Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 26 – Tiết mục bất ngờ – Chương 9
Chương 9
Trừ mấy đứa trong ban cán sự lớp, các tổ còn lại chưa hình dung được cái hoạt cảnh nói về thầy cô mà tổ 2 và tổ 5 bí mật tập dượt mấy bữa nay là hoạt cảnh như thế nào.
Vì vậy khi Minh Vương và Lan Kiều dẫn hai tổ bước ra, lại khệ nệ khiêng theo cả bàn ghế
lên sân khấu thì đám khán giả đang yên lặng theo dõi kia bỗng nhốn nháo hẳn lên.
Dưỡng quay sang Tần:
– Tụi nó định làm gì vậy hở mày?
– Tao cũng chẳng rõ!
Ở dãy bên phải, Kim Em khều Hiển Hoa:
– Các bạn ấy làm gì mà khiêng bàn ghế lên tuốt trên đó vậy hở Hiển Hoa? Nhỏ Hiển Hoa chớp mắt:
– Chắc các bạn ấy định dựng cảnh một lớp học.
– Dựng một lớp học? – Nhỏ Kim Em ngạc nhiên – Làm thế để làm gì?
– Hôm trước bạn Hải bảo tổ 2 và tổ 5 sẽ dựng một hoạt cảnh về thầy cô. Có thầy cô, dĩ nhiên phải có lớp học rồi!
Hiển Hoa không phải là con nhỏ giỏi suy luận. Nhưng lần này nó đoán trúng phóc.
Ở trên sân khấu, sau khi kê bàn kê ghế đâu đó xong xuôi, mười một đứa xúm lại vừa chen chúc giành chỗ vừa cãi nhau chí chớ. Ở phía dưới, thằng Cung bĩu môi:
– Mấy đứa này chả có trật tự kỷ luật tí ti ông cụ nào cả! Đến lúc diễn rồi mà còn giành giật, cãi cọ ầm ĩ, thật chả ra làm sao!
Cung không biết tụi bạn nó đang đóng giả một lớp học mất trật tự. Nó tưởng mấy đứa kia cãi nhau thật. Nó tưởng hoạt cảnh chưa bắt đầu.
Chỉ đến khi đứa thứ mười hai là nhỏ Hải Ngọc nãy giờ vẫn đứng tách riêng ra, vô hai tay vào nhau, cao giọng:
– Các em yên lặng nào! Ồn ào như thế làm sao cô giảng bài được!
Thì Cung mới biết là mình trách nhầm. Không chỉ Cung, nhiều đứa trong lớp đến lúc này mới biết Hải Ngọc đang đóng vai cô giáo. Cả bọn lập tức nín thở, nghếch mắt theo dõi.
Nhưng mặc cho cô giáo la rầy, mười một đắ kia vẫn chen huých la ó, huyên náo không thể tả. Nhỏ Hải Ngọc cau mày, và lại đập hai tay vào nhau:
– Các em có nghe cô nói không?
Tất nhiên là tụi Đỗ Lễ “chẳng nghe cô nói”, bằng chứng là tụi nó vẫn hăng hái gây gổ bất chấp cô giáo cứ nhắc chằm chặp.
Nhỏ Hải Ngọc dường như bất lực. La một hồi, nó đưa tay chặn ngực, húng hắng ho. Tiếng ho của Hải Ngọc khiến thằng Quang buột miệng reo:
– A ha, tao biết rồi! Hải Ngọc đang đóng vai cô Trinh!
Như để chứng minh tài nhận xét nhanh nhạy của Quang, nhỏ Hải Ngọc hắng giọng:
– Này, các em im lặng nghe cô đố này! Em nào cho cô biết con công trang sức bằng cái gì?
Đang ồn ào, nghe cô đố, tụi Đỗ Lễ lập tức ngưng bặt và ngước nhìn “cô giáo”:
– Con công hở cô?
“Cô giáo” mỉm cười:
– Ừ, cô đố các em con công trang sức bằng cái gì?
Lần này nghe rõ câu hỏi, mười một cái miệng đồng thanh đáp:
– Thưa cô, con công trang sức bằng bộ lông ạ! Hải quắn ngứa miệng nói thêm:
– Cô còn câu đố nào kho khó hơn không hở cô? Câu này dễ quá cô ơi!
Nhỏ Hải Ngọc gật gù chưa kịp đáp, thằng Quang ngồi dưới đã láu táu:
– Thế còn con người khác con công ở chỗ nào? Con người trang sức… Đang bô bô, bắt gặp cái trừng mắt của nhỏ Hạnh, Quang liền im thít.
Nhỏ Hải Ngọc phớt lờ thằng Quang lẻo mép, thản nhiên hỏi các “học trò”:
– Con công trang sức bằng bộ lông, thế con người trang sức bằng cái gì hở các em?
Cũng như đầu năm học, nghe “cô giáo” hỏi “dễ” quá, tụi tổ 2 và tổ 5 thi nhau trả lời loạn cào cào. Tụi con gái trưng ra các thứ thời trang, bọn con trai dẫn ra các tiện nghi hiện đại. Hai bên không ai chịu ai, cự cãi ì xèo khiến đám bạn ngồi dưới cười ngặt nghẽo.
Ngay cả cô Trinh cũng không nhịn được cười. Cô không ngờ đứa học trò ngày thường rụt rè và ít nói là Hải Ngọc lại đóng giả cô giống quá thể. Nó ho húng hắng giống hệt cô. Và các cách hỏi đố vừa nghiêm nghị vừa muốn phá ra cười kia càng giống ơi là giống. Cô cũng không ngờ học trò lại dựng hoạt cảnh về thầy cô theo cái kiểu ngộ nghĩnh như thế, lại còn nhớ như in cái câu hỏi đố của cô, câu đố cô vẫn “áp dụng” những khi lớp học ồn ào khiến cô không tài nào giảng bài được.
Cô Trinh cười, và trong lúc cười cô vẫn cảm thấy trái tim mình bồi hồi kỳ lạ, thậm chí cô phải chớp chớp mắt để che giấu sự xúc động đang khiến mặt cô nóng ra.
Ở trên sân khấu, lớp trưởng Xuyến Chi, lớp phó văn thể mỹ Vành Khuyên và hai tổ trưởng Minh Vương, Lan Kiều vừa diễn xuất vừa liếc chừng về phía các vị khán giả đặc biệt để thăm dò phản ứng. Đến khi thấy các thầy cô ai nấy đều bật cười vui vẻ, tụi nó mới thở phào và yên tâm diễn tiếp.
Quỳnh Như trông rõ nụ cười trên môi cô chủ nhiệm. Nụ cười giúp nó thêm tự tin khi tiếp tục
chương trình trong vai cô Nga dạy sử.
Khi “cô Nga” bước ra, “lớp học” vừa mới lắng xuống bỗng ồn lên khủng khiếp. “Cô Nga” lại phải tìm cách “dẹp loạn”.
Dĩ nhiên phương pháp của cô Nga khác hẳn cô Trinh. Cô Trinh dựa vào câu châm ngôn “con công trang sức bằng bộ lông, con người trang sức bằng học vấn”, còn cô Nga dựa vào… chai dầu gió.
Không rõ con nhỏ Quỳnh Như có thường xuyên trúng gió hay không mà nó diễn vai cô Nga cực kỳ xuất sắc. Sau khi hò hét khản cổ vẫn không ăn thua, tụi Đỗ Lễ ồn vẫn cứ ồn, nhỏ Quỳnh Như đưa tay ôm đầu, giọng thảm não:
– Ôi, cô nhức đầu quá! Em nào có mang theo chai dầu gió, cho cô mượn xem nào!
Lời than vãn của “cô Nga” khiến bọn học trò bên dưới vỗ tay rào rào và đồng thanh hét inh:
– Cô Nga! Cô Nga!
Còn các thầy cô thì che miệng cười khúc khích.
Thầy Đoàn dạy thể dục ngồi kế cô Nga, quay qua tủm tỉm trêu:
– Cách của cô hay thật đấy, hôm nào tôi phải bắt chước mới được!
Cô Nga cười cười:
– Môn của thầy dạy ngoài trời, chỉ sợ thầy trúng gió thật thôi!
Khi thầy Đoàn trêu cô Nga, thầy không ngờ chỉ vài phút sau cô Nga đã có dịp trêu lại thầy. Bởi vì khi nhỏ Quỳnh Như vừa lui vào thì Quốc Ân đã bước ra. Nhìn sáng đi mạnh mẽ của nó, người vô tâm đến mấy cũng biết ngay nó là “thầy Đoàn” dạy thể dục chứ không ai!
“Thầy Đoàn” vừa bước ra chính giữa “lớp” đã giơ tay dõng dạc:
– Thầy nói cho các em biết, thể dục không phải là môn học phụ, các em không được lơ là!
– Rồi để cho thuyết phục hơn nữa, “thầy” nhấn mạnh – Các em đừng quên một trí óc minh mẫn chỉ có thể có trong một thân thể tráng kiện! Xưa nay vậy!
Quốc Ân đang hùng hồn thì thằng Lâm đã giơ tay đứng dậy:
– Thưa thầy…
– Gì đó em? Lâm gãi đầu:
– Ngày xưa thì em không biết nhưng ngày nay em thấy bạn Quý ròm có tráng kiện tí ti nào
đâu mà sao bạn ấy vẫn học giỏi hơn em gấp nhiều lần đấy ạ!
Thằng Lâm đột nhiên hỏi một câu cắc cớ khiến “thầy Đoàn” chợt khựng lại:
– Ờ, ờ… Em Quý hở? Trường hợp em Quý là trường hợp ngoại lệ em à!
Câu trả lời ấp a ấp úng của Quốc Ân làm “lớp học” bên trên lẫn lớp học bên dưới cười ầm.
Riêng cô Trinh không cười. Bụng giật thon thót, cô khẽ liếc sang phía thầy Đoàn xem thầy có nổi giận về màn trình diễn vừa rồi của học trò cô không. Cô Trinh không ngọ ngoạy còn đỡ, vừa quay sang, cô càng thêm điếng hồn khi nghe cô Nga đang chọc thầy Đoàn:
– Cách trả lời của thầy cũng hay thật đấy, hôm nào tôi phải bắt chước mới được!
Nhưng thầy Đoàn chẳng tỏ vẻ gì phật ý. Thầy nhìn lên sân khấu, nói lớn:
– Này, hôm đó thầy còn nói thêm một câu nữa mà các em!
Lời khiếu nại của thầy làm mọi người cười ồ. Ở bên trên, như để xác nhận lời thầy, Quốc Ân nghiêm nghị nói với “học trò”:
– Tuy vậy, trong trường hợp phải đối diện với những đề toán hóc búa buộc phải vắt óc suy nghĩ hay gặp phải những cuộc thi căng thẳng, sức chịu đựng của em Quý không thể nào bền bỉ được. Mà một khi sức khỏe sút giảm, trí óc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng…
Cô Nga lại quay qua thầy Đoàn:
– Ôi, lần này thì thầy giải thích mới khoa học làm sao! Thầy Đoàn cười:
– Cô đừng khen tôi nhiều quá, kẻo tôi lại phải tìm một chai dầu gió bây giờ!
Tiếp sau “thầy Đoàn” là “cô Kim Anh”. Nếu căn cứ vào kịch bản đã chuẩn bị sẵn thì sau mỗi lần các nhân vật xuất hiện “speaker” Hạnh phải đứng ra hỏi:
– Các bạn có biết nhân vật vừa rồi là thầy cô nào không?
Nhưng nhỏ Hạnh đã không có dịp hỏi những câu như vậy. Hải Ngọc, Quỳnh Như và Quốc Ân mới bước ra nói một vài câu, tụi bạn đã thi nhau reo tên các thầy cô mà bọn trẻ thủ vai rồi.
Lần này cũng vậy, nhỏ Lan Kiều vừa mở miệng hỏi:
– Phân u-rê, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ dại do ai chế tạo ra hở các em?
Đám học trò ngồi dưới đã hét ầm:
– Cô Kim Anh! Cô Kim Anh!
Đám học trò trên sân khấu cũng nhanh nhẩu không kém:
– Chính các nhà hóa học đã chế tạo ra những thứ đó, thưa cô!
Nhỏ Lan Kiều gật gù:
– Thế vải lụa, len, dạ nhân tạo, nói tóm lại là những chất không có trong tự nhiên, do ai chế tạo ra?
Tụi Đỗ Lễ lại đồng thanh:
– Thưa cô, tất cả những thứ đó cũng do chính các nhà hóa học tạo ra ạ! Cô Kim Anh vui vẻ ngó cô Trinh:
– Học trò của cô nhớ dai thật đấy! Cô Trinh mỉm cười:
– Học trò của cô nữa chứ!
Nhưng Lan Kiều đóng vai cô Kim Anh không buồn cười bằng nhỏ Bội Linh đóng vai cô Diệu Lý.
Cô Diệu Lý dạy môn vật lý nên vừa bước ra chính giữa “lớp”, nhỏ Bội Linh đã hăm hở “quảng cáo” các thành tựu của công nghệ hiện đại, từ chiếc điện thoại di động có thể gọi xuyên lục địa đến chiếc máy vi tính có thể dùng xem phim hay hát karaoke tùy thích, từ trạm không gian của Nga đến đường hầm xuyên eo biển Manche nối liền Anh và Pháp…
Nhỏ Bội Linh nói một thôi một hồi rồi phấn khởi kết luận:
– Với đà tiến đến chóng mặt của khoa học kỹ thuật, hiện nay trong mỗi gia đình, các phương tiện hiện đại, các loại máy móc tối tân không ngừng được trang bị…
Rồi đột ngột chỉ tay vào Quới Lương, nó hào hứng hỏi:
– Em Quới Lương, em hãy nói cho cô biết nhà em vừa sắm loại máy móc nào mới nhất? Quới Lương rụt rè đứng dậy:
– Thưa cô, đó là… cái đồng hồ nước ạ!
Câu trả lời bất ngờ của Quới Lương làm “cô Diệu Lý” đứng sững. Còn thằng Hải quắn ngồi cạnh bĩu môi “xì” một iếng rõ to:
– Tưởng gì! Cái đồng hồ nước xưa rích mà kể ra làm chi! Quới Lương vặc lại:
– Nhưng cô hỏi loại máy móc nào mới nhất trong nhà cơ mà! Mẹ tao làm đơn xin cấp đồng hồ nước cả tám tháng nay, chiều hôm qua người ta mới chịu mang tới!
Lời giải thích thật thà của Quới Lương khiến mọi người cười đau cả bụng. Quả thật, việc xin cấp đồng hồ nước hiện nay ở thành phố đúng là chuyện nhức đầu cho lắm gia đình. Nhưng nếu vì vậy mà cho đó là loại thiết bị gia dụng mới nhất của khoa học kỹ thuật thì quả là bôi bác các nhà sáng chế quá xá cỡ.
Cô Diệu Lý dường như đã quên mất cuộc đối đáp giữa mình và Quới Lương hồi đầu năm học. Nay thấy học trò tái hiện lại câu chuyện oái oăm này ngay trước mắt, cô cười rung cả người.
Cô nhìn cô Trinh, vừa quệt nước mắt vừa nói:
– Cái lớp 8A4 này thật tinh nghịch quá cô à!
Cô bảo “nghịch” nhưng giọng cô lại ra chiều âu yếm. Cô Trinh biết vậy nhưng vẫn vờ đáp:
– Ừ, nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò mà!