Đọc truyện Kính Vạn Hoa – Tập 27 – Phù thủy – Chương 7
Chương 7
Chiều hôm sau lặp lại y như buổi chiều hôm trước. Mới hai giờ, trời còn nắng chang chang, bọn trẻ đã đội nón, xách xô, xách rổ kéo nhau vào rẫy.
Rổ ốc đầy vun hôm qua khiến đám con gái háo hức. Nhỏ Hạnh không còn sợ bỏ dép đau chân. Nó thản nhiên lướt chân trần trên đất ướt, thản nhiên dẫm lên những bụi cỏ mọc lan ra giữa lối đi, mặt chẳng hề nhăn nhó một tí ti.
Bây giờ nhỏ Hạnh chỉ sợ một điều:
– Hôm qua chị em mình vớt gần sạch ốc bươu trong ao, chả rõ hôm nay có còn con ốc nào không!
Nhỏ Phệ hăm hở múa tay:
– Chắc là còn. Những con ốc hôm qua lặn dưới bùn, hôm nay thế nào cũng nổi lên!
Thằng Bốc cũng lo lắng y hệt nhỏ Hạnh. Nó nhìn Tùng nheo nheo mắt:
– Hôm qua tao giật lia giật lịa, chả biết bọn cá trong ao còn được mấy mống!
Nếu nghe cái giọng huênh hoang này của thằng Bốc vào trưa hôm qua, chắc chắn Tùng sẽ tức đến xịt khói lỗ tai. Nhưng bây giờ thì nó tỉnh queo.
Hôm nay Tùng vào rẫy không phải để câu cá. Câu cá là trò dành cho … trẻ con. Tùng không phải trẻ con. Tùng là “thám tử”, hệt như anh Quý nó vậy. Nhiệm vụ của nó hôm nay quan trọng hơn nhiều. Đó là phải tìm mọi cách đánh cắp cho được cái túi bùa phép của “lão phù thủy” K’Bing.
Bụng nôn nóng, Tùng đi như chạy. Nó luôn vượt lên trước khiến nhỏ Hạnh phải kêu oai oái:
– Đi chầm chậm, chờ bọn chị với Tùng ơi!
Thằng Bốc cười khì:
– Mày có vào sớm cũng chẳng câu được con cá nào đâu!
Tùng bỏ lời châm chọc của Bốc ngoài tai. Nó cắm cúi rảo bước, đầu miên man nghĩ cách đánh thó cái túi bùa phép giắt trong người ông K’Bing.
Đường vào rẫy bữa nay đối với Tùng sao mà xa lăng lắc. Nó đi hoài đi hoài, vượt qua hết đồi chè này đến đồi chè khác mà rẫy cà phê của cô Bảy xa vẫn hoàn xa. Buổi trưa, gió thôi rì rầm và bầu trời trên đầu trở nên thăm thẳm. Những cụm mây trắng xóa như bông gòn dắt díu nhau trôi ngang đầu Tùng và in những bóng râm xuống lộ đất đỏ.
Tiếng chim chí chóe trong những tán lá và thỉnh thoảng một con sóc từ trong bụi rậm phóng vụt ngang đường, quét chiếc đuôi thành vệt dài trên mặt đất mỗi lúc một nóng bỏng.
Tùng than:
– Nắng quá!
Ở phía sau, nhỏ Hạnh thở dài:
– Ừ, đáng lẽ mình không nên vô rẫy vào giờ này.
Nhỏ Trang cười hích hích:
– Bọn em toàn đi giờ này.
Nhỏ Phệ cũng ra oai:
– Em chẳng thấy nắng tí nào.
Tùng hừ mũi:
– Tại tụi mày quen rồi. Còn tao thì khác.
Bốc cười:
– Tới rồi kìa!
Tùng ngẩng lên và mừng rỡ nhận ra đỉnh dốc quen thuộc.
Nó lập tức quên phắt cả nắng nóng, quên cả đôi chân mỏi nhừ, bặm môi lao lên trước.
– Từ từ thôi Tùng ơi! – Nhỏ Hạnh gọi giật – Coi chừng vấp ngã u đầu đấy!
Nhưng Tùng đã tới đỉnh dốc và bắt đầu tuột xuống theo con đường mòn dẫn đến căn chòi của ông K’Bing.
Khi bọn nhỏ Hạnh lần đến bờ suối dưới chân đồi thì chẳng thấy Tùng đâu nữa.
Nhỏ Trang nhìn quanh:
– Ủa, anh Tùng đâu rồi?
Bốc nhún vai:
– Chắc nó lại vào nhà kiếm nước uống!
Bốc nói mò mà trúng phóc. Trong lúc Bốc hăm hở móc mồi vào lưỡi câu và bọn con gái hí hửng xắn quần chuẩn bị lội xuống cái ao nhỏ bên cạnh thì Tùng đang ngồi với thằng K’Brết trong nhà.
– Mày khát nước hả? – K’Brết hỏi.
– Ừ! – Tùng gật đầu – Từ nhà cô Bảy tao vô đây, nắng ơi là nắng!
K’Brết đứng lên:
– Mày ngồi đó nghỉ đi, để tao đi lấy nước cho mày uống.
Khi K’Brết bưng ca nước từ sau bếp ra, Tùng cầm lấy ngửa cổ uống ừng ực. Nhưng nó chỉ uống phân nửa, rồi chìa cái ca nhựa cho K’Brết:
– Phần mày nè!
K’Brết lắc đầu:
– Tao không khát.
– Tao đâu có bảo mày khát.
Tùng mỉm cười, nó thò tay vào túi móc ra mấy viên thuốc trăng trắng:
– Tao đem thuốc đau bụng cho mày nè. Mày uống bây giờ một viên. Tối, ăn cơm xong, mày uống thêm một viên nữa. Thế là xong! Sáng mai, mày tha hồ kéo đá chèn cà phê với ba mày.
K’Brết lộ vẻ cảm động. Nó ngửa lòng bàn tay cho Tùng bỏ mấy viên thuốc vào rồi nhón một viên cho vào miệng nuốt trộng.
– Ôi! – Tùng ngẩn tò te – Mày uống thuốc không cần nước ư?
K’Brết liếm môi:
– Phải uống nước mới được sao?
– Đúng thế! – Tùng nhăn mặt – Mẹ tao bảo phải có nước, thuốc mới mau tan.
Nghe Tùng nói vậy, K’Brết bưng ca nước đưa lên miệng. Nó nín thở uống một mạch rồi đặt chiếc ca xuống bàn, đưa tay quẹt mép:
– Tao uống hết rồi.
– Hay lắm! – Tùng gật gù, rồi nó nhìn lom lom vào mặt bạn – Thế mày đã nghe bụng mày bớt đau chưa?
K’Brết ấn tay lên bụng, nghe ngóng một hồi rồi đáp:
– Vẫn còn đau lâm râm.
Tùng chép miệng:
– Đau lâm râm tức là sắp hết rồi đấy! Bao giờ sắp hết nó cũng đau lâm râm.
Rồi Tùng kéo tay K’Brết:
– Tao với mày ra xem ba mày kéo đá đi!
Vẻ nôn nóng của Tùng khiến K’Brết tròn mắt:
– Hôm qua mày đã xem rồi mà?
– Ừ. Nhưng hôm nay tao thích xem nữa.
K’Brết bước ra khỏi nhà, tặc tặc lưỡi:
– Mày lạ thật đấy! Tao thấy trò này chẳng có gì đáng xem cả!
Cũng như hôm qua, khi Tùng và K’Brết ra tới nơi, ông K’Bing còn đang loay hoay dưới suối.
Tùng nhìn về phía chân đồi, mãi một lúc mới thấy chỏm tóc bịt khăn đỏ của ông nhấp nhô sau đám lá cà phê xanh ngắt, mỗi lúc một rõ dần. Trong thoáng mắt, một ý nghĩ chợt lóe lên trong óc Tùng làm nó giật thót: Mình ngốc thật! Nếu có thằng K’Brết kè kè bên cạnh, làm sao mình “ra tay hành động” được!
Tùng giận mình ghê gớm. Nó tự rủa thầm và đưa tay lên cốc đầu mình một cái.
– Mày sao thế? – Bắt gặp cử chỉ kỳ quái của bạn, K’Brết thô lố mắt – Con gì đốt mày hả?
– Ờ, ờ … ong đốt! – Tùng ấp úng đáp, rồi sực nhớ nếu bị ong đốt, ắt con người ta phải nhảy dựng lên chứ đâu có tỉnh rụi như vậy, nó liền lật đật sửa lại – À, không phải ong. Một con gì đó …
– Con gì là con gì?
Tùng gạt mồ hôi trán:
– Tao cũng chả rõ. Chỉ biết là một con gì đó.
Rồi không để K’Brết kịp hỏi thêm, Tùng đập tay lên lưng nó:
– Tao với mày ra xem thằng Bốc câu cá đi.
Tùng làm K’Brết ngạc nhiên quá xá:
– Mày không xem ba tao kéo đá nữa à?
– Ừ, tự nhiên tao không thích xem nữa! Bây giờ tao thích xem câu cá và bắt ốc hơn.
K’Brết thắc mắc ghê lắm. Nhưng nó không hỏi nữa. Chắc bọn trẻ ở thành phố đứa nào cũng lạ lùng như vậy! K’Brết tự giải đáp và quay mình lặng lẽ đi theo Tùng.
Bốc ôm cần trúc ngồi thu lu trên tảng đá hôm qua Tùng ngồi, đón hai đứa bạn bằng cái nhướn mắt:
– Tụi mày không câu cá à?
Tùng nhếch mép:
– Mày bảo tao có đi sớm cũng chẳng câu được con cá nào kia mà.
Bốc cười hề hề:
– Tao nói đùa mà mày lại giận.
Nhỏ Trang nhác thấy Tùng, ngoác miệng kêu inh ỏi:
– Ốc nhiều ghê anh Tùng ơi!
Nhỏ Hạnh hớn hở:
– Vậy mà chị cứ tưởng hôm này không còn con ốc nào chứ!
Tùng quay sang K’Brết:
– Mày đào trùn đi!
K’Brết chớp mắt:
– Mày câu à?
– Ừ. Nhưng tao thích câu bằng mồi cào cào hơn.
– Vậy để tao đi bắt cào cào cho mày.
– Thôi, khỏi! – Tùng phẩy tay – Tự tao tìm bắt cào cào được rồi. Mày đào trùn giùm thằng Bốc đi!
K’Brết không nghi ngờ gì sự phân công của Tùng. Nó nhanh nhẹn cầm lên cây ‘xà bát’ dựng ở gốc cà phê gần đó và hối hả rảo xuống chỗ mép suối, lúi húi đào giun.
Trong khi đó, Tùng lảng vảng quanh mấy bụi cỏ và giả vờ giơ chân khua loạn xị như thể ta đây đang nóng lòng tóm cổ mấy con cào cào ghê lắm.
Tùng vừa khua khoắng vừa liếc chừng về phía K’Brết. Tới cú liếc thứ mười, thấy thằng này vẫn đang sốt sắng đào đào bới bới, Tùng liền lao đánh “soạt” vào giữa đám cà phê rậm rạp và lần thẳng tới chỗ ông K’Bing đang kéo đá.
Ông K’Bing vẫn lầm lì muôn đời. Thấy Tùng bước tới, ông khẽ liếc thoáng rồi tiếp tục bặm môi kéo căng sợi dây ràng, gân tay gân cổ nổi vồng như những sợi chão nâu bóng.
Lúc gặp ông K’Bing lần đầu, Tùng hơi ơn ớn. Nó nghĩ ông là phù thủy, hẳn ông phải rất hung ác. Nó như nhìn thấy một sự đe dọa đang ẩn nấp đằng sau vẻ thinh lặng khắc khổ của ông. Nhưng bây giờ Tùng biết không phải thế. Ông bảo K’Brết kêu bọn Tùng vào ao câu cá bắt ốc, tất ông không xem bọn nó là thù địch.
– Ông có mệt không hở ông? – Tùng lại gần, đánh bạo hỏi.
Ông K’Bing trả lời Tùng bằng những âm thanh kỳ dị trong cổ họng. Tùng có cảm giác ông không biết nói. Nhưng rồi, ông bỗng dừng tay và thốt ra một câu lạ lùng:
– Biết mệt biết không!
Tùng mở mắt thao láo: Ông ấy nói gì thế nhỉ? Nhưng Tùng không có thì giờ để nghĩ ngợi lâu. Nó biết nếu nó cứ nấn ná, K’Brết sẽ phát hiện ra sự “mất tích” của nó và chắc chắn sẽ tìm tới đây. Có thằng K’Brết bên cạnh, nó sẽ không thể thực hiện được kế hoạch của mình.
Tùng hồi hộp liếc chiếc túi vải đỏ giắt nơi thắt lưng ông K’Bing, ngần ngừ một thoáng rồi liếm môi nói:
– Cháu kéo phụ với ông nhé?
Ông K’Bing lại “gừ gừ” và lại thốt ra những lời khó hiểu:
– Không có nổi làm đâu!
Lần này, Tùng không buồn tìm hiểu ý nghĩa trong câu nói của ông K’Bing. Nó biết nó không có được bộ óc thông minh như anh Quý hay như chị Hạnh nó. Nó biết nó có xuy nghĩ đến Tết Công-gô cũng chưa chắc hiểu được ông K’Bing muốn nói gì với nó qua câu nói kỳ quặc đó. Vì vậy đề nghị xong, nó hùng dũng bước lại sát bên ông, chồm người nắm sợi dây thừng, nhắm mắt nhắm mũi kéo đại.
Không rõ ông K’Bing có đồng tình với hành động của Tùng hay không, nhưng ông không tỏ vẻ ngăn cản. Ông vẫn bặm môi kéo tảng đá nhích dần lên dốc với sự trợ giúp hẳn là không mấy hiệu quả của Tùng.
Chứ gì nữa! Nhỏ con như Tùng dù có giở tận lực bình sinh ra kéo lấy kéo để, ông K’Bing chắc cũng chẳng nhẹ nhàng hơn bao lăm, huống hồ lúc này Tùng chỉ giả vờ bámsợi thừng để che mắt ông K’Bing mà thôi.
Tùng vừa kéo chiếu lệ vừa ngấm ngầm quan sát ông K’Bing, mừng rỡ thấy ông mải mím môi mím lợi kéo đá, chẳng mảy may để ý đến bộ tịch dáo dác như thằng trộm gà của nó.
Kéo một lát, Tùng vờ buông một tay lau mồ hôi trán, rồi thừa lúc ông K’Bing say sưa đánh vật với tảng đá, nó hạ thấp tay xuống và nắm lấy chiếc túi vải bên hông ông giật nhẹ một cái.
Tùng không dám giật mạnh, sợ ông K’Bing phát giác. Nhưng cú giật khẽ của nó đủ khiến chiếc túi vải thòi ra ngoài thêm một đoạn.
Lúc nắm lấy mép túi, Tùng cảm thấy tay mình chạm phải vật gì cưng cứng. Nhưng nó không đoán được đó là vật gì, cứ thộn mặt nghĩ mãi.
Ông K’Bing không hề hay biết trò tinh quái của Tùng. Thấy thằng nhóc cứ nhăn mày nhíu trán, ông tưởng nó mệt, lại nói:
– Mệt quá không nổi làm đâu.
Tùng nhìn ông, nhe răng “hì” một cái. Và nắm chặt sợi thừng, nó nghiến răng ra sức kéo.
Rồi cũng như khi nãy, kéo một lát, Tùng lại buông một tay, lại lau mồ hôi trán và lại lén lút giật nhẹ chiếc túi vải bên hông ông K’Bing.
Tùng giật đến lần thứ ba thì chiếc túi vải đã rời khỏi mép khố, rớt xuống đất.
Tuy ông K’Bing không phát hiện, Tùng vẫn chưa dám nhặt vội. Nó đạp chân lên chiếc túi vải và cứ đứng trơ tại đó.
Thấy Tùng buông tay, ông K’Bing nhìn nó ra ý hỏi.
Tùng bối rối cười ruồi:
– Biết mệt biết không!
Tùng lặp lại câu ông K’Bing nói khi nãy, mặc dù nó không rõ câu đó nghĩa là gì. Và khi thấy ông gục gặc đầu ra ý hiểu, nó phấn khởi “xổ” luôn một tràng:
– Không có nổi làm đâu! Mệt quá không nổi làm!
Ông K’Bing lại gật đầu lia lịa và quay lại tiếp tục kéo đá, ra vẻ ta đây đã hiểu nhà ngươi muốn nói gì rồi, nhà ngươi đừng nói thêm nữa, ta điếc tai lắm.
Tùng đứng chôn chân có đến mười phút. Đợi ông K’Bing đi xa thêm một quãng và tấm lưng nâu bóng của ông khuất sau gốc cà phê cạnh lối mòn, nó mới ngồi xuống rờ rẫm nơi chân làm bộ ta đây bị đạp gai đau quá xá và sau khi thận trọng đảo mắt nhìn quanh, nò sè sẹ nhặt chiếc túi vải đỏ lên, nhét vào cạp quần và co giò chạy biến.