi sẽ thay đại ca làm việc ở nhà để bá phụ rảnh tay thù tiếp nhị vị hiệp khách đây.

Củng Hoành đứng dậy lấy chiếc áo lạnh mặc vào và đeo chiếc giỏ mây lên.

Chu Đức Kiệt móc túi lấy năm lượng bạc đưa cho Củng Thuận :

– Lão trượng vui lòng nhận ít tiền đây chi dùng. Lòng thành thực, xin chớ nghĩ xa gần.

– Nhị vị sẵn lòng giúp đỡ nhà nghèo, chúng tôi đâu dám chối từ, nhưng quả thiệt là cho nhiều quá.

– Không sao, lão trượng cứ vui lòng nhận bạc.

Củng lão nhận năm lượng bạc đem cất vào trong nhà…

Chu Đức Kiệt lại đưa cho Củng Hoành ít nhiều tiền lẻ :


– Củng huynh tự tiện mua mây thứ cần về làm rượu uống chơi, Còn việc do thám hắc điếm, tôi chắc Củng huynh có sự tính rồi?

– Dạ, nhị vị an tâm, lát nữa trở về chắc có tin rõ ràng về quán Sơn Phu.

Dứt lời, Củng Hoành bước ra khỏi nhà.

Trần Nhị cũng đứng lên vào bếp.

Củng Thuận nói :

– Cháu biết các thứ ở đâu rồi chứ?

– Dạ, cháu quen rồi, bá phụ an tâm.

Lát sau, Trần Nhị bưng lên hai chậu nước nóng, mời anh em Chu
gia rửa mặt, Chu Đức Kiệt và Lam Y rửa mặt xong, bước vào phía trong
nhìn quanh. Bếp núc gọn gàng. Đứng trên lan can hàng hiên trông xuống
khu vườn nhỏ trồng đủ mấy thứ rau cần thiết. Giữa vườn, có chuồng gà cao ráo sạch sẽ. Kế bên khu vườn là một căn nhà trống nền đất cao, để những khúc cây lớn đã khô và nhiều bó củi chẻ sẵn.

Sau khi đã đặt nồi cháo lên bếp, Trần Nhị dắt ba con ngựa vào
sân nhà đó tháo yên cương, lấy nước ở suối nhỏ gần đó cho ngựa uống và
lấy cỏ khô cho ăn. Lam Y khen cha con họ Củng ngăn nắp lạ thường.

Trần Nhị cho ngựa ăn xong quay lên nhà thấy hai người đang tựa lan can bèn nói :

– Con đã đem sẵn nồi nước nóng lớn để nhị vị tắm cho sảng khoái. Suốt ngày hôm qua đi đường, tới đêm lại chiến đấu không ngủ, dùng điểm
tâm xong, nhị vị nên tắm táp nghỉ ngơi kẻo mệt. Đêm nay cần dùng sức
nhiều.

Chu Đức Kiệt mỉm cười, im lặng.

Mùi thịt nai nướng trên bếp thơm phức. Củng lão sửa soạn mâm bát xong rót một bình rượu và mấy chiếc Lam Y bày trên nhà trên. Lát sau,
Trần Nhị bưng nồi cháo bốc khói nghi ngút lên nhà, múc cháo ra bát.

Củng Thuận mời :

– Xin mời nhị vị dùng điểm tâm và chút ít rượu nhà cất cho ấm bụng.

Đêm qua ăn ít, anh em Chu gia thấy đói bụng liền và vào ăn uống
rất tự nhiên. Rượu nhà cất lấy men nồng thơm phức, thịt nai khô nướng
vàng chấm tiêu muối lạ miệng, hai anh em Chu gia ăn ăn, uống uống như
hùm đói. Củng Thuận ngồi tiếp, Trần Nhị ngồi kế bên cùng ăn.

Ăn một chặp no lòng, Chu Đức Kiệt buông chén muỗng :

– Ngon quá! Thịt rượu thơm ngon đặc biệt. Cháo ngọt vô cùng. Củng lão ở đây chẳng khác chi tu tiên vậy.

– Dạ, ở đây được các thú rừng thường về, hươu nai, thỏ, cầy đủ cả. Hôm rồi có dấu chân báo về quanh đây rồi lại dông mất.

– Lão trượng săn bằng tên thường hay có tẩm thuốc?

– Cả hai thứ. Tên thuốc dùng bắn thú lớn.

Củng Thuận với hai cây cung treo trên vách phên đưa cho anh em Chu gia coi.

Lam Y giương thử :

– Lão trượng sức còn mạnh lắm. Cây cung này có sức một trăm cân?

Củng Thuận gật đầu :

– Nữ hiệp dạy đúng lắm. Sức mạnh cây cung này quả đúng một tạ.

– Cây cung của thằng cháu A Hoành một tạ rưỡi. Ơn trời ban cho cha con tôi sức khỏe, nếu không, ở trong rừng cũng vất vả lắm.

Chuyện vãn hồi lâu, anh em Chu gia thay phiên nhau đi tắm, thay y phục mới.

Củng lão và Trần Nhị trải giường tre để hai người nghỉ. Lúc Lam Y ở suối giặt quần áo trở về thì Chu Đức Kiệt đã thiêm thiếp ngủ say.
Nàng cũng leo lên giường bên ngủ lấy sức.

Ngoài trời, sương mù lần lần tan dưới ánh thái dương. Tuy vậy tiết trời vẫn lạnh hơn mọi ngày.

Trần Nhị đẩy lùi cành cây vào giữa lò, than bốc nổ lách tách.
Đúng Ngọ thì Củng Hoành đeo rọ đựng đầy thức ăn mua ở chợ Sơn Phu trở
về. Củng lão đón sẵn ở hàng hiên ra hiệu cho con biết là hai người khách đang ngủ ở sau rèm. Củng Hoành nhón nhén vào nhà đi thẳng tuốt xuống
bếp, lấy các thứ trong rọ ra, rồi cùng Trần Nhị sửa soạn cơm, rượu. Trần Nhị nóng ruột muốn hỏi thăm tin tức nhưng thấy Củng Hoàng không nói, có vẻ chờ anh em họ Chu, thì cũng đành nén lòng chờ theo.

Đến cuối giờ mùi, anh em Chu gia mới tỉnh giấc.

Chu Đức Kiệt nói với Củng Thuận :

– Mấy hôm hành trình mệt nhọc, đêm qua lại không được nghỉ ngơi
thành thử bữa nay ngủ say, bê đi cũng không biết trời đất là chi nữa.

Củng Thuận cười :

– Giá chúng tôi cứ trói nhị vị lại đem nộp cho Đới Vĩnh Khang thì có được thưởng nhiều tiền không!

– Đâu có! Bọn giang hồ chúng tôi còn kiêm cả môn tâm lý nữa chớ!… A Hoành đã về rồi có lượm được tin tức gì không?

Nghe tiếng Chu Đức Kiệt gọi, Củng Hoành bảo Trần Nhị :

– Có muốn nghe chuyện thì ra ngoài nhà.

Nói đoạn, Củng Hoành bước ra khỏi bếp. Trần Nhị theo sau bưng ấm trà nóng mới pha.

Mọi người quay vào ngồi uống nước ở quanh lò lửa.

Củng Hoành bắt đầu kể chuyện :

– Từ nhà, tôi đến quán Sơn Phu trước, đi đường trong chớ không
đi đường cái. Cũng vì trời lạnh và hãy còn sớm nên không có ai qua lại
trên đường trước cổng quán.

Tôi bèn đi vòng qua khu núi trước mặt tửu quán núp trong bụi rậm quan sát, Vừa lúc ấy có hai chiếc xe ngựa từ phía Xích Hoa viện đi tới
vào thẳng trong sân quán.

Đới Vĩnh Khang và hai người lạ mặt, một đàn ông trạc ngoại tứ
tuần dáng người dong dỏng râu ba chồm, một nữa là lão phụ tóc bạc như
cước lanh lẹ khỏe mạnh, từ chiếc xe đầu nhảy xuống. Xe thứ hai chở mấy
tên bộ hạ.

Có một tên ở trong quán ra đón. Bọn người đều vội vàng vào cả
bên trong. Hồi lâu, bọn thủ hạ vác những bọc lớn, mà tôi đoán là vác bọn tặc đạo bị tử thương đêm qua, ra để vào trong xe thứ hai.

Chính tay Đới tặc bê một bọc nữa đặt vào trong xe thứ nhất.

Bọn chúng thắng ngựa vào chiếc xe khác vẫn để ở góc cây trong
sân từ trước. Đoạn lão phụ tóc bạc bế một người ra đặt vào xe. Đó là Hoa cô nương Đới Ngọc Hoàn.

Xong xuôi, cả ba xe đó đi ngay về phía Xích Hoa viện. Đới tặc và hai người lạ ấy cầm cương ba xe ngựa.

Một số thủ hạ ở lại khép cổng quán và cửa quán bên trong lại.

Tôi chờ hồi lâu không thấy động tĩnh chi nữa nên lén đi vòng ra lối đường cái, tới thẳng cổng quán gọi :

– Có ai trong quán không? Không bán hàng hay sao mà đóng cổng thế này?

Một lúc sau, có một tên vẫn làm tửu bảo mở cửa ló đầu ra nhịn. Y thấy tôi bèn nói :

– À, A Hoành phải không? Củi còn nhiều, chưa cần vội. Mười hôm nữa sẽ đến nhé!

– Không phải! Rét quá nên tôi muốn mua ít rượu uống cho ấm người.

– Mua rượu hả? Này, tớ nói thiệt, bữa nay có việc nên nghỉ, quán không bán hàng, vui lòng vào trong làng mà mua, Đành để bữa khác vậy
nhé.

Tôi giả đò lẵng nhẵng :

– Đóng cửa thì đóng, việc bán rượu cứ bán chớ. Có hại gì đâu!
Này, tớ chỉ ưa dùng thứ rượu lâu năm của đằng ấy thôi. Có bán cho tớ nửa cân nào!

Nói đoạn, tôi thò tay làm ra vẻ mở cổng để vào. Tên tửu bảo cau mặt :

– Tớ đã nói là bận, không bán hàng. Đằng ấy cứ lằng nhằng thế
này, lỡ chủ nhân tớ hay thì bị quở mắng đó. Vô trong làng mua tạm uống.
Chuyến sau mua một cân, tớ biếu đằng ấy một cân là hai.

Biết là chúng không muốn cho tôi vào, có lẽ vì phải dọn dẹp lau
chùi các vết tích cuộc chiến đấu đêm qua và hủy những tang vật về lò làm thịt người nên đồng bọn cùng ở cả dưới hầm, chỉ riêng tên tửu bảo này
canh chừng ở trên thôi, tôi bèn trở gót.

Nhớ nhé! Chuyến sau phải bán một thành hai, nghe chưa?

Tên tửu bảo vẫy tay chào, rồi thụt vào trong nhà đóng cửa lại.

Còn tôi quảy rọ đi vào làng Sơn Phu.

Củng Hoành kể một hơi, châm thêm nước sôi vào bình trà.

Lam Y hỏi :

– Làng Sơn Phu có ai hay về vụ này chưa?

Củng Hoành lắc đầu :

– Dạ chưa. Ra chợ mua bán, lang thang nghe ngóng, tuyệt nhiên
không nghe thấy bàn tán chi cả. Trong lúc bình thường, dân làng Sơn Phu
cũng không hay ra lối tửu quán vì không ưa bọn họ Đới.

Chu Đức Kiệt nhìn Lam Y :

– Ngu huynh đoán thế này. Khi Đới tặc thấy ngựa đem xác bộ hạ
của y về trang viện sáng nay, biết là có biến nên cấp tốc phi tới hắc
điếm xem sao. Sau đó, y mới cho người về trang viện lấy xe ngựa chở xác
các bộ hạ đi tiêu hủy, đem xác Mẫu dạ xoa và Đới Ngọc Hoàn về trang viện chôn cất và chữa thuốc bó chân bị gãy. Một mặt, y sai người dọn dẹp
trong tửu quán, bôi xóa hết các vết tích, hòng sau này lại tái lập cửa
tiệm như thường…

Lam Y tiếp :

– … Vì Xích Hoa Xà yên trí rằng bọn ta đã đi thẳng sau trận chiến đêm qua?

Chu Đức Kiệt lắc đầu :

– Không đâu! Hiền muội quên rằng tên giặc mà ngu huynh không
giết, nhưng chỉ lao đầu vào cái sọt bầy nhầy máu người ở trong lò làm
thịt người sao? Chính tên đó đã khai ra trang viện. Mà Đới Vĩnh Khang
không thấy chúng ta tới đó, tất y phải tự vấn và ngạc nhiên!… Còn việc y cho dọn dẹp hắc điếm chỉ cốt ý che mắt mọi người đó thôi.

– Kết luận, theo ý hiền huynh thì y phòng bị chờ bọn ta tới tìm y ở Xích Hoa viện?

– Đúng thế! Nếu chúng ta là họ Đới thì cũng hành động như vậy.

Lam Y suy nghĩ giây lát rồi bảo A Hoành :

– Củng đại ca cho ăn chớ? Ăn bây giờ tối đến hành động đỡ nặng nề.

Củng Hoành đáp :

– Thưa nữ hiệp, cơm nước sửa soạn xong cả rồi, chỉ có việc dọn lên là ăn thôi.

Dứt lời, Củng Hoành, Trần Nhị cùng đứng lên xuống bếp dọn cơm.

Lam Y lo lắng nói riêng với Chu Đức Kiệt :

– Hiền huynh à, ngu muội chỉ lo chúng hạ sát hay làm ô uế mất vợ chồng thanh niên mới bị bắt hôm rồi. Lại còn cha con người phu xa
nữa!… Tiếc quá! Tiếc quá! Không hành động kịp sáng nay.

Chu Đức Kiệt ngẫm nghĩ đáp :

– Chắc Đới tặc chưa có thì giờ nghĩ tới bọn ấy đâu. Đêm qua, y
bận có khách và chờ có kết quả cuộc bắt chúng ta ở hắc điếm hai người,
mà sáng hôm nay A Hoành trông thấy đi cùng với họ Đới chắc là hai người
khách của y đó.

Cơm rượu xong, Trần Nhị và A Hoành xuống nhà dưới trong nom mấy
con ngựa. Anh em Chu gia ngồi chuyện vãn cùng Củng lão quanh bếp lửa.

Trời lạnh nên tối lẹ lắm. Gió thổi vi vu từng đợt qua rừng Đại
lâm, thỉnh thoảng rít lên như tiếng quỷ giận ma hờn. Mây xám từ đâu kéo
đến che lấp cả bầu trời.

Lam Y bước ra mái hiên nhìn quanh :

– Có lẽ trời mưa chăng?

Củng lão thổi mồi lửa giấy, rít một hơi thuốc lào nhả khói, khoan khoái :

– Năm nào cũng vậy, cứ tháng này thường có nhiều ngày lạnh bất
ngờ, gió thổi, mây che nhưng không mưa. Đêm tối như mực không có trăng
sao… Rất tiện cho anh em tôi nhập Xích Hoa viện đêm nay.

– Nhị vị có nhớ đường ra không? Nếu cần, tôi sẽ cho A Hoành dẫn đường.

– Nhớ chứ! Xin khỏi phiền. Làm rộn Củng lão thế này là quá nhiều rồi.

° ° °

Đới Vĩnh Khang vốn người gốc tại Linh Viễn phủ thuộc
miền Nam tỉnh Tứ Xuyên. Y có sức khỏe, tánh tình tàn bạo ngay từ lúc còn nhỏ.

Năm mười bốn tuổi, y theo hầu một đạo sĩ hình dung cổ quái tóc
vàng như râu ngô. Không rõ tục danh đạo sĩ đó là chi, nhưng thường đi
lại khu vực Linh Viễn nên ai cũng gọi là Hoàng Mao đạo sĩ. Hoàng Mao
thấy Đới Vĩnh Khang còn ít tuổi mà đã có dũng lực, chăm chỉ nên rất mến
cho theo hầu.

Một hôm, đạo sĩ bảo Đới Vĩnh Khang :

– Ta sắp bỏ xứ này, xuống Vân Nam du ngoạn, chắc người chẳng
muốn đi theo, vậy cầm ít tiền đây, chừng nào ta qua đây, sẽ tìm ngươi.

Đới Vĩnh Khang quỳ lạy nói :

– Bẩm lạy sư phụ, con tứ cố vô thân từ năm còn nhỏ dại, chẳng
biết cha mẹ là ai nữa. Hiện ở nhờ một người chú họ xa, vậy sư phụ có lên đường, con nguyền quyết tâm theo, dầu góc biến chân trời cũng không hề
quản ngại, sư phụ đừng bỏ con tội nghiệp.

Đạo sĩ nhìn thẳng vào mặt Đới Vĩnh Khang hồi lâu :

– Thiệt vậy không?

– Bẩm thiệt, con đã quyết tâm rồi.

Hoàng Mao mỉm cười gật đầu, bảo Đới Vĩnh Khang đứng dậy :

– Được lắm, ta ưng thuận cho người theo. Mọi sự nhất nhất phải tuân theo lời ta nghe không?

– Dạ, không bao giờ con dám trái.

Từ đó, hai thầy trò Hoàng Mao cất gánh lên đường, qua toàn vùng
núi non hiểm trở, rừng cây rậm rạp nhắm hướng Tây nam thẳng tiến.

Trên đường du hành, giặc cướp lục lâm đại đạo nhan nhản, nhưng
hoặc tránh hoặc đánh, Hoàng Mao đạo sĩ trổ bản lãnh khiến nhiều bọn
cường đạo phải khiếp sợ. Đới Vĩnh Khang thấy sư phụ bản lãnh cao cường
thì cảm phục vô cùng.

Một hôm, Hoàng Mao hỏi :

– Vĩnh Khang, con có muốn học võ nghệ không?

Đới Vĩnh Khang chỉ mong có thế, được lời như cởi tấm lòng bèn quỳ xuống lạy :

– Xin sư phụ nhận cho con mấy lễ bái sư này.

Hoàng Mao đỡ Đới Vĩnh Khang dậy và từ đó bắt đầu truyền dạy võ
nghệ cho y. Hoàng Mao đến thẳng am Quan Âm tìm bạn là Chương Dương đạo
sĩ, Am Quan Âm rất rộng rãi ở sát Tây môn dưới nhiều chặng đa cổ thụ
cành lá rườm rà che kín cả một vùng rộng lớn.

Lúc hai thầy trò Hoàng Mao tới nơi thì trời đã xế chiều. Cửa am đóng kín.

Hoàng Mao gõ cửa :

– Mở cửa cho tôi với.

Tiếng chân lẹ làng bên trong bước ra mở then cửa, cánh cửa từ từ hé ra.

Một đạo đồng tóc gọt trái đào bước tới vái chào :


– Thưa sư phụ gọi cửa có việc chi?

– Chương Dương đạo hữu có nhà không?

Tiểu đồng nhanh nhẩu đáp :

– Dạ, sư phụ con vào trong dinh quan Tổng đốc từ trưa, có lẽ cũng sắp về. Mời sư phụ vào am.

Hai thầy trò Hoàng Mao bước vào, theo đạo đồng lên điện ngồi
chờ. Đạo đồng pha nước trà bưng lên. Đới Vĩnh Khang đặt bọc hành lý
xuống bục đá, nhìn đây đó.

Trên khuôn cửa vòng ở giữa điện, một tấm lớn sơn son thếp vàng đề ba chữ đại tự khắc kiểu triện vuông vắn cực lớn:

“Quan Âm Am”. Trên bục đá ở bên trong cửa võng sừng sững một pho tượng Quan Âm chạm khắc rất tinh xảo, cao tới ngót hai trượng.

Thấy Đới Vĩnh Khang ngơ ngác nhìn. Hoàng Mao mỉm cười bảo :

– Con nên theo đạo đồng đi xem địa thế am này… Thầy trò ta nán lại đây còn lâu.

Đạo đồng nghe vậy bèn rủ họ Đới ra ngoài cửa điện đi thăm hết mọi chỗ trong am.

Gần tối hôm ấy Chương Dương đạo sĩ mới về, thấy Hoàng Mao thì tay bắt mặt mừng :

– Đạo huynh tới lâu chưa? Sao không vào phòng thay áo nghỉ ngơi cho đỡ mệt sau cuộc hành trình vạn dặm?

– Chờ chốc lát không hề chi. Đạo hữu đi đâu về trễ vậy?

– Quan Tổng đốc mời vào uống rượu hầu chuyện người. Từ tạ hai ba lượt bây giờ mới được về.

Hoàng Mao chỉ Đới Vĩnh Khang nói :

– Đồ đệ của tôi đây… Ra lạy sư thúc đi con.

Đới Vĩnh Khang vội bước tới trước mặt Chương Dương lạy ra mắt và kêu là sư thúc.

Nguyên Hoàng Mao và Chương Dương là bạn đồng môn. Về sau, Chương Dương kế vị sư phụ ở lại Quan Âm am. Còn Hoàng Mao hay du hành đây đó,
thỉnh thoảng bất thần về chơi. Chuyến này Hoàng Mao đi quá lâu, Chương
Dương thâu đạo đồng mới nên đạo đồng không biết mặt Hoàng Mao.

Hai vợ chồng ông già vừa nấu bếp vừa làm việc vặt trong am, nghe nói Hoàng Mao đã trở về, cùng dắt nhau lên chào.

Chương Dương nói :

– Căn phòng riêng của đạo huynh vẫn để như cũ, không có gì thay
đổi cả. Mới vắng mặt có mấy năm mà đạo huynh về am nhà như một người lạ
vậy!

Hoàng Mao mỉm cười không nói gì, vẫy Đới Vĩnh Khang bảo vác gói
hành lý sân sau xuống căn nhà ngang về phòng riêng. Từ đó trở đi, Hoàng
Mao ở liền trong am truyền võ nghệ cho họ Đới, không đi đâu xa nữa, trừ
vài lần đi chơi quanh vùng thì lại cho Đới Vĩnh Khang theo hầu. Họ Đới
luyện tập rất tấn tới nhờ sức khỏe sẵn. Thập bát ban võ nghệ thứ nào
cũng thạo, càng lớn tánh tình càng nóng nảy và ngả về hung ác.

Năm năm sau, Đới Vĩnh Khang vừa đúng hai mươi tuổi, chiều cao
chưa đầy bốn thước, nhưng rất đỗi to ngang, toàn thân mình mẩy vần đỏ,
vai u, ngực lớn, bắp thịt nổi cuồn cuộn chẳng khác chi thừng chão.

Sư phụ Hoàng Mao và sư thúc Chương Dương rất mực khen họ Đới có sức vô địch, nhưng rất ngại về tánh nóng nảy hung hãn của y.

Trong thời kỳ Đới Vĩnh Khang học tập tại Am Quan Âm thì Chương
Dương đạo sĩ cũng truyền dạy võ nghệ cho đạo đồng là Lưu Tuấn và một đồ
đệ nhỏ tuổi hơn Lư Tuấn là Hứa Khải Liêm.

Một hôm, Hoàng Mao bảo họ Đới :

– Tài học bình sanh của ta, con đã nhận hết rồi. Hơn nữa, đến
tuổi trưởng thành, thiết tưởng con chẳng nên lưu luyến ở lại nơi đây mai một chí anh hùng. Ta khuyên con nên lên đường về cõi Giang Nam, đất
rộng người nhiều dễ bề tiến thủ sau này ta cũng được thơm lây. Con nghe
chưa?

Bề ngoài tuy vâng dạ nhưng Đới Vĩnh Khang thấp thỏm mừng thầm,
sẵn có tài nghệ trong tay, được thoát ly khỏi nơi khổ ải này sớm chừng
nào hay chừng ấy, tự ý chọc trời khuấy nước muốn làm chi thì làm không
ai ngăn cản. Hoàng Mao cho đồ đệ một cây đơn đao, một túi tiền ăn đường
và may thêm y phục cho. Vài bữa sau, Đới Vĩnh Khang từ biệt thầy và mọi
người ra khỏi Côn Minh phủ theo đường về Tứ Xuyên. Là trai mới lớn lên
đầy nhựa sống, Đới Vĩnh Khang cảm thấy ham muốn nhiều thứ sau nhiều năm
chịu kham khổ theo hầu Hoàng Mao.

Trên đường về Tứ Xuyên, mỗi khi qua làng mạc hay thị trấn nào
Đới Vĩnh Khang cũng rẽ vào quán rượu nhậu nhẹt say sưa và tìm những thú
vui xác thịt với bọn đào nương ca kỹ. Thành thử số tiền sư phụ cho làm
lộ phí đi mới được nửa đường đã cạn nhẵn.

Nhịn đói hơn một ngày trời, chiều hôm ấy, họ Đới vừa tới làng
Thọ An trù mật, dân cư người nào cũng có vẻ giàu có, nhà ngói tường hoa. Tiếng gọi là làng nhưng cũng có phố xá buôn bán tấp nập chẳng kém chi
một trấn nhỏ giữa một khu rừng xanh thăm thẳm, núi đá nhấp nhô. Bụng
đói, dạ khát, Đới Vĩnh Khang chưa biết tính thế nào, thì đi tới khúc
đường có mấy tửu điếm khách hàng đông đúc kẻ ăn người uống tấp nập. Liếc nhìn, Đới Vĩnh Khang nước miếng trào ra miệng, càng cảm thấy đói cồn
cào. Vừa đi vừa suy tính, Đới Vĩnh Khang rẽ sang tay hữu, đi một quãng
nữa thì chợt nghe tiếng ai cười lanh lảnh. Giựt mình, ngước mắt nhìn,
thấy ở trên lầu căn nhà lớn kế bên đường, một thiếu phụ tì tay trên cửa
sổ xây cuốn đang xây mặt vào trong nhà cười :

– Làn tóc mây đen láng tựa huyền là nổi bật làn da trắng mát như mỡ đọng, đôi vai nàng rung lên vì tiếng cười…

Đới Vĩnh Khang đứng sững lại mê mẩn nhìn quên cả đói. Thiếu phụ
chợt quay mặt ra đường thấy một người ngũ đoản vai rộng ngực lớn, sắc
mặt vẫn đỏ dỡ tợn đang giương đôi mắt trố ra nhìn một cách thèm
thuồng…

Thiếu phụ đỏ mặt buông rèm cửa, quay ngoắt đi vào.

Chao ôi! Con người đâu mà đẹp tuyệt, chẳng khác chi tiên nữ
giáng trần! Mái tóc huyền tết lững lờ sao mà hợp với khuôn mặt trái xoan thế! Đới Vĩnh Khang nuốt nước miếng đánh ực lần này không phải vì đói
cơm, nhưng vì thèm muốn cái vưu vật vừa buông rèm xuống kia. Khẽ gật
đầu, họ Đới chợt nghĩ ra một điều khiến chàng mỉm cười quên cả đói. Nhìn trước nhìn sau, chàng nhận đường rồi thẳng ra phía cuối làng tìm nói
cây cối rậm rạp, phi thân lên một cành lớn, cởi hành lý, ngả lưng vào
thân cây nghỉ ngơi, thiêm thiếp ngủ.

Lúc tỉnh dậy, Đới Vĩnh Khang đeo hành lý, nhảy xuống đất ngó
quanh. Khuya rồi, trời tối như mực, bốn bề vắng ngắt, xa xa tiếng chó
sủa từng hồi. Tuy đói lắm, nhưng Đới Vĩnh Khang còn thừa sức khỏe, phi
hành trở về khu phố lúc ban chiều.

Nhà nào cũng cửa đóng then cài kín mít. Nhẹ nhàng như bóng ma,
phi thân lên mái nhà, Đới Vĩnh Khang nhìn sao đêm lờ mờ ước lúc này độ
canh ba, thì quả nhiên tiếng trống canh ba ở đầu làng vừa vặn điểm hồi.
Lần tới mấy tửu điếm, chàng ngó xuống sân vắng vẻ. Nằm áp xuống mái, Đới Vĩnh Khang nhẹ tay giở viên ngói nhìn xuống. Trong nhà leo lét ngọn đèn dầu, tiếng người ngủ say thở phì phò nghe rõ mồn một. Lấp viên ngói lại như cũ, Đới Vĩnh Khang nhảy xuống sân áp lưng vào tường nghe ngóng. Yên lặng. Lần vào nhà trong mà chàng đoán là căn bếp, một người đắp mền nằm trên tấm phản, quay mặt vào tường ngủ say. Trong cùng là bếp, ánh lửa ủ nhẹ bốc. Trên bếp kê một cái quả hấp lớn.

Không một tiếng động nhỏ, Đới Vĩnh Khang nhón nhén bước tới mở nắp quả hấp, thấy bên trong để toàn bánh bao.

Mừng quá, chàng cởi khăn quàng cổ bọc luôn mười mấy chiếc bánh
nóng hổi, đậy nắp quả hấp lại, đi ra. Lúc bấy giờ mới chợt nhìn thấy
trên chiếc ngăn đóng ngang trên tường bày nhiều chai lọ.

Chọn lấy một chai nhắc xuống. Đới Vĩnh Khang ngửi qua mỉm cười,
bỏ liền vào bọc bánh, bước thẳng ra ngoài sân, phi thân trên nóc nhà
chuyền ra đầu đường ngồi cheo leo trên cao, lấy chai ra tu một hơi dài.

Chà! Rượu ngon thơm thiệt!

Đới Vĩnh Khang lấy bánh ra ngốn một hồi như hùm, hết nhẵn.

Liệng chai rỗng đi một nơi, họ Đới võ bụng thỏa mãn. Nhảy xuống
đường, Đới Vĩnh Khang lần đến căn nhà có thiếu phụ cười lúc ban chiều,
chàng phi thân lên mặt tường, từ tường lên nóc rồi nhón nhén vào phía
trong nằm áp xuống mái quan sát hồi lâu.

Ngay dưới mái có hai lớp hành lang chạy dọc và chạy xuôi. Đới
Vĩnh Khang trở lại đầu nhà rút ngói nhìn xuống. Bên dưới là một căn
phòng rộng rãi bày trí trang nhã. Ngọn đèn khêu nhỏ để trên án thư góc
phòng. Ở cuối phòng kê giường bát bảo buông mùng kín mít. Ngay dưới chân giường lộ ra một đôi hài thêu nhỏ xíu. Đới Vĩnh Khang lần lượt giở ngói cho một chân xuống trước, buông tay để rơi nhẹ xuống sàn gạch ngay
trước nơi cửa sổ xây cuốn.

Trong góc phòng, kế bên giường, có cửa lớn đóng kín ăn thông vào phòng trong. Nhẹ nhàng, Đới Vĩnh Khang rút đao ra tiến tới bên giường
vén mùng lên…

Thiếu phụ lúc ban chiều mền kéo lên tận ngực đang thiêm thiếp
giấc nồng. Nàng đẹp như đóa hoa xuân trong khung cảnh tranh tối, tranh
sáng, thở đều hòa hai trái đào dưới mền nhô lên hạ xuống nhịp nhàng…

Mải miết ngắm bức tranh thiên tạo này, Đới Vĩnh Khang thấy một cảm giác tê tê, buồn buồn khắp thể xác mình.

Như có linh tính báo nguy, thiếu phụ bỗng mở choàng mắt ra, nhận thấy người lạ, nàng hé miệng định la, thì lẹ như cắt, họ Đới đã bịt
chặt lấy miệng nàng, áp lưỡi đao lạnh toát lên cổ, khẽ nói :

– Biết điều nằm im kẻo mất đầu!

Sợ quá, thiếu phụ tê liệt cả tứ chi chưa biết phải hành động thế nào thì Đới Vĩnh Khang đã nhét khăn vào đầy miệng nàng cứng nhắc.

Tay đao vẫn kề vào cổ, còn tay kia tung mền ra kéo tuột chiếc xiêm lụa mỏng xuống chân giường…

Bị lộ thể, thiếu phụ định đưa hai chân che đậy nhưng không kịp! Một sức nặng nề đã đè lấn lên người nàng, hai tay ghì chặt…

– Nằm im, không thì ta cắt cổ.

Sức đè nặng quá, thiếu phụ ngạt thở, hai mắt lờ đờ rồi nhắm hẳn mặc tình cho tên cường đạo mưa gió phũ phàng…

… Đới Vĩnh Khang bước xuống đất xốc lại y phục. Thiếu phụ mê man nằm thẳng như xác chết…

Đới Vĩnh Khang lấy mũi đao khẽ cạy cánh tủ nhỏ kê giáp tường.
Cánh tủ hé ra để lộ mấy món nữ trang bằng vàng và bốn lượng vàng thoi đỏ ối…

Tên cường tặc bỏ bốn lượng vàng vào túi, quay lại giường rút
phắt chiếc khăn ở miệng nạn nhân ra, chạy mở cửa sổ phi thân ra ngoài
trời trong lúc thiếu phụ bàng hoàng không kịp la lối cầu cứu!…

Đới Vĩnh Khang chạy một mạch tới chỗ cây lớn, nhảy lên cành ngồi nghỉ khoan khoái, chờ trời hừng sáng lên đường.

Nhờ có bản lãnh, từ đó Đới Vĩnh Khang trở thành tay giang hồ hắc đạo chuyên hãm hiếp phụ nữ, giết người cướp của, gây không biết bao
nhiêu cảnh tang tóc thương đau.

Về tới Linh Viễn, Đới Vĩnh Khang tìm đến nhà chú họ khi xưa,
nhưng người chú đã mất, căn nhà cũ sang tay người khác, họ hàng thân
thích chẳng biết lang bạc nơi đâu. Đới Vĩnh Khang không quan tâm, vào
trọ nơi tửu quán, nán lại ít ngày, tiền vung ra như rác chẳng bao lâu
mấy lượng vàng đoạt được ở nhà thiếu phụ trước đây tiêu tan hết. Đới
Vĩnh Khang lại nhằm một đại phú gia, giở nghề phi thiềm tẩu bích vào
đoạt của rồi bỏ Linh Viễn, theo chiều Dương Tử giang ra khỏi địa phận Tứ Xuyên, phiêu bạt khắp đó đây chuyên nghề độc thân đại đạo.

Suốt mười năm đầu, Đới Vĩnh Khang đặt gót đạo tặc cũng đã nhiều
nơi, giao du với bọn lục lâm cường đạo không biết bao nhiêu mà kể. Vì
trên mặt lúc nào cũng có những đường vằn đỏ, tính nết nham hiểm hung
bạo, giết người không biết ghê tay, nên đồng bọn gọi y là Xích Hoa Xà.

Năm ấy, Đới Vĩnh Khang đã ngoài ba mươi tuổi, một ngày kia đi
tới Hoàng Giang, một nhánh nhỏ của sông Dương Tử thuộc địa phận Dương Âm huyện, thì trời đã quá Ngọ.

Ngồi dưới gốc cây nhìn ngọn lau phất phơ trước gió, Đới Vĩnh Khang chờ đò.

Hồi lâu, nóng ruột, Đới Vĩnh Khang gọi lớn :

– Có lái đò đâu đây qua sông không? Chở tôi sang với…

Im lặng, trừ tiếng cụm lau sột sạt bên bờ sông vắng, không có lấy một tiếng người.

Chờ mãi, Đới Vĩnh Khang nóng ruột lẩm nhẩm một mình :

– Gớm thiệt! Không ngờ khúc sông này lại vắng thế! Không một con đò! Mà cũng chẳng một bóng người?

Giữa lúc ấy, bỗng có tiếng ca chầm chậm từ đâu vọng tới lẫn với tiếng chèo khua nước :

– Sớm chèo, tối lội vui thay,

Ngày ngày hứng gió, đêm chầy nhìn trăng,

Bến Hoàng Giang, bãi Dương Âm,

Thênh thênh chài lưới, biết đâu bến bờ…

Mừng quá, Đới Vĩnh Khang đã tuyệt vọng phải trở lại đường cũ,
liền đứng phắt dậy, nghểnh chân, ngó trước ngó sau. Không thấy gì. Tiếng hát im bặt. Nhưng con thuyền của ai đó vẫn bì bõm chèo tuy che lấp bởi
ngàn lau vậy. Đới Vĩnh Khang định phi thân lên cây nhìn xem thì từ từ
một chiếc thuyền cỡ trung bình đang đủng đỉnh từ bụi lau gần giữa sông
ló ra.

Bắt tay thành loa quanh miệng, Đới Vĩnh Khang gọi lớn :

– Chú lái ơi! Cho tôi qua sông với!

Trên chiếc thuyền xa chỉ có một người đội nón, quần ngắn, lững lờ khua mái chèo.

Như không nghe thấy tiếng gọi, người lái đò chèo thuyền đi thẳng, nghêu ngao hát :

– Nghinh ngang nay vũng, mai hồ,

Riêng mình một cõi, ngọn cờ tung bay.

Kinh luân đã sẵn trong tay,

Nghêu ngao mặt nước, gươm bay giữa trời.

Giọng ca vừa ấm áp vừa hùng vang xa xa, Đới Vĩnh Khang nghe rõ mồn một.

Tên lái đò này điên sao! Nó hát ta nghe thấy, mà gọi nó lại lờ đi!

Nghĩ đoạn, họ Đới lại gọi lớn :

– Bớ chú lái! Bớ chú lái! Có khách quá giang nè. Vào bờ mau, vào bờ mau!

Tiếng gọi rất lớn vang động cả một vùng.

Lúc bấy giờ, người lái đò mới ngừng tay chèo, vểnh chiếc nón mây đan, quay đầu lại nhìn vô bờ :

– Ai gọi ta thế?

– Cho tôi quá giang với, lẹ lên kẻo trễ ngày giờ của tôi.

– Có mấy người tất cả?

– Một mình tôi thôi, nhưng muốn lấy bao nhiêu tôi cũng trả.

– Thuyền này chở được mười người, mỗi người ba quan, vị chi là ba mươi quan, có chịu không?

Họ Đới nghĩ bụng :

– Thằng cha này bắt bí người ta thiệt, ai lại qua một chuyến đò
bắt người ta chịu ba mươi quan tiền bao giờ không? Được lắm! Sang tới bờ bên kia, ta chỉ trả ba quan thôi xem y làm chi ta!

Tiếng người lái đò hỏi với vào bờ :

– Thế nào? Có chịu không để tôi còn đi. Nghĩ ngợi… gì mà lâu vậy?

Đới Vĩnh Khang vội đáp :

– Chịu chứ! Nào ghé thuyền vào đây! Lẹ lên!

Đủng đỉnh, lái đò quay mũi thuyền vào bờ… tiếng ca lại vang dậy :

– Thuyền lan một chiếc thảnh thơi,

Dầm mưa, dãi gió bên trời Hoàng giang,


Không đi khắp chốn lang thang,

Vùi đầu áng sách, uổng trang hải hồ…

Đới Vĩnh Khang nóng ruột lẩm bẩm :

– Thằng này quả điên rồ! Ca hát trên sông vắng này cho quỷ nó nghe!.

Thuyền gần tới bờ, Đới Vĩnh Khang nhận thấy chú lái là một lão
trạc ngoại tứ tuần, sắc mặt đỏ tía cháy nắng, bắp chân và tay nở rắn
chắc, tỏ vẻ ưa hoạt động.

Người lái đò đăm đăm nhìn Đới Vĩnh Khang lái thuyền vào hẳn bờ, cười khanh khách :

– Hảo hán nghĩ chi đờ người ra vậy? Cười lão điên rồ ca hát nghêu ngao hả?

Họ Đới giật mình nghĩ thầm :

– Quái! Thằng này đoán được ý nghĩ của ta?

Nghĩ vậy, trả lời ngay :

– Đâu có! Tôi nghĩ rằng người lái đò bến Hoàng giang tốt giọng quá.

– Có cần tôi đẩy lui thuyền vào bờ cho dễ đáp xuống không?

Đới Vĩnh Khang lắc đầu :

– Khỏi cần. Tôi xuống được.

– Bằng cách nào?

– Nhảy xuống chứ sao?

Người lái đò nguây nguẩy :

– Trời ơi! To ngang, nặng nề như hảo hán, nhảy xuống thuyền tôi thì chìm hay bể mất chứ còn gì!

– Không đâu! Coi nè!.

Họ Đới nhảy vụt từ bờ lên mũi thuyền nhẹ nhàng, chiếc thuyền chỉ hơi chòng chành chút xíu.

Lái đò vỗ tay khen ngợi :

– A ha! Giỏi quá! Giỏi quá! Thế mà lão cứ lo phải lội nước đẩy thuyền ghé sát vào bờ.

– Sá chi cái trò nhỏ mọn đó! Thôi mất thì giờ nhiều rồi! Chèo đi thôi!

Vẫn đủng đỉnh, chậm rãi, người lái quay mũi thuyền chèo trở ra.

– Hảo hán từ đâu qua đây?

– Từ miền Tây tới định đi thăm người bà con miền Giang Nam…

Chăm chú nhìn khách qua đò một lần nữa, lão lái im lặng nhìn ra
giữa sông. Lát sau, thuyền ra tới giữa dòng sông, Đới Vĩnh Khang ngồi ở
đầu thuyền nhìn phong cảnh.

– Bến đò này vắng quá, mỗi ngày chở được mấy mạng qua sông?

– Nếu làm nghề này có lẽ tôi giải nghệ mất!

Lão lái đủng đỉnh :

– Ấy thế mà không! Thỉnh thoảng vớ được món bở… ra phết?

– Thế nào là.. bở ra phết?

– Như ngày hôm nay chẳng hạn. Chở một mà được những mười, không bở là gì?.. À hảo hán cho xin tiền…

Nói đoạn, người lái đò ngừng tay chèo, đưa tay ra chờ tiền.

– Tới bờ bên kia sẽ trả cũng được, chạy đi đâu mà sợ?

– Lão đâu có sợ chạy không trả tiền? Nhưng lấy tiền trước là lệ luật ở khu này. Thiệt ra, lão cũng chẳng muốn!

– Đã vậy thì lát nữa tới bờ trả cũng được. Tôi đây không phải hạng người… tiếc ba mươi quan tiền!

– Nhưng trái với luật lệ thì không được!

Tức mình, Đới Vĩnh Khang hỏi :

– Ai ra lệ luật đó, ngặt quá!

Vỗ vào ngực, lái đó đáp :

– Ở đâu cũng vậy, cứ xuống thuyền là phải trải tiền liền tay!… Khu vực Hoàng Giang này tự lão đặt ra lệ luật, ngoài vòng cương tỏa…
Tuy vậy cũng chẳng khác chi mọi nơi. nói không đưa tiền trước thì lão
quay thuyền lại, trả khách vào bờ.

Tức lắm, Đới Vĩnh Khang cười khẩy :

– Nếu vậy, Đới mỗ này cũng tự ra luật lệ, bắt mọi người sống
trong ảnh hưởng khúc sông này phải tuân theo. Đó là lệ lấy tiền quá
giang sau.

Không nói không rằng, lái đò quay ngay mũi thuyền lại chèo vào bờ.

Đới Vĩnh Khang chỉ tay vào mặt người lái :

– Này! Ta nói cho mà nghe! Biết điều thì chở ta sang bên kia
ngay, thủ cấp nhà ngươi sẽ được đứng yên trên cổ. Mất nhiều thì giờ rồi, Xích Hoa Xà này không biết đùa dai đâu đó, nghe?

Buông mái chèo, người lái đò dùng chân đẩy nhẹ tấm ván ở cuối
thuyền, cúi xuống lẹ như vượn lấy ra một cây đoản đao, chỉ Đới Vĩnh
Khang, mắng lại :

– Xích Hoa Xà hay Bách Sắc Hoa Xà ta cũng chẳng sợ! Dọc ngang hồ hải trên ba mươi năm nay, ta chưa hề nghe lệnh của thằng nào, hơn nữa,
chở hàng ở khu này cũng đã nhiều năm, hạng người như ngươi thì chỉ đáng
cho xuống Thủy phủ. Biết điều để hành lý lại, ta sẽ cho ăn “bánh chay”.
Cưỡng lời ta thì ăn “bánh trôi”. Lúc đó chớ trách ta là ác!

Nộ khí xung thiên, Đới Vĩnh Khang tuốt đao mắng lại :

– Muốn lấy hành lý, cứ thử hỏi đao này xem nó có ưng không?…

Gớm thiệt. À, ra hạng cướp cỏ như nhà ngươi mà cũng loạn ngôn thế! Coi đao của gia gia này!

Nói đoạn, Đới Vĩnh Khang nhảy vụt tới hoa đao lia ngang cổ người lái đò. Không kém, người lái đò múa đao gạt phắt sang bên rất mạnh mẽ,
nhắm bụng họ Đới thọc một mũi đao thiệt mạnh.

Hai đấu thủ cùng khỏe, đao pháp vù vù, xây đi, nhảy lại đỡ đỡ, đánh đánh, lưỡi đao va chạm nẩy lửa, kinh hồn.

Nếu trận đấu xảy ra ở trên đất liền hay thuyền lớn thì có lẽ
tưởng gặp tay ngang, nhưng đây là chiếc ghe nhỏ, hai địch thủ nhảy đi,
nhảy lại đánh đỡ liên tiếp khiến thuyền chòng chành nhiều lúc như muốn
úp lật.

Từ trước tới nay, Đới Vĩnh Khang vốn ghét nước và sợ nước, không biết bơi, nay cùng người lái đò chiến đấu ở trên thuyền nhỏ vừa hẹp, bộ cước vừa bồng bềnh không vững, phải gắng gượng nhiều lắm mới giữ nổi
thăng bằng. Trái lại, lão lái đò không những đao pháp đã hay mà còn quen với cuộc sống bình bồng trên mặt nước, thành thử càng đánh càng hăng
lanh lẹ dị thường như đấu chiến trên đất bằng vậy.

Bị dồn luôn mấy đòn độc, Đới Vĩnh Khang tức bực vô cùng vì một
kẻ địch võ thuật chẳng hơn chi mình mà cầm cự nổi trong bao lâu. Càng
nghĩ càng tức, Đới Vĩnh Khang dồn tất cả sức lực ra cánh tay nhè lưỡi
đao của đối phương chém thiệt mạnh. quả nhiên, lát đao đó có hiệu lực
tức thì. Lão lái đò bất ngờ đưa đao ra đón lát chém ấy, thanh đao bật ra khỏi tay rớt xuống nước, cánh tay tê buốt đau đớn. Đới Vĩnh Khang cả
mừng, nhằm vai địch thủ chém một lát nữa chí mạng. Nhưng không kịp vì dự đoán trước, lão lái đò đã như con nhái bén, nhào xuống sông lặn mất
tích…

Đới Vĩnh Khang đứng trên thuyền nhìn quanh chẳng thấy tâm hơi
địch thủ đâu cả. Không lẽ đứng lì ra đó nhìn mãi, họ Đới cài đao vào vỏ, cầm chèo định bơi sang bờ sông bên kia thì lúc đó mới nhận thấy thuyền
đang trôi theo dòng nước mỗi lúc một nhanh. Cầm chèo cố ghìm thuyền lại, Đới Vĩnh Khang loay hoay thế nào mà con thuyền cứ quay tròn rồi lại
trôi thẳng… Giữa lúc ấy thì lão lái đò nhô đầu lên mặt nước, miệng
ngang thanh đoản đao buông xuống nước ban nãy.

Đới Vĩnh Khang rất phục tài lặn của đối phương, đã ngụp xuống nước lấy lại được cây đao, nhưng cũng mắng át :

– Tên giặc kia có giỏi lên thuyền này đấu trăm hiệp nữa!

Lái đò cười ha hả :

– Ta và mi chưa biết tên nào là giặc bị các phủ huyện treo hình
tróc nã. Nên hiểu qua khúc sông này, đừng hòng vượt mặt Hải Đề Giao Đổng Kính Thiên, nghe chưa! Mi sẽ biết tay ta. Coi đây!

Dứt lời, lão lái đò nhào lộn ngược hai chân trồi lên mặt nước, rồi toàn thân lặn hẳn xuống nước biến mất.

Đới Vĩnh Khang chưa kịp suy tính thì chiếc xuồng bỗng dưng quay
tròn như chong chóng khiến y phải ngồi xuống bám chặt lấy mạn thuyền cho khỏi té nhào xuống nước.

Biết là Đổng Kính Thiên trổ tài nghề quay thuyền cho đối thủ sợ, Đới Vĩnh Khang bèn rút đao, một tay giữ chặt mạn thuyền, một tay đưa
đao chém lùa xuống dưới nước.

– Đổng Kính Thiên! Có tài thì lên đây cùng ta giao đấu phân thua cao thấp, chớ làm trò trẻ ấy ta khinh thường!…

Dứt lời, chiếc thuyền không quay nữa nhưng lại nghiêng ngửa cơ
hồ như muốn úp lật bởi những ngọn sóng nước lớn tự nhiên nổi dậy ầm
ầm…

Đới Vĩnh Khang hoảng quá buông đao ra, bám chặt lấy mạn thuyền
cho khỏi té xuống nước, tuy vậy cũng nhìn thấy rõ Hải Đề Giao đang nhào
lộn quanh chiếc thuyền gây lên những ngọn thủy ba thiệt lớn… Họ Đổng
vùng vẫy chẳng khác chi con giao long trên mặt biển…

Đới Vĩnh Khang vừa sợ hãi, vừa thầm phục, hai tay vẫn bám chặt
lấy mạn thuyền, hoang mang không biết xử trí ra sao, thì bỗng nhiên Đổng Kính Thiên nhào vụt đến gần, túm chặt vai áo lôi tuột họ Đới xuống
nước, Đới Vĩnh Khang cố vùng vẫy, nhưng chìm lỉm, sặc sụa, uống nước ừng ực, nghẹt thở…

Bỗng một bàn tay vô hình nâng y lên mặt nước. Chưa kịp thở, bàn
tay ấy lại buông ra khiến Đới Vĩnh Khang chìm lỉm như trước. Lần này thì ghê gớm quá, họ Đới cảm thấy nước trào cả vào mắt, tai mũi, miệng.
Không thở được nữa, y nấc lên mấy tiếng, tứ chi duỗi ra ngất hẳn, trôi
là dưới mặt nước rồi lật úp chìm từ từ…

Nhưng, Đổng Kính Thiên, từ nãy vẫn hơi ở bên cạnh nắm lấy thắt
lưng lôi họ Đới lên mặt nước, đặt nằm ngửa trên lưng, tay tả cặp ngược
lại giữ họ Đới cho khỏi lật, tay hữu và hai chân bơi vùn vụt đuổi theo
chiếc thuyền đang lững lờ trôi cách đó bẩy, tám sải tay… Hai tay nâng
bỏ Đới Vĩnh Khang vào trong thuyền, Đổng Kính Thiên cũng nhảy lên thuyền vuốt quần áo qua loa cho bớt nước, rồi cúi xuống cởi cây lưng và nút áo họ Đới ra, đoạn cầm hai chân dốc ngược đầu y xuống. Xốc đi, xốc lại
giây lát, Đới Vĩnh Khang ọc nhiều nước ra miệng.

Đặt họ Đới xuống ván thuyền, cởi hẳn áo y bỏ sang bèn, Đổng Kính Thiên lật ván ở đuôi thuyền lấy chiếc mền đắp lại cho y. Tự cởi áo mình ra vắt hết nước, Đổng Kính Thiên bắt đầu chèo thuyền ngược lại phía
sau, lách vào đám lau sậy mà đi.

Hồi lâu, lau sậy thưa dần, thuyền ghé vào một cù lao nhỏ, mặt đất toàn bằng sỏi trắng rất sạch sẽ, đẹp mắt.

Tiếng chó sủa vang lên.

Đổng Kính Thiên huýt gió mấy cái, một con chó bông đen trắng từ phía trong cù lao chạy ra. Tiếp theo là tiếng ồ ồ vang lên :

– A ha! phụ thân đã về! Có được mẻ lưới nào không?

Một… thiếu nữ tóc như rễ tre, nước da đen sạm, mũi sư tử, mắt
trố, răng vồ đội hẳn đôi môi dầy như cặp chả, chạy lạo xạo trên sỏi,
theo sau cách con chó bông độ mười bước.

Đổng Kính Thiên nhảy xuống đất cột thuyền vào thân cây gần đó, chỉ tay xuống thuyền bảo thiếu nữ :

– Đấy! Con cá lớn chui vô lưới đó. Con hãy xách bao hành lý của y và hai cây đao vào nhà. Mặc ta với nó.

Thiếu nữ nhìn cha :

– Có hỗn đấu hay sao mà cha ướt át như vậy? Thủy chiến à? Sao không giết phắt y đi, mang về đây làm chi?

Đổng Kính Thiên vỗ vai con gái, mỉm cười :

– Gớm, con gái gì mà đa sát thế! Không lẽ động một chút cũng giết người sao?

– Phụ thân đem y về đây thêm lộ liễu, có ích lợi chi?

– Thằng này là tên độc thân tặc đạo nổi danh bị nhiều nơi dán
lệnh truy nã. Ai bắt sống được y sẽ có thưởng năm trăm lượng bạc. Trình
thủ cấp, được hai trăm lượng.

– Xích Hoa Xà Đới Vĩnh Khang là nó đó.

– Thế sao phụ thân không trói y lại. Để tự do thế sao tiện?

– Ai lại cướp bắt tặc đạo bao giờ! Cha con ta há không phải đồng nghề với y đó sao? Tuy cách kiếm ăn khác nhau! Thôi, sẽ nói chuyện sau, Kim Hoàn ạ. Cất các thứ ấy vào nhà, lẹ lên con. Đốt lửa lên sưởi nóng
cho Đới Vĩnh Khang tỉnh dậy. Y ngất khá lâu rồi.

Thật ra thì Đới Vĩnh Khang đã hồi tỉnh từ lúc có tiếng chó sủa.
Hé mắt nhìn sơ sơ, y biết là đã bị đem tới một nơi nào lạ nên cứ vờ ngất xem Đổng Kính Thiên hành động thế nào. Mẫu chuyện mà cha con họ Đổng
vừa trao đổi vừa rồi đều lọt vào tai họ Đới nên y rất lấy làm cảm kích
lòng tốt của lão lái đò. Đang định đứng vùng dậy tạ ơn thì Đổng Kim Hoàn xúi xuống gần lượm hai cây đao và bọc hành trang vác lên vai.

Trong khi cô… gái họ Đổng vô tình, Đới Vĩnh Khang hé mắt nhìn
trộm, đoạn nhắm mắt lại nghĩ thầm: gớm, con gái chi mà xấu như ma! Rợn
cả người! Nhưng chợt nghĩ ra mình cũng chẳng đẹp đẽ chi, họ Đới cười
thầm, nằm im.

Chờ Đổng Kim Hoàn đi khỏi, lão lái đò mới ghé người vào mạn thuyền ôm xốc họ Đới lên vai đi theo vào sau.

Con chó bông đen trắng thấy ngươi lạ thì cứ sủa dóng một ầm ĩ.

Đổng Kính Thiên nạt :

– Im đi! Về nhà mau!

Như hiểu tiếng chủ nhân, con chó cố sủa thêm mấy tiếng nữa rồi mới vẫy đuôi, tung tăng chạy về nhà trước.

Không người kiểm soát, Đới Vĩnh Khang mở mắt nhìn kỹ. Qua khỏi
chỗ cát trắng gần mé sông, hai bên lồi đó có trồng bờ cây gai thắp hoa
đỏ rung rinh trước gió coi khá đẹp mắt. Đi vằn vèo giây lát thì tới nhà
rộng rãi cất bằng cây lợp lá ngay dưới mấy gốc đa cổ thụ cành lá um tùm. Phía trước nhà có mấy mảnh vườn trồng các thứ rau thường dùng.

Tiếng Kim Hoàn lại ồ ồ cất lên :

– Vác nó làm chi cho mất công. Trói gô nó lại rồi xách có hơn không, hả phụ thân?

Nhắm nghiền mắt lại, Đới Vĩnh Khang cười thầm: “Cô ả này ác thiệt! Xấu như quỷ có khác!”.

– Con đốt lửa chưa?

– Dạ, có sẵn rồi. Phụ thân lẹ chân vào thay áo, uống rượu cho ấm người…

– Phải cho họ Đới tỉnh đã. Quái! Y ngất lâu quá! Xưa nay chưa ai như thế cả!

Đới Vĩnh Khang mỉm cười, vùng từ vai họ Đới nhào xuống đất, lăn đi hai vòng rồi trỗi dậy rất lẹ làng.

Hai cha con họ Đổng giựt mình, nhảy né sang bên thủ thế…

Nhưng họ Đới đã tươi cười tiến tới quỳ lại Đổng Kính Thiên.

– Tiểu tử hữu nhãn vô người, đứng trước bực tiền bối đáng kính mà không biết, xin muôn vàn thứ lỗi.

Mỉm cười, vuốt râu, Đổng Kính Thiên đỡ Đới Vĩnh Khang dậy :

– Đánh nhau chán tay rồi mới giao tình là thường trong bọn giang hồ chúng ta. Hảo hán chớ lấy thế làm lạ. Vào nhà thay áo kẻo lạnh, sẽ
nói chuyện sau.

Đổng Kính Thiên dẫn họ Đới vào căn phòng nhỏ, để bọc hành lý lên giường :

– Hảo hán thay y phục đi. Phải nán lại đây ít ngày, lão sẽ nói chuyện sau.

Nói đoạn, họ Đổng ra khỏi phòng.

Đới Vĩnh Khang thay áo, càng nghĩ càng cảm kích tánh tình quảng
giao của lão lái đò… nhưng nghĩ đến Kim Hoàn thì lại giật mình thon
thót :

– Người đâu mà xấu tệ! Giá xinh gái thì ta có thể ở đây vài tháng cũng được!

Có tiếng gọi ở nhà ngoài :

– Đới hảo hán đã rồi chưa? Ra đây sưởi ấm, uống vài ly rượu nào!

Thiệt trúng tâm lý, Đới Vĩnh Khang đang vừa đói vừa khát, thèm
rượu bả cả miệng. Đẩy cửa phòng, bước ra ngoài, Đới Vĩnh Khang nhận thấy trong nhà rất ngăn nắp sạch sẽ.

Đổng Kính Thiên ngồi bên lửa sưởi cạnh chiếc bàn gỗ nhỏ bày bầu rượu, mấy cái Lam Y và một đĩa thức nhắm.

– Ngồi xuống đây cho ấm. Mời hảo hớn xơi rượu đi. Kim Hoàn sẽ đem cơm lên sau, trời gần tối rồi.

Đới Vĩnh Khang kéo ghế ngồi xuống, lơ đãng nhìn ra lối cửa ánh sáng bên ngoài mờ mờ trong cảnh hoàng hôn tại một nơi cô tịnh.

Cuộc nhân sinh quả thiệt éo le không biết thế nào mà ngờ được.
Trong cảnh giang hồ lạc bước, Đới Vĩnh Khang tưởng gặp đò sang sông đi
cho rồi, ngờ đâu đánh nhau trối chết với người lái đò, rồi cả hai cùng
về căn nhà trên tiểu đảo vắng vẻ u tịch này, đối diện chè chén phiếm
đàm.

Mới đây, tôi lên huyện thấy hình hảo hớn dán khắp nơi cùng phiếu truy tầm, Đồng cảnh, đồng thuyền, nhận ra hảo hớn nên mới bày chuyện
trêu cợt thử tài làm quen. Đi lang thang như vậy không sợ sa lưới pháp
luật sao?

Đới Vĩnh Khang cảm kích vô cùng, thưa rằng :

– Làm thế nào được! Bao nhiêu năm vùng vẫy hải hồ đã quen, nay
chẳng lẽ vì bị truy nã mà dừng chân ẩn lánh mai một cùng thời gian? Bởi
vậy tiểu tử cứ đi, nếu bị cản đường sẽ đánh, sá chi lũ quan quân hèn
yếu…

Đổng Kính Thiên xua tay lắc đầu :

– Luận đàm như vậy hãy còn thanh niên tính, không được. Tôi đã
qua giai đoạn ấy rồi! Hảo hớn võ nghệ cao cường và có dũng lực thiệt,
nhưng anh hùng thiên hạ không phải hiếm. Sách có câu “Cao nhân tắc hữu
cao nhân trị”, một ngày kia thế nào cũng sẽ gặp người có bản lãnh cao
hơn mình, lúc đó có muốn thoái cũng không kịp.

Con người thức thời anh hùng phải biết tiến, thoái hợp thời, cứ
khư khư chấp nệ cậy mình tài giỏi, không trước thì sau thế nào cũng bị
táng mạng vì lẽ khinh thường.

Như tôi đây, lúc thiếu thời cũng đã từng sanh nhai trong đám
giang hồ hắc đạo, ấy thế mà khi bị truy tầm cũng phải tìm cách ẩn thân,
tìm lẽ sống trong cảnh bình thường an nhàn, lập gia đình, xoay nghề, đổi nghiệp… Nhưng thôi! Nói nhiều e hảo hớn bất khuất giận dỗi…

Đới Vĩnh Khang khoanh tay cung kính :

– Gặp được bực lão thành chỉ bảo, tiểu tử như người đui được
thấy ánh sáng, chưa biết nói thế nào để cảm ơn, huống chi còn giận dỗi
nữa sao? Xin cứ dạy bảo.

– … Từ đây đến khắp dọc sông Dương Tử trong vùng Giang Tây
này, hảo hớn chừng nào đi, chú ý thử coi cái danh Hải Đề Giao cũng hãy
còn làm khiếp đởm giới thương thuyền, vậy mà con giao long ấy hiện thời

nằm tròng trong vũng nước này, để rồi bữa nay gặp hảo hớn đó.

Nghĩ lại trận đấu ban nãy, Đới Vĩnh Khang thấy cảm phục võ nghệ
và tài thủy chiến của con người trước đây đã một thời chọc nước khuấy
trời.

– Giờ đây nên hành động thế nào, xin lão anh hùng dạy cho đôi lời…

Nhắm hụm rượu, Đổng Kính Thiên mời họ Đới :

– Nói chuyện quên cả uống sao?.. Hảo hớn đã hỏi, Đổng mỗ cũng
chẳng tiếc lời. Hiện nay, vị Thiếu Vương mới bị triều đình đày xuống Kim Lãng đang cần chiêu nạp nhiều tay võ dũng để làm bộ hạ, vây cánh, tại
sao hảo hớn không tới đó tìm kiếm công danh có phải là sẽ được trọng
dụng an thân biết chừng nào không? Với tài nghệ dũng lực ấy, hảo hớn lo
chi cuộc đầu hôn ấy sẽ không mở rộng một con đường mới cho kẻ tài ba sau này?

Đới Vĩnh Khang suy nghĩ :

– Lão anh hùng định nói tới Thuận Vương ở Kim Lãng đó phải không?

Chính vậy đó. Tôi dùng chữ đày với vị Vương gia ấy vì tuy cùng
dòng máu với Vĩnh Lạc hoàng đế hiện thời, nhưng Thiếu vương rất nghịch
với nhà vua. Bởi vậy triều đình mới phái người xuống trấn thủ Kim Lãng
cốt ý đày cho ra khỏi nơi triều chánh.

Có lẽ vì vậy nên thiếu vương lo xa, thâu nạp hảo hớn tứ phương
cốt ý gây một sức mạnh phòng thân sau này. Theo ý tôi, hiện thời không
còn đâu hơn nơi đó để cho những người sống ngoài vòng pháp luật của
triều đình tìm lối dung thân. Thiết tưởng hảo hớn chẳng nên ngần ngại.

Đổng mỗ không có con trai, sanh được một gái mà sắc diện lại xấu xí quá chừng, chẳng ai buồn hỏi.

Được cái nó có sức khỏe và thâu nhận được võ nghệ cũng khá, nên
đôi khi cũng muốn bỏ nơi cô tịch này dẫn nó về Kim Lăng đầu bôn mong sau này kiếm được chút ít danh phận, chớ không lẽ để nó chết già trên tiểu
đảo này sao?

Hai người đang đàm luận thì Đổng Kim Hoàn bưng khay thức ăn lên, khói bốc nghi ngút, mùi thơm rực nức, bày ra bàn. Lắc thấy bầu rượu đã
cạn, Kim Hoàn bèn cầm bầu vào nhà trong đổ thêm cho đầy.

Thừa dịp, Đới Vĩnh Khang liếc nhìn kỹ nhận thấy Đổng nữ nét mặt
thô kịch xấu thiệt, nhưng thân hình khỏe mạnh, gọn gang, rắn rỏi, bước
đi thoăn thoắt, nhất cử, nhất động đều tỏ ra con người dũng mãnh có tài. Họ Đới thầm nghĩ: “Trên mười năm nay, hai cánh tay này cũng đã từng ôm
ấp không biết bao nhiêu là phụ nữ đẹp có, xấu có. Vậy về vấn đề kiều
diễm mỹ miều cũng chẳng còn thèm muốn nữa. Nay tuổi đã lớn, Đổng Kính
Thiên là người biết quý chuộng ta chứ không như mọi người thù ghét ta là tên tặc đạo dâm hôn hại dân hại nước… Gặp lúc đồng cảnh, đồng thuyền
thế này, chi bằng xin với Kính Thiên cưới Kim Hoàn rồi cùng nhau đi Kim
Lăng đầu bôn thiếu vương cho rồi. Như vậy, có lẽ ổn hơn cả”.

Đổng Kim Hoàn trở ra để bầu rượu lên bàn, Đới Vĩnh Khang nhìn
lại một lần nữa. “Ừ! Nàng khỏe mạnh thiệt! Nàng tuy xấu nhưng ta thì có
hơn chi? Nếu trên mười năm nay không xài lối cưỡng bức phụ nữ thì có lẽ
bây giờ ta hãy còn trai… tân!”

Đổng Kính Thiên thấy Đới Vĩnh Khang thần người ra nghĩ ngợi thì
chỉ mỉm cười vuốt râu, tôn trọng sự im lặng cá nhân của khách lạ.

Đổng Kim Hoàn nói :

– Mời phụ thân và khách quan dùng rượu đi kẻo nguội cả món ăn. Đổng Kính Thiên nói :

– Người nhà cả, xin mời cô nương dùng bữa.

Kim Hoàn quày quả vào nhà trong lấy thêm đũa bát lên ngồi ăn.

Bữa cơm nhà chài lưới toàn tôm với cá, rau dưa, nhưng nhờ bàn
tay khéo léo của Kim Hoàn nên món nào cũng ngon chẳng khác chi bữa thịnh soạn. Cơm nước xong xuôi, Đổng Kim Hoàn dẹp bát chén xuống nhà dưới.

Đới Vĩnh Khang nhân dịp ấy, ngỏ ý xin lấy Kim Hoàn.

Đổng Kính Thiên cười ha hả :

– Hảo hớn có lòng yêu thương nó. Tôi rất vui mừng. Chỉ cần chọn
ngày lành, làm mâm cơm lễ gia tiên là xong ngay. Cầu kỳ vô lối không
phải là lý lẽ của bọn chúng ta.

Đới Vĩnh Khang bèn đứng lên lạy họ Đổng ba lạy kêu là nhạc phụ.

Đổng Kính Thiên đỡ Đới Vĩnh Khang dậy, đoạn gọi Kim Hoàn lên nói cho nghe việc chấp thuận Đới Vĩnh Khang làm rể. Tuy thô kịch, Kim Hoàn
cũng biết bẽn lẽn, mắc cởi đỏ mặt, Nàng nghĩ thầm: “Thế mà hồi nãy ta
giục phụ thân ta hạ sát oan gia đi cho rảnh chuyện. Ngờ đâu duyên tiền
định lại se ta với y nên vợ chồng”.

– Đưa cho ta coi cuốn niên lịch, con.

Kim Hoàn với lấy cuốn lịch màu đỏ trên bàn thờ gia tiên xuống
đưa cho cha. Kính Thiên hỏi tuổi Đới Vĩnh Khang mở lịch ra so tuổi, rồi
chọn ngày lành liệu bề thành hôn. Họ Đới ba mươi bốn tuổi, Kim Hoàn mười chín tuổi. Sang đầu hạ tuần tháng ấy ngày tốt.

– Sang hạ tuần sẽ thành hôn cho hai con. Vậy trong khi chờ đợi
Đới Vĩnh Khang nên ở lại đây, để ta lên huyện mua sắm vài thứ lặt vặt.

Từ đó, họ Đới ở lại nhà Đổng Kính Thiên theo giúp nhạc phụ trong việc chài lưới. Lúc nhàn rỗi, ba cha con cùng nhau tập luyện võ nghệ.
Nhân dịp, Đới Vĩnh Khang yêu cầu Đổng Kính Thiên dạy môn bơi lặn.

Sẵn có căn bản về võ thuật, sáu tháng sau, Đới Vĩnh Khang đã trở thành tay bơi lội đại tài dù hình vóc nặng nề.

Đới Vĩnh Khang ngỏ ý về việc đi Kim Lăng đầu bôn Thiếu Vương.

– Ta cùng nghĩ vậy, không lẽ cứ ở lì khu cô tịch này sao? Như
hiện giờ còn đang rét mướt mưa phù. Chờ sang Xuân đẹp trời hãy lên đường cũng chưa muộn.

Cuối tháng hai năm sau, Đổng Kính Thiên và vợ chồng Đới Vĩnh
Khang thu xếp hành lý khóa cửa nhà lại cẩn thận xuống thuyền sang sông
bên kia. Giấu thuyền vào đám lau lách, ba người ngày đi đêm nghỉ theo
đường lối đi Kim Lăng cuối hạ mới tới nơi.

Trong khi đang cần kẻ võ dũng, Thuận Thiếu Vương thấy ba người
võ nghệ cao cường nên thâu nhận trọng dụng ngay. Cha con họ Đổng ở trong vương phủ được ngót một năm, Thiếu Vương thấy có thể tin cẩn được nên
theo lời Thần Cơ quân sư phái Đổng Kính Thiên và vợ chồng Đới Vĩnh Khang ra lập tửu quán ở góc đường làng Sơn Phu cho dễ bề chiêu nạp thêm bọn
giang hồ hảo hớn. Ngoài ra, Đới Vĩnh Khang còn nhận được mật lệnh thủ
tiêu tất cả những người nào có ý ngả về phe triều đình. Chính trong thời kỳ ở Kim Lăng, bọn tùy tướng của Thuận vương đã gọi Đổng Kim Hoàn với
tước hiệu là Mẫu Dạ Xoa.

Lúc ba người tới Sơn Phu lập tửu điếm thì Đổng thị đang có bầu.
Mấy tháng sau hạ sanh Đới Ngọc Hoàn, Ngọc Hoàn xinh đẹp chứ không xấu
như mẹ. Được một tuổi, Đổng Kính Thiên bị bạo bệnh chỉ có vài ngày mất.

Thuận Vương rất thương tiếc, truyền tặng thiệt hậu khiến vợ chồng Đới Vĩnh Khang cảm kích đặc biệt.

Xích Hoa Xà Đới Vĩnh Khang vốn dĩ tính tình ác nghiệt, cha vợ
chết đi không còn ai kềm giữ y nữa, nên mặc tình thao túng, đổi Sơn Phu
tửu điếm ra thành hắc điếm, một phần chiêu nạp người về đầu bên Vương
phủ cũng có, một phần sát hại cướp của cũng nhiều.

Tuy thô kệch dữ dội, Đổng thị mọi sự đều nhất nhất nghe theo và
chiều chồng. Đới Vĩnh Khang bèn xây dựng trang viện lập thành cơ sở
riêng, hòng sau này nếu cần sẽ về đó ẩn náu. Trang viên rộng rãi có đủ
các cơ quan bẫy người phòng kẻ lạ vô thám thính. Sơn Phu tửu điếm trao
cho Đổng thị điều khiển. Bởi vậy Đới Vĩnh Khang mới rộng rãi thì giờ,
thỉnh thoảng lại hẹn hò cùng bạn bè tặc đạo đi xa đón đường cướp khách
thương hay đánh phá các nhà hào phú vơ vét vàng bạc châu báo về chia
nhau. Cho dù Xích Hoa viện ở nơi vắng vẻ, Đới Vĩnh Khang cũng thường có
bạn hữu ngoài mặt qua chơi, nhưng thiệt ra, đồng bọn đã có hẹn trước rủ
nhau đi ăn cướp.

Mỗi chuyến hành động, Đới Vĩnh Khang thường dùng khăn bịt mặt
nên không bị lộ hình tích. Nạn nhân chỉ biết là một người trong bọn đạo
tặc, hình dáng lùn mập và cũng không thể đoán được bọn cướp căn cứ ở
đâu, bởi lẽ Đới Vĩnh Khang không bao giờ hoạt động ở gần khu Sơn Phu.

Công việc làm ăn của họ Đới cứ đều đều như vậy, rất an ổn cho
tới khi Đới Ngọc Hoàn khôn lớn, Đới Vĩnh Khang và Đổng thị truyền võ
nghệ cho nàng.

Nhờ trí thông minh, Đới Ngọc Hoàn thâu nhận được hết tài nghệ
của cha mẹ. Càng lớn, nàng càng đẹp ra, đẹp lẳng lơ, biết dâm dật ngay
từ năm mười sáu tuổi.

Nàng là con một, được vợ chồng họ Đới nuông chiều nên lộng hành. Những khi theo cha mẹ đi Kim Lăng đem lễ vật về biếu Thuận Vương, Đới
Ngọc Hoàn thừa dịp thông gian với các hàng tướng tá tùy thuộc trong
Vương phủ, nổi danh là Hoa cô nương. Mỗi chuyến cha con họ Đới về Kim
Lăng, mọi người luân phiên đua nhau mời dự tiệc, nô đùa phóng đãng, dâm
dật.

Đã có lần đầu đà Phi Không về thăm Thuận Vương, gặp Hoa cô nương tại dinh Nguyên soái Phi Thiên Hổ Hoàng Bách Thắng, hai bên đi lại với
nhau hàng mươi, mười lăm ngày. Một đàng, Phi Không ưa chuộng lối lẳng lơ của Hoa cô nương. Đàng khác, Đới Ngọc Hoàn rất thỏa mãn vì Phi Không
đầu đà nhiều kinh nghiệm và hữu dũng. Hết ở vương phủ, Đới Ngọc Hoàn lại mời Phi Không về Xích Hoa viện chơi, công khai dan díu hàng tháng trời, Phi Không đầu đà mới dứt ra về Kim Cương tự được.

Bởi vậy, việc Lam Y nữ hiệp và Chu Đức Kiệt đại phá Kim Cương
tự, tàn sát bọn Phi Không và bảy tên đầu đà Pháp Cổ, Dục Đức Lỗ Năng,
Lục Độ, Bảo Tích, Tuệ Giác, Thiết Đầu Đà làm chấn động cả phủ Thuận
Vương.

Riêng đối với nhà họ Đới, Ngọc Hoàn rất đỗi cảm xúc khi nhận được tin Phi Không táng mạng.

Theo lời Hắc Đầu Đà là tên độc nhất thoát khỏi trận Kim Cương
tự, tả hình dáng năm người đêm hôm ấy, Ngọc Hoàn cố ghi nhớ và thường
nói :

– Nếu gặp và nhận ra được bọn chúng sau này, ta sẽ báo thù cho Phi Không.

Không ngờ gặp thiệt. Anh em Chu gia lúc vào hắc điếm Sơn Phu.
Đới Ngọc Hoàn chăm chú nhìn, nhưng vì hình dáng dũng mãnh, vẻ mặt tuấn
tú giang hồ mã thượng, Đới Ngọc Hoàn mê tít, quên cả thù hiềm, trí óc
vẩn vơ tính chuyện quyến rũ, mong sao được cùng anh chàng mỹ mạo nam tử
ấy hành lạc ngay đêm ấy thì mới thỏa mãn. Vì thế, Đới Ngọc Hoàn chỉ chú
trọng đến Đơn Đao Chu Đức Kiệt mà quên khuấy đi mất Lam Y nữ hiệp.

Hai hôm trước khi xảy ra vụ anh em Chu gia đánh hắc điếm Sơn
Phu, cả sát Mẫu Dạ Xoa và đồng bọn, Đới Vĩnh Khang có hai người khách từ Quý Châu đến thăm. Hai người này cũng thuộc về bọn hắc đạo, chuyên nghề cướp lột khách qua sông trên khúc Võ Giang thuộc Xuyên Vỹ huyện bên Quý Châu.

Một người họ Lã, tên Ứng đăng trạc năm mươi tuổi nổi danh trong
giới giang hồ với tước hiệu Hắc Sát Thần Ngư, bơi lội như cá vẫy vùng
ngoài biển cả, chuyên dùng cây dùi nhọn mũi bằng sắt. Người nữa là một
lão phụ, mẹ ruột Lã Ứng Đăng, tên là Tần Tô Hằng, đã bảy mươi tuổi, gầy
như hạc, tóc bạc như cước mà sức còn mạnh lắm. Tần thị thường dùng cây
gậy sắt có đốt trúc, khiến nhiều hảo hán giang hồ phải thán phục gọi là
Bạch Mẫu Ngô Công.

Tần thị tuy đã cao niên nhưng tánh tình ác nghiệt, kiết dóng, đa sát. Răng còn tốt nguyên như lúc thiếu thời, ăn khỏe, uống nhiều. Lã
Ứng Đăng rất sợ mẹ, bảo sao nghe vậy.

Hồi ấy, khu vực Võ Giang kiếm ăn không được dồi dào, lại nhân
biết tin bạn là Đới Vĩnh Khang làm ăn rất khá giả, nên hai mẹ con tính
chuyện sang Xích Hoa viện theo họ Đới hoạt động một phen.

Gặp bạn cũ, Đới Vĩnh Khang rất mừng rỡ, giữ lại chơi và bảo Lã Ứng Đăng :

– Hiền đệ muốn ở lại Xích Hoa viện cũng được, trang viện rộng
rãi thừa chỗ ở, thỉnh thoảng ra kéo nhau đi ăn hàng một chuyến thừa tiêu pha cả năm, bằng không ngu huynh biên thư giới thiệu với Thuận Vương
bên Kim Lăng, với tài nghệ của lão bá mẫu và hiền đệ chắc chắn sẽ được
trọng dụng!… Nhưng dù sao, cũng phải ở chơi ít lâu đã, việc không cần
gấp mà…

Mẹ con Lã Ứng Đăng lưu lại đó. Đới Vĩnh Khang đang tính chuyện
đi cướp khách thương ở vùng xa, thì bắt được hai vợ chồng thanh niên và
cha con người mã phu vào lầm hắc điếm, đem về giam tại Xích Hoa viện vì
thịt người hãy còn thừa dùng.

Kế tới hôm thứ ba, Mẫu Dạ Xoa báo về trang viện rằng có một cặp
trai gái tới trọ, hành lý nặng nề có nhiều vàng bạc, không cần phải tiếp tay, mặc mẹ con y hành động đủ rồi. Vốn tin ở bản lãnh của Mẫu Dạ Xoa
và Hoa cô nương, Đới Vĩnh Khang ở lại trang viện hàn huyên cùng Lã Ứng
Đăng và Trần thị. Tuy vậy, y cũng sai thêm bộ hạ tới hắc điếm tiếp tay.
Theo thường lệ, mỗi khi bắt được người Mẫu Dạ Xoa cho đem ngay về trang
viện giam dưới hầm, rồi lần lượt bị bắt trước đưa làm thịt.

Đêm hôm ấy mãi gần sáng cũng không thấy tin báo tiếp, Đới Vĩnh
Khang cùng mẹ con là Lã Ứng Đăng ngồi bàn luận uống rượu chờ tin nóng
ruột, bèn sai hai tên kỵ mã đến hắc điếm xem công việc được tiến hành
đến đâu. Không ngờ, tới canh năm thì tên tráng đinh canh cửu thấy tiếng
chân ngựa lộp cộp ở ngoài phía cổng, bèn trèo lên vọng lầu nhìn xuống
nhận ra người nhà, nhưng không hiểu vì lẽ chi, y lại nằm úp trên lưng
mấy ngựa, hai tay và hai chân rũ sang bên hông ngựa. Gọi hỏi cũng không
thấy trả lời, nên tên gia đinh vội chạy vào báo cho chủ nhân biết.

Đới Vĩnh Khang, Lã Ứng Đăng và Tần thị vội vàng xách khí giới
chạy ra leo lên vọng lầu nhìn, quả nhiên thấy như vậy, liền truyền lệnh
mở cổng. Cổng vừa mở, con ngựa quen đường tiến vào trong. Gia đinh cầm
cương giữ lại, đặt tên nằm úp mặt xuống thì ra đó chỉ là cái xác không
hồn.

Ba người vội nhảy từ vọng lầu xuống xem, Đới Vĩnh Khang nói :

– Sai hai tên đi, nay chỉ có một tên chết cứng đơ nằm úp trên lưng ngựa trở về là thế nào?.. Chắc có biến cố ở tửu quán rồi!…

– Bây! Sửa soạn đao mã cho ta đi, mau! Gióng cả hai xe nữa phòng hờ.

Đới Vĩnh Khang tự tay khám xét khắp tử thi tên bộ hạ không thấy qua một vết thương lấy làm lạ :

– Quái! Không có thương tích là thế nào?

Lã Ứng Đăng cũng lắc đầu chịu.

Tần thị đích thân úp sấp tử thi xuống, rọi đèn xem ở vai và sau gáy… Giây lát Tần thị đứng dậy nói :

– Có thương tích. Tên này bị điểm trúng huyệt cân não nên ngay
phía trên gáy chỉ có hai vết bầm nhẹ, không xem kỹ không thấy rõ. Thủ
phạm tất là một tay võ thuật cao siêu mới dùng nổi thuật điểm huyệt hạ
sát lẹ làng như thế này. Thì thể nạn nhân còn mềm và ấm tức là cơ sự mới xảy ra gần đây chưa lâu! Biến cố chắc chắn ở ngoài tửu quán rồi. Ta nên cấp tốc kẻo phí thì giờ!…

Ngựa và xe đã sẵn sàng ở sân.

Đới Vĩnh Khang bỏ ngựa cho gia đinh cỡi theo sau, tự mình thảy
lên xe ngựa lái đi trước, Lã Ứng Đăng và Tần thị lên chiếc xe thứ hai
phóng chạy theo sau.

Không mấy chốc tới tửu quán. Tên bộ hạ kỵ mã thứ hai đã đón sẵn, chạy vội ra mếu máo nói với Đới Vĩnh Khang :

– Thưa, Mẫu chủ nhân bị sát hại rồi… còn cô nương thì…

Đới Vĩnh Khang trợn mắt, hỏi vội :

– … Cô nương thì sao? Ngươi không nói lẹ lên một chút nữa hả?

– Cô nương bị gãy giò, đau đớn lắm, Chúng con đã khiêng cô nương từ địa huyệt lên trên phỏng rồi… Trừ ra hai người, còn tất cả đã táng mạng…

Không nghe hơn nữa, Đới Vĩnh Khang gạt tên bộ hạ sang một bên đi thẳng vào trong quán, thấy xác Mẫu Dạ Xoa hãy còn nằm ngửa trên mặt
đất, chân tay co quắp, mặt nhăn, mắt trợn trừng trừng tỏ vẻ đau đớn lắm
khi sắp tắt thở. Đau đớn, phẫn nộ, Đới Vĩnh Khang ngồi quỳ xuống bên tử
thi vợ xem xét vết thương, thấy sườn bên tả bị nát nhừ y hệt kẻ bị phiến đá lớn đè trúng. Họ Đới bèn bế xốc xác Mẫu Dạ Xoa lên tay đem đặt vào
căn phòng trong. Có hai giường. Giường bên kia Hoa cô nương đang nằm rên rỉ.

Thấy cha vào, Đới Ngọc Hoàn quay đầu ra, nhăn nhó, nước mắt dàn rụa, miệng thều thào :

– Đau đớn, nhục nhã lắm phụ thân ơi! Bao giờ trả được hận này!

Đới Vĩnh Khang ngồi xuống bên giường vuốt mấy đợt tóc lòa xòa xuống trán Đới Ngọc Hoàn, khẽ gật đầu :

– Cha sẽ trả thù, con an tâm…

Nói đoạn, họ Đới cúi xuống xem vết thương ở chân con gái. Ống
chân bị gãy lìa, chỗ gãy xương nát nhừ. Rút con dao găm gài ở đai lưng
ra, Đới Vĩnh Khang từ từ cắt miếng vải quấn cổ chân bị gãy, bỏ chiếc võ
hài ra và để nguyên chiếc vớ trắng cho sạch sẽ. Tuy họ Đới làm việc rất
nhẹ tay, nhưng cũng tránh khỏi sự đau đớn cho Đới Ngọc Hoàn mỗi khi động phải chỗ có chân gãy.

Đới Ngọc Hoàn nghiến răng cố chịu đau :

– Con nữ tặc! Ta thề cùng mi chẳng đội trời chung!…

– Nữ tặc nào, con?

Đới Ngọc Hoàn chỉ tay ra ngoài nhà, Đới Vĩnh Khang đứng phắt lên đi ra cửa phòng thì vừa gặp Lã Ứng Đăng và Tần thị vào.

Lã Ứng Đăng nói :

– Đới đại ca, tôi đã thâu gọn các tử thi vào trong bao để tùy ý đại ca định đoạt. Hừ! Con Lam Y ghê gớm thiệt!

– Lam Y nào?

– Chưa đọc mấy hàng chữ do con sát nhân ấy để lại trên tường sao? Đại ca ra ngoài nhà mà coi!

Đới Vĩnh Khang vùng vằng, đau đớn, bước thẳng ra khỏi phòng.

Tần thị tiến tới bên giường Đới Ngọc Hoàn vén ống quần lên nhìn qua vết thương, khẽ nói :

– Cháu đừng lo. Bà có thuốc bó rất hay và kinh nghiệm. Chỉ hai
mươi ngày lành xương, bốn mươi ngày đi lại được. Sáu tháng sau cháu sẽ
tập luyện được như cũ mà nơi bị thương còn có phần rắn chắc hơn trước.
Đừng lo!… Hình dáng con Lam Y thế nào?

Đới Ngọc Hoàn kể rõ :

– Nó xinh đẹp lắm bà ạ, quắc thước anh thư. Nước da hồng hào như da đào, tóc đen lánh búi trần, vóc người tầm thước nhưng chắc chắn lăm. Tay kiếm siêu diệt. Cước bộ Bắc phái linh động và tối ư nguy hiểm…
Cháu mới nhận được có thế thì đã bị gãy chân rồi!

Dứt lời, nàng hu hu khóc. Tần thị vuốt ve tìm lời dỗ dành, Lã
Ứng Đăng lấy tấm khăn lớn phủ lên thi thể Mẫu Dạ Xoa, rồi ra nhà ngoài
với Đới Vĩnh Khang.

Sau khi đã đọc mấy hàng chữ trên vách và hỏi tên bộ hạ còn sống
sót, Đới Vĩnh Khang suy nghĩ giây lát, truyền lệnh cho bộ hạ giữ kín
việc này, lấy nước lau rửa sạch các vết máu, quét vôi tường, thu dọn tửu quán lại cho sạch sẽ như trước.

Khi Lã Ứng Đăng bước tới, Đới Vĩnh Khang nói :

– Tên gia đinh cho ngựa trở về hồi nãy bị đối phương gặp và sát
hại ở giữa đường, chớ không phải tại đây. Cho ngựa chở xác về tỏ ý chúng khinh thường ta và có ý cảnh cáo. Như vậy, chắc tên gia đinh đó đã bị
đối phương điều tra, biết rõ nơi trang viện. Ta phải ráo riết phòng bị
và liệu kế bắt chúng báo thù mới được!

– Đúng là mối tử thù! Đệ xin ra sức giúp đại ca một phen.

Đới Vĩnh Khang bảo gia nhân đem các tử thi bỏ vào một xe ngựa.
Đoạn, y vào phòng bế xác Mẫu Dạ Xoa ra xe do y cầm cương. Tần thị cũng
nhẹ nhàng bế Hoa cô nương ra xe riêng. Lã Ứng Đăng tự ý lái chiếc xe chở tử thi đi trước về trang viện. Hai xe kia theo sau. Còn các bộ hạ khác ở lại dọn dẹp tửu quán. Đoàn xe ghê rợn về tới trang viện, Đới Vĩnh Khang truyền lệnh gia nhân đem các tử thi vào chôn trong rừng sâu. Riêng có
xác Mẫu Dạ Xoa thì để lại sẽ mai táng sau.

Đới Vĩnh Khang hỏi lại Hoa cô nương :

– Con có nhận ra cặp trai gái đêm qua là bọn đánh Kim Cương tự bên Dương Châu không?

– Đúng rồi! Bây giờ con mới nghĩ ra! Chắc nó còn muốn do thám trang viện?

– Việc đó mặc cha lo liệu, con an tâm nghỉ ngơi để Tần lão bà phục thuốc cho.

Ngay hôm ấy, Đới Vĩnh Khang cắt đặt bộ hạ đêm đến người nào cũng có phận sự phải canh phòng, hễ thấy động thì đánh phèng la lên báo
động. Thế là Xích Hoa viện trở thành một pháo đài kiên cố.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.