Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 54 – Cà phê áo tím – Chương 6
Chương 6
Nhỏ Hạnh nói như thánh.
Sau một thời gian lơ là môn công nghệ, Quỳnh Như đã bắt đầu học hành đàng hoàng trở lại. Thầy Quýnh đã hết la rầy nó, thậm chí còn khen “tốt, tốt”.
Tất nhiên thầy Quýnh chỉ khen “tốt, tốt” thôi, vì từ điểm 4 gần đây nó đã ngoi lên được điểm 6, điểm 7. Thầy không bảo nó “có khả năng trở thành nhà bác học tương lai” như thầy Khuê lúc trước, vì rõ ràng nó chỉ mới ở mức “tốt, tốt” chứ chưa trở lại tư thế một hiện tượng như hồi đầu năm học.
Nhưng chỉ như vậy, tổ trưởng Lan Kiều đã có thể thở phào rồi.
Lớp trưởng Xuyến Chi và lớp phó kỉ luật Minh Trung nhìn lớp phó học tập Hạnh bằng ánh mắt ngưỡng mộ như nhìn một nhà tiên tri cỡ bự:
– Hạnh đoán giỏi ghê!
Nhỏ Hạnh cười:
– Có gì đâu!
Xuyến Chi chớp mắt:
– Bây giờ Hạnh có thể nói cho bọn mình biết nguyên nhân học hành trồi sụt của Quỳnh Như được chưa?
Nỏ Hạnh lại cười:
– Chưa.
Sở dĩ từ nãy tới giờ tác giả chỉ nhắc tới Hải quắn, vì điểm số môn công nghệ của thằng này không tụt đột ngột như nhỏ bạn của nó.
Hải quắn bị Quỳnh Như ” cấm cửa” không cho tới học chung thì ấm ức lắm. Ấm ức có hại nhưng cũng có cái lợi. Rất may là Hải quắn rơi vào trường hợp thứ hai.
Nó tức Quỳnh Như nên quyết chứng tỏ cho con nhỏ bội bạc này thấy là dù không có Quỳnh Như nó vẫn thừa sức học giỏi môn công nghệ. Nó nghe người ta nói đằng sau sự thành công của đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng một người phụ nữ, trước đây nó tin câu nói này lắm nhưng bây giờ nó quyết chứng minh đây là câu nói cực kỳ vớ vẩn. Phụ nữ là cái củ cà rốt gì chứ!
Khi một đứa quyết chí học giỏi để “trả thù” thì nó học giỏi thật.
Đó là lý do tại sao tổ trưởng học tập Lan Kiều lẫn mấy đứa trong ban cán sự lớp không đem thằng này ra “mổ xẻ” và tác giả cũng không có cơ hội để nhắc nhiều về Hải quắn.
Nhưng đó là nói “từ nãy đến giờ”, còn “từ giờ trở đi” thì bắt buộc phải nhắc tới nó. Không nhắc không được.
Vì sau một thời gian lơ là thằng này, một hôm Quỳnh Như đột ngột quay mặt ra bàn sau, mỉm cười với Hải quắn:
– Bạn Hải nè.
Hải quắn hoàn toàn bất ngờ trước tình huống này. Nó không nghĩ sau khi hắt hủi mình, nhỏ bạn nó lại đủ can đảm trò chuyện vui vẻ với nó.
– Gì? – Hải quắn sầm mặt, cụt ngủn. Nó định không thèm mở miệng, nhưng rốt cuộc nó vẫn ép mình hé môi, vì nó thấy không ừ hử gì với phụ nữ thì bất lịch sự quá.
– Lát ra chơi mình gặp bạn chút nha?
Lại thế nữa! Hải quắn ngạc nhiên nhủ bụng. Con nhỏ này nó định giở trò gì với mình nữa đây?
– Ừm.
Hải quắn ậm ừ trong cổ họng, ra vẻ ta đây bất đắc dĩ lắm mới nhận lời, nhà ngươi đừng có tưởng bở.
Không biết con nhỏ Quỳnh Như có “tưởng bở” hay không mà lúc ngồi đối diện với Hải quắn trên băng ghế góc sân trong giờ chơi, nó đưa ra một đề nghị mà con nhà Hải quắn có nằm mơ cũng không thấy nổi.
– Ngày mai bạn và mình lại học chung nhé?
Hải quắn có cảm giác vừa bị một tảng đá bự thiệt bự rớt trúng đầu. Nó nhìn sững vào mặt nhỏ bạn, không biết nó bị đá rớt trúng đầu thật hay con nhỏ này vừa tông xe vô gốc cây.
– Bạn.. nói… nói gì? – Hải quắn lắp bắp, mặt nó lúc này giống như vừa vớt ra từ một hũ giấm.
– Mình muốn rủ bạn tiếp tục học chung. – Quỳnh Như bình tĩnh nhắc lại lời mời.
Lần này thì Hải quắn biết chắc là mình nghe nó. Nhưng nó vẫn ngồi đực ra như thằng bù nhìn giữ dưa. Tại nó không biết phải trả lời như thế nào. Trước đề nghị quá sức đột ngột của Quỳnh Như, lòng nó dậy lên bao nhiêu là cảm xúc, vừa mừng vừa giận vừa tủi thân. Hải quắn không biết cảm xúc mạnh hơn, có lẽ là mạnh ngang nhau cho nên nó không biết phải khoác một vẻ như thế nào để phù hợp với tâm trạng rối rắm của nó.
Quỳnh Như nhìn chăm chăm vào mặt thằng này, giọng thăm dò:
– Bạn có đồng ý không vậy?
– Học chung.. nữa hở? – Hải quắn vẫn chưa hết cà lăm, nó hỏi lại như người ngủ mơ.
– Ờ, học chung.
– Cũng học tại nhà bạn hở?
– Ờ, tại nhà mình.
– Cũng học môn công nghệ hở?
– Không. – Quỳnh Như lắc đầu – Lần này mình học môn sử!
– Môn sử? – Hải quắn ngớ ra, người đột nhiên tỉnh hẳn.
Quỳnh Như chớp mắt:
-Sao?
Hải quắn liếm môi:
-Môn sử thì mạnh ai nấy tụng bài được rồi, cần gì phải học chung?
-Nếu học chung, tụi mình mới có cơ hội nghiên cứu về lịch sử một cách thấu đáo được.
Hải quắn không rõ nghiên cứu về lịch sử một cách thấu đáơ để làm gì trong khỉ nghiên cứu môn công nghệ không thôi nó đã hết béng mất thì giờ nhưng hai chữ “tụi mình” thốt ra từ miệng Quỳnh Như đã đánh gục nó.
-Ờ. – Hải quắn bối rối gật đầu, mối thù từng bị Quỳnh Như xưa đuổi biến khỏi đầu nó nhanh như khói.
-Trong tương lai tụi mình sẽ thành… những nhà sử học. – Quỳnh như nói thêm, như để động viên Hải quắn.
Đối với Hải quắn “nhà sử học” nghe không oai bằng “nhà bác học”, nhưng nó chẳng nói gì. Được học chung với Quỳnh Như là nó khoái rồi, thành “nh”” gì từ từ tính sau.
Không nói thì ai cũng biết kể từ hôm đó cứ mỗi lần đến tiết sử của thầy Huấn, Quỳnh Như và Hải quắn đã khiến tụi bạn ngạc nhiên đến cỡ nào.
Dĩ nhiên sử không phải là môn khó nhằn. Đứa nào chăm học bài ắt sẽ được điểm cao. Nhưng điều khiến cả lớp há hốc miệng là những gì Quỳnh Như và Hải quắn thao thao không hề có trong sách giáo khoa.
Thầy Huấn hỏi:
-Em nào có thể giới thiệu đôi nét về văn hoá Lào?
Thằng Bá giơ tay:
-Thưa thầy, người Lào sáng tạo ra chữ viết riêng của mình trên cơ sở chữ Phạn của Ấn Độ ạ.
-Giỏi lắm. – Thầy Huấn gật gù vẻ hài lòng – Còn gì nữa không các em?
Nhỏ Ngọc Thời đứng dậy:
-Thưa thầy, người Lào sống hồn nhiên, thích ca nhạc và ưa múa hát ạ.
Thằng Đỗ Lễ hét lên từ góc lớp:
-Người Lào còn sáng tạo ra những chum đá khổng lồ, hiện nay còn rải rác ở cánh đồng Chum, thưa thầy.
Thấy tụi bạn nhao nhao, Hiền Hoà không chịu kém:
-Người Lào còn theo Phật giáo tiểu thừa nữa, thầy ơi!
Nhìn lũ học trò tranh nhau đáp, thầy Huấn vui vẻ:
-Các em nhớ bài tốt lắm! Thế em nào biết Phật giáo tiểu thừa là gì không?
Cả lớp đang hào hứng, nghe thầy đưa ra một câu hỏi hóc búa, lập tức xụi lơ. Những tiếng ồn ào đột ngột tắt ngấm như chiếc tivi đang mở hết công suất thình lình bị ai vặn tắt volume.
Giữa cảnh lặng phắt đó, có ba cánh tay giơ lên. Cánh tay thứ nhất của “Nhà thông thái” Hạnh không làm ai ngạc nhiên. Hai cánh tay còn lại của Quỳnh Như và Hải quắn mới khiến tụi bạn mắt tròn mắt dẹt.
Ngay cả thầy Huấn cũng đưa tay lên dụi mắt. Thầy chẳng lạ gì kiến thức của nhỏ Hạnh. Nhưng hai đứa còn lại làm thầy thấy lạ quá. Thậm chí Hải quắn là cái đứa mới đây suýt nữa bị thầy cho dê-rô vì tội về nhà không thèm học bài. Thế mà bây giờ nó lại là một trong ba đứa xung phong trả lời. Nhưng thầy không gọi Hải quăng ngay.
-Em trả lời đi! – Thầy chỉ tay vào Quỳnh Như, giọng có vẻ nghi ngờ.
Quỳnh Như đứng lên khỏi chỗ:
-Thưa thầy, Phật giáo tiểu thừa có nghĩa là “giáo lý của các trưởng lão”. Phật giáo tiểu thừa được các tín đồ cho là tinh thần hơn Phật giáo đại thừa. Họ cho rằng Phật giáo của họ tuân thủ nghiêm ngặt những giáo huấn của Đức Phật trong Tam tạng hơn phái Đại thừa…
Nhỏ Quỳnh Như làm một tràng liến thoắng khiến tụi bạn nghe đầu ong ong u u trong khi gương mặt thầy Huấn trông thật là rạng rỡ. Thầy hoàn toàn bất ngời với câu trả lời của Quỳnh Như:
-Em làm thầy ngạc nhiên quá! Thầy Huấn không khen “giỏi lắm” hay “tốt lắm”. Thầy chỉ nói thế thôi, nhưng ý nghĩa của lời nhận xét đó đủ khiến Quỳnh Như lâng lâng.
Thầy Huấn lướt mắt qua Hải quắn:
-Em có bổ sung gì thêm không, Hải?
Hải quắn liếm môi:
-Thưa thầy, ngoài các bổn phận tôn giáo và đạo đức, các nhà sư Phật giáo tiểu thừa ở Lào còn được dân chúng xin lời khuyên về chuyện rắc rối trong gia đình và những vấn đề phúc lợi chung…
Cũng như thầy Khuê trước đây, thầy Huấn thấy lòng mình rưng rưng xúc động và thầy tin là thầy đang trải qua một trong những buổi sáng đẹp nhất trong đời dạy học của thầy.
Khác với thầy Khuê, thầy Huấn biết kềm chế cảm xúc hơn. Thầy không đưa ra những tuyên bố hào phóng kiểu “Tôi tiếc là thang điểm của ngành giáo dục cao nhất là 10, nếu không tôi sẽ cho em điểm cao hơn nữa”, mặc dù trong thâm tâm thầy tin điểm số 20 nếu có cũng rất xứng đáng với những gì Quỳnh Như và Hải quắn đã làm được với môn lịch sử của thầy. Thầy cũng không bảo tụi nó là những nhà sử học tương lai nhuốm màu sắc tiên tri. Nhưng vẻ mặt của thầy cho biết thầy rất tự hào về học trò của mình, và cái cách ánh mắt thầy đọng trên mặt tụi nó một cách nâng niu gây cho người ta cái cảm giác tất cả những gì liên quan đến Hải quắn và Quỳnh Như đều làm bằng vàng.
Bữa đó, thầy hào hứng đến mức không buồn kêu nhỏ Hạnh trả lời nữa mà vẫy tay ra hiệu cho ba đứa ngồi xuống rồi sốt sắng bắt đầu bài học mới, quên cả bảo học trò lật sách ra như thông lệ.
***
Một đứa đang học rất siêu môn công nghệ, tự dưng chuyển qua học siêu môn lịch sử trong khi cái môn trước đó nhanh chóng rơi vào chỗ tầm thường dĩ nhiên khiến khối đứa trong lớp thắc mắc. Thắc mắc thứ hai là tại sao hễ con nhỏ Quỳnh Như học giỏi môn nào là thằng Hải quắn đột ngột học giỏi môn đó. Lạ lùng quá!
Thắc mắc thứ hai hấp dẫn hơn thắc mắc thứ nhất nên lần này không chỉ mấy đứa trong băng “tứ quậy” chòng ghẹo Hải quắn.
Chuông ra chơi vừa vang lên, thằng Tần quay phắt ra sau, nhăn nhở:
-Quỳnh Như với mày dạo này sao trông giống chiếc xe kéo theo rờ-moóc quá vậy, Hải quắn?
Hải quắn biết thừa ý nghĩa trong câu châm chọc của thằng Tần nhưng nó làm lơ. Nếu là trước đây, thế nào nó cũng ngoác miệng vặc lại hoặc nhảy ra giữa lối đi xắn tay áo hét tướng “Mày ngon ra đây chơi tay đôi” rồi. Nhưng bữa nay thậm chí cái biệt danh “Tần ghẻ” nó cũng chẳng buồn lôi ra để phản kích. Tại vì nó thấy thằng Tần nói đúng quá. Nó giống như cái rờ-moóc của Quỳnh Như thật. Quỳnh Như bảo làm gì nó làm nấy, lôi đi đâu nó đi đấy. Nó là cái rờ-moóc chứ gì nữa. Nhưng mà nó tự nguyện làm rờ-moóc của Quỳnh Như chứ đâu có ai bắt buộc.
Thằng Tần đem chuyện đó ra để chế giễu Hải quắn, không ngờ thằng này khoái làm cái đuôi của Quỳnh Như. Thấy Hải quắn không xù lông nhím lên như mọi lần, con nhà Tần ngạc nhiên quá.
Nó không biết Hải quắn đã tính rồi. Hải quắn sợ mình gân cổ cãi lại “Tao mà thèm làm cái rờ-moóc của bọn con gái”, Quỳnh Như sẽ giận nó, sẽ “đuổi học” nó như lúc trước. Cho nên trong hàng vạn câu tục ngữ của ông bà, Hải quắn chọn câu “Im lặng là vàng” để áp dụng.
Nhân cơ hội Hải quắn đang chí thú đóng vai “người không biết nói”, thằng Dưỡng ông ổng hát:
-Một người đi với một người/ Một người lặng lẽ nụ cười hắt hiu / Hai người vui biết bao nhiêu…
-Đó là bản Chuyện ba người, không đúng trong trường hợp này. – Đỗ Lễ vọt miệng cắt ngang – Phải hát Chuyện hai người kìa!
Nói xong, nó hắng giọng hát luôn, giọng vô cùng sướt mướt:
-Một người sầu vơi sầu vơi phố mưa buồn nhớ một người / Một người thầm mong thầm mong dáng một người bước qua thềm / Người tình em ơi có hay…
Hết thằng Dưỡng đến Đỗ Lễ làm trò, tụi bạn ôm bụng cười ngặt nghẽo.
-Bạn Đỗ Lễ có thôi đi không! – Lớp phó học tập hạnh bất thần cất giọng – Quỳnh Như và bạn Hải tự giác học chung với nhau là chuyện tốt, sao các bạn lại đem ra trêu chọc?
Đỗ Lễ hấp háy mắt:
-Tôi đâu có trêu chọc. Tôi dùng âm nhạc để ca tụng tình yêu đôi lứa…
– Bạn vừa nói gì, nói lại lần nữa coi!
Lần này, người lên tiếng là lớp phó kỉ luật Minh Trung. Đỗ Lễ liếc ngang thấy nhỏ Minh Trung cầm lăm cây viết và cuốn sổ rên tay, liền rụt cổ nín thinh.
Thằng Cung đột nhiên lẩm bẩm như nói với chính mình, gọi là lẩm bẩm vì nó đang cúi mặt vào tập không nhìn ai chứ thựuc ra âm lượng của nó rất lớn:
– Lạ thật à nha. Xưa nay mình chỉ thấy bạn bè lập tổ, lập nhóm học chung các môn toán, lý, hoá, anh văn.. chứ cặp kè nhau học môn công nghệ và lịch sử thì đây là lần đầu tiên mình mới thấy à.
Thằng Cung cố ý chọc ngoáy Quỳnh Như và Hải quắn, nhưng nhận xét của nó không phải là không có lý nên nhỏ Minh Trung chỉ biết xoay xoay cây viết trên tay chứ không bắt bẻ hay hoạch hoẹ gì được.
Thắc mắc của thằng Cung là thắc mắc của khối đứa.
Cả đống cái miệng lập tức xuýt xoa:
-Ờ, lạ quá ha.
-Chắc có chuyện gì đây!
-Khó hiểu thật!
-Rất đáng nghi!
Quỳnh Như thình lình lên tiếng:
-Tụi này thích học môn công nghệ vì muốn sau này trở thành nhà nông học, bây giờ hết thích làm nhà nông học mà muốn làm nhà sử học nên chuyển qua môn sử, chẳng có gì là khó hiểu hay đáng nghi hết!
Bạn bè không biết có nên tin lời Quỳnh Như hay không, nhưng trước lý lẽ vững chắc của nó, những tiếng ì xèo tắt ngay tắp lự.